Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Bài 6: Bồ câu hiếu khách – Chân trời sáng tạo

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 6: Bồ câu hiếu khách sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Bài 6.

1 1893 lượt xem
Tải về


Bài 6: Bồ câu hiếu khách – Tiếng Việt lớp 3

Đọc: Bồ câu hiếu khách trang 124, 125

* Khởi động

Tiếng Việt lớp 3 trang 124 Câu hỏi: Chia sẻ những điều em biết về chim bồ câu.

Trả lời:

Chim bồ câu là loài chim biểu tượng cho hòa bình, tự do. Chim có rất nhiều màu như màu xám, màu đen… nhưng em rất thích chim bồ câu trắng. Chúng có mỏ màu vàng nhạt và nhỏ xíu. Đôi mắt tròn xoe. Bộ lông mượt mà. Chúng thường nhặt những hạt thóc rơi vãi trên sân. Tiếng hót “gù gù…” của chúng nghe thật êm đềm. Em rất thích chúng.

Khám phá và luyện tập

Đọc

1. Đọc và trả lời câu hỏi:

Bồ câu hiếu khách

Những chú chim bồ câu luôn thu hút sự chú ý của du khách khi đặt chân đến quảng trường Đu-ô-mô, trái tim của Mi-lan. Bồ câu ở đây có nhiều màu: có con nâu sẫm, có con trắng xám, có con cổ xanh ánh như đeo cườm,... Đứng trước nhà thờ Đu-ô-mô cổ kính, những tiếng gù gù hoà lẫn tiếng bước chân, tiếng đập cánh của hàng ngàn chú chim đem đến cho bạn cảm giác thật thư thái.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Bài 6: Bồ câu hiếu khách – Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Bồ câu ở đây vô cùng dạn người. Bạn có thể dễ dàng chạm tay hoặc vuốt ve chúng. Chúng sẽ thân thiện đáp lại bạn bằng cách đậu trên tay, trên vai và dừng lại xung quanh bạn như lưu luyến.

Chúng cũng sẵn sàng hợp tác với du khách để cùng họ ghi lại những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng khi dừng chân ở Mi-lan xinh đẹp.

Gia Linh tổng hợp

Giải nghĩa từ

- Đu-ô-mô (Plazza del Duomo): quảng trường trung tâm của thành phố Mi-lan, có nhà thờ cổ với kiến trúc đặc sắc.

- Mi-lan (Milan): thành phố lớn của nước Ý, nổi tiếng thế giới bởi vẻ đẹp cổ kính.

- Thư thái: cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.

- Dạn: không e ngại, sợ sệt.

- Lưu luyến: không muốn rời xa.

- Khoảnh khắc: khoảng thời gian rất ngắn.

* Nội dung chính: Rừng chim bồ câu luôn thu hút sự chú ý của du khách khi đặt chân đến quảng trường Đu-ô-mô, trái tim của Mi-lan bởi chúng rất thân thiện và hiếu khách.

* Câu hỏi, bài tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 125 Câu 1: Điều gì thu hút sự chú ý của du khách khi đến quảng trường Đu-ô-mô?

Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Bài 6: Bồ câu hiếu khách – Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Trả lời:

Những chú chim bồ câu luôn thu hút sự chú ý của du khách khi đặt chân đến quảng trường Đu-ô-mô, trái tim của Mi-lan.

Tiếng Việt lớp 3 trang 125 Câu 2: Bồ câu ở quảng trường Đu-ô-mô có đặc điểm gì?

Trả lời:

Bồ câu ở đây có nhiều màu: có con nâu sẫm, có con trắng xám, có con cổ xanh ánh như đeo cườm,...

Tiếng Việt lớp 3 trang 125 Câu 3: Những âm thanh nào khiến du khách cảm thấy thư thái?

Trả lời:

Đứng trước nhà thờ Đu-ô-mô cổ kính, những tiếng gù gù hoà lẫn tiếng bước chân, tiếng đập cánh của hàng ngàn chú chim đem đến cho bạn cảm giác thật thư thái.

Tiếng Việt lớp 3 trang 125 Câu 4: Tìm những chi tiết cho thấy bồ câu ở đây vô cùng dạn người.

Trả lời:

Những chi tiết cho thấy bồ câu ở đây vô cùng dạn người:

- Bạn có thể dễ dàng chạm tay hoặc vuốt ve chúng. Chúng sẽ thân thiện đáp lại bạn bằng cách đậu trên tay, trên vai và dừng lại xung quanh bạn như lưu luyến.

- Chúng cũng sẵn sàng hợp tác với du khách để cùng họ ghi lại những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng khi dừng chân ở Mi-lan xinh đẹp.

Tiếng Việt lớp 3 trang 125 Câu 5: Theo em, vì sao bài đọc có tên là Bồ câu hiếu khách?

Trả lời:

Bài đọc có tên là Bồ câu hiếu khách vì những chú chim bồ câu ở đây rất dạn người, thân thiện đáp lại du khách và sẵn sàng hợp tác với họ để ghi lại những khoảng khắc ấn tượng.

2.

Tiếng Việt lớp 3 trang 125 Câu hỏi: Nói 1-2 câu:

a. Thể hiện tình cảm, cảm xúc của em với những chú chim bồ câu ở quảng trường Đu-ô-mô.

b. Về những việc cần làm để bảo vệ những chú chim.

Trả lời:

a. Thể hiện tình cảm, cảm xúc của em với những chú chim bồ câu ở quảng trường Đu-ô-mô:

Những chú chim bồ câu ở đây mới thật thân thiện làm sao! Em rất yêu mến chúng.

b. Những việc cần làm để bảo vệ những chú chim:

- Không săn bắt chim.

- Không đánh đập hay có những hành động làm tổn hại đến chim.

- Không cho chim ăn những đồ ăn ôi thiu,…

- Không dọa nạt, đuổi chim

- Tuyên truyền mọi người cùng bảo vệ chim.

- …

Nói và nghe: Đọc - kể Cóc kiện Trời trang 126

Tiếng Việt lớp 3 trang 126 Câu 1: Kể từng đoạn của câu chuyện theo tranh

Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Bài 6: Bồ câu hiếu khách – Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Trả lời:

Học sinh kể từng đoạn của câu chuyện theo tranh.

- Bức tranh 1: Ngày xưa, có một năm trời nắng hạn rất lâu, ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ trụi trơ, chim muông khát khô cả họng.

    Cóc thấy nguy quá, bèn lên thiên đình kiện trời. Dọc đường, gặp Cua, Gấu, Cọp, Ong, Cáo. Tất cả đều xin đi theo.

- Bức tranh 2: Đến cửa nhà Trời, chỉ thấy một cái trống to, Cóc bảo :

- Anh Cua bò vào chum nước này, cô Ong đợi sau cánh cửa. Còn chị Cáo, anh Gấu, anh Cọp thì nấp hai bên.

    Sắp đặt xong, Cóc một mình bước tới, lấy dùi đánh ba hồi trống. Thấy chú Cóc bé tẹo dám náo động thiên đình, Trời nổi giận, sai Gà ra trị tội. Gà vừa bay đến, Cóc ra hiệu, Cáo nhảy xổ tới, cắn cổ Gà tha đi. Trời sai Chó bắt Cáo. Chó mới ra tới cửa, Gấu quật Chó chết tươi. Trời càng tức, sai thần Sét trị Gấu. Thần Sét cầm lưỡi tầm sét hùng hổ đi ra, chưa kịp nhìn địch thủ đã bị Ong bay ra đốt túi bụi. Thần nhảy vào chum nước, lập tức Cua giơ càng ra kẹp. Thần đau quá, nhảy ra thì bị Cọp vồ.

- Bức tranh 3: Trời túng thế, đành mời Cóc vào. Cóc tâu:

- Muôn tâu Thượng đế! Đã lâu lắm rồi, trần gian không hề được một giọt nước mưa. Thượng đế cần làm mưa ngay để cứu muôn loài.

    Trời sợ trần gian nổi loạn, dịu giọng nói:

- Thôi cậu về đi. Ta sẽ cho mưa xuống!

    Lại còn dặn thêm:

- Lần sau, hễ muốn mưa, cậu chỉ cần nghiến răng báo hiệu cho ta, khỏi phải lên đây!

- Bức tranh 4: Cóc về đến trần gian thì nước đã ngập cả ruộng đồng. Từ đó, hễ Cóc nghiến răng là trời đổ mưa.

Tiếng Việt lớp 3 trang 126 Câu 2: Kể lại toàn bộ câu chuyện bằng lời của một nhân vật trong truyện.

Trả lời:

Học sinh kể lại toàn bộ câu chuyện bằng lời của một nhân vật trong truyện.

Ngày xửa ngày xưa, có một năm hạn hán kéo dài, suốt mấy tháng liền trời nắng như đổ lửa, không có lấy một giọt mưa. Mặt đất nứt nẻ, cây cối héo khô, muôn vật khát nước nằm chờ chết.

Thấy tình cảnh gay go như vậy, tôi suy nghĩ ghê lắm cứ nhảy ra nhảy vào, lo lắng, sốt ruột và bực tức trước thái độ dửng dưng của Trời. Thế rồi tôi quyết định sẽ lên tận thiên đình để kiện Trời. Ngắt một cái lá Khoai môn đội lên đầu che nắng, tôi bắt đầu cuộc hành trình. Dọc đường, tôi gặp Cua, Gấu, Cọp, Ong và Cáo. Nghe tôi nói đi kiện Trời, tất cả đều xin theo.

Qua bao gian nan vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng lên tới thiên đình. Trước cửa nhà Trời có để một cái trống to. Tôi phân công các bạn: “Anh Cua bò vào chum nước này. Cô Ong đợi sau cánh cửa kia. Còn chị Cáo, anh Gấu, anh Cọp thì nấp ở hai bên”. Mọi người làm theo lệnh của tôi.

Sau đó, tôi ung dung đánh ba hồi trống. Tiếng trống vang rền khiến Trời phải ngó ra. Thấy chỉ có một chú Cóc bé tí tẹo mà dám náo động thiên đình, Trời nổi giận sai Gà ra mổ tôi. Gà vừa bay đến, tôi ra hiệu cho Cáo nhảy xổ tới cắn cổ Gà tha đi. Trời sai Chỏ xông ra bắt Cáo. Chó vừa tới cửa đã bị Gấu quật chết tươi. Trời nổi giận lôi đình, sai thần Sét trừng trị Gấu. Thấn Sét hùng hổ vác lưỡi búa chạy ra thì bị Ong đốt túi bụi vào mặt, vào đầu. Sợ quá, thần vội vứt búa rồi nhảy vào chum nước. Bị Cua giơ càng kẹp một phát đau điếng, thần Sét vội nhảy vọt khỏi chum và bị Cọp vồ.

Túng thế. Trời đành xuống giọng, mời tôi vào nói chuyện. Tôi lễ phép thưa rằng:

- Muôn tâu Thượng Đế! Đã lâu lắm rồi, trần gian không được một giọt mưa. Thượng Đế cần làm mưa ngay để cứu muôn loài, không thì chết hết!

Sợ trần gian nổi loạn, Trời bèn hứa:

-  Thôi, cậu cứ về đi, ta sẽ cho mưa xuống ngay!

Rồi Trời còn dặn thêm là từ nay về sau, nếu cần mưa thì tôi cứ nghiến răng báo cho Trời biết, khỏi phải mất công khó nhọc lên tận thiên đình.

Đoàn quân của tôi về đến hạ giới thì mưa đã tràn ngập cả sông ngòi, đồng ruộng. Sự sống trên mặt đất lại hồi sinh. Mọi người yêu mến tặng tôi cái tên là: Cậu ông Trời.

Viết sáng tạo: Luyện tập viết đoạn văn ngắn nêu lí do thích hoặc không thích một nhân vật trong câu chuyện trang 126

Tiếng Việt lớp 3 trang 126 Câu 1: Nói về lí do em thích hoặc không thích một nhân vật trong câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe dựa vào gợi ý:

a. Đó là nhân vật nào?

b. Lí do em thích hoặc không thích nhân vật ấy?

c. Bài học hoặc lời khuyên em muốn dành cho nhân vật là gì?

Trả lời:

a. Em không thích nhân vật Lí Thông trong truyện Thạch Sanh.

b. Lí do em không thích nhân vật ấy: Lí Thông là một người rất gian xảo, mưu mô và độc ác. Hắn luôn lừa Thạch Sanh hiền lành để cướp công và đẩy Thạch Sanh vào tình huống nguy hiểm.

c. Bài học hoặc lời khuyên em muốn dành cho nhân vật: sống lương thiện, nhân hậu với mọi người xung quanh.

Tiếng Việt lớp 3 trang 126 Câu 2: Viết đoạn văn ngắn (từ 8 đến 10 câu) nêu lí do em thích hoặc không thích một nhân vật trong câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

Trả lời:

Em không thích nhân vật Lí Thông trong truyện Thạch Sanh. Bởi trong câu chuyện, Lí Thông là một người rất gian xảo, mưu mô và độc ác. Hắn luôn lừa Thạch Sanh hiền lành để cướp công và đẩy Thạch Sanh vào tình huống nguy hiểm. Qua nhân vật và kết cục của Lí Thông, mỗi người cần rút ra cho mình bài học nên sống lương thiện, nhân hậu với mọi người xung quanh.

* Vận dụng

Tiếng Việt lớp 3 trang 126 Câu hỏi: Chia sẻ với bạn bè hoặc người thân những điều thú vị em khám pháđược về một nước trên thế giới.

Trả lời:

Học sinh chia sẻ với bạn bè hoặc người thân.

Xem thêm các bài soạn, giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 sách Chân trời sáng tạo với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Bài 2: Hương vị Tết bốn phương

Bài 3: Một mái nhà chung

Bài 4: Đi tàu trên sông Von-ga

Bài 5: Cóc kiện Trời

Ôn tập cuối học kì 2

1 1893 lượt xem
Tải về