TOP 5 mẫu Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (2024) SIÊU HAY

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách lớp 8 Kết nối tri thức gồm các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 2948 lượt xem


Giới thiệu ngắn về một cuốn sách

Đề bài: Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử)

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (mẫu 1)

Cuốn sách mà em muốn giới thiệu đến các bạn đó là cuốn Lịch sử thế giới qua truyện tranh của tác giả Pascale Bouchié, Catherine Loizeau, Béatrice Veillon. Sách gồm 60 câu chuyện kể về 15.000 năm lịch sử được chia thành từng thời kỳ lớn: Tiền sử, Cổ đại, Trung đại, Phục hưng, Hiện đại, thế kỷ 19, và từ thế kỷ 20 đến nay; gắn với mỗi câu chuyện là những biểu đồ niên đại, các bản đồ, các hình ảnh minh họa cùng nhiều thông tin súc tích và hữu ích giúp bạn đọc dễ dàng khám phá Lịch sử vĩ đại của nhân loại, với các nền văn minh cổ đặc sắc, các sự kiện nổi bật cùng những nhân vật ghi dấu ấn lớn trong thời đại của họ.

Điều khiến em thích nhất ở cuốn sách là lối kể chuyện hấp dẫn, tranh sinh động, bao quát hết lịch sử thế giới qua mọi thời kì nhưng lại không hề bị sơ sài. Rất phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (mẫu 2)

Tác phẩm “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Cuốn sách là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với nhận định và đánh giá của người biên soạn. Tác phẩm kể lại các câu chuyện Sử Việt đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.

Đây là cuốn sách lịch sử Việt Nam dành cho tất cả mọi thế hệ. Bởi chỉ cần là người Việt Nam, thì đều có thể tìm kiếm được trong đây tình yêu với sử nhà bởi tính chất hấp dẫn, bi hùng và những bài học của tiền nhân để lại thông qua những câu chuyện đặc sắc.

Không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… cuốn sách còn đến với những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực (Khúc Hạo), hay những địa danh bị bụi phủ mờ (thành Bình Lỗ, đầm Thi Nại), càng không chỉ nói sơ qua chiến tích ở Bạch Đằng, mà còn giúp hiểu thêm kĩ thuật đóng cọc trên sông. Bên cạnh giải đáp chuyện bí ẩn Quang Trung hành quân thần tốc, còn lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay.

“Sử Việt – 12 khúc tráng ca” hệt như một cuốn phim li kì, với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuốn sách lịch sử Việt Nam này như một bản nhạc, khi thì dồn dập, khi thì bi ai, khi thì hùng tráng, khi thì trầm mặc. Những câu chuyện trập trùng xen kẽ như các khúc ca thăng trầm của dân tộc Việt Nam.

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (mẫu 3)

Được hoàn thiện bằng chữ Hán năm 1914, rồi được chính tác giả chuyển soạn sang chữ quốc ngữ và đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1915, VIỆT SỬ YẾU của Hoàng Cao Khải có thể xem là cuốn sách quốc ngữ đầu tiên mở ra lối viết hiện đại về lịch sử Việt Nam. Học tập cách viết sử từ phương Tây, sách tạo nên một bứt phá đáng kể trong cách tiếp cận và biên soạn lịch sử, khác hẳn lối chép sử biên niên truyền thống của các sử gia phong kiến.

Như một cuốn sử yếu, tác phẩm khái quát ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về toàn bộ lịch sử Việt Nam, từ sự khởi đầu của nhà nước Văn Lang cho đến thời điểm cuốn sách lịch sử Việt Nam này được hoàn thiện năm Duy Tân thứ tám, 1914.

Thay vì lần lượt ghi chép các sự kiện theo trình tự năm tháng và các đời vua chúa, Hoàng Cao Khải đưa ra cách phân kỳ lịch sử mới, hệ thống hóa và bố cục thành các chương, tiết rành mạch, chặt chẽ, đồng thời có những ý kiến phê bình, nhận xét tinh tế, sắc bén.

Đó là điều mang lại cảm hứng cùng những gợi dẫn vô cùng quan trọng để các công trình sau đó kế thừa, phát huy, trong đó trực tiếp và đáng kể nhất là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Cho đến nay, VIỆT SỬ YẾU vẫn là một công trình mang nhiều điểm độc đáo để chúng ta cùng suy ngẫm và đối thoại.

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (mẫu 4)

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920, dựa trên những nghiên cứu trước đó như Nam sử tiểu học và Sơ học An Nam sử lược từ những năm 1914 -1917, là bộ thông sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được soạn theo phương pháp hiện đại.

Với Việt Nam sử lược, sử học Việt Nam lần đầu tiên có một công trình thoát ly được khỏi lối chép sử biên niên truyền thống của Trung Quốc vốn chỉ nêu lên từng sự kiện riêng lẻ, rời rạc. Việt Nam sử lược trình bày các diễn biến lịch sử thành một câu chuyện liên tục và hấp dẫn, cho người đọc thấy được mối liên lạc nhân quả, biện chứng giữa các sự kiện xảy ra theo dòng thời gian.

Ngoài ra, khác với lối chép sử của các sử thần thời phong kiến thường chỉ chú ý ghi chép hành vi, hoạt động của vua chúa quan lại, những cuộc tranh bá đồ vương, Việt Nam sử lược trái lại đã bắt đầu chú ý nhiều đến những sự kiện liên quan đời sống thực tế của dân chúng, sinh hoạt của xã hội, phong tục, tín ngưỡng, … Tất cả đều được thể hiện với một thái độ điềm tĩnh, khách quan, và công bằng đúng như một sử gia cần có.

Từ lâu đã được coi là tác phẩm kinh điển của sử học Việt Nam, cũng là cuốn sách lịch sử Việt Nam để đời của học giả Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược hiện vẫn là bộ tín sử ngắn gọn súc tích, dễ nhớ dễ hiểu, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Một kiệt tác luôn cần được đọc và đọc lại.

1 2948 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: