Soạn bài Luyện tập và vận dụng Tập 1 - Ngắn nhất Kết nối tri thức

Với soạn bài Luyện tập và vận dụng Tập 1 Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 940 09/09/2022
Tải về


Soạn bài Luyện tập và vận dụng Tập 1

1. Đọc

Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu: Bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Ghi vào vở chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 3)

Câu 1 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Văn bản thuộc loại nào?

A. Văn bản văn học

B. Văn bản thông tin

C. Văn bản nghị luận

D. Văn bản đa phương thức

Trả lời:

Đáp án C:

Văn bản nghị luận

Vì văn bản trên đảm bảo được các ý sau:

- Chỉ ra và phân tích được những đặc sắc độc đáo của bài thơ Thiên Trường vãn vọng (từ ngữ, hình ảnh, cách tổ chức nhịp điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh...).

- Đánh giá giá trị của bài thơ về phương diện nghệ thuật cũng như ý nghĩa nhân sinh.

Câu 2 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Câu nào trong bài viết khái quát đầy đủ đặc trưng của cảnh vật được gợi lên ở bài thơ Thiên Trường vãn vọng?

A. Bài thơ tả một cảnh thôn quê như muôn vàn cảnh thôn quê lúc chiều xuống.

B. Cảnh giản đơn, đạm bạc, quê mùa mà sức chưa đựng lớn lao, kì vĩ.

C. Không thể nào khác là một cảnh thanh bình, yên ả, phơn phớt chút tươi vui hiền lành, thầm lặng phát ra từ một cuộc sống có phần ấm no, hạnh phúc.

D. Chiều đã tà nhưng xóm thôn chưa đi vào hoàng hôn hẳn.

Trả lời:

Đáp án C.

Không thể nào khác là một cảnh thanh bình, yên ả, phơn phớt chút tươi vui hiền lành, thầm lặng phát ra từ một cuộc sống có phần ấm no, hạnh phúc.

Chúng ta có thể thấy hình ảnh thanh bình, yên ả của cảnh vật thông qua một số hình ảnh như:

- Màu khói thổi cơm chiều (tác giả cũng lý giải thêm việc chúng ta có thể hình dung ra cảnh “cả nhà sum vầy chuẩn bị bữa cơm rau mắm nhưng ấm no sau một ngày nắng sương vất vả”

- Cảnh yên bình mà chúng ta dễ thấy nhất đó là hình ảnh “đàn trâu no nê, chậm rãi về nhà. Trên lưng lại vắt vẻo mấy chú trẻ con nghêu ngao tiếng sáo tiễn ngày...”

Câu 3 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Bài viết được triển khai theo trình tự nào?

A. Phân tích lần lượt từng câu thơ một.

B. Giải nghĩa từ ngữ trước, sau đó đi vào phân tích ý nghĩa các câu thơ và bài thơ.

C. Phân tích văn bản thơ, tiếp đó mở rộng liên hệ tới hoàn cảnh sáng tác và vị thế của tác giả bài thơ.

D. Nêu cảm nhận chung về bài thơ, phân tích bài thơ, đánh giá ý nghĩa bài thơ.

Trả lời:

Đáp án C.

Phân tích văn bản thơ, tiếp đó mở rộng liên hệ tới hoàn cảnh sáng tác và vị thế của tác giả bài thơ.

Người viết luôn đặt bài thơ trong bối cảnh ra đời để phân tích cụ thể. Chúng ta có thể đọc lại và xem lại phần diễn đạt của Thầy lê Trí Viễn ở trong bài văn để thấy rõ hơn về vấn đề này.

Làm bài tập

Câu 1 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Những câu nào trong văn bản những câu cho thấy tác giả Lê Trí Viễn thường xuyên đặt bài thơ vào bối cảnh ra đời của nó để thẩm bình, đánh giá.

Trả lời:

Những câu cho thấy tác giả Lê Trí Viễn thường xuyên đặt bài thơ vào bối cảnh ra đời của nó để thẩm bình, đánh giá là:

- Nhà thơ là thiền sư, con mắt thế tục nhưng tâm thiền.

- Mọi sự náo loạn, đốt phá, cướp bóc, giết chóc hủy diệt dã man của giặc đã qua.

- Từng đôi có trống, có mái chứ không tán loạn, tan tác như thời còn giặc.

- Chuẩn bị sẵn sàng, kín đáo cho no ấm và cho hạnh phúc sinh sôi.

- Không núi cao sông rộng, không thời gian “nghìn năm mây trắng còn bay”, không không gian “vạn lý thiền”, chỉ một khoảnh khắc chiều tà, một góc xóm nhà dân giữa dăm vạt ruộng nương vậy mà là âm vang của cả non sông, đất nước hồi sinh sau khi sạch bóng quân thù – một quân thù khét tiếng, đến đâu là ở đó cỏ cũng không còn mọc nữa.

- “Ở đất nước này, vừa qua, đúng là để có được một bước chân trâu đi thanh bình phải trả bằng bao nhiêu xương máu, xương máu dân, cả xương máu mình”.

Câu 2 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Những hiểu biết về con người và vị thế xã hội của Trần Nhân Tông đã giúp tác giả khám phá được giá trị nổi bật gì của Thiên Trường vãn vọng?

Trả lời:

Những hiểu biết về con người và vị thế xã hội của Trần Nhân Tông đã giúp tác giả khám phá được giá trị nổi bật của Thiên Trường vãn vọng là:

- Đây là bài thơ vẽ nên bức tranh cảnh vật làng quê trầm lặng mà không đìu hiu.

- Thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau một cách nên thơ.

- Tác giả của bài thơ Thiên Trường vãn vọng là người có mối quan hệ gắn bó máu thịt với cuộc sống bình dị. Mặc dù là vua nhưng Người luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân.

Câu 3 (trang 159 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Những yếu tố nào của thơ nói chung đã được đặc biệt lưu ý xem xét, phân tích trong văn bản này?

Trả lời:

Những yếu tố của thơ nói chung đã được đặc biệt lưu ý xem xét, phân tích trong văn bản là:

- Hình thức tổ chức ngôn từ.

- Mô hình thi luật.

- Nhịp điệu thơ.

- Nhân vật trữ tình.

- Hình ảnh thơ.

2. Viết

Đề 1: Hãy viết bài văn nghị luận phân tích/đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích.

Bài văn tham khảo

Không biết đã từng có, sẽ còn có bao nhiêu bài viết về Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải? Vậy điều gì đã làm nên sức sống lâu bền cho bài thơ? Mỗi người sẽ có một cách lý giải không hoàn toàn giống nhau, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhau ở một điểm chung cơ bản là: chính sự chân thành, giản dị của cảm xúc đã làm nên sức sống cho tác phẩm này!

    Trước hết cần phải khẳng định rằng, Thanh Hải hoàn toàn có quyền tự hào về cái “tôi” đã sống hết “công suất” từ tuổi 17 đến tuổi 50 của mình. Thông thường, khi con người biết chắc chắn rằng, mình đang sống trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời thì bao giờ người ta cũng tự soát xét lại nhân cách của mình một cách nghiêm khắc nhất. Vì thế, lúc nằm trên giường bệnh, Thanh Hải mới thấm thía nỗi cô đơn, bất lực của một cá nhân khi đang dần dần bị tách ra khỏi cộng đồng, một con người đang bị tước dần quyền làm việc. Chính tình cảm bị nén chặt đã bùng nổ thành khát vọng, thành bệ phóng cho sự sáng tạo. Nếu bản chất của sự sáng tạo là sự bất tử thì đây chính là khoảnh khắc thăng hoa tất cả những gì mà Thanh Hải đã chiêm nghiệm để viết thành bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Và khổ thơ đầu đã xuất hiện thật tự nhiên:

                              Mọc giữa dòng sông xanh

                              Một bông hoa tím biếc

                              Ơi con chim chiền chiện

                              Hót chi mà vang trời

                              Từng giọt long lanh rơi

                              Tôi đưa tay tôi hứng

     Khi Thanh Hải viết “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc” thì đây không chỉ là ngoại cảnh hay tâm cảnh, mà còn mang dáng dấp của một triết lí sống và sự bất tử. Dòng sông xanh vừa là chính nó và cũng vừa là một hình tượng về thời gian. Đó là dòng chảy vô thủy vô chung, vô tận và lạnh lùng của thời gian. Nó vừa là tác nhân tạo dựng, nâng niu “Một bông hoa tím biếc”, đồng thời cũng là một tác nhân bào mòn, hủy diệt tất cả. “Bông hoa tím biếc” đang hiện hữu kia sẽ trở thành hòai niệm để ngày mai sẽ có một bông hoa khác, cùng loài. Dòng sông thì vĩnh cửu, còn bông hoa dù có rực rỡ đến đâu chăng nữa thì cuối cùng cũng trở thành dĩ vãng. Cũng như mỗi đời người, dù có chói sáng đến đâu chăng nữa, rốt cuộc vẫn phải ra đi theo quy luật sinh tử của muôn đời.

     Thông qua các hình tượng nghệ thuật, chúng ta có thể cảm nhận được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, ngay trong mạch cảm xúc buồn nhớ mênh mông, trong tâm tưởng của ông vẫn vang lên những âm thanh reo vui của cuộc sống: “Ơi con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời”. Tiếng chim hót là âm thanh của tự nhiên nhưng nó đã cộng hưởng với tiếng reo vui trong tâm hồn của nhà thơ, đó là tiếng reo vui của niềm tự hào về cái “tôi” trọn vẹn và thanh thản. Một bông hoa có thể sẽ tàn nhưng vẻ đẹp của nó thì vẫn còn ám ảnh lâu bền trong tâm trí con người. Một con người có thể sẽ phải ra đi vĩnh viễn, nhưng những đóng góp có giá trị về tinh thần của con người ấy thì có thể sẽ còn mãi với thời gian. Với niềm tự hào chân thành ấy, nhà thơ dường như đã bứt hẳn ra khỏi tâm trạng man mác hư vô để hòa mình vào không khí rộn rã, náo nức của mùa xuân; để cảm nhận và thâu nhận được cái “hồn vía” tưởng như rất vô hình của không gian và thời gian đang thấm đẫm sắc xuân, hương xuân: “Từng giọt long lanh rơi / Tôi đưa tay tôi hứng”. Chúng ta đã từng bất lực trước một “tiếng huyền” trong Thơ duyên của Xuân Diệu, một “vị xa xăm” trong Quê hương của Tế Hanh, nay có lẽ cũng sẽ bất lực trước “Từng giọt long lanh rơi” của Thanh Hải? Bất lực vì không thể giải thích một cách tường minh xem “tiếng huyền” là tiếng gì, “vị xa xăm” là vị gì và “từng giọt” là giọt gì, nhưng vẫn có thể cảm nhận bằng linh giác, bằng trí tưởng tượng... về cái hay, về vẻ đẹp và sự độc đáo của các hình tượng đa nghĩa này. Nếu “tiếng huyền” là những âm thanh xao xuyến ngân vang trong tâm hồn để trở thành âm hưởng chủ đạo cho “một cõi yêu đương”, “vị xa xăm” là hoài niệm về một thời thăm thẳm thì “từng giọt” có thể là những niềm vui lớn có khả năng làm hồi sinh lòng ham sống của một con người đang ý thức rất sâu sắc về cái chết không sao cưỡng nổi đang đến với mình từ từ, lạnh lùng và tàn nhẫn! Hiểu như thế chúng ta mới có thể đồng cảm và xúc động trước một hành động tha thiết hướng tới sự sống của nhà thơ: “Tôi đưa tay tôi hứng”!

      Từ hành động tha thiết hướng tới sự sống ấy, tác giả đã tái hiện cuộc sống lao động và chiến đấu sôi nổi, háo hức mà mình từng gắn bó suốt đời:

                                     Mùa xuân người cầm súng

                                     Lộc giắt đầy trên lưng

                                     Mùa xuân người ra đồng

                                     Lộc trải dài nương mạ

                                     Tất cả như hối hả

                                     Tất cả như xôn xao...

      Đây là niềm vui được bắt nguồn từ niềm tin sắt đá vào tương lai của đất nước:

                                     Đất nước bốn nghìn năm

                                     Vất vả và gian lao

                                     Đất nước như vì sao

                                     Cứ đi lên phía trước

     Đất nước hình thành, tồn tại và phát triển trong chiều dài của “bốn ngàn năm” lịch sử và chiều sâu của những nghĩ suy trăn trở để tỏa sáng “như vì sao” trong kí ức của mỗi con dân đất Việt. Chính “vì sao” ấy là vầng hào quang của quá khứ và cũng là điểm tựa tinh thần cho hiện tại. Như mọi công dân chân chính khác, trong cái “Vất vả và gian lao” của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống:

                            Ta làm con chim hót

                            Ta làm một cành hoa

                            Ta nhập vào hòa ca

                            Một nốt trầm xao xuyến

      Cái “tôi” của nhà thơ như một dòng suối nhỏ khiêm nhường đã hòa vào cái “ta” của “dòng sông xanh” trên quê hương, đất nước mình. Từ vị thế của cái “ta, chúng ta”, tức là vị thế của người trong cuộc, nhà thơ đã chân thành tâm sự với bạn bè, đồng chí của mình về một lẽ sống thật giản dị.

     Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980, đó là một năm trong thập kỷ (1976 – 1986) khi đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt. Làm sao Thanh Hải lại không buồn về những điều đó? Nguyễn Duy “giật mình” trước “đột ngột vầng trăng tròn” thi Thanh Hải chắc cũng giật mình khi chợt nghe tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu... Thế còn cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người? Trong quan hệ giữa cái “tôi” với cái “ta”? Liệu có vĩnh cửu không? Thanh Hải không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà thay vào đó bằng một lời nhắn nhủ. Ông đã nhắn nhủ điều gì? “Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến”. Làm con chim thì phải có tiếng hót riêng. Làm bông hoa thì phải có hương sắc riêng. Nhưng những cái riêng ấy chỉ được xác lập giá trị trong quan hệ với cái chung, tức là với những cá thể cùng loài xung quanh. Không thể và cũng không nên so sánh giữa tiếng hót của con chim với hương sắc của bông hoa, cái nào có ích hơn, cái nào quan trong hơn?... Mỗi người cũng vậy, có một giá trị riêng không thể so sánh. Vì thế trong bản “hòa ca” đoàn kết, nên có người ở vị trí khiêm tốn như một “nốt trầm”. Nhưng một “nốt trầm” ấy phải có bản sắc riêng của mình như tiếng hót riêng của mỗi con chim và hương sắc riêng của mỗi bông hoa bởi đó là bản “hòa ca” có “nhạc luật” chứ đâu phải là “hòa tan”: một cách vô vị, nhạt nhẽo?

       Nếu mùa xuân của đất nước là một mùa xuân lớn thì mùa xuân lớn lại được kết dệt bởi muôn vàn những mùa xuân nhỏ khác, đó là mùa xuân của mỗi đời người:

                                 Một mùa xuân nho nhỏ

                                 Lặng lẽ dâng cho đời

                                 Dù là tuổi hai mươi

                                 Dù là khi tóc bạc

       Mỗi đời người lại giống như một dòng suối nhỏ lặng lẽ góp nước cho một dòng sông lớn để dòng sông lớn ấy góp nước cho đại dương. Cái sự “góp nhặt” ấy cứ lặp đi lặp lại tới muôn đời, cho dù là có tự giác hay không tự giác thì nó vẫn cứ diễn ra như vậy, không thể nào khác! Điều quan trọng là ở chỗ sự “góp nhặt” ấy phải kiên trì, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc đời để cuối cùng nó vượt lên hoàn cảnh như một đức hi sinh cao cả: “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”. Đó chính là phẩm chất cao quý của ý thức tự nguyện hi sinh cái “tôi” cho cái “ta” bao la của mùa xuân đất nước:

                              Mùa xuân – ta xin hát

                              Câu Nam ai, Nam bình

                              Nước non ngàn dặm mình

                              Nước non ngàn dặm tình

                              Nhịp phách tiền đất Huế

      Mùa xuân đẹp quá khiến ta bất giác cất lên lời. Tất cả đều xao xuyến, bồi hồi trong giai điệu buồn của câu “Nam ai” và chất trữ tình của câu “Nam bình”; trong “nhịp phách tiền” rất đỗi thân quen nhưng dường như bỗng trở nên da diết như một lời chào tiễn biệt? Trong cái mênh mông của “Nước non ngàn dặm”, nơi nào mà chẳng thấm đẫm tình bạn, tình người và tình yêu? Nơi nào mà ta chăng lưu luyến, bâng khuâng? Vì thế mà nỗi nhớ nhung cũng mênh mông không bến bờ! Giờ đây, nằm trên giường bệnh, ta dường như đang trôi trong vầng hào quang của hoài niệm... Cuộc đời ồn ào náo động xa dần, mơ hồ, văng vẳng...nhưng dường như càng xa nó càng trở nên cồn cào hơn, tha thiết hơn!

Đề 2: Khi được học về thần thoại và sử thi, vấn đề gì đã khiến bạn thật sự thấy hứng thú và muốn tìm hiểu sâu hơn? Hãy viết một báo cáo nghiên cứu về vấn đề đó.

Bài văn tham khảo

1. Đặt vấn đề

      Đăm Săn là một người anh hùng, là nhân vật chính trong trường ca sử thi Bài ca chàng Đăm Săn (phiên âm tiếng Ê-đê: Klei khan Y Đam-Săn) của người Ê-đê ở Tây Nguyên. Bộ sử thi Đăm Săn dài 2077 câu kể về những chiến công oanh liệt, khát vọng tự do của Đăm Săn – người tù trưởng trẻ tuổi, tài năng lỗi lạc. Bên cạnh đó là cuộc đấu tranh, đọ sức quyết liệt, dai dẳng giữa một bên là chế độ mẫu hệ đang còn mạnh, nhưng đã bắt đầu lung lay (tiêu biểu là các nhân vật nữ Hơ Bhị, Hơ Nhị) và một bên là thế lực người đàn ông, tuy có vẻ lẻ loi nhưng tràn đầy sức mạnh tươi trẻ, đang trỗi dậy mạnh mẽ (tiêu biểu là nhân vật anh hùng Đăm Săn). Đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời thuộc bộ sử thi Đăm Săn đã miêu tả được một số nét đẹp truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của người dân tộc Ê-đê ở Tây Nguyên. 

2. Giải quyết vấn đề

a. Đôi nét về người dân tộc Ê-đê

      Đồng bào dân tộc Ê đê xếp thứ 12 trong cộng đồng 54 dân tộc anh em tại Việt Nam. Ước tính có hơn 331.000 người Ê đê cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắk Lắk, phía Nam của tỉnh Gia Lai và miền Tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên của Việt Nam. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, tộc người Ê đê thuộc nhóm cư dân ngôn ngữ Mã Lai, có nguồn gốc lâu đời từ vùng biển. Thuở mới hình thành, cộng đồng cư dân này sinh sống ở miền Trung, sau đó di cư đến Tây Nguyên từ những năm thuộc thế kỷ 8 đến thế kỷ 15. Dù có sự thay đổi địa điểm cư trú qua nhiều thời gian nhưng đồng bào người Ê đê vẫn lưu giữ được những nét văn hoá lâu đời có từ hàng nghìn năm.

b. Trang phục của người Ê đê

       Ngoài những yếu tố về ẩm thực, những phong tục tập quán truyền thống và lối sống sinh hoạt hằng ngày thì trang phục cũng là điều làm nên nét độc đáo và khác biệt cho văn hóa Ê Đê. Nếu như người Kinh tạo được sự ấn tượng tốt đẹp và làm nên sự khác biệt độc đáo nhất qua những bộ áo dài truyền thống; hay người dân tộc Thái với những bộ trang phục tuy đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng tốt đẹp thì người dân tộc Ê Đê lại tạo được sức hút mạnh mẽ với những bộ y phục mới lạ mang nét riêng biệt. Trang phục của đồng bào Ê Đê có phong cách thẩm mỹ tiêu biểu cho các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Y phục cổ truyền của dân tộc Ê Đê là màu đen, có điểm những hoa văn sặc sỡ. Nữ giới sẽ mặc áo và quấn váy (Ieng), còn nam giới thì đóng khố (Kpin). Ngoài ra, họ còn yêu thích những đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm. Ê Đê là một dân tộc tiêu biểu của Việt Nam với những nét văn hóa truyền thống độc đáo và khác biệt. Bên cạnh đó, đồng bào Ê Đê còn là một niềm tự hào lớn của dân tộc Việt với hình ảnh nhà dài và cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc. 

c. Nhà dài và cồng chiêng của người Ê-đê

       Nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thể chế gia đình mẫu hệ mà còn là nơi giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người ta Ê-đê qua năm tháng. Nhà dài của đồng bào Ê đê là một công trình văn hóa độc đáo, đó là sản phẩm tiêu biểu của tổ chức công xã thị tộc nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng dân tộc, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào. 

       Nhà dài của người Ê đê có hình con thuyền dài làm bằng tre nứa và bằng gỗ mặt sàn, vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân cây tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra phía hông; bên trong nhà có trần gỗ hình vòm giống hệt mui thuyền. Nhà của người Ê-đê thuộc loại hình nhà dài, sàn thấp, độ dài của ngôi nhà thường là 15 – 100 m tùy theo số lượng thành viên gia đình, đó là nơi cư trú của đại gia đình cho hàng chục người và thể hiện danh tiếng địa vị của gia đình đó trong cộng đồng. Đây chính là nét đặc trưng riêng về lối kiến trúc nhà ở mà chỉ người Ê đê mới có. Đặc biệt là nhà dài của người Ê đê bao giờ cũng có hai cầu thang đực và cái. Thang đực để dành cho những thành viên nam trong gia đình, thang cái dành cho những thành viên nữ và khách. Bậc cầu thang từ đất liền đến sàn nhà luôn mang số lẻ vì người Ê đê tin rằng số chẵn là số của ma quỷ, số lẻ mới là số của con người.

       Vai trò của Cồng Chiêng mang một sức mạnh to lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt của các thế hệ người Ê đê. Đồng bào Tây Nguyên coi cồng chiêng như là sức mạnh vật chất, sự giàu có của cá nhân, gia đình, dòng họ và buôn làng. Cồng Chiêng là những tài sản quý giá của ông bà tổ tiên để lại, có những bộ cồng chiêng quý phải đổi vài chục con trâu, mấy con voi mới có được. Bởi vậy Chiêng là tài sản quý hiếm được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác, ăn sâu vào đời sống tâm linh của người dân tộc Ê đê. Họ tin rằng mỗi khi vang lên âm thanh của Cồng Chiêng có thể giúp con người thông tin trực tiếp đến các đấng thần linh, là chiếc cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng từ lúc cất tiếng khóc chào đời con người đã nghe tiếng chiêng trống và đến khi lớn lên dựng vợ gả chồng tiếng chiêng lại rộn ràng trong ngày vui hạnh phúc. Cồng chiêng không được sử dụng một cách bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội của gia đình và buôn làng cho những dịp tiếp khách quý. 

d. Một số nét văn hóa của dân tộc Ê-đê.

      Cuộc sống của người Ê đê theo lối mẫu hệ, con cái đều phải mang họ mẹ và người đàn ông lấy vợ phải theo nhà vợ. Con gái mới được hưởng thừa kế tài sản còn con trai thì ngược lại, người con gái út được thừa kế nhà thờ cúng ông bà và có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già.Với dân tộc Ê-đê thì người phụ nữ sẽ nắm quyền trong nhà, làm chủ nhà và có quyền tự quyết trong công việc; còn những người đàn ông chỉ là phụ trợ cho công việc của phụ nữ và thường sẽ làm những công việc mà cần sức khỏe nhiều hơn.

      Người Ê đê chủ yếu sống vào nghề nông nghiệp theo hướng “tự cung tự cấp”, hoạt động theo xu hướng nguyên thủy. Họ chủ yếu là làm nương, làm rẫy và tiến hành săn bắt, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải… Ngoài ra, người Ê đê vẫn có mô hình sản xuất theo hình thức luân canh; tức là bên cạnh những khu đất đang canh tác còn có những khu đất để hoang nhằm phục hồi sự màu mỡ.Người Ê đê cũng đan xen thêm việc trồng các cây công nghiệp như: cây cao su, café, điều, hồ tiêu… và chế biến nông sản. Còn về chăn nuôi, họ thường nuôi các con trâu, bò, dê, lợn, voi… Ngoài ra, đồng bào người Ê đê cũng làm thêm nghề đan lát, làm gốm, đồ trang sức, gỗ để phục vụ cho nghi lễ tâm linh, những thứ cần thiết cho việc tổ chức các lễ hội,…

       Người Ê đê có đời sống tín ngưỡng tâm linh phong phú cũng như nhiều dân tộc sinh sống trên dải đất Trường Sơn Tây Nguyên. Một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào dân tộc Êđê là Lễ cúng bến nước hay thần nước. Lễ cúng thần nước của người Ê đê được tổ chức hằng năm sau mùa thu hoạch với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đây cũng là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Ê đê, mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê. Ngoài ra đồng bào Ê đê cũng có một số lễ hội truyền thống khác như Lễ cúng trưởng thành, Lễ cúng cơm đều là những lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

3. Kết luận

       Nét văn hóa của dân tộc Ê-đê từ trang phục, nhà ở đến những văn hóa tâm linh đều mang dấu ấn độc đáo và riêng biệt, tiêu biểu cho vùng đất Tây Nguyên. Việc nghiên cứu những nét văn hóa không chỉ của đồng bào Ê-đê mà cả những đồng bào dân tộc thiểu số khác vẫn cần được mở rộng và nghiên cứu sâu hơn để thấy được sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc ở nước Việt Nam ta.

4. Tài liệu tham khảo.

a. GS.TS Nguyễn Xuân Kinh, Quá trình sưu tầm và nhận thức lí luận đối với sử thi ở Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hoá.

b. Phan Việt (2021) Những nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân tộc Ê đê, https://dautuweb.com/nhung-net-dep-van-hoa-trong-doi-song-cua-nguoi-dan-toc-e-de/

c. Hoàng Hưng (2021), Ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê, Văn hóa Việt Nam.

Đề 3: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm mà bạn cho là không phù hợp với chuẩn mực chung được cộng đồng tạo dựng.

Bài văn tham khảo:

Muốn trở thành người có nhân cách tốt đẹp và thành công trong cuộc sống, con người phải rèn luyện được những thói quen tốt, loại bỏ được những thói quen xấu. Thói quen tốt dẫn ta đến thành công. Thói quen xấu đưa ta đến thất bại. Thói quen xấu, thói quen không lành mạnh có thể dẫn đến những tác hại, hậu quả mà chúng ta không thể dự đoán được. Một thói quen không tốt mà không chỉ người lớn cần từ bỏ mà cả những em học sinh, sinh viên cần phải lưu ý khi ra đường, đó là thói quen không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe gắn máy. 

      Khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở người lớn và trẻ nhỏ, rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ nhưng đội mũ không đảm bảo chất lượng được khuyên dùng. Chính phủ và Nhà nước đã nhiều lần đưa ra những hình phạt nghiêm khắc, xử phạt những trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng nhìn chung thói quen ấy vẫn còn ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của người dân đặc biệt là những em học sinh khi đi xe đạp điện thường đội những chiếc mũ bán ở vỉa hè, không đảm bảo chất lượng. Hay một số bậc phụ huynh coi nhẹ sự an toàn của con em mình khi tham gia giao thông, thiếu trách nhiệm trong việc dạy bảo các em phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân.

      Qua việc tìm hiểu và khảo sát cho thấy, thói quen không đội mũ bảo hiểm ở người lớn được hình thành là do mũ bảo hiểm khiến họ cảm thấy khó chịu nhất là vào những ngày hè việc đội mũ dễ ra mồ hôi, gây khó chịu cho da đầu. Hay đôi lúc do quá vội mà họ quên đội mũ rồi dần dần hình thành thói quen không đội mũ khi tham gia giao thông. Còn ở lứa tuổi học sinh như chúng ta, việc không đội mũ bảo hiểm là vì nó không hợp thẩm mỹ, cảm thấy khó chịu khi đội,… Đây chính là một số lý do dẫn đến tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của mọi người hiện nay, cũng là nguyên nhân trực tiếp của việc gia tăng các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại tính mạng con người.

       Việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện hay xe gắn máy là một thói quen không tốt, cần phải được từ bỏ ngay từ bây giờ. Thói quen này không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng bản thân mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Cá nhân tôi đã từng có thói quen không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và sau một vụ tai nạn ngoài ý muốn, tôi đã ý thức được sự nghiêm trọng của thói quen này, và tôi đã quyết tâm từ bỏ nó để giữ an toàn cho tính mạng của bản thân. Hay đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe gắn máy, dẫn đến thiệt mạng về tính mạng con người được đưa tin trên báo là do việc nạn nhân không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đặc biệt là những vụ tai nạn đâm xe có nạn nhân là những học sinh không đội mũ bảo hiểm, lái xe với tốc độ nhanh khi đi trên đường. Đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương đầu và tử vong do tai nạn giao thông gây ra, cần hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm mỗi khi ra đường.

      Vậy để từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm thì cần phải làm như thế nào? Chính phủ và Nhà nước ta cũng đã đưa ra những điều luật, hình phạt cho những ai tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm, phạt tiền hoặc tịch thu xe, bằng lái xe. Nhưng nếu chỉ đưa ra bộ luật mà người dân không tự ý thức về thói quen, hành vì của mình thì tình trạng không đội mũ bảo hiểm vẫn sẽ diễn ra. Đầu tiên, mũ bảo hiểm đạt chuẩn thường không phù hợp với thẩm mỹ của một số người đặc biệt là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, do đó các bậc phụ huynh có thể trang trí thêm một số hình dán lên mũ bảo hiểm cho đẹp hơn. Ngoài việc trang trí mũ cho hợp thẩm mỹ thì chúng ta cần phải luôn ghi nhớ việc đội mũ bảo hiểm khi ra đường, có thể luôn treo mũ ở xe hoặc để mũ ở trên tủ giày hay treo ở gần cửa, … để mỗi khi ra ngoài chúng ta sẽ nhìn thấy và không bị quên phải đội mũ nữa. Việc để mũ ở những nơi dễ thấy, dễ cầm sẽ giúp ta hình thành thói quen đội mũ dễ dàng hơn, sẽ không còn tình trạng quên không đội mũ mỗi khi ra ngoài nữa. Một khi người lớn đã có thói quen đội mũ bảo hiểm thì việc hình thành thói quen đội mũ cho trẻ em cũng sẽ đơn giản hơn, vì trẻ em thường hay học theo những việc làm của người lớn. 

      Mỗi chúng ta đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe mô tô, xe máy có thể giảm được 42% nguy cơ tử vong với xác suất tùy thuộc vào tốc độ của từng xe. Vì vậy, để hạn chế chấn thương ở đầu, mỗi người dân cần có ý thức thực hiện nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển hoặc ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Tôi và các bạn những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cũng cần có ý thức, tự hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và tuyên truyền thói quen tốt đến với mọi người xung quanh ta để bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân mình.

3. Nói và nghe

Chọn thực hiện theo nhóm học tập các nội dung nói và nghe sau đây

Nội dung 1

Thảo luận về một vấn đề đời sống hoặc văn học có nhiều ý kiến khác nhau do các bạn tự chọn, dựa trên những hiểu biết và trải nghiệm riêng của mình (chú ý sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ).

Ví dụ đề bài: Bàn về thơ, nhà phê bình văn học Belinsky (1811- 1848) cho rằng: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài: Dẫn dắt và trích dẫn câu nói cần nghị luận, nêu vấn đề nghị luận: Giá trị của thơ.

2. Thân bài

- Giải thích ý nghĩa câu nói: Vai trò của cuộc đời với thơ ca, giá trị của thơ ca là cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

- Thơ trước hết là cuộc đời:

  + Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn chương là gắn bó sâu sắc với cuộc sống và vì cuộc sống - giá trị nhân đạo.

  + Thơ được kết tinh bởi những rung động và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ với thế giới xung quanh nên chất liệu thơ chính là những chất liệu từ cuộc sống. Đó có thể là những sự vật hoặc từ chính cuộc đời nhà thơ.

  + Lấy dẫn chứng phân tích: Sang thu, Tây Tiến... phân tích chất liệu cuộc đời được sử dụng để sáng tạo bài thơ.

  + Đánh giá lại giá trị của thơ.

- Thơ là nghệ thuật:

  + Nếu cuộc đời bước vào trong thơ mà không được trau chuốt sẽ thô sơ và không có tính nghệ thuật.

  + Tất cả chất liệu cuộc sống được phát hiện và chọn lựa đều phải được mài giũa mới trở thành hình ảnh thơ.

  + Nhà thơ thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật để đưa cuộc sống bình thường vào những bài thơ dạt dào cảm xúc

  + Dẫn chứng: thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Huy Cận...

3. Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa câu nói và rút ra bài học tiếp nhận văn học.

Nội dung 2

Giới thiệu và đánh giá về một tác phẩm văn học (thơ trữ tình, truyện thần thoại, sử thi, kịch bản chèo, tuồng dân gian....) theo danh mục được gợi ý trong các phần củng cố, mở rộng sau mỗi bài học.

Ví dụ đề bài : Giới thiệu về Chữ Người tử tù – Nguyễn Tuân.

Dàn ý tham khảo:

1. Vài nét về tác giả Nguyễn Tuân

    Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ, một nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác ông đã tạo nên những tác phẩm rất có giá trị về mặt nội dung cũng như nghệ thuật và Chữ người tử tù là một tác phẩm như thế.

2. Giới thiệu về tác phẩm Chữ người tử tù

a. Xuất xứ:

      Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng đăng trên tạp chí Tao đàn số 29 vào năm 1938, sau đó đã được in trong tập Vang bóng một thời và được đổi tên thành Chữ người tử tù.

b. Nội dung: trong truyện ngắn này, Nguyễn Tuân tập trung ca ngợi cái đẹp, cái tài, cái thiên lương.

- Nhân vật trung tâm mà tác giả tập trung khắc họa đó là Huấn Cao – một tử tù của triều đình nhưng đặc biệt nổi tiếng khắp vùng với biệt tài viết chữ. Đó là một con người trọng nghĩa khí, là hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.

- Không chỉ có nhân vật Huấn Cao mà tấm lòng trong sáng, biết thưởng thức và giữ gìn cái đẹp còn được thể ở nhân vật thầy thơ lại và viên quản ngục. Đặc biệt, tấm lòng của viên quản ngục được Nguyễn Tuân coi là “một thanh âm trong trẻo chen vào một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.”

c. Nghệ thuật: Chữ người tử tù còn đặc biệt xuất sắc bởi những giá trị nghệ thuật mà tác giả xây dựng.

- Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật tạo tình huống truyện thật độc đáo đó là cuộc gặp gỡ chốn lao tù giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Trên bình diện xã hội họ là kẻ thù. Còn trên bình diện nghệ thuật, họ là những tri kỉ. Tình huống truyện độc đáo đã góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật và tô đậm chủ đề của tác phẩm.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng hết sức đặc sắc. Nhân vật được xây dựng từ cái nhìn tài hoa của người nghệ sĩ với bút pháp lãng mạn, đặt nhân vật trong mối liên hệ tương phản và cách miêu tả gián tiếp.

- Nghệ thuật tạo dựng cảnh cho chữ. Tác giả đã sử dụng triệt để thủ pháp đối lập để miêu tả cảnh cho chữ  “xưa nay chưa từng có”, qua đó góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Nguyễn Tuân còn đặc biệt cho thấy mình là bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ với việc sử dụng một loạt các từ Hán Việt rất đắt giá tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính và bi tráng.

3. Tổng kết 

      Truyện ngắn Chữ người tử tù là một tác phẩm xuất sắc cho thấy tài năng nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân.

Nội dung 3

Lớp học của bạn đã có những hoạt động trải nghiệm gì trong thời gian qua? Hãy lập đề cương cho bản báo cáo kết quả của một trong những hoạt động trải nghiệm đó và trình bày trước nhóm học tập.

Báo cáo tham khảo:

Đề cương báo cáo kết quả hoạt động trải nghiệm của lớp 10A2

1. Số lượng người tham gia

Tổng số 45 người trong đó: 

- Học sinh của lớp là 40 thành viên.

- Giáo viên và đại biểu của lớp là 5 người.

2. Kết quả

- Buổi trải nghiệm diễn ra an toàn, đúng kế hoạch thực tế.

- Học sinh của lớp tham gia vui vẻ.

- Hăng say khám phá những điều lý thú, bổ ích, tích lũy được nhiều điều hay về truyền thống lịch sử, tham quan và tìm hiểu rõ về các di tích, danh lam thắng cảnh.

- Bày tỏ lòng biết ơn đến các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc.

3. Bài học kinh nghiệm

- Lớp cần tích cực nêu cao tinh thần đoàn kết.

- Cần hăng hái tham gia các hoạt động hơn.

- Mong muốn các bậc phụ huynh và GVCN tạo ra những chuyến đi ý nghĩa.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Hệ thống hóa các kiến thức đã học Tập 1

1 940 09/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: