Công thức tính lãi suất ngân hàng và một số quy định về mức lãi suất [cập nhật mới nhất 2024]
Hiện nay, các loại hình dịch vụ từ ngân hàng luôn đi kèm với những mức lãi suất cụ thể và được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày hàng giờ. Cách tính lãi suất ngân hàng cũng sẽ tùy theo từng hình thức mà có công thức riêng. Vậy lãi suất ngân hàng là gì? Công thức tính lãi suất ngân hàng như thế nào? Quy định phát luật về lãi suất ngân hàng ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta giải quyết thắc mắc đó.
Công thức tính lãi suất ngân hàng và một số quy định về mức lãi suất [cập nhật mới nhất 2024]
I. Lãi suất ngân hàng là gì?
1. Khái niệm lãi suất:
Khái niệm lãi suất tuy chưa có Luật nào quy định tuy nhiên qua bản chất và đặc điểm có thể hiểu. Lãi suất ngân hàng là tỷ lệ phần trăm trong hợp đồng vay, mượn giữa tiền vốn gửi vào hoặc cho vay với mức lãi trong một thời kỳ nhất định do ngân hàng quy định hoặc thỏa thuận phù hợp với hệ thống ngân hàng. Như vậy, lãi suất thể hiện tỷ lệ phần trăm của tiền gốc trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Phân loại lãi suất
Chúng ta dựa vào những tiêu chí khác nhau để phân loại lãi suất:
2.1. Dựa vào tính chất khoản vay:
Ta có các loại lãi suất sau:
– Lãi suất tiền gửi: là lãi suất ngân hàng trả cho các khoản tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng. Có nhiều mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố: thời hạn gửi, quy mô tiền gửi, tiền gửi không kỳ hạn hay tiết kiệm…
– Lãi suất cho vay: là lãi suất người đi vay tiền của ngân hàng phải trả cho ngân hàng khi ký kết hợp đồng vay tiền. Mức lãi suất này tùy thuộc vào uy tín của khách hàng, sự thỏa thuận của hai bên và tùy vào hình thức, mục đích vay và quy định của pháp luật
– Lãi suất cơ bản: Các ngân hàng dùng lãi suất cơ bản làm cơ sở ẩn định lãi suất kinh doanh của mình.
– Lãi suất liên ngân hàng: là lãi suất các ngân hàng vay mượn lẫn nhau thông qua thị trường liên ngân hàng, được các bên thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật
– Lãi suất chiết khấu: là lãi suất khách hàng phải trả cho ngân hàng khi vay dưới hình thức chiết khấu thương phiếu hoặc giấy tờ có giá trị khác chưa đến hạn thanh toán. Đặc biệt mức lãi suất này được trả trước cho ngân hàng.
– Lãi suất tái chiết khấu: là lãi suất của ngân hàng trung ương áp dụng với các ngân hàng thương mại cho vay bằng hình thức tái chiết khấu các giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán của các ngân hàng này.
2.2. Dựa vào giá trị thực của tiền lãi
Có các loại lãi suất sau:
– Lãi suất danh nghĩa: là lãi suất được tính theo giá trị danh nghĩa, chưa điều chỉnh bởi ảnh hưởng của lạm phát, nó được thể hiện trên quy ước giấy tờ đã được thỏa thuận trước.
Lãi suất danh nghĩa = Lãi suất thực tế + Tỷ lệ lạm phát
– Lãi suất thực tế: là lãi suất được tính toán lại sau khi lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát.
Nếu tỷ lệ lạm phát cao thì thực tế chi phí đi vay thấp. Lãi suất thực tế quan trọng nhất, là cái để chúng ta tính toán hiệu quả của một quyết định kinh tế. Các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, lãi suất thực là cơ sở chỉ dẫn người dân tốt hơn để đưa ra quyết định đầu tư chứng khoán hay mua trái phiếu chính phủ, gửi tiền hay vay tiền từ ngân hàng…
2.3. Dựa vào loại tiền cho vay
Ta có 2 loại lãi suất sau:
– Lãi suất nội tệ: là lãi suất đi vay và cho vay bằng nội tệ.
– Lãi suất ngoại tệ: là lãi suất đi vay và cho vay bằng đồng ngoại tệ.
Mối liên hệ giữa hai loại lãi suất này:
Lãi suất nội tệ = Lãi suất ngoại tệ + Mức tăng giá dự tính của tỷ giá hối đoái
2.4. Căn cứ vào tính linh hoạt của lãi suất:
– Lãi suất cố định: Là lãi suất được ấn định cụ thể trong hợp đồng vay, không thay đổi bởi những biến động của lãi suất thị trường. Theo đó, tiền lãi được biết trước và luôn cố định, thông thường chỉ áp dụng cho vay ngắn hạn.
Ví dụ: Một người khi vay với số tiền 15 triệu của ngân hàng trong vòng 1 năm, lãi suất cố định 12%/ năm.
Số tiền người đó đóng hàng tháng = (Tiền gốc + lãi)/tháng = 15tr/12 tháng + 15tr*1%/tháng = 1,4 triệu đồng.
– Lãi suất thả nổi (biến đổi): là lãi suất thay đổi theo từng thời kỳ, do đó nó có thể lên xuống theo lãi suất thị trường. Mức điều chỉnh lãi suất này dựa theo thỏa thuận của ngân hàng và khách hàng, quy định rõ trên hợp đồng. Kỳ điều chỉnh lãi suất có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm/lần.
Ví dụ: Một người vay cũng với số tiền 15 triệu đồng trong 1 năm nhưng trong 6 tháng đầu chịu lãi suất 0,8%/tháng, 6 tháng sau lãi suất thả nổi và ước tính 1,25%/tháng.
Số tiền người đó cần trả hàng tháng trong giai đoạn 6 tháng đầu là: 15tr/12 tháng + 15tr*0,8% = 1.370.000 đồng.
Số tiền trả hàng tháng trong 6 tháng sau: 15tr/12 tháng + 15tr*1.25% = 1.437.500 đồng.
Nếu so sánh với mức lãi suất cố định, số tiền người này trả trong 6 tháng đầu nhỏ hơn, nhưng 6 tháng sau thì chắc chắn phải đóng cho ngân hàng với số tiền cao hơn.
Khi lãi suất thị trường tăng, người đi vay chịu thiệt và ngược lại khi lãi suất giảm, người đi vay được lợi.
2.5. Căn cứ vào phạm vi tín dụng trong nước hay ngoài nước (quốc tế)
– Lãi suất quốc gia: là mức lãi suất cho các hợp đồng tín dụng trong nước.
– Lãi suất quốc tế: là lãi suất được dùng trong các hợp đồng quốc tế. Lãi suất phổ biến là LIBOR (lấy trên thị trường liên ngân hàng London), SIBOR (trên thị trường Singapore), TIBOR (trên thị trường Tokyo), NIBOR (trên thị trường NewYork).
Lãi suất ngân hàng tiếng Anh là “Bank interest rate”.
II. Ý nghĩa của lãi suất ngân hàng:
– Tầm vĩ mô: Lãi suất chính là công cụ điều tiết chính sách tiền tệ, ổn định lạm phát và phát triển sản xuất. Nó có ảnh hưởng to lớn đến việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng, khích lệ hoặc hạn chế huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi hoặc khó khăn cho các hoạt động ngân hàng.
Đồng thời lãi suất còn góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế thông qua việc điều hòa cung cầu ngoại tệ. Nếu tăng lãi suất tín dụng ngân hàng sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ vào trong nước, ngược lại nếu lãi suất giảm kéo theo giảm cung và tăng cầu ngoại tệ.
– Dựa trên góc độ vi mô: Lãi suất là cơ sở để các cá nhân, doanh nghiệp đưa ra các quyết định của mình như chi tiêu hoặc gửi tiết kiệm, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất hoặc gửi tiền vào ngân hàng, để dành cho những khoản đầu tư khác. Giúp cho những cá nhân đặc biệt là người dân khi có tiền rảnh rỗi chưa biết đầu tư vào đâu có thể lựa chọn gửi tiết kiệm, vừa giúp có tiền lãi ổn định chi tiêu cho nhu cầu cuộc sống, vừa an toàn khi cầm một số tiền lớn trong người sẽ không lo các rủi ro có thể xảy ra. mặt khác cũng giúp các ngân hàng đó có một lượng vốn nhất định xoay vòng trong kinh doanh. Việc đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn tiền cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn kinh doanh cũng giúp cho đời sống xã hội ngày một tốt lên.
III. Công thức tính lãi suất ngân hàng:
1. Công thức tính lãi suất tiền vay vốn ngân hàng:
Công thức chung:
Số tiền lãi hàng tháng = Số tiền nợ gốc x lãi suất %
1.1. Cách tính lãi dựa trên dư nợ gốc
Lãi suất trên dư nợ gốc là lãi được tính trên số tiền vay ban đầu trong suốt thời gian vay.
Ví dụ: Vay 100.000.000 VNĐ, thời hạn 2 năm (24 tháng) thì trong suốt 24 tháng, lãi suất sẽ luôn được tính trên số tiền nợ gốc là 100.000.000 VNĐ.
Cách tính này nhìn chung rất đơn giản vì số tiền gốc không đổi.
1.2. Cách tính lãi suất dựa trên dư nợ giảm dần
Cách tính lãi này dựa trên số tiền thực tế còn nợ sau khi đã trừ đi phần nợ gốc người vay đã trả trong những tháng trước đó. Số số dư nợ giảm dần thì tiền lãi mà người vay phải trả cũng sẽ giảm dần.
Công thức tính lãi suất theo dư nợ giảm dần:
- Tiền gốc hằng tháng = Số tiền vay/Số tháng vay
- Tiền lãi tháng đầu = Số tiền vay x Lãi suất vay theo tháng
- Tiền lãi các tháng tiếp theo = Số tiền gốc còn lại x Lãi suất vay
Ví dụ: B vay 30.000.000 đồng, thời hạn trong 12 tháng với mức lãi suất 12%/năm
Tiền gốc trả hằng tháng = 30.000.000/12 = 2.500.000 đồng
Tiền lãi tháng đầu = (30.000.000 x 12%)/12 = 300.000 đồng
Tiền lãi tháng thứ 2 = (30.000.000 – 2.500.000) x 12%/12 = 275.000 đồng
Các tháng tiếp theo tính tương tự như vậy cho đến khi trả hết nợ.
Ngoài ra, khi vay vốn kinh doanh, ngoài việc chọn kiểu trả lãi, chúng ta còn phải quan tâm đến các vấn đề như chọn lãi suất cho vay ngân hàng nào thấp nhất, thời hạn gói vay có phù hợp với khả năng chi trả không, quy định cụ thể của từng gói,…
2. Công thức tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm:
2.1. Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn:
Gửi tiền ngân hàng không kỳ hạn là hình thức gửi tiết kiệm không có mức kỳ hạn kèm theo. Tức người gửi có thể rút tiền mặt bất cứ thời điểm nào và không cần thông báo trước với ngân hàng.
Theo đó, cách tính lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn được thực hiện theo công thức:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/360
Ví dụ:
A gửi tiết kiệm 50 triệu đồng không kỳ hạn tại ngân hàng có mức lãi suất là 3%/năm. Thời điểm Khách hàng rút số tiền gửi đó là 06 tháng (180 ngày). Cách tính lãi suất ngân hàng cho tiền gửi tiết kiệm trong trường hợp này như sau:
Tiền lãi = 50 triệu x 3% x 180/360 = 750.000 đồng
Như vậy, sau 06 tháng gửi tiết kiệm không kỳ hạn, A sẽ nhận được số tiền lãi là 750.000 đồng.
2.2. Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn:
Với dịch vụ gửi tiết kiệm có kỳ hạn, số tiền gửi sẽ được quy định một mức kỳ hạn đi kèm với mức lãi suất cam kết. Ngân hàng sẽ đưa ra nhiều mức kỳ hạn khác nhau cho khách hàng lựa chọn theo nhu cầu, ví dụ gửi tiết kiệm hàng tháng, quý, năm,…
Cách tính lãi suất ngân hàng cho trường hợp này như sau:
Số tiền lãi theo ngày = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x số ngày gửi/360.
Hoặc:
Số tiền lãi theo tháng = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi.
Ví dụ: Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng BIDV số tiền 200.000.000 VNĐ. Tương ứng với từng kỳ hạn là mức lãi suất khác như. Số tiền lãi mà khách hàng nhận được từng kỳ hạn đó là:
– Kỳ hạn 1 năm, lãi suất 7,5%, số tiền lãi cuối kỳ nhận được: 200.000.000 x 7.5%/12 x 12 = 15.000.000 VNĐ.
– Kỳ hạn 9 tháng, lãi suất 7% số tiền lãnh cuối kỳ nhận được: 200.000.000 x 0,07 x 270/360 = 10.356.164 VNĐ.
– Kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 4,5%, số tiền lãnh cuối kỳ nhận được: 200.000.000 x 0,045 x 90/360= 2.219.180 VNĐ.
Từ các ví dụ trên có thể thấy, lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cao hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Trong trường hợp khách hàng rút tiền đúng thời hạn thì sẽ nhận được toàn bộ mức lãi theo thỏa thuận trước đó. Còn đối với trường hợp khách hàng rút tiền lãi trước kỳ hạn thì số tiền lãi sẽ quy về lãi suất không kỳ hạn.
2.3. Cách tính lãi suất tiền gửi theo tháng:
Nếu bạn có nhu cầu gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhưng muốn nhận lãi theo tháng thì công thức tính lãi suất sẽ như sau:
Số tiền lãi hàng tháng = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm)/12
Ví dụ: Khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng TPBank số tiền 200.000.000 VNĐ, lãi suất 7%/năm. Số tiền lãi định kỳ theo tháng bạn nhận được sẽ là: 200.000.000 x 0.07/12 = 1.706.000 VNĐ.
Lưu ý: Bạn không được cộng dồn từng tháng để tính lãi cho những tháng tiếp theo. Điều này chỉ có thể xảy ra khi tới kỳ hạn gửi mà khách hàng không đến lĩnh tiền lãi và ngân hàng sẽ tự động gia hạn với 1 kỳ hạn mới bằng với kỳ hạn đã đăng ký trước đó.
3. Công thức lãi kép ngân hàng
3.1. Lãi kép là gì?
Lãi kép (lãi cộng dồn) là hình thức tái đầu tư lại lãi suất. Hiểu đơn giản là sau một khoảng thời gian gửi tiết kiệm ngân hàng, tiền bắt đầu sinh lãi thì khách hàng có thể nhập lãi vào tiền vốn để tiếp tục đầu tư hoặc gửi tiết kiệm. Ngoài ra, “lãi mẹ đẻ lãi con” cũng là cách nói khác của công thức lãi suất kép ngày nay. Sức mạnh của lãi kép nằm ở số vốn và thời gian. Thời gian càng dài bạn sẽ càng thấy được lợi ích khủng khiếp của lãi kép.
Ví dụ: Bạn gửi ngân hàng 10 triệu VND với lãi suất 10%/ năm. Sau 1 năm bạn nhận được số tiền lãi là 1 triệu VND. Thay vì rút về dùng thì bạn cộng dồn 1 triệu tiền lãi vào 10 triệu tiền vốn, như vậy bạn sẽ có số tiền vốn là 11 triệu VND. Cứ như vậy, áp dụng công thức lãi kép qua năm thứ 2, 3,…thì số tiền lãi bạn thu về là rất lớn.
3.2. Công thức lãi kép ngân hàng chính xác nhất
Công thức lãi kép căn bản nhất là:
FV = PV x (1 + i)^n
Trong công thức lãi kép:
- FV: giá trị của tương lai ở năm thứ n
- PV: giá trị của số vốn tại thời điểm hiện tại
- n: số năm
- i : là lãi suất
Ví dụ: Có 1 tỷ VNĐ đem gửi tiết kiệm với lãi suất 7%/ năm thì sau 10 năm thì tổng lãi suất kép là bao nhiêu?
Áp dụng công thức lãi kép, thay thế các giá trị PV là 1 tỷ, i là 7% và n là 10 năm thì số tiền vốn lẫn lãi là 1,967,151,357
Công thức lãi kép hằng năm:
A= P x (1+r/n)^nt
Trong công thức lãi kép này thì:
- A: giá trị tương lai
- P : số tiền vốn gốc ban đầu
- r : lãi suất hàng năm
- n: số lần tiền lãi được nhập gốc mỗi năm
- t : số năm tiền đươc gửi
Ví dụ: Số tiền 1 tỷ VNĐ được gửi tại một ngân hàng với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hàng năm 4.3%, được nhập gốc hàng quý. Tính số vốn lẫn lãi sau 6 năm theo công thức lãi kép hàng năm.
Áp dụng công thức lãi kép hằng năm, thay thế các giá trị P là 1 tỷ, r là 4.3%, n là 4 (một năm có 4 quý), t là 6 năm thì được số dư xấp xỉ là 1,292,557,881
3.3. Gửi tiết kiệm ngân hàng như thế nào để được áp dụng công thức lãi kép?
Cách gửi tiết kiệm ngân hàng để được áp dụng công thức lãi kép (Nguồn: Internet)
Để áp dụng công thức lãi kép thì bạn nên gửi tiết kiệm có kỳ hạn với kỳ hạn dài. Tốt nhất là kỳ hạn 1 năm, bạn sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất. Đến hạn tất toán mà bạn vẫn chưa có nhu cầu rút thì ngân hàng sẽ tự động chuyển cả gốc và lãi sang một số tiết kiệm khác để bắt đầu chu kỳ tiết kiệm/ đầu tư mới và bạn vẫn được hưởng lãi suất tính bằng công thức lãi kép. Do đó, toàn bộ số tiền gốc lẫn lãi bạn dồn lại sẽ sinh lãi cao hơn ở kỳ sau.
Lưu ý là công thức lãi kép chỉ sinh lợi nhiều nhất khi lãi suất trong thời gian gửi tiết kiệm không thay đổi.
IV. Quy định về mức lãi suất ngân hàng cập nhật mới nhất 2024
1. Mức lãi suất ngân hàng khi gửi tiết kiệm theo Thông tư 07/2014/TT-NHNN
Theo Thông tư 07/2014/TT-NHNN, ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình ngân hàng.
Theo Quyết định 1124/QĐ-NHNN, từ ngày 19/6/2023, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN như sau:
“1. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.
2. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,25%/năm.”
(Trước đó, Quyết định 951/QĐ-NHNN, từ ngày 25/5/2023 đến hết ngày 18/6/2023, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN như sau:
“1. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.
2. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.”
Còn mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam được quy định tại Quyết định 575/QĐ-NHNN năm 2023 (từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 24/5/2023) như sau:
“1. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.
2. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm.)”
Ngân hàng áp dụng lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ ngân hàng), cá nhân theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Cũng theo Thông tư 07/2014/TT-NHNN, lãi suất tối đa đối với tiền gửi quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
2. Mức lãi suất ngân hàng cho vay hiện hành theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN
Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, lãi suất ngân hàng cho vay được quy định như sau:
(1) Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại mục (2) dưới đây.
(2) Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
- Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
- Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
Theo Quyết định 1125/QĐ-NHNN năm 2023, từ ngày 19/6/2023 mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm.
2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm.”
(Trước đó, tại Quyết định 576/QĐ-NHNN (áp dụng từ ngày 03/4/2023 đến hết ngày 18/6/2023), mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam như sau:
“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.
2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.)”
(3) Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.
Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
(4) Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
- Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
- Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
(5) Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, ngân hàng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay.
Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Trên đây là tổng hợp thông tin về quy định và công thức tính lãi suất ngân hàng mới nhất theo quy định mà Vietjack.me đã tổng hợp được. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.
Xem thêm các chương trình khác: