Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự | Ngắn nhất Soạn văn 9

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự lớp 9 ngắn nhất mà vẫn đủ ý giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 Tập 1 từ đó soạn văn lớp 9 một cách dễ dàng.

1 695 10/03/2022
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự (ngắn nhất)

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – văn tự sự ngắn gọn:

Đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.

* Dàn ý

1. Mở bài:

- Thời gian, địa điểm viết thư: Địa phương, ngày...tháng …năm…

- Lời chào gửi đầu thư: Bạn… thân mến, thương mến, thân yêu…

- Lí do viết thư.

2. Thân bài:

a) Thăm hỏi đầu thư.

- Bày tỏ nỗi nhớ, thăm hỏi sức khỏe bạn và người thân. 

- Giới thiệu sơ qua về bản thân của hiện tại: Nghề nghiệp, gia đình, những dự định, ước mơ ấp ủ đã/ chưa được thực hiện.

b) Nội dung thư:

- Tình huống trở về thăm trường cũ (Thời gian, địa điểm, lí do quay lại)

- Miêu tả con đường đến trường (Đặt vào quá khứ và so sánh sự thay đổi, bộc lộ cảm xúc bồi hồi, vừa quen vừa lạ)

- Miêu tả chung quang cảnh trường: Trường đã có thêm những phòng học hiện đại như phòng vi tính, phòng thí nghiệm. Các lớp học đã được sơn mới, trường xây thêm tầng, đều trang bị điều hòa (so sánh với trước đây)

- Lớp học cũ nay đã khang trang, bàn học, trang thiết bị hiện đại

- Khoảng sân trường so với trước đây: những băng ghế, gốc bàng, hàng phượng gắn với kỷ niệm xưa

- Miêu tả những hình ảnh, kỉ niệm thời xưa đáng nhớ: Đi muộn, chơi đuổi bắt, ...

- Gặp lại thầy cô cũ, nhận ra qua giọng nói, ánh mắt, cảm xúc dạt dào, nhắc lại kỉ niệm cũ 

3. Kết bài:

Cuối thư: Lời chào, lời chúc, hẹn gặp bạn trong một dịp không xa.

Ký tên.

* Bài mẫu:

Nam Định, ngày .... tháng.... năm......

Thư thân yêu,

20 năm rồi nhỉ, 20 năm qua rồi, hôm nay tôi đột ngột viết thư tay cho bạn chắc bạn thấy kì lạ lắm. Giữa thời đại mà chuyển phát thông tin còn nhanh hơn cả ánh sáng, tôi vẫn viết thư tay cho bạn, không phải vì rảnh rỗi làm việc vô ích, chẳng qua muốn ôn lại chút tư niệm xa xưa với người bạn đã từng kề vai bên nhau suốt bao nhiêu năm tuổi trẻ. Nay tôi tình cờ về thăm trường cũ, hồi ức dạt dào trở về khiến tôi rất muốn cầm bút lên mà viết, viết cho Thư, viết để kể cho Thư nghe về ngôi trường cấp 3 mình đã từng học năm xưa ấy.

Chuyến tàu tốc hành lúc 4 rưỡi chiều gặp trục trặc nên đến nhầm bến. Ngồi bên trong tàu, nhìn ra bên ngoài tấm cửa kính trong suốt, một hàng chữ đập vào mắt tôi "trường THPT A", một dòng nước ấm áp chảy xẹt ngang đầu tôi, phải mất một lúc tôi mới nhận ra đây là ngôi trường cấp 3 tôi đã từng gắn bó rất nhiều. 20 năm xa quê, 20 năm tôi chưa một lần có dịp về thăm trường, Thư biết không, trường đã thay đổi nhiều quá

Công nghệ hiện đại thật sự đã biến ngôi trường này thành biểu tượng của thời đại mới, mới mẻ hơn, hiện đại hơn và dĩ nhiên cũng đẹp hơn rất nhiều. Nhìn từ xa, trường như một tòa lâu đài công nghệ. Chính giữa là tòa trung tâm, có lẽ là tụ điểm chính cho đầu não quản lí nhà trường, từ đó tỏa ra sáu tòa nhỏ, được kết nối với tòa trung tâm bằng một hành lang điện tử, mỗi tòa là mỗi khu riêng cho học sinh các khối chuyên. Bao quanh "tòa lâu đài" ấy là hồ nước rộng, bên trên là cầu thủy tinh bắc ngang. Tôi thầm cảm thán ai đã thiết kế ngôi trường, quả thật vừa tài năng, vừa có tầm nhìn. Hàng rào bao xung quanh trường không còn là tường bao vàng óng ngày nào nữa mà thay vào đó là tường vi tính. Mặt tường không ngừng hiện lên những khẩu hiệu, những tên học sinh, những cuộc thi đáng được vinh danh. Cổng trường cao lớn không phải là cánh cổng sắt với những vết hoen gỉ nữa mà hoàn toàn làm bằng chất liệu mới, bóng lóa và sạch sẽ, có lẽ là hợp kim cacbon, tôi cũng không rõ nữa

Tình yêu, lòng nhiệt thành thao thức tôi bước xuống tàu, ngôi trường tưởng quen mà lạ này cứ như hút tôi vào tìm hiểu nó. Thư biết không, bây giờ để vào trường, người ta chỉ cần xác minh tên tuổi bằng máy quét thẻ căn cước, nếu đủ điều kiện an toàn, cánh cổng trường sẽ tự động mở ra mà không cần người giám sát hay điều khiển. Bước vào sân trường, khung cảnh đẹp như mơ. Giữa sân trường là hồ nước, ở giữa là tượng chủ tịch Hồ chí Minh vĩ đại. Xung quanh sân trường là những hàng cây thẳng tắp và xanh mướt, được tỉa tót rất cẩn thận. Tôi may mắn gặp được một em học sinh đang đọc sách trên ghế đá góc sân trường, và được em ấy dẫn đi tham quan ngôi trường.

Đầu tiên, chúng tôi đến tòa nhà chính. Đây chính là khu hiệu bộ ngày xưa của chúng ta, có đầy đủ phòng hành chính, phòng chờ, phòng giáo vụ, và các phòng làm việc riêng của ban giám hiệu nhà trường. Mỗi phòng đều có hệ thống công nghệ tiên tiến nhất, vừa đẹp lại vừa hiện đại. Có lẽ là nơi làm việc của giáo viên nên chúng tôi không được vào sâu. Nhưng thôi, để tôi kể cho Thư nghe những dãy học. Mỗi dãy là một khối chuyên, gần nhất là khối chuyên Toán, chuyên Văn, chuyên Anh và chuyên Nga Pháp, sau đó là Lí, Hóa, Sinh, Tin, Sử, Địa ở vòng ngoài. Mỗi dãy nhà đều có các lớp học thường ngày và các phòng chức năng, phòng làm việc riêng của giáo viên trưởng chịu trách nhiệm cả khối chuyên. Bước đi trên hành lang bóng loáng đá hoa cương, trên nền đá như một tấm mà chiếu, còn chạy ngang dọc những dòng chữ, những lời nhắn gửi yêu thương. Mỗi tòa nhà lại được thiết kế theo đặc điểm khối chuyên của nó, chuyên Văn truyền thống, chuyên Toán trí tuệ, chuyên Anh cá tính,... thật sự rất thu hút. Tôi nán lại rất lâu tòa nhà khối chuyên Văn của chúng ta, ghé lại thăm lớp 12 Văn 1 của chúng ta ngày ấy. Bảng đen giờ thay bằng kĩ thuật số hiện đại, chỉ cần một nút bấm là hiện ra mọi thứ. Bàn học cũng trang bị đầy đủ, tiện lợi hơn. Tường lớp cũng được trang trí hoa văn kiểu cách như trở về với những năm tháng xa xưa của một thời đã cũ. Cuối lớp có cả tủ sách điện tử với đủ các loại sách hay.

Ngôi trường này, sân trường này, lớp học này, được bao nhiêu lần khi xưa chúng ta từng ngồi hàng giờ tưởng tượng ra khung cảnh như này của ngôi trường yêu dấu. Hôm nay, những giấc mơ của chúng ta đã thành hiện thực rồi, lòng tôi vừa vui vừa đọng chút buồn. Tôi không hiểu vì sao tôi buồn, nhưng có lẽ tôi vẫn nhớ ngôi trường cũ kia, nơi có bảng đen, có bàn gỗ chi chít vết bút, có những ngày nóng như đổ lửa vừa học vừa cầm chiếc quạt cầm tay, có những ngày cuối năm bịn rịn chia tay dưới bóng phượng đỏ rực. Có lẽ những ngày ấy không tốt, không hiện đại như bây giờ, nhưng nó đã mãi mãi ăn sâu vào máu thịt thôi, là phần kí ức mà không vàng bạc, không công nghệ nào thay thế được

Đọc thư tôi, Thư có thấy nhớ trường, có muốn về thăm trường không. Khi nào Thư về nước, chúng mình hẹn nhau một chuyến về thăm trường mình nhé, rủ thêm cả Hoa, cả Nhung nữa.

Nhớ và mong thư bạn!

Lan

Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.

* Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu về hoàn cảnh dẫn đến giấc mơ như thế nào, người thân được gặp lại trong mơ, thời gian xa cách, quan hệ và cảm xúc khi gặp lại người đó

2. Thân bài

a. Giới thiệu chung về người thân: 

- Lí do xa cách của em với người thân

- Người thân bây giờ ở đâu? Làm gì? Miêu tả lại khung cảnh cụ thể khi em gặp lại người thân

b. Kể lại giấc mơ

- Không gian, thời gian cuộc gặp gỡ trong mơ ấy.

- Ngoại hình của người thân khi gặp lại: Vóc dáng, quần áo, cử chỉ, nét mặt, động tác, lời nói…

- Người đó có cảm xúc gì khi gặp lại em? 

- Sự khác nhau khi gặp lại và lúc xa cách? (so sánh trước đây và bây giờ)

- Người đó đã dặn dò em điều gì? Em và người đó đã trò chuyện những gì, cảm xúc của em?

- Kể một số kỉ niệm đáng nhớ khi người thân vẫn ở gần em? Điều gì khiến em xúc động nhất

- Giấc mơ kết thúc khi nào, điều gì khiến em thức dậy?

- Tâm trạng của em sau khi thức dậy và nhớ về giấc mơ đó

3. Kết bài

Giấc mơ kết thúc, khi thức dậy và đối diện hiện thực, em nhận ra được điều gì? Em sẽ làm gì để thực hiện những lời nói trong giấc mơ ấy?

* Bài mẫu:

“Lạ quá, mình đang ở đâu thế này?” Vừa nghĩ tôi vừa đưa mắt nhìn ngắm xung quanh gian nhà mình đang đứng rồi khu vườn phía trước mặt. Ngôi nhà đem lại cho tôi cảm giác vừa quen vừa lạ, cảm giác như mình đã nhìn thấy ở đâu đó. Bất chợt tôi nhìn thấy bóng dáng ai đang lúi húi dọn cỏ ngoài vườn. Ôi, hình như tôi vừa nhìn thấy ông ngoại tôi – người ông thân thương đã khuất của tôi từ rất nhiều năm về trước

Nhìn thật kỹ tôi chợt phát hiện ra mình đang đứng trong căn nhà của ông bà trước đây khi mình còn rất nhỏ khoảng một, hai tuổi. Tài nào tôi thấy lạ bởi lẽ khi ấy tôi vẫn còn bé không nhớ rằng mình đã từng được đến đây bởi sau đó ông bà có chuyển đến nơi khác sống đồng thời cũng thấy quen bởi khung cảnh này chính là bức ảnh bà chụp cùng ông để nơi đầu giường mỗi khi tôi đến nhà bà chơi. Tôi không may mắn như những đứa trẻ khác được chơi đùa cùng ông ngoại của mình khi còn nhỏ vì từ khi tôi bắt đầu có thể ghi nhớ được mọi thứ thì mẹ đã bảo ông mất rồi. Tôi nghe những câu chuyện về ông ngoại qua lời kể của mẹ và bà. Tôi chỉ biết mặt ông qua những bức ảnh chụp mà bà và mẹ vẫn còn hay giữ. Bởi vậy, lúc này đây khi được gặp mặt ông trực tiếp tôi vừa lo lại vừa mừng rỡ, xúc động không nói thành lời. Liệu ông còn nhớ tôi không, có biết tôi là ai không hay là đã quên tôi rồi? Nghĩ vậy, tôi cất giọng run run:

- Ông ơi, ông ơi...

Ông ngoại quay lưng lại nhìn tôi. Khuôn mặt ông phúc hậu. Đôi mắt ông hiền từ nhìn tôi, hai bên khóe mắt hằn sâu những nếp nhăn và những vết đồi mồi. Mái tóc ông đã điểm bạc. Giống như những bức ảnh tôi vẫn hay được mẹ cho xem, ông lúc nào cũng đeo một chiếc kính lão. Ông ngắm tôi một lúc như để nhớ ra là ai, sau đó như có chút phân vân ông cất giọng đáp:

- Nhung…Nhung đấy à? Cháu ngoại đấy phải không?

- Dạ vâng, cháu đây. – Giọng tôi nghẹn ngào.

Ôi,ông của tôi, ông vẫn còn nhớ tôi dù khi ấy tôi vẫn còn là một đứa bé mà giờ đây đã khác xưa nhiều. Ông bước lại gần. Đôi mắt ông rưng rưng như xúc động muốn khóc. Đôi bàn tay của ông xoa nhẹ lên khuôn mặt tôi và ông nói:

- Ôi, cháu gái của tôi lớn quá. Mới ngày nào ông gặp cháu còn bé tí, nói còn chưa sõi, đi còn để anh dắt kẻo ngã. Mà giờ đã lớn thế này rồi, giống mẹ cháu quá…Ông muốn bên cháu lâu hơn mà chẳng được, chỉ có lúc nhỏ nhìn thấy mà lại chẳng thể ngắm nhìn cháu lớn lên…

Nghe ông nói vậy, tôi như vỡ òa ra, chỉ biết ôm lấy ông mà khóc. Những giọt nước mắt của niềm vui và niềm xúc động cứ tuôn dài trên khuôn mặt tôi. Vừa khóc tôi vừa nói với ông, tôi nhớ ông rất nhiều, rất muốn gặp ông nhưng lại không thể, rằng tôi đã từng ghen tị với chúng bạn như thế nào khi chúng nó được về quê chơi cùng ông ngoại mỗi dịp nghỉ hè còn tôi đến khuôn mặt của ông cũng không nhớ rõ. Ông không nói gì chỉ dịu dàng ôm tôi vào lòng, vuốt ve đi hết những tủi hờn trẻ con trong tôi. Ông nói rằng ông biết điều đó, rằng ông cũng yêu tôi rất nhiều và muốn gặp tôi lắm. Ông kể rằng ông đã từng mong ước có một đứa cháu gái để bồng bế trên tay, muốn dắt nó đi chơi khắp nơi trong làng trong xóm vậy mà đến cuối cùng lại chẳng kịp nhìn thấy nó trưởng thành. Tôi như muốn ôm ông thật lâu, bù lại cho những tháng năm không được ở bên ông. Sau đó, ông dắt tôi đi thăm khu vườn mà ông đã tự tay mình chăm sóc. Bà luôn kể với tôi rằng ông ngoại khéo tay lắm, trồng cây gì cây nấy đều tươi tốt, xum xuê nên ngày xưa cây trái trong nhà có đều do ông ngoại tự một mình trồng trọt, tưới tiêu. Ông chỉ cho tôi từng loại cây một, kể rằng ông trồng nó ra làm sao, chăm sóc như thế nào để nó có thể ra trái ngon được. Tôi say sưa nghe ông kể, sau đó thì kể cho ông nghe chuyện gia đình, trường lớp. Được đi cùng ông trong khu vườn nhỏ tôi cảm tưởng dòng thời gian như ngừng chảy, mọi vật như đứng im chỉ còn ông và tôi trò chuyện về mọi thứ. Thế rồi, chẳng mấy chốc đã hết một buổi chiều. Tôi và ông cùng nhau ngồi trên chiếc võng nhỏ mắc trong vườn. Ông ngoại nhẹ nhàng nói:

- Hôm nay ông vui lắm. Ông lúc nào cũng suy nghĩ vì không được gặp cháu mà giờ đây đã toại nguyện. Cháu gái của ông càng lớn càng xinh. Ông luôn mong cháu học tập thật tốt để đỡ đần bà và cha mẹ sau này. Hãy luôn nhớ rằng, dù có chuyện gì xảy ra, ông vẫn luôn ở bên cháu nhé! – vừa nói ông vừa chỉ vào nơi trái tim tôi.

- Cháu yêu ông nhiều lắm!

Bỗng dưng tôi nghe đâu đây loáng thoáng tiếng gọi của mẹ: “Dậy đi con, sáng rồi. Kẻo chốc nữa muộn học bây giờ!” Tôi bỗng choàng tỉnh giấc, thì ra mọi thứ chỉ là giấc mơ nhưng sao tôi lại thấy nó thật đến vậy. Tôi có chút hụt hẫng trong lòng nhưng lại tự nhủ bản thân sẽ luôn nhớ mãi lời của ông dặn dò. Dù ông đã đi xa nhưng trong lòng tôi tin rằng ông vẫn mãi dõi theo bước đường tôi đi bởi ông luôn sống trong trái tim của tôi mà

Đề 3: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.

* Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu về trận chiến em muốn kể, hoàn cảnh mà em được học, nghe hoặc tận mắt chứng kiến. 

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh lịch sử: Không gian, thời gian.

b. Diễn biến : 

- Người chỉ huy, lực lượng chiến đấu

- Những sách lược được vận dụng trong cuộc chiến.

- Em thích nhất điểm nào của trận chiến

- Tại sao em lại kể về trận chiến này?

- Kết quả trận chiến đó : Bên nào chiến thắng, những chiến công lẫy lừng nào, có để lại hậu quả gì? 

- Ý nghĩa lịch sử của trận chiến

- Bài học gửi gắm qua trận chiến

3. Kết bài 

Cảm nghĩ về trận chiến, rút ra nhận xét, khẳng định giá trị của trận chiến.

* Bài mẫu:

Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược có thật trong lịch sử Việt Nam. Giúp đánh đuổi được giặc Thanh xâm lược nước ta lúc bấy giờ. Đồng thời, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu, tức năm 1789 sau Công Nguyên. Năm đó, khi quân Thanh xâm lược bờ cõi nước ta. Thương cho cuộc sống khổ sở của dân ta, và phẫn nộ triều đình nhà Lê thối nát. Nguyễn Huệ đã dựng cờ khởi nghĩa, chống lại quân xâm lược. Mồng 5, năm Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ đã duyệt binh và thần tốc mang quân đi chống giặc. Dẫn đầu đoàn quân là một trăm thớt voi khoẻ mạnh. Khi đoàn quân của Nguyễn Huệ tiếp cận quân thù. Đoàn ngựa thấy voi thì kinh sợ, liền rút lui bỏ chạy. Giặc vẫn chưa từ bỏ ý định, tiếp tục cắm trại, xây thành lũy ở phía xa.

Tiếp vào giờ Ngọ cùng ngày, đại quân Nguyễn Huệ lại bắn hoả tiễn, hoả châu vào trại địch. Đồng thời, dùng rạ bó to lăn tiên phong để tiến đánh. Quân ta khí thế hừng hực, tướng lính một lòng giết quân thù. Khí thế sục sôi, quân Nguyễn Huệ đánh đâu thắng đó. Quân Thanh tan tác, tử thương rất nhiều. Các trại của quân Thanh hầu như đều tan vỡ.

Lúc ấy, đề đốc của quân Thanh là Hứa Thế Thanh liền bảo lính mang triệu ấn đi. Sau đó, Hứa Thế Thanh quyết chiến rồi tử trận. Mất đi đề đốc, quân Thanh càng đánh càng thua. Quân ta bao vây giặc thành từng đoàn nhỏ để đánh. Sau khi mất liên hệ với đề đốc, thống soái quân Thanh là Tôn Sĩ Nghị truyền lệnh cho Phó tướng Khánh Thành và Đức Khắc Tinh mang ba trăm quân giải vây tháo chạy về phía bắc. Sau khi tàn quân của Tôn Sĩ Nghị tháo chạy tới bờ sông, thì tại đây quân tiếp ứng cho hắn. Đây chính là đoàn binh tiếp ứng được tổng binh Thượng Duy Thanh mang đến khi nhận triệu ấn mà Hứa Thế Thanh trước khi chết sai lính mang đi.

Tổng binh Lý Hoá Long nhận lệnh mang quân sang cầu để tiếp ứng tàn quân qua sông. Tuy nhiên, khi đến giữa cầu, ngựa của Lý Hoá Long trượt chân rơi xuống sông mà chết. Mất tướng lĩnh, quân Thanh trở nên sợ hãi. Lúc này, Thống soái Tôn Sĩ Nghị liền ra quân lệnh bắn súng sát thương quân truy kích của Nguyễn Huệ để yểm hộ. Còn riêng Tôn Sĩ Nghị, hắn mang quân lui về bờ bắc, rồi chặt đứt cầu. Toàn quân giặc rút về sông Thị Cầu.

Quân Thanh ở phía nam thấy cầu đã bị chặt, liền biết không có đường lui. Tàn quân tiến đánh thành Lê. Tất cả các tướng lĩnh quan trọng đều tử trận tại đây. Tri Châu Điền Châu Sầm Nghi Đống cùng quân lính cũng tự tử trong thành vì không có cứu viện. Vua An Nam lúc bấy giờ là Lê Duy Kỳ thấy binh thua, cũng bỏ chạy, từ đó, nhà Lê cũng biến mất.

Nguyễn Huệ cùng đại binh vào thành. Đề đốc quân Thanh là Ô Đại kinh mang quân xuất phát vào ngày 20/11/1788, đến 21/12/1788 thì vào Tuyên Quang. Nhưng khi thấy cầu bị chặt đứt ở sông Phú Lương, và thấy bốn bề chiến hoá, liền rút quân về nước. Quận Thanh không còn cứu viện nào khác. Cuộc chiến vẫn tiếp tục, và phần thắng đã thuộc về quân Nguyễn Huệ. Sau này, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, là vị vua thứ hai của triều Tây Sơn.

Cuộc chiến này đã mang đến cho tôi ấn tượng sâu đậm. Đồng thời, Nguyễn Huệ trước quân Thanh xâm lược đã mang đến cho ta một bài học lịch sử sâu sắc. Từ cuộc chiến đánh trên, ta có thể thấy được, chiến thắng sẽ thuộc về chính nghĩa. Và dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Sự đoàn kết và tinh thần anh dũng của dân tộc Việt Nam ta đã làm nên nhiều chiến thắng oanh liệt trong lịch sử thế giới.

Đề 4: Đã có lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm đáng nhớ đó.

* Dàn ý

1. Mở bài 

Giới thiệu hoàn cảnh diễn ra chuyến thăm: không gian, thời gian, sự vật, cảm xúc của em.

2. Thân bài :

- Giải thích ý nghĩa từ “tảo mộ” : Thăm viếng, dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ tổ tiên, ông bà, người thân trong sáng ngày cuối năm trước khi vào Tết Nguyên đán.

- Kể lại ngày đi tảo mộ:

    + Chuẩn bị: Đồ đạc ở nhà, thời gian xuất phát, người đi cùng em là những ai?

    + Trên đường đi: Không khí trời mùa xuân, thời tiết: mưa phùn lạnh. Cảm xúc của em trước không gian đó? Cảm nhận qua các giác quan: thị giác, khứu giác, xúc giác...

    + Đến nghĩa trang : Bước đến phần mộ người thân. Thái độ, không khí nghiêm trang, bước đi nhẹ nhàng. Mọi người nhanh tay bắt đầu công việc quét dọn, chuẩn bị đồ lễ (thắp hương, cắm hoa, bày hoa quả...), khấn vái thành tâm.

    + Trở về: Cảm nhận của em khi trở về, suy nghĩ (Hạnh phúc, vui vẻ, cảm thấy mình đã một phần trưởng thành)

3. Kết bài 

Khẳng định tầm quan trọng của lễ tảo mộ, là một phong tục đáng được giữ gìn để nhớ về tổ tiên trong văn hóa Việt. Cảm xúc và bài học của bản thân.

* Bài mẫu:

Một trong những truyền thống tốt đẹp luôn được lưu truyền và phát huy đến ngày nay của dân tộc ta đó là truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”. Một trong những biểu hiện rất tiêu biểu trong đời sống hiện nay cho truyền thống ấy đó chính là lễ tảo mộ vào dịp lễ tết. Đó là thời gian để con cháu, người thân, nhớ đến những người đã khuất và chăm sóc phần mộ của tổ tiên để thể hiện sự tưởng nhớ. Vào dịp tết năm nay, tôi đã thấm đẫm tinh thần ấy khi theo ba mẹ về quê thăm mộ.

Đó là một buổi sáng mùa xuân ấm áp với gió và nắng vờn mây trên bầu trời cao và xanh. Con đường làng rải đầy vị tết dẫn chúng tôi đến với khu nghĩa trang làng. Vì là gia đình có truyền thống lâu đời ở làng nên nhà tôi có hẳn một khu riêng ở nơi đây dành cho tổ tiên dòng họ. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nhìn ngắm tất cả những ngôi mộ của cha ông mình gần gũi đến thế. Ba bảo tôi cúi xuống cùng nhổ đi những đám cỏ rêu phong mọc dưới chân mộ, lau đi những lớp bụi đậu trên thành mộ, tôi làm theo và thấy hình ảnh của ông bà tôi như đang cười với tôi thân mật, hiền từ như ngày còn sống. Mẹ bày hoa và đồ cúng lên những ngôi mộ to, có lẽ đó là mộ của những người quan trọng, ngôi mộ nhỏ hơn, mẹ cũng cắm những đóa hoa cúc cho thêm phần tươi sắc. Xong xuôi phần chuẩn bị, ba mẹ đều đốt những thẻ hương, mẹ đưa cho tôi một thẻ, cắm vào mỗi ngôi mộ lớn nhỏ ba thẻ rồi bắt đầu khấn. Trước đây vì đã theo mẹ nhiều lần đi chùa nên tôi cũng biết mình cần làm gì trong trường hợp này. Tôi hướng về ngôi mộ chính, lúc đầu những muốn cầu nguyện cho thành tích học tập được tốt nhưng vừa định cầu nguyện, tôi lại thay đổi suy nghĩ, tôi cầu cho gia đình mình được khỏe mạnh, những vong linh họ hàng được siêu thoát. Cầu nguyện xong, tôi đưa nhang cho mẹ, để mẹ đặt vào bát hương trên mộ. Hương khói bay nghi ngút mang theo những lời cầu nguyện lên làm thơm không khí xuân ngào ngạt. Tôi chợt cảm thấy không gian mình có chút huyền ảo nhưng đậm chất thiêng liêng. Nhìn xung quanh, tôi thấy cũng có nhiều người giống gia đình tôi, đi thăm ngôi mộ của ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những người thân đã khuất. Quả thực điều ấy khiến trong lòng tôi có một chút lâng lâng xúc động mơ hồ, và tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du:

“Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

Thật là những câu thơ hay và ý nghĩa như là một lời khẳng định về truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Tôi nhìn sang ba mẹ mình, thấy hai người nhìn tấm ảnh của ông bà mà đôi mắt như sắp khóc, tôi cũng thấy sống mũi mình cay cay, tôi nhớ những ngày ông bà còn sống, đã yêu thương, chiều chuộng tôi hết mực và tôi lúc nào cũng yêu thương và kính trọng ông bà. Trời hơi trưa, tôi cũng ba mẹ ra về, không quên chắp tay khấn trước mộ tổ tiên thêm một lần để tỏ lòng thành kính của mình. Khi đi ra khỏi cổng nghĩa trang, tôi còn quay đầu lại nhìn mãi như cố ghi dấu một trong những kỉ niệm đẹp nhất của mình về quê cha đất tổ.

Buổi đi thăm mộ ấy đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng sâu sắc, tôi không chỉ hiểu hơn truyền thống của dân tộc mình mà còn thấy yêu quê hương hơn, yêu đất nước hơn.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 ngắn gọn, hay khác:

Soạn bài Thuý Kiều báo ân báo oán

Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn

Soạn bài Chương trình địa phương (phần Văn)

1 695 10/03/2022
Tải về