Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 10 trang 109 Tập 1 - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 10 trang 109 Tập 1 Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 2,902 23/09/2022
Tải về


Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 10 trang 109 Tập 1

NGHỆ THUẬT CHÈO

- Chèo cổ (chèo sân đình) là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp hài hoà nhiều chất liệu: dân ca, múa dân gian và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Chèo được xem là một hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng (không có người kể chuyện như trong truyện). Cũng như kịch nói chung, kịch bản chèo tập trung thể hiện hành động, dẫn dắt xung đột qua ngôn ngữ của nhân vật.

Cần phân biệt giữa kịch bản chào và sân khấu chèo: Kịch bản chèo là văn bản văn học, được tiếp nhận thông qua hình thức đọc, bao gồm lời thoại của nhân vật và một số chỉ dẫn sân khấu căn bản (ví dụ: “hát sắp”, “nói lệch”,...). Sân khấu chèo là sự hiện thực hoá kịch bản chèo thông qua hoạt động trình diễn, được tiếp nhận bằng hình thức xem và nghe.

- Đặc điểm của chèo cổ thể hiện qua nhiều yếu tố: đề tài, tích truyện, nhân vật, cấu trúc, lời thoại,...

+ Đề tài: Chèo cổ thường xoay quanh vấn đề giáo dục cách sống, cách ứng xử giữa người với người theo quan điểm đạo lí dân gian hoặc theo tư tưởng Nho giáo.

+ Tích truyện là chất liệu xây dựng nên cốt truyện của chèo. Thường là các nhân vật, hành động, sự việc có sẵn trong kho tàng truyện cổ dân gian hoặc trong dã sử được khai thác và tổ chức lại theo nguyên tắc kịch hay xung đột. Từ các tích truyện này, các tác giả kịch bản – thường là giới nho sĩ– viết thành kịch bản chèo để truyền bá những tín điều của tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, qua quá trình ứng tác, biểu diễn, nhiều chủ đề truyền thống bị làm mờ đi, nhường chỗ cho những khát vọng nhân bản hơn, vượt ra ngoài giáo lí Nho học truyền thống.

+ Nhân vật: Các loại hình nhân vật phổ biến của chèo bao gồm kép, đào,hề, mụ, lão. Kép (nam chính) thường là các sĩ tử chân chính, hiếu học; đào (nữ chính) bao gồm đào thương (những phụ nữ trung trinh tiết liệt), đào lệch hay còn gọi là đào lẳng (những phụ nữ nổi loạn, đi ngược lại quan điểm đạo đức phong kiến), đào pha (trung gian giữa hai loại vai đào thương và đào lệch); hề nhân vật hài hước, gây cười), mụ (nhân vật nữ lớn tuổi); lão (nhân vật nam lớn tuổi). Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ với tính cách không thay đổi.

+ Cấu trúc: Cũng như các loại hình sân khấu khác, cấu trúc của một vở chèo bao gồm nhiều màn và cảnh, mỗi màn và cảnh thường xảy ra trong một khung thời gian và không gian khác nhau. Mỗi cảnh đóng vai trò như một bộ phận kiến tạo nên các giai đoạn của cốt truyện: khai mở, thắt nút, đỉnh điểm, mở nút.

+ Lời thoại: Trong chèo không có lời người kể chuyện, chỉ có các lời thoại. Lời thoại đảm nhiệm mọi vai trò: dẫn dắt xung đột, diễn tả hành động, khắc hoạ nhân vật, bối cảnh (không gian, thời gian), đồng thời gián tiếp thể hiện tình cảm của tác giả dân gian.

+ Lời thoại trong chèo cổ bao gồm lời thoại của nhân vật và tiếng đế. Lời thoại của nhân vật thường có các hình thức đối thoại (lời các nhân vật nói với nhau), độc thoại (lời nhân vật nói với chính mình), bàng thoại (lời nhân vật nói với khán giả). Tiếng đế là lời của đại diện khán giả chen vào, đệm vào lời của nhân vật dưới dạng câu hỏi hoặc bình luận ngắn, chủ yếu để kích thích nhân vật bộc lộ khi diễn.

+ Về hình thức, lời thoại của nhân vật trong chèo bao gồm lời nói, lời hát – nói (tức nói theo âm điệu) và lời hát (theo các làn điệu dân ca).

NGHỆ THUẬT TUỒNG

 - Tuồng là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp hài hoà điệu nói lối, các điệu hát của tuồng và một số chất liệu nghệ thuật dân gian khác. Tuồng thịnh hành vào thế kỉ XIX, vùng Nam Trung Bộ (tiêu biểu là Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định). Được xem là một hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, kịch bản tuồng tập trung thể hiện hành động, dẫn dắt xung đột qua ngôn ngữ của nhân vật. Tuỳ theo đề tài, nội dung, phạm vi lưu diễn, quy cách dàn dựng, tuồng được phân thành hai loại chính: tuồng pho (tuồng thầy) và tuồng đồ.

- Tuồng đồ thiên về hài hước châm biếm, ngôn ngữ mộc mạc, bình dân; lối diễn tự do, ít khoa trương cách điệu, gần gũi với cuộc sống thường ngày và gần với kịch nói. Các vở tuồng đồ tiêu biểu như Nghêu, Sò, Ốc, Hến; Trương Đồ Nhực; Trương Ngáo;..

- Đặc điểm của tuồng đồ thể hiện qua nhiều yếu tố: đề tài, tích truyện, nhân vật, cấu trúc, lời thoại, phương thức lưu truyền,...

+ Đề tài lấy từ đời sống thôn dã, hoặc tích truyện có sẵn, dựng thành những câu chuyện, tình huống hài hước, những nhân vật phản diện hiện thân cho những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội phong kiến tiểu nông. Tuồng đồ, do vậy, thiên về trào lộng, phê phán xã hội trên lập trường đạo đức của người bình dân, khác với tuồng pho thường lấy đề tài từ sách, truyện Trung Quốc với cảm hứng anh hùng, đề cao lí tưởng trung quân theo lập trường Nho giáo.

+ Tích truyện: Các vở tuồng đồ thường được xây dựng dựa trên một câu chuyện hay một tình huống, hành động, sự việc nào đó, thường có sẵn trong kho tàng truyện dân gian, gọi là “tích truyện”. Từ tích truyện này, các tác giả kịch bản viết thành kịch bản tuồng (dưới dạng truyền miệng). Khi trình diễn, nghệ nhân trong các gánh tuồng có thể cải biên ít nhiều cho phù hợp với điều kiện diễn xuất, đối tượng người xem.

+ Nhân vật khác với tuồng pho, các loại hình nhân vật phổ biến trong tuồng đồ gần gũi với chèo cổ, cũng bao gồm các vai: kép, đào, mị, lão,... Nhân vật tiêu biểu cho các vai tuồng này thường mang tính góc lệ và tính cách không thay đổi, thể hiện chủ yếu qua lời thoại và hành động của mình. Khi xuất hiện lần đầu, các nhân vật chính thường có lời xung danh (tự giới thiệu danh tính, nghề nghiệp, vị trí xã hội,...). Tính cách, đặc điểm của nhân vật trong tuồng, một phần được biểu đạt qua cách hoá trang, nhất là qua các nét vẽ và màu sắc trên khuôn mặt diễn viên.

+ Lời thoại trong tuồng cũng có vai trò, đặc điểm như lời thoại trong chèo đã nói ở phần trước. Lời thoại của nhân vật tuồng, chủ yếu là đối thoại có xen độc thoại hay bàng thoại, dưới hình thức nói, ngâm hoặc hát và chủ yếu là văn vần.

+ Phương thức lưu truyền chủ yếu là truyền miệng. Tuồng đồ thường không được ghi chép thành quyển như tuồng pho. Do vậy, mỗi gánh hát tuồng có thể lưu giữ một vốn kịch bản - vở diễn riêng. Hơn nữa, cùng một tích tuồng, nghệ nhân trong các gánh tuồng có thể tạo dựng các lớp tuồng với các mảng miếng, những điểm nhấn và độ co duỗi của vở diễn theo cách riêng của mình.

- Tác phẩm khuyết danh là những sáng tác không có tên tác giả (ẩn danh).

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Thị Mầu lên chùa

Soạn bài Huyện Trìa xử án

Soạn bài Đàn ghi ta phím lõm trong dàn nhạc cải lương

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 127

Soạn bài Xã Trưởng – Mẹ Đốp

1 2,902 23/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: