Mã số doanh nghiệp là gì? Hướng dẫn tra cứu mã số doanh nghiệp nhanh chóng [cập nhật mới nhất 2024]

Mã số doanh nghiệp là mã số đặc trưng và duy nhất của mỗi doanh nghiệp được lưu trữ bởi Hệ thống thông tin quốc gia và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp để phân biệt các doanh nghiệp với nhau. Trong bài viết dưới đây, Vietjack.me sẽ cung cấp cho bạn mã số doanh nghiệp là gì? Mã số doanh nghiệp có phải là mã số thuế không? Hướng dẫn tra cứu mã số doanh nghiệp cập nhật mới nhất 2024

1 264 20/08/2023


Mã số doanh nghiệp là gì? Hướng dẫn tra cứu mã số doanh nghiệp nhanh chóng [cập nhật mới nhất 2024]

I. Mã số doanh nghiệp là gì?

1. Khái niệm mã số doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật doanh nghiệp 2020: "Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp".

Theo Khoản 3 Điều 8 nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: "Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp."

Như vậy, giống như số định danh đối với cá nhân, mã số doanh nghiệp là đặc định với từng pháp nhân là doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Mã số này là duy nhất, tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của một doanh nghiệp và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.

Do đó, kể cả khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sau đó hoạt động trở lại, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, .... thì mã số này vẫn không thay đổi sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hành chính và đã được ghi nhận trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

2. Mã số doanh nghiệp có phải là mã số thuế không?

Theo Khoản 2 Điều 29 Luật doanh nghiệp 2020: "Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác".

Theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: "Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội". Trước kia, mỗi cơ quan quản lý về thuế (Bộ Tài chính), quản lý về bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), quản lý về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp cho doanh nghiệp một mã số khác nhau để quản lý. Do vậy, để được cấp các mã số này, doanh nghiệp phải thực hiện 02 bộ hồ sơ khác nhau, gây bất tiện cho doanh nghiệp và cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc giam sát thực hiện nghĩa vụ doanh nghiệp. Nghị định 43/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2005 ra đời đã hợp nhất mã số doanh nghiệp và mã số thuế, nhưng còn với mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội thì phải đến khi Luật doanh nghiệp 2020 ra đời mới được hợp nhất. Việc quy định chung này đã nâng cao tính nhất quán, thuận tiện, cắt giảm thủ tục hành chính cho các chủ thể trong quản lý thông tin doanh nghiệp của nhà nước.

Đối với mỗi doanh nghiệp, mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thủ tục khai thuế thu nhập doanh nghiệp, thủ tục thu nộp bảo hiểm xã hội hay khi doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng dân sự, thương mại với chủ thể khác, mã số doanh nghiệp đều được ghi nhận như một phương tiện xác định sự tồn tại và hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp đó. Đối với cơ quan nhà nước, đây là phương tiện được thống nhất sử dụng để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.

3. Mã số của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Mã số doanh nghiệp là cơ sở để hình thành nên mã số đơn vị phụ thuộc (chi nhánh/ văn phòng đại diện), mã số địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 8 Nghị định 43/2021/NĐ-CP. Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã có những quy định mới so với Nghị định 78/2015/NĐ-CP trước đây, cụ thể:

Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Nghị định 78/2015/NĐ-CP

Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.

Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

(Không quy định đồng thời là mã số thuế)

          Bên cạnh đó, mã số của địa điểm kinh doanh vẫn được quy định là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh.

II. Mã số doanh nghiệp có bao nhiêu số?

Việc cấp mã doanh nghiệp được thực hiện tự động theo phương thức trực tuyến trên Hệ thống Đăng ký thuế của Tổng cục Thuế ngay trong ngày làm việc theo quy định của Luật Quản lý thuếLuật doanh nghiệp kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo đúng quy định từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Từ nghị định 43 năm 2010 của chính phủ đã quy định mã số thuế và mã số doanh nghiệp đồng thời là một nên hiện nay mã số doanh nghiệp sẽ có 10 số. Tuy nhiên tại mỗi tỉnh sẽ có quy định số thứ tự 03 số đầu tiên trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như ở Hà Nội sẽ là 010, Hồ Chí Minh là 034, Cần Thơ là 180…

Lưu ý: Các văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị phụ thuộc của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật và có phát sinh nghĩa vụ thuế thì mã số thuế được cấp là 13 số.

III. Quy định về việc khởi tạo mã số doanh nghiệp

Căn cứ Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc khởi tạo mã số doanh nghiệp cần lưu ý những quy định sau

- Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.

- Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.

- Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.

- Mã số địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh.

- Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế do vi phạm pháp luật về thuế thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

- Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện đã thành lập trước ngày 01/11/2015 nhưng chưa được cấp mã số đơn vị phụ thuộc, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Cơ quan thuế để được cấp mã số thuế 13 số, sau đó thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.

- Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, mã số doanh nghiệp là mã số thuế do Cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp.

IV. Hướng dẫn tra cứu mã số doanh nghiệp

1. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Đây là cách đơn giản nhất đối với các trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập sau ngày 01/7/2015.

Như đã đề cập bên trên mỗi công ty khi đăng ký thành lập sẽ được cấp mã số doanh nghiệp cũng chính là mã số thuế của doanh nghiệp, do vậy, chỉ cần xem mã số doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là có thể biết mã số thuế của doanh nghiệp mình.

2. Tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng Cục thuế

Do mã số doanh nghiệp đồng nhất với mã số thuế, nên chủ thể muốn tra cứu thông tin này có thể sử dụng Cổng thông tin của Tổng Cục thuế để tra cứu theo thông tin người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cụ thể:

Các bước tra mã số doanh nghiệp Tổng cục thuế

Bước 1: Truy cập website Tổng Cục Thuế tại địa chỉ http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp

Bước 2: Bạn chọn cột "Thông tin người nộp thuế" (1) sau đó nhập 1 trong 4 thông tin (2) sau (không cần điền đủ cả 4 trường thông tin)

- Mã số thuế (khuyến nghị)

- Tên tổ chức cá nhân nộp thuế

- Địa chỉ trụ sở kinh doanh

- Số chứng minh thư hoặc Thẻ căn cước người đại diện

Bước 3: (Bắt buộc) nhập Mã xác nhận là dãy ký tự bên cạnh

Bước 4: Nhấn chọn "Tra cứu" và nhận kết quả là Bảng thông tin tra cứu (3)

Người tra cứu đối chiếu và lựa chọn tên người nộp thuế là tên công ty phù hợp tương ứng với MST công ty của đơn vị đó. Như vậy là bạn đã hoàn thành tra cứu mã số thuế doanh nghiệp của một công ty trên website của Tổng Cục Thuế - Bộ Tài Chính.

3. Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Các bước tra cứu MST doanh nghiệp qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện như sau:

Các bước tra cứu thông tin công ty trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Bước 1: Bạn truy cập vào webiste - Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có tên miền - dangkykinhdoanh.gov.vn

Bước 2: Bạn nhập thông tin là tên Công ty hoặc mã số doanh nghiệp vào ô tìm kiếm (1).

Hệ thống sẽ gợi ý ra một số tên công ty giống hoặc gần giống tên công ty mà bạn nhập. Bạn chọn tên công ty phù hợp với nhu cầu tra cứu từ những gợi ý này.

Trong trường hợp bạn tra cứu thông tin doanh nghiệp bằng mã số thuế thì kết quả gợi ý từ hệ thống tên công ty sẽ chính xác hơn.

Với cách tra cứu MST công ty trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp bên cạnh việc có thể kiểm tra mã số thuế của doanh nghiệp người tra cứu cũng sẽ biết thêm được nhiều thông tin cơ bản (miễn phí) khác của doanh nghiệp bao gồm:

- Tên doanh nghiệp

- Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài

- Tên doanh nghiệp viết tắt

 -Mã số doanh nghiệp

- Loại hình pháp lý

- Ngày bắt đầu thành lập

- Tên người đại diện theo pháp luật

- Địa chỉ trụ sở chính

- Mẫu dấu (nếu có)

- Ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh

- Danh sách các bố cáo điện tử đã đăng

4. Tra cứu trên trang Mã Số Thuế

Bước 1: Truy cập vào website https://masothue.com/

Bước 2: Tại ô Tra cứu mã số thuế, nhập tên công ty bạn muốn tra cứu MST

Lưu ý:

– Từ khóa khi nhập để tìm kiếm không được quá ngắn (cần nhập từ 5 ký tự trở lên).

– Từ khóa khi nhập để tra cứu mã số thuế có thể là tên doanh nghiệp (hoặc tên có chứa từ khóa thương hiệu của doanh nghiệp), hoặc có thể là tên người đại diện doanh nghiệp, CCCD/CMND của người đại diện doanh nghiệp…

Bước 3: Nhận kết quả trả về

5. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên trang tncnonline.com.vn

Bước 1: Truy cập vào địa chỉ https://tncnonline.com.vn/

Bước 2: Nhập tên công ty

Bước 3: Chọn Tra cứu

Bước 4: Nhận kết quả

6. Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên trang TracuuMST

Bước 1: Truy cập vào trang: https://tracuumst.com/

Bước 2: Nhập tên doanh nghiệp cần tra cứu vào ô tìm kiếm.

Bước 3: Chọn Tra cứu

Bước 4: Hệ thống tra cứu xong sẽ hiển thị nội dung thông tin mà bạn cần tra cứu ngay bên dưới.

7. Sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin doanh nghiệp

Các mục trên đây đã trình bày các cách tra cứu mã số doanh nghiệp miễn phí trên các trang web chính thống của cơ quản quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, do mã số doanh nghiệp là một thông tin về đăng ký doanh nghiệp, do vậy chủ thể có nhu cầu tra cứu mã số doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng phương thức tra cứu thông tin đăng ký doanh nghiệp có trả phí theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật doanh nghiệp 2020 và được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Ưu điểm của phương thức này đó là thông tin về doanh nghiệp được cung cấp sẽ đầy đủ và chi tiết hơn, tuy nhiên nhược điểm đó là chủ thể tra cứu phải trả phí, lệ phí theo mức được quy định tại Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Về thủ tục, chủ thể cần tiến hành gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp qua cổng thông tin quốc gia https://dangkykinhdoanh.gov,vn hoặc gửi trực tiếp đến Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin. Chủ thể cần lưu ý khi lựa chọn một trong hai cơ quan trên, thông tin được cung cấp sẽ nằm trong phạm vi lưu giữ và quản lý của từng cơ quan, tuy nhiên sẽ luôn bao gồm mã số doanh nghiệp vì đây là thông tin cơ bản của một doanh nghiệp.

V. Tra cứu mã số thuế hộ kinh doanh mới nhất 2024

1. Hộ kinh doanh có mã số thuế không?

- Hộ kinh doanh là đối tượng bắt buộc phải nộp thuế (Theo quy định tại Điểm i, Khoản 2, Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC), do đó hộ kinh doanh sẽ được cấp mã số thuế theo quy định của pháp luật.

- Hộ kinh doanh cần thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế

- Mã số thuế hộ cá nhân kinh doanh là mã số thuế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân là chủ hộ kinh doanh (hoặc người đại diện hộ kinh doanh)

- Khi hộ kinh doanh phát sinh các hoạt động kinh doanh, chủ hộ kinh doanh sẽ sử dụng mã số thuế để thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế cho nhà nước.

- Việc cấp mã số thuế hộ kinh doanh là việc cần thiết và bắt buộc theo quy định, giúp cơ quan nhà nước thuận tiện trong công tác quản lý, tra cứu hộ kinh doanh.

2. Hướng dẫn cách tra mã số thuế hộ kinh doanh

2.1. Tra cứu mã số thuế hộ kinh doanh qua trang chủ của Tổng cục thuế Việt Nam

Tra cứu MST hộ kinh doanh bằng chứng minh thư chủ hộ

Tra cứu MST hộ kinh doanh bằng tên chủ hộ

– Bước 1: Truy cập vào trang web chính thức của TCT: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp 

– Bước 2: Lựa chọn tab “Thông tin của người nộp thuế” để tra cứu thông tin mã số thuế của hộ KD

– Bước 3: Điền số chứng minh thư của chủ hộ KD (hoặc người đại diện hộ KD) vào ô “Số CMT/Thẻ căn cước người đại diện”

 Bước 3: Điền họ tên đầy đủ của chủ hộ KD (hoặc người đại diện pháp luật) vào ô “Tên tổ chức cá nhân nộp thuế”

– Bước 4: Nhập “Mã xác nhận”

– Bước 5: Chọn “Tra cứu” và nhận kết quả

Lưu ý: Khi tra cứu nếu không ra kết quả, bạn hãy nhập lại mã xác nhận chính xác một lần nữa hoặc kiểm tra lại thông tin số chứng minh thư/ tên chủ hộ đã nhập.

2.2. Tra cứu trên trang Mã số Thuế

Tương tự như các bước tra cứu mã số thuế doanh nghiệp, bạn có thể tra cứu mã số thuế của hộ kinh doanh bằng cách nhập số chứng minh nhân dân hoặc tên chủ hộ kinh doanh vào ô Tìm kiếm trên trang web https://masothue.com/.

VI. Một số câu hỏi liên quan

1. Mã số thuế doanh nghiệp có thay đổi không?

Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Theo đó, mã số thuế doanh nghiệp gắn liền với mỗi doanh nghiệp từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số thuế doanh nghiệp mới chấm dứt hiệu lực.

Nên doanh nghiệp đổi tên, chuyển đổi loại hình hay thay đổi địa chỉ thì vẫn giữ nguyên mã số thuế được cấp ban đầu.

2. Chấm dứt hiệu lực mã số thuế doanh nghiệp như thế nào?

Mã số thuế doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau đây theo quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14:

- Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

Kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực, mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế. Đồng thời, mã số thuế doanh nghiệp khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại.

Khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế đơn vị phụ thuộc.

Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh bao gồm:

- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT;

- Các giấy tờ khác như sau:

+ Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định chia, bản sao hợp đồng hợp nhất, bản sao hợp đồng sáp nhập.

+ Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và hợp tác xã là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định hoặc thông báo của doanh nghiệp, hợp tác xã về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là toàn bộ thông tin về mã số doanh nghiệp đã được Vietjack.me tổng hợp. Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích tới quý bạn đọc.

1 264 20/08/2023