Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi trang 94 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi trang 94 Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

1 602 20/03/2024


Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi

* Khái niệm

- Bài văn kể lại một chuyến đi thuộc kiểu văn bản tự sự. Trong đó, người viết kể lại các sự việc của chuyến đi mà mình đã tham gia (một chuyến đi), có kết hợp với yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc cả hai yếu tố này để tăng sự sinh động cho bài viết.

* Yêu cầu đối với kiểu văn bản

- Kể lại một chuyến đi theo ngôi thứ nhất.

- Nêu được các thông tin cơ bản về chuyển đi; miêu tả quang cảnh, không gian, thời gian diễn ra chuyến đi.

- Kể lại chân thực các sự việc theo trình tự hợp lí.

- Kết hợp với yếu tố miêu tả hay biểu cảm, hoặc cả hai yếu tố để bài văn thêm sinh động, hấp dẫn.

Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi trang 94 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:

Văn bản: Về Ba Tri thăm Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu

Câu 1 (trang 94 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 2): Đoạn mở bài, kết bài trong văn bản trên đã đáp ứng yêu cầu của kiểu bài kể lại một chuyến đi như thế nào?

Trả lời:

- Bài văn kể lại chuyến về thăm Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri:

+ Mở bài: giới thiệu và cảm nhận chung của người viết về chuyến đi.

+ Kết bài: nêu cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa của chuyến đi.

→ Các phần trên đã đáp ứng yêu cầu của kiểu bài.

Câu 2 (trang 94 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 2): Liệt kê các sự việc được kể, xác định sự việc chính và trình tự kể về các sự việc trong phần thân bài.

Trả lời:

- Các sự việc được kể:

+ Các hoạt động trên xe di chuyển về điểm tham quan.

+ Tham quan khu đền thờ cũ.

+ Tham quan khu đền thờ mới; ngắm tượng cụ Đồ Chiểu; nghe giới thiệu, thuyết minh về cuộc đời cụ.

+ Tham quan một số điểm khác ở khu lăng mộ, khu tưởng niệm rồi lên xe trở về.

- Sự việc chính: Hoạt động tham quan khu di tích.

- Các sự việc trên được kể theo trình tự thời gian cũng là theo diễn biến của chuyến đi.

Câu 3 (trang 95 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 2): Tìm một số câu văn, từ ngữ trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp kể với miêu tả, biểu cảm. Việc kết hợp các yếu tố đó có tác dụng gì?

Trả lời:

Một số câu văn

Tác dụng

– Kết hợp kể với miêu tả (các cụm từ in đậm), ví dụ:

Ba chiếc xe du lịch chở hơn một trăm học sinh của trường từ từ lăn bánh, rồi tăng tốc, bon bon chạy về Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Đó là một khu nhà kiên cố dựng theo hình tròn thoáng đãng, mái ngói màu xanh, nền lát gạch bóng, rất khang trang, trên các cửa ra vào và trần nhà trang trí hình hoa sen, cuốn thư, ngòi bút, hoa lá, hay trống đồng...

– Kết hợp kể, miêu tả với biểu cảm (các cụm từ in đậm), ví dụ:

Giọng cô thật truyền cảm, vừa trong trẻo vừa ấm áp, nhất là khi cô đọc thơ cụ...

Trên đường về, tôi cứ nghĩ miên man với câu hỏi: Trong hoàn cảnh khó khăn như cụ Đồ, liệu có mấy người vẫn có thể sống có ích, vẫn đấu tranh và làm việc nghĩa được như cụ...? Càng nghĩ, tôi càng khâm phục tấm lòng yêu nước, thương dân, cốt cách bình đi, gần gũi, nghị lực phi thường và những gì mà cụ Đồ Chiểu đã làm được cho đời.

Phát huy ưu thế của nhiều loại yếu tố, làm cho chuyến đi trở nên sinh động, lời văn vừa sáng rõ (qua việc kể diễn biến sự việc), vừa gợi tả (qua miêu tả) và truyền cảm (qua biểu cảm).

Câu 4 (trang 95 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 2): Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi là gì? Ý nghĩa đó được thể hiện trong bài viết bằng cách nào? Việc sử dụng ngôi thứ nhất để kể lại chuyến đi có tác dụng gì trong việc thể hiện ý nghĩa đó?

Trả lời:

- Ý nghĩa của chuyến đi: Tham quan, học hỏi tấm gương cụ Đồ Chiểu,…

- Ý nghĩa được nói rõ ở đoạn kết.

- Ngôi thứ nhất giúp người viết thể hiện trực tiếp những quan sát, cảm xúc cũng như những trải nghiệm thực tế của bản thân; gây được niềm tin về tính xác thực và việc giao tiếp với người đọc cũng thuận lợi hơn...

Câu 5 (trang 95 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 2): Từ bài viết trên, em rút ra được lưu ý gì khi viết bài văn kể lại một chuyến đi?

Trả lời:

- Em rút ra được lưu ý khi viết bài văn kể lại một chuyến đi là:

+ Cần phải sắp xếp sự việc theo trình tự thời gian.

+ Thuật lại được diễn biến của chuyển đi cũng như các sự việc quan trọng.

+ Tạo được điểm nhấn để tránh dàn trải, dài dòng.

+ Kết hợp tự nhiên các yếu tố miêu tả, biểu cảm....

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 95 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 2):

Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc (bài viết cả sử dụng yếu tố miêu tả hoặc biểu cảm hoặc kết hợp cả hai yếu tố ấy).

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định yêu cầu của đề: Đối tượng viết, mục đích viết, người đọc, nội dung và cách viết.

- Xem lại đặc điểm của kiểu bài.

- Nhớ lại, tập hợp và ghi chép những tư liệu liên quan về chuyển đi mà em đã tham gia.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý: hoàn cảnh, lí do, mục đích thực hiện chuyến đi; những người cùng tham dự; phương tiện di chuyển, khung cảnh, không khí chuyến đi; trình tự các hoạt động từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc,…

- Lập dàn ý:

Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi trang 94 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

* Ví dụ Dàn ý kể lại chuyến thăm quan nhà tưởng niệm Nguyễn Trãi và danh thắng Côn Sơn.

1. Mở bài

- Giới thiệu về chuyến đi.

- Nêu ấn tượng ban đầu về chuyến đi.

2. Thân bài

- Nêu những thông tin cơ bản về chuyến đi.

- Thuật lại chuyến đi (thời gian, địa điểm, sự kiện, cảm xúc...); kết hợp kể với miêu tả:

+ Sáng sớm được bố chở đến trường tập trung đoàn.

+ Bảy giờ đến Côn Sơn.

+ Miêu tả cảnh vật Côn Sơn, liên hệ tới tác phẩm của Nguyễn Trãi.

+ Đến thăm đền thờ, khu tưởng niệm Nguyễn Trãi; thăm đỉnh bàn cờ,…

+ Buổi chiều, trải nghiệm đi bộ xuống núi.

+ Chiều muộn, về đến nhà, kết thúc chuyến đi.

- Nêu ấn tượng đặc biệt của người viết khi tham gia chuyến đi: vui vẻ, thích thú, trải nghiệm với những cảm giác tuyệt diệu,…

3. Kết bài

- Khẳng định lại tình cảm hay suy nghĩ sâu sắc của bản thân qua chuyến đi.

- Nêu giá trị hay bài học từ chuyến đi.

Bước 3: Viết bài

- Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài.

Bài văn mẫu tham khảo:

Cuối năm học vừa qua, nhờ thành tích học tập xuất sắc nhất khóa mà lớp chúng tôi được nhà trường thưởng cho một chuyến thăm quan nhà tưởng niệm Nguyễn Trãi và danh thắng Côn Sơn. Chuyến đi ấy thực sự đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc.

Sáng hôm đó, tôi dậy từ rất sớm, ăn sáng và được bố chở đến trường tập trung. Khi xe bắt đầu đi được vài cây số, thì cũng là lúc bạn Hà quản ca bắt nhịp cho chúng tôi hát, những bài ca của Đội thiếu nhi vang lên làm cho Đoàn tham quan có một không khí vô cùng hứng khởi. Ai ai cũng háo hức đón chờ chuyến tham quan thú vị và bổ ích. Hơn bảy giờ, chúng tôi đã đến Côn Sơn.

Từ xa, chúng tôi đã thấy dãy núi Côn Sơn bạt ngàn thông xanh. Cả lớp hò reo, thích thú. Tiếng lá thông đang ngân vang trong gió tạo nên những bản nhạc du dương đầy lôi cuốn. Vừa tới cổng khu vực tham quan, tôi đã thấy một tấm bảng lớn có đề dòng chữ “Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, thầy giáo dạy văn giảng giải. Đó là một câu trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Câu văn thể hiện chính nghĩa cũng như lòng nhân ái của nhân dân ta.

Xuống xe, chúng tôi có 30 phút để nghỉ ngơi và ăn sáng. Nơi chúng tôi được đến đầu tiên là đền thờ Nguyễn Trãi. Chị hướng dẫn viên du lịch với chất giọng nhẹ nhàng đầm ấm đã đưa chúng tôi tìm hiểu cả cuộc Nguyễn Trãi để rồi đứa nào đứa nấy trong chúng tôi thầm cảm phục. Không ngờ một danh nhân như Nguyễn Trãi lại có cuộc đời gian truân đến vậy. Có điều dù gian nan nhưng lúc nào Nguyễn Trãi cũng vươn lên để trung quân ái quốc.

Ra khỏi khu tưởng niệm, chúng tôi hào hứng đua nhau leo lên Đỉnh bàn cờ. Đường đi rất dài được xây dựng bằng đá, hai bên là những hàng thông xanh mát, đang dạo những khúc nhạc vi vu. Tôi đi chậm lại để được ngân nga cái cảm giác “dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn” của Nguyễn Trãi. Chúng tôi nghỉ trưa trên đỉnh núi, lần đầu tiên tôi được ăn một bữa cơm trên đỉnh một ngọn núi cao và mát rượi. Ở đó, tôi còn nhìn được về Bắc Giang quê tôi, nhìn thấy dòng Lục đầu với bao chiến công hiển hách vẫn ngày đêm đang cuộn chảy.

Khoảng hai giờ chiều, chúng tôi xuống núi, tưởng cuộc chơi đã hết, thật không ngờ, bây giờ mới là lúc thú vị nhất của buổi tham quan. Chúng tôi được thầy cho xuống bằng đường tắt. Đó là đường của những con suối cạn chảy giữa những vòm cây mát rượi bên trên. Chúng tôi được thử tất cả cảm giác của người thi sĩ ngày xưa, được ngồi, được nằm trên đá, trên những mảng rêu khô, được nghe tiếng nước chảy như tiếng đàn cầm, được áp mặt trên dòng nước suối mát lạnh đến rùng mình…Thật là một cảm giác tuyệt diệu.

Hôm ấy, chiều muộn chúng tôi mới về đến nhà, tất cả đều rất mệt nhưng vô cùng vui vẻ. Hôm sau đến lớp, chúng tôi tha hồ nhắc lại cho nhau nghe những niềm vui ngày hôm trước. Các bạn còn tặng lại những quả thông khô giống như những tháp Phật hình tròn màu nâu sậm mà ai đó có cơ may nhặt được trên đường xuống suối.

Với riêng tôi, chuyến đi ấy thật nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ là một ngày giúp tôi hiểu thêm về một danh nhân đất nước, cũng không chỉ là buổi tham quan vui vẻ cùng thầy cô và tất cả bạn bè. Nó còn vì một điều khác nữa, chuyến đi giúp tôi tin những ước mơ chân thành của tuổi thơ sẽ thành hiện thực.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm cho

Viết xong, dùng bảng kiểm sau để tự chỉnh sửa bài văn.

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu các thông tin chính của chuyến đi.

Nêu ấn tượng ban đầu về chuyến đi.

Thân bài

Thuật lại các sự kiện diễn ra trong chuyến đi theo trình tự thời gian (từ khởi đầu đến kết thúc)

Dùng ngôi thứ nhất để kể.

Sử dụng yếu tố miêu tả và/ hoặc biểu cảm nhằm hỗ trợ cho việc kể chuyện.

Kết bài

Khẳng định lại tình cảm hay suy nghĩ sâu sắc của bản thân qua chuyến đi.

Nêu giá trị hay bài học từ chuyến đi.

Trình bày, diễn đạt

Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Sử dụng các từ ngữ, câu văn liên kết các phần, các đoạn của bài văn kể chuyện.

• Đọc lại bài văn trong vai người đọc và trả lời hai câu hỏi dưới đây:

1. Điều gì của bài văn này làm em thích/ chưa thích?

2. Nên điều chỉnh những gì để bài viết hay hơn?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Nghe và nắm bắt nội dung chính đã trao đổi, thảo luận và trình bày lại nội dung đó

Ôn tập trang 98

Tri thức ngữ văn trang 100

Bạn đến chơi nhà

Đề đền Sầm Nghi Đống

1 602 20/03/2024