Lý thuyết Làm quen với biểu thức. Tính giá trị của biểu thức lớp 3
Tóm tắt nội dung chính bài Làm quen với biểu thức. Tính giá trị của biểu thức lớp 3 môn Toán gồm lý thuyết ngắn gọn, các dạng bài tập về Làm quen với biểu thức. Tính giá trị của biểu thức điển hình và các ví dụ minh họa giúp học sinh nắm vững kiến thức từ đó biết cách làm bài tập Làm quen với biểu thức. Tính giá trị của biểu thức Toán lớp 3.
Lý thuyết Làm quen với biểu thức. Tính giá trị của biểu thức lớp 3
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Lý thuyết:
+ Giá trị của biểu thức là kết quả sau khi thực hiện các phép tính trong biểu thức.
+ Nếu trong biểu thức chỉ có chứa phép tính cộng và phép trừ, thì ta thực hiện các phép tính theo thứ tự từ trái sang phải
+ Nếu trong biểu thức chỉ có chứa các phép tính nhân, chia, thì ta thực hiện các phép tính theo thứ tự từ trái sang phải.
+ Nếu trong biểu thức có các phép tính cộng, trừ, nhân, chia thì ta thực hiện các phép tính nhân, chia trước; rồi thực hiện các phép tính cộng, trừ sau.
+ Khi tính giá trị của biểu thức có dấu ngoặc ( ) thì trước tiên ta thực hiện các phép tính trong ngoặc.
Ví dụ: Giá trị của biểu thức 125 + 20 là bao nhiêu?
Lời giải:
Ta có: 125 + 20 = 145
Vậy giá trị của biểu thức 125 + 20 là 145.
II. CÁC DẠNG TOÁN
Dạng 1: Tính giá trị của biểu thức
Phương pháp:
+ Nếu trong biểu thức chỉ có chứa phép tính cộng và phép trừ, thì ta thực hiện các phép tính theo thứ tự từ trái sang phải
+ Nếu trong biểu thức chỉ có chứa các phép tính nhân, chia, thì ta thực hiện các phép tính theo thứ tự từ trái sang phải.
+ Nếu trong biểu thức có các phép tính cộng, trừ, nhân, chia thì ta thực hiện các phép tính nhân, chia trước; rồi thực hiện các phép tính cộng, trừ sau.
+ Khi tính giá trị của biểu thức có dấu ngoặc ( ) thì trước tiên ta thực hiện các phép tính trong ngoặc.
Ví dụ 1: Tính giá trị biểu thức sau:
a) 205 + 68 – 45
b) 8 × 5 : 4
Lời giải:
a) Ta có:
205 + 68 – 45 = 273 – 45 = 228
Vậy giá trị của biểu thức đã cho là 228.
b) Ta có:
8 × 5 : 4 = 40 : 4 = 10
Vậy giá trị của biểu thức đã cho là 10.
Ví dụ 2: Biểu thức nào dưới đây có giá trị bằng 160?
A. 37 – 5 × 5
B. 60 × 2 + 40
C. 200 + 120 : 2
Lời giải:
Ta có:
37 – 5 × 5 = 37 – 25 = 12
60 × 2 + 40 = 120 + 40 = 160
200 + 120 : 2 = 200 + 60 = 260
Vậy biểu thức 60 × 2 + 40 có giá trị bằng 160.
Đáp số: B
Ví dụ 3: Cho biểu thức: 230 – (45 – 15)
Minh nói rằng biểu thức đã cho có giá trị bằng 200.
Ngọc nói rằng biểu thức đã cho có giá trị bằng 170.
Theo em, bạn nào nói đúng?
Lời giải:
Ta có: 230 – ( 45 – 15 ) = 230 – 30 = 200
Vậy biểu thức đã cho có giá trị bằng 200. Do đó bạn Minh nói đúng.
Đáp số: Minh nói đúng
Dạng 2: So sánh
Phương pháp:
Bước 1: Tính giá trị của các biểu thức.
Bước 2: So sánh giá trị vừa tìm được.
Ví dụ: Điền dấu thích hợp ( >; <; = ) vào ô trống:
(421 – 301) : 3 ….. 50
Lời giải:
Ta có: (421 – 301) : 3 = 120 : 3 = 40
Vì 40 < 50 nên (421 – 301) : 3 < 50.
Vậy dấu cần điền vào chỗ chấm là: <
Dạng 3: Toán có lời văn.
Phương pháp:
Bước 1: Đọc và tìm hiểu đề bài.
Bước 2: Tìm cách giải.
Bước 3: Trình bày bài giải và kiểm tra kết quả vừa tìm được.
Ví dụ: Người ta xếp 600 cái bánh vào các hộp, mỗi hộp 3 cái. Sau đó xếp các hộp vào các thùng, mỗi thùng 4 hộp. Hỏi có bao nhiêu thùng bánh?
Lời giải:
Có số thùng bánh là:
600 : 3 : 4 = 50 (thùng)
Đáp số: 50 thùng
Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Toán lớp 3 đầy đủ, chi tiết khác:
Hình chữ nhật. Chu vi hình chữ nhật
Các số có bốn chữ số. Số 10 000
Xem thêm các chương trình khác: