Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 17726 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

*Tri thức về kiểu bài

Kiểu bài:

Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm là kiểu bài nghị luận dùng lí lẽ và bằng chứng để chỉ ra sự sai trái và tác hại của một thói quen hay quan niệm nhằm giúp họ từ bỏ thói quen hay quan niệm ấy.

Yêu cầu đối với kiểu bài:

• Nêu rõ thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; mục đích lí do viết bài luận.

• Trình bày các luận điểm: tác hại của thói quen/ quan niệm, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm, những gợi ý về giải pháp thực hiện.

• Sử dụng lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục, Có lí, có tình.

• Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.

• Diễn đạt mạch lạc, gãy gọn, lời lẽ chân thành.

• Bố cục bài luận gồm 3 phần:

Mở bài: nêu thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; lí do hay mục đích viết bài luận.

Thân bài: lần lượt đưa ra ít nhất hai luận điểm (lí lẽ, bằng chứng) làm rõ mặt trái và tác hại của thói quen hay quan niệm; nêu lợi ích/ giải pháp khắc phục, từ bỏ thói quen hay quan niệm.

Kết bài: khẳng định lại ý nghĩa, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/ quan niệm; thể hiện niềm tin vào sự cố gắng và thành công của người thực hiện.

*Đọc ngữ liệu tham khảo

Câu 1 (trang 52 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Các phần mở bài, thân bài, kết bài trong ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm chưa?

Trả lời:

- Các phần mở bài, thân bài, kết bài trong ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.

Câu 2 (trang 52 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Bài viết đã chỉ ra tác hại của thói quen và lợi ích của việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động bằng các lí lẽ, bằng chứng nào? Các lí lẽ, bằng chứng ấy có được sắp xếp hợp lí không?

Trả lời:

- Bài viết đã chỉ ra tác hại của thói quen và lợi ích của việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động bằng các lí lẽ, bằng chứng:

Lí lẽ

Bằng chứng

Lạm dụng điện thoại di động là sử dụng điện thoại di động một cách thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.

- Những bạn trẻ chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại, thức đến hai, ba giò sáng để theo dõi những dòng cập nhật trên mạng xã hội.

- Việc lạm dụng điện thoại di động khiến chúng ta mất tập trung trong giờ học, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập.

- Việc lạm dụng điện thoại di động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta.

Nếu ta từ bỏ được thói quen lạm dụng điện thoại di động, tức là sử dụng một cách có ý thức, đúng nơi, đúng lúc, thì chiếc điện thoại di động lại trở thành công cụ hữu ích cho cuộc sống của chúng ta.

Các ứng dụng trên điện thoại di động giúp ích cho con người trong việc soạn thảo văn bản, chụp ảnh, dựng phim, phục vụ đắc lực cho các bài thuyết trình trên lớp.

Câu 3 (trang 52 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Quan điểm, thái độ của người viết về vấn đề có được thể hiện rõ ràng, nhất quán không?

Trả lời:

- Quan điểm, thái độ của người viết về vấn đề được thể hiện rõ ràng, nhất quán.

- Các lí lẽ, bằng chứng đều nhằm mục đích thuyết phục các bạn học sinh từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động.

Câu 4 (trang 52 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu của người viết đã phù hợp với mục đích của bài luận hay chưa?

Trả lời:

- Cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu của người viết vừa phải, gần gũi nhằm giúp người đọc hiểu được tác hại của việc lạm dụng điện thoại di động cũng như lợi ích của việc sử dụng điện thoại di động đúng cách. Cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu như vậy đã phù hợp với mục đích của bài luận.

Câu 5 (trang 52 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

 Bạn rút được kinh nghiệm hay lưu ý gì khi thực hiện một bài luận tương tự?

Trả lời:

- Tôi rút được lưu ý khi thực hiện một bài luận tương tự:

+ Cần đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng cụ thể thuyết phục.

+ Lập luận rõ ràng, không có sự mâu thuẫn.

+ Có giải pháp cụ thể để định hướng.

*Thực hành viết bài theo quy trình

Đề bài (trang 53 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):  

Đề 1: Hãy viết một bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen có hại.

Đề 2: Hãy viết một bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một quan niệm sai lệch, phiến diện.

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định đề tài: Với đề bài nêu trên, bạn cần chọn một thói quen hay quan niệm của một đối tượng cụ thể nào đó trong đời sống để trình bày ý kiến thuyết phục họ từ bỏ.

Chẳng hạn, bạn có thể chọn các thói quen:

• Ăn quà vặt không đúng lúc, đúng chỗ.

• Cười nói to hoặc gây tiếng ồn nơi công cộng.

• Xả rác, chất thải không đúng nơi quy định.

• Đến lớp học hay đi họp muộn so với giờ quy định.

• Không học bài làm bài cũ ở nhà, đến lớp mới tìm cách học qua loa, đối phó.

Hoặc một số quan niệm sai lệch, phiến diện:

• Chỉ có không gian ảo trên mạng mới đem lại cho mỗi người tri thức, tự do, hứng thú nhiều nhất.

• Xem văn chương là phù phiếm.

• Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân.

• Cần ăn mặc khác người để tỏ ra sành điệu.

Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc

Bạn cần trả lời các câu hỏi dưới đây nhằmlựa chọn nội dung và cách viết phù hợp:

- Việc viết văn bản này nhằm mục đích gì?

- Ai sẽ là người đọc căn bản?

Thu thập tư liệu: Tư liệu liên quan đến thói quen có hại hay quan niệm tiêu cực trong đời sống có thể thu thập từ những nguồn khác nhau, bao gồm tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ. Có thể thu thập từ truyền thông và từ những quan sát, trải nghiệm đời sống của chính bạn; nên ưu tiên thu thập tư liệu liên quan đến tác hại hay mặt trái của thói quen hoặc quan niệm mà mình muốn bác bỏ.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

• Xác định hướng nghị luận về vấn đề: chẳng hạn bạn sẽ tập trung khẳng định hay bác bỏ hay kết hợp khẳng định với bác bỏ khi nghị luận về vấn đề.

• Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong đầu trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.

•Phác hoạ một số luận điểm chính, rồi tìm lí lẽ, bằng chứng cho các luận điểm ấy.

Lập dàn ý: Bạn sắp xếp nội dung các phần mở bài, thân bài, kết bài, các luận điểm, lí lẽ và bằng chúng trong thân bài.

Riêng với phần thân bài, bạn cần chi tiết hoá các luận điểm, định hướng lí lẽ và bằng chúng. Ví dụ, với đề bài “Viết bài luận thuyết phục bạn từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động” như tham khảo ngữ liệu trên đây, bạn cần nêu rõ tên các luận điểm, định hướng lí lẽ, bằng chứng trong dàn ý nhằm chỉ ra tác hại của thói quen, ích lợi của việc từ bỏ thói quen, gợi ý về giải pháp thực hiện. Dàn ý của phần thân bài, theo đó, gồm các luận điểm chính:

1.Thói quen lạm dụng điện thoại di động và tác hại.

(Luận điểm thứ nhất: Lí lẽ và bằng chứng)

2. Ích lợi của việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động.

(Luận điểm thứ hai: Lí lẽ và bằng chứng)

3. Giải pháp khả thi đối với việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động.

(Luận điểm thứ ba: Lí lẽ và bằng chứng)

Một ví dụ khác. Nếu cần thuyết phục người khác từ bó quan niệm cho rằng: ngày nay, chỉ có không gian ảo trên mạng mới đem lại cho mỗi người tri thức, tự do, hứng thú, có thể lập ý cho phần thân bài như sau:

1. Không gian ảo trên mạng thực ra chỉ là một trong nhiều nguồn đem lại cho mỗi người tri thức.

(Luận điểm thứ nhất: Lí lẽ và bằng chứng)

2. Không gian ảo trên mạng cũng có các kiểu luật lệ riêng, nếu vi phạm có thể đồng nghĩa với phạm pháp và chuốc lấy hậu quả khôn lường.

(Luận điểm thứ hai: Lí lẽ và bằng chứng)

3. Không gian ảo trên mạng có thể mang lại cho người dùng một số hứng thú nhưng cũng có thể để lại nhiều tác hại.

(Luận điểm thứ ba: Lí lẽ và bằng chứng)

Bước 3: Viết bài

• Khi đã có một dàn ý tốt, bạn có thể lần lượt viết mở bài, các đoạn thân bài và kết bài.

• Kết hợp nghị luận với tự sự và biểu cảm.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

• Sau khi viết xong, hãy đọc lại bài viết của mình và chỉnh sửa theo những gợi ý trong bảng kiểm dưới đây

Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Bài viết tham khảo

Đề 1:

Thuốc lá, mối nguy hại hàng đầu cho sức khỏe con người hiện nay.

Thuốc lá là một loại sản phẩm được sản xuất từ cây thuốc lá được chế biến dưới các dạng như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc một số dạng khác. Đối tượng sử dụng thuốc lá hiện nay rất đa dạng: trẻ vị thành niên, học sinh, phụ nữ, người già nhưng phổ biến nhất là nam giới ở mọi lứa tuổi.

Hằng năm, theo thống kê của bộ y tế, khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư. Khói thuốc lá chứa các thành phần gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe hô hấp, phổi của con người.Những người  sử dụng thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, xiêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi… và thậm chí là ung thư phổi Đặc biệt, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người hút mà còn vô tình trở thành vũ khí giết người vô hình khi gây hại cho cả những người hít phải khói thuốc lá một cách thụ động. Khi hít phải khói thuốc lá thụ động, mọi đối tượng đều có khả năng mắc những căn bệnh giống với người hút thuốc lá hay thậm chí mức độ nặng hơn. Một số trường hợp, sản phụ do hít phải quá nhiều khói thuốc lá đã dẫn đến dị tật bẩm sinh thai nhi, người già đau ốm, trẻ em đề kháng thấp. Theo số liệu thực tế cho thấy Việt Nam mỗi năm có hơn 40.000 người tử vong vì khói thuốc lá. Và có hàng vạn những trường hợp vô tình trở thành nạn nhân của khói thuốc khi đứng và di chuyển ở nơi công cộng.

Tác hại của thuốc lá đối với đời sống con người là vô cùng nghiêm trọng, tuy nhiên lại có rất nhiều người nghiện thuốc lá và nguyên do lí giải cho sự gia tăng về số lượng người hút là bởi vì thuốc lá kích thích sự tò mò và thế giới tư duy của người viết. Đặc biệt, thuốc lá rất khó để bỏ, có những người đã từng bỏ cả vài tháng nhưng sau đó lại quay lại sử dụng. Có thể thấy, mức độ thu hút của thuốc lá thực không đơn giản.

Người thân xung quanh tôi đã từng có rất nhiều người nghiện thuốc lá ví như bố tôi chẳng hạn. Một ngày ông sử dụng tới 2 bao thuốc thăng long và nhiều hơn nếu có thời gian sử dụng, răng ông ố vàng, miệng ông đượm mùi thuốc, người ông gầy gò ốm yếu và chẳng thấy da thịt sức sống gì. Không chỉ có ông, chị em tôi cũng là người bị ảnh hưởng nặng nề từ điều ấy, tôi và chị gái có sức khỏe hô hấp cực kì kém mắc viêm mũi viêm xoang từ nhỏ và rất dễ bị viêm phế quản và viêm phổi mỗi khi trời lạnh. Nhận ra sự ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sức khỏe cả gia đình, ông đã quyết định từ bỏ thuốc lá. Ông là một người đã hút thuốc lá thâm niên tới 20 năm, nhưng đến năm 2017, ông đã chính thức từ bỏ thuốc lá, bài trừ thuốc lá ra khỏi căn nhà của tôi. Cách để ông quên hẳn thuốc lá sau nhiều lần “bỏ hụt” chính là lấy cháu gái của tôi làm động lực. Ông tự động viên mình, phải cho cháu gái một môi trường sống khỏe mạnh khi ra đời, vậy nên ông đã ném bỏ bao thuốc ngay thùng rác bệnh viện ngày cháu bé xuất hiện. Đó là một điều kì diệu mà chính chúng ta cũng không thể lí giải được. Bên cạnh những cách thức cai nghiện thuốc lá bằng tâm lí thì cũng có những phương pháp khác qua vật lí trị liệu hoặc sử dụng các loại viên ngậm, nước súc miệng tạo cảm giác không thèm thuốc giúp người nghiện thuốc bài trừ dần dần và loại bỏ thói quen xấu này.

Đến nay, ông đã bỏ thuốc được năm năm, sức khỏe ông tốt lên rất nhiều, từ một người nặng 50kg nay ông đã lên 65kg, răng ông trắng hơn, miệng không còn hôi, không còn mệt mỏi và thể lực tốt, tinh thần thoải mái, thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng nâng cao sức khỏe và sức khỏe hệ hô hấp của cả gia đình tôi cũng có những chuyển biến tích cực hơn rất nhiều.

Chúng ta không xấu, môi trường công cộng không xấu nhưng khói thuốc chúng ta sử dụng rất xấu vì vậy hãy chung tay xây dựng một môi trường trong sạch, lành mạnh cho sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội. “Hãy nói không với thuốc lá, hãy là người thông thái với những thói quen sống của bản thân mình”.

Đề 2:

 Ngày nay, đi trên đường phố, ta bắt gặp rất nhiều người ăn mặc theo phong cách lạ. Tôi cho rằng đó là một chuyện làm đẹp hết sức chính đáng và bình thường của con người. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm cho rằng, việc ăn mặc không kín đáo là hư hỏng. Đây là một quan niệm chưa có sự cởi mở nếu không muốn gọi là sai lầm. Để lí giải cụ thể, em xin được trình bày trong bài viết dưới đây.

     Các cụ ta vẫn có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Thật vậy, nhìn vào hàm răng, mái tóc của một người có thể biết đó là người chăm chỉ, gọn gàng hay không. Nhìn vào hàm răng, mái tóc của một người, ta cũng có thể biết người đó có để ý đến vẻ bề ngoài của bản thân hay không. Vậy là, từ xa xưa, chuyện tóc tai, làm đẹp cũng đã được các cụ để ý và trang phục cũng không ngoại lệ. Quan niệm cho rằng mặc áo ba lỗ, mặc váy là hư hỏng một phần đến từ quan niệm về thẩm mỹ. Từ xa xưa, trang phục của người Việt Nam vốn là trang phục kín đáo, dài tay, chân thường như áo bà ba, …. . Quan niệm về cái gọn gàng, kín đáo là sự quen mắt là đẹp vốn đã có hàng nghìn năm. Thời ấy, chưa có công nghệ hiện đại và sự phát triển như bây giờ. Thế nên, chắc chắn con người ta chỉ có thể mặc những trang phục đơn giản, gọn gàng, không cầu kì kiểu cách. Ngày nay, con người ta vẫn giống như ngày trước, vẫn có nhu cầu làm đẹp, vẫn biết để ý đến hình thức của bản thân. Chỉ có điều, quan niệm về thẩm mỹ đã có sự đổi khác, trang phục không nhất thiết phải tối màu, phải dài tay, phải kín đáo quá. Nói đến quan niệm thẩm mỹ, tôi lại nhớ, trước kia, ở ta có tục nhuộm răng đen. Nhưng thời đại ngày nay, chẳng còn mấy người nhuộm răng như vậy nữa.

     Em cho rằng, việc ăn mặc, thay đổi trang phục chỉ cần phù hợp với điều kiện kinh tế, phù hợp với bản thân và không gây hấn với xã hội là được. Chúng ta sẽ khó thể nào mà chấp nhận một người khỏa thân đi ở ngoài đường. Điều đó vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng và mức độ chịu đựng của em. Nhưng với trang phục đẹp, kiểu cách sành điệu, mới lạ em thấy không có vấn đề gì cả. Con người có quyền lựa chọn trang phục là một cách để thể hiện cá tính, để làm đẹp và để tự tin hơn.

      Mặc kiểu cách chưa chắc đã là hư hỏng và mặc kín đáo chưa chắc đã là không hư hỏng. Em đã từng thấy những người ăn mặc kín đáo, gọn gàng nhưng lại lên xe bus ăn trộm, móc túi.Em cũng được biết đến rất nhiều bạn trẻ ăn mặc phong cách sành điệu lại sẵn sàng đỗ xuống đẩy xe giúp người già, nhặt đồ rơi giúp người phụ nữ mang thai. Và chính bản thân em, một học sinh có thể coi là ngoan, hiền lành trong lớp nhưng cũng có sở thích may mặc đồ hợp mốt, kiểu cách theo thế kỉ mới. Thật may là bố mẹ em cũng rất đồng tình để cho em có sự bứt phá bản thân và cũng không hề phản đối chuyện này.

      Em chỉ mong rằng chúng ta sẽ nhìn nhận một cách đúng đắn, bao dung, bớt khắt khe hơn về việc ăn mặc. Vì chỉ khi cố gắng tìm hiểu một điều gì đó, ta mới có cơ hội để hiểu được tận gốc của vấn đề.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội

Soạn bài Ôn tập trang 58

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 59

Soạn bài Đất rừng Phương Nam

Soạn bài Giang

1 17726 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: