Soạn bài Đi lấy mật trang 18 (Kết nối tri thức)

Với soạn bài Đi lấy mật Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 59915 lượt xem
Tải về


Soạn bài Đi lấy mật

Bài giảng Soạn văn lớp 7 Tập 1 Soạn bài Đi lấy mật

* Trước khi đọc

Câu hỏi (trang 18 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1 ):

Hãy kể tên một số miền quê của Việt Nam mà em từng đến thăm hoặc biết tới qua tác phẩm nghệ thuật (tranh ảnh, phim, thơ văn, ...). Nơi nào đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất?

Trả lời:

- Một số miền quê của Việt Nam mà em đã từng đến thăm hoặc được biết tới qua các tác phẩm nghệ thuật là: Cà Mau, phố Kì Lừa, Đảo Cô Tô… Em được biết các địa danh trên qua các tác phẩm văn học như Sông nước Cà Mau (Ngữ Văn 6), Cô Tô (Ngữ văn 6), Bài ca dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa” (Ngữ văn 7).

- Các địa danh trên đều có những nét đẹp riêng nhưng có lẽ đảo Cô Tô là nơi để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Cô Tô có một bầu không khí vô cùng trong lành, những dòng nước biển xanh, những tia nắng chiếu xuống mặt nước tạo nên một bức tranh vô cùng tráng lệ khiến du khách muốn quay trở lại nơi đây thêm một lần nữa. Hơn thế nữa, con người ở đây cũng vô cùng thân thiện, hiếu khách nên đã để lại cho em những ấn tượng khó quên.

* Đọc văn bản

1. Hình dung: Khung cảnh thiên nhiên qua cái nhìn của nhân vật An.

 Trả lời:

Qua cái nhìn của nhân vật An, khung cảnh thiên nhiên của rừng U Minh được hiện lên tràn đầy nhựa sống, có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của các loài vật, loài cây cũng như những sự vật của thiên nhiên như trời, ánh sáng, đầu hoa tràm, sông ngòi…khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh. Điều đó cho thấy khả năng quan sát và cảm nhận về thiên nhiên của nhân vật An vô cùng tinh tế và sâu sắc.

2. Theo dõi: Chú ý những chi tiết miêu tả ngoại hình và cử chỉ của các nhân vật.

Trả lời:

- Những chi tiết miêu tả ngoại hình và cử chỉ của nhân vật tía nuôi:

+ Bên hông lủng lẳng chiếc túi […], lưng mang cái gùi bằng tre đan đã trát chai, tay cầm chà gạc.

+ Lâu lâu, ông vung tay lên một cái, đưa con dao rừng rất sắc phạt ngang một nhánh gai và dùng cái mẩu cong ở đầu lưỡi dao dài có đến sáu bảy tấc ấy lôi phăng nhánh gai chắn đường đứt ra một bên để lấy lối đi.

+Ngồi tựa lưng vào một gốc cây ngái, nhồi thuốc lá vào tẩu.

- Những chi tiết miêu tả ngoại hình và cử chỉ của thằng Cò:

+ Thằng Cò đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.

+ “Cặp chân của nó như bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng còn chả mùi gì nữa là!”

- Những chi tiết miêu tả ngoại hình và cử chỉ của nhân vật An:

+ Chen vào giữa, quảy tòn ten một cái gùi bé mà má nuôi tôi đã bơi xuồng đi mượn của nhà ai ngoài xóm bìa rừng từ chiều hôm qua.

+ Đảo mắt khắp nơi tìm bầy ong mật.

+ Reo lên khi nhìn thấy bầy chim đẹp…

3. Theo dõi: Chú ý những suy nghĩ của nhân vật An về tía nuôi, về Cò.  

Trả lời:

Những suy nghĩ của nhân vật An về tía nuôi, về Cò:

- Về tía nuôi:

+Là một người có nhiều kinh nghiệm quý báu trong công việc.

+Là một người cha luôn yêu thương và quan tâm con cái, không cần quay lại, chỉ cần nghe “tôi” thở thôi cũng cảm nhận được cậu đang mệt và cần được nghỉ ngơi.

- Về Cò: là người có sự am hiểu về ong mật và cách để tìm thấy ong mật.

4. Theo dõi: Cò giảng giải cho An những gì?  

Trả lời:

 Cò giảng giải cho An cách để tìm thấy ong mật: “Cứ nhìn kĩ vào khoảng cách giữa hai nhánh tràm cao kia” “nhìn một chỗ trống ấy” “nó tới liền bây giờ”.

5. Hình dung: vẻ đẹp phong phú, sống động của rừng.

Trả lời:

Tác phẩm đã tái hiện một vẻ đẹp trù phú, sống động vô cùng của núi rừng, là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…

 6. Tóm tắt: Nội dung câu chuyện của má nuôi An.  

Trả lời:

Má nuôi An có dặn dò và chỉ An cách nhận biết được bầy ong, lấy mật bằng cách quan sát nhành cây, hướng gió, tính trước đường bay của ong mật.

7. Theo dõi: Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật.

Trả lời:

Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật giản dị, đời thường, có sự chuyển đổi qua lại luân phiên từ 2 phía (Tôi- thằng Cò, tôi- Má nuôi).

8. So sánh: Sự khác biệt trong cách “thuần hóa” ong rừng của người dân vùng U Minh.

Trả lời:

 - Sự khác biệt trong cách “thuần hóa” ong rừng của người dân vùng U Minh.

Người dân vùng U Minh có cách “thuần hóa” ong rừng bằng tổ ong hình nhánh kèo, đây là cách thuần hóa mà không có nơi nào, xứ nào có. Đó chũng chính là điểm khác biệt trong cách thuần hóa ong rừng của người dân vùng U Minh so với người La Mã xưa, Mễ Tây cơ, Ai Cập, Phi châu và xứ Tây Âu…

* Sau khi đọc

Nội dung chính Đi lấy mật

Văn bản tái hiện lại hành trình đi “ăn ong” của nhân vật tôi cùng với tía nuôi và thằng Cò. Qua đó làm nổi bật hình ảnh rừng U Minh với những sắc màu lộng lẫy, cuồn cuộn tràn đầy sức sống.

Soạn bài Đi lấy mật Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 24 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1): Đoạn trích có những nhân vật nào? Em hãy chỉ ra mối quan hệ giữa các nhân vật đó.

Trả lời:

- Bốn nhân vật xuất hiện trong đoạn trích là: An, Cò, tía nuôi và má nuôi.

- Mối quan hệ của bốn nhân vật trong đoạn trích là: An được ông lão bán rắn nhận làm con nuôi và là anh em của thằng Cò. An đã được sống trong một gia đình hạnh phúc và tràn đầy yêu thương.

Câu 2 (trang 24 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Nêu cảm nhận về nhân vật tía nuôi của An. Cảm nhận của em dựa trên những

chi tiết tiêu biểu nào?

Trả lời:

Tía nuôi của An là một người đàn ông từng trải và rất quan tâm đến những đứa con. Đưa các con vào rừng “ăn ong”, ông đi trước, mang theo những vật dụng cần thiết như túi, cái gù, chà gạc và dẫn đường cho chúng. Một người từng trải và nhiều kinh nghiệm đi rừng sẽ luôn đi trước để dẫn dắt. Bên cạnh đó, chi tiết ông nói các con nghỉ chân ăn cơm cho thấy ông là người cha quan tâm và yêu thương con. Tuy không cần quay lại nhìn nhưng chỉ cần nghe nhân vật “tôi” thở, ông cũng cảm nhận được cậu bé đang mệt, cần nghỉ ngơi.

Câu 3 (trang 24 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Cảnh sắc thiên nhiên rừng U Minh được nhà văn tái hiện qua cái nhìn của ai? Em

hãy nhận xét khả năng quan sát và cảm nhận về thiên nhiên của nhân vật ấy.

Trả lời:

Cảnh sắc thiên nhiên rừng U Minh được nhà văn tái hiện qua cái nhìn của cậu bé An. Cảnh sắc thiên nhiên của rừng U Minh hiện lên tràn đầy sức sống, có sự xuất hiện của các loài vật, loài cây cũng như những sự vật của thiên nhiên. Điểu này cho thấy khả năng quan sát và cảm nhận về thiên nhiên một cách tinh tế và sâu sắc của nhân vật cậu bé An.

Câu 4 (trang 24 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Theo em, nhân vật Cò là một cậu bé sinh ra và lớn lên ở đâu? Điều gì khiến em

khẳng định như vậy? 

Trả lời:

Theo em nhân vật Cò sinh ra và lớn lên ở núi rừng U Minh. Em khẳng định như vậy nhờ chi tiết nhân vật “tôi” suy nghĩ về thằng Cò “Cặp chân của nó như bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng còn chả mùi gì nữa là!”.

Câu 5 (trang 24 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Nhân vật An đã được nhà văn miêu tả qua những chi tiết nào (ngoại hình, lời nói, hành động, suy nghĩ, cảm xúc, mối quan hệ với các nhân vật khác, ...)? Em hãy dựa vào một số chi tiết tiêu biểu để khái quát đặc điểm tính cách của nhân vật An.

Trả lời:

Nhân vật An được nhà văn miêu tả qua những chi tiết:

- Hành động:

 +Chen vào giữa, quảy tòn ten một cái gùi bé mà má nuôi tôi đã bơi xuồng đi mượn. + Đảo mắt khắp nơi để tìm bầy ong mật.

+ Reo lên khi nhìn thấy bầy chim đẹp.

+ Ngước nhìn tổ ong như cái thúng.

- Suy nghĩ:

+ Về những lời má nuôi đã dạy mà không có trong sách giáo khoa.

+ Về thằng Cò: An nghĩ Cò chưa thấm mệt vì cặp chân như bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng còn chẳng thấy mùi.

+ Lặng im vì nghĩ rằng nếu hỏi gì thì bị khinh vì cái gì cũng không biết.

+ Nghĩ lại những lời má kể

 - Trạng thái, cảm xúc:

+ Mệt mỏi sau một quãng đường đi.

+ Vui vẻ reo lên và đúc kết ra những điều quý giá để có thể nhìn thấy được bầy ong mật.

- An có những quan sát và miêu tả rất tinh tế về khu rừng U Minh.

- An có mối quan hệ rất tốt với bá nuôi và tía nuôi, cậu bé luôn lăng nghe những lời chỉ bảo của mọi người. Tuy An với Cò rất hay cãi nhau, nghịch ngợm nhưng cũng đều là những người thân thiết, gắn bó.

An là một cậu bé nghịch ngợm nhưng lại ham học hỏi và khám phá. Cậu bé có những suy nghĩ, quan sát và rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Câu 6 (trang 24 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1):

Đọc đoạn trích, em có ấn tượng như thế nào về con người và rừng phương Nam?

Trả lời:

Qua đoạn trích, cong người và núi rừng phương Nam để lại cho em ấn tượng vô cùng đặc biệt. Thiên nhiên núi rừng tràn đầy nhựa sống, hùng vĩ, hoang sơ. Con người chăm chỉ lao động và có nhiều kinh nghiệm với nghề…

* Viết kết nối với đọc 

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5 -7 câu) trình bày cảm nhận của em về một chi tiết thú vị trong đoạn trích Đi lấy mật.

Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về một chi tiết thú vị trong đoạn trích Đi lấy mật (Mẫu 1)

Trong đoạn trích “Đi lấy mật”, chi tiết người dân vùng U Minh “thuần hóa” ong rừng là một chi tiết thú vị. Trong khi các nơi khác nuôi ong bằng những chiếc tổ nhân tạo bằng những vật liệu khác nhau như tổ bằng đồng hình chiếc vại, tổ bằng đất nung, tổ bằng sành… thì người dân vùng U Minh nuôi ong kiểu tổ hình nhánh kèo. Vì biết tập tính của loài ong rừng, họ biết rằng không phải ngẫu nhiên mà ong đóng trên một cành cây nào đó nên họ đã định sẵn cho chúng một nơi để đóng tổ. Qúa trình dựng tổ cho ong cũng rất tỉ mỉ vì chúng không đóng chỗ rợp, ong chúa thì kị, không bao giờ đóng tổ ở những nơi còn mùi sắt của con dao chặt kèo. Sự độc đáo, mới lạ trong cách nuôi ong rừng đã khiến nơi đây trở nên khác biệt, không nơi nào xứ nào giống như vậy.

Bài giảng Ngữ văn lớp 7 Tập 1 Soạn bài Đi lấy mật

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 10

Soạn bài Bầy chim chìa vôi

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 17

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 24

Soạn bài Ngàn sao làm việc

Soạn bài Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài

Soạn bài Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm

Soạn bài Củng cố và mở rộng trang 32

Soạn bài Thực hành đọc: Ngôi nhà trên cây

1 59915 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: