Chiết khấu là gì? Ưu điểm - nhược điểm của chiết khấu trong kinh doanh
Chiết khấu được xem như một trong những phương pháp marketing hiệu quả cho các doanh nghiệp. Vậy chiết khấu là gì? Áp dụng chiết khấu trong kinh doanh đem lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp?
Chiết khấu là gì? Ưu điểm - nhược điểm của chiết khấu trong kinh doanh
1. Chiết khấu là gì và các khái niệm liên quan
1.1. Chiết khấu là gì?
Chiết khấu là gì trong kinh doanh thương mại
Trong hoạt động kinh doanh, chiết khấu là giảm giá niêm yết của một loại sản phẩm, dịch vụ nào đó với tỷ lệ phần trăm nhất định. Tỷ lệ phần trăm chiết khấu thường được sử dụng trong kinh doanh như một chiến lược tiếp thị về giá của một sản phẩm đối với khách mua hàng, đặc biệt là những người lần đầu sử dụng.
Phương pháp này được sử dụng phổ biến trong các chiến dịch Marketing để hỗ trợ và thúc đẩy kinh doanh, kích thích mua sắm tiêu dùng.
Khi thực hiện chiết khấu, cả khách hàng và doanh nghiệp đều nhận được những lợi ích riêng cho mình. Ví dụ như người mua thì được mua hàng với giá thấp hơn bình thường, còn bên bán thì nhận lại được một số lợi ích đi kèm như tăng doanh số, xử lý hàng tồn...
Ví dụ: Một thương hiệu mỹ phẩm đặt ra ưu đãi chiết khấu 10% cho đơn hàng có tổng giá trị từ 01 triệu đồng.
Với ưu đãi này, thay vì chỉ mua 700.000 đồng theo nhu cầu, khách hàng sẽ mua thêm 300.000 đồng nữa để tiết kiệm 100.000 đồng.
Chiết khấu là gì trong lĩnh vực ngân hàng
Trong lĩnh vực ngân hàng, chiết khấu được định nghĩa tại Luật các tổ chức tín dụng như sau:
Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.
Chiết khấu ngân hàng là một trong những nghiệp vụ tín dụng ngắn hạn của ngân hàng thương mại, trong đó khách hàng chuyển nhượng quyền sở hữu những giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán cho ngân hàng thương mại để nhận lấy một khoản tiền bằng giá trị đến hạn trừ đi lợi tức chiết khấu và hoa hồng.
Hiểu một cách đơn giản, chiết khấu là mua giấy tờ có giá ngắn hạn thấp hơn mệnh giá khi đến hạn thanh toán.
Tỷ lệ chiết khấu giữa giá phải trả và giá trị danh nghĩa của những giấy tờ có giá là lãi suất nhận được về khoản cho vay để đổi lấy vật đảm bảo là giấy tờ có giá.
Ví dụ: Nếu một trái phiếu có giá danh nghĩa là 10.000 đồng, có thời hạn thanh toán 01 năm được mua với giá 9.000 đồng, thì 1.000 đồng chiết khấu so với giá phải trả khi mua biểu thị lãi suất (tỷ lệ chiết khấu) là 1000/9000 = 11,1%.
Chiết khấu trái phiếu là gì?
Trái phiếu chiết khấu (Discount Bond) là trái phiếu có giá phát hành hoặc thị giá giao dịch trên thị trường thứ cấp thấp hơn mệnh giá của trái phiếu.
Ví dụ: Doanh nghiệp A phát hành trái phiếu chiết khấu không lãi suất với mệnh giá 02 triệu đồng/trái phiếu vào ngày 01/9/2022 và đáo hạn vào ngày 01/9/2024.
Vào thời điểm ngày 03/9/2020, chị B mua trái phiếu này với giá 1.7 triệu đồng/trái phiếu. Đến ngày đáo hạn, chị B sẽ nhận được số tiền 02 triệu đồng/trái phiếu từ công ty A.1.2. Hệ số chiết khấu là gì?
Hệ số chiết khấu là số thập phân được nhân với giá trị của dòng tiền để chiết khấu giá trị hiện tại. Hệ số chiết khấu tăng theo thời gian khi hiệu ứng lãi kép tăng lên.
1.3. Tỷ lệ chiết khấu là gì?
Tỷ lệ chiết khấu là phần lãi được chiết khấu trên dòng tiền vào ra trong kinh doanh, thường được tính tương đương với mức chi phí vốn trong tài chính.
1.4. Suất chiết khấu là gì?
Suất chiết khấu là tỷ suất dùng để so sánh sự chênh lệch giá trị của một đồng nhận ở tương lai so với một đồng ở thời điểm hiện tại.
Thông thường, suất chiết khấu được dùng để tính toán, so sánh chính là chi phí cơ hội của vốn, còn gọi chi phí sử dụng vốn.
Giá vốn là cái giá phải trả để có được tài trợ. Đây cũng có thể được coi là tỷ suất sinh lợi tối thiểu mà công ty cần để thực hiện một dự án đầu tư mới.
1.5. Lãi chiết khấu là gì?
Lãi suất chiết khấu là thuật ngữ thường dùng trong hoạt động tài chính - ngân hang, chỉ mức lãi suất do ngân hàng Nhà nước áp dụng khi cho vay.
Trong một số trường hợp, các ngân hàng thương mại phải vay tiền từ ngân hàng trung ương nhằm tránh tình trạng thiếu tiền khi khách hàng muốn rút.
Lãi suất chiết khấu được xem như một công cụ chính sách tiền tệ và là cơ sở quan trọng của các ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại.
1.6. Tái chiết khấu là gì?
Tái chiết khấu là việc một công cụ nợ ngắn hạn có thể chuyển nhượng được chiết khấu lần thứ hai.
Khi thanh khoản trên thị trường thấp, các ngân hàng có thể tăng tiền mặt bằng cách tái chiết khấu. Tái chiết khấu cũng là một phương thức ngân hàng Trung ương cấp vốn cho các ngân hàng.
2. Các kiểu chiết khấu thường gặp trong kinh doanh
Chiết khấu trong kinh doanh có 03 loại phổ biến:
- Chiết khấu khuyến mại: Là khoản trợ cấp hoặc nhượng bộ do người bán đưa ra cho người mua. Kích thích người mua thanh toán hoặc đưa ra quyết định mua hàng trong thời gian nhanh chóng.
Đây là một kỹ thuật cực kì hữu ích trong bán hàng và là hình thức chiết khấu phổ biến thường thấy.
- Chiết khấu số lượng: Là mức chiết khấu mà khách hàng nhận được khi mua một lượng đơn vị hàng hóa, sản phẩm nhất định.
- Chiết khấu thương mại: Là giảm giá hàng hóa nếu người mua hàng mua với số lượng lớn. Mục đích nhằm để khuyến khích khách mua hàng số lượng lớn.
Dạng chiết khấu này thường sử dụng với những nhà phân phối hàng hóa. Các nhà sản xuất sẽ khuyến khích những siêu thị, cửa hàng, đại lý của mình mua số lượng hàng lớn sẽ nhận được mức giảm giá từ 5 - 15%.
Ngoài các loại trên còn có các hình thức chiết khấu khác như: Chiết khấu giá bán sỉ cho khách hàng; giá lẻ thấp hơn để quảng bá sản phẩm, chiết khấu tùy theo ngành nghề của người mua hoặc giá giá cho nhân viên, hay chiết khấu theo mùa...
3. Các loại giấy tờ được thực hiện chiết khấu
Điều 6 Thông tư 04/2013/TT-NHNN quy định các loại giấy tờ có giá mà tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được lựa chọn chiết khấu cụ thể như sau:
Điều 6. Loại công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác được chiết khấu 1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lựa chọn chiết khấu các công cụ chuyển nhượng phát hành ở Việt Nam hoặc phát hành ở nước ngoài được chuyển nhượng ở Việt Nam, bao gồm: a) Hối phiếu đòi nợ; b) Hối phiếu nhận nợ; c) Séc; d) Các loại công cụ chuyển nhượng khác được chiết khấu theo quy định của pháp luật. 2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lựa chọn chiết khấu các loại giấy tờ có giá khác bao gồm: a) Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; b) Trái phiếu Chính phủ; c) Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; d) Trái phiếu Chính quyền địa phương; đ) Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; e) Kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu do tổ chức khác phát hành và được chiết khấu theo quy định của pháp luật hiện hành. |
4. Các hình thức chiết khấu
Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, chiết khấu được thực hiện chủ yếu theo 2 hình thức sau đây:
- Mua có kỳ hạn giấy tờ có giá: Hình thức này được hiểu là việc ngân hàng mua và nhận chuyển nhượng quyền sở hữu giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán từ khách hàng. Khách hàng cam kết sẽ mua lại giấy tờ có giá đó sau một khoảng thời gian xác định tại hợp đồng chiết khấu.
- Mua có bảo lưu quyền truy đòi giấy tờ có giá: Tức là ngân hàng mua và nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán từ khách hàng, khách hàng có trách nhiệm hoàn trả đối với số tiền chiết khấu, lãi chiết khấu và các chi phí hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động chiết khấu.
5. Cách tính lãi suất chiết khấu trong hoạt động ngân hàng
Trong hoạt động ngân hàng, lãi suất chiết khấu là mức lãi suất do ngân hàng nhà nước áp dụng khi cho vay. Đối tượng cho vay là các ngân hàng thương mại. Theo đó, khi hoạt động sẽ có trường hợp cần vay tiền từ ngân hàng trung ương, nhất là khi tỷ lệ tiền mặt dự trữ của ngân hàng không thể đảm bảo an toàn. Lúc này ngân hàng thương mại sẽ xem xét vay tiền tránh xảy ra tình huống khách hàng rút tiền.
Bởi vậy mà lãi chiết khấu được xem là một công cụ trong chính sách tiền tệ và là căn cứ quan trọng với ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại.
Lãi suất chiết khấu được tính bằng 2 phương pháp sau:
- Chi phí huy động vốn (funding cost)
Tính lãi suất chiết khấu bằng chi phí huy động vốn có nghĩa là tỷ lệ lợi tức người bỏ vốn mong muốn thu lại từ dự án. Tức là lãi suất chiết khấu chính là chi phí sử dụng vốn, hay chi phí cơ hội của vốn.
Ví dụ: Nếu bạn rút tiền tiết kiệm với lãi suất 5% để đầu tư thì có thể tính lãi suất chiết khấu là 5%.
- Trung bình trọng số chi phí vốn (Weighted Average Cost of Capital - WACC)
WACC = chi phí sử dụng vốn trung bình của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp có 2 nguồn gọi vốn chính là:
- Vay thương mại: Tức là chi phí của khoản nợ (cost of debt) là lãi suất của khoản vay (1-tax)*lãi suất;
- Vốn góp cổ đông: Tức là chi phí vốn cổ phần (cost of equity) là thu nhập mong muốn của cổ đông.
WACC có thể tính bằng chi phí sử dụng trung bình của hai nguồn vốn trên theo công thức:
WACC = re * E / (E+D) + rD(1-TC) * D / (E+D)
Trong đó:
- re: tỷ suất thu nhập mong muốn của cổ đông
- rD: lãi suất mong muốn của chủ nợ
- E: giá thị trường cổ phần của công ty
- D: giá thị trường nợ của công ty
- TC: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
- re = [Div0 * (1+g) / P0] + g
Trong đó:
- P0 là giá cổ phiếu của doanh nghiệp tại thời điểm gốc
- Div0 là cổ tức của cổ phiếu doanh nghiệp tại thời điểm gốc
- g: tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của cổ tức.
6. Tác động của lãi suất chiết khấu trong hoạt động ngân hàng
Lãi suất chiết khấu ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ dự trữ tiền mặt của các ngân hàng. Ngân hàng thương mại sẽ luôn so sánh lãi suất chiết khấu với lãi suất thị trường để quyết định giảm hay tăng tỷ lệ dự trữ. Cụ thể:
+ Nếu lãi chiết khấu cao hơn thì ngân hàng thương mại sẽ không thể để tỷ lệ tiền dự trữ quá thấp. Đặc biệt, cần tránh tỷ lệ tiền dự trữ chạm mốc an toàn
+ Nếu lãi chiết khấu bằng hay thấp hơn lãi suất thị trường thì ngân hàng có thể thoải mái cho vay. Ngân hàng thương mại chỉ cần dừng lại ở mức tỷ lệ an toàn tối thiểu. Nếu thiếu tiền mặt ngân hàng hoàn toàn có thể vay từ ngân hàng nhà nước.
- Tác động đối với ngân hàng Trung ương:
Ngân hàng Trung ương sẽ quy định lãi chiết khấu để điều tiết cung tiền. Cụ thể:
+ Nếu ngân hàng muốn tăng lượng cung tiền thì sẽ giảm lãi suất cho vay.
+ Nếu ngân hàng muốn giảm lượng cung tiền thì sẽ tăng lãi chiết khấu. Bởi khi lãi chiết khấu tăng thì ngân hàng thương mại sẽ giảm cho vay.
Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương sử dụng hình thức cho vay chiết khấu không chỉ để kiểm soát cung ứng tiền tệ, mà còn là giải pháp giúp đỡ các tổ chức tài chính khi họ rơi vào tình thế khó khăn. Theo đó, với một tiền cơ sở nhất định:
+ Nếu quy định lãi suất chiết khấu cao hơn lãi suất thị trường, ngân hàng trung ương có thể buộc các ngân hàng thương mại phải dự trữ tiền mặt bổ sung khiến cho số nhân tiền tệ giảm xuống (vì tỉ số của tiền gửi so với tiền mặt giảm) để làm giảm lượng cung tiền.
+ Còn khi lãi suất chiết khấu giảm xuống thì các ngân hàng thương mại có thể giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt và do vậy số nhân tiền tệ tăng lên dẫn đến tăng lượng cung tiền.
7. Lợi ích khi áp dụng chiết khấu trong kinh doanh là gì?
7.1. Nâng cao doanh thu trong thời gian ngắn
Lợi ích dễ nhận thấy nhất khi áp dụng chiết khấu trong bán hàng là doanh số được nâng cao đáng kể mà người bán không cần tốn nhiều công sức thuyết phục người tiêu dùng.
7.2. Kích thích khách hàng mua sản phẩm mới
Với những sản phẩm mới đưa vào thị trường thì đây là phương thức hiệu quả giúp kích cầu.
Đặc biệt với những người tiêu dung đã quen việc sử dụng một sản phẩm thì họ rất ít khi mua thử mặt hàng mới. Vì vậy, người bán cần có một chiến lược phù hợp để thu hút sự chú ý của người dùng về sản phẩm mới của mình, từ đó dần mang lại thị trường cho sản phẩm.
7.3. Nhanh chóng thanh lý hàng tồn kho
Khi còn quá nhiều sản phẩm cũ trong kho mà khách hàng không còn ưa thích chúng, người bán có thể dùng chiến lược chiết khấu để nhanh chóng thanh lý hết đống hàng tồn này rồi nhập thêm mẫu mới tiếp tục kinh doanh.
Cách này giúp thu hồi lại vốn đầu tư ban đầu chứ không bị mất trắng hoàn toàn.
8. Nhược điểm của việc sử dụng chính sách chiết khấu trong kinh doanh
Chiết khấu là chính sách hiệu quả để gia tăng doanh số bán hàng, tuy nhiên nếu quá lạm dụng các chương trình chiết khấu, người bán có thể phải nhận lấy một số hệ lụy:
- Quá thường xuyên chiết khấu khiến khách hàng không còn tin vào chương trình giảm giá, thậm chí khi để nguyên giá sẽ không bao giờ mua.
- Khách hàng không còn hứng thú mua hàng.
- Khách hàng có thể nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm.
- Lợi nhuận bị hao hụt.
Như vậy, để tránh gặp phải những bất lợi này thì mọi người nên tìm hiểu nhiều phương pháp gây sự chú ý với khách hàng hơn chứ không nên dùng mỗi chính sách chiết khấu.
Cần phải đa dạng chiến lược bán hàng thì mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất trong kinh doanh.
9. Kinh nghiệm giúp sử dụng chiết khấu hiệu quả trong kinh doanh
Nếu thực hiện chiết khấu đúng thì nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong kinh doanh, sau đây là một số kinh nghiệm giúp sử dụng hiệu quả phương pháp chiết khấu:
- Tập trung vào đúng giá trị của sản phẩm: Đây là yếu tố hàng đầu để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Người mua hàng luôn mong muốn mua một sản phẩm hữu dụng hoặc có ý nghĩa với họ.
Vì vậy, nên sản phẩm không mang lại giá trị thật sự thì rất khó để thuyết phục họ bỏ tiền. Bên cạnh việc chiết khấu, cần biết truyền tải giá trị sản phẩm đến với khách hàng để cảm thấy hứng thú.
- Tập trung vào nhu cầu của các khách hàng. Mỗi người sẽ có những mong muốn và nhu cầu riêng đối với mỗi sản phẩm. Cần xác định tệp khách hàng của mình rồi đưa cho họ đúng thứ họ cần. Sau đó kích cầu bằng cách chiết khấu thì tỷ lệ chốt đơn thành công sẽ rất cao.
- Phải có chiến dịch marketing đi kèm. Muốn thực hiện một chiến dịch chiết khấu hiệu quả thì phải tiếp cận được lượng khách hàng mục tiêu. Nếu bạn có giá bán hấp dẫn, nhưng lại không ai biết đến thì mọi công sức là lãng phí.
Vì vậy, lên kế hoạch truyền thông cho sản phẩm cũng là một việc hết sức quan trọng.
Xem thêm các chương trình khác: