Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể trang 23 (Chân trời sáng tạo)

Với soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 52,993 10/12/2022
Tải về


Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể

Bài giảng Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể-Chân trời sáng tạo

* Tri thức về kiểu bài:

- Phân tích, đánh giá truyện kể: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ đặc điểm, giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện kể: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười,...

*Yêu cầu đối với kiểu bài:

- Về nội dung nghị luận:

+ Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề.

+ Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như cốt truyện, tình huống, sự kiện, nhân vật, lời người kể chuyện, người kể chuyện, điểm nhìn,...và tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể.

- Về kĩ năng nghị luận, bài viết cần đáp ứng các yêu cầu:

+ Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.

+ Lí lẽ xác đáng, bằng chứng đáng tin cậy lấy từ truyện kể.

+ Sử dụng các câu chuyển tiếp, từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.

+ Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.

Mở bài: Giới thiệu được truyện kể (tên tác phẩm, tác giả,...). Nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.

Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật: ý nghĩa, giá trị chủ đề, những nét sặc sắc về hình thức nghệ thuật.

Kết bài: Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.

* Yêu cầu đối với kiểu bài:

- Về nội dung nghị luận:

+ Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề.

+ Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

- Về kĩ năng nghị luận:

+ Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc.

+ Lí lẽ xác đáng, bằng chứng đáng tin cậy.

+ Sử dụng các câu chuyển tiếp, từ ngữ liên kết hợp lí.

+ Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.

Mở bài

Giới thiệu được truyện kể, nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.

Thân bài

Trình bày các luận điểm làm nổi bật: ý nghĩa, giá trị chủ đề, những nét sặc sắc về nghệ thuật.

Kết bài

Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.

* Hướng dẫn phân tích ngữ liệu tham khảo

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngụ ngôn “Chó sói và chiên con” (La Phông-ten)

Câu 1 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể chưa?

Trả lời:

Mở bài, thân bài và kết bài cuả ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể. Vì những lý do sau

- Mở bài: Nêu được nội dung khái quát của tác phẩm, thể loại cũng như tác giả, thời gian sáng tác

- Thân bài: đầy đủ luận điểm , lý lẽ, dẫn chứng rõ ràng làm nổi bật được nội dung và nghệ thuật.

- Kết bài:  khẳng định lại được nội dung và nghệ thuật đặc sắc cũng như ý nghĩa của tác phẩm

Câu 2 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự nào, có hợp lí không?

Trả lời:

- Các luận điểm được sắp xếp theo trình tự hợp lí: đưa ra và làm sáng rõ các luận điểm thuộc chủ đề, sau đó mới nêu những đặc sắc về nghệ thuật.

Câu 3 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng như thế nào? Nêu ví dụ.

Trả lời:

- Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng hợp lí, đúng đắn, thuyết phục người đọc, người nghe. Lí lẽ được nêu trước và bằng chứng được trích ra sau để chứng minh, làm rõ lý lẽ.

- Ví dụ: ở luận điểm 1

Lí lẽ

Giá trị của chuyện được thể hiện qua chủ đề và bài học cuộc sống

Dẫn chứng

- Nêu lại ngắn gọn cốt truyện để nêu chủ đề của truyện

- Qua nhân vật trong truyện đề cập đến bài học: lẽ công bằng trong cuộc sống

Câu 4 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Bạn có nhận xét gì về cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị chủ đề?

Trả lời:

- Người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị chủ đề của văn bản mạch lạc, rõ ràng, người viết đi từ khái quát đến cụ thể, đưa ra lí lẽ rồi dẫn ra chứng cứ để chứng minh cho lĩ lẽ đó. Cách viết như vậy giúp người đọc dễ theo dõi và tiếp cận, người đọc dễ nắm bắt chủ đề, ý nghĩa của bài viết.

Câu 5 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Người viết đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật nào của truyện kể? Chúng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể?

Trả lời:

* Người viết đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện:

- Tình huống truyện độc đáo

- Nhân vật giàu tính biểu trưng

- Cách kể chuyện bằng thơ

- Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật

* Những nghệ thuật này giúp dễ thể hiện rõ ràng chủ đề của truyện và ý nghĩa của truyện.

Câu 6 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Từ ngữ liệu trên, bạn rút ra được những lưu ý gì khi viết văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể?

Trả lời:

Những lưu ý khi viết văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể:

- Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề.

- Xác định luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng

- Sắp xếp các luận điểm, lí lẽ cho phù hợpvà cách sắp xếp sao cho phù hợp, lí lẽ xác đáng, bằng chứng đáng tin cậy.

- Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.

* Thực hành viết theo quy trình

Đề bài (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện (thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích.

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định tác phẩm truyện, mục đích viết, người đọc

- Lựa chọn truyện kể cụ thể: truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

- Mục đích viết: thể hiện nhận thức, đánh giá của về truyện kể, luyện tập phát triển kĩ năng, chia sẻ ý kiến với người khác.

- Người đọc bài viết của bạn có thể là thầy cô giáo bộ môn, bạn bè cùng lớp, phụ huynh,...

Thu thập tài liệu

+ Tìm những nguồn tư liệu liên quan đến truyện kể từ các báo, tạp chí, sách chuyên luận, trên các trang mạng đáng tin cậy, thư viện,...

+ Khi đọc, tham khảo tư liệu, cần ghi chép một số nhận xét, đánh giá về tác phẩm cần cho việc trích dẫn hoặc suy nghĩ tiếp để trao đổi thêm trong bài viết.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

- Chủ đề của truyện này là gì?

→ Chủ đề là: nhận thức và cái tôi cá nhân (tính kiêu ngạo, hung hăng)

- Những tác phẩm nào gần gũi về chủ đề và giữa chúng có gì tương đồng, có gì khác biệt?

→ Tác phẩm gần gũi chủ đề: Thầy bói xem voi

- Tác phẩm thuộc thể loại nào?

→ Tác phẩm thuộc thể loại truyện ngụ ngôn.

- Thể loại ấy có những đặc điểm gì đáng lưu ý về nhân vật, cốt truyện, điểm nhìn, lời kể…?

→ Những đặc điểm đáng lưu ý về truyện ngụ ngôn: Nhân vật là các con vật, đồ vật… Qua đó phê phán thói hư tật xấu của con người.

→Thông qua truyện kể để đưa ra lời khuyên nhủ với người đọc

- Bài viết cần có ít nhất mấy luận điểm? Sắp xếp các luận điểm theo trình tự nào?

→ Bài cần 2 luận điểm: LĐ1 nêu chủ đề của truyện. LĐ2 đặc sắc về nghệ thuật của truyện. Các luận điểm được triển khai lần lượt.

- Lí lẽ, bằng chứng cần có cho mỗi luận điểm.

LĐ1: chủ đề của truyện

Lí lẽ 1

Nhận thức và cái tôi cá nhân (tính kiêu ngạo, hung hăng)

Dẫn chứng 1

Khi vượt ra ngoài giới hạn của mình mà vẫn giữ tính kiêu căng ngạo mạn nên phải chịu kết cục thảm hại

LĐ2 đặc sắc về nghệ thuật của truyện

Lí lẽ 2

- Tình huống truyện đặc sắc

- Nhân vật giàu tính biểu tượng

Dẫn chứng 2

- Ếch vẫn giữ thói hung hăng, cho mình là nhất, khi thay đổi môi trường, ếch ta vẫn tự kiêu ngạo mạn cho mình là nhất và kết quả là bị trâu giẫm bẹp.

- Nhân vật: Ếch- đại diện cho những người tự cho mình là tài giỏi, ngạo mạn.

Lập dàn ý:

Mở bài

Giới thiệu được truyện kể, nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.

Thân bài

- LĐ1: chủ đề của truyện

- LĐ2 đặc sắc về nghệ thuật của truyện

- Nhận xét về nội dung, hình thức nghệ thuật của truyện

Kết bài

Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.

Bước 3: Viết bài:

Bài viết tham khảo:

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, chắc hẳn chúng ta đều ấn tượng với chú ếch tự cao, tự đại, đi lại tự do và bị trâu giẫm bẹp. Đó chính là truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng. Đây được xem là một trong những tác phẩm truyện ngụ ngôn hay và đặc sắc về chủ đề cùng những hình thức nghệ thuật xuất sắc.

Truyện kể về con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng, ở môi trường này, ếch ta to mồm kêu oạp oạp suốt ngày khiến các loại khác điếc tai, không ai muốn lại gần dây dưa. Ếch ta tưởng thế là hay ho, tưởng các loài cua cá, rắn…đều sợ mình nên đắc thắng và cho mình là bá chủ nơi này. Sống trong giếng không ra đến ngoài nên ếch chỉ nhìn thấy bầu trời bé bằng cái vung. Một hôm mưa lớn, nước mưa dâng cao khiến ếch ta bị tràn ra khỏi giếng. Vẫn giữ thói quen cũ, ếch ta đi lại ngang tàng và bị con trâu đi qua giẫm bẹp. Cốt truyện tuy rất đơn giản, ngắn gọn nhưng chất chứa trong đó những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc và thấm thía.

Đọc Ếch ngồi đáy giếng ta có thể dễ dàng nhìn ra rằng giá trị của truyện trước hết thể hiện qua chủ đề và bài học cuộc sống mà nó gửi gắm. Hình ảnh con ếch đã được tác giả hình tượng hóa để đề cập đến thói huênh hoang, coi thường người khác. Qua câu truyện trên, nhân dân ta muốn ngụ ý phê phán thói xấu của con người trong xã hội xưa cũng như ngày nay. Đằng sau lên án là lời cảnh cáo đến toàn thể những ai đang mắc phải những thói xấu trên tự thay đổi chính mình, phải nhận định được bản thân đang ở vị trí nào, xuất phát điểm ra sao. Hãy nhớ rằng thế giới này bao la rộng lớn, mình chỉ là hạt cát bụi bé nhỏ mà thôi. Chủ đề của truyện mang tính chất khái quát bởi không chỉ đúng với một nhóm người nhất định mà đúng với tất cả mọi người.

Tạo nên thành công cho truyện không chỉ có chủ đề và bài học cuộc sống mà câu chuyện gửi gắm, đó còn là các hình thức nghệ thuật. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và bài học trong truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn. Yếu tố nghệ thuật đầu tiên cần kể đến đó là nghệ thuật tạo tình huống. Tác giả dân gian khéo léo đặt con ếch trong hai môi trường khác nhau với cùng một tính cách và hướng tới kết quả mà con ếch phải chịu. Tình huống tuy khá đơn giản nhưng qua đó người đọc thấy rõ được bản chất của con ếch, tính cách, nhận thức không hề thay đổi khi môi trường thay đổi.

Không chỉ tạo dựng tình huống truyện mà tác giả dân gian còn xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng. Đây là một thủ pháp nghệ thuật khá quan trọng trong thể loại truyện ngụ ngôn. Mượn hình ảnh loài vật để nói về kiểu loại người luôn cho mình là giỏi, là nhất, coi trời bằng vung. Nhận thức con người luôn hạn chế, không bao giờ là đủ. Trong môi trường nhỏ hẹp ta không thể nhìn ra trông rộng, nhưng khi thay đổi môi trường, vượt ra khỏi môi trường sống cũ nhưng ếch ta vẫn ngạo mạn coi, cho mình là nhất. Những phân tích ở trên đây cho thấy Ếch ngồi đáy giếng là một truyện ngụ ngôn tiêu biểu trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Về chủ đề, truyện chính là lời cảnh tỉnh, phê phán đến những người có lối sống tự cao, tự mãn, tự cho mình là nhất. Về hình thức nghệ thuật, tác giả đã kết hợp hài hòa các yếu tố về tình huống truyện, ngôn ngữ, và xây dựng hình tượng nhân vật đặc trưng góp phần làm rõ chủ đề của truyện. Truyện nhắc nhở đối với mỗi người chúng ta cần khiêm tốn, có cái nhìn rộng, bao quát hơn để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Mỗi khi nhắc đến văn học dân gian là em lại nhớ đến hình ảnh chú ếch kêu oạp oạp khi ở giếng và hình ảnh chú khi bị trâu giẫm bẹp. Bản thân lại tự nhắc nhở phải khiêm tốn, phải kiềm chế cái tôi của mình và cố gắng học hỏi từ xung quanh để mở rộng vốn hiểu biết.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá theo bảng điểm:

Nội dung kiểm tra

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu truyện kể (tên tác phẩm, thể loại…)

 

 

Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

 

 

Thân bài

Xác định chủ đề của truyện kể.

 

 

Phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của truyện kể.

 

 

Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện kể theo đặc trưng thể loại.

 

 

Lập luận chặt chẽ, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.

 

 

Có lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể.

 

 

Kết bài

Khẳng định lại một cách khái quát những nét đặc sặc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của truyện kể

 

 

Nêu ý nghĩa của truyện kể đối với bản thân và người đọc.

 

 

Kĩ năng trình bày, diễn đạt

Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, đáp ứng yêu cầu của kiểu bài.

 

 

Sử dụng các từ ngữ, câu văn tạo sự gắn kết giữa các luận điểm, giữa các bằng chứng với lí lẽ và bảo đảm mạch lạc cho bài viết.

 

 

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 11

Soạn bài Thần Trụ trời

Soạn bài Prô-mê-tê và loài người

Soạn bài Đi san mặt đất

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 19

Soạn bài Cuộc tu bổ của các giống vật

Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể

Soạn bài Nghe và nhận xét, đánh giá nội dung hình thức

Soạn bài Ôn tập trang 34

1 52,993 10/12/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: