Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ trang 73 (Chân trời sáng tạo)

Với soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 15,642 19/10/2022
Tải về


Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ

* Tri thức về kiểu bài:

Kiểu bài:

Phân tích, đánh giá một bài thơ: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ ấy.

Yêu cầu đối với kiểu bài:

- Về nội dung:

• Xác định được chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề bài thơ.

• Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình, kết cấu, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,...

 - Về kĩ năng:

• Lập luận chặt chẽ, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về bài thơ.

• Có bằng chứng tin cậy từ bài thơ.

 • Diễn đạt mạch lạc, sử dụng được các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.

• Bố cục bài viết gồm 3 phần:

Mở bài: giới thiệu bài thơ và tác giả; nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

Kết bài: khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ tác động của bài thơ đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.

* Hướng dẫn phân tích ngữ liệu tham khảo

Sức gợi tả của hình ảnh trong bài thơ Thu điếu

Câu 1 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Ngữ liệu trên có phải một bài viết hoàn chỉnh không? Căn cứ vào đâu để nhận định như vậy?

Trả lời:

- Theo em, ngữ liệu trên chưa phải là một bài viết hoàn chỉnh.

- Trong bài viết ở ngữ liệu chưa nêu được vấn đề, chưa nêu tác giả tác phẩm. Đồng thời ngữ liệu chưa khẳng định được giá trị và nét đặc sắc của bài thơ, chưa nêu cảm nghĩ của người viết.

Câu 2 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Nội dung phân tích, đánh giá được trình bày theo cách tách riêng chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật hay kết hợp hai nội dung? Cách trình bày như vậy có ưu điểm gì?

Trả lời:

Nội dung phân tích, đánh giá được trình bày theo lối kết hợp cả chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

- Cách trình bày như vậy giúp người đọc, người nghe có cái nhìn bao quát hơn về ngữ liệu phân tích, người đọc dễ theo dõi và cảm nhận văn bản hơn

Câu 3 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Xác định các ý chính được trình bày trong ngữ liệu.

Trả lời:

Các ý chính được trình bày trong ngữ liệu:

- Không khí lạnh lẽo của mùa thu.

- Phong cảnh thu tươi tắn và yên tĩnh.

- Liên hệ so sánh với ngữ liệu khác.

Câu 4 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Để làm sáng tỏ sức gợi tả của hình ảnh trong bài thơ Thu điếu, tác giả đã dùng những dẫn chứng, lí lẽ nào?

Trả lời:

Những dẫn chứng, lí lẽ được tác giả sử dụng để gợi tả hình ảnh trong bài thơ Thu điếu:

- Không gian trong và lạnh: lạnh lẽo, trong veo.

- Phong cảnh ao thu tươi tắn, yên tĩnh: sóng biếc, lá gàng, gợn tí, khẽ đưa.

- Trời trong xanh, yên tĩnh, cao vút: trời xanh ngắt, vắng teo, lơ lửng.

Câu 5 (trang 74 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Việc đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật có xuất phát từ đặc trưng thể loại của tác phẩm?

Trả lời:

- Việc đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật xuất phát từ đặc trưng thể loại của tác phẩm. Ví dụ: thơ thường thiên về vần, nhịp điệu, biện pháp tu từ và cảm xúc lãng mạn; còn truyện sẽ thiên về cốt truyện, chi tiết tiêu biểu, tình huống bất ngờ kịch tính…

* Thực hành viết theo quy trình

Đề bài (trang 75 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ (thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt).

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định tác phẩm: Rằm tháng giêng (Hồ Chí Minh)

Xác định mục đích viết, người đọc

- Mục đích: phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ

- Người đọc: thầy cô, bạn bè, phụ huynh…

Thu thập tài liệu

+ Tìm những nguồn tư liệu liên quan đến truyện kể từ các báo, tạp chí, sách chuyên luận, trên các trang mạng đáng tin cậy, thư viện,...

+ Khi đọc, tham khảo tư liệu, cần ghi chép một số nhận xét, đánh giá về tác phẩm cần cho việc trích dẫn hoặc suy nghĩ tiếp để trao đổi thêm trong bài viết.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

- Bài thơ đề cập đến vấn đề gì?

→ Bức tranh thiên nhiên mùa xuân và con người vĩ đại.

- Chủ đề của bài thơ này là gì? Chủ đề đó có gì sâu sắc, mới mẻ?

→ Chủ đề: tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước

→ Đây là chủ đề quen thuộc trong thi ca, nhưng cách thể hiện cảm nhận của tác giả độc đáo, cuốn hút.

- Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào, thể thơ ấy có những điểm gì đáng lưu ý?

→ Thể thơ: lục bát

→ Điểm lưu ý về thể thơ: bài thơ có 4 câu thơ triển khai theo hai phần: bức tranh thiên nhiên và bức tranh con người.

- Các yếu tố hình thức như vần, nhịp, từ ngữ, hình ảnh, kết cấu bài thơ có gì đặc sắc và đã góp phần thể hiện chủ đề như thế nào?

→ Vần: vần lưng “uân”: xuân, quân

→ Nhịp: 2/2/2, đều đặn

→ Từ ngữ, hình ảnh độc đáo: mùa xuân với trăng xuân, nước xuân, sông xuân, trời xuân, trăng đầy thuyền.

→ Kết cấu: 2 phần: bức tranh thiên nhiên và bức tranh con người.

Lập dàn ý

Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần đánh giá.

Thân bài

- Nét đặc sắc về chủ đề: Kết hợp hài hoà tình yêu thiên nhiên với trách nhiệm của vị lãnh tụ kháng chiến.

- Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật: Bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ hàm súc, bút pháp gợi tả…

Kết bài

- Khái quát lại chủ đề và nghệ thuật đặc sắc

- Thái độ của người viết

Bước 3: Viết bài:

Bài viết tham khảo:

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tài ba vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lại vừa là một nhà thơ xuất sắc với nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho đời. Một trong những tác phẩm ấy phải kể đến bài thơ Rằm Tháng Giêng.  Bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng mùa xuân, bên cạnh đó là hình ảnh người chiến sĩ ung dung, rạng ngời, một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”.

Bức tranh thiên nhiên với không gian và thời gian tràn ngập vẻ đẹp và sức xuân. "Rằm xuân" là lúc mặt trăng tròn đầy, ánh trăng bao trùm, soi chiếu tỏ vạn vật trong đêm Rằm. Góc nhìn của tác giả mở rộng ra từ mặt sông mở ra lên trời và ánh trăng. Chỉ một nét chấm phá mở ra không gian bao la vô tận vừa có chiều cao của ánh trăng vừa có chiều rộng của sông nước tiếp giáp với bầu trời.

Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến là hai câu thơ giàu sức gợi hình ảnh:

 “Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

Trong khung cảnh nên thơ ấy, bao la ấy, Người vẫn không quên nhiệm vụ cao cả, không quên được việc quân đang chờ. Khuya rồi mà trăng vẫn ngân nga đầy thuyền. Trăng tràn ngập khắp nơi, tràn cả không gian rộng lớn, vẫn chờ, vẫn đợi cho dù Bác có bận đến đâu. Thuyền lờ lững xuôi dòng trong đêm có trăng đồng hành như một người bạn chung thủy sâu sắc. Ở đây ta thấy được sự giao cảm giữa thiên nhiên với con người. Điều đó làm cho bức tranh thơ trở nên có hơi thở, có linh hồn. Đặt trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn gian khổ, ta vẫn thấy được phong thái ung dung, một tinh thần lạc quan của vị lãnh tụ vĩ đại.

Bằng thể thơ lục bát, hình ảnh thơ cổ điển (trăng) nhưng cũng hết sức gần gũi, bình dị cho người đọc thấy được bức tranh thiên nhiên Tây Bắc khoáng đạt, nên thơ và tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước cũng như phong thái ung dung, lạc quan của Bác. Qua đây chúng ta cũng hiểu thêm tấm lòng yêu dân, yêu nước, yêu thiên nhiên sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá theo bảng điểm:

Bảng kiểm kĩ năng viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ

Nội dung kiểm tra

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu bài thơ (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...).

 

 

Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

 

 

Thân bài

Xác định chủ đề của bài thơ.

Phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ.

 

 

Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ.

 

 

Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của bài thơ.

 

 

Thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về bài thơ.

 

 

Có lí lẽ thuyết phục và bằng chứng tin cậy lấy từ tác phẩm.

 

 

Kết bài

Khẳng định lại một cách khái quát những đặc sắc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của bài thơ.

 

 

Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức bài thơ

 

 

Kĩ năng trình bày, diễn đạt

Sắp xếp luận điểm (lí lẽ và bằng chứng) hợp lí.

 

 

-Lập luận chặt chẽ, trình bày mạch lạc.

-Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, đáp ứng đúng yêu cầu của diễn đạt kiểu bài.

-Sử dụng được các từ ngữ, câu văn tạo sự gắn kết giữa các luận điểm, giữa bằng chứng với lí lẽ.

 

 

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 63

Soạn bài Hương sơn phong cảnh

Soạn bài Thơ duyên

Soạn bài Lời má năm xưa

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 71

Soạn bài Nắng đã hanh rồi

Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ

Soạn bài Ôn tập trang 79

1 15,642 19/10/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: