TOP 10 mẫu Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (2024) SIÊU HAY

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến lớp 8 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 620 01/08/2024


Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) nêu cảm nhận của em về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Cảnh trong Thu điếu là cảnh đẹp nhưng cũng tĩnh lặng và đượm buồn. Một không gian vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Sự vận động cũng có nhưng chỉ là những vận động rất nhẹ, rất khẽ: sóng hớt gợn, lá khẽ đưa, mây lơ lửng... âm thanh tiếng cá đớp mồi thì mơ hồ. Những vận động này không làm cho không khí của bức tranh thu trở nên sôi động mà chỉ càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng của nó. Mọi cảnh, mọi vật trong bức tranh thu này đều gợi cái tĩnh lặng và đượm buồn. Cái lạnh lẽo, trong veo của nước, cái biếc của sóng, cái xanh ngắt của trời... những trạng thái, màu sắc đó cho thấy một sự tĩnh lặng đang bao trùm từ bầu trời cho đến mặt đất. Mọi cái dường như không chuyển động, dường như rơi vào trạng thái im vắng đến tuyệt đối. Cả con người ở đây cũng vậy. Người ngồi câu trong trạng thái tựa gối ôm cần, không câu được cá nhưng dường như vẫn không hề sốt ruột, cái không chi toát lên ở vẻ bề ngoài mà là ở chiều sâu của tâm tư - một tâm tư dường như cũng tĩnh lặng tuyệt đối. Con người và cảnh vật một cách tự nhiên đã hòa nhịp cùng nhau tạo nên linh hồn cho bức tranh thu.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 2)

Thu Vịnh là một tác phẩm thơ thất ngôn bát cú đặc sắc của Nguyễn Khuyến miêu tả về cảnh sắc mùa thu. Trong đó, em đặc biệt ấn tượng với hình ảnh trong câu thơ “Nước biếc trông như tầng khói phủ”. Tác giả đã so sánh làn nước hồ với hình ảnh tầng khói phủ. Màu nước biếc nghĩa là nước rất xanh, sắc xanh đặc trưng của những hồ nước mùa thu xứ đồng bằng Bắc Bộ. Trong không gian vắng lặng, mặt nước trông mờ ảo như được phủ lên một tầng khói. Đó có lẽ là hơi sương của gió thu thổi đến - nét đặc trưng của mùa thu miền Bắc. Chi tiết ấy đã khéo léo khắc họa một nét đẹp vô cùng riêng của thiên nhiên nơi đây vào mùa thu. Cũng nhờ đó, mà thể hiện được sự tinh tế trong cách quan sát và khắc họa cảnh sắc thiên nhiên của nhà thơ.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 3)

Trong bài thơ Thu ẩm, hai câu luận đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Khi tiết trời vào giữa thu xanh ngắt gợi không gian cao vời vợi. Trong cái không gian thoáng đãng tràn ngập nắng vàng hẳn lòng người phải vui. Tuy nhiên, Nguyễn Du đã từng nói: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Và chắc hẳn tâm trạng của nhà thơ cũng vậy. Khung cảnh yên bình tươi vui đến vậy cớ sao nhân vật trữ tình mắt lại đỏ hoe. Phải chăng đây chính là niềm tâm tư giấu kín của tác giả khi chứng kiến cảnh quan giặc đang giày xéo đất nước mà đau lòng khôn nguôi.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 4)

Khi đọc bài thơ Thu điếu, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với hình ảnh bức tranh thu được tác giả khắc họa:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Tác giả Nguyễn Khuyến đã khắc họa bức tranh thu nơi làng quê Bắc bộ bằng những hình ảnh giản dị, quen thuộc. Ao thu hiện lên với làn nước trong veo, mang dáng vẻ lạnh lẽo của mùa thu. Nổi bật ở đó là chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”. Sự đối lập về kích thước giữa ao thu rộng lớn với chiếc thuyền câu bé nhỏ khiến không gian câu thơ càng thêm rộng mở và trống trải. Điểm nhìn của nhân vật trữ tình từ gần mở rộng ra xa. Trên cao, bầu trời xanh ngắt, cao vợi đem lại cảm giác thoáng đãng vô cùng. Tác giả đã lấy chiếc thuyền câu nhỏ bé làm trung tâm, dường như nhân vật trữ tình đang ở đó để quan sát khung cảnh thiên nhiên, từ đó phóng tầm mắt ra xa là trời cao, ao rộng - các chiều kích không gian đều được khai mở toàn phần. Tất cả kết hợp với nhau, tạo nên bức tranh mùa thu tĩnh lặng đến lạ lùng.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 5)

Khi đọc bài thơ “Thu điếu”, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với hình ảnh của nhân vật trữ tình trong hai câu thơ cuối:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình đang ngồi câu cá. Cụm từ “tựa gối ôm cần” gợi ra tư thế của người câu cá, cũng là một tâm thế nhàn của một nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Âm thanh “cá đâu đớp động”, thêm từ “đâu” gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá phải chăng cũng chính là tác giả - một con người yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp nên đã cáo bệnh, từ quan. Và rồi, tâm hồn bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Không gian có lẽ phải vô cùng yên tĩnh mới có thể lắng nghe được tiếng cá đớp động. Nhờ có không gian tĩnh lặng đó đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn bã, cô quạnh trong lòng nhà thơ.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 6)

Trong bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, mùa thu được phác họa với không gian thoáng đãng:

"Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu."

Mùa thu của phương Bắc có bầu trời cao, xanh ngắt. Không gian mở ra thăm thẳm “mấy tầng cao”. “Cần trúc” (trúc chứ không phải là tre) vươn lên trên nền trời thu “xanh ngắt”. Nét cong mềm của “cần trúc” vươn lên một cách thanh cao, không ủy mị như rặng liễu đìu hiu buông xuống trong thơ mùa thu của Xuân Diệu. Từ láy “lơ phơ” gợi tả vẻ thưa thớt của những lá trúc lay động bởi gió heo may mùa thu. Còn từ láy “hắt hiu” lại gợi được sự rung động của cành trúc hay còn là sự rung động của tâm hồn thi nhân trước cảnh thu, trời thu đượm buồn.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 7)

Nếu như ở bài “Thu vịnh” cảnh thu được đón nhận từ cao xa rồi mới đến gần thì bài Câu cá mùa thu khung cảnh thiên nhiên mùa thu lại được đón nhận ở một chiều kích khác: từ gần rồi tiến ra cao xa và từ cao xa trở về gần. Khung cảnh được mở ra với nhiều chiều hướng vô cùng sinh động: cảnh thu được mở ra với hình ảnh không gian hết sức trong trẻo:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Không khí mùa thu được gợi nên từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ nhất của cảnh vật với làn nước trong veo, không một gợn đục. Mùa hè đã đi qua, những cơn mưa lớn với dòng nước đỏ đục đã không còn thay vào đó là cái thanh tĩnh, trong trẻo của làn nước, của cảnh vật. Trong không gian nhỏ hẹp ấy là hình ảnh của chiếc thuyền câu nhưng nó không hề lọt thỏm giữa không gian thiên nhiên mà lại rất hài hòa, cân xứng. Tác giả vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa quyện với nhau đến kì lạ, bởi vật tác giả chọn là ao thu chứ không phải hồ thu – gợi cảm giác rộng lớn, choáng ngợp. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Hai câu thơ đầu gieo vần “eo” nhưng không hề gợi lên cảm giác eo hẹp, nhỏ bé, tù túng mà ngược lại gợi nên cái nhỏ nhắn, thanh thoát của cảnh vật.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 8)

Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến đã khắc họa bức tranh mùa thu thật sinh động, trong đó tôi ấn tượng nhất với hai câu thơ:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”

Cảnh sắc mùa thu được miêu tả qua hình ảnh “sóng biếc, lá vàng” cùng với đường nét “hơi gợn tí, khẽ đưa vèo”. Màu “biếc” của sóng hòa hợp với sắc “vàng” của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực rất điêu luyện. Hình ảnh “lá vàng ” với “sóng biếc ”, tốc độ “vèo” của lá bay tương ứng với mức độ “tí” của gợn sóng. Bức tranh thu hiện lên không chỉ có màu sắc mà còn có chuyển động, làm tăng thêm vẻ sống động, chân thực. Có thể thấy rằng, hai câu thơ thực đã làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 9)

Cái ý vị của bài thơ “Thu điếu” mà tôi cảm nhận được nằm ở hai câu kết:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

“Tựa gối ôm cần” là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của một nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Âm thanh “cá đâu đớp động”, thêm từ “đâu” gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá phải chăng cũng chính là tác giả - một con người yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp nên đã cáo bệnh, từ quan. Và rồi, tâm hồn bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Không gian có lẽ phải vô cùng yên tĩnh mới có thể lắng nghe được tiếng cá đớp động. Nhờ có không gian tĩnh lặng đó đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn bã, cô quạnh trong lòng nhà thơ.

Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (mẫu 10)

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Nguyễn Khuyến đã chọn những chi tiết rất tiêu biểu cho mùa thu xứ Bắc (ao thu, gió thu, trời thu). Ao thu là thứ ao rất riêng chỉ mùa thu mới xuất hiện. Nguyễn Khuyến đã ghi nhận được hai đặc trưng của ao thu là lạnh lẽo và trong veo – ao lạnh nước yên, trong đến tận đáy. Ao là nét thường gặp trong thơ Nguyễn Khuyến, nói đến ao là gợi đến một cái gì rất gần gũi, thân quen, tâm hồn Nguyễn Khuyến là thế: thân mật, bình dị, chân thành với hồn quê. Trời thu trong xanh cũng là hình quen thuộc trong thơ Nguyễn Khuyến. Bầu trời thu xanh ngắt xưa nay vẫn là biểu tượng đẹp của mùa thu. Những án mây không trôi nổi bay khắp bầu trời mà lơ lửng. Xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến là xanh trong, tinh khiết đến tuyệt đối, không hề pha lẫn, không hề gợn tạp. Đường nét chuyển động nhẹ nhàng, mảnh mai, tinh tế: hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, mây lơ lửng, đường bao thanh mảnh của rặng trúc, đường gợn của lượn sóng ao thu. Cảnh vật toát lên sự hài hòa, xứng hợp: Ao nhỏ – thuyền bé; gió nhẹ – sóng gợn; trời xanh – nước trong; khách vắng teo – chủ thể trầm ngâm tĩnh lặng.

1 620 01/08/2024


Xem thêm các chương trình khác: