Lý thuyết Sinh học 9 Bài 18 (mới 2024 + Bài Tập): Cấu trúc prôtêin

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc prôtêin ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 18.

1 3863 lượt xem
Tải về


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc prôtêin

I. CẤU TRÚC CỦA PRÔTÊIN

1. Cấu trúc hóa học của prôtêin

- Prôtêin là hợp chất hữu cơ gồm các nguyên tố cơ bản: C, H, O, N, ngoài ra còn có thêm một số nguyên tố khác như S, P.

- Prôtêin là một đại phân tử có khối lượng và kích thước lớn (có thể dài đến 0,1µm, khối lượng có thể nặng đến hàng triệu đvC).

- Prôtêin được cấu trúc theo nguyên tắc đa phân. Đơn phân của prôtêinhơn 20 loại axit amin → Thành phần, số lượng và trình tự sắp xếp các axit amin quy định sự đa dạng và đặc thù của prôtêin.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc prôtêin (ảnh 1)

Cấu trúc của axit amin

2. Cấu trúc không gian của prôtêin

- Tính đa dạng và đặc thù của prôtêin còn được biểu hiện ở các dạng cấu trúc không gian:

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc prôtêin (ảnh 1)

Các bậc cấu trúc của phân tử prôtêin

+ Cấu trúc bậc 1: là trình tự sắp xếp các axit amin trong chuỗi axit amin.

+ Cấu trúc bậc 2: là chuỗi axit amin tạo vòng xoắn lò xo đều đặn hoặc tạo dạng sợi bện lại với nhau như dây thừng tạo cho sợi chịu lực khỏe hơn.

+ Cấu trúc bậc 3: là dạng không gian ba chiều của prôtêin, do cấu trúc bậc 2 cuộn xếp theo kiểu đặc trưng cho từng loại prôtêin.

+ Cấu trúc bậc 4: là cấu trúc của một số loại prôtêin gồm 2 hay nhiều chuỗi axit amin cùng loại hay khác loại kết hợp với nhau.

- Ở dạng cấu trúc không gian đặc thù (từ cấu trúc bậc 3 trở lên), prôtêin mới thực hiện chức năng của nó.

II. Chức năng của prôtêin

Đối với tế bào và cơ thể, prôtêin có nhiều chức năng quan trọng liên quan đến toàn bộ hoạt động sống của tế bào, biểu hiện thành tính trạng của cơ thể:

1. Chức năng cấu trúc

- Prôtêin là thành phần cấu tạo của chất nguyên sinh, là hợp phần quan trọng xây dựng nên các bào quan và màng sinh chất. Từ đó, hình thành các đặc điểm giải phẫu, hình thái của các mô, các cơ quan, hệ cơ quan và cơ thể.

- Ví dụ: histôn là loại prôtêin tham gia vào cấu trúc của NST; côlagen và elastin là thành phần chủ yếu của da và mô liên kết; kêratin ở trong móng, sừng, tóc, lông.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc prôtêin (ảnh 1)

2. Chức năng xúc tác các quá trình trao đổi chất

- Enzim (có bản chất là prôtêin) tham gia xúc tác cho nhiều phản ứng hóa sinh trong quá trình trao đổi chất trong tế bào.

- Ví dụ: enzim amilaza xúc tác cho quá trình phân giải tinh bột,…

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc prôtêin (ảnh 1)

Enzim amilaza

3. Chức năng điều hòa các quá trình trao đổi chất

- Các hoocmôn (phần lớn có bản chất là prôtêin) có vai trò điều hòa các quá trình trao đổi chất trong tế bào và cơ thể.

- Ví dụ: Insulin và glucagôn có vai trò điều hòa lượng đường huyết trong máu, tirôxin điều hòa sức lớn của cơ thể,…

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc prôtêin (ảnh 1)

Vai trò của insulin và glucagôn trong điều hòa đường huyết của cơ thể

4. Một số chức năng khác của prôtêin

Ngoài các chức năng trên, prôtêin còn đảm nhiệm nhiều chức năng khác như:

- Bảo vệ cơ thể (các kháng thể).

- Vận động của tế bào và cơ thể.

- Cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của tế bào, cơ thể khi cơ thể thiếu hụt gluxit.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 18: Cấu trúc Prôtêin

Câu 1: (NB) Đơn phân cấu tạo của prôtêin là

A. axit nuclêic.

B. nuclêôtit.

C. axit amin.

D. axit phôtphoric.

Đáp án: C

Giải thích: Đơn phân cấu tạo của prôtêin là các axit amin.

Câu 2: (NB) Có bao nhiêu loại đơn phân tham gia cấu tạo prôtêin?

A. 4.

B. 8.

C. 16.

D. hơn 20.

Đáp án: D

Giải thích: Có hơn 20 loại axit amin tham gia cấu tạo prôtêin. Số lượng đơn phân lớn khiến cho prôtêin trở thành phân tử hữu cơ đa dạng bậc nhất trong tế bào.

Câu 3: (NB) Các nguyên tố hoá học chính tham gia cấu tạo prôtêin là

A. C, H, O, P.

B. C, H, O, N.

C. K, H, P, O, S, N.

D. C, O, N, P.

Đáp án: B

Giải thích: Prôtêin là hợp chất hữu cơ gồm 4 nguyên tố chính: C, H, O, N và có thể gồm 1 số nguyên tố khác.

Câu 4: (NB) Đặc điểm nào dưới đây không phải là sự giống nhau giữa prôtêin và axit nuclêic?

A. Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.

B. Các đơn phân đều chứa các nguyên tố (C, H, O, N).

C. Đều được tổng hợp trực tiếp từ khuôn mẫu ADN.

D. Đều có tính đa dạng và đặc thù.

Đáp án: C

Giải thích: C sai vì prôtêin được tổng hợp từ khuôn mẫu mARN, không phải ADN.

Câu 5: (TH) Đặc điểm chung về cấu tạo của ADN, ARN và prôtêin là

A. đều là đại phân tử, có cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.

B. đều có kích thước và khối lượng bằng nhau.

C. đều được cấu tạo từ các nuclêôtit.

D. đều được cấu tạo từ các axit amin.

Đáp án: A

Giải thích: ADN, ARN và prôtêin đều là đại phân tử hữu cơ, có cấu tạo theo nguyên tắc đa phân. Trong đó, ADN được cấu tạo từ các đơn phân là nuclêôtit (A, T, X, G); ARN được cấu tạo từ các đơn phân là nuclêôtit (A, U, X, G); prôtêin được cấu tạo từ các đơn phân là các axit amin.

Câu 6: (NB) Yếu tố nào tạo nên tính đa dạng và tính đặc thù của prôtêin?

A. Do có nhiều loại axit amin khác nhau.

B. Do mỗi loại prôtêin có chiều dài khác nhau.

C. Do số lượng thành phần và cách sắp xếp khác nhau của 20 loại axit amin trong phân tử và cấu trúc không gian đặc thù.

D. Do số lượng và cách sắp xếp khác nhau của 20 loại axit amin.

Đáp án: C

Giải thích:

Tính đa dạng và đặc thù của prôtêin được tạo nên bởi:

- Thành phần, số lượng và sự sắp xếp của các axit amin.

- Cấu trúc không gian của prôtêin.

→ Nhờ đó, tạo nên vô số các phân tử prôtêin khác nhau, đảm nhận các chức năng khác nhau.

Câu 7: (TH) Yếu tố nào sau đây chi phối nhiều nhất đến tính đặc thù của prôtêin?

A. Trình tự sắp xếp các axit amin trong phân tử prôtêin đó.

B. Cấu trúc không gian của phân tử prôtêin đó.

C. Số lượng axit amin trong phân tử prôtêin đó.

D. Thành phần axit amin trong phân tử prôtêin đó.

Đáp án: A

Giải thích: Yếu tố chi phối nhiều nhất đến tính đặc thù của prôtêin là trình tự sắp xếp các axit amin trong phân tử prôtêin đó. Các phân tử có số lượng và thành phần axit amin giống nhau vẫn có thể khác nhau bởi trình tự sắp xếp các axit amin.

Câu 8: (NB) Chuỗi pôlipeptit cuộn xoắn lò xo hay gấp nếp hình ziczắc lại cuộn xoắn một lần nữa theo các kiểu khác nhau tương ứng với hình thức cấu trúc ở bậc nào?

A. Bậc I.

B. Bậc II.

C. Bậc III.

D. Bậc IV.

Đáp án: C

Giải thích:

- Đây là cấu trúc bậc 3 vì cấu trúc bậc 2 là cuộn xoắn lò xo hoặc gấp nếp ziczắc mà cuộn xoắn thêm thành cấu trúc bậc 3.

- Đây không thể là cấu trúc bậc 4 vì cấu trúc bậc 4 phải gồm từ 2 chuỗi pôlipeptit trở lên.

Câu 9: (NB) Chuỗi pôlipeptit mạch thẳng tương ứng với hình thức cấu trúc ở bậc nào?

A. Bậc I.

B. Bậc II.

C. Bậc III.

D. Bậc IV.

Đáp án: A

Giải thích: Chuỗi pôlipeptit mạch thẳng tương ứng với hình thức cấu trúc bậc 1.

Câu 10: (NB) Đặc điểm cấu tạo của prôtêin bậc 4 là

A. cấu tạo bởi một mạch không xoắn cuộn.

B. cấu tạo bởi hai mạch không xoắn cuộn.

C. cấu tạo bởi một mạch xoắn cuộn.

D. cấu tạo bởi hai hay nhiều chuỗi axit amin kết hợp với nhau.

Đáp án: D

Giải thích: Cấu trúc bậc 4 là cấu trúc của một số loại prôtêin gồm hai hoặc nhiều chuỗi axit amin cùng loại hay khác loại kết hợp với nhau.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 14: Thực hành: quan sát hình thái nhiễm sắc thể

Lý thuyết Bài 15: ADN

Lý thuyết Bài 16: ADN và bản chất của gen

Lý thuyết Bài 17: Mối quan hệ giữa gen và ARN

Lý thuyết Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng

1 3863 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: