Tổng hợp thông tin về kinh doanh bất động sản mới nhất 2024

Kinh doanh bất động sản là gì?Nguyên tắc, điều kiện của kinh doanh bất động sản như thế nào? Cùng một số quy định kinh doanh bất động sản. Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

1 235 13/08/2023


Tổng hợp thông tin về kinh doanh bất động sản mới nhất 2024

I. Kinh doanh bất động sản là gì?

1. Bất động sản là gì?

Bất động sản hay còn gọi là địa ốc hay nhà đất là một thuật ngữ pháp luật có ý nghĩa bao gồm đất đai và những gì dính liền vĩnh viễn với mảnh đất. Những thứ được xem là dính liền vĩnh viễn như là nhà cửa, ga ra, kiến trúc ở trên hoặc dầu khí, mỏ khoáng chất ở dưới mảnh đất đó.

- Đặc điểm của bất động sản

Những thông tin ở trên đã một phần giải đáp được những thông tin cơ bản về bất động sản là gì. Dưới đây sẽ là những đặc điểm của bất động sản, giúp bạn hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.

+ Tính cá biệt và khan hiếm

Bất động sản mang tính chất của đất đai, chính vì lý do này mà nó có tính khan hiếm. Đất là nguồn tài nguyên có giới hạn về khu vực, lãnh thổ và diện tích,… Cũng chính vì vậy, bất động sản là không di chuyển, di dời được và hiển nhiên trở thành hàng hóa có tính cá biệt.

Không đơn giản như vấn đề bất động sản là gì, tính chất này được thể hiện một cách cụ thể hơn. Vậy tính chất khan hiếm, cá biệt của bất động sản được biểu hiện như thế nào trong thực tế? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua những ví dụ sau đây.

Một ví dụ thực tế như hai miếng đất A và B nằm cạnh nhau, thuộc vùng một khu vực. Nếu như là loại hàng hóa bình thường, A và B có thể tương đương nhau. Nhưng cả 2 đều là hàng hóa bất động sản, vì vậy hai mảnh đất này có những yếu tố rất khác nhau và không được xem là giống nhau hay tương đương với nhau.

Hơn nữa, cho dù hai mảnh đất A, B này có chung kiểu thiết kế kiến trúc trên mặt đất hay sở hữu những đặc điểm gì khác nhau đi chăng nữa thì xét về bất động sản cũng sẽ khác nhau. Lý do là bất động sản mang tính cá biệt mà không mảnh đất nào có thể giống với mảnh đất nào. Nhiều nhà đầu tư bất động sản đã lợi dụng được đặc điểm này của những mảnh đất. Họ dựa trên những đặc điểm cá biệt, duy nhất để làm điểm nổi bật cho bất động sản của họ trở nên thu hút và hấp dẫn hơn với khách hàng.

+ Tính lâu bền

Bất động sản có tính lâu bền và trường tồn theo thời gian. Bởi đất đai là nguồn tài nguyên quý giá được thiên nhiên ban tặng, tồn tại theo thời gian và không thể nào bị hủy hoại. Nếu trên mảnh đất, chúng ta xây dựng những công trình kiến trúc thì có thể lưu giữ từ vài chục đến hàng trăm năm.

Ý nghĩa của tính lâu bền của bất động sản chính là tuổi thọ của công trình, kiến trúc được xây dựng trên nó. Tuổi thọ của bất động sản được phân thành tuổi thọ kinh tế và tuổi thọ vật lý.

Tuổi thọ vật lý đem đến lợi ích lâu dài hơn về kinh tế. Khi công trình, kiến trúc bị hư hỏng, không còn bảo toàn kết cấu chịu lực nữa thì những lợi ích kinh tế mới chấm dứt. Khác với tuổi thọ vật lý, tuổi thọ kinh tế ngắn ngủi hơn khi nó có thể chấm dứt trong hoạt động bình thường của thị trường. Theo ước tính trung bình của các nghiên cứu, bất động sản có tuổi thọ khoảng 40 đối với các nhà ở, khách sạn,… Các công trình khác như nhà phồ thông và nhà xưởng có tuổi dài hơn một chút, khoảng 45 năm.

Với tính chất lâu bền, các tài sản bất động sản được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Bởi tính chất này khiến bất động sản trở thành loại hàng hóa mang đặc điểm không bao giờ vơi hay cạn đi, đa dạng và phong phú.

+ Tính chất chịu sự ảnh hưởng lẫn nhau

Nếu bạn đã trả lời được cho câu hỏi bất động sản là gì, thì bạn sẽ liên tưởng được là nó sẽ có tính chất chịu sự ảnh hưởng của các bất động sản khác. Tác động giữa các bất động sản thậm chí còn rất rõ rệt. Một bất động sản này có thể gây ra một tác động rất lớn đến các bất động sản khác.

Có thể xét đến những ví dụ thực tế để các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Chẳng hạn như tại một khu vực, Nhà nước hoặc các nhà đầu tư thi công, xây dựng những công trình hạ tầng, cơ sở kiến trúc hiện đại và cao cấp. Điều này khiến cho khu vực này trở nên đẹp hơn, gia tăng giá trị về kinh tế cũng như dịch vụ. Vì vậy, những bất động sản khác nằm trong cùng khu vực sẽ gia tăng giá trị sử dụng hơn cũng như thu hút các nhà đầu tư hơn.

Nói tóm lại, các bất động sản có thể hỗ trợ gia tăng giá trị cho nhau và có tính chất chịu sự ảnh hưởng của nhau. Đây cũng làm một tính chất của bất động sản được ứng dụng và đem lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư.

2. Kinh doanh bất động sản được hiểu như thế nào?

Kinh doanh bất động sản có thể hiểu đó là việc đầu tư một số vốn nhất định vào một bất động sản nào đó với mục đích là để sinh lợi nhuận. Các hoạt động đầu tư bất động sản nhằm sinh lời bao gồm việc mua, bán, xây dựng để cho thuê, cho thuê lại, chuyển nhượng hoặc tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch bất động sản, thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn hoặc quản lý bất động sản.

Ngoài ra, Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.

3. Nguyên tắc kinh doanh bất động sản

Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản 2014, kinh doanh bất động sản có những nguyên tắc sau:

– Mọi hoạt động kinh doanh bất động sản đều được bình đẳng trước pháp luật; các bên được tự do thỏa thuận thông qua hợp đồng dựa trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau và không trái quy định của pháp luật.

– Bất động sản đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.

– Kinh doanh bất động sản phải thực hiện công khai, minh bạch và trung thực.

– Cá nhân, tổ chức có quyền kinh doanh bất động sản ngoài phạm vi bảo vệ quốc phòng, an ninh theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

II. Phân loại kinh doanh bất động sản

Việc phân loại kinh doanh bất động là gì có thể căn cứ vào loại hình bất động sản hoặc căn cứ vào bản chất của của hành vi kinh doanh hàng hóa bất động sản như sau:

1. Bất động sản nhà ở

Loại hình kinh doanh bất động sản này bao gồm nhà xây dựng mới và mua lại. Bất động sản nhà ở phổ biến nhất là nhà ở gia đình. Ngoài ra, còn có thể là nhà cho thuê, chung cư, nhà nghỉ, khu căn hộ,... Thị trường kinh doanh bất động sản nhà ở thường được ưa chuộng bởi các dự án căn hộ, tòa nhà hoặc phân khu xây dựng có sẵn, vì vậy nhiều nhà đầu tư hiện nay đã liên tục cho ra mắt những dự án bất động sản nhà ở mới tại các thành phố lớn của đất nước.

2. Bất động sản thương mại - dịch vụ

Bất động sản thương mại - dịch vụ là loại hình bất động sản được sử dụng trong việc xây dựng các cơ sở nhằm mục đích kinh doanh thương mại và dịch vụ hoặc các công trình khác để phục vụ cho hoạt động này, bao gồm các tòa nhà trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, dịch vụ y tế, hệ thống giáo dục,... Những dự án phát triển theo loại hình bất động sản này đòi hỏi cần có bộ máy quản lý và vận hành chuyên nghiệp để đảm bảo thông suốt và liên kết tốt tới các tiện ích trong cùng một khu vực.

3. Bất động sản công nghiệp - hạ tầng

Loại hình kinh doanh bất động sản này được hiểu là các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN), các tòa nhà với mục đích nghiên cứu, sản xuất hoặc lưu trữ hàng hóa. Đây cũng là một trong những phân khúc đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án xây dựng KCN, các nhà xưởng cho thuê hay các dự án đầu tư với mục đích phục vụ sản xuất đều được săn đón mạnh mẽ. Phân khúc này đang dần trở nên khan hiếm bởi chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong bối cảnh công ty có nguồn vốn nước ngoài tham gia và thị trường Việt Nam tăng mạnh.

Bất động sản công nghiệp Vinfast

4. Bất động sản đất

Loại hình bất động sản này còn được gọi là đất nền, đất dự án, trang trại trồng cây, hoa màu hay chăn nuôi. Mặc dù, đất thuộc nhóm này là đất chưa phát triển, đất tại sử dụng nhưng lại được rất nhiều nhà đầu tư săn đón.

Bất động sản đất chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt vì tính pháp lý đơn giản cùng với đó là vốn đầu tư rẻ nhưng vẫn đảm bảo khả năng sinh lời cao. Nhiều nhà đầu tư bất động sản thường mua đất gần các thành phố lớn bởi việc xin thủ tục cấp phép và bán cho các cá nhân có nhu cầu dễ dàng hơn.

Bất động sản đất nền

III. Điều kiện kinh doanh bất động sản

1. Điều kiện để nhà ở được đưa vào kinh doanh bất động sản

1.1 Đối với nhà ở có sẵn

Cũng giống như điều kiện để nhà ở tham gia vào giao dịch, để nhà ở được đưa vào kinh doanh bất động sản cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:

Thứ nhất, có đăng ký quyền ở hữu nhà gắn liền với đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với nhà có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

Thứ hai, không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở;

Thứ ba, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

1.2. Đối với nhà ở hình thành trong tương lai

Điều kiện để đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:

Thứ nhất, có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó;

Thứ hai, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.

2. Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản

Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:

Thứ nhất, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng;

Thứ hai, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bấn, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định trên được liệt kê tại Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP bao gồm:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất).

Tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể, chia tách.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức, cá nhân khác chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản, bán nhà, công trình xây dựng đang bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng để xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua mà không phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Các cơ quan, tổ chức khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình

IV. Nội dung hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà

Căn cứ Điều 18 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, nội dung của hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở bao gồm:

- Tên, địa chỉ của các bên;

- Các thông tin về bất động sản;

- Giá mua bán, cho thuê, cho thuê mua;

- Nội dung này được quy định tại Điều 15 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau: giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua nhà do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng. Trường hợp nhà nước có quy định về giá thì phải thực hiện theo quy định đó.

- Phương thức và thời hạn thanh toán: Thanh toán trong giao dịch bất động sản quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:

+ Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán.

+ Việc phạt và bồi thường thiệt hại do bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bên thuê, bên thuê mua chậm tiến độ thanh toán hoặc bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê, bên cho thuê mua chậm tiến độ bàn giao bất động sản do các bên thỏa thuận và phải được ghi rõ trong hợp đồng.

+ Thời hạn giao, nhận bất động sản và hồ sơ kèm theo;

+ Bảo hành;

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

+ Phạt vi phạm hợp đồng;

+ Các trường hợp chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng và các biện pháp xử lý;

+ Giải quyết tranh chấp;

+ Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

V. Các loại bất động sản nào được phép kinh doanh?

Căn cứ Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, các loại bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản (sau đây gọi là bất động sản) bao gồm:

– Nhà, công trình xây dựng có sẵn của các tổ chức, cá nhân;

– Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân;

– Nhà, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh;

– Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất.

VI. Các hành vị bị cấm khi kinh doanh bất động sản

Các hành vi bị cấm của tổ chức, nhân viên kinh doanh là gì? Theo luật kinh doanh bất động sản, những hành vi bị cấm bao gồm:

- Việc kinh doanh bất động sản là các loại hình nhà ở, công trình xây dựng có sẵn; nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và đất đai không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Các quyết định về việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với những quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Các hành động không công khai hoặc công khai không đầy đủ, không trung thực về những thông tin bất động sản đang tham gia hoạt động kinh doanh.

- Tất cả những hoạt động gian lận, lừa dối, trốn thuế trong kinh doanh bất động sản.

- Hành động cố ý chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của các tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng với mục đích đã cam kết trước đó.

- Tất cả những hành động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

- Tự ý cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng với quy định của pháp luật.

- Cố ý thu phí, lệ phí và các khoản tiền có liên quan đến kinh doanh bất động sản trái với quy định của pháp luật.

VII. Một số câu hỏi về kinh doanh bất động sản

1. Điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là gì?

Bất động sản phải có giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp phép xây dựng; có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, có bản vẽ thiết kế thi công đã được cấp chính quyền phê quyệt; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

Riêng với nhà chung cư, nhà hỗn hợp có mục đích để ở, chỉ được đưa vào kinh doanh khi có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Việc thiếu bất kỳ điều kiện nào, người mua nhà có quyền yêu cầu chủ đầu tư bổ sung để tránh trường hợp việc giao dịch bị vô hiệu.

2. Điều kiện khi người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam?

Theo Khoản 2, 3 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê, mua các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở, sử dụng làm văn phòng làm việc,…

Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất của người nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định:

Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở;

Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư;

Trường hợp có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua trong một đơn vị hành chính cấp phường hoặc tương đương thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư.

 

1 235 13/08/2023