TOP 10 mẫu Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố (2024) SIÊU HAY

Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 411 11/08/2024


Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố

Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích - Chuyện kể trong thành phố

TOP 10 mẫu Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố - mẫu 1

Nếu bạn đang chán cơm thèm sách hoặc chỉ là bạn đang muốn tìm một cuốn sách thú vị để đọc thì có lẽ bạn có thể cân nhắc cuốn sách này. Cuốn sách khoảng 200 trang và chắc chỉ mất 2 tiếng ngồi đọc. Đây chẳng phải cuốn sách kinh tế làm giàu, chẳng phải tiểu thuyết giật gân, thậm chí còn chẳng mang đến một chút kiến thức ghê gớm nào cả. Đơn giản đây là một truyện ngắn của bạn thân mình nên mình review thôi.

Trước khi nhắc đến nội dung cuốn sách thì mình sẽ kể về hoàn cảnh ra đời của nó. Sơn sống ở Hà Nội từ bé đến hết năm lớp 10 thì chuyển vào Sài Gòn sống nhưng chỉ học hết lớp 11 thì Sơn lại đi du học New Zealand. Trong quãng thời gian đó Sơn nhớ nhà và crush nên đã quyết định viết về những kỉ niệm mà của cậu trong quảng thời gian cấp 3.

Cuốn sách nói về một trận bóng (niềm yêu thích của cậu) nhưng lại thông qua đó so sánh cuộc sống ở Nam và Bắc cụ thể là Hà Nội và Sài Gòn. Một cuốn sách nhẹ nhàng chả có tình tiết giật gân sẽ giúp bạn thư giãn cùng với sự hài hước trong cách viết và cách so sánh giữa con người, cuộc sống ở 2 thành phố. Có thể bạn sẽ thấy tác giả có phần nào ảnh hưởng bởi phong cách của Nguyễn Nhật Ánh: cốt truyện đơn giản, miêu tả hài hước, tinh tế. Cuốn sách thú vị nhất bởi cách viết cực kì hài hước mà nếu dân dã thì nó sẽ được gọi là ‘khắm’. Nếu bạn giống mình tự nhiên muốn đọc một truyện ngắn vui vui thay về tiểu thuyết hay sách triết lý thì bạn nên mua cuốn này.

Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố - mẫu 2

“Những thành phố tôi yêu” hài hước, vô tư, trong trẻo, nhưng cũng rất gợi mở về tình bạn, tình thầy trò, và hơn hết là về những khác biệt rất thú vị giữa hai miền Nam - Bắc.

Có thể nói ấn tượng đầu tiên ở Những thành phố tôi yêu đó là câu chuyện bó chặt trong thế giới của những cậu con trai. Gọi như vậy bởi ngay cả người lớn tuổi nhất đó là Nam - thầy giáo mới 24 tuổi -nhưng đã có kinh nghiệm 2 năm dạy học được giao tiếp quản lớp 11C, nơi có vỏn vẹn 5 cậu con trai, mỗi cậu lại có một hoàn cảnh xuất thân và một tính cách khác biệt.

Người trưởng thành từ New Zealand xa xôi, người sinh ra lớn lên ở Hà Nội, người hài hước hay bông đùa, người bộc trực thẳng tính, kẻ lầm lì ít nói… tất cả tụ họp trong một lớp học nằm giữa lòng Sài Gòn. Tưởng như là những mảnh ghép rời rạc, nhưng bằng một chất keo thần kỳ nào đó, “đội bóng lắp ghép” này đã lọt tới tận trận chung kết để gặp đối thủ nặng ký - lớp 11A.

Với giọng văn khá thông minh, hài hước, chỉ bằng những diễn biến trên sân cỏ, Ngô Đặng Thái Sơn đã xây dựng một cốt truyện buộc người đọc phải tập trung theo dõi từ đầu đến cuối. Nói như tác giả, thì với phái mạnh, đá bóng không phải một môn thể thao, đó là cả một tôn giáo”. Mọi hỉ, nộ, ái, ố ở bên ngoài sân cỏ sẽ tan biến, cả đám con trai lao theo trái bóng hòng một mục tiêu là đưa vào lưới đối phương. Trong không khí căng thẳng nơi ai cũng muốn thắng, một nghi án bán độ nổ ra, có nguy cơ chia rẽ một tập thể vốn rất đoàn kết, gắn bó.

Ở đây, vượt qua câu chuyện trái bóng tròn, đó là thử thách về lòng tin giữa thầy và trò, giữa những cậu con trai mới lớn, về tính trung thực và dám nhận trách nhiệm… Từ câu chuyện của những cậu học trò, người đọc nhận ra mình cũng từng trải qua những phút bồng bột, nông nổi, đánh mất mình của tuổi trẻ, để rồi cuối cùng thấy thật may mắn có những người bạn tốt ở cạnh bên.

Mặc dù là một câu chuyện dành cho lứa tuổi học trò, nhưng tác giả không cố tình xây dựng một cái kết “trong mơ” mà để nó thuận theo lẽ tự nhiên, khi mà các nhân vật đều cố gắng hết mình để không hổ thẹn với lương tâm, dù kết quả thế nào cũng có thể ngẩng cao đầu mà chấp nhận.

Trong cuốn sách này, người đọc có thể nhận ra những lát cắt thú vị giữa hai miền Nam - Bắc, được kể bằng giọng điệu nhẩn nha, hài hước nhưng không hề châm chọc, chẳng làm ai mất lòng. Chẳng hạn, nói về văn hóa "nhậu", cậu bé Sơn có nhận xét rất tinh tế và thú vị: "Ở Hà Nội, phần lớn mọi người khi mời nhau sẽ vì một lý do rất rõ ràng, có chủ đích.

Nếu không phải là vì chuẩn bị chốt một dự án mới thì cũng là để chúc mừng con của một ai đó thi đỗ vào cấp hai". Và nội dung dù có xiên vẹo sang chuyện khác thì cuối cùng cũng quay lại chủ đề chính, giống như một cái cây có nhiều nhánh.

Còn ở Sài Gòn thì quên cái cây ấy đi. Vì đơn giản là người Sài Gòn thì chẳng vì lý do gì cũng có thể ngồi với nhau và câu chuyện thì toàn xoay quanh chuyện mang tầm vóc “vi mô”.

Hay đơn giản chỉ là cách bông đùa, pha trò của mỗi miền. Hay giả dụ như ở miền Bắc, các câu chuyện cười, nói mỉa, chém gió… phần nhiều luôn có những ý nghĩa sâu xa, đòi hỏi người nghe cần phải có một mức độ suy nghĩ nhất định mới có thể hiểu được, thì ở Sài Gòn sự hài hước thường rất đơn giản, rõ nghĩa.

Tác giả nhận định: “Nếu như sự hài hước của người Hà Nội là một mỏ vàng nằm sâu dưới lòng đất, cần phải khai thác mới “lộ thiên”, thì Sài Gòn lại là những vụn vàng li ti nằm rải rác trên mặt đất". Ngay đến cách phát âm của người Bắc và người miền Nam cũng được tác giả mổ xẻ bằng những phân tích, nhận định rất “láu” khiến người đọc không nhịn được cười.

Không có những tình tiết gây sốc, không chạy theo những tình huống éo le, Những thành phố tôi yêu vẫn là bức tranh nhiều màu sắc, đầy kịch tính và lôi cuốn. Ở đây, người đọc dễ dàng tìm thấy hương vị của Kính vạn hoa, với câu chuyện của lứa tuổi học trò vô tư, hồn nhiên, tràn đầy năng lượng và sự tươi mới. Xuyên suốt là sự tận tâm của thầy giáo trẻ, người luôn ý thức “khum tay bưng ngọn lửa đang cháy trong đầu mình đi thắp sáng cho những cây nến vẫn còn nguyên dây bấc”.

Mặc dù có một chút tiếc nuối với cái kết hơi nhanh, tuy nhiên, đây vẫn là một trong những cuốn sách đáng đọc dành cho lứa tuổi mới lớn, trong bối cảnh thị trường đang tràn ngập những tác phẩm dễ dãi, đọc rồi quên nhanh.

Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố - mẫu 3

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật, ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì không thể nào quên được tình yêu dành cho Hà Nội - một tình yêu không dễ để gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng và nâng niu. Cuốn sách “Hà Nội băm sáu phố phường” chính là tác phẩm giúp ta hiểu hơn về một Hà Nội như thế, hiểu thêm về những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.

“Hà Nội băm sáu phố phường” là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, tập hợp lại những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, do Nhà xuất bản Văn học phát hành.

Thạch Lam (1910 – 1942) tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là cây bút tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn.

“Hà Nội băm sáu phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Trên mỗi trang viết giản dị, mộc mạc là hình ảnh một Hà Nội xưa quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là hình ảnh những mái nhà cổ kính bên những con đường quanh co, mềm mại, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế... giữa không gian êm ả, thanh bình. Đọc xong cuốn sách, đọc giả sẽ cảm nhận được toàn bộ vóc dáng và tâm hồn Hà Nội xưa.

Cuốn sách là tập hợp hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa với nhiều cảnh đời khác nhau. Đó có thể là những người phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng thấp thoáng giữa các số phận éo le đó lại ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả đều là những câu chuyện về những con người Hà Nội, nép mình dưới những khu phố khác nhau, với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau, hiện lên đơn sơ bằng ngòi bút chân thực của tác giả. Ông đã nhắc đến “nghệ thuật biển hàng” đang dần biến mất vì sự Tây hóa, học đòi của các chủ quán khiến văn hóa tiếng việt của dân tộc bị lu mờ.

Với “Hà Nội băm sáu phố phường”, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm tới những người bán rong – những thân phận bé nhỏ, lam lũ kiếm sống, mưu sinh trong đêm.

Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, thanh tao. Nhà văn phố huyện Cẩm Giàng đôi khi chỉ cần vài ba dòng, vài ba câu mà gợi được cả hình ảnh về Hà Nội, không phải ở những khung cảnh sôi động, ồn ào, không phải ở những vấn đề xã hội gay gắt mà như một góc khuất lặng lẽ và chỉ người nào yêu Hà Nội lắm mới có thể nhận ra. Với một lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát, Thạch Lam đã bất tử hóa những cái bình thường, làm rung động con tim người mến thương Hà Nội. Giọng văn của Thạch Lam không gay gắt, khoa trương, mà nhỏ nhẹ như một lời thủ thỉ của thiếu nữ đang tâm tình với người thương.

Tác phẩm là lời nhắc nhở chúng ta cần gìn giữ văn hóa, cội nguồn dân tộc, xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn.

“Hà Nội băm sáu phố phường” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Hà Nội. Ai trong chúng ta cũng nên có trong tay cuốn sách này để tự mình thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp của Hà Nội.

Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố - mẫu 4

Tuổi thơ những đứa trẻ như chúng ta đều được nuôi dưỡng tâm hồn bởi những cuốn sách. Sách là thứ rất lạ kì, khi tôi gọi tên là thấy thiêng liêng lắm. Vì đôi khi trong những cuốn sách như gói gọn cả gia đình tôi, quê hương tôi - Hà Nội, chốn thân thương tôi gửi trọn một thanh xuân thuở còn thơ bé. Và nhà văn Băng Sơn cũng như vậy: “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa… Hà Nội có cái gì là tôi có cái đấy…” (trích từ tác phẩm “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”).

Chính vì tôi yêu Hà Nội đến như thế nên bất kỳ thứ gì thuộc về Hà Nội, đối với tôi, chúng đều đáng để tự hào. Từ cách cầm đũa, cầm thìa, đến cách thưởng thức một món ăn, thưởng thức cái đẹp ẩm thực, đều vang lên một nét văn hóa độc đáo của người Hà Thành. Khi nhắc đến những cuốn sách với ý nghĩa tương tự như thế, nào đâu tôi có thể quên được những lời văn nhẹ nhàng, tinh tế bởi một óc quan sát tài tình như Thạch Lam với “Hà Nội băm sáu phố phường”. Thạch Lam có viết: “Hà Nội có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác… ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông thấy cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây”. Tôi cũng như nhà văn Thạch Lam, sống trong lòng thủ đô Hà Nội, có một sự lưu luyến gì đặc biệt lắm, không kể được bằng lời, sức hút ấy còn thể hiện rõ nét hơn ở những người rời xa Hà Nội. Hà Nội có cái thú vị rất riêng, chẳng thể lẫn vào đâu được, cái thú riêng ấy là gì thì tự những người tới Hà Nội phải tìm thấy nó, mà dấu ấn sâu sắc nhất là khi được nếm thử hương vị của Hà Nội.

Lời văn của Thạch Lam đưa tôi đi tựa như một nhà bộ hành tùy hứng, tản mạn qua những con phố cổ kính rêu phong, đậm chất Hà Nội, đậm chất phương Đông. Nhẹ nhàng xuất hiện trước mắt tôi là vô vàn biển hàng mời gọi. Những chiếc biển hàng xưa chẳng có cầu kỳ như bây giờ, chỉ đơn giản là tên cửa hàng viết tay điểm thêm vài chữ tiếng Pháp hay tiếng Tàu, vừa để thể hiện rõ sự du nhập mãnh liệt của văn hóa phương Tây vào đất thủ đô, cũng vừa để làm nổi bật lên cái phong phú, đa dạng của vùng đất tụ hội bốn phương này. Nhưng những chiếc biển hàng ấy cũng đâu thể nói lên được sự ngon dở trên từng món ăn. Thưởng thức món ăn của Hà Nội xưa cũ, không phải là chỉ rẽ qua những nhà hàng sang trọng rồi về, mà còn là sự rong ruổi trên từng con phố. Vì chiếc đĩa sứ sang trọng quý phái đâu thể nâng niu, gìn giữ hết những món quà dân dã của Hà Nội. Muốn ăn ngon ở Hà Nội, phải theo bước chân của Thạch Lam đi lê la ngoài phố phường, đâu chỉ vài chục phút, mà phải là hàng giờ, thậm chí thâu đêm suốt sáng. Vì những thứ tinh túy nhất đâu phải dễ dàng tìm ra… Thạch Lam đưa ta rẽ qua những hàng, mà cũng chưa chắc được gọi là hàng, vì đơn giản những của ngon vật lạ ở Hà Nội là ở dưới vai, trên chiếc đòn gánh của mấy anh chị bán hàng rong hết. Thạch Lam kể: “Mỗi giờ là một thứ quà rong khác nhau, ăn quà cũng là một nghệ thuật, ăn đúng cái giờ ấy và chọn đúng người bán hàng ấy, mới là người sành ăn”. Nhà văn còn chỉ ta cách thưởng thức món ăn, cách nâng niu tận hưởng hương vị của món ăn để có thể cảm nhận được hết cái “Hà Nội” trong đó.

Những tiếng rêu rao lẳng lặng vọng vào trong đêm, những tiếng bước chân lê thê đượm sự mỏi mệt, nhưng chính những tiếng rao ấy, phải chăng là những lời ru của ẩm thực mỗi đêm khuya? Quà Hà Nội, một món quà thần kì mà chỉ cần gọi tên thôi cũng khiến người phương khác thèm muốn. Hà Nội chỉ gói gọn trong đêm, chén trà đặc nóng hôi hổi thổi bừng lên mặt ăn kèm với miếng bánh khảo bột đầy môi. Hay Hà Nội cũng chỉ là bát bún chả, bát phở đậm đà điểm vài cọng rau thơm buổi sớm. Hoặc Hà Nội cũng “thôn quê” lắm, cái ngon của món xôi nếp với hương thơm nồng nàn bởi mỡ hành khiến người ăn phải xuýt xoa nhớ mãi. Hà Nội đơn giản là một thức quà đầy thanh tao của lúa non (hay còn gọi là cốm). Hà Nội chẳng qua cũng chỉ là một thành phố lũ lượt hàng mạc như bao thành phố khác... Hà Nội chỉ vậy thôi mà sao khi nhắc đến, người ta lại dường như cảm nhận được cái sức hút mê hồn của món ăn trên đầu lưỡi? Vì món ăn Hà Nội riêng biệt lắm, hòa trộn giữa cái hương cổ xưa và nét đẹp của thời đại, để sáng tạo ra những món ăn mang mùi vị chẳng đâu có được. Tác giả là một nhà văn mà tại sao có thể biết rõ ngọn ngành về cách làm món ăn, biết được cách tận hưởng chúng? Phải chăng Thạch Lam còn có một tài năng khác? Đầu bếp chăng? Nhưng tất cả là nhờ một tình yêu Hà Nội, khiến nhà văn có một sự rung động mãnh liệt về vị giác, để một khi thưởng thức món ăn thì chẳng tài nào quên được, mà cũng chẳng muốn quên.

“Hà Nội băm sáu phố phường” chứa đựng cái hơi thở cổ kính rêu phong của một Hà Nội đã xa giờ chỉ còn lại là những kỉ niệm trong tâm tưởng mỗi người. Cuốn sách tựa như một chuyến đi mà bất kì ai cũng hằng mong ước để thỏa mãn cái vị giác khi đến đất Kinh Kỳ. Thạch Lam là một đứa con của thủ đô, có đôi chút tự phụ và khó tính, với những lời nhận xét đầy ngẫu hứng bằng lời văn chưa bao giờ xưa cũ. Nhà văn tôn vinh việc thưởng thức món ăn tựa như đóng vai một người nghệ sĩ, tạo ra một nét đẹp mãi vẹn nguyên trong văn hóa người Hà Thành. Bằng thể văn tùy bút đầy tinh tế, cuốn sách cũng gợi nhắc cho chúng ta rằng trong văn chương từng có một Hà Nội xinh đẹp, hiền hòa và đậm đà hương vị như thế!

Thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích Chuyện kể trong thành phố - mẫu 5

Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng là một Việt Nam Danh Tác, được ông chắp bút từ tháng Giêng năm 1960 cho đến năm 1971 mới hoàn thành. Nói về Thương Nhớ Muời Hai là nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội, có cảnh vật, ẩm thực, phong tục sinh hoạt của người Bắc Việt. Đó là tình yêu, nỗi nhớ của tác giả dành cho quê hương khi xa cách và thấp thoáng trong đó luôn là hình ảnh một người vợ dịu hiền…

Thương Nhớ Mười Hai là góp nhặt nhiều kí ức, tình yêu về đất Bắc của Vũ Bằng khi xa quê hương nhiều năm, có lẽ vào Nam sinh sống không làm ông quên đi Hà Nội mà chỉ làm những điều đó trở nên sâu đậm hơn. Đứng trước một ngày nắng oi ả của Sài Gòn lại thèm cái se lạnh của gió Bấc ngoài Hà Nội, ăn trái cây miền Nam mà lại cứ nghe mùi vị của mận Thất khê, nhãn Hưng Yên,…Dù không nói ra nhưng những gì Vũ Bằng viết đều thấy một niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước và một tình yêu da diết cho một Hà Nội trong ký ức đẹp đến nao lòng….

Mỗi tháng trong năm Hà Nội lại khoác trên mình một màu áo khác nhau, mười hai tháng mang mười hai màu áo khác nhau. Tháng Giêng “nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận” cùng những cơn mưa rả rích, gió lành lạnh ngày xuân. Những ngày bầu trời mát mẻ, “trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh” đó là những ngày tháng Năm. Sang những ngày tháng Tám trời lại “buồn se sắt, đẹp não nùng” làm sao mà không nhớ hình ảnh những chiếc lá vàng chỉ chờ một cơn gió nhẹ lay rụng xuống hai bên đường đi, tháng Mười gió bấc, mưa phùn mà chỉ ở Hà Nội những ngày đó mới cảm nhận hết được không khí ấy. Từng câu chữ đều len lỏi vào đó những cảnh vật thiên nhiên rất riêng của Hà Nội. Ví đất trời Hà Nội như một cô gái ẩm ương, thất thường nhưng vẫn đáng yêu thật là đúng! Tất cả đều được Vũ Bằng ghi lại bằng ngôn từ chân thật, phong phú của mình.

Nhắc đến Bắc Việt thì không thể không nhắc đến vô vàn những thức quà ngon, những thú vui ẩm thực. Đơn giản là tháng Ba lượm mấy quả bàng quế, bàng đực ăn mà thích mê cái mùi thơm thơm, vị ngọt nhiều khi còn hơn cả cam hay táo. Đọc đến đây cả tuổi thơ lại ùa về len lỏi trong mỗi kí ức. Dù bây giờ ở đâu cũng có đủ loại trái cây lại còn quanh năm nhưng cùng không bằng những loại trái cây theo mùa ngon nức tiếng như vải Cầu Họ, nhãn thì có nhãn Hưng Yên, mận thì có mận Thất Khê, na thì có na Láng, na Phủ Lý từng mùa ở ngoài Bắc Việt được. Còn món rượu nếp thơm ngon rất riêng để làm ra cũng là quá trình kì công của những bà nội trợ, thu về lại có thức quà ngày thu món chuối chín vàng ăn kèm với cốm non xanh dẻo thơm. Một trong những món quà mà đất trời dành cho nơi đây chính là ẩm thực, từ bao giờ nhắc đến từ ăn không còn là để no mà là để cảm nhận sự tinh túy trong từng thức quà.

Thời gian trôi qua là lớp bụi phủ đi những thứ xưa cũ nhưng những phong tục tập quán tốt đẹp từ đời ông cha ta để lại thì nay vẫn vẹn nguyên, nhất là trong những gia đình Bắc Việt. Vũ Bằng đã minh chứng điều ấy qua việc miêu tả không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Nào là kiêng không quét nhà vào những ngày Tết vì sợ đuổi đi mất thần Tài, kiêng không làm vỡ chén, ly,… đọc đến đây thấy sẽ thấy gần gũi, lòng lại nôn nao Tết về….

Không ai có thể hiểu hết tình yêu mà bà Qùy dành cho chồng mình lớn thế nào đến mức có thể đưa Vũ Bằng ra khỏi những cám dỗ cuộc đời, vực lại đời ông. Ngay cả đến lúc sắp mất cũng lo không biết chồng ở miền Nam sống thế nào… Và cũng không biết Vũ Bằng thương “ người bạn chiếu chăn ” nhiều bao nhiêu để mà có thể viết ra những lời tình đến vậy, chỉ biết mỗi câu chuyện viết ra đều nhớ về bà Qùy, nhớ những món ăn bà nấu chan chứa tình yêu thương, nhớ những đêm hai vợ chồng cùng dắt nhau đi tản bộ, nhớ chuyện bà kể về sự tích lễ Vu Lan,… tất cả đều ẩn trong đó là bóng hình một người vợ dịu dàng, đảm đang, luôn chăm lo cho chồng con.

Có thể nói hơn cả một cuốn tùy bút chứa đựng nỗi nhớ da diết, “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng còn là tác phẩm văn học mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn để mỗi một gia đình, mỗi người con khi tìm đến lại có cơ hội đi ngược miền kí ức, trở về với những giá trị văn hóa đáng tự hào của mảnh đất Kinh Kỳ tinh tế, tài hoa.

1 411 11/08/2024


Xem thêm các chương trình khác: