Lý thuyết Sinh học 9 Bài 16 (mới 2024 + Bài Tập): ADN và bản chất của gen

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 16: ADN và bản chất của gen ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 16.

1 4,151 21/12/2023
Tải về


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 16: ADN và bản chất của gen

I. ADN TỰ NHÂN ĐÔI THEO NHỮNG NGUYÊN TẮC NÀO?

1. Thời gian và vị trí diễn ra

- Thời gian: tại kì trung gian của phân bào.

- Vị trí: diễn ra chủ yếu trong nhân tế bào.

2. Diễn biến

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 16: ADN và bản chất của gen (ảnh 1)

Sơ đồ tự nhân đôi của phân tử ADN

- Khi bắt đầu quá trình tự nhân đôi, ADN tháo xoắn, hai mạch ADN tách nhau dần dần theo chiều dọc.

- Các nuclêôtit của mạch khuôn liên kết với nuclêôtit tự do trong môi trường theo nguyên tắc bổ sung để dần hình thành mạch mới. Hai mạch ADN mới được tổng hợp theo chiều ngược nhau.

- Khi quá trình tự nhân đôi kết thúc, 2 phân tử ADN con được tạo thành rồi đóng xoắn và sau này chúng được phân chia cho 2 tế bào con thông qua quá trình phân bào.

→ Kết quả: Từ 1 phân tử ADN mẹ ban đầu hình thành nên 2 ADN con giống nhau và giống hệt ADN mẹ.

3. Những nguyên tắc trong quá trình tự nhân đôi của ADN

- Nguyên tắc bổ sung (NTBS): Mạch mới của ADN con được tổng hợp dựa trên mạch khuôn của ADN mẹ. Các nuclêôtit ở mạch khuôn liên kết với các nuclêôtit tự do trong môi trường nội bào theo nguyên tắc bổ sung: A liên kết với T hay ngược lại , G liên kết với X hay ngược lại.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 16: ADN và bản chất của gen (ảnh 1)

- Nguyên tắc giữ lại một nửa (bán bảo toàn): Trong mỗi ADN con có một mạch của ADN mẹ (mạch cũ), mạch còn lại được tổng hợp mới.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 16: ADN và bản chất của gen (ảnh 1)

Nguyên tắc bán bảo tồn trong nhân đôi ADN

Chính sự nhân đôi của ADN là cơ sở của sự nhân đôi của NST, tiếp theo sự hình thành 2 ADN con là sự hình thành chất nền prôtêin, tạo nên 2 crômatit.

II. BẢN CHẤT CỦA GEN

- Gen là một đoạn của phân tử ADN có chức năng di truyền xác định.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 16: ADN và bản chất của gen (ảnh 1)

- Gen cấu trúc là gen mang thông tin quy định cấu trúc của một loại prôtêin.

- Trung bình mỗi gen gồm khoảng 600 đến 1500 cặp nuclêôtit có trình tự xác định.

- Mỗi phân tử ADN có thể chứa nhiều gen, mỗi gen nằm ở 1 vị trí xác định trên ADN.

- Người ta đã hiểu biết khá sâu về cấu trúc và chức năng của gen, xác lập được bản đồ phân bố các gen trên NST ở một số loài → Điều này có ý nghĩa to lớn trong chọn giống, y học và kĩ thuật di truyền.

III. CHỨC NĂNG CỦA ADN

ADN là vật chất di truyền ở cấp độ phân tử với 2 chức năng quan trọng:

- Lưu giữ thông tin di truyền: ADN là cấu trúc mang gen → ADN là nơi lưu trữ thông tin di truyền (nghĩa là thông tin về cấu trúc của prôtêin).

- Truyền đạt thông tin di truyền: ADN có khả năng tự nhân đôi → ADN thực hiện sự truyền đạt thông tin di truyền qua các thế hệ tế bào và cơ thể. Chính sự tự nhân đôi của ADN là cơ sở phân tử của hiện tượng di truyền và sinh sản, duy trì các đặc tính của từng loài ổn định qua các thế hệ, đảm bảo sự liên tục sinh sôi của sinh vật.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 16: ADN và bản chất của Gen

Câu 1: (NB) Khái niệm nào sau đây còn được dùng để chỉ sự tự nhân đôi của ADN?

A. Tự sao.

B. Phiên mã.

C. Dịch mã.

D. Cả A, B, C.

Đáp án: A

Giải thích:

- Sự tự nhân đôi của ADN còn được gọi là sự tự sao ADN.

- Phiên mã là quá trình tổng hợp ARN.

- Dịch mã là quá trình tổng hợp prôtêin.

Câu 2: (NB) Quá trình tự nhân đôi của gen nằm trên NST xảy ra ở đâu?

A. Chất tế bào.

B. Màng tế bào.

C. Nhân tế bào.

D. Thành tế bào.

Đáp án: C

Giải thích: Quá trình tự nhân đôi của gen nằm trên NST xảy ra ở tại nhân tế bào.

Câu 3: (NB) Sự nhân đôi của ADN xảy ra vào thời điểm nào trong chu kì tế bào?

A. Kì trung gian.

B. Kì đầu.

C. Kì giữa.

D. Kì sau.

Đáp án: A

Giải thích: ADN tự nhân đôi ở kì trung gian trong chu kì của tế bào.

Câu 4: (NB) ADN tự nhân đôi khi nhiễm sắc thể ở trạng thái như thế nào?

A. Trạng thái sợi kép.

B. Trạng thái sợi đơn.

C. Trạng thái đóng xoắn.

D. Trạng thái sợi mảnh chưa xoắn.

Đáp án: D

Giải thích: Khi nhân đôi ADN, NST dãn xoắn ở dạng sợi mảnh (NST ở dạng đơn).

Câu 5: (NB) Nguyên liệu cung cấp cho quá trình nhân đôi ADN là

A. các axit amin tự do trong tế bào.

B. các nulêôtit tự do trong tế bào.

C. các liên kết hiđrô.

D. các bazơ nitơ trong tế bào.

Đáp án: B

Giải thích: Quá trình nhân đôi ADN cần môi trường cung cấp nuclêôtit tự do trong tế bào.

Câu 6: (NB) Nguyên tắc tổng hợp ADN là

A. nguyên tắc bổ sung và bán bảo toàn.

B. nguyên tắc khuôn mẫu.

C. nguyên tắc bán bảo toàn.

D. nguyên tắc đa phân.

Đáp án: A

Giải thích:

ADN được tổng hợp dựa trên 2 nguyên tắc:

- Nguyên tắc bổ sung: giữa nuclêôtit môi trường và nuclêôtit trên mạch khuôn có sự bắt cặp giữa A – T; G – X.

- Nguyên tắc bán bảo toàn: trong mỗi ADN con có 1 mạch của ADN mẹ, 1 mạch mới hoàn toàn.

Câu 7: (NB) Yếu tố giúp cho phân tử ADN tự nhân đôi đúng mẫu là

A. sự tham gia của các nuclêôtit tự do trong môi trường nội bào.

B. nguyên tắc bổ sung.

C. sự tham gia xúc tác của các enzyme.

D. cả 2 mạch của ADN đều làm mạch khuôn.

Đáp án: B

Giải thích: ADN tự nhân đôi đúng mẫu do tuân theo nguyên tắc bổ sung. Sự tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc bổ sung giúp cho các ADN con được sinh ra giống nhau và giống ADN, đảm cho sự di truyền toàn vẹn thông tin di truyền.

Câu 8: (NB) Trong nhân đôi ADN thì các nuclêôtit tự do trong môi trường nội bào liên kết với các nuclêôtit trên mạch khuôn của ADN mẹ theo nguyên tắc

A. A liên kết với G và ngược lại, T liên kết với X và ngược lại.

B. A liên kết với X và ngược lại, T liên kết với G và ngược lại.

C. A liên kết với T và ngược lại, G liên kết với X và ngược lại.

D. T liên kết với U và ngược lại, G liên kết với X và ngược lại.

Đáp án: C

Giải thích: Các nuclêôtit tự do của môi trường liên kết với nuclêôtit của mạch khuôn theo NTBS: A liên kết với T và ngược lại, G liên kết với X và ngược lại.

Câu 9: (NB) Nguyên tắc bán bảo tồn trong cơ chế nhân đôi của ADN là

A. hai ADN mới được hình thành sau khi nhân đôi, hoàn toàn giống nhau và giống với ADN mẹ ban đầu.

B. hai ADN mới được hình thành sau khi nhân đôi, có một ADN giống với ADN mẹ còn ADN kia có cấu trúc đã thay đổi.

C. trong 2 ADN mới, mỗi ADN gồm có một mạch cũ và một mạch mới tổng hợp.

D. sự nhân đôi xảy ra trên 2 mạch của ADN trên hai hướng ngược chiều nhau.

Đáp án: C

Giải thích: Nguyên tắc bán bảo toàn (giữ lại một nửa): Mỗi ADN con có 1 mạch cũ của ADN mẹ, mạch còn lại được tổng hợp mới.

Câu 10: (NB) Sự nhân đôi của ADN trên cơ sở nguyên tắc bổ sung và bán bảo toàn có tác dụng

A. đảm bảo duy trì thông tin di truyền ổn định qua các thế hệ tế bào.

B. đảm bảo duy trì thông tin di truyền ổn định qua các thế hệ cơ thể.

C. đảm bảo duy trì thông tin di truyền ổn định qua các thế hệ tế bào và cơ thể.

D. đảm bảo duy trì thông tin di truyền từ nhân ra tế bào chất.

Đáp án: C

Giải thích: Sự nhân đôi của ADN trên cơ sở nguyên tắc bổ sung và bán bảo tồn có tác dụng đảm bảo duy trì thông tin di truyền ổn định qua các thế hệ tế bào vàs cơ thể.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 14: Thực hành: quan sát hình thái nhiễm sắc thể

Lý thuyết Bài 15: ADN

Lý thuyết Bài 17: Mối quan hệ giữa gen và ARN

Lý thuyết Bài 18: Cấu trúc prôtêin

Lý thuyết Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng

1 4,151 21/12/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: