Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 5,582 23/09/2022
Tải về


Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ

*Tri thức về kiểu bài

Kiểu bài:

Phân tích, đánh giá một bài thơ: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ ấy.

Yêu cầu đối với kiểu bài:

- Về nội dung:

• Xác định được chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề bài thơ.

• Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình, kết cấu, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,...

- Về kĩ năng:

• Lập luận chặt chẽ, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về bài thơ.

• Có bằng chứng tin cậy từ bài thơ.

• Diễn đạt mạch lạc, sử dụng được các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.

• Bố cục bài viết gồm 3 phần:

Mở bài: giới thiệu bài thơ và tác giả; nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

Kết bài: khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ; tác động của bài thơ đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.

*Đọc ngữ liệu tham khảo: Sức gợi tả của hình ảnh trong bài thơ Thu Điếu (Nguyễn Khuyến)

Câu 1 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Ngữ liệu trên có phải một bài viết hoàn chỉnh không? Căn cứ vào đâu để nhận định như vậy?

Trả lời:

- Theo em, ngữ liệu trên chưa phải là một bài viết hoàn chỉnh.

- Căn cứ vào những yếu tố sau:

+ Trong bài viết ở ngữ liệu chưa đảm bảo hình thức cấu trúc một bài viết vì chỉ có phần phân tích, chưa có phần mở bài giới thiệu vấn đề sẽ nói trong bài và kết luận về những giá trị của bài thơ.

Câu 2 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Nội dung phân tích, đánh giá được trình bày theo cách tách riêng chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật hay kết hợp hai nội dung? Cách trình bày như vậy có ưu điểm gì?

Trả lời:

Nội dung phân tích, đánh giá được trình bày theo lối kết hợp cả chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

- Cách trình bày như vậy giúp người đọc, người nghe có những hiểu biết chi tiết về tất cả những vấn đề có liên quan đến luận điểm chính, tạo sự hài hòa cho bài viết khi có sự xen kẽ.

Câu 3 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Xác định các ý chính được trình bày trong ngữ liệu.

Trả lời:

- Các ý chính được trình bày trong ngữ liệu:

+ Không gian trong và lạnh của ao thu.

+ Sự tĩnh lặng của không gian.

+ Sự cao rộng của không gian.

Câu 4 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

 Để làm sáng tỏ sức gợi tả của hình ảnh trong bài thơ Thu điếu, tác giả đã dùng những dẫn chứng, lí lẽ nào?

Trả lời:

- Những dẫn chứng, lí lẽ được tác giả sử dụng để gợi tả hình ảnh trong bài thơ Thu điếu:

+ Không gian trong và lạnh: lạnh lẽo, trong veo.

+ Phong cảnh ao thu tươi tắn, yên tĩnh: sóng biếc, lá gàng, gợn tí, khẽ đưa.

+ Trời trong xanh, yên tĩnh, cao vút: trời xanh ngắt, vắng teo, lơ lửng.

Câu 5 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Việc đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật có xuất phát từ đặc trưng thể loại của tác phẩm không?

Trả lời:

Việc đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật xuất phát từ đặc trưng thể loại của tác phẩm. Mỗi thể loại sẽ có những đặc điểm nhận dạng khác nhau như các bài thơ trữ tình sẽ thiên về hình ảnh với cảm xúc lãng mạn,... Việc đánh giá như vậy sẽ giúp người đọc, người nghe hình dung rõ ràng nhất về thể loại mà bài viết muốn nói đến.
*Thực hành viết theo quy trình

Đề bài (trang 75 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ (thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt).

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định đề tài, mục đích viết, người đọc

Nên chọn phân tích, đánh giá bài thơ đáp ứng những tiêu chí như:

• Được bản thân và nhiều bạn khác yêu thích.

• Có chủ đề và những điểm đặc sắc về hình thức nghệ thuật dễ nhận thấy.

• Có độ dài phù hợp.

Trả lời các câu hỏi sau để xác định mục đích viết, người đọc: Việc viết văn bản này nhằm mục đích gì? Ai sẽ là người đọc căn bản?

Thu thập tư liệu

Phạm vi lựa chọn của bạn khá rộng. Đó có thể là:

• Một bài ca dao.

• Một bài thơ bát cú, một bài thơ tứ tuyệt (hay thơ bốn câu).

Bạn cần quyết định chọn một bài thơ, đoạn thơ trong các trường hợp trên làm đối tượng phân tích đánh giá, đồng thời tìm đọc một số bài viết liên quan.

Khi đọc tư liệu, bạn cần:

• Ghi chép, đánh dấu những ý kiến nhận xét, đánh giá liên quan đến văn bản mình sẽ phân tích.

• Xem xét các ý kiến đã đề cập đến những phương diện nào, chưa đề cập phương diện nào của văn bản thơ mà bạn sẽ phân tích? Bản thân mình đồng tình với ý kiến nào hoặc có ý kiến khác không?

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

 • Trả lời các câu hỏi:

- Bài thơ đề cập đến vấn đề gì? Tác giả đề cập đến vấn đề đó với thái độ, tình cảm như thế nào?

- Đưa ra một số dẫn chúng quan trọng (trích dẫn từ bài thơ) có thể minh hoạ cho các ý tưởng.

• Khi tìm ý cho việc phân tích, đánh giá chủ đề của một bài thơ, bạn cần đặt và trả lời các câu hỏi: Chủ đề của bài thơ này là gì? Chủ đề đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào?,...

• Khi tìm ý cho việc phân tích, đánh giá nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một bài thơ, bạn cần đặt và trả lời các câu hỏi phù hợp với đặc trưng thể loại của bài thơ ấy. Các câu hỏi có thể là: Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào, thể thơ ấu có những điểm gì đáng lưu ý? Các yếu tố hình thức như cần, nhịp, từ ngữ, hình ảnh, kết cấu bài thơ có gì đặc sắc và đã góp phần thể hiện chủ đề như thế nào?

Lập dàn ý

Xây dựng hệ thống luận điểm bằng cách chọn lọc, sắp xếp các ý đã tìm, lần lượt chi tiết hoá từng luận điểm.

Chẳng hạn, nếu chọn phân tích bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh), thân bài có thể triển khai:

1. Nét đặc sắc về chủ đề của bài thơ Cảnh khuya: Kết hợp hài hoà tình yêu thiên nhiên với trách nhiệm của vị lãnh tụ kháng chiến. (Lí lẽ và bằng chứng)

2. Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ Cảnh khuya: Bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ hàm súc, bút pháp gợi tả, so sánh độc đáo. (Lí lẽ và bằng chứng)

Một ví dụ khác: Trong ngữ liệu tham khảo, khi phân tích, đánh giá Sức gợi tả của hình ảnh trong bài “Thu điếu”, luận điểm (lí lẽ và bằng chứng) được tác giả sắp xếp như sau:

1. Ấn tượng về không gian “trong” và “lạnh” từ các hình ảnh: ao thu, mặt nước, thuyền câu (ở hai câu đề).

2. Ấn tượng về không gian tĩnh lặng từ các hình ảnh: “sóng biếc”, “lá vàng”.

3. Ấn tượng về không gian cao rộng, thanh vắng từ các hình ảnh “tầng mây”, “ngõ trúc”, các tính từ “lơ lửng ... xanh ngắt”, “vắng teo”,...

Bước 3:Viết bài

• Cách thức tiến hành viết bài như đã thực hiện khi viết bài nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một truyện kể (Bài 1).

• Tập trung phân tích, đánh giá sức biểu cảm của các yếu tố hình thức nghệ thuật trong bài thơ.

• Nêu rõ ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về những nét đặc sắc của tác phẩm.

• Làm sáng tỏ các ý kiến nhận xét, đánh giá về chủ đề và nghệ thuật bằng việc trích dẫn các hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong tác phẩm.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Đọc lại bài viết và tự đánh giá theo bảng kiểm

 Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Bài viết tham khảo

Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời Bác cũng là một tác gia tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam. Về cuộc đời cách mạng, cả đời Bác chỉ có một mục tiêu duy nhất đó là dành lại độc lập cho đất nước, đó là làm sao để dân hết khổ, cụ già có áo mặc và em thơ có sữa, về sự nghiệp sáng tác Bác là một nhà thơ tài năng với nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho đời. Một trong những tác phẩm ấy phải kể đến bài thơ Rằm Tháng Giêng được viết tại chiến khu Việt Bắc năm 1948 – giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp lần 2.

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với ngôn ngữ trong sáng, giản dị nhưng vô cùng hay,đặc sắc tinh tế.

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;

Trăng là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân, như Lí Bạch trong Tĩnh Dạ Tứ “ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương” hay vẻ đẹp  “khuôn trăng đầy đặn” của nàng Thúy Vân trong truyện Kiều. Trăng không còn xa lạ với thi nhân và cả bạn đọc nhưng có lẽ ánh trăng trong bài thơ Rằm tháng giêng lại cho ta cái nhìn và cảm nhận khác với vẻ đẹp, ẩn chứa nhiều suy tư sâu sắc. Có lẽ đây là thời gian vào mùa thu, đêm trăng tròn đẹp nhất, ánh trăng sáng tỏ như gương, lan tỏa khắp núi rừng việt bắc. Chính sự giao hòa giữa cảnh vật và con người đã khiến cho Bác nhiều cảm hứng để sáng tác bài thơ này.

Đã có rất nhiều nhà thơ sáng tác bài thơ về trăng, ánh trăng như “ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe” trong Thu ẩm của Nguyễn Khuyến. Hay Ánh Trăng của Nguyễn Duy: “Hồi chiến tranh ở rừng/ Vầng trăng thành tri kỉ”. Nhưng bàn về ánh trăng của Bác trong bài thơ Rằm Tháng giêng ta mới thấy được cái đẹp của Trăng tròn đầy sức sống.

Tháng giêng là tháng đầu tiên của mùa xuân, đánh dấu sự khởi đầu của năm mới. tiết trời xuân mát mẻ, không gian xuân tươi xanh đẹp đẽ nhất trong năm với nắng ấm, thời tiết dịu nhẹ, cây cối đâm chồi nảy lộc, nhiều sức sống. Có lẽ vậy mà ánh trăng và ngày rằm cũng rất khác so với những mùa trong năm.  Bác sử dụng hình ảnh “rằm xuân lồng lộng trăng sói” cho thấy ánh trăng rất tỏ, rất sáng, sáng vằng vặc. Ánh trăng sáng đến nỗi bao trùm cả không gian kết hợp với không gian mùa xuân lồng lộng, tươi mới rạng rỡ.

Đặc biệt, tác giả sử dụng từ xuân nhiều đến nỗi câu thơ cảm giác như chỉ thấy mùa xuân, thấy sức sống của mùa xuân. Cả vầng trăng, cả dòng sông, cả bầu trời đều ngập tràn hương vị mùa xuân, hương vị của sự sống, của tình yêu và khát vọng. Đọc hai câu thơ chúng ta hình dung ra một mùa xuân đẹp thế nào. Có lẽ đây là mùa xuân hi vọng với những chiến công sắp tới, có lẽ tâm trạng của Bác lúc này đang rất vui và nhiều niềm tin vào tương lai.

Câu thơ là sự kết hợp hài hòa của yếu tố cổ điển và hiện đại. Trong thơ ca cổ, giang, thủy, nguyệt, thiên vốn rất quen thuộc. Nhưng khi vào thơ Bác thì lại vô cùng hiện đại, sáng tạo, rực rỡ và đầy sức sống.

Phân tích bài thơ rằm tháng giêng – Có mùa xuân nào lại ngập tràn sức sống như mùa xuân, như ánh trăng mùa xuân trong Rằm Tháng Giêng của Bác?. Ta biết, Xuân Diệu từng có mùa xuân trong vội vàng, với xuân hồng mơn mởn muốn cắn vào để ngập tràn trong mùa xuân, trong sự sống. Ta cũng biết có mùa xuân trong Thanh Hải, một mùa xuân nho nhỏ mà tác giả muốn hứng từng giọt để có thể tận hưởng hết vẻ đẹp, sức sống mùa xuân.  Nhưng có lẽ, mùa xuân trong thơ Bác vẫn có sự tươi mới, sáng tạo, dù sử dụng nhiều từ xuân nhưng không nhàm chán, người đọc lại chỉ cảm thấy sự sống và niềm hạnh phúc, khát vọng trong đó. Cách sử dụng từ rất hay, rất khéo, rất hài hòa trong khung cảnh ánh trăng đêm rằm mùa xuân.

Bức tranh thiên nhiên mùa xuân sẽ thật khiếm khuyết nếu thiếu đi hình ảnh con người. Con người chính là sự sống, sự vận động của vũ trụ. Vì vậy, sang hai câu thơ cuối, bức tranh về con người hiện ra thật đẹp, nhiều sức sống.

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Con người trong bức tranh khiến cho bức tranh thiên nhiên càng thêm đẹp và hài hòa hơn. Đêm trăng vằng vặc êm lặng như một bức tranh thủy mặc, bỗng trở nên sống động bởi sự góp mặt của Bác và các đồng chí cách mạng – những con người chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ơ đó, họ cùng nhau bàn bạc việc quân, việc nước, những công việc quan trọng. Lẽ ra, trong khi bàn việc lớn ai cũng phải  đăm chiêu, suy nghĩ, căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng không, Bác vẫn rất bình tĩnh,ung dung, lạc quan, thưởng thức trăng. Ánh trăng đêm rằm đẹp như thế, sao có thể bỏ lỡ? Với cách sử dụng nghệ thuật lấy sáng tả đêm, ánh trăng càng sáng chứng tỏ đêm đã về khuya, tĩnh lặng. Bác cùng các đồng chí dường như quên thời gian khi làm việc, quên đi lợi ích riêng và vì lợi ích chung của cả dân tộc.

Khuya đã về, ánh trăng càng sáng hơn. Con thuyền chở đầy trăng là một hình ảnh đẹp, một hình ảnh liên tưởng và lãng mạn. Con thuyền như chở đầy ánh trăng hay hiểu đúng hơn đó là con thuyền cách mạng, đang chở chiến thắng, chở hi vọng, chở niềm tin và tương lai rực rỡ huy  hoàng.

Ánh trăng không chỉ là ánh trăng mà đó là bạn, là kỉ niệm, là tri kỉ, là nhân chứng lịch sử. Ánh trăng đã chứng kiến biết bao nhiêu tình cảm đồng chí đồng đội cùng nhau sát cánh, vượt qua mọi gian khó để có thể vững tay chèo lái con thuyền cách mạng và chiến thắng kẻ thù. Trong bài thơ Đồng Chí – Chính Hữu, ánh trăng cũng biểu hiện cho hòa bình, cho khát vọng với câu thơ “Trăng treo đầu súng”. Hay như trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy lại là ánh trăng của tình cảm, của những kỉ niệm, ánh trăng nhắc nhở chúng ta về một thời chiến đấu bên nhau:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”     

Có lẽ, bài thơ Rằm Tháng Giêng với ánh trăng tròn đẹp, soi sáng cả bầu trời cũng là ánh trăng của tri kỉ, của những kỉ niệm, của nhân chứng lịch sử. Qua đây ta cũng thấy được phong thái ung dung của Bác trước thời cuộc, trước cuộc chiến. Bác vẫn giữ cho mình một tâm thái nhẹ nhàng, kiên định mà không phải người thường nào cũng làm được trong hoàn cảnh ấy.

Bài thơ khép lại cho ta nhiều cảm xúc và những suy tư trăn trở của bác về đất nước và nhân dân. Vẫn là Bác với tình yêu thiên nhiên tha thiết, đồng thời cũng bộc lộ tình yêu nước sâu sắc. Vẫn là Bác với phong thái ung dung, tự tại trước mọi hoàn cảnh. Bài thơ ngắn gọn, cô đọng nhưng chắt lọc mọi tinh tế, mang đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc khác nhau. Không chỉ vậy, nó còn là tâm hồn của chiến sĩ, luôn ngày đêm lo lắng cho sự nghiệp cứu nước và lạc quan trước cuộc kháng chiến đầy gian khổ.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ

Soạn bài Ôn tập trang 79

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 80

Soạn bài Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam

Soạn bài Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khánh thành phòng truyền thống Thêm Một Bản Dịch “Truyện Kiều” Sang Tiếng Nhật

1 5,582 23/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: