TOP 10 mẫu Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (2024) SIÊU HAY

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) lớp 8 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 58,153 30/07/2024


Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)

Đề bài: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng).

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Nhà thơ Tú Xương có nhiều bài thơ trào phúng hay. Trong đó, Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một tác phẩm khá tiêu biểu. Với bài thơ, tác giả đã khắc khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến.

Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu miêu tả lễ xướng danh khoa thi Hương năm 1897 tại Nam Định. Hai câu đề nói về nét mới của khoa thi:

“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”

Trước đây, việc thi cử do triều đình tổ chức nhằm mục đích kén chọn nhân tài ra làm quan để giúp vua, giúp nước. Trong hoàn cảnh bấy giờ, nước ta đã bị thực dân Pháp thống trị, việc thi cử vẫn còn thi chữ Hán theo lộ cũ “ba năm mở một khoa”. Câu thơ thứ hai nêu lên tính chất hỗn tạp của kì thi này: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Trước đây, ở Bắc Kì vốn có hai trường thi Hương là “trường Nam” trường thi Nam Định và “trường Hà” - trường thi ở Hà Nội. Nhưng khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi ở đây đã bị bãi bỏ. Nên các sĩ tử Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định.

Tiếp đến, hai câu thực miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh đặc sắc mà cũng đầy khôi hài:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”

“Sĩ tử” vốn là những người thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, theo nghiệp bút nghiên nên mang phong thái nho nhã. Nhưng hình ảnh “sĩ tử” ở đây lại hiện lên thật lôi thôi, nhếch nhác. Cách sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, đưa từ láy “lôi thôi” lên đầu câu thơ đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Không chỉ vậy, khung cảnh trường thi lúc này không còn là chốn tôn nghiêm mà trở nên ồn ào, chẳng khác nào cảnh họp chợ nên quan trường mới “ậm oẹ” và “thét loa” - những người coi thi cũng chẳng còn cái phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có.

Ở hai câu luận tô đậm bức tranh “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” bằng hai bức biếm hoạ về ông Tây và mụ đầm:

“Lọng cắm rợp trời: quan sứ đến;
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”

Hình ảnh “lọng cắm rợp trời” gợi tả cảnh đón tiếp dành cho “quan sứ” - lũ cướp nước đầy long trọng. Không chỉ vậy, từ xưa, chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, phụ nữ không được đến. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với “váy lê quét đất” càng làm tăng thêm sự nực cười.

Cuối cùng, hai câu thơ cuối bộc lộ một niềm cay đắng, xót xa cho cảnh ngộ đất nước:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”

Câu hỏi tu từ “nhân tài đất Bắc nào ai đó” như một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công danh này có ý nghĩa gì. Qua đó, tác giả bộc lộ sự tủi nhục, xót xa trước thực tại đau đớn của nước nhà.

Như vậy, bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước.

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 2)

TOP 10 mẫu Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Nhật kí trong tù là tập nhật kí bằng thơ do Hồ Chí Minh viết ròng rã hơn một năm trời trong các nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trước hết, đây là tập thơ Bác viết cho chính mình, với mục đích: Ngày dài ngâm ngợi cho khuây, Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do mà Bác đã viết ở bài Khai quyển đầu cuốn sổ tay. Vì thế mà Bác ghi lại vắn tắt những điều tai nghe mắt thấy làm cho mình trăn trở, suy nghĩ và xúc cảm trong suốt mười bốn tháng bị giam cầm. Lai Tân là bài thơ thứ 97, Bác làm sau khi bị chuyển lao từ Thiên Giang đến Lai Tân. Đằng sau bức tranh tả thực có vẻ như rất khách quan là thái độ mỉa mai, châm biếm và phê phán của người tù Hồ Chí Minh đối với giai cấp thống trị ở Lai Tân nói riêng và chế độ xã hội Trung Quốc đương thời nói chung.

Phiên âm chữ Hán:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh.

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

Bức tranh về hiện thực ở nhà tù Lai Tân và một phần xã hội Trung Quốc thu nhỏ đã được Hồ Chí Minh phản ánh sinh động trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn mà ý nghĩa vô cùng hàm súc. Thành công của bài thơ là nghệ thuật châm biếm sắc sảo, độc đáo kết hợp với giọng điệu tự sự xen lẫn trữ tình và một kết cấu chặt chẽ, hợp lý.

Kết cấu bài thơ gồm hai phần nhưng khác với cấu trúc thông thường của tứ tuyệt Đường luật ở chỗ: phần thứ nhất gồm ba câu, còn phần thứ hai chỉ có một câu. Ba câu thơ đầu chỉ đơn thuần kể việc. Điểm nút chính là câu thứ tư bởi nó làm bật ra toàn bộ tư tưởng của bài thơ và làm bung vỡ tất cả cái ý châm biếm mỉa mai của người tù Hồ Chí Minh trước sự thối nát đến tận xương tủy của đám quan chức trong giai cấp thống trị.

Ở phần thứ nhất, Hồ Chí Minh đã phác họa thần tình chân dung của ba nhân vật “quan trọng”. Ban trưởng nhà lao công khai đánh bạc ngày này qua ngày khác, trong khi: Đánh bạc bên ngoài quan bắt tội. Cảnh trưởng thì trắng trợn ăn tiền đút lót của tù nhân, còn huyện trưởng thì đêm đêm chong đèn… hút thuốc phiện. Chính những kẻ đại diện cho chính quyền, cho luật pháp lại ngang nhiên vi phạm pháp luật. Điều trái ngược ấy đã vượt ra khỏi khung cảnh của một nhà tù, trở thành tính chất tiêu biểu cho cả xã hội Trung Hoa thời ấy: Quan trên trì trệ, vô trách nhiệm, hưởng lạc; cấp dưới thì chỉ lo xoay xở kiếm ăn quanh, mặc cho mọi tệ nạn cứ tự do hoành hành. Hơn thế, điều đáng mỉa mai là chính bọn quan lại tham lam, nhũng nhiễu ấy đã “tích cực” góp phần làm gia tăng tệ nạn xã hội. Ba nhân vật đang hoạt động như trong một màn hài kịch câm và cả ba đang thủ vai một cách hết sức “nghiêm túc” giữa khung cảnh thái bình (?!) dưới sự thống trị của họ Tưởng. Câu thơ miêu tả ngắn gọn mà lại hàm ý mỉa mai sâu sắc, tố cáo tình trạng lộn xộn, bát nháo của xã hội Trung Quốc lúc đó.

Phần thứ hai (câu cuối cùng) là nhận xét có tính chất trào lộng thâm thúy của người tù Hồ Chí Minh về tình trạng của bộ máy cai trị ở Lai Tân. Người đọc chờ đợi gì ở câu kết luận này ? Chắc hẳn phải là một sự lên án quyết liệt. Nhưng tác giả đã không làm như thế mà lại hạ một câu có vẻ rất khách quan: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình. Đòn đả kích bất ngờ mà sâu cay lại nằm ngay trong câu nhận xét tưởng như là ca ngợi ấy.

Hiệu quả đả kích của câu thơ như thế nào? Hoá ra tình trạng thối nát của bọn quan lại ở Lai Tân không phải là chuyện bất thường mà là chuyện bình thường. Bình thường đến nỗi đã trở thành bản chất, thậm chí đã thành “nề nếp” được chấp nhận từ lâu.

Câu kết tưởng chừng có vẻ hết sức “vô tư” kia ai ngờ lại ẩn giấu một tiếng cười mỉa mai, châm biếm, lật tẩy bản chất xấu xa của bộ máy thống trị ở Lai Tân. Tính từ thái bình có thể xem là “thần tự”, “nhãn tự" của bài thơ. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã có một lời bình thật chính xác và thú vị: “Một chữ thái bình mà xâu táo lại bao nhiêu việc làm trên vốn là muôn thuở của giai cấp bóc lột thống trị Trung Quốc. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự thái bình dối trá nhưng thực sự là đại loạn bên trong”.

Bài thơ Lai Tân in đậm bút pháp nghệ thuật chấm phá truyền thống của thơ Đường. Lời thơ ngắn gọn, súc tích, không cầu kì câu chữ, nhưng chỉ với bốn câu thơ ngắn, người tù Hồ Chí Minh đã phơi bày bản chất của cả chế độ Tưởng Giới Thạch suy thoái, mục nát. Sức chiến đấu, chất “thép” của bài thơ nhẹ nhàng mà thâm thúy chính là ở đó.

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 3)

Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một trong những bài thơ trào phúng tiêu biểu của nhà thơ Tú Xương.

Bài thơ được sáng tác năm 1987, còn có tên gọi khác là “Vịnh khoa thi Hương”. Mở đầu, tác giả đã giới thiệu đôi nét về khoa thi Đinh Dậu:

“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”

Trong xã hội phong kiến, việc thi cử được tổ chức nhằm tuyển chọn nhân tài ra giúp vua. Nhưng trong hoàn cảnh thực dân Pháp xâm lược, nắm giữ chính quyền thì việc thi cử đã có nhiều thay đổi. Dù vẫn còn thi chữ Hán theo lộ cũ “ba năm mở một khoa” nhưng kì thi lại hết sức hỗn tạp: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Ở Bắc Kì vốn có hai trường thi Hương là “trường Nam” trường thi Nam Định và “trường Hà” - trường thi ở Hà Nội. Nhưng từ lúc thực dân Pháp nắm quyền, trường thi ở Hà Nội đã bị bỏ. Các sĩ tử Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định.

Hai câu thực đã miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh hiện lên vô cùng khôi hài:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”

“Sĩ tử” là tư dùng để chỉ tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, đi theo nghiệp bút nghiên. Họ thường có phong thái nho nhã, điềm tĩnh. Nhưng hình ảnh “sĩ tử” trong bài thơ lại được miêu hiện lên với vẻ lôi thôi, nhếch nhác. Khung cảnh trường thi vốn là nơi trang nghiêm mà giờ chẳng khác nào cảnh họp chợ, viên quan coi trường thi thì “ậm oẹ” và “thét loa”.

Hai câu luận tiếp tục tô đậm sự nhố nhăng của trường thi bằng việc khắc họa hình ảnh quân sự và mụ đầm:

“Lọng cắm rợp trời: quan sứ đến;
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”

Việc tiếp đón những kẻ cướp nước chẳng biết lúc nào lại trở nên trang trọng nhưng khôi hài như vậy. Đặc biệt hơn cả là việc tác giả miêu tả hình ảnh mụ đầm. Theo quan điểm lễ giáo phong kiến thì trọng nam khinh nữ. Phụ nữ không được những nơi trang nghiêm như trường thi. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với “váy lê quét đất” khiến ta thêm nức cười đó mà cũng thật xót xa. Xã hội phong kiến đã suy tàn, thoái hóa đến mức nào.

Hai câu thơ cuối là lời bộc tâm trạng của tác giả về cảnh ngộ đất nước lúc bấy giờ:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”

Tú Xương đã sử dụng câu hỏi tu từ “nhân tài đất Bắc nào ai đó” nhưng không nhằm mục đích biết câu trả lời. Đó là một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công danh này có ý nghĩa gì.

Bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã khắc khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến.

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 4)

Nguyễn Khuyến là một cây bút trào phúng nổi bật trong làng văn học trung đại Việt Nam. Bút pháp trào phúng của ông nhẹ nhàng, kín đáo nhưng vô cùng sâu cay. Đọc tác phẩm Hội Tây, em mới thực sự cảm nhận được đỉnh cao trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyễn.

Hội tây là một tác phẩm thơ thất ngôn bát cú mẫu mực về cấu tứ và nội dung. Ở ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu đến người đọc một sự kiện tưng bừng gọi nôm na là hội Tây:

“Kìa hội Thăng Bình tiếng pháo reo”

“Hội Thăng Bình” là ngày hội vui mừng do các quan Tây tổ chức tại Thăng Bình. Trong thời gian làm Bố Chánh ở Quảng Nam, Nguyễn Khuyến đã có dịp trực tiếp quan sát các lễ hội này. Nhưng cũng có người lại cho rằng, hội Thăng Bình này là lễ hội người Pháp tại Hà Nội tổ chức để ăn mừng Cách mạng Pháp thành công tại mẫu quốc. Và họ tổ chức lễ hội cho dân đen ở xứ An Nam được chung vui, được hưởng “ké” niềm vui của mẫu quốc. Dù là theo nghĩa nào, thì lễ hội được nhắc đến ở câu thơ đầu cũng chẳng phải một lễ hội truyền thống của dân tộc ta, của người Việt ta tổ chức.

“Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.”

Bầu không khí của lễ hội trở nên rạo rực với “cờ kéo” và “đèn treo” - hai món đồ trang trí đến từ Tây phương. Sự hiện diện của nó đã gián tiếp khẳng định đây chỉ là lễ hội của người Pháp mà thôi, chứ chẳng phải của chúng ta. Qua lời kể của Nguyễn Khuyến, lễ hội hiện lên thật tươi vui và sống động. Dù là lễ hội Tây, nhưng các trò chơi xuất hiện vẫn mang đậm truyền thống văn hóa của nước ta, như hát chèo, đánh đu, bơi lội, leo cột… Tuy nhiên, cách cách trò chơi được tả lại thì thật là khác lạ. Nhà thơ sử dụng rất nhiều các tính từ giàu sức gợi, sức tả cho người đọc mặc sức tưởng tượng về lễ hội. Mấy bà quan vốn sang trọng, quý phái thì lại được miêu tả với dáng vẻ tênh nghếch kém duyên. Phận nữ nhi lại tụ tập đi xem người ta cởi trần bơi lội, đã vậy lại còn là các mệnh phụ phu nhân quyền quý. Đối với xã hội phong kiến đương thời thì thật là thiếu đứng đắn. Trong sân hát chèo, nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thì lại có mấy thằng bé phải lom khom nghe hát chèo. Sao chúng lại phải lom khom để nghe hát, dù sân chèo rộng đến vậy? Chắc bởi các quan Tây, các phú ông phú bà đã chiếm hết chỗ ngồi, còn chúng phải đứng hầu, rồi tranh thủ nghe hát nên mới phải lom khom. Đến trò chơi đánh đu quen thuộc vào các hội xuân cũng được xuất hiện trong lễ hội. Động tác di chuyển của người chơi được khắc họa bằng từ “cậy sức” làm cho trò chơi vốn mang đến không khí tươi vui, tràn ngập sức sống phút chốc lại trở nên thô thiển, kém duyên dáng của các chị. Còn các anh thì hớn hở trèo lên các cột bôi mỡ vì tiền đang treo trên ngọn cây. Tính từ “tham” được đẩy ngay lên đầu câu, đã nhấn mạnh động cơ, mục đích của người tham gia chơi hội. Tất cả tạo nên một bầu không khí nhốn nháo, lộn xộn.

“Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!”

Lễ hội vui vẻ, nhộn nhịp đó được khen là “khéo vẽ trò”. Cụm từ đó khẳng định tính chất mua vui, giải trí của lễ hội theo chiều hướng tiêu cực. “Vẽ trò” là cụm từ mà dân gian thường nói khi nhắc đến một sự kiện được tổ chức rầm rộ, cầu kì nhưng chẳng có ý nghĩa, giá trị gì cả. Hội Tây được khắc họa trong bài thơ này cũng vậy. Người Tây tổ chức lễ hội để mua vui cho chính họ. Và kẻ được đem ra mua vui chính là những người dân An Nam vì tham tiền, ham vui mà mặc kệ danh dự, nhân phẩm, liều mình phấn đấu tham gia. Chúng gom hết những trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc từ từ hát chèo đến leo cột, rồi đánh đu. Những trò chơi đặc sắc của dân tộc ta, là niềm tự hào của nền văn hiến nghìn năm, nay bị đem ra làm trò mua vui cho những kẻ xâm lược. Ấy thế mà các nam thanh nữ tú vẫn nhiệt tình tham gia, phô bày dáng vẻ kệch cỡm, kém duyên để đem lại tiếng cười cho lũ thực dân Pháp. Vui sao? Càng vui bao nhiêu thì càng nhục bấy nhiêu. Cặp quan hệ từ tăng tiến bao nhiêu - bấy nhiêu đã khiến người đọc cảm nhận được sự phẫn uất của nhà thơ khi chứng kiến đồng bào mình bỏ mặc danh dự, nhân phẩm đi làm trò mua vui cho kẻ ngoại xâm. Tinh thần tự tôn của dân tộc bị đạp xuống dưới những đồng tiền bẩn thỉu của lũ ngoại bang. Vậy mà họ lại không hề thấy nhục nhã chút nào, vẫn vui vẻ, vẫn hào hứng lắm. Dường như chẳng ai hay về cái thực tại ê chề đang diễn ra ở trước mắt mình.

Ngay từ nhan đề “Hội Tây”, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã nhấn mạnh về chủ quyền của ngày hội. Ông phân biệt rành rọt đó là hội của người chứ chẳng phải hội của ta. Từ các vần thơ, hình ảnh tả thực, tác giả đã châm biếm sâu cay về cách tham gia hội người vô cùng hăng hái đến quên mất tự tôn, danh dự của người dân ta. Từ đó, ông vạch trần tấm màn che giả dối nhân danh quyền con người của lũ thực dân Pháp. Bởi khi chúng đem người dân An Nam ra làm trò mua vui, thì nghĩa là chúng chẳng hề xem họ là con người, chẳng hề đối xử bình đẳng với họ. Đó cũng là cái tát thẳng vào những con người đã tự biến mình thành trò vui. Để đánh thức lương tri, lòng tự tôn dân tộc trong chính họ. Đó chính là ngụ ý cao cả của nhà thơ thông qua những vần thơ châm biếm trong Hội Tây.

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 5)

Sinh ra và lớn lên trong buổi đất nước ta gặp cơn sóng dữ của thời đại đến từ phương Tây, khiến cho thuần phong mĩ tục của một nước thuần phong kiến được xây dựng cả ngàn năm bị rung chuyển. Trần Tế Xương đã xuất sắc biến ngòi bút của mình thành thứ vũ khí sắc bén để bảo vệ chút nào đó nền văn hóa truyền thống dân tộc. Ông đã chọn cách biến bút pháp của mình thành bút pháp trào phúng, để châm biếm, lên án cái xã hội với cái văn hóa lai căng đương thời. Điều đó đã thể hiện rõ nét qua tác phẩm thơ nổi tiếng của ông “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”.

Câu thơ đầu tiên, Tế Xương khẳng định sự quý trọng, hiếm hoi của khoa thi - ước mơ của bao sĩ tử nước ta lúc bấy giờ:

“Nhà nước ba năm mở một khoa”

Ba năm một lần, khoa thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước được mở ra cho các thanh niên tài tử muốn đem tri thức ra để giúp nước giúp đời có cơ hội thể hiện mình. Trong bề dày lịch sử gần một ngàn năm phong kiến, đây vẫn là con đường tiến thân lập nghiệp quen thuộc của những sĩ tử “bụng đầy chữ thánh Hiền”. Sự trang trọng, quy mô của sự kiện này là không phải bàn cãi. Thế nhưng, khoa thi mà nhà thơ miêu tả lại của năm Canh Dậu, lại có gì đó thật khác, thật kì lạ:

“Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”

Từ “lẫn” gợi sự lẫn lộn, thiếu rành rọt, rõ ràng, thiếu sự nghiêm túc, trang nghiêm. Tựa như người dân ta vẫn dùng từ lẫn cho mớ rau, mớ vải. Nay nhà thơ lại sử dụng cho các sĩ tử đến từ những nơi chuyên đào tạo nhân tài. Sĩ tử nơi này lẫn với sĩ tử nơi kia. Cách dùng này khiến các nhân tài nước Nam ta trở nên kém phần quan trọng, trở nên tầm thường như mớ ra, mớ vải ở ngoài chợ. Nhưng vì sao tác giả lại tả về các đồng môn bằng sắc thái đó? Điều này đã thể hiện rõ ở ngay hai câu thơ sau:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ”

Tính từ “lôi thôi’ được đưa lên ngay đầu câu bằng thủ pháp đảo ngữ, nhằm nhấn mạnh dáng vẻ thiếu nghiêm túc, đứng đắn của các vị sĩ tử. Đến với hội thi ba năm mới mở một lần, các hiền tài đến từ các vùng miền chuẩn bị cho bản thân một dáng vẻ lôi thôi thì thật đáng buồn và chê trách. Sự xuất hiện của những lọ nước khoác trên vai, khiến họ càng thêm ì ạch, di chuyển lạch bạch. Dáng vẻ của những bậc nam nhi lòng mang chí lớn, mà lại luộm thuộm, lôi thôi chẳng khác gì người dân buôn bán mưu sinh ngoài chợ. Cũng bởi vậy, mà nhà thơ lại dùng từ lẫn khi khắc họa trưởng thi năm Canh Dần.

Nổi bật hơn cả thí sinh, chính là những vị quan lớn, bộ mặt của triều đình, của chính quyền trong trường thi:

“Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”

Quan trường - người đứng đầu khoa thi xuất hiện với âm thanh “ậm ọe”. Một lần nữa, nhà thơ đã sử dụng thủ pháp đảo ngữ để thể hiện sự châm biếm sâu sắc với dáng vẻ của một vị quan lớn. Ậm ọe là âm thanh nạt nộ, hăm dọa. Một vị quan lớn, mà xuất hiện bằng cái âm thanh chua chát đi đằng trước, thật thiếu đi sự oai nghiêm cần có. Ông ta đến trường thi để trông thi - quản lí những sĩ tử bụng đầy kinh thư. Vậy mà lại phải hăm dọa, phải nạt nộ. Hình ảnh đó đã gián tiếp khẳng định sự lộn xộn trong tác phong của các sĩ tử. Rõ là người có học thức, mà hành động thì nhếch nhác, chẳng có chút gì nho nhã. Xứng với các sĩ tử đó, là một viên quan coi thi “to mồm gào rống” như đang giải tán đám đông ở chợ. Sự phối hợp nhịp nhàng của hai nhóm người đó “giúp” cho trưởng thi mất hẳn sự nghiêm trang, trịnh trọng cần có. Bối cảnh trưởng thi cũng nhở vậy mà trở thành một bức tranh lộn xộn, nhếch nhác đến không thể nhìn thẳng.

Sự châm biếm của nhà thơ chẳng hề dừng lại ở đó. Bởi ngay sau quan trường là sự xuất hiện của quan sứ và mụ đầm. Đây là hai nhân tố rất mới - đại diện cho hơi thở của văn hóa phương Tây đang xâm lấn nghiêm trọng. Họ xuất hiện một cách hiên ngang giữa trường thi - đất học linh thiêng của văn hóa phong kiến. Sự xuất hiện ấy thật kệch cỡm và nhố nhăng với lọng che rợp trời và vạt váy dài lê quét đất. Trường thi vốn là nơi linh thiêng, mang ý nghĩa văn hóa, chính trị quan trọng của cả một dân tộc vậy mà nay lại trở thành sân chơi cho những kẻ hợm hĩnh, kệch cỡm của nước ngoài. Họ mang theo thứ văn hóa lai căng đó vào làm cả cái trường thi vốn đã lộn xộn, nhếch nhác về hình thức, nay bỗng trở thêm càng lẫn lộn, nhố nhăng về ý nghĩa, bản chất.

Điều đó khiến một sĩ tử chân chính với lòng khát cầu giúp nước cứu dân như Tế Xương vô cùng đau lòng. Là một sĩ tử đi qua nhiều cuộc thi, từ thời các khoa thi vẫn vô cùng trang nghiêm, cho đến dáng vẻ kệch cỡm hiện nay, làm sao mà không đau lòng được. Có thể nói, chính ông đã nhận ra và cảm nhận sự thay đổi theo chiều hướng đi xuống đáy vực của nền thi cử nước nhà sâu sắc hơn bất kì ai. Cũng bởi vậy, mà nhờ thơ cay đắng thốt lên rằng:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!”

Đây là lời than thở đầy xót xa, tủi nhục, cay đắng và cũng vô cùng bất lực của chính nhà thơ. Nhân tài đất Bắc từng là những ông nghè, ông cống, những người có tài có chữ. Tuy có thể nghèo về vật chất nhưng luôn giàu chữ nghĩa, giàu lòng tự tôn, giàu tinh thần dân tộc. Ấy vậy mà giờ đây, ngay giữa Thăng Long ngàn năm văn hiến, ngay giữa trưởng thi - nơi hội thụ hiền tài cho đất nước lại trở thành nơi cho thứ văn hóa lai căng, kệch cỡm chiếm cứ. Từ phiếm chỉ “nào ai đó” đã hướng tới một nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội lúc bấy giờ. Đó là những nhân tài đất Bắc chân chính, còn giữ tấm lòng vì nước vì dân, còn biết xấu hổ trước cảnh nước nhà bị đô hộ, biết nhục nhã trước cảnh văn hóa dân tộc bị văn hóa phương Tây làm nhơ nhuốc. Động từ “ngoảnh cổ” được đưa lên đầu câu thơ, nhấn mạnh một cách dứt khoát của điều nên làm. Đó không chỉ là cái quay đầu của một bộ phận cơ thể, mà là sự nhìn về quá khứ, nhìn về lịch sử nghìn năm văn hiến huy hoàng của dân tộc. Để thấy được cái dáng vẻ kệch cỡm, nhếch nhác của hiện tại. Hành động ngoảnh cổ, là hành động chỉ xoay phần đầu, còn cơ thể thì giữ nguyên. Chi tiết đó cho thấy sự mắc kẹt ở hiện tại đau khổ, bẽ bàng của Tế Xương - một sĩ tử đương thời. Ông không cam tâm, ông không chấp nhận trở thành một trong những kẻ lôi thôi, nhục nhã ở ngoài đó. Chính vì vậy, Tế Xương đã khắc họa lại cảnh khoa thi năm Đinh Dậu với giọng điệu châm biếm sâu cay.

Ngôn ngữ trào phúng của Tế Xương không trữ tình như của Hồ Chí Minh, mà vô cùng sắc bén, góc cạnh. Ông đay nghiến những cái kệch cỡm, lai căng, nhếch nhác của hiện thực, để thể hiện trực tiếp thái độ của mình. Không chỉ trào phúng người, Tế Xương còn tự trào chính mình. Trào một sĩ tử chẳng thể làm gì giúp ích cho đời, chẳng thể nào xoay chuyển càn không, khôi phục cảnh huy hoàng trong quá khứ. Hiện thực nhố nhăng, nhốn nháo của trường thi mà Tế Xương tham gia đã toát lên những cay đắng, tủi nhục chất chứa như núi trong lòng nhà thơ. Đó chính là cách mà Trần Tế Xương thể hiện nỗi lòng và hồn thơ trào phúng của mình vào “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”.

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 6)

Trần Tế Xương cay nhất là chuyện thi cử. Tài giỏi như ông mà phải đến lần thi thứ tám mới đậu vét được cái tú tài. Mà Tú tài thời đó thì được tiếng là “ông Tú” nhưng chỉ được “làm quan tại gia”, “ăn lương vợ”. Nhưng không được thênh thênh trên đường hoạn lộ chưa hẳn đã là rủi, thì ông Tú Xương làm thơ, làm thi sĩ, thành thi hào! Bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” là một đòn trời giáng của Tú Xương vào chế độ thi cử mạt vận, hổ lốn, ô nhục của thời thực dân mới đặt chân cai trị đất nước ta.

Là sĩ tử, cũng là nạn nhân trong kì thi Hương năm Đinh Dậu (1897), tại Nam Định, Trần Tế Xương tận mắt chứng kiến sự suy đồi của Nho học, đau lòng trước nỗi ô nhục của tài tử văn nhân đất Bắc. Cho nên mở đầu bài thơ, tác giả đã phê phán sâu sắc nhà nước thực dân phong kiến thời bấy giờ:

“Nhà nước ba năm mở một khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà”

Tác giả nói “nhà nước” một cách trang trọng như vậy nếu những việc làm của “nhà nước” mà tô't đẹp thì là ngợi ca, còn nếu nói đến những việc làm của “nhà nước” không ra gì thì là “hạ bệ”. Rõ ràng là Tú Xương đã “hạ bệ” cái “nhà nước” thực dân phong kiến đó bằng sự kiện “ba năm mở một khoa”. Dưới sự cai trị của “nhà nước” thực dân, đạo học (chữ Nho) đã mạt vận. “nhà nước” chỉ mở kì thi cầm chừng, hổ lốn, mất hết vẻ trang nghiêm của kỳ thi quốc gia: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Sợ mất an ninh ở Hà Nội, “nhà nước” thực dân đã lừa sĩ tử Hà Nội xuống Nam Định “thi lẫn” với sĩ tử trường Nam. Chỉ một từ “lẫn”, Tú Xương phơi bày cả sự đổ nát của kỳ thi quốc gia và phê phán “nhà nước” vô trách nhiệm.

Sang hai câu thực, sĩ tử và quan trường được nhà thơ Tú Xương biếm họa rất tài tình:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa”

Tú Xương có biệt tài mà Nguyễn Công Hoan tôn như “thần thơ thánh chữ” là chỉ trong một chữ đã lột tả được thần thái của sự vật. Chỉ một từ “lôi thôi” được đảo ra phía trước, nhấn mạnh là hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác. Sĩ tử mà bút mực đâu không thấy, chỉ nổi bật lủng lẳng một cái lọ (vì đường xa, phải đeo theo lọ nước uống). Hàng ngàn “sĩ tử vai đeo lọ” thì lôi thôi thật, là bức tranh biếm họa để đời về anh học trò đi thi trong thời buổi thực dân nhố nhăng. Còn quan trường thì “ậm ọe” giọng như mửa. Sĩ tử thì đông vì dồn cả hai trường thi lại nên quan trường phải “thét loa” lại còn lên giọng đe nẹt sĩ tử nên thành ra “ậm ọe” tởm lợm thật đáng ghét. Thái độ trào lộng của nhà thơ thật rõ ràng. Đối với “sĩ tử”, Tú Xương thấy nhếch nhác đáng thương; đối với “quan trường”, Tú Xương khinh ghét ra mặt. Quan trường của một kì thi quốc gia bát nháo mà còn “ậm ọe” không biết nhục.

Tú Xương còn ghi lại một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử thi cử của nước nhà là “khoa thi Đinh Dậu”, có cả Tây đầm nhốn nháo ở trường thi:

“Cờ cắm rợp trời quan sứ đến

Váy lê phết đất mụ đầm ra”

“Cờ cắm” hay “Lọng cắm”? Sách giáo khoa hiện hành chép là “Cờ cắm”, có chú thích là: có bản chép: “Lọng cắm”. Thơ Tú Xương gần với thơ ca dân gian, nhà thơ sáng tác không in ấn, không xuất bản, người đời nghe rồi ghi lại nên dễ “tam sao thất bản”. Trong những trường hợp có dị bản như thế này thì buộc người đọc, người nghiên cứu phải lựa chọn. Người soạn sách giáo khoa chọn “cờ cắm” để đối với “váy lê” ở câu dưới cho thật độc. “Cờ” mà đối với “váy” độc quá! Theo tôi, “lọng cắm” hay hơn:

“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến”

Quan sứ (công sứ Nam Định Lơ Nooc Măng, đèn dự lễ xướng danh khoa thi Hương hẳn là phải có “lọng cắm rợp trời” mà “lọng cắm” thì mới “rợp trời”. Còn vế đối “Lọng cắm rợp trời” với “váy lê phết đất” cũng chỉnh quá, mà độc địa không kém. Lọng là cái che trên đầu “quan sứ” mà lại đôi với “váy” là cái che dưới mông “mụ đầm”! “Quan sứ” đến”, “mụ đầm ra”, chúng nó “đến”, nó “ra” như thế thì nhục quá, không chịu được, Tú Xương đã chơi một đòn trí mạng vào bọn Tây đầm thực dân nhốn nháo vào cái thời buổi nhố nhăng! Tú Xương ác khẩu trong cách đối chữ đôi câu, cái tôn nghiêm đem đọ với những cái không tiện hô đúng tên thật, ông lợm sự sông, ông cho lộn tùng phèo cả đi. Nghĩ về người quan văn người quan võ thời nhí nhố ấy, ông đem cái võng (võng điểu võng thắm) ra mà đối với cái khố dây (khố đỏ khố xanh). Tường thuật việc trường thi chữ nho có Tây đến ra bài, ông đem cái lọng quan sứ mà đối với cái váy mụ đầm, đem cái đít vịt bà đầm ra đối với cái đầu rồng một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban... (Nguyễn Tuân).

Kết thúc bài thơ, tác giả chuyển từ giọng điệu trào lộng sang giọng điệu trữ tình thâm trầm. Tú Xương đau lòng nhắn nhủ với “nhân tài đất Bắc”:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”

Giọng trữ tình thấm thìa ấy như có sự cộng hưởng của giọng điệu trữ tình đầy nhiệt huyết của các nhà ái quốc đầu thế kỷ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Tất nhiên trong giọng điệu chung của những tấm lòng ái quốc ấy, ta vẫn nhận ra sắc thái riêng của Tú Xương. Khi thì xót xa thổn thức “Nhân tài đất Bắc nào ai đó”, khi thì kiêu bạc trịch thượng “Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”. Không dễ gì mà hạ một chữ “ngoảnh cổ” như vậy đối với giới trí thức Bắc Hà. Phải có chân tài và quan trọng hơn nữa là phải có tấm lòng đối với đất nước, với dân tộc thì nhân tài đất Bắc mới tâm phục. Đúng là tâm sự yêu nước thổn thức của Tú Xương là vật bảo chứng cho những gì là lộng ngôn của nhà thơ:

“Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn

Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”

(Đêm hè)

Dưới mắt Tú Xương, sự suy đồi của đạo học (chữ nho) là một hiện tượng của sự mất nước, của sự nô lệ. Với Tú Xương, nỗi nhục trong “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” là nỗi nhục mất nước! “Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đông tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp” (Nguyễn Tuân).

“Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” của Trần Tế Xương là “sử thi” về đời sống nhà nho lúc Tây sang. Đạo học suy đồi, thi cử bát nháo hố’ lốn, sĩ tử mất hết nhuệ khí, quan trường mất hết nhân cách. Bọn thực dân nghênh ngang đến trường thi là một nỗi ô nhục của nhân tài đất Bắc. Nỗi đau của nhà thơ đã làm thức tỉnh tầng lớp trí thức đương thời.

Nghệ thuật trào lộng và trữ tình của Tú Xương đều sâu sắc, thấm thía. Đối với sĩ tử, nhà thơ thương mà cười, đối với quan trường, nhà thơ căm ghét mà châm biếm, đối với bọn thực dân, nhà thơ căm thù mà đả kích, hạ nhục. Từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, bút pháp của bài thơ bộc lộ tài hoa của một hồn thơ lỗi lạc. Đúng như lời ngợi ca của Yên Đổ:

“Kia ai chín suối xương không nát

Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 7)

“Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh được kết hợp từ hai yếu tố ”trữ tình” và “hiện thực”,”Lai Tân” là một trong những bài thơ thể hiện rõ những yếu tố đó. Nó là .một thành công của Bác trong việc kết hợp bút pháp tả thực và trào phúng vẽ nên bức tranh thời sự về chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch.

Với tư cách là người thư ký trung thành của thời đại, Bác đã ghi lại một cách khách quan những cảnh:

“Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ

Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền

Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự”

Khác với Tú Xương trong hoàn cảnh tự do nên có “thể thẳng tay đập vào mặt bọn thống trị những cái tát giáng trời:

“Ở phố Hàng Song thật lắm - quan

Thành thì đen kịt, Đốc thì lang

Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố

Dậu lạy quan xin nọ chú Hàn”

(Lắm quan)

Hồ Chí Minh chỉ có thể mỉa mai, châm biếm sâu cay bọn thống trị bằng ngòi bút trong hoàn cảnh tù đày, gông xiềng. Từ cái mặt bên ngoài đến tận cùng những hống hách bên trong của bộ máy thống trị Trung Hoa quốc dân đảng đã chứa đầy những mâu thuẫn. Tác giả “Lai Tân” đưa ra ba gương mặt điển hình của bộ máy chính quyền Tưởng Giới Thạch đó là: “Ban trưởng”,”cảnh trưởng”, “huyện trưởng cái chức “trưởng’ của họ khá oai vệ, đầy uy lực, những việc làm của họ đầy khuất tất, bất chính. Khuôn khổ bài thơ rất ngắn gọn nhưng lại được đặt liên tiếp ba chừ “trường” trong ba câu thơ đầu là sự “cố tình” dùng phép lặp của Bác trong việc dựng lên những chân dung tiêu biểu của giai cấp thống trị. Ba câu thơ – mồi câu là một bức tranh sống động mang tính thời sự nóng hổi, chân thật đến từng cõi tiết được vẽ bằng nét bút bình thản, lạnh lùng Bức thứ nhất bày ra trước mắt mọi người là hình ảnh một “ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc”. Bức thứ hai là hình ảnh “cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhãn bị giải”.

Cả ban trưởng và cảnh trưởng đều là những công cụ thi hành pháp luật rất đắc lực của cái xã hội đầy rẫy những bỉ lậu, xấu xa. Chúng khoác trên mình chiếc áo “công lý’ để làm những việc “bất công ly’ một cách thường xuyên hết ngày này đến ngày khác. Chức “trưởng” của chúng đã có, sự phạm pháp của chúng còn lớn hơn ngàn vạn lần. Tiếng cười trào lộng bật lên từ nghịch cảnh đó. Thoạt tiên, mới nhắc đến “ban trưởng”, “cảnh trưởng” thiết tưởng đó là những người cầm cân mẫu mực chắc hẳn phải công minh, trong sạch nhưng ta thực sự bất ngờ khi biết chúng chẳng qua là những con mọt dân, gây rối, bắt bớ dân để mà tham nhũng, cờ bạc.

Chúng mượn cái danh để tự đặt ra cho mình cái quyền thích làm gì thì làm. Đất Lai Tân có ban trưởng, cảnh trưởng tưởng chừng cuộc sống bình yên nhưng trớ trêu thay trật tự an ninh không được đảm bảo, những vi phạm pháp luật vẫn diễn ra đầy rẫy mà những kẻ đứng đầu bộ máy thống trị ở Lai Tân cũng chính là những kẻ cầm đầu những chuyện phạm pháp đó. Nực cười thay, nhà tù là nơi giam giữ những kẻ phạm tội vậy mà lại chính là nơi để tội phạm cổ thể thịnh hành rộng rãi nhất, tiêu biểu hơn cả, nhiều hơn cả vẫn là tội phạm cờ bạc mà chính giai cấp thống trị nhà lao cũng là những “đỗ phạm’. Cái nghịch cảnh “đánh bạc ở ngoài quan bắt tội, trong tù được đánh bạc công khai” là hiện thực thôi nát của nhà tù Tưởng Giới Thạch không thể phủ nhận được.

Cấp dưới sông và hành động bê tha, tàn ác như thế, vậy mà cấp trên – huyện trưởng – vẫn đêm đêm “chong đèn lo công việc”. Mức độ mỉa mai, châm biếm của tác giả tăng dần. Kích thước của những bức tranh về sau to hơn, rộng hơn bức trước. Từ chân dung một ban trưởng trông coi một phạm vi nhà tù nhỏ hẹp tới một cảnh trưởng cai quản một địa phận lớn hơn đến một huyện trưởng cai trị một vùng rộng lớn và bao quát cả quyền của ban trưởng cảnh trưởng. Bức tranh thứ ba mở ra hình ảnh “Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự’ vẻ ngoài tưởng mẫu cách, sát sao với “công việc” nhưng thực ra lại là một kẻ quan liêu, vô trách nhiệm, không biết tay chân, cấp dưới làm những gì, phạm pháp những gì. Câu thơ phạm luật “nhị tứ lục phân minh” ở một chữ “công”.

Bao mỉa mai, đả kích sâu cay dồn nén vào một chữ “công” đó. Huyện trưởng “lo công việc” hay là mượn “việc công” để tạo một tấm bình phong che cho mình “lo việc riêng”, hút thuốc phiện? Tác giả đặt chữ “đăng” chính giữa câu thơ không nhằm mục đích tỏa sáng chân dung huyện trưởng mà nhằm đối lập, phản chiếu cái tối tăm của bộ máy thống trị Lai Tân (nói riêng), hệ thống chính quyền Tưởng Giới Thạch (nói chung). Giữa thực trạng ấy, thử hỏi bình yên ở đâu? Câu trả lời là: Bình yên vẫn ở chốn Lai Tân này!

“Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

Câu trả lời bất ngờ đến mức khiến người đọc ngã ngửa người. Thì ra là thế! Lời bình giá đã đi ngược lại với tất cả những mục ruỗng, thối nát của chính quyền Tưởng Giới Thạch được phơi bày ở trên. Từ lời bình giá đó đã vút lên một lời đã kích mạnh mẽ. Tác giả “Lai Tân” đã kết luận đầy châm biếm, mỉa mai sắc sảo và rất hùng hồn về cái xã hội ấy. Thủ pháp nói ngược của Bác đã làm bật ra tiếng cười trào phúng. "Trời đất Lai Tân vẫn thái bình". Đúng vậy! Nhưng chỉ một chữ “vẫn” cũng đủ “điếng người’. Một cái bĩu môi dài, một cái cười khẩy, một giọng nói kéo dài bắc đầu từ chữ “vẫn” ấy.

Nghệ thuật nâng cao – quật mạnh, nâng cao 1 quật càng được Bác sử dụng rất công hiệu ở câu thơ cuối bài này đã lay tỉnh người đọc nhìn sâu vào xã hộ ấy mà xem xét, đánh giá đúng thực chất của nó. Như con đà điểu thấy nguy hiểm là húc đầu vào sâu trong cát, giai cấp thống trị ở Lai Tân thấy trời đất thái bình là tưởng thây yên ổn chúng bằng lòng với cách thái bình đó mà không ngờ rằng đó chỉ là cảnh thái bình giả dối, trong đó chất chứa rất nhiều sóng gió, hiểm nguy. Điều ấy cũng thể hiện sự ngu dốt, vô trách nhiệm hết sức của bọn chúng. Ba bức tranh – ba chân dung của ba kẻ đại diện cho giai cấp thống trị chế độ Tưởng Giới Thạch ghép lại với nhau thành một bức tranh lớn – một chân dung lớn đầy đủ, trọn vẹn về xã hội Trung Hoa quốc dân đảng.

Với “nghệ thuật vẽ đường tròn đồng tâm” tác giả “Lai Tân’ đã vẽ được một bức tranh sinh động mỗi lúc một toàn diện hơn chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch. Nhà “dột từ nóc dột xuống” chỉ qua một huyện Lai Tân mà cả bộ mặt thối nát, bỉ lậu của xã hội Tưởng được phơi bày. Tác giả đã phủ định triệt để tận gốc giai cấp thống trị ấy. Cái “loạn” của mảnh đất Lai Tân được tô đậm bằng màu xám, màu tối của những bê tha, xấu xa, vô trách nhiệm, rất quan liêu của văn võ bá quan. Và hơn thế, nó được “trang trí” bằng sự “thái bình” nhưng ai cũng hiểu trời đất Lai Tân “thái bình” như thế nào.

Cách kết thúc bài thơ của Hồ Chí Minh giống lối thơ trào phúng truyền thống của các nhà thơ trào phúng Việt Nam như Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương… đồng thời đậm chất (gây cười) của phương Tây. Hai chữ Lai Tân dường như không chỉ là một tên huyện đơn thuần mà tự bản thân nó đã mang một lớp nghĩa là mảnh đất mới, sáng sủa, bình yên. Và quả thật, huyện Lai Tân rất bình yên – bình yên “như xưa”. Nhưng “như xưa” ở đây nghĩa là sự trì trệ, là chậm chạp không phát triển đã thành truyền thông; “như xưa” là không hề đổi thay, là duy trì những cái xấu xa bỉ lậu của ngày trước. Hồ Chí Minh đã đả kích trực tiếp và khách quan chế độ Tưởng, do đó sức tế cáo, châm biếm của nó rất mạnh mẽ, quyết liệt. Bác đã giáng những đòn liên tiếp, chính xác vào xã hội ấy khiến nó phải “quần lèn” ở nhát đòn quyết định có tên là “thái bình”.

Không phải chỉ ở “Lai Tân” mà ở rất nhiều bài thơ khác của “Nhật kí trong tù Bác cũng đã đả kích châm biếm sâu sắc xã hội Tưởng Giới Thạch như “Trảng binh gia quyến”, “Đổ”, “Đổ phạm’. Đó là “những ngón đòn trào phúng thâm thúy mà Bác đã đánh thẳng vào kẻ thù, vạch trần cái vô lý, tàn tệ” của chế độ ấy khiến “ta cười ra nước mắt”. Tiếng cười trào lộng cất lên vừa trữ tình, vừa đậm chất trí tuệ khiến ta thoải mái, hả hê.

Ta chợt nhớ tới Tú Xương ngày trước cũng từng có một tiếng cười trào lộng như thế: “Tri phủ Xuân Trường được mấy niên Nhờ trời hạt ấy cùng bình yên”. (Đưa ông phủ)

Tiếng cười dân tộc đã thấm nhuần trong thơ hiện thực trào phúng của Hồ Chí Minh mà càng đọc ta càng thấy nó sâu cay. “Lai Tân” là một bài thơ cũng nằm trong số đó. Vừa có ý nghĩa hiện thực chân xác, vừa mang tính chiến đấu sắc lạnh tố cáo châm biếm cao độ, bài thơ đã giúp ta hiểu thêm về xã hội Tưởng Giới Thạch và hiểu hơn tâm hồn tài năng của Bác.

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 8)

Vào khoảng những năm ba mươi của thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam đã dần dần có một sự trưởng thành mới. Thi ca giờ đây của Việt Nam không còn bị lệ thuộc vào những quy ước khắt khe của Nho gia rằng tất cả nhà thơ không được bộc lộ cái tài một cách tự do. Bước vào giai đoạn này, mỗi thi sĩ lại hiện diện trên văn đàn với một tư thế rất riêng, của riêng mình. Cũng bởi vì cái riêng này, họ - thi sĩ thời đại mới – đã có những định nghĩa rất khác về thơ. Nếu Xuân Diệu cho rằng

“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”

thì Hàn Mặc Tử lại nói: “Thi sĩ là người gánh trên vai cả nỗi đau nhân loại”. Câu hỏi đặt ra rằng “nỗi đau nhân loại” đó là gì? Có thể là nỗi phiền muộn “tương tư” như Nguyễn Bính chăng? Hay là tư thế “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” của Huy Cận? Bên cạnh những nỗi đau trên, Hồ Chí Minh cũng đã “vô tình” thêm vào “nỗi đau nhân loại” kia một góc nhìn rất khác. Đó là góc nhìn vào cái xấu xa, thối nát của xã hội. Không còn chỉ là gói gọn trong “vòng trời đất dọc ngang ngang dọc” của đất Việt mà đã chạm đến cái mục cửa của xã hội Trung Quốc do chính quyền Tưởng Giới Thạch đứng đầu lúc bấy giờ. Tuy rằng “ngâm thơ ta vốn không ham” nhưng nếu là con người thì Hồ Chí Minh lại thờ ơ với những gì chướng tai gai mắt thế sao? Chỉ gói gọn trong bài thơ “Lai Tân”, tác giả đã nhẹ nhàng nhưng lại đả kích sâu cay một xã hội

“Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

Vì là người tù của chế độ Tưởng Giới Thạch nên không có gì khó hiểu khi tác giả lại vẽ ra một bức tranh hiện thực sắc sảo đến thế. Khi lược đọc qua bài thơ, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy một nghịch lý – một nghịch lý rất lớn. Đúng rằng không thể phủ nhận được trong thi ca không được có những nghịch lý. Thi ca vẫn được quyền có những nghịch lý. Những nghịch lý đó đôi khi là cảnh “Hầu trời” của Tản Đà hay làm sao có thể được khi Xuân Diệu lại muốn “cắn” vào “xuân hồng”. Tuy là nghịch lý đấy nhưng tất cả đều mang trong mình một nét dễ thương của con người “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Nghĩa là tuy nghịch lý về vật chất nhưng lại hợp lý trong tâm khảm.

Cái nghịch lý ở đây mà Hồ Chí Minh đặt ra cũng thế. Cái nghịch lý này giờ đây đã kèm theo chút nóng giận, bực tức. Làm sao có thể được khi một xã hội “ban trưởng chuyên đánh bạc”, “cảnh trưởng” lại “kiếm ăn quanh” mà “trời đất Lai Tân vẫn thái bình”? Quả thật, nếu như định nghĩa rằng “ban trưởng” là người trông coi nhà lao và “cảnh trưởng” là những người có nhiệm vụ giải tù nhân. Tất cả họ dường như đều chung một công việc là giáo dục tù nhân, giúp tù nhân tốt hơn. Nhưng thực tế thì không phải vậy.

Trong cái nghịch lý chủ đạo đã trình bày thì lại đâu đó nhen nhóm lên những nghịch lý khác. Chính là tại sao trong tù lại có cái nạn đánh bạc? Vẫn biết rằng chính xã hội lúc bấy giờ bên Trung Quốc thì món đánh bạc bị luật cấm. Nếu như anh đánh bạc thì không những anh, mà cả vợ con anh cũng bị liên lụy; còn riêng anh, anh phải đi tù. Đó là một thực tế và thực tế này đã được Hồ Chí Minh phác lại qua một lời ăn năn, hối tiếc của tên tù cờ bạc:

“Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội

Trong tù đánh bạc được công khai

Bị tù con bạc ăn năn mãi

Sao trước không vô quắt chốn này?”

Chính bài thơ trên đã vẽ ra rất khéo sự lạm quyền đến khốn nạn của chế độ lúc đó. “Con bạc” kia bị tù là đáng rồi, thích đáng cho việc hắn làm. Nhưng làm sao có thể im lặng được khi cái kẻ bắt mình vì tội đánh bạc thì chính y cũng đánh bạc. Thế là cả cai tù và phạm nhân đều là tòng phạm. Cùng đánh bạc với nhau cả thôi, nếu tôi có tội thì anh cũng chẳng thoát; thế mà lấy cái tư cách gì mà anh bắt tôi? Quả đúng như thế, vị quan kia không có tư cách để “bắt tội” nhưng hắn có quyền. Hắn có quyền, cái quyền mà chế độ Tưởng Giới Thạch đã “ban tặng” cho hắn. Và rồi cái nghịch lý ở đây là nhà lao giờ đây đã bị biến thành sòng bạc “được công khai”. Tại đây, ngay cái nơi mà tù nhân ước gì mình đừng vô đây lại được cấp giấy phép đánh bạc. Ngay cả đến “con bạc ăn năn mãi”: thà lúc trước vào đây đánh bạc để khỏi bị kết tội. Nực cười chăng? Cũng có thể. Chua cay chăng? Cũng có thể. Đau đớn chăng? Cũng có thể. Cái nhà tù Tưởng Giới Thạch là thế đấy!

Và rồi, không chỉ có nạn đánh bạc vậy đâu mà nơi đây còn bị Hồ Chí Minh chụp ảnh lại:

“Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh”.

Lại thêm cái nạn hối lộ. Đã quá đong đầy những sự thối nát, mục cửa của nhà tù Tưởng Giới Thạch. Khi bước vào lao tù, phạm nhân luôn ý thức rằng này đây mình sẽ bị đánh, bị đối xử có thể thậm chí như một súc vật. Biết là thế nhưng nếu với ý nghĩa nhà tù là nơi cải tạo phạm nhân thì lại sao có cái tình trạng hối lộ? Nghịch lý! Ở một bài thơ khác, tác giả cũng đã khắc lại cái trớ trêu, cái khốn nạn của thói ăn hối lộ này một cách rất chân thực:

“Mới đến nhà lao phải nộp tiền

Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên

Nếu anh không có tiền đem nộp

Mỗi bước anh đi một bước phiền”

Thì ra cái thói ăn hối lộ là một “lệ thường”. Bây giờ đã rõ đến tận gốc rễ của sự việc. “Cảnh trưởng” dường như có được cái quyền làm cho “mỗi bước anh đi một bước phiền” nếu như tù nhân không có “năm mươi nguyên” đem nộp. Ở nơi “tối tăm mù mịt ấy”, tác giả đã thấy, đã chua xót, đã cay đắng vì cái nghịch lý khốn nạn, trớ trêu này. Dường như tác giả đang tìm một sự hợp lý nào đó.

“Chong đèn, huyện trưởng làm công việc”

Tưởng chừng như “huyện trưởng” là một vị quan rất lo cho dân, rất thương dân nên khi đêm đã về, vạn vật như chìm đắm trong giấc mộng thì ông lại “thiêu đăng” để làm việc. Điều này thật là quý hóa! Nhưng câu hỏi đặt ra nếu như ông ta lo lắng cho dân, cho nước như thế thì tại sao cấp dưới của ông ta lại xảy ra, xuất hiện những thói đời như thế. Phải chăng ông là người có tài nhưng lại bất lực; hay ông cố tình cho qua và “cho phép” cấp dưới được quyền như thế? Vấn đề đặt ra tiếp theo rằng phải chăng “huyện trưởng” đã được cấp dưới đút lót? Đó quả là một câu hỏi lớn - một câu hỏi phải để cho chính chế độ đó trả lời. Một mặt khác, nếu như đánh đồng những đối tượng trong ba câu thơ đầu thì có lẽ “huyện trưởng” hằng đêm “thiêu đăng” để hút thuốc phiện. Không phải một cách cường điệu mà ghép hết tội này đến tội khác cho ông; nhưng dù có cố tìm một lý do chính đáng cho những hành động giữa đêm như thế trong bối cảnh này cũng là khó khăn.

Chỉ cần lướt qua ba câu thơ đầu của “Lai Tân”, người đọc đã có thể thấy đó như một thước phim mà tác giả đang cố tái hiện lại một cách chân thực. Thước phim này chiếu lại một bộ máy cai trị ở Lai Tân gồm “ban trưởng”, “cảnh trưởng”, “huyện trưởng” với những việc làm xem ra là bình thường trong cái xã hội bấy giờ. Bình thường đến mức tầm thường! Thực tế là vậy. Một điều minh nhiên rằng cái xã hội đó sẽ không “thái bình”. Nhưng đến câu cuối bài thơ, với tất cả những sự việc như thế mà tác giả lại kết luận rằng:

“Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

Dường như là dửng dưng và vô cùng nghịch lý. Tuy là thế nhưng tác giả đã đả kích một cách nhẹ nhàng nhưng lại thấm thía. Nhãn tự “thái bình” đồng thời vừa vạch ra một nghịch lý, vừa vẽ ra một hợp lý mang “phong cách” Tưởng Giới Thạch. Phải chăng “thái bình” là do được sự đồng lòng nhất quán từ “cảnh trưởng”, “ban trưởng” đến “huyện trưởng”. Tất cả đều như nhau, cũng thối nát, mục rữa. Lại thêm với nhãn tự “thái bình”, tác giả dường như đang khẳng định rằng tình trạng của chế độ thống trị xã hội Trung Quốc bấy giờ vẫn xảy ra bình thường, không có gì phải lạ cả, thậm chí điều đó gần như là bản chất của guồng máy cai trị ở đây. Chỉ cần như thế thôi, tác giả đã mỉa mai châm biếm cái xã hội dưới thời Tưởng Giới Thạch đó một cách sâu sắc đến vậy. Sâu sắc là bởi thi nhân đã nhìn thấy vào trong cái sự thật đã được che đậy bằng bề mặt giả tạo của bộ máy cai trị này.

Hồ Chí Minh dường như đã thật sự trở thành một thi sĩ vì tác giả đã “gánh trên vai cả nỗi đau nhân loại”. Thi nhân vừa thương vừa đả kích mạnh mẽ. Bút pháp châm biếm nhẹ nhàng mà thấm thía cùng nhãn tự “thái bình” đặc biệt xen giữa nhịp thơ 4/3 đã giúp thi sĩ hoàn thành “Lai Tân”. Rất chính đáng, vô lý nhưng lại có lý hết lời!

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 9)

Tú Xương sinh năm 1870, đến năm 15 tuổi đã bắt đầu đi thi. Khoa Ất Dậu 1885, không đỗ. Khoa Mậu Tí 1888, khoa Tân Mão 1891 đều hỏng. Khoa Giáp Ngọ 1894, chỉ đỗ tú tài, năm đó 24 tuổi và từ đó đã chính thức thành tên là Tú Xương. “Thi không ăn ớt thế mà cay”. Tú Xương còn vác lều chõng thi tiếp 4 khoa nữa: Khoa Đinh Dậu 1897, khoa Canh Tí 1900, Khoa Quý Mão (1903) và khoa Bính Ngọ 1906. Nguyễn Tuân nói: “Thế rồi Tú Xương mất vào đầu năm sau (1907). Tức là Tú Xương thi chết thôi, thi cho đến chết mới thôi”.

Một việc văn chương thôi cũng nhàm,

Trăm năm thân thế có ra gì?

(Buồn thi hỏng)

Khoa thi Đinh Dậu đôi với Tú Xương có một ý nghĩa đặc biệt: nhiều hăm hở và hi vọng. Khoa thi trước (khoa Giáp Ngọ, 1894) ông đã đỗ tú tài nên khoa thi này ông hi vọng sẽ đỗ cử nhân bước lên đài danh vọng: “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”.

Nhan đề bài thơ còn có một cái tên khác: “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”. Bài thơ miêu tả lễ xướng danh khoa thi Hương tại trường Nam năm 1897, qua đó nói lên nỗi nhục mất nước và niềm chua xót của kẻ sĩ đương thời.

Hai câu đề giới thiệu một nét mới của khoa thi Đinh Dậu:

Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

Việc thi cử ngày xưa là của vua, của triều đình nhằm mục đích kén chọn kẻ sĩ tài giỏi, chọn nhân tài ra làm quan giúp vua, giúp nước. Bây giờ nước ta đã bị thực dân Pháp thống trị, việc thi cử vẫn còn thi chữ Hán theo lộ cũ “ba năm mở một khoa” nhưng đã cuối mùa. Và kẻ chủ xướng ra các khoa thi ấy là nhà nước là chính phủ bảo hộ. Câu thơ thứ hai nêu lên tính chất hỗn tạp của kì thi này: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Đời Nguyễn, ở Bắc Kì có hai trường thi Hương là trường thi Hà Nội và trường thi Nam Định. Tây thực dân chiếm trường thi Hà Nội, nên mới có chuyện sĩ tử Hà Nội phải thi lẫn với trường Hà như thế. Theo Nguyễn Tuân cho biết khoa thi 1894, trường thi Nam Định có mười một ngàn sĩ tử, đỗ 60 cử nhân và 200 tú tài. Tú Xương đỗ tú tài khoa thi đó. Chắc chắn khoa thi Hương năm Đinh Dậu số người dự thi còn đông hơn nhiều!

Hai câu thực miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh bằng hai nét vẽ rất đặc sắc. Vì là người trong cuộc nên Tú Xương mới làm nổi bật cái thần của quang cảnh trường thi như vậy. Dáng hình sĩ tử thì “vai đeo lọ” trông thật nhếch nhác, “lôi thôi”. Sĩ tử là người đi thi, là những trí thức trong xã hội phong kiến từng theo nghiệp bút nghiên. Trong đám sĩ tử “lôi thôi” sẽ xuất hiện những ông cử, ông tiến sĩ, ông tú nay mai. Câu thơ “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” là một cảnh hài hước, chua chát. Đảo ngữ hai chữ “lôi thôi” lên đầu câu thơ gây ấn tượng nhếch nhác đáng buồn “vai đeo lọ”. Lọ mực hay lọ đựng nước uống trong ngày thi? Đạo học (chữ Hán) đã cuối mùa, “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo - Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi” nên trường thi mới có hình ảnh mỉa mai “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” ấy.

Nét vẽ thứ hai cũng thật tài tình:

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Ậm oẹ nghĩa là ra bộ nạt nộ, hăm doạ. Cấu trúc câu thơ đảo ngữ đưa hai tiếng tượng thanh “ậm oẹ” lên đầu câu thơ để làm nổi bật hình ảnh các quan trường “miệng thét loa”. Trường thi không còn là chốn tôn nghiêm nền nếp nữa, quá lộn xộn, quá ồn ào, khác nào cảnh họp chợ, nên quan trường mới “ậm oẹ” và “thét loa” như thế. Tú Xương đối rất chỉnh làm hiện lên hai hình ảnh trung tâm của trường thi. Sĩ tử thì lôi thôi nhếch nhác, mất đi cái vẻ nho nhã thư sinh. Quan trường, giám thị, giám khảo cũng chẳng còn cái phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có. Bức tranh nhị bình biếm hoạ độc đáo này gợi lại cảnh hoàng hôn của chế độ phong kiến ở nước ta:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Hai câu luận tô đậm bức tranh “Lễ xướnq danh khoa Đinh Dậu” bằng hai bức biếm hoạ về ông Tây và mụ đầm. Tài liệu cũ cho biết, năm đó toàn quyền Paul Doumer và vợ chồng tên công sứ Nam Định Le Normand đã đến dự. Các ông cử lẫn khoa, các ông tú mền, tu kép... phải cúi rạp mình xuống mà lạy ông Tây, lay mụ đầm “váy lê quét đất”, “ghế trên, ngoi đít vịt”. Cái nhục của hàng vạn sĩ tử Bắc Hà không thể nào kể hết:

Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến,

Váy lê quét đất, mụ đầm ra.

Tây thực dân đang đè đầu cưỡi cổ dân ta. Hình ảnh “Lọng cắm rợp trời” gợi tả cảnh đón tiếp dành cho “quan sứ”, lũ ăn cướp đất nước ta, một nghi lễ cực kì long trọng. Đó là nỗi đau mất nước. Từ xưa tới năm ấy (1897) chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, đàn bà đâu được bén mảng đến nơi kén chọn nhân tài. Thế mà bây giờ, không chỉ “mụ đầm ra” mụ đầm đến với “váy lẽ quét đất” mà còn bày ra giữa thanh thiên bạch nhật một nghịch cảnh vô cùng nhục nhã:

Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt

Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng.

Nguyễn Tuân đã nói về nỗi nhục đó như sau: “Không đỗ cũng cực, mà đỗ để phải phủ phục xuống mà lạy Tây, lạy cả đầm, thì quả là nhục”.

Vịnh khoa thi Hương năm Đinh Dậu nếu thiếu đi hai hình ảnh ông Tây mụ đầm, bức tranh biếm hoạ coi như chẳng còn gì. Nghệ thuật đối của Tú Xương đã làm tăng sức hấp dẫn cho phong cách hiện thực của Tú Xương. Và nhờ có “lọng” đối với “váy”, “quan” đối với “mụ” mà giọng cười, lối cười, hương cười, sắc cười (chữ của Nguyễn Tuân) của câu thơ Tú Xương kế thừa cái cười dân tộc trong ca dao, trong tuồng, chèo cổ. Có hiểu được rằng lọng là một thứ nghi trượng (cờ, biển, tán, tàn, võng, lọng,...) cao sang được dùng trong nghi lễ đón rước cúng tế lại được đem đối với váy (đồ dơ), mới thấy nghệ thuật trào phúng độc đáo trong phép đối của Tú Xương. Nỗi đau, nỗi nhục mất nước được cực tả một cách cay đắng, lạnh lùng qua cặp câu luận này.

Nguồn mạch trữ tình như được chiết xuất ra từ những điều mắt thấy tai nghe, từ những nhố nhăng, lôi thôi, lộn xộn trong ngoài, trên dưới nơi trường Nam năm Đinh Dậu:

Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Câu thơ như một lời than; trong lời kêu gọi hàm chứa bao nỗi xót xa, tủi nhục và cay đắng. Nhân tài đất Bắc là những ông nghè, ông cống, những con người có lòng tự tôn dân tộc,... ở vùng Sơn Nam, ở Kinh kì Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ nhân tài, tinh hoa của đất nước. Ba tiếng “nào ai đó” phiếm chỉ càng làm cho tiếng than, lời kêu gọi trở nên thấm thía, lay gọi thức tỉnh. Chữ “ngoảnh cổ” gợi lả một thái độ, một tâm thế không thể cam tâm sống nhục mãi trong cảnh đời nô lệ. Phải biết “ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”. “Cảnh nước nhà” là cái cảnh nhục nhã:

Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu...

(...) Kẻ chức bồi người tước cu li

Thông ngôn, kí lục chi chi

Mãn đời, lính tập, trọn vị quan sang

(Á tế Á ca)

Tú Xương là một trong hàng vạn sĩ tử dự khoa thi Hương năm Đinh Dậu. Ông là người tham dự, là người chứng kiến,... Từ nỗi đau của người hỏng thi mà ông ngẫm về cái nhục của sĩ tử, của trí thức, của nhân tài đất Bắc. Nỗi đau nhục về mất nước như ngưng đọng uất kết lại thành tiếng thở dài, lời than, có cả những dòng lệ...

Bài thơ “Vịnh khoa thi Hương” vừa tả cảnh “nhập trường”, vừa tả cảnh “lễ xướng danh”, qua đó nói lên tâm trạng đau đớn, chua xót của nhà thơ. Một hiện thực đau buồn, nhốn nháo, nhố nhăng. Và trữ tình thấm thía bao cay đắng tủi nhục. Chất thơ, hồn thơ, phong cách thơ Tú Xương là như thế!

Bình về bài thơ này, Nguyễn Tuân viết: “... thơ nói về trường thi của Tú Xương giống như những lời thanh nghị của một lớp sĩ phu thời đó. Không đánh được ai bằng khí giới, thì ít nhất cũng phải lấy bút ra mà vẩy cái lực sĩ khí vào những nghè, những cử bịt mũi xu thời! vẩy vào, và than một đôi lời”.

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) (mẫu 10)

Nói về thơ trào phúng không ai có thể bỏ qua Tú Xương, một giọng thơ châm biếm, đả kích sắc bén, quyết liệt và dữ dội hiếm có. Chế Lan Viên từng viết: " Tú Xương nhìn như mảnh vỡ thuỷ tinh ". Nhưng Trần Tế Xương đâu là một nhà thơ hiện thực chủ nghĩa điển hình, giống như Nguyễn Tuân, chất hiện thực ấy chính là " chân trái ", mà " chân phải " của ông là chất lãng mạn. Trân trọng khâm phục và nhớ về thơ Tú Xương nhiều hơn có lẽ vì người đời được lắng nghe nhịp đập của một trái tim chân thành, đầy tình cảm, biết trọng nhân cách, với một nỗi đau thăm thẳm không nguôi. Buồn vì không có điều kiện để giúp đỡ một người nghèo, một đồng bào cùng cảnh ngộ, ông thề độc: " Cha thằng nào có tiền không cho ". Mang nỗi đau tột cùng của một tri thức, ông chua chát: " Nhân tài đất Bắc kìa ai đó! /Ngoảnh mặt mà nhìn cảnh này ". Đó là ngoài đời, còn trong nhà ông luôn bị dày vò bởi cảm giác thiếu trách nhiệm, Tú Xương " thương vợ ", có chồng vẫn phải đóng vai phụ, ông tự nhận cái sự " hờ hững " của mình.

Chắc rằng các cụ ông ngày xưa phần lớn là thương vợ thương con, nhưng vì một quan niệm nào đấy, thường ngại bộc lộ tình cảm của người chồng, nhất là lại thể hiện tình cảm với người vợ một cách trực tiếp qua giấy trắng mực đen, qua văn chương thì lại càng ít. Thế kỉ XIX, có hai nhà thơ cùng người thành Nam, Nguyễn Khuyến và Tú Xương, đã không ngần ngại nói lên tình thương yêu của người chồng đối với vợ ngay khi các bà còn đang sống. Nhưng về chủ đề này, Thương vợ cua Tú Xương là bài thơ nổi tiếng hơn cả:

"Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không".

Nổi bật trong bài thơ là hình ảnh hai con người: một người vợ tần tảo giàu đức hy sinh và một người chồng luôn biết chia sẻ, yêu thương và trân trọng vợ rất mực. Hai câu thơ đầu giới thiệu về công việc của bà Tú cũng như trách nhiệm nặng nề của bà: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng". Buôn bán cũng là một nghề như bao nghề khác, người phụ nữ làm để kiếm tiền. Người xưa cũng coi đây là nghề độc nhất nếu muốn giàu có (phi thương bất phú) . Nhưng việc kinh doanh của bà Tú lại không được như thế. Chẳng có nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn gì, mà chỗ bà "buôn bán" là ở "mom sông". Hai chữ "mom sông" đã gợi nên hình ảnh một khoảnh đất nhô ra ở ven bờ, khi nước cạn thì được, nước dâng sẽ tan, có thuyền qua lại thì thành chợ không ngủ, cũng có thể chợ nhóm họp một lát vào buổi sáng hay buổi xế chiều. Lèo tèo đôi ba gánh hàng, chỗ dành cho người bán rong, vốn liếng nhỏ nhoi, bấp bênh, tất nhiên thu nhập chẳng đáng là bao. Thế mà công việc khó nhọc ấy, bà Tú không thể chịu đựng một hai ngày mà cứ làm "quanh năm". Chữ "quanh năm" gợi một thời gian đằng đẵng, là 12 tháng, từ tháng giêng đến tết, cũng có nghĩa là hết năm này sang năm nọ. Cái công việc vất vả ấy dường như theo đuổi bà Tú suốt cả cuộc đời, nhưng nó chẳng thể giúp gia đình bà khấm khá hẳn lên để có việc khác nhàn hạ hơn hay phát triển nghề "buôn bán" ở một cấp độ cao hơn. Công việc thì nhọc nhằn, thu nhập thì thấp, nhưng bà Tú vẫn có thể lo toan được cả một gia đình sáu miệng ăn. Hơn nữa, không phải là sáu mà lại là "năm con với một chồng", "Năm con" là ít, nhưng dẫu sao cũng chấp nhận được, lo lắng cho chúng khi thiếu miếng ăn, manh áo. Nhưng ông chồng, là "một", tất nhiên là chi phí cho cả năm đứa con kia. Có khi còn hơn thế nhiều! Mỗi khi ông phải đi xa là tiền lưng gạo bị lại đổ lên vai vợ, chưa kể những khi đồng chè đồng rượu,..... Nhiều khoản chi tiêu như vậy nhưng lúc nào bà cũng lo "đủ ". Thật là đảm đang tháo vát quá, chiều chồng đến chừng nào!

Được cái tiếng thơm ấy, thật không dễ dàng gì, bà Tú phải đổi bằng biết bao công sức: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông". Câu thơ gợi hình ảnh con cò trong những câu ca dao quen thuộc: "Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/ ... Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao". Hình ảnh về một loài chim hiền lành, chăm chỉ âm thầm nhặt nhạnh, kiếm ăn nơi ruộng lúa, bãi sông đã trở thành biểu tượng về những người phụ nữ lam lũ suốt đời vì chồng, vì con, chẳng mấy khi nghĩ đến bản thân mình. Trong thơ Tú Xương, không phải là con cò mà là thân cò. Không còn là một con vật cụ thể mà là thân phận, số phận, một cái gì rất mỏng manh, nhỏ bé trước biết bao vần vũ của cuộc đời. Yếu đuối quá, bị động quá mà luôn phải lăn lộn, bươn chải. Khi quãng vắng thì lặn lội; buổi đò đông thì chịu cảnh eo sèo. Hai tính từ được đối nhau ở đầu hai câu thơ vừa giàu tính tạo hình vừa giàu tính biểu hiện. Kia một người phụ nữ gầy yếu như thân cò, gánh nặng trên vai, một thân một mình, bước trầy trật trên con đường lầy lội. Hàng cất về rồi, tránh mưa gió thì mất tiền, nên phải lặn lội ra đi. Và kia nữa cũng thân cò ấy lại phải xù lông xù cánh chao chát, cãi cọ tranh mua tranh bán, tranh xuống cho kịp đò, tranh lên cho kịp chợ. Chỗ đông người thì vã mồ hôi, quãng vắng thì trào nước mắt. Nhưng đó là bà Tú trong con mắt của ông Tú, còn với bà không hề có một lời kêu ca phàn nàn mà là một thái độ chịu đựng vốn thường có của người phụ nữ phương Đông: "Một duyên hai nợ âu đành phận/Năm nắng mười mưa dám quản công". Trong mối quan hệ vợ chồng, duyên là cái căn nguyên từ trước, do đó, mà vợ chồng lấy được nhau hoặc lấy phải nhau. Từ ý nghĩa vừa nói, dân gian cũng đã làm ra một cặp khái niệm khác nhau: duyên và nợ (Một duyên, hai nợ, ba tình. Chồng gì anh, vợ gì tôi, đó là cái nghĩa chi đây. ..) . Như vậy trong dân gian " một duyên hai nợ " là ám chỉ sự bất hạnh của cuộc đời người con gái. Nhưng ở đây trong thế so sánh với câu dưới. Một duyên hai nợ trong câu thơ của Tú Xương đã có ý nghĩa khác hoàn toàn: một, hai không phải là số đếm nữa mà là số tính và số nhân: duyên chỉ có một mà nợ đến cả hai duyên thì ít mà nợ lại lớn. Bà Tú lấy được ông Tú nghĩ cho kỹ đó cũng là phúc. Ông cũng đỗ đạt hơn người bình thường đôi chút. Chỉ có thế thôi. Chứ nếu ông là chồng mà lại làm dở ương, khoán trắng. Tiền bạc phó cho con mụ làm; nói ông quan ấy ăn lương vợ. .. thì quả là một thứ nợ đời. Duyên thì ít mà nợ lại lớn là như thế. Cái vất vả, cực nhọc của lặn lội thân cò ở câu thơ trên đến đây đã được đẩy lên thành cái vất vả, gian truân của một số phận là định mệnh của cả một kiếp người thì nặng nề và cay đắng biết bao nhiêu. Đã là số phận thì phải âu đành. Âu có nghĩa là khổ mà đành cũng là phận. Một câu thơ mà cả hai lần chịu đựng. Vì cam chịu nên Năm nắng mười mưa dám quản công là vậy. Cho dầu nắng mưa đến mấy (Năm nắng mười mưa) bà cũng không một chút ngại ngần và chẳng tiếc chi công sức của mình. Dám quản công là chẳng những chỉ có tác dụng như đã nêu mà còn cho thấy tính gìn giữ. Nổi lên thêm từ hai câu thơ là sự hy sinh, chịu đựng thầm lặng của người hiền phụ. Đây cũng là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay. Đã thấy tấm lòng thương vợ của thi nhân là thấm thía và sâu sắc biết bao.

Sau cùng, hai câu kết của bài thơ là một lời chửi rủa: "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không!" Thác lời của bà Tú, nhà thơ đã chửi rủa chính cái bạc bẽo và cái vô tích sự của người chồng nghĩa là của chính mình. Tất cả nỗi thương vợ cùng với sự bất lực giận mình, giận đời đã lắng đọng trong tiếng chửi rủa đầy day dứt, xót xa kia. Nhưng thực sự ông có bạc bẽo, hờ hững với vợ mình không? Điều này khó trả lời. Nhưng ngẫm cho cùng, bài thơ này đã giải đáp phần nào câu hỏi ấy. Hơn nữa, tự coi mình cũng như không cũng như một người thừa, một kẻ hờ hững sống đấy mà cũng như đã chết thì tuy đó là lời rủa mình nhưng cũng là lời ca ngợi và đề cao công ơn của vợ. Tuy là một lời chửi rủa nhưng hai câu thơ kết vẫn đượm thắm màu sắc vui đùa. Nhà thơ phán xét tự trách mình cũng là cách biểu hiện sự thương cảm sâu xa với vợ. Ông nói ăn ở bạc nhưng lòng ông không bạc, không hờ hững với bà chút nào cả. Như vậy Thương vợ đúng là một bài thơ hay cho ta hình dung được nỗi lòng thương yêu mênh mông chân thành và sâu sắc của nhà thơ đối với người vợ chịu thương, chịu khó, hi sinh, khó nhọc, vất vả một cách lặng thầm vì gánh nặng chồng con. Với một bài thơ trữ tình giàu hình ảnh, nhạc điệu, ngôn ngữ tự nhiên, dân dã, nhà thơ không những đã thể hiện được tình cảm ấy của mình mà còn tạo nên được một bức chân dung bất hủ có tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ các đức tính đáng quý là đảm đang, cần cù, nhẫn nại, hi sinh.

1 58,153 30/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: