Soạn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt Ngữ văn lớp 12 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt để chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

1 1,543 24/02/2022
Tải về


Soạn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Ngữ văn 12

A. Soạn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt ngắn gọn:

Phần đọc - hiểu văn bản

Câu 1 (trang 153 SGK Ngữ văn 12 Tập 2)

Trả lời

* Hàm ý của tác giả qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt:

- Bi kịch bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo (linh hồn thanh cao của Trương Ba chán ghét, đau khổ bên trong thân xác phàm tục của anh hàng thịt): "tôi đã chán cái chỗ ở không phải của tôi… ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát".

- Không chỉ linh hồn mới có tiếng nói và sức mạnh, thể xác cũng có sức mạnh bản năng ghê gớm của nó: bất chấp thái độ phủ nhận yếu ớt của Trương Ba, xác hàng thịt đưa ra nhiều minh chứng cho thấy hồn Trương Ba cũng tha hóa theo nhu cầu của hắn.

- Sự thật là nhiều người chỉ vun vén cho phần hồn mà bỏ bê, coi thường phần xác.

- Cuộc đấu tranh giữa cái thanh cao và cái tầm thường (hồn Trương Ba cố gắng giữ quan điểm của mình trước những lý lẽ ti tiện của xác hàng thịt nhưng vì vẫn phải chung đụng, sống nhờ vào xác hàng thịt nên không thoát khỏi tuyệt vọng.

Câu 2 (trang 153 SGK Ngữ văn 12 Tập 2)

Trả lời

* Nguyên nhân:

- Nguyên nhân khiến người thân của Trương Ba và chính Trương Ba rơi vào bất ổn, đau khổ là việc bên trong một đằng bên ngoài một nẻo gây ra nhiều phiền toái, rắc rối. Đau xót hơn là Trương Ba không còn là chính mình, ông bị tha hóa dưới sức ảnh hưởng ghê gớm của xác hàng thịt.

=> Hậu quả là vợ ông đòi bỏ đi, cái Gái không nhận ông, con trai không nghe lời ông, con dâu cũng nhận ra sự đổi khác ở ông.

* Thái độ:

- Đau đớn, nhẫn nhục, bất lực.

- Thừa nhận sự thắng thế của xác hàng thịt nhưng không khuất phục mà quyêt định không cần đến xác hàng thịt nữa.

=> Thắp hương gọi Đế Thích để giải quyết bi kịch.

Câu 3 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 Tập 2)

Trả lời

* Sự khác nhau của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống:

- Với Đế Thích: sống là được tồn tại dù đôi khi người ta không được là mình toàn vẹn (Ngọc Hoàng và thần tiên cũng vậy) và có thể sống bằng mọi giá (Đế Thích nói với Trương Ba: "Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào").

- Với Trương Ba: sự sống phải có ý nghĩa, có niềm vui và phải sống đúng là mình ("tôi muốn được là tôi toàn vẹn", "không thể sống với bất cứ giá nào được"). Sống không là mình toàn vẹn "còn khổ hơn là cái chết".

* Lời trách của Trương Ba với Đế Thích “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!” rất đúng đắn vì sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống là chính mình một cách toàn vẹn. Việc Trương Ba sống dựa vào xác hàng thịt đã khiến hồn ông trở thành nô lệ cho thân xác và không được sống thật với con người mình.

* Ý nghĩa của màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích:

- Sự sống đáng quý nhưng không thể sống bằng bất cứ giá nào.

- Sự sống chỉ có ý nghĩa và con người chỉ thấy thanh thản khi sống là chính mình, hài hòa giữa bên ngoài và bên trong.

- Mọi sự chắp vá, gượng ép chỉ đem đến lại vật quái gở mang tên “hồn Trương Ba da hàng thịt”, đem lại đau khổ cho bản thân và người xung quanh.

Câu 4 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 Tập 2)

Trả lời

* Trương Ba từ chối nhập vào xác cu Tị vì:

Việc này sẽ dẫn đến hàng loạt những phiền phức, rắc rối như việc Trương Ba đã nhập vào xác hàng thịt (phải giải thích cho chị Lụa và gia đình, có khi phải sang nhà chị Lụa ở, lại tạo cơ hội cho bọn lý trưởng, trương tuần thu lợi…).

- Tuy có cả cuộc đời trước mắt nhưng khi những người đồng trang lứa nằm xuống, Trương Ba sẽ trở nên lạc lõng, thảm hại.

- Dù nhập vào xác cu Tị hay xác ai thì Trương Ba cũng không được là mình toàn vẹn và tiếp tục rơi vào bi kịch bên trong một đằng bên ngoài một nẻo.

Câu 5 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 Tập 2)

Trả lời

* Ý nghĩa của đoạn kết:

Quyết định đúng đắn của Trương Ba đem lại sự thanh thản, yên bình, hạnh phúc cho chính linh hồn ông và những người thân xung quanh.

- Sự sống đáng quý nhưng sống là chính mình, sống hạnh phúc còn có ý nghĩa quan trọng hơn.

Phần Luyện tập

Câu hỏi (trang 154 SGK Ngữ văn 12 Tập 2)

      Nếu Trương Ba đồng ý sống trong xác hàng thịt hoặc nhập vào cu Tị, cuộc sống của Trương Ba sẽ lại rơi vào bi kịch với hàng loạt những rắc rối, phiền toái của việc bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Những phiền toái ấy có thể khác nhau khi sống trong những cái xác khác nhau nhưng đều là sự chắp vá lố bịch, sự tham lam tai hại. Quan trọng nhất, dù sống trong xác ai không phải xác mình thì hồn Trương Ba cũng đều không thể có được sự thanh thản, hạnh phúc vì sống không là chính mình. Điều đó sẽ tiếp tục làm tổn thương những người thân yêu của ông và gây ra những điều vô lý ở đời.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt:

I. Tác giả

1. Tiểu sử

- Lưu Quang Vũ (1948 – 1988), ông sinh ra ở Phú Thọ, là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận.

- Là một con người tài năng đa dạng nhưng gặp nhiều bất hạnh. 

- Ông đã mất trong một vụ tai nạn giao thông khi sự nghiệp đang nở rộ.

Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam hay, ngắn gọn (ảnh 1)

2. Sự nghiệp văn học

a. Tác phẩm chính

Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Hương cây, Tôi và chúng ta, Sống mãi tuổi 17, Nàng Sita, Ngọc Hân công chúa,....

b. Phong cách nghệ thuật

Kịch của Lưu Quang Vũ mang nhiều cách tân độc đáo; quan tâm thể hiện xung đột trong cách sống và quan niệm sống, bày tỏ khát vọng hoàn thiện nhân cách con người.

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ:

- Vận dụng sáng tạo tích truyện dân gian để xây dựng tình huống kịch độc đáo và gửi gắm vấn đề nhức nhối của cuộc sống hiện đại.

- Viết năm 1981, công diễn lần đầu năm 1984 và gặt hái được thành công lớn.

- Đoạn trích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.

2. Thể loại: Kịch

3. Bố cục:

- Phần 1 (từ đầu đến "Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!"): Cuộc đối thoại giữa hồn và xác

- Phần 2 (tiếp theo đến "Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần"): Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và mọi người trong gia đình.

- Phần 3 (còn lại): Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích; quyết định cuối cùng của Trương Ba.

4. Tóm tắt

Trương Ba - người làm vườn chất phác, hiền lành, rất mực yêu quý vợ con và cháu gái. Ông nổi tiếng là người chơi cờ giỏi và có lối sống thanh cao. Vì sự tắc trách của Nam Tào, Trương Ba đang khỏe mạnh bỗng chết một cách đột ngột. Tiên Đế Thích vì muốn có người đánh cờ với mình và muốn sửa sai cho Nam Tào nên hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác một anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba đau khổ đấu tranh với những ham muốn bản năng của thân xác hàng thịt. Sau một thời gian, chính hồn Trương Ba cũng phần nào bị tha hóa, gia đình Trương Ba trở nên ly tán, đau buồn. Trương Ba quyết định thắp nhang gọi Đế Thích lên để quyết định rời khỏi thân xác anh hàng thịt. Đế Thích tìm mọi cách khuyên ngăn và đưa ra giải pháp khác hấp dẫn hơn như cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị đang hấp hối. Trương Ba xin cho cu Tị được sống và kiên quyết chọn cái chết và không nhập vào xác ai nữa bởi ông không muốn “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”.

Soạn bài Tổng quan văn học Việt Nam hay, ngắn gọn (ảnh 1)

5. Giá trị nội dung:

Qua đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp: Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh của chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý

6. Giá trị nghệ thuật:

- Xây dựng tình huống, xung đột kịch độc đáo, hấp dẫn.

- Đối thoại kịch đậm chất triết lý, giàu kịch tính, tạo nên chiều sâu ý nghĩa cho vở kịch.

- Hành động kịch của nhân vật phù hợp với tính cách, hoàn cảnh, góp phần thúc đẩy tình huống, xung đột kịch phát triển.

- Nghệ thuật độc thoại nội tâm giúp nhân vật bộc lộ tính cách và quan niệm về lẽ sống đúng đắn.

Bài giảng Ngữ văn 12 Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:

Diễn đạt trong văn nghị luận (tiếp theo)

Nhìn về vốn văn hóa dân tộc

Phát biểu tự do

Phong cách ngôn ngữ hành chính

Văn bản tổng kết

1 1,543 24/02/2022
Tải về