Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 1,398 23/09/2022
Tải về


Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

*Tri thức về kiểu bài

Kiểu bài:

Phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch là kiểu bài nghị luận văn học sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự (sử thi, truyện kể, truyện ngắn, tiểu thuyết, kí,...) hoặc tác phẩm kịch (chèo, tuồng, hài kịch, bi kịch,...).

Yêu cầu đối với kiểu bài:

Ngoài những yêu cầu về nội dung nghị luận và kĩ năng nghị luận như đã trình bày, khi thực hiện bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự/ kịch, bạn cần phân tích, nhận xét về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật theo đặc trưng thể loại.

• Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi thì cần tập trung vào cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,...

• Với các tác phẩm truyện kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự,... thì cần tập trung vào các yếu tố tạo nên tính xác thực của sự kiện, chi tiết,... góc nhìn, thái độ, quan điểm, cảm xúc và ngôn từ của tác giả.

• Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,...

• Bố cục bài viết gồm các phần:

Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự/ tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định (chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).

Kết bài: khẳng định lại một cách khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

*Đọc ngữ liệu tham khảo

Câu 1 (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Ngữ liệu trên đã là một bài viết hoàn chỉnh hay chưa? Những dấu hiệu nào giúp bạn xác định như vậy?

Trả lời:

- Ngữ liệu trên chưa phải là một bài viết hoàn chỉnh.

- Có thể căn cứ vào kí hiệu [...] để xác định ngữ liệu chỉ là đoạn trích.

Câu 2 (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Luận điểm được tập trung phân tích, đánh giá trong ngữ liệu là gì?

Trả lời:

- Luận điểm được tập trung phân tích, đánh giá trong ngữ liệu là lối kể đan xen giữa thực tế và mộng tưởng trong Cô bé bán diêm có tác dụng rất lớn để đưa người đọc xâm nhập vào thế giới mộng tưởng của nhân vật.

Câu 3 (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Chỉ ra sự kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng trong ngữ liệu.

Trả lời:

- Sự kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng trong ngữ liệu:

Lí lẽ

Bằng chứng

Thực tế càng tăng thêm phần nghiệt ngã với em bé thì nó càng thôi thúc em bé tìm đến với chốn bình yên là cõi mộng ảo.

Các lần quẹt diêm và hiệu quả mà nó mang lại.

Truyện có nhiều hơn năm lần quẹt diêm

Bởi bốn lần, mỗi lần em chỉ quẹt một que, riêng lần thứ năm em quẹt liên tục hết cả bao diêm.

Câu 4 (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Người viết đã có những nhận xét gì về tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm?

Trả lời:

- Người viết đã có những nhận xét về tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm:

+ Lối kể xen kẽ có tác dụng rất lớn để đưa người đọc xâm nhập vào thế giới mộng tưởng của nhân vật.

+ Ánh sáng từ ngọn lửa que diêm đảm nhận hai chức năng: vừa sưởi ẩm (chức năng này không quan trọng vì ngọn lửa diêm thì quá nhỏ nhoi trước trời tuyết mênh mông), vừa thắp sáng lên thế giới mộng ảo, cái thế giới mang lại hạnh phúc cho em.

 *Thực hành viết theo quy trình

Đề bài (trang 84 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):  

Đề 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện.

Đề 2: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một màn kịch mà bạn đã học hoặc đã đọc.

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định đề tài

Tham khảo các bài trước (Bài 1. Bài 6) để xác định đề tài cho phù hợp. Với hai đề bài nêu trên, phạm vi cho phép bạn lựa chọn rất rộng. Bạn có thể chọn một tác phẩm truyện hoặc một màn kịch nào đó để phân tích, đánh giá. Xem danh mục tác phẩm dưới đây.

 Truyện: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Giang (Bảo Ninh), Buổi học cuối cùng (An-phong-xơ Đô-đế), Hai vạn dặm dưới đáy biển (Giuyn Véc-no), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần),...

Kịch: Xã trưởng – Mẹ Đốp (trích Quan Âm Thị Kính, chèo cổ), Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lõm Thị Hến (trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến, tuồng đồ); Lời nói dối cuối cùng Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ),...

Việc xác định mục đích viết, người nghe, thu thập tư liệu, bạn thực hiện như đã tiến hành ở các bài học trước.

Bước 2:Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Để xác định các nội dung chính của bài phân tích, bạn có thể đặt và trả lời các câu hỏi: Chủ đề của tác phẩm này là gì? Những tác phẩm nào có cùng chủ đề ? Chủ đề của tác phẩm cần phân tích, đánh giá đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào và được khơi sâu nhờ bút pháp thế nào?,... (Tìm ý cho việc phân tích, đánh giá chủ đề).

Hoặc các câu hỏi: Tác phẩm được sáng tác theo thể loại nào (truyện, kịch)? Thể loại ấy có những điểm gì đáng lưu ý trong cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, điểm nhìn, lời kể, lời thoại,...)? Các yếu tố hình thức nghệ thuật của tác phẩm có gì đặc sắc và đã góp phần thể hiện chủ đề thế nào? (Tìm ý cho việc phân tích, đánh giá các nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật).

Lập dàn ý

Sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý (theo bố cục nêu trong Tri thức về kiểu bài). Riêng với dàn ý phần thân bài, bạn cần:

• Lần lượt chi tiết hoá các luận điểm.

• Thân bài cần trình bày ít nhất hai luận điểm, một luận điểm phân tích, đánh giá chủ đề và một luận điểm phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (gắn với đặc trưng thể loại), hoặc trong mỗi luận điểm, kết họp phân tích, đánh giá chủ đề với phân tích, đánh giá nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và chỉ ra tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề.

Ví dụ: dàn ý cho bài phân tích, đánh giá về nghệ thuật kể chuyện trong truyện Cô bé bán diêm, các luận điểm đã được sắp xếp như sau:

1. Lời kể theo dòng tâm trạng (Lí lẽ và bằng chứng)

2. Lời kể xen kẽ thực tế và mộng tưởng (Lí lẽ và bằng chứng)

3. Nhiều kiểu lời văn (Lí lẽ và bằng chứng)

Một ví dụ khác: nếu đề bài là phân tích đánh giá một màn kịch (chẳng hạn: Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lõm Thị Hến), các luận điểm chính trong phần thân bài có thể sắp xếp như sau:

1. Màn kịch đã phơi bày bộ mặt gian trá, nhũng nhiễu và háo sắc của các nhân vật “tai to mặt lớn” như quan huyện, thầy đề, kẻ đội lốt thầy tu; khẳng định sự khôn ngoan, sắc sảo của những người đàn bà goá, nạn nhân của sự nhũng nhiễu thôn quê ngày xưa. (Lí lẽ và bằng chứng)

2. Màn kịch sử dụng tình huống hài kịch quen thuộc “gài bẫy và“mắc lõm”) với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính. (Lí lẽ và bằng chứng)

3. Màn kịch sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc hoạ nổi bật tính cách của các nhân vật: Thị Hến, Thầy Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa. (Lí lẽ và bằng chứng)

Bước 3: Viết bài

Dựa vào dàn ý, bạn hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết cần:

• Thể hiện được các đặc điểm của kiểu bài Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt.

• Chú ý cách diễn đạt sáng rõ, khúc chiết, linh hoạt.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Bạn hãy đọc lại bài viết và tự đánh giá theo bảng kiểm: 

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một  tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo (ảnh 1)
Bài viết tham khảo

Đề 1:

Chiến tranh là một trong những đề tài vốn đã quá quen thuộc với thi nhân. Nhưng trong hình dung của người đọc, chiến tranh thường là những câu chuyện về gian khó, bom đạn và cả cái chết. Nhưng Giang của Bảo Ninh lại cho người đọc biết thêm về một khía cạnh của chủ đề tưởng chừng như đã quá rõ khi đề cập đến tình yêu, cuộc sống và sự gặp gỡ trong chiến trận. Chủ đề của truyện ngắn cũng như hình thức nghệ thuật trong Giang rất chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng khắc khoải, khiến cho người đọc khi tiếp cận nó sẽ phải suy tư, hồi tưởng và nhớ mãi. Đó có lẽ là yếu tố đặc sắc nhất tạo dựng thành công trong truyện ngắn này của nhà văn Bảo Ninh.

      Chủ đề của Giang là sự gặp gỡ và nỗi nhớ của những con người trong chiến tranh. Không giống với hiện thực chiến tranh ở các tác phẩm văn học cách mạng vốn là sự chiến đấu hay anh dũng, hiện thực chiến tranh trong Giang của Bảo Ninh là một hiện thực khác. Đó là một hiện thực với cuộc gặp gỡ thoáng chốc mà nỗi nhớ đến cả đời người, day dứt. Chiến tranh đã chia cắt con người ta, đã chia cắt sự lãng mạn lứa đôi, không cho con người ta ngày gặp lại. Hiện thực ấy cũng rất tàn khốc chẳng kém gì máu và đạn bom nơi chiến trường. Với một chủ đề như vậy, Giang đã thành công để bạn đọc đón nhận.

      Sự thành công của truyện ngắn này không chỉ nằm ở đề tài hay chủ đề mà còn nằm ở hình thức nghệ thuật. Với cách sử dụng các điểm nhìn của người kể chuyện xưng "tôi" - trực tiếp tham gia vào câu chuyện, truyện ngắn trở nên gần gũi hơn khi là lời chia sẻ của người trong cuộc. Người kể chuyện ở đây dẫu "hạn tri" nhưng lại đúng là bản chất của con người trong cuộc sống hiện thực - không bao giờ biết được tất cả.

      Như vậy, có thể thấy chủ đề và hình thức nghệ thuật trong Giang đã làm nên sự thành công cho truyện ngắn này. Truyện ngắn Giang của Bảo Ninh đã giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đời, số phận của con người trong chiến tranh. Từ đó, càng cảm thấy tự hào và biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc cho Tổ quốc.

Bài viết tham khảo

Đề 2:

Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật chèo nói riêng và của nghệ thuật kịch hát Việt Nam nói chung. Sự đặc sắc của Thị Mầu lên chùa là sự đặc sắc đến từ chủ đề, nội dung và hình thức nghệ thuật biểu hiện.

 Cái hay trong chủ đề của trích đoạn Thị Mầu lên chùa nằm ở chỗ, Thị Mầu đã say mê và tìm cách ve vãn tiểu Kính Tâm. Nghĩa là, giữa lề lỗi, lễ giáo phong kiến đè nặng lên người con gái, lại có một Thị Mầu dám khát vọng và thể hiện tình yêu của mình ra bên ngoài. Thị Mầu chính là một sự đặc sắc, sự đối lập với Thị Kính. Cái hay nữa ở đây là, Thị Mầu lại đi thích tiểu Kính Tâm! Thật ngược đời, tréo ngoe. Nhưng dù tréo ngoe như vậy thì trích đoạn này cũng tràn đầy sự vui vẻ, đặc sắc so với những màn khác trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Quan điểm của tác giả dân gian, như một cách để cởi trói cho người phụ nữ trong lễ giáo phong kiến, khỏi những lề lối của vòng cương tỏa, đã được gửi gắm qua nhân vật Thị Mầu.

     Nét đặc sắc trong hình thức nghệ thuật của trích đoạn này được thể hiện rõ nhất chính là ở sự biểu hiện. Nói cách khác là nghệ thuật sân khấu. Nếu chỉ soi xét về kịch bản của Thị Mầu lên chùa, ta sẽ thấy được những điểm đáng chú ý. So với nghệ thuật Tuồng, ngôn ngữ trong Chèo dễ hiểu hơn, gần gũi với tiếng nói của nhân dân. Đó là những lời nói, điệu hát mà có thể sử dụng, chèn thêm được cả lục bát, mang nặng tâm tình người Việt.

     Cái hay của chèo còn khác biệt với kịch nói ở chỗ đó là có những tiếng đế. Tiếng đế này là sự tương tác của khán giả, là một sự cộng hưởng, cùng tác giả. Giới hạn giữa sân khấu và khán giả ở đây bị thu hẹp. Trong khi đó, ở kịch nói mà cụ thể là ảnh hưởng từ phương Tây, khán giả không được quyền lên tiếng, đồng sáng tạo với vở kịch diễn. Điều này cũng đã được thể hiện trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa.

      Có thể thấy, những nét đặc sắc trong nghệ thuật chèo đã được thể hiện khá rõ trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa. Những sự đặc sắc ấy đến từ chủ đề nghe có phần trái ngược (một cô gái đi ve vãn chú tiểu), đến từ sự biểu hiện của loại hình kịch hát. Kịch nói là sự ảnh hưởng, du nhập của phương Tây trong quá trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Thế nhưng, kịch hát vẫn có những hấp dẫn riêng, không chỉ vì đó là cái truyền thống, mà còn ở chính nghệ thuật của nó.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

Soạn bài Ôn tập trang 89

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 90

Soạn bài Hịch tướng sĩ

Soạn bài Nam Quốc Sơn Hà Bài Thơ Thần Khẳng Định Chân Lí Độc Lập Của Đất Nước

1 1,398 23/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: