Soạn bài Viết bài tập làm văn số 1: Nghị luận xã hội hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài tập làm văn số 1: Nghị luận xã hội Ngữ văn lớp 12 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài tập làm văn số 1: Nghị luận xã hội để chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

1 1,276 23/02/2022
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 1: Nghị luận xã hội - Ngữ văn 12

Đề 1 (trang 35 SGK Ngữ văn 12 Tập 1): Tình thương là hạnh phúc của con người.

Dàn ý

A. Mở bài.

Theo như ngạn ngữ Nga đã từng nói “nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương”, bởi vậy qua câu nói này chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa to lớn mà tình thương đem lại cho cuộc sống của chúng ta, nó để lại cho chúng ta nhiều bài học có giá trị, bên cạnh đó, tình thương đó cũng chính là hạnh phúc của mỗi con người.

B. Thân Bài:

- Giải thích: tình thương, hạnh phúc:

+ Tình thương đó là sự rung động, biết khổ đau, đồng cảm và có những chia sẻ đối với mọi người xung quanh, hay đó chính là những sự cảm thông sâu sắc, biết khổ đau và thấu hiểu được nỗi khổ của mọi người, biết thương những mảnh đời bất hạnh, biết lắng nghe, và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

+ Hạnh phúc đó là cung bậc cảm xúc của mỗi người, đây là cung bậc thể hiện niềm vui, hạnh phúc và qua đó thể hiện nỗi lòng và sự sung sướng khi làm được một điều gì đó có ý nghĩa.

- Giải thích tại sao tình thương lại đi liền với hạnh phúc.

+ Những người có tình thương là những người luôn biết chia sẻ, thấu hiểu và coi trọng mọi người xung quanh.

+ Chứng minh được ý nghĩa và câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn, trong cuộc sống đã có rất nhiều người luôn mong muốn giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn, để từ đó họ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.

+ Sống trong xã hội không phải chỉ sống vì bản thân mình, mà cần phải biết thấu hiểu và cần có sự chủ động mạnh mẽ trong việc biết thể hiện cảm xúc, những tình yêu thương và quý mến đối với mọi người xung quanh.

+ Chia sẻ và đồng cảm cho những người nghèo khổ, hay những người đang lâm vào hoàn cảnh đang vô cùng khó khăn.

- Ý nghĩa của tình thương là gì?

+ Tình thương giúp cho đời sống tinh thần của họ giàu có hơn, cuộc sóng của họ được ngập tràn tình cảm, sự yêu quý và kính trọng của tất cả mọi người.

+ Để có được hạnh phúc, mỗi chúng ta cần phải làm những điều có ý nghĩa cho xã hội, đó là những việc làm có ích, nó đem lại những bài học quý giá, bởi con người không thể sống mà tách rời với xã hội được.

+ Lấy dẫn chứng những bài học trong cuộc sống, tình thương giúp cho những người nghèo khổ có được chỗ dựa vững chắc để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, nhưng qua đó tình thương còn làm ấm lên trái tim biết yêu của mỗi người.

+ Từ những tình cảm chân thành đó, tình yêu thương nồng cháy đó, con người biết sống là chính mình, biết rung động, thấu hiểu và yêu thương mọi người xung quanh.

+ Từ những việc làm có ích đó họ thấy được cuộc sống này tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và tình thương của họ cũng làm cho đời sống tinh thần của họ được ngập tràn niềm vui, và nhận được những tình cảm quý báu từ mọi người xung quanh.

C. Kết Luận

- Khẳng định lại vai trò, và tầm quan trọng của tình thương, ý nghĩa của nó đối với mỗi con người.

- Khẳng định câu nói trên là đúng đắn

Bài mẫu tham khảo

Trong cuộc sống chúng ta ít nhiều từ khi nằm nôi đến khi trưởng thành đã từng nghe đến hai tiếng tình thương. Thế nhưng tột cùng của nó là gì thì mấy ai có thể định nghĩa trọn vẹn được. Bàn về tình thương có ý kiến cho rằng “Tình thương là hạnh phúc của con người”. Vậy bạn hiểu thế nào về ý kiến này?

Tình thương là một khái niệm chỉ một thứ tình cảm vô cùng đẹp đẽ của con người cả về hành động lẫn tâm hồn. Luôn yêu thương và đùm bọc nhau một cách chan hòa và thắm thiết. Còn hạnh phúc là gì? Đây là một cảm giác sung sướng tột cùng của mỗi người khi hoàn thành một tâm nguyện bản thân. Câu nói “tình thương là hạnh phúc của con người” chính là cách nói nhấn mạnh đến sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống. Chính sự yêu thương đùm bọc sẽ giúp con người sẽ trở nên tốt đẹp và sống có ý nghĩa hơn.

Tình thương ở đây có rất nhiều cách thể hiện và tồn tại ở trong rất nhiều các mối quan hệ. Con người sinh ra ai cũng có sẵn cho mình một bản năng yêu thương và tinh thần đồng loại. Đó là sự chăm sóc nâng niu yêu thương của cha mẹ dành cho các con, sự đùm bọc sẻ chia của chị em trong một gia đình. Rộng hơn nữa nó là sự cưu mang của dòng tộc họ hàng….Tình yêu thương đó chính là những dòng suối mát lành để vun đắp tâm hồn con người và nuôi dưỡng nó tỏa hương trong cuộc sống.

Không chỉ tình thương sự đùm bọc trong gia đình, giữa những người có quan hệ máu mủ ruột thịt mà nó còn là tình yêu thương giữa con người với nhau trong cộng đồng xã hội. Chắc hẳn sẽ chẳng ai có thể dửng dưng trước nỗi đau của đồng bào miền Trung trong những lần bão lũ. Những cụ già neo đơn, những trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa…. Và tất nhiên để góp phần xoa dịu những nỗi đau đó con người sẵn sàng ủng hộ bằng tấm lòng vàng của mình để giúp những con người bất hạnh vượt qua khó khăn. Ta có thể tìm thấy rất nhiều những tổ chức trong xã hội như: hiến máu nhân đạo, nối vòng tay lớn, trẻ em làng SOS…. Đó chính là một biểu hiện vĩ đại nhất cho tình yêu thương trong xã hội hiện đại.

Có một thi nhân nào đó đã từng nói rằng “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cuộc sống bao giờ cũng cần những tình yêu thương sự đùm bọc chia sẻ giữa người và người. Nếu không có tình thương thì con người chẳng khác gì loài thú vật. Chúng ta hơn chúng vì chúng ta có khối óc và có trái tim đầy lửa yêu thương. Nếu không có tình thương chắc hẳn sẽ không đủ sức để thức tỉnh con thú khát máu trong người Chí Phèo. Hắn sẽ không thể biết được thế nào là ham muốn lương thiện. Và nếu không có tình thương thì làm sao có được chú bé Hồng ấm áp và mạnh mẽ đến vậy? Nhưng cũng chính sự thiếu thốn tình thương, sự ghẻ lạnh đó đã giết chết Chí trong định kiến của xã hội. Và một lần nữa nó lại khiến chú bé Hồng tổn thương trước những định kiến cay nghiệt của bà cô….

Thế mới thấy được sức mạnh to lớn của tình thương nó đủ sức để kéo con người khỏi tội lỗi nhưng cũng khiến cho con người phải chìm trong đau khổ. Hạnh phúc với mỗi người có thể khác nhau. Có người tìm thấy hạnh phúc khi có thật nhiều tiền, khi được đứng trên vạn người… Nhưng không có hạnh phúc nào khi ta được sống trong tình yêu thương. Được quan tâm, hỏi han và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.

Không chỉ nhận được tình yêu thương mới là hạnh phúc mà cho đi yêu thương cũng là cách để con người nhận về gấp bội. Cuộc sống không đơn giản chỉ là nhận lại mà nó còn là cho đi. Cho đi đó không phải sẽ nhận về tiền bạc hay vật chất mà là nụ cười, sự mãn nguyện và thanh thản xuất phát từ tận tâm hồn.

Bên cạnh đó nó còn phê phán mạnh mẽ những con người vô cảm trong xã hội. Họ sống dửng dưng và thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại. Đối với họ sự sống chết hay đau thương của nhân loại cũng chẳng khiến họ rung động. Và chính những con người đó họ đang tự giết chết mình trong sự thờ ơ vô cảm.

Con người chúng ta sinh ra ai cũng có cho mình một bản năng yêu thương. Vì thế hãy mở rộng lòng mình để đón nhận những điều tuyệt vời nhất. Tình yêu thương chưa bao giờ là thừa trong xã hội này. Nhất là khi cuộc sống phát triển con người ngày càng bị cuốn vào những thú vui khác, tình yêu thương chính là cội nguồn cứu vớt chúng ta khỏi những bất hạnh trong cuộc sống.

Đề 2 (trang 35 SGK Ngữ văn 12 Tập 1):Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động. Ý kiến trên của M.Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân.

Dàn ý:

1. Mở bài:

– “Đức hạnh” là phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tình cảm, tâm hồn của con người. Một người có đức hạnh là người hội đủ nhiều phẩm chất cao quý của con người và thời đại.
– “Đức hạnh” chỉ được thể hiện thông qua hành động. Không hành động đức hạnh không có cơ hội lộ diện và phát huy sức mạnh.

2. Thân bài:

- Trong mối quan hệ với hành động, đức hạnh là cội nguồn tạo ra hành động. Ngược lại, hành động là biểu hiện cụ thể của đức hạnh.

– Để hành động, con người ta cần biết vì sao mình hành động, cách thức hành động và mục đích hành động của con người đều do đức hạnh chi phối. Chẳng hạn, một cụ già hoặc một em bé bị ngã, ta giúp nâng dậy bởi “đức hạnh” bảo ta rằng đó là những con người yếu đuối cần giúp đỡ. Hành động trợ giúp ấy là hành động tốt, đáng làm. Hay khi nhìn thấy một tên cướp đang cướp tài sản của một ai đó, chúng ta cần phải hành động (như tấn công bắt giữ tên cướp, gọi điện báo cho công an,...) vì hành vi cướp bóc là trái đạo lí, vi phạm pháp luật.

– Đức hạnh bẩm sinh vốn có trong con người. Nhưng nếu không có ý thức duy trì, tu dưỡng thì đức hạnh sẽ sớm bị mai một, cái xấu, cái ác sẽ có cơ hội xâm lấn. .
– Con người có thể vun đắp đức hạnh bằng cách noi theo những gương tốt của ông bà tiên tổ qua sách báo (chẳng hạn truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, truyền thống nhân ái,...), học đức hạnh trong đời sống thường nhật, trong quan hệ ứng xử văn hoá với bạn bè. Tri thức con người càng phát triển thì đạo đức của con người cũng phát triển tương ứng. Đức hạnh đòi hỏi sự cân đối về mọi mặt trong đời sống tâm hồn, nếu phát triển lệch lạc thì những tri thức, những thành tựu khoa học tự nhiên có được có thể trở thành mối hiểm nguy đe doạ chính sự sống của con người (việc tìm ra nguyên tử chẳng hạn).

- Mọi biểu hiện của đức hạnh đều được thông qua con đường hành động. Chỉ có hành động mới mang lại giá trị đích thực cho con người. Nói cách khác, thước đo đức hạnh của con người là hành động. Do vậy, việc tu dưỡng bản thân cần phải có sự điều chỉnh phù hợp giữa trau dồi đức hạnh và hành động. Học phải đi đôi với hành. Lí thuyết phải kết hợp với thực tiễn.

- Đức hạnh của con người chỉ trở thành đức hạnh thực sự khi được kiểm chứng qua hành động. Trên ghế nhà trường, học sinh được truyền dạy những kinh nghiệm sống từ ngàn đời của cha ông, nhân loại. Mục đích của việc giáo dục là đào tạo ra những con người hội đủ mọi mặt của đức hạnh. Nhưng quan trọng hơn là khi ra đời, học sinh phải biết hành động đúng với lương tri, đạo đức,... Đây chính là điều quan trọng.
3. Kết bài:

- Nhấn mạnh đến vai trò của hành động, nhà triết học Hi Lạp cổ đại không hề có ý phủ nhận nền tảng của hành động là đức hạnh.

- Đức hạnh cần được phải trau dồi bền bỉ qua thời gian. Mỗi chặng đường của nó đều được kiểm định trong hành động. Hành động là con đường đi đến mọi kết quả cuối cùng của đức hạnh, của lẽ sống con người.

Đề 3 (trang 35 SGK Ngữ văn 12 Tập 1): Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Dàn ý:

1. Mở bài:

- Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích và mục đích đúng đắn của việc học.

- Mỗi thời đại, con người có mục đích học tập không giống nhau. Tổ chức UNESCO đã đề xướng... nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.

2. Thân bài:

a. Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO:

- Học để biết:

+ Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống "trường đời".

+ "Học để biết" là mục đích đầu tiên của việc học. "Biết" là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống...

+ Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc...

+ Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, "biết người", "biết mình", biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho "Đắc nhân tâm"...

- Học để làm:

+ "Học để làm" là mục đích tiếp theo của việc học. "Làm" là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – "Học đi đôi với hành".

+ Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội

+ Ví dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ... đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.

+ Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.

- Học để chung sống:

+ Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. "Chung sống" là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử... để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc "biết", "làm".

+ Bởi lẽ, "con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội". Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.

- Học để tự khẳng định mình:

+ Là mục đích sau cùng của việc học. "Tự khẳng định mình" là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.

+ Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất...

b. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

- Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.

- Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.

- Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách; kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp; có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa...

c. Bài học về nhận thức và hành động của bản thân:

- Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy "làm người"...

- Mục đích học tập này giúp người học:

+ Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập.

+ Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.

+ Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.

3. Kết bài:

- Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.

- Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?

Bài mẫu tham khảo

Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức học tập đúng đắn và chưa biết được mục đích đúng đắn của việc học. Học tập đang là vấn đề được quan tâm toàn xã hội. UNESCO là một tổ chức giáo dục – Khoa học – văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.

Học để làm gì? Theo như mục đích về việc học tập mà UNESCO đề xướng thì mục đích đầu tiên chính là “học để biết”. Học để biết được về đời sống xã hội, tự nhiên và con người, nhờ học mà con người chúng ta mới biết được những điều thú vị trong cuộc sống, những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Hằng ngày đi học, chúng ta nhận tri thức từ những lần nghe giảng của thầy cô hay từ sách vở nhưng đó chỉ là một phần kiến thức nhỏ mà chúng ta nhận được, muốn có kiến thức sâu rộng hơn chúng ta nên tìm hiểu, đào sâu những cuốn sách hay, đầy bổ ích. Hay tra trên mạng những điều thú vị xoay quanh chúng ta. Học là quá trình con người lĩnh hội kiến thức về Khoa học, kĩ thuật, xã hội, văn hóa và nhất là học để con người học cách chung sống với cộng đồng. “Học để biết” là quá trình con người tiếp nhận tri thức để mở mang tầm hiểu biết của mình.

Mục đích thứ hai mà UNESCO đã đề xướng đó chính là “học để làm”. Có câu “học đi đôi với hành”. Con người ta áp dụng những lí thuyết đã học vào trong cuộc sống hằng ngày, học lí thuyết chúng ta nên áp dụng để học thực hành.

“Làm” để tạo ra những giá trị vật chất cần thiết cho bản thân mình, cho đời sống xã hội. Học còn giúp chúng ta tìm được công ăn việc làm tốt sau này khi ra trường. Học mà không làm thì kiến thức mà mình đang nắm trong tay cũng như là bỏ đi.

“Học để chung sống” là mục đích thứ tiếp theo trong học tập. Đây cũng là mục đích quan trọng nhất. Học để có khả năng hòa nhập vào xã hội, có kĩ năng giao tiếp, ứng xử,… Học để thích nghi với mọi môi trường xung quanh, không để mình bị lạc hậu giữa mọi người xung quanh.

Và cuối cùng là: “học để tự khẳng định mình”. Học để tạo được vị trí đứng tốt nhất cho mình, thể hiện được sự tồn tại mình trong cuộc đời. Ai ai cũng có thể khẳng định khi chúng ta có kiến thức, có hiểu biết, có năng lực, có khả năng chung sống. Từ việc học chúng ta có thể khẳng định khả năng lao động, sáng tạo và khẳng định khả năng nhân cách, phẩm chất,…

Mục đích về việc học tập do UNESCO đề xướng ra rất có ích cho mỗi chúng ta. Từ các học sinh, sinh viên đều có thể tuân thủ theo mục đích đó mà có thể học tập đúng đắn hơn.

“Cái rễ của học hành thì cay đắng

nhưng quả của nó thì ngọt ngào.”

Khi chúng ta học tất nhiên sẽ cảm thấy khổ sở, mệt mỏi hay chán nản nhưng khi học tập chăm chỉ chúng ta sẽ nhận được những kết quả học tập tốt nhờ sự chăm chỉ học tập của mình.

Nhưng cũng vì thế mà có rất nhiều không chịu lo học, lười biếng, không coi việc học ra gì, chỉ biết ăn chơi. Cũng có không ít một số người nghĩ rằng “mình chỉ học cho bố mẹ vui lòng”. Nhưng họ đâu biết rằng, học chính là học cho mình, học để sau này mình có một công việc tốt hơn. Thay vì ngồi trong văn phòng máy lạnh làm việc còn hơn là làm công nhân, trời thì năng ngóng cũng phải làm việc.

Để học tốt thì chúng ta nên xác định được rõ mục tiêu của việc học. Học là để cho bản thân mình, phát huy được khả năng của mình sẽ thành công và đạt được những ước mơ mà mình muốn. Phải xác định được mục tiêu học tập đúng đắn.

Hiện nay có nhiều không coi việc học là điều cần thiết. Học chỉ vì bằng cấp, vì thành tích, học không có khả năng làm, không biết chung sống, không biết khẳng định mình. Nguyên nhân dẫn đến là có học, có bằng cấp nhưng ứng xử thì vụng về, lối sống không văn hóa.

Hoc – Học nữa – Học mãi, học giúp chúng ta không bị lạc hậu, học để khẳng định mình, học để khẳng định sự thành công của bản thân. Là một học sinh thì em sẽ có cố gắng học tập thật chăm chỉ, học đúng cách, đúng với mục đích. Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Tuyên ngôn độc lập (tiếp theo) – Phần 2: Tác phẩm

Giữ gìn sự trong sáng cho Tiếng Việt (tiếp theo)

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc

Đọc thêm: Mấy ý nghĩa về thơ (trích)

Đọc thêm: Đô-xtôi-ép-xki (trích)

1 1,276 23/02/2022
Tải về