Lạm phát là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế

Lạm phát là một khái niệm được dùng khá phổ biến trên thị trường hiện nay nhất là đối với thị trường tài chính. Vậy lạm phát là gì? Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng lạm phát và ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế như thế nào? Hãy cùng Vietjack.me tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1 386 04/08/2023


Lạm phát là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế

I. Lạm phát là gì?

Theo Wikipedia, lạm phát là sự tăng mức giá chung liên tục của hàng hoá, dịch vụ theo thời gian và là sự mất giá của một loại tiền tệ nào đó theo kinh tế vĩ mô.

Có thể hiểu đơn giản lạm phát như sau: Trong một quốc gia, khi giá cả tăng lên, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hoá và chi trả phí dịch vụ ít hơn so với trước đây. Theo đó, có thể hiểu, lạm phát là một hình thức phản ánh sự suy giảm sức mua của người dân trên một đơn vị tiền tệ.

Ví dụ đơn giản như sau:

Ví dụ 1. Một bát bún chả vào năm 2018 chỉ có giá 30.000 đồng nhưng đến năm 2022, để ăn được một bún chả, người dân phải trả đến 45.000 đồng/bát.

Ví dụ 2. Giá xăng từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng 12 lần, trong đó, tổng cộng xăng E5RON92 đã tăng 7.967 đồng/lít; xăng RON95-III đã tăng 8.505 đồng/lit trong năm 2022 (số liệu tính đến ngày 13/6/2022).

Ngoài ra, bên cạnh cách hiểu về lạm phát trong một quốc gia thì theo một nghĩa khác, lạm phát còn có thể hiểu ngoài phạm vi một quốc gia. Cụ thể, so với quốc gia khác, lạm phát được coi là sự giảm giá trị tiền tệ của quốc gia này so với loại tiền tệ của quốc gia khác.

1. Pháp luật quy định thế nào về lạm phát?

Hiện nay, tại các văn bản pháp luật, lạm phát được đề cập đến tại Điều 3 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010. Ở đây quy định chính sách tiền tệ quốc gia và thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia theo đó:

- Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

- Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

- Chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyển, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

2. Lạm phát được phân thành bao nhiêu loại?

Hiện lạm phát được phân loại theo đơn vị % và chia thành 03 mức độ như sau:

STT

Mức độ

Đặc điểm

1

Lạm phát tự nhiên

Có tỷ lệ lạm phát từ 0 - 10%/năm. Ở mức độ này, các hoạt động của nền kinh tế vẫn sẽ được hoạt động bình thường, ít gặp rủi ro và đời sống của người dân vẫn diễn ra ổn định.

2

Lạm phát phi mã

Có tỷ lệ lạm phát từ 10% - dưới 1000%/năm. Khi lạm phát ở mức độ này, nền kinh tế của một quốc gia sẽ bị biến động nghiêm trọng; đồng tiền cũng bị mất giá trầm trọng khiến thị trường tài chính bị phá vỡ.

3

Siêu lạm phát

Đây là tình trạng lạm phát vô cùng nghiêm trọng với tỷ lệ lạm phát trên 1000%/năm. Khi xảy ra siêu lạm phát, nền kinh tế của quốc gia này sẽ lâm vào tình trạng rối loạn, thảm hoạ và khó khôi phục lại như tình trạng bình thường.

II. Nguyên nhân phổ biến của lạm phát là gì?

Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng lạm phát của nền kinh tế nhưng trong phạm vi bài viết có thể kể đến các nguyên nhân phổ biến như sau:

1. Lạm phát do cầu kéo

Đây là một trong những nguyên nhân chính nhất dẫn đến tình trạng lạm phát của nền kinh tế thị trường. Theo đó, lạm phát do cầu kéo có thể hiểu là tình trạng tăng giá của một mặt hàng nào đó và kéo theo đó giá cả của các mặt hàng khác cũng tăng theo.

Do đó, có thể hiểu đơn giản là lạm phát do cầu kéo là việc mất giá của đồng tiền khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng lên, kéo theo đó các mặt hàng khác cũng tăng theo.

Có thể ví dụ về lạm phát do cầu kéo như sau: Hiện nay, giá xăng ở nước ta ngày càng tăng, tại phiên điều hành giá xăng gần nhất ngày 21/6/2022, giá xăng đã tăng đến gần 33.000 đồng/lít xăng. Kéo theo đó, giá cước xe khách, cước xe taxi… tăng theo. Đây chính là biểu hiện của lạm phát do cầu kéo.

 

Nguyên nhân gây ra lạm phát

2. Lạm phát do cầu thay đổi

Là lạm phát mà khi thị trường giảm nhu cầu tiêu thụ, sử dụng về một mặt hàng nào đó trong khi đó nhu cầu về mặt hàng khác lại tăng lên. Nếu thị trường có nhà cung cấp sản phẩm độc quyền thì mặt hàng có nhu cầu giảm sẽ không có xu hướng giảm giá. Trong khi đó, mặt hàng có nhu cầu sử dụng lớn hơn sẽ tăng giá làm cho mức giá mặt bằng chung sẽ tăng dẫn đến lạm phát.

3. Lạm phát do xuất khẩu

Khi hàng hoá xuất khẩu tăng dẫn đến lượng hàng hoá tiêu thụ của thị trường nhiều hơn số lượng hàng hoá cung cấp (tổng cầu > tổng cung). Kéo theo đó, hàng hoá sẽ được thu gom để xuất khẩu khiến lượng hàng cung cấp cho thị trường trong nước giảm mạnh.

Khi đó, giá cả của các hàng hoá bị giảm sút do bị thu gom cho xuất khẩu cũng tăng theo và xảy ra tình trạng lạm phát.

Ví dụ: Khi xuất khẩu hàng nông sản tăng mạnh thì phần lớn nông sản trong nước sẽ được cung cấp để xuất khẩu đi thị trường nước ngoài dẫn đến hàng nông sản dùng để bán trong nước giảm sút, dẫn đến tình trạng giá bán nông sản tăng cao và xảy ra lạm phát.

4. Lạm phát do nhập khẩu

Bên cạnh nguyên nhân lạm phát do xuất khẩu thì tình trạng lạm phát do nhập khẩu cũng là một trong những lí do của lạm phát. Theo đó, khi thuế nhập khẩu tăng hoặc giá cả trên thế giới cũng tăng thì giá hàng hoá nhập khẩu cũng tăng.

Kéo theo đó, giá bán của sản phẩm đó trong nước cũng tăng theo và đến mức độ nào đó sẽ dẫn đến lạm phát.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến lạm phát nhập khẩu còn có thể do tỉ giá tăng hoặc kết hợp cả hai yếu tố là giá mua hàng từ nước ngoài cùng tỉ giá đều tăng.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có thể thấy rõ nguy cơ của lạm phát nhập khẩu là giá nhập khẩu tăng nhất là xăng dầu, sắt thép… so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá thành các nguyên vật liệu đầu vào tăng dẫn đến giá thành của các mặt hàng trong nước cũng tăng theo.

Ví dụ: Giá mặt hàng phân bón trên thế giới hiện tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 100% phân NPK.

5. Lạm phát tiền tệ

Khi các tổ chức ngân hàng nhà nước in thêm tiền, đưa ra các gói cứu trợ kích thích kinh tế, khiến do nguồn tiền vào thị trường tăng trong khi lượng hàng hóa sản xuất ra không tăng theo tương xứng dẫn đến giá cả hàng hóa sẽ tăng lên dẫn đến lạm phát tiền tệ.

Việc chính phủ phát hành thêm nguồn tiền có thể dẫn tới lạm phát

6. Lạm phát do cơ cấu

Với các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, đem lại nguồn lợi nhuận lớn thì các nhà quản lý doanh nghiệp này có xu hướng tăng tiền lương và thưởng cho người lao động. Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả cũng phải theo xu hướng tăng tiền lương cho người lao động để tránh mất nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp này kinh doanh không hiệu quả nên khi tăng tiền lương lao động đồng nghĩa với việc buộc phải tăng giá thành sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận. Do đó dẫn đến tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa.

 7. Lạm phát do chi phí đẩy

Là loại lạm phát mà khi các chi phí sản xuất đầu vào, chi phí nhân công, vận hành máy móc, thuế… của một doanh nghiệp tăng lên kéo theo mức giá của hàng hóa tăng lên nhằm đảm bảo lợi nhuận thu về. Điều này cũng khiến cho mức giá chung của nền kinh tế cũng tăng theo.

III. Ảnh hưởng của lạm phát đến kinh tế như thế nào?

1. Ảnh hưởng tiêu cực

Ảnh hưởng đến lãi suất

Khi xảy ra lạm phát tại các quốc gia trên thế giới sẽ gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị… Trong đó dễ nhận thấy nhất chính là lãi suất ngân hàng.

Lãi suất ngân hàng được tính theo công thức: Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – tỷ lệ lạm phát.

Do đó, khi lạm phát tăng cao, muốn duy trì lãi suất thực ổn định thì bắt buộc phải tăng lãi suất danh nghĩa. Điều này khiến cho nền kinh tế bị suy thoái, tình trạng thất nghiệp cũng tăng theo.

Ảnh hưởng đến thu nhập thực tế

Cũng gần giống với lãi suất, thu nhập thực tế của người lao động cũng được tính bằng thu nhập trên danh nghĩa trừ đi tỉ lệ lạm phát. Khi mà tỉ lệ lạm phát tăng lên trong khi thu nhập trên danh nghĩa không đổi dẫn tới thu nhập thực tế của người lao động bị giảm xuống. Điều này sẽ khiến đời sống của người lao động trở nên khó khăn hơn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, làm giảm lòng tin của người dân đối với Chính phủ.

Phân phối thu nhập không bình đẳng

Khi lạm phát tăng lên đồng nghĩa với việc giá trị của đồng tiền bị giảm xuống, điều này sẽ có lợi cho những người đi vay vốn để đầu cơ trục lợi dẫn đến nhu cầu vay cao kéo theo lãi suất cũng tăng cao.

Tầng lớp những người giàu có sẽ dựa vào lạm phát mà thu gom, đầu cơ tích trữ hàng hóa, tài sản dẫn đến sự chênh lệch lớn trong quan hệ cung cầu hàng hóa trên thị trường. Trong khi đó những người lao động nghèo sẽ càng trở nên khó khăn hơn trong việc mua sắm các sản phẩm hàng hóa, đồ dùng thiết yếu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng nới rộng.

Lạm phát gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân

Lạm phát dẫn đến nợ quốc gia

Tình trạng lạm phát sẽ làm cho tỷ giá ngoại tệ so với đồng tiền trong nước tăng, đồng tiền trong nước sẽ trở nên mất giá hơn sơ với đồng tiền nước ngoài khiến cho các khoản nợ nước ngoài sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng này ở hai quốc gia Hy Lạp và Italia trong những năm gần đây.

2. Ảnh hưởng tích cực

Vậy lạm phát có thực sự tồi tệ? Không hẳn. Trong điều kiện bình thường, một nền kinh tế thường duy trì lạm phát ở mức độ phù hợp. Nếu nền kinh tế lạm phát bằng 0 hoặc giảm phát (còn gọi là lạm phát âm) cũng sẽ khiến nền kinh tế trì trệ. Hiểu một cách đơn giản, giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục.

Chắc hẳn với nhiều người sẽ nghĩ rằng giá hàng hóa giảm xuống sẽ làm nền kinh tế có lợi, bởi vì chúng ta mua được nhiều hàng hóa hơn? Thực tế không phải như vậy. Khi nền kinh tế trong tình trạng giảm phát , nó tồi không kém một nền kinh tế lạm phát phi mã.

Bởi vì thất nghiệp gia tăng, dòng vốn tắc nghẽn, Các doanh nghiệp đóng cửa do không có lợi nhuận và không có khả năng chi trả lãi vay. Chính vì vậy, mỗi quốc gia đều tìm cách kiểm soát lạm phát chứ không triệt tiêu lạm phát.

Đối với các cá nhân, khi lạm phát tăng cao, thì việc gửi tiền ngân hàng mang lại lợi ích nhanh chóng, do lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao để kiềm chế lạm phát. Giả sử, với lãi suất suất ngân hàng là 14% giai đoạn 2008-2014, thì một người có 500 triệu đồng sẽ nhanh chóng nhân đôi số tiền của họ chỉ sau hơn 5 năm.

Nếu lạm phát ở trong tầm kiểm soát sẽ mang lại một số lợi ích tích cực như:

- Lạm phát trong tầm kiểm soát sẽ kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư, giảm bớt thất nghiệp trong xã hội.

- Cho phép chính phủ có thêm khả năng lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư vào những lĩnh vực kém ưu tiên thông qua mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định có chọn lọc. Tuy nhiên, đây là công việc khó và đầy mạo hiểm nếu không chủ động thì sẽ gây nên hậu quả xấu.

Hiện nay, mức lạm phát trong tầm kiểm soát tốt nhất là từ 2-5% đối với các nước phát triển, dưới 10% đối với các nước đang phát triển.

Lạm phát có thực sự tồi tệ?

IV. Thực trạng lạm phát ở Việt Nam thế nào?

Theo chinhphu.vn, căn cứ dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát nước ta năm 2022 tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát đã được đặt ra trước đó là 4%. Theo đó, các nguyên nhân dẫn đến có thể kể đến 03 yếu tố chính là:

- Lạm phát chuỗi cung ứng: Bởi sản xuất phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài khá nhiều.

- Giá nguyên nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, khi giá nguyên vật liệu ở nước ta tăng 1% thì giá thành sản phẩm phải tăng đến 2,6%.

- Tổng cầu tăng đột biến khi trước đó có sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, hiện tại nước ta vẫn kiểm soát tốt mặt bằng giá chung.

V. Các biện pháp kiểm soát lạm phát

Bởi những ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế, một số biện pháp kiểm soát lạm phát có thể sử dụng gồm:

1. Giảm bớt lượng tiền

- Ngừng phát hành in thêm tiền trong lưu thông nhằm giảm lượng tiền đưa vào lưu thông trong xã hội.

- Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Đây là biện pháp nhằm giảm lượng cung tiền vào thị trường. Biện pháp này tác động đến tất cả các ngân hàng và bình đẳng giữa các ngân hàng với nhau.

- Nâng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tiền gửi: Biện pháp này sẽ làm hạn chế các ngân hàng thương mại mang các giấy tờ có giá đến ngân hàng nhà nước để chiết khấu. Ngoài ra việc nâng mức lãi suất tiền gửi sẽ hút khiến người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn.

- Ngân hàng trung ương áp dụng nghiệp vụ thị trường mở nhằm bán các chứng từ có giá cho các ngân hàng thương mại.

- Ngân hàng trung ương bán vàng và ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.

- Giảm chi ngân sách: Đó là giảm chi tiêu thường xuyên và cắt giảm đầu tư công.

- Tăng tiền thuế tiêu dùng nhằm giảm bớt nhu cầu chi tiêu cá nhân trong xã hội, tăng hàng hóa dịch vụ cung cấp trong xã hội.

Cách kiểm soát lạm phát hiệu quả

2. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Ngoài việc kiểm soát lượng tiền được đưa vào lưu thông trên thị trường, một trong những biện pháp cần được dùng để kiểm soát lạm phát là phải thúc đẩy cung hàng hoá.

Chỉ khi lượng hàng hoá cung cấp cho thị trường tương đương với nhu cầu hàng hoá của người dân thì tỷ lệ lạm phát mới có thể có xu hướng giảm.

Đặc biệt là các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thường xuyên theo dõi để nắm được diễn biến thị trường của hàng hoá. Qua đó, áp dụng các biện pháp tương ứng, phù hợp với tình hình thực tế.

VI. Các biện pháp Việt Nam đang áp dụng

Theo phân tích, lạm phát của Việt Nam trong quý I năm 2022 không tăng cao như nhiều quốc gia khác, bởi:

- Lương thực, thực phẩm ở Việt Nam dồi dào, giá cả ổn định, đủ phục vụ nhu cầu của người dân trong nước thậm chí còn có hàng hoá xuất khẩu ra thế giới.

- Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều chỉ đạo, văn bản hỗ trợ người dân: Giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà… nhằm bình ổn giá cả, giảm áp lực lạm phát gia tăng.

Tại Công văn 5079/BTC-QLG ngày 02/6/2022, Bộ Tài chính nêu, trước diễn biến giá của một số mặt hàng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao gây xức ép đến giá cả của thị trường trong nước, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý, điều hành giá trong thời gian tới:

- Khi có biến động lớn về giá thì phải đề xuất, triển khai ngay các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

- Tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cũng triển khai, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gồm:

- Giảm thuế GTGT trong năm 2022 từ 10% xuống còn 8% (Nghị định 15/2022/NĐ-CP).

- Hỗ trợ lãi suất lên tới 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với mức 2%/năm (Nghị quyết 43/2022/QH15).

- Giảm 10% lãi suất vay còn dư nợ tại ngân hàng Chính sách xã hội từ 01/10/2021 - 31/12/2022 (Quyết định 1990/QĐ-TTg).

- Giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 0,5 - 1% trong các lĩnh vực ưu tiên.

- Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tối đa 03 tháng (Quyết định 08/2022/QĐ-TTg)…

VII. Phân biệt lạm phát và giảm phát

Đi cùng với lạm phát là khái niệm giảm phát. Dưới đây là các tiêu chí dùng để phân biệt cụ thể hai khái niệm này:

Tiêu chí

Lạm phát

Giảm phát

Khái niệm

Lạm phát được hiểu đơn giản là hình thức giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng liên tục theo thời gian và sự mất giá của đồng tiền.

Giảm phát là sự suy giảm của mặt bằng giá cả. Hay có thể hiểu, thiểu phát là sự giảm lạm phát.

Bản chất

Sự tăng giá, chênh lệch cung - cầu của giá cả hàng hoá, dịch vụ

Sự hạ thấp giá cả

Nguyên nhân

- Do nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng/thay đổi

- Do chi phí tăng lên trong sản xuất của các doanh nghiệp

- Lượng cung cấp tiền lưu thông trong nước tăng…

 

Sự suy giảm của nhu cầu tiêu dùng

 

1 386 04/08/2023