Khoáng sản là gì? Tổng hợp thông tin cần biết về hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia có thể kể đến tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, đây là nguồn tài nguyên không thể tái tạo nên nước ta đã có những quy định trong việc thăm dò và khai thác khoáng sản. Cùng tìm hiểu xem khoáng sản là gì? Các quy định và giấy cấp phép khai thác khoáng sản trong bài viết.

1 231 lượt xem


Khoáng sản là gì? Tổng hợp thông tin cần biết về hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

I. Khoáng sản là gì?

1. Định nghĩa khoáng sản

Khoáng sản là những dạng vật chất rất gần gũi và đóng vai trò to lớn trong đời sống con người như sắt, than đá, kẽm, vàng, dầu khí, nước khoáng thiên nhiên… Giá trị to lớn của khoáng sản cũng như tính phức tạp của các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tất yếu dẫn tới Nhà nước quản lý khoáng sản bằng pháp luật. Vậy dưới góc độ pháp luật, Khoáng sản là gì?

Khoáng sản được hiểu bao gồm các tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất dưới dạng những tích tụ tự nhiên khoáng vật, khoáng chất có ích ở thể rắn, thể lỏng, thể khí, hiện tại hoặc sau này có thể khai thác. Khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ mà sau này có thể được khai thác lại, cũng là khoáng sản (khoản 1 Điều 3 Luật khoáng sản 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản 2005).

Luật khoáng sản 2010 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 có quy định về “khái niệm Khoáng sản là gì?” như sau: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”.

2. Phân loại khoáng sản

Theo tính chất của công dụng, Khoáng sản được chia ra làm bốn nhóm: Khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim, khoáng sản nhiên liệu và khoáng sản nước.

- Khoáng sản kim loại là những quặng, qua quá trình chế luyện, lấy ra kim loại hoặc hợp chất của chúng, thuộc nhóm này gồm: Nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, Mangan, Crôm…); Nhóm kim loại cơ bản (Thiếc, Đồng, Chì, Kẽm…); Nhóm kim loại nhẹ (Nhôm, Titan, Magiê…); Nhóm kim loại phóng xạ (Uran, thori, rađi) và nhóm kim loại hiếm và đất hiếm.

- Khoáng sản phi kim là những quặng được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến để lấy ra đơn chất hoặc hợp chất không kim loại: nhóm khoáng sản hóa chất và phân bón (lưu huỳnh, apatit, phôtphorit…); Nhóm nguyên liệu gốm sứ - chịu lửa (sét, kaolin…) và nhóm nguyên liệu kiến trúc xây dựng (cát, đá vôi, đá hoa…).

- Khoáng sản nhiên liệu gồm các đá có nguồn gốc sinh vật (than bùn, than đá, dầu…). Loại khoáng sản này ngoài việc làm chất đốt, khoáng sản nhiên liệu còn để sản xuất ra hóa phẩm, dược phẩm và các thành phần khác (sợi nhân tạo, vật liệu khuôn đúc.v.v…).

- Khoáng sản nước: Là các loại nước được dùng cho sinh hoạt và công nghiệp như nước khoáng, bùn khoáng sử dụng trong y tế và sinh hoạt.

3. Vai trò của khoáng sản

Tuy không có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của loài như các thành phần môi trường nước, đất và không khí… nhưng tài nguyên khoáng sản cũng là những yếu tố hết sức quan trọng trong việc bảo đảm sự duy trì và phát triển xã hội. Xét từ phương diện cá nhân, con người có thể tồn mà không cần đến tài nguyên khoáng sản, nhưng trên bình diện chung thì một xã hội không thể phát triển bền vững và toàn diện nếu không có bất kì một tài nguyên khoáng sản nào. Vai trò và tầm quan trọng của khoáng sản được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

- Về phương diện kinh tế: Khoáng sản là nguồn nguyên liệu chính cho nhiều ngành công nghiệp then chốt, như đá vôi dùng cho sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng; quặng sắt được  dùng cho ngành luyện kim, cơ khí… Than đá, dầu mỏ, khí gas… là những khoáng sản cung cấp năng lượng chủ yếu cho nhiều ngành kinh tế quan trọng cũng như phục vụ sinh hoạt hằng ngày của con người, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là những tài nguyên có giá trị cao trong việc bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời cũng là nguồn nguyên liệu đặc biệt đối với một số ngành công nghiệp.

Bản thân ngành công nghiệp khoáng sản là một ngành chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của nhiều nước, như công nghiệp khai thác đồng ở Chilê, công nghiệp than đá ở Ucraina, công nghiệp dầu mỏ ở Cooet, Irăc và Veneduela. Xuất khẩu khoáng sản thường đem lại nguồn thu lớn cho các  quốc gia, nhiều nước có nguồn thu ngân sách chủ yếu là từ khai khoáng: Bruei, Cooet, Veneduela là những ví dụ điển hình.

- Về phương diện chính trị: Khoáng sản tạo cho các quốc gia có một vị trí quan trọng trong giao lưu quốc tế. Nó góp phần không nhỏ vào việc làm tăng tính độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia. Thậm chí trong một số trường hợp, nó còn làm tăng các ảnh hưởng về mặt chính trị của quốc gia này đối với quốc gia khác, các quốc gia không có tài nguyên khoáng sản thường phụ thuộc rất nhiều về kinh tế cũng như chính trị đối với các quốc gia có ưu thế trong vấn đề này. Vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản còn thể hiện trong các ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của các hoạt động khoáng sản tới môi trường xung quanh.

Thực tế cho thấy các ảnh hưởng của hoạt động khoáng sản tới các thành phần môi trường khác như đất, nước, không khí, hệ sinh thái… thường rất nghiêm trọng. Điều này bắt nguồn từ đặc điểm của hoạt động khoáng sản là thường được tiến hành trên quy mô rộng lớn, với số lượng khai thác nhiều, thời gian hoạt động kéo dài và thường phải sử dụng nhiều phương tiện và hóa chất trợ giúp. Phạm vi và mức độ ảnh hưởng tới môi trường càng nghiêm trọng khi đó là những hoạt động khai thác khoáng sản độc hại.

4. Hoạt động khoáng sản là gì?

Luật Khoảng sản đã định nghĩa về hoạt động theo cách liệt kê. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 2 Luật Khoáng sản, hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong đó, thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản. Còn khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

II. Điều kiện thăm dò, khai thác khoáng sản

Ngoài khái niệm khoáng sản là gì, Vietjack.me cũng muốn cung cấp thêm thông tin về điều kiện thăm dò, khai thác khoáng sản hiện nay.

1. Điều kiện tham dò khoáng sản

Theo Điều 34 Luật Khoáng sản, tổ chức, cá nhân được thăm dò khoáng sản bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản. Trong đó, hộ kinh doanh bị giới hạn khi chỉ được thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Các tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Khoáng sản bao gồm:

- Được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Người phụ trách kỹ thuật phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành địa chất thăm dò có kinh nghiệm công tác thực tế trong thăm dò khoáng sản ít nhất 05 năm; có hiểu biết, nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thăm dò khoáng sản.

- Đội ngũ công nhân kỹ thuật phải có chuyên ngành địa chất thăm dò, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa vật lý, khoan, khai đào và chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động thăm dò khoáng sản.

- Có thiết bị, công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công công trình thăm dò khoáng sản.

Theo khoản 2 Điều 40 Luật Khoáng sản, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản khi đảm bảo các điều kiện sau:

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn hoặc trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò.

- Có đề án thăm dò phù hợp với quy hoạch; thăm dò khoáng sản độc hại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản.

- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản.

2. Điều kiện khai thác khoáng sản

Theo Điều 51 Luật Khoáng sản, tổ chức, cá nhân được khai thác khoáng sản bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản. Trong đó, hộ kinh doanh chỉ được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản (khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ).

Căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản, tổ chức, cá nhân sẽ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch.

Lưu ý: Dự án này phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác phù hợp. Trường hợp khai thác khoáng sản độc hại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản.

- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường.

- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

III. Giấy phép khai thác khoáng sản

Căn cứ Điều 54 Luật Khoáng sản 2010 quy định về giấy phép khai thác khoáng sản như sau:

1. Nội dung của giấy phép khai thác khoáng sản

Giấy phép khai thác khoáng sản phải có các nội dung chính sau đây:

- Tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản;

- Loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực khai thác khoáng sản;

- Trữ lượng, công suất, phương pháp khai thác khoáng sản;

- Thời hạn khai thác khoáng sản;

- Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan.

2. Thời hạn Giấy phép khai thác khoáng sản

Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.

Trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn khai thác là thời gian còn lại của Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó.

3. Nguyên tắc về giấy khai thác khoáng sản

Việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Khoáng sản 2010 như sau:

- Giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;

- Không chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ.

IV. Những quyền lợi được hưởng khi có khoáng sản địa phương

Theo Điều 5 Luật Khoáng sản, địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác sẽ nhận được những quyền lợi sau:

1. Địa phương nơi có khoáng sản được hưởng:

- Được Nhà nước điều tiết khoản thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Được tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tại đia phương hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương.

- Được bồi thường, sửa chữa, tu sửa, xây dựng mới cơ sở dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản nếu tổ chức, cá nhân khai thác gây thiệt hại.

2. Người dân nơi có khoáng sản được hưởng:

- Được ưu tiên tuyển dụng vào làm công việc khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan.

-  Được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với với người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

- Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản.

V. Các hành vi bị cấm theo Luật Khoáng sản

1. Hành vi bị cấm trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

Cùng với khái niệm khoáng sản là gì, Luật Khoáng sản cũng liệt kê các hành vi bị cấm thực hiện trong việc thăm dò, khai thác khoáng sản. Nội dung này được ghi nhận tại Điều 8 Luật Khoáng sản như sau:

- Lợi dụng hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản.

-Thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Cản trở hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật.

- Cung cấp trái pháp luật thông tin về khoáng sản thuộc bí mật của nhà nước.

- Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị hoặc khoáng sản quý hiếm.

- Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

2. Khu vực nào bị cấm thăm dò, khai thác khoáng sản?

Không phải cứ nơi nào có khoáng sản thì các cá nhân, tổ chức đều được tiến hành tham dò, khai thác. Cụ thể, theo Điều 28 Luật Khoáng sản, những khu vực sau đây bị đặc biệt nghiêm cấm thăm dò, khai thác khoáng sản:

- Đất có các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ.

- Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất.

- Đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành thăm dò, khái thác khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

- Đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng.

- Đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.

Ngoài ra, nếu vì mục đích quốc phòng, an ninh, bảo tồn thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh, khắc phục tiên tai,… thì một số khu vực có thể bị tạm thời cấm thăm dò, khai thác khoáng sản.

Trường hợp cần thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực cấm khai thác hoặc tạm thời bị cấm khai thác khoáng sản thì Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

VI. Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản bị phạt thế nào?

Tùy vào hình vi, tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Xử phạt vi phạm hành chính

- Thi công thăm dò mà không có giấy phép: Phạt từ 70 – 800 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 35 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

- Khai thác khoáng sản không có giấy phép:

Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp: Phạt từ 01 - 50 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

Khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại: Phạt 50 triệu - 01 tỷ đồng (theo khoản 3 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác: Phạt từ 70 - 500 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

Khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép: Phạt từ 20 - 200 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, cá nhân vi phạm quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Mức phạt đặt ra đối với cá nhân, tổ chức vi phạm như sau:

Mức phạt Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên

Cá nhân

Pháp nhân

Khung 1

Phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỷ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

1,5 - 03 tỷ đồng

Khung 2

Phạt tiền 1,5 - 05 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Phạt tiền 03 - 07 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm

Hình phạt bổ sung

Phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng

 

Phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm

          Trên đây là toàn bộ thông tin về khoáng sản, các quy định và giấy cấp phép khai thác khoáng sản. Hy vọng bài viết từ Vietjack.me đã cung cấp những thông tin hữu ích tới quý bạn đọc.

1 231 lượt xem