Lý thuyết Sinh học 9 Bài 42 (mới 2024 + Bài Tập): Ảnh hưởng của ánh sáng lên đời sống sinh vật

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 42: Ảnh hưởng của ánh sáng lên đời sống sinh vật ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 42.

1 5,321 21/12/2023


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 42: Ảnh hưởng của ánh sáng lên đời sống sinh vật

Bài giảng Sinh học 9 Bài 42: Ảnh hưởng của ánh sáng lên đời sống sinh vật

I. ẢNH HƯỞNG CỦA ÁNH SÁNG LÊN ĐỜI SỐNG THỰC VẬT

- Cây có tính hướng sáng. Ánh sáng có ảnh hưởng tới hình thái và hoạt động sinh lí của cây:

+ Về hình thái: Những cây mọc trong rừng có thân cao, thẳng, cành chỉ tập trung ở ngọn cây, các cành cây phía dưới sớm bị rụng (hiện tượng tỉa cành tự nhiên); phiến lá nhỏ hẹp, màu xanh nhạt. Những cây mọc ngoài sáng thường thấp và tán rộng; phiến lá to, màu xanh sẫm.

(a) Cây thông mọc xen nhau trong rừng

(b) Cây thông mọc riêng rẽ nơi quang đãng

+ Về hoạt động sinh lí: Ánh sáng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sinh lí của cây như quang hợp, hô hấp và khả năng hút nước của cây.

- Tùy theo khả năng thích nghi với điều kiện chiếu sáng, thực vật được chia thành 2 nhóm: nhóm cây ưa sáng và nhóm cây ưa bóng.

Đặc điểm

của cây

Cây ưa sáng

Cây ưa bóng

Đặc điểm

hình thái

+ Thân cây nếu mọc riêng lẻ thường thấp, phân cành nhiều, tán rộng; cây mọc ở nơi nhiều cây thì thân cây cao, mọc thẳng, cành tập trung phần ngọn, lá và cành phía dưới sớm rụng.

+ Lá nhỏ, tầng cutin dày, màu nhạt, phiến lá dày, mô dậu phát triển, lá thường xếp xiên góc.

+ Lục lạp có kích thước nhỏ.

+ Thân cây nhỏ sống ở dưới tán các cây khác.

+ Lá to, tầng cutin mỏng, màu đậm, phiến lá mỏng, mô dậu kém phát triển, lá thường xếp xen kẽ nhau và nằm ngang so với mặt đất.

+ Lục lạp có kích thước lớn.

Đặc điểm sinh lí

+ Cây ưa sáng có cường độ quang hợp và hô hấp cao dưới ánh sáng mạnh.

+ Cây ưa bóng có cường độ quang hợp và hô hấp cao dưới ánh sáng yếu.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA ÁNH SÁNG LÊN ĐỜI SỐNG ĐỘNG VẬT

- Ánh sáng giúp động vật định hướng di chuyển trong không gian. Ví dụ: ánh sáng giúp ong kiếm mật hoa, giúp chim di cư,…

Ong sử dụng Mặt Trời để báo hiệu nơi có thức ăn cho đàn

- Ánh sáng ảnh hưởng đến đời sống của động vật:

+ Nhịp chiếu sáng ngày, đêm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều loài động vật. Ví dụ: Nhiều loài thú hoạt động vào ban ngày như trâu, bò, dê, cừu,…; nhiều loài thú hoạt động nhiều vào ban đêm như chồn, sáo, sóc,…

+ Ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát dục ở động vật. Ví dụ: Mùa xuân và mùa hè có ngày dài hơn ngày mùa đông sẽ là thời gian sinh sản của nhiều loài chim;…

- Dựa vào sự thích nghi với điều kiện chiếu sáng, người ta phân biệt hai nhóm động vật: nhóm động vật ưa sáng và nhóm động vật ưa tối.

+ Nhóm động vật ưa sáng: Gồm những động vật hoạt động ban ngày như gà, chim,… Ở nhóm này, các động vật thường có cơ quan thị giác phát triển, thân con vật thường có màu sắc (màu sắc báo hiệu, màu sắc ngụy trang,…).

+ Nhóm động vật ưa tối: Gồm những động vật hoạt động vào ban đêm, sống trong hang, trong đất, vùng nước sâu như đáy biển như dơi, cú mèo,… Ở nhóm này, các động vật thường có thân màu sẫm, mắt có thể rất phát triển (cú mèo, chim lợn,…) hoặc nhỏ lại (lươn), phát triển xúc giác, hoặc có cơ quan phát sáng.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 42: Ảnh hưởng của ánh sáng lên đời sống sinh vật

Câu 1: (NB) Ánh sáng ảnh hưởng tới đời sống thực vật như thế nào?

A. Làm thay đổi hình thái bên ngoài của thân, lá và khả năng quang hợp của thực vật.

B. Làm thay đổi các quá trình sinh lí quang hợp, hô hấp.

C. Làm thay đổi những đặc điềm hình thái và hoạt động sinh lí của thực vật.

D. Làm thay đổi đặc điểm hình thái của thân, lá và khả năng hút nước của rễ.

Đáp án: C

Giải thích:

Ánh sáng làm thay đổi những đặc điềm hình thái và hoạt động sinh lí của thực vật.

Câu 2: (TH) Nếu ánh sáng tác động vào cây xanh từ một phía nhất định, sau một thời gian cây mọc như thế nào?

A. Cây vẫn mọc thẳng.

B. Cây luôn quay về phía mặt trời.

C. Ngọn cây rũ xuống.

D. Ngọn cây sẽ mọc cong về phía có nguồn sáng.

Đáp án: D

Giải thích:

Ngọn cây có tính hướng sáng. Nếu ánh sáng tác động vào cây xanh từ một phía nhất định, sau một thời gian ngọn cây sẽ mọc cong về phía có nguồn sáng.

Câu 3: (NB) Hoạt động nào dưới đây của cây xanh chịu ảnh hưởng bởi ánh sáng?

A. Hô hấp.

B. Quang hợp.

C. Thoát hơi nước.

D. Cả 3 hoạt động trên.

Đáp án: D

Giải thích:

Cả 3 hoạt động hô hấp, quang hợp, thoát hơi nước của cây xanh đều chịu ảnh hưởng bởi ánh sáng.

Câu 4: (TH) Hiện tượng tỉa cành tự nhiên là do nguyên nhân nào?

A. Các cành chết do bị tổn thương.

B. Các cành quá dài nên bị gãy.

C. Các cành không tiếp xúc được với ánh sáng, không quang hợp được.

D. Cây mọc dày quá, làm một số cây bị yếu và chết đi.

Đáp án: C

Giải thích:

Có hiện tượng tỉa cành tự nhiên của thực vật là do cành dưới nhận được ít ánh sáng nên quang hợp kém, ít tạo được chất hữu cơ không đủ nuôi dưỡng cành.

Câu 5: (NB) Tuỳ theo khả năng thích nghi của thực vật với nhân tố ánh sáng, người ta chia thực vật làm 2 nhóm là

A. nhóm kị sáng và nhóm kị bóng.

B. nhóm ưa sáng và nhóm kị bóng.

C. nhóm kị sáng và nhóm ưa bóng.

D. nhóm ưa sáng và nhóm ưa bóng.

Đáp án: D

Giải thích:

Thực vật được chia thành 2 nhóm khác nhau tùy thuộc vào khả năng thích nghi với điều kiện chiếu sáng:

- Thực vật ưa sáng.

- Thực vật ưa bóng.

Câu 6: (NB) Cây ưa sáng thường sống nơi nào?

A. Nơi nhiều ánh sáng tán xạ.

B. Nơi có cường độ chiếu sáng trung bình.

C. Nơi quang đãng.

D. Nơi khô hạn.

Đáp án: C

Giải thích:

Cây ưa sáng thích nghi với cường độ chiếu sáng cao → Cây ưa sáng thường sống nơi quang đãng.

Câu 7: (NB) Loài thực vật nào dưới đây thuộc nhóm ưa sáng?

A. Cây lúa.

B. Cây ngô.

C. Cây phi lao.

D. Cả A, B và C đều đúng.

Đáp án: D

Giải thích:

Thực vật ưa sáng là những cây sống nơi quang đãng. Cây ngô, phi lao, lúa,… đều là những cây ưa sáng.

Câu 8: (NB) Lá cây ưa sáng có đặc điểm hình thái như thế nào?

A. Phiến lá rộng, màu xanh sẫm.

B. Phiến lá dày, rộng, màu xanh nhạt.

C. Phiến lá hẹp, dày, màu xanh nhạt.

D. Phiến lá hẹp. mòng, màu xanh sẫm.

Đáp án: C

Giải thích: Lá cây ưa sáng có phiến lá hẹp, dày, màu xanh nhạt.

Câu 9: (VD) Cây thông mọc riêng rẽ nơi quang đãng thường có tán rộng hơn cây thông mọc xen nhau trong rừng vì

A. ánh sáng mặt trời tập trung chiếu vào cành cây phía trên.

B. cây có nhiều chất dinh dưỡng.

C. ánh sáng mặt trời chiếu được đến các phía của cây.

D. cây có nhiều chất dinh dưỡng và phần ngọn của cây nhận nhiều ánh sáng.

Đáp án: C

Giải thích:

- Cây thông mọc riêng rẽ nơi quang đãng thường thì ánh sáng sẽ được chiếu đến từ mọi phía → Tán cây rộng, phát triển mọi phía.

- Cây mọc xen nhau trong rừng thì ánh sáng thường chỉ tập trung ở phía trên của cây → Tán cây hẹp hơn.

Câu 10: (VD) Khi chuyển những cây đang sống trong bóng râm ra sống nơi có cường độ chiếu sáng mạnh thì khả năng sống của chúng như thế nào?

A. Vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.

B. Khả năng sống tăng mạnh.

C. Khả năng sống bị giảm, nhiều khi bị chết.

D. Không thể sống được.

Đáp án: C

Giải thích:

Khi chuyển những cây đang sống trong bóng râm ra sống nơi có cường độ chiếu sáng mạnh → Cây không kịp thích ứng với điều kiện cường độ ánh sáng mạnh → Khả năng sống của cây bị giảm, nhiều khi bị chết.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 43: Ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm lên đời sống sinh vật

Lý thuyết Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật

Lý thuyết Bài 45-46: Thực hành: Tìm hiểu môi trường và ảnh hưởng của một số nhân tố sinh thái lên đời sống sinh vật

Lý thuyết Bài 47: Quần thể sinh vật

Lý thuyết Bài 48: Quần thể người

1 5,321 21/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: