Soạn bài Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học Ngữ văn lớp 12 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học để chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

1 517 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học - Ngữ văn 12

A. Soạn bài Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học ngắn gọn:

Đề 1 (trang 68 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2): 

Trong truyện Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi có quan niệm: Chuyện gia đình cũng dài như dòng sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, “mà biển thì rộng lắm [...], rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.

Anh (chị) có cho rằng, trong thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau: chị em Chiến, Việt?

Dàn ý

- Giới thiệu truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và trích dẫn quan niệm: “Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc....”

- Dòng sông truyền thống chảy liên tục từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha cho đến lớp người đi sau: chị em Chiến, Việt là dòng sông truyền thống gì? ( yêu gia đình, yêu nước...)

- Truyền thống ấy đã được thể hiện như thế nào ở thế hệ tổ tiên, cha anh của gia đình ấy? (cha mẹ Việt chiến đấu, tình yêu thương chồng con của mẹ Việt,...)

- Truyền thống ấy đã được thể hiện như thế nào ở thế hệ người đi sau: chị em Chiến, Việt (lo toan việc gia đình, xung phong đi chiến đấu, chiến đấu dũng cảm,...)

- Truyền thống gia đình được thể hiện trong tác phẩm có phải đã phản ánh truyền thống gia đình quý báu của người Việt Nam ta?

Bài làm tham khảo

Trong vô sống những tình cảm tồn tại trên đời có lẽ tình cảm gia đình chính là thứ đáng quý và đáng ngợi ca nhất. Trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” tác giả Nguyễn Thi đã khắc họa thành công không chỉ một dòng sông “ngọt nước, giàu phù sa” nuôi nấng “ruộng vườn mát mẻ”. Mà nó còn là một dòng  sông truyền thống gia đình bất tận chảy hết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Để rồi con sông đó lại đổ về biển lớn “mà biển thì rộng lắm... rộng bằng cả nước ra và ra ngoài cả nước ta”.

Xuyên suốt trong tác phẩm của mình nhà văn Nguyễn Thi đã xâ dựng nên một dòng sôgn chảy xuyên suốt. Dòng sông ấy không phải là dòng sông tự nhiên nặng phù sa mà nó chính là dòng chảy truyền thống của gia đình mà mỗi thế hệ chính là một khúc để rồi được ghi lại vào đó. Chị em Chiến và Việt chính là một phần của khúc sông ấy.

Không chỉ là sự tiếp nối về huyết thống máu mủ ruột rà “dòng sông” mà Nguyễn Thi nhắc đến ở đây còn chính là sự tiếp nối giá trị yêu nước chống giặc ngoại xâm trải qua bao thế hệ. Mà chú năm chính là kết tinh của “con sông truyền thống” đó. Chú Năm một người đàn ông Nam Bộ mưu sinh nhờ nghề sông nước, thế nhưng ẩn sâu trong con người lam lũ chất phác thật thà đó là một tâm hồn nhân đạo và đầy triết lí nhân sinh. Tất cả những mong mỏi nỗi niềm khắc khoải đó đều được gửi gắm vào đàn cháu của mình “ráng cho mau lớn. Chừng nào bay trọng trọng rồi tao giao cuốn sổ cho chị em bay”. Hay lời răn đe “ thù cha thù mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu...”. Cuốn sổ mà chú nhắc đến chính là nơi ghi chép tất cả những nỗi đau của gia đình, đồng thời đó chính là truyền thống yêu nước mà cả gia đình tiếp nối. Lời răn dạy của chú chính là sự truyền nối cho khúc “hạ lưu” của gia đình, nó gửi gắm tất cả những tình yêu thương, sự kì vọng vào thế hệ nối tiếp sau này. Những nét chữ cọng cọng của chú trong cuốn sổ viết về sự hi sinh của ông, của tía Việt,.... như một nhân chứng sống tố cáo tội ác tàn bạo của giặc.

Bên cạnh hình ảnh chú Năm thì mẹ Việt một khúc sông chảy cùng với chú Năm cũng hiện lên là một người phụ nữ vô cùng chịu thương chịu khó. Dáng mẹ lam lũ lưng áo bà ba đẫm mồ hôi. Mẹ có nét đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ tần tảo, cọc cằn nhưng lại yêu chồng thương con hết mực. Mẹ Việt cũng thừa hưởng cái “dạn” từ ba. Chồng bị chặt đầu mẹ cắp cái rổ đi đòi đầu chồng, tay thì bế thằng con Út và theo sau là lũ con nhỏ. Mẹ cũng yêu thương các con hết mực chăm chút các con từ bữa ăn đến giấc ngủ dõi theo con cả những cách con làm như những dòng sông ngày ngày bồi đắp phù sa vào đồng ruộng hết năm này qua tháng nọ vậy. Đến đây ta lại thoáng nhớ đến hình ảnh của Chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay hình ảnh chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng. Hình ảnh mẹ Việt phải chăng chính là hình tượng phụ nữ hoàn hảo của cả hai con người kia gộp lại. Vừa có nét kiên trinh can đảm lại rất mực dịu dàng và đậm bản chất phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh mẹ chính là sự phản chiếu của những người phụ nữ thời bấy giờ: kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Nếu như mẹ và chú Năm là những khúc sông thượng lưu thì Việt và Chiến là những khúc hạ lưu. Chị Chiến mang những nét đẹp giống như mẹ vậy, không chỉ có vẻ bề ngoài mà đến cả cử chỉ, dáng đi đến cách quan tâm chăm sóc các em của mình. Bên cạnh chị Chiến thì Việt tuy “là một khúc sông nhỏ” hơn vẫn còn nét lộc ngộc của thanh niên mới lớn song ẩn sâu trong đó là một phẩm chất anh hùng thể hiện trong suy nghĩ vô cùng táo bạo của mình. Khi bị thương nặng Việt vẫn cô gắng lên nòng súng để sẵn sàng chiến đấu. Chiến và Việt chính là những khúc sông chứa đựng sức mạnh sứ mệnh đánh giặc vô cùng kiên cường. Nó vượt  xa cả hoài bão của cha mẹ mình. Mẹ Việt mang nỗi thù giết chồng nhưng chưa một lần cầm súng giết giặc còn với hai chị em Chiến Việt tình yêu nước, yêu gia đình đã đúc kết thành một tinh thần vô cùng mạnh mẽ để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. 

Nhà văn Nguyễn Thi đã vô cùng táo bạo khi đưa ra một hình ảnh liên tưởng phong phú. Dòng sông truyền thống gia đình Chiến Việt là đại diện cho vô số những dòng sông khác thời bấy giờ. Và biển cả ở đây chính là tinh thần cách mạng của cả dân tộc đang sục sôi đánh giặc cứu nước. Những khúc sông đó như máu trong cơ thể, nó sẽ còn chảy mãi bất diệt cho đến khi trái tim ngừng đập.

Đề 2 (trang 68 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2): Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Dàn ý

- Giới thiệu được hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

- Phân tích vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của hai dòng sông:

+ Sông Đà: vẻ đẹp mơ màng khi nhìn từ trên xuống, từ bờ sông ra; vẻ đẹp hai bên bờ sông,...

+ Sông Hương: vẻ đẹp của sông lúc ở rừng già, khi ra khỏi rừng, lúc qua hai dãy đồi sừng sững như thành quách, khi qua vùng ngoại ô Kim Long, khi đến thành phố,...

- Khái quát về hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam vẻ đẹp mơ màng như những người thiếu nữ trẻ trung, là người bạn lớn khơi nguồn cảm hứng về cuộc sống con người,...

Bài làm tham khảo

 Việt Nam đẹp với hình ảnh những dòng sông xanh mát, chảy xuống tâm hồn con người những hình ảnh sinh động hấp dẫn nhẹ nhàng, nó mang một vẻ đẹp thanh tao thơ mộng. Qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường chúng ta có thể thấy vẻ đẹp của dòng sông Việt Nam mơ mộng và trữ tình đi sâu vào tâm hồn của mỗi con người. Hình ảnh dòng sông Việt Nam được hai tác giả miêu tả thật chi tiết và sinh động trong hai tác phẩm. Điểm chung mà hai tác giả này thể hiện đó là đều miêu tả vẻ đẹp của dòng sông thơ mộng, ở đó con người được sống và làm mát tâm hồn bởi vẻ đẹp say đắm lòng người. Vẻ đẹp của dòng sông quê hương được nhìn từ nhiều góc độ, đó là cách quan sát mà hai nhà văn đã sử dụng để nói về vẻ đẹp của chúng.

Đối với tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì vẻ đẹp dòng sông được phát hiện rất đa dạng. Có lúc trữ tình êm ả, hiền hòa như “một thiếu nữ dịu dàng, duyên dáng”; có lúc phóng khoáng và man dại, rầm rộ và mãnh liệt như một “bản trường ca của rừng già”. Có khi dịu dàng và trí tuệ như “người mẹ phù sa”; có khi biến ảo “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”; hoặc khi thì vui tươi, khi thì như một mặt hồ yên tĩnh v.v...với vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại và uyển chuyển của nó. Tác giả đã ví sông Hương như “người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô”. Không phải vô duyên vô cớ mà tác giả lại đi ví von so sánh đầy tính nghệ thuật như vậy. Sông Hương khi chảy về thành phố có sức hấp dẫn tuyệt vời đối với người đọc. Ở đây chúng ta nhận ra một lối viết nhẹ nhàng, tinh tế, rất mực tài hoa của tác giả. Ông vẽ lên vẻ đẹp của sông Hương không chỉ bằng ngôn ngữ mà còn bằng cả trái tim đầy tình yêu thương. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương như “cô gái đẹp ngủ mơ màng” – một vẻ đẹp màu sắc của câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Và sông hương bỗng “chuyển dòng liên tục” “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ”, “trôi giữa hai dãy đồi sững sững như thành quách”. Một sự diễn tả quá trữ tình, quá độc đáo khiên ngưỡng đọc khó cưỡng lại được vẻ đẹp tuyệt vời này.Sông hương vừa mềm mại, vừa dịu dàng “mềm như tấm lụa”, có khi ánh lên những phản quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Sự chuyển đổi màu sắc theo mùa, theo thời gian như thế này đã làm nên một nét đặc trưng cho những ai muốn ngắm nhìn sông hương thật lâu

Hoàng Phủ Ngọc Tường tả sông hương như vẽ, vẽ lên một bức tranh hoàn mĩ và tuyệt vời nhất về dòng sông huyền thoại này. Sông Hương tạo nên nét đẹp của đất cố đô Huế, ẩn mình trong trầm tích của nét văn hóa hàng nghìn năm lịch sử. Tất cả được miêu tả bằng một tình cảm thiết tha với Huế. Sức sống mãnh liệt, hoang dại, dịu dàng, đắm say, như 'một bản trường ca của rừng già , rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn'. Khi chảy qua miền địa hình hiểm trở, sông Hương mang vẻ đẹp dữ dội: 'mãnh liệt qua ghềnh thác, cuộn xoắn như cơn lốc xoáy vào đáy vực bí ẩn', nhưng cũng có lúc lại 'dịu dàng, đắm say giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng'. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương như một 'cô gái di gan, phóng khoáng và man dại', bởi rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Dòng sông hương không chỉ thể hiện vẻ đẹp nhẹ nhàng, mà đây còn là vẻ đẹp của sự cố kính lâu đời, nó là những vẻ đẹp kì dị huyền bí mà còn là chứng nhân lịch sử, hàng ngàn năm, nó là minh chứng cho những năm tháng đấu tranh của dân tộc Việt Nam, những điều đó đã tạo nên một vẻ đẹp lịch sử cho dòng sông Hương.

 Nếu như sông Hương được miêu tả với những vẻ đẹp huyền bí, cổ kính và nhẹ nhàng thì dòng sông Đà lại được Nguyễn Tuân miêu tả với hai nét đẹp tưởng chừng như đối lập nhưng lại hòa mình trong cùng một sinh thể, đó là hai nét tính cách của dòng sông, lúc hoang dại, hung bạo nhưng cũng không kém phần thơ mộng trữ tình. Sự hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác mà còn ở cảnh đá bờ sông. Đâu chỉ hùng vĩ, Sông Đà còn vô cùng hung bạo, dữ dằn. Ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng dài hàng ngàn cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng muốn lấy mạng những người lái đò qua đây. Với những điệp từ, câu văn như dậy sóng, dậy gió. Diện mạo của sông Đà thật gớm ghiếc hung dữ chằng khác nào tên lưu manh, côn đò, giang hồ. Không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo mà con sông Đà còn mang những nét đẹp trữ tình. Nhà văn đã dành những trang viết thấm đẫm chất trữ tình để miêu tả vẻ đẹp dịu dàng của dòng sông mang trong lòng những huyền sử thuở khai thiên lập địa của cha ông. "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân.", "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích...", "mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa"...

Đó là thời điểm cho câu chữ Nguyễn Tuân lai láng chất thơ ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông, bằng cái nhìn và tình cảm của một người tự nhận sông Đà như một "cố nhân". Không gian lắng đọng trong vẻ đẹp của "bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm sông Đà". Vẻ đẹp ấy như trang nghiêm trong mạch Đường thi cổ điển, vừa lắng đọng hoài vọng về một thuở Lý Trần Lê, vừa bâng khuâng cảm giác về sự sống nảy lộc đâm chồi : "Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tíchtuổi xưa". Nhà văn đã để cho dòng cảm xúc dào dạt thốt lên thành lời đối thoại im lặng với thiên nhiên, bờ bãi ven sông, dường như con người muốn hoà vào cùng cảnh vật, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sức cuốn hút của dòng sông. Ngòi bút nhà văn đến lúc này mới thật sự tung hoành trong sự say sưa khám phá cội nguồn, kể về lịch sử dòng sông gắn với cuộc sống và con người Tây Bắc, những người đã đón nhận những tặng vật hào phóng của sông Đà. Cảm xúc từ thực tại của Nguyễn Tuân còn khơi nguồn cho những mơ ước mang tính dự báo về tương lai, biến sức mạnh của dòng sông trái tính trái nết thành nguồn thủy điện dồi dào. Rõ ràng, thực tại cuộc sống mới đã giúp cho Nguyễn Tuân có những dự cảm chính xác, có niềm tin vững chắc vào những con người đang xây dựng một chế độ mới, đem lại sinh khí mới cho cuộc sống ở sông Đà.

Như vậy, Có thể thấy vẻ đẹp của dòng sông Việt Nam đã được khái quát hết trong hai con sông tiêu biểu trên và đã được tác giả khắc họa, so sánh với những vẻ đẹp của sự trù phú, của những vẻ đẹp linh thiêng, dòng sông xanh mát chảy trong tâm hồn của người con đất Việt, những hình ảnh đó đều sinh động, nhẹ nhàng. Nó gợi lại cho người đọc một cảm giác gần gũi hơn với thiên nhiên.

Đề 3 (trang 68 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2): Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.

Dàn ý

- Giới thiệu về tác phẩm truyện ngắn được yêu thích.

- Khái quát về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

- Những giá trị về nội dung tư tưởng của tác phẩm, tập trung nhấn mạnh vào nội dung mà mình yêu thích.

- Những giá trị về nghệ thuật của tác phẩm, đi sâu phân tích giá trị nghệ thuật đặc sắc.

- Đánh giá thành công và giá trị của tác phẩm.

Bài làm tham khảo

Tô Hoài là nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam hiện đại một khối lượng tác phẩm lớn.Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài sau Cách mạng tháng Tám. Hiện thực và nhân đạo là nội dung nổi bật của thiên truyện này. Nội dung ấy lại được thể hiện bằng giọng văn trần thuật, miêu tả và thể hiện tâm trạng, tính cách nhân vật hết sức tinh vi và sâu sắc.

Về nội dung, tác phẩm Vợ chồng A Phủ lấy ấn tượng bởi cách mở đầu bằng việc giới thiệu nhân vật Mị ở trong cảnh tình đầy nghịch lý. “Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa . Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi” . Lẽ ra Mỵ là một người vợ của một nhà giàu có thì phải có cuộc sống sung túc nhưng qua cách giới thiệu tạo ra những đối nghịch về một cô gái âm thầm lẻ loi, âm thầm như lẫn vào các vật vô tri: cái quay sợi, tảng đá, tàu ngựa; cô gái là con dâu nhà thống lí quyền thế, giàu có nhưng sao mặt lúc nào “buồn rười rượi”. Từ những miêu tả đó khuôn mặt đó gợi ra một số phận đau khổ, bất hạnh nhưng cũng ngầm ẩn một sức mạnh tiềm tàng. Mị trước đó vốn là một người con gái đẹp ,có khả năng âm nhạc, cô giỏi sáo và giỏi uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Là một cô gái nhạy cảm giàu khát khao yêu thương, được yêu, nhưng vì hoàn cảnh, Mị buộc phải bán mình cho nhà thống lí về làm vợ của A Sử và từ đó phải chịu một cuộc đời bạc mệnh. Với nhân vật Mị, số phận và tâm lý được ông phác họa như đồ thị hình sin, đi xuống để tạo sức nén cho lần sau vút cao và giải phóng chính mình. Mị từ một cô gái hồn nhiên, yêu đời bỗng trở thành nô lệ, sống với người chồng không yêu mình, bị bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần khiến tâm hồn người thiếu nữ bị tê liệt, phải sống như cái xác không hồn, như con rùa lầm lũi trong xó cửa… tưởng chừng không bao giờ thoát ra được. Tâm hồn Mị được thức tỉnh trong đêm tình mùa xuân, nảy sinh hành động cắt dây trói cứu A Phủ, giải phóng cuộc đời khỏi ách thống trị, khỏi sự khổ đau và mở ra tương lai cho chính mình

Viết về A Phủ, Tô Hoài thương cảm cho cuộc đời của cậu bé mồ côi bị bán lấy thóc. A Phủ bị quỳ, bị đánh chửi suốt ngày mà vẫn phải câm như thóc; phải phục vụ cho kẻ đã tra tấn, lăng nhục mình… Có lẽ viết về nỗi đau, nỗi bất hạnh của hai nhân vật này, ngòi bút Tô Hoài thấm ướt trang giấy, ông đã gieo vào lòng người đọc niềm thương cảm trước số phận con người. Ngòi bút của nhà văn đi sâu khám phá và sâu bên trong thế giới nội tâm nhân vật, ông hiểu nỗi  niềm và trân trọng những khát vọng của họ. Miêu tả quá trình diễn biến nội tâm nhân vật tự nhiên và sống động, mở ra cho họ lối thoát.

Từ nội dung tác phẩm, ta thấy được tấm lòng yêu thương con người của nhà văn qua việc lên án, phê phán hiện thực xã hội lúc bấy giờ, tố cáo sự tàn bạo của giai cấp thống trị miền núi đồng thời cảm thông với nỗi bất hạnh của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc; nhà văn trân trọng những khát vọng và mở ra cho họ con đường giải phóng bản thân, giải phóng đồng bào. Tác phẩm vừa mang giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả.Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ không chỉ vạch trần tội ác của bọn phong kiến miền núi mà còn phơi bày tội ác của bọn thực dân Pháp lâu nay đang chiếm đóng Tây Bắc..không chỉ dưng lại với giá trị hiện thực, mà còn ẩn chứa những giá trị nhân đạo sâu sắc. Từ chính niềm cảm thông sâu sắc đối vối nỗi đau của con người,sự trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ. Và trong tác phẩm chủ nghĩa nhân đạo mới không chỉ yêu thương, đồng cảm với những nỗi khổ của con người mà còn hướng tới, nhằm giải phóng cho con người khỏi mọi xiềng xích áp bức khổ ,xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Cách kết truyện khi Mị  và A phủ tháo chạy,đi tìm miền đất mới .. là một trong số những nét tiêu biểu này.

Về nghệ thuật, nhà văn Tô Hoài đã viết lên những trang văn sinh động trên vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng về đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc bằng lối kể truyện lôi cuốn, miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế với cách dựng cảnh sinh động, ngôn ngữ giàu chất thơ. Thành công trước hết của tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Với nhân vật A Phủ, Tô Hoài làm đậm thêm bức tranh hiện thực cuộc sống thời bấy giờ. A Phủ là đứa bé mồ côi phải lang bạt kiếm sống nuôi thân và khi lớn lên trở thành nô lệ nhà thống lí vì đánh lại con quan. Với nhân vật Mị, tác giả sử dụng thủ pháp tương phản để nói lên mâu thuẫn giữa hoàn cảnh và số phận, giữa ngoại hình với nội tâm và sự phát triển tính cách nhân vật. Tô Hoài có bút pháp miêu tả tâm lý của nhân vật tinh tế sắc sảo, những đoạn văn miêu tả diễn biến bên trong tâm hồn Mị sự thức tỉnh lòng ham sống, khát vọng hạnh phúc và tình yêu của Mị là những trang viết đặc sắc chứng tỏ được khả năng hóa thân của nhà văn vào chiều sâu tâm trangh của nhân vật. Không chỉ tài tình ở nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật. Tô Hoài còn tài tình khi miêu tả phong tục tập quán Tây  Bắc và bức tranh  phong cảnh thiên nhiên sinh động, giàu chất thơ như phong tục xử kiện, uống máu ăn thề, ném Pao, cướp vợ. Nghệ thuật miêu tả tự nhiên,sinh động hấp dẫn. Cách dẫn dắt khéo léo tự nhiên.  Giọng điệu trần thuật của tác giả hòa vào những giọng độc thoại nội tâm. Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả mang đậm sắc thái ngôn ngữ miền núi.

Như vậy, qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ , tác giả đã góp phần tái hiện một cách chân thực và sâu sắc những giá tri về cuộc sống, những triết lí sống nhân văn, những sụ cảm thông của chính tác giả với đứa con tinh thần của mình.Qua tác phẩm, Tô Hoài đã lên án những thế lực phong kiến miền núi, thế lực thực dân xâm lược; và ông đặc biệt  thông cảm sâu sắc với số phận của người nông dân miền núi đồng thời khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của họ.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Chiếc thuyền ngoài xa

Thực hành về hàm ý

Mùa lá rụng trong vườn

Một người Hà Nội

Thực hành về hàm ý (tiếp theo)

1 517 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: