Lý thuyết Sinh học 9 Bài 36 (mới 2024 + Bài Tập): Các phương pháp chọn lọc

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 36.

1 3,339 21/12/2023


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc

Bài giảng Sinh học 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc

I. VAI TRÒ CỦA CHỌN LỌC TRONG CHỌN GIỐNG

- Khái niệm: Chọn lọc giống là quá trình chọn lọc do con người tiến hành trên cây trồng, vật nuôi gồm hai mặt song song vừa tích lũy những biến dị có lợi, vừa đào thải những biến dị không có lợi cho con người, tạo giống cây trồng, vật nuôi.

- Vai trò:

+ Chọn được những giống có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt, phù hợp với nhu cầu nhiều mặt và luôn thay đổi của người tiêu dùng.

+ Phục hồi giống cũ đã có biểu hiện thoái hóa.

+ Chọn lọc và đánh giá các biến dị tổ hợp, đột biến để tạo ra giống tốt.

- Phân loại: Có 2 phương pháp chọn lọc cơ bản là chọn lọc hàng loạt và chọn lọc cá thể.

II. CHỌN LỌC HÀNG LOẠT

- Cách tiến hành: Chọn lọc hàng loạt là dựa trên kiểu hình chọn ra một nhóm cá thể phù hợp nhất với mục tiêu chọn lọc để làm giống.

+ Ở cây trồng: Hạt của các cây được thu hoạch chung, trộn lẫn với nhau để trồng trong vụ sau rồi so sánh với năng suất giống ban đầu để đánh giá.

+ Ở vật nuôi: Chọn những cá thể có kiểu hình đẹp, lớn nhanh, đẻ tốt để nhân giống.

+ Tùy thuộc vật liệu khởi đầu, yêu cầu chọn lọc để tiến hành chọn lọc một hay nhiều lần.

- Ứng dụng:

+ Dễ sử dụng với những tính trạng có hệ số di truyền cao.

+ Đối với cây tự thụ phấn, chỉ cần chọn lọc một lần là có hiệu quả còn cây giao phấn hoặc động vật cần chọn lọc nhiều lần.

- Ưu điểm: Đơn giản, dễ làm, ít tốn kém nên dễ áp dụng rộng rãi.

- Nhược điểm:

+ Chỉ căn cứ trên kiểu hình, không xét kiểu gen nên dễ nhầm với thường biến phát sinh do khí hậu và địa hình.

+ Thường chỉ đem lại kết quả nhanh ở thời gian đầu, nâng sức sản xuất đến một mức độ nào đó rồi dừng lại.

III. CHỌN LỌC CÁ THỂ

- Cách tiến hành:

+ Chọn lấy một số ít cá thể tốt nhất sau đó nhân lên riêng rẽ theo từng dòng.

+ So sánh giữa các dòng và chọn dòng tốt.

+ Có thể tiến hành một hay nhiều lần.

- Ứng dụng:

+ Áp dụng cho những tính trạng có hệ số di truyền thấp.

+ Có thể áp dụng một lần đối với các cây nhân giống vô tính hoặc tự thụ phấn. Còn cây giao phấn thì chọn lọc qua nhiều thế hệ.

+ Ở động vật sử dụng phương pháp kiểm tra đực giống qua đời sau.

- Ưu điểm: Kết hợp được sự đánh giá kiểu gen và kiểu hình nên nhanh chóng đạt hiệu quả.

- Nhược điểm: Đòi hỏi công phu, tốn kém nên khó áp dụng rộng rãi.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 36: Các phương pháp chọn lọc

Câu 1: Vai trò của chọn lọc trong chọn giống là

A. làm nâng cao năng suất và chất lượng của vật nuôi, cây trồng.

B. tạo ra giống mới góp phần phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

C. phục hồi các giống đã thoái hóa, tạo giống mới hoặc cải tạo giống cũ.

D. loại bỏ các giống đã cũ và bị thoái hóa.

Đáp án: D

Giải thích:

- Vai trò của chọn lọc trong chọn giống là:

+ Loại bỏ các giống đã có biểu hiện thoái hóa rõ rệt.

+ Đánh giá, chọn lọc các giống đột biến, các biến dị tổ hợp.

- Chọn lọc trong chọn giống không có vai trò tạo giống, phục hồi giống cũng như là nâng cao năng suất của giống.

Câu 2: Chọn lọc cá thể thích hợp với đối tượng nào?

A. Cây tự thụ phấn.

B. Động vật ngẫu phối.

C. Cả động vật và thực vật.

D. Động vật giao phối gần.

Đáp án: A

Giải thích:

Chọn lọc cá thể thích hợp với cây tự thụ phấn, cho hiệu quả nhanh, cũng thích hợp cho những cây có thể nhân giống vô tính bằng cành, củ, mắt ghép.

Câu 3: Cho sơ đồ sau:

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 36 có đáp án - Các phương pháp chọn lọc (ảnh 1)

Sơ đồ trên thể hiện phương pháp chọn lọc giống nào?

A. Chọn lọc hàng loạt hai lần.

B. Chọn lọc hàng loạt một lần.

C. Chọn lọc cá thể một lần.

D. Chọn lọc cá thể hai lần.

Đáp án: C

Giải thích:

Ở hình trên, ở năm I, trên ruộng chọn giống khởi đầu (1) người ta chọn ra những cá thể tốt nhất. Hạt của mỗi cây được gieo riêng thành từng dòng để so sánh (năm II). Như vây, đâu là sơ đồ chọn lọc cá thể một lần.

Câu 4: Đặc điểm của chọn lọc hàng loạt là

A. đơn giản, dễ làm, ít tốn kém.

B. chỉ chọn lọc dựa trên kiểu hình.

C. chỉ đem lại kết quả nhanh ở thời gian đầu.

D. tất cả các đặc điểm trên.

Đáp án: D

Giải thích:

Phương pháp chọn lọc hàng loạt có đặc điểm là:

- Đơn giản, dễ làm, ít tốn kém nên có thể áp dụng rộng rãi.

- Chỉ chọn lọc dựa trên kiểu hình nên dễ nhầm với thường biến phát sinh do khí hậu và địa hình.

- Chỉ đem lại kết quả nhanh ở thời gian đầu, nâng sức sản xuất đến một mức độ nào đó rồi dừng lại.

Câu 5: Nhược điểm của chọn lọc cá thể là

A. giá thành cao, không được áp dụng phổ biến.

B. khó tiến hành.

C. đòi hỏi kĩ thuật cao.

D. cả A, B, C.

Đáp án: D

Giải thích:

Nhược điểm của chọn lọc cá thể là giá thành cao, khó tiến hành, đòi hỏi kĩ thuật cao nên thường không được áp dụng phổ biến.

Câu 6: Đặc điểm nào là ưu điểm của chọn lọc cá thể?

A. Giá thành thấp.

B. Dễ thực hiện.

C. Kết quả nhanh.

D. Có thể áp dụng rộng rãi cả thực vật và động vật.

Đáp án: C

Giải thích:

Chọn lọc cá thể phối hợp được việc chọn lọc dựa trên kiểu hình với việc kiểm tra kiểu gen, đạt kết quả nhanh.

Câu 7: Hoạt động nào sau đây không có ở chọn lọc hàng loạt?

A. Có sự đánh giá kiểu hình ở đời con.

B. Có thể tiến hành chọn lọc một lần hay nhiều lần.

C. Con cháu của các cá thể chọn giữ lại được nhân lên theo từng dòng riêng rẽ.

D. Thực hiện đối với cây tự thụ phấn và cây giao phấn.

Đáp án: C

Giải thích:

Trong chọn lọc hàng loạt, con cháu của các cá thể chọn giữ lại được thu hoạch chung để làm giống cho vụ sau.

Câu 8: Phát biểu nào sau đây sai về đặc điểm của chọn lọc hàng loạt?

A. Chọn lọc hàng loạt có nhược điểm là chỉ dựa vào kiểu hình nên dễ nhầm với thường biến phát sinh do khí hậu và địa hình.

B. Phương pháp chon lọc hàng loạt đơn giản, dễ làm, ít tốn kém.

C. Chọn lọc hàng loạt thường chỉ đem lại kết quả nhanh ở thời gian đầu, nâng sức sản xuất đến một mức độ nào đó rồi dừng lại.

D. Chọn lọc hàng loạt chỉ được áp dụng ở thực vật.

Đáp án: D

Giải thích:

Chọn lọc hàng loạt có thể áp dụng được trên cả thực vật và vật nuôi.

Câu 9: Dưới đây là các bước cơ bản trong chọn giống lúa của một số nông dân:

- Gieo trồng giống khởi đầu.

- Chọn những cây ưu tú để làm giống cho vụ sau.

- Hạt của mỗi cây được gieo trồng riêng thành từng dòng.

- So sánh năng suất, chất lượng của các dòng với nhau, so sánh với giống khởi đầu và giống đối chứng để chọn ra dòng tốt nhất.

Các thao tác nêu trên là của phương pháp chọn lọc nào dưới đây?

A. Chọn lọc cá thể.

B. Chọn lọc hàng loạt một lần.

C. Chọn lọc hàng loạt hai lần.

D. Chọn lọc hàng loạt nhiều lần.

Đáp án: A

Giải thích:

Các thao tác trên là phương pháp chọn lọc cá thể một lần.

Câu 10: Phát biểu nào sau đây đúng?

A. Chọn lọc cá thể và chọn lọc hàng loạt là hai phương pháp chọn lọc cơ bản trong chọn giống.

B. Chọn lọc hàng loạt chỉ được áp dụng ở thực vật.

C. Chọn lọc cá thể không được áp dụng ở động vật.

D. Chọn lọc hàng loạt đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao hơn chọn lọc cá thể.

Đáp án: A

Giải thích:

A. Đúng. Chọn lọc cá thể và chọn lọc hàng loạt là hai phương pháp chọn lọc cơ bản trong chọn giống.

B. Sai. Chọn lọc hàng loạt được áp dụng ở cả thực vật và vật nuôi.

C. Sai. Chọn lọc cá thể vẫn được áp dụng ở động vật thường là kiểm tra đực giống qua đời con.

D. Sai. Chọn lọc hàng loạt đơn giản, dễ làm nhưng hiệu quả không cao hơn chọn lọc cá thể.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 37: Thành tựu chọn giống ở Việt Nam

Lý thuyết Bài 38: Thực hành: Tập dượt thao tác thụ phấn

Lý thuyết Bài 39: Thực hành: Tìm hiểu thành tựu chọn giống vật nuôi và cây trồng

Lý thuyết Bài 40: Ôn tập phần di truyền và biến dị

Lý thuyết Bài 41: Môi trường và các nhân tố sinh thái

1 3,339 21/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: