Tranh chấp thương mại là gì? Các loại tranh chấp thương mại

Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Tranh chấp thương mại thực chất là tranh chấp hợp đồng. Đây là các tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại

1 229 21/11/2023


Tranh chấp thương mại là gì? Các loại tranh chấp thương mại

1. Thế nào là tranh chấp thương mại?

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định rằng Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Tranh chấp thương mại là gì? Các loại tranh chấp thương mại (ảnh 1)

Dựa vào khái niệm trên có thể suy ra rằng tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng) giữa hai bên hợp tác với nhau về quyền, nghĩa vụ trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại.

2. Đặc điểm của tranh chấp thương mại

- Thứ nhất, tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể. Mâu thuẫn được hiểu là trạng thái xung đột, đối xứng nhau về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tranh chấp. Quan hệ thương mại và bất đồng giữa các bên trong quan hệ thương mại là điều kiện cần và đủ để tranh chấp phát sinh. Trong hoạt động thương mại, các bên vừa hợp tác đồng thời vừa cạnh tranh nhau để đạt được nhũng mục đích đề ra. Do đó, việc phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên là điều tất yếu.

Các quan hệ thương mại có bản chất là các quan hệ tài sản nên nội dung tranh chấp thường liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các bên. Thông thường, những mâu thuẫn bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh trong các mối quan hệ cụ thể bao gồm:

+ Mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn kĩ thuật; vận chuyên hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; đầu tư tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.

+ Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

+ Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

+ Tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.

- Thứ hai, những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phải phát sinh từ hoạt động thương mại.

Căn cứ phát sinh tranh chấp thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật. Trong nhiều trường hợp, tranh chấp thương mại phát sinh do các bên có vi phạm hợp đồng và xâm hại lợi ích của nhau, tuy nhiên cũng có thể có những vi phạm xâm hại lợi ích của các bên nhưng không làm phát sinh tranh chấp. Đối với tranh chấp thương mại phải là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

- Thứ ba, tranh chấp thương mại chủ yếu là tranh chấp giữa các thương nhân.

Các tranh chấp thương mại chủ yếu là những tranh chấp phát sinh giữa các thương nhân (cá nhân kinh doanh, pháp nhân) với nhau. Ngoài thương nhân là chủ thể chủ yếu của tranh chấp thương mại, trong những trường hợp nhất định, các cá nhân, tổ chức khác (không phải là thương nhân) cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại khi trong các giao dịch bên không có mục đích sinh lợi chọn áp dụng luật thương mại (Khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại năm 2005). Khoa học pháp lý gọi giao dịch này là giao dịch hỗn hợp (hành vi hỗn hợp), về bản chất, hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân không phải là hoạt động thương mại thuần túy, nhưng bên không nhằm mục đích sinh lợi đã chọn áp dụng Luật Thương mại thì quan hệ này trở thành quan hệ pháp luật thương mại và tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật này phải được quan niệm là tranh chấp thương mại. Quy tắc được pháp luật của Pháp và nhiều quốc gia áp dụng để giải quyết loại tranh chấp này đó là căn cứ vào bị đơn là thương nhân hay không phải là thương nhân. Nếu bị đơn là thương nhân thì nguyên đơn (bên có hành vi dân sự) có thể chọn Toà thương mại hoặc Tòà dân sự để giải quyết vụ tranh chấp. Trường hợp nguyên đơn chọn Toà thương mại thì các quy định khắt khe hơn của Luật Thương mại được áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp. Ngược lại, bị đơn không phải là thương nhân thì nguyên đơn (bên có hành vi thương mại) chỉ có quyền kiện ra Toà dân sự và Luật dân sự được áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp mà các quy định của Luật Thương mại không thể áp dụng cho đối phương không phải là thương nhân.

Tranh chấp thương mại là gì? Các loại tranh chấp thương mại (ảnh 1)

Tranh chấp thương mại là một trong những hệ quả của hoạt động thương mại. Vì vậy, việc nghiên cứu các đặc điểm của tranh chấp thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ là cơ sở để thấy rõ sự khác biệt với tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO trên các phương diện:

+ Tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO là tranh chấp thương mại quốc tế liên quốc gia, liên chính phủ;

+ Các bên tranh chấp là thành viên WTO, các tổ chức quốc tê, các cá nhân, pháp nhân... không thể là một bên của tranh chấp;

+ Khách thể của tranh chấp luôn liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo các hiệp định và thỏa thuận của WTO và

+ Tranh chấp phải được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (DSM).

3. Phân loại tranh chấp thương mại

Dựa trên những căn cứ pháp lý khác nhau, tranh chấp thương mại được chia thành các loại tranh chấp sau:

- Căn cứ theo phạm vi lãnh thổ: Tranh chấp thương mại bao gồm tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại quốc tế.

- Căn cứ vào số lượng các bên tranh chấp: tranh chấp thương mại bao gồm tranh chấp thương mại hai bên và tranh chấp thương mại nhiều bên.

- Căn cứ vào lĩnh vực tranh chấp: tranh chấp thương mại gồm tranh chấp liên quan đến hợp đồng, tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đâu tư, tài chính...

- Căn cứ vào quá trình thực hiện: tranh chấp thương mại bao gồm các tranh chấp trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng và tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

- Căn cứ vào thời điểm phát sinh tranh chấp: tranh chấp thương mại bao gồm: tranh chấp thương mại hiện tại và tranh chấp thuơng mại trong tương lai.

4. Yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp thương mại

Tranh chấp thương mại đã trở thành một hiện tượng tất yếu khách quan của nền kinh tế thị trường. Khi tranh chấp thương mại phát sinh đòi hỏi cần phải được giải quyết một cách minh bạch và hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, góp phần ngăn ngừa sự vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, bảo đảm trật tự pháp luật, kỉ cương xã hội. Giải quyết các tranh chấp thương mại cần đáp ứng các yêu cầu chủ yếu sau:

- Nhanh chóng, thuận lợi, không làm hạn chế, cản trở các hoạt động kinh doanh, thương mại.

- Khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác, tín nhiệm giữa các bên trong kinh doanh, thương mại.

- Giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên.

- Kinh tế nhất (ít tốn kém nhất).

Tranh chấp thương mại là gì? Các loại tranh chấp thương mại (ảnh 1)

5. Hình thức giải quyết tranh chấp

1. Thương lượng giữa các bên.

Có thể hiểu hình thức giải quyết tranh chấp thương lượng giữa các bên là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.

Trong quá trình thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng hòa giải giữa các bên sẽ không có sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết.

Kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm hòa giải thương mại cụ thể như sau:

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP cụ thể như sau:

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

1. Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

2. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Theo đó, những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại bao gồm:

- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.

  • Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Đối với quy định giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thì tại khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cụ thể như sau:

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.

Theo đó, phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 cụ thể như sau:

- Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại được quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 cụ thể như sau:

- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

  • Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

Về nội dung giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì tại Chương II Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nêu rõ nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án bao gồm:

- Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự

- Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

- Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự

- Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

- Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai

- Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự

- Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

- Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án

- Bảo đảm tranh tụng trong xét xử

  • Những tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Đối với những tranh chấp thương mại thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cụ thể như sau:

- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

1 229 21/11/2023