Trái phiếu là gì? Những điều nhà đầu tư cần lưu ý

Trong lĩnh vực tài chính, trái phiếu là một công cụ quan trọng cho việc huy động vốn và đầu tư. Trái phiếu thường được phát hành bởi các doanh nghiệp hoặc chính phủ để vay tiền từ nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư, trái phiếu mang lại lợi ích đáng kể và là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng danh mục đầu tư.

1 275 07/08/2023


Trái phiếu là gì? Những điều nhà đầu tư cần lưu ý

I. Trái phiếu là gì?

Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định cụ thể như sau:

"Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”

Theo đó, trái phiếu là một loại chứng khoán, là đối tượng giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định.

Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.

Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh). Trái chủ là người cho nhà phát hành vay và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả sử dụng vốn vay của người vay. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng vay.

II. Cấu trúc và thành phần của một trái phiếu

Một trái phiếu bao gồm nhiều thành phần quan trọng, mỗi thành phần có vai trò riêng trong việc xác định giá trị và lợi ích của trái phiếu.

1. Giá trị trái phiếu

Giá trị trái phiếu là số tiền mà nhà đầu tư phải trả để mua trái phiếu. Giá trị này thường được xác định dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm lãi suất thị trường, mức độ rủi ro và thời gian còn lại trước khi trái phiếu đáo hạn.

2. Lãi suất trái phiếu

Lãi suất trái phiếu là mức lãi suất mà nhà đầu tư sẽ nhận được từ việc nắm giữ trái phiếu. Lãi suất này có thể được xác định trước khi trái phiếu được phát hành hoặc theo biến động của thị trường. Thông thường, trái phiếu có lãi suất cố định, tuy nhiên, cũng có trái phiếu có lãi suất điều chỉnh theo chỉ số thị trường như lãi suất cơ bản.

3. Thời hạn trái phiếu

Thời hạn trái phiếu là khoảng thời gian mà nhà đầu tư phải nắm giữ trái phiếu trước khi nó đáo hạn và trở thành vốn. Thời hạn này thường được quy định từ khi trái phiếu được phát hành và có thể kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm.

4. Phương thức trả lãi

Trái phiếu có thể có các phương thức trả lãi khác nhau, bao gồm trả lãi hàng năm, trả lãi cuối kỳ hoặc trả lãi khi trái phiếu đáo hạn. Phương thức trả lãi thường được quy định rõ trong điều khoản trái phiếu và nhà đầu tư có thể lựa chọn trái phiếu phù hợp với nhu cầu và mục tiêu đầu tư của mình.

III. Đặc điểm của trái phiếu

Chủ thể phát hành trái phiếu không chỉ có Công ty, mà còn có Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương.

Bất cứ doanh nghiệp hoặc cá nhân nào cũng có thể mua trái phiếu, kể cả chính phủ. Những loại trái phiếu có ghi tên của trái chỉ được gọi là trái phiếu ghi danh, còn ngược lại thì được gọi là trái phiếu vô danh.

Người mua trái phiếu chỉ là người cho chủ thể phát hành vay tiền và là chủ nợ của chủ thể phát hành trái phiếu. Khác với người mua cổ phiếu là người Chủ sở hữu Công ty.

Chứng khoán là khái niệm được dùng khi đề cập đến các sản phẩm tài chính xác nhận sở hữu hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành. Khái niệm chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, chứng quyền... Trong số các loại chứng khoán, trái phiếu là loại xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định.

Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lợi tức cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.

Thu nhập của trái phiếu được gọi là lợi tức - là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ cho người nắm giữ và không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành.

Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty.

IV. Phân loại trái phiếu

Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân loại tuỳ theo đơn vị phát hành (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ), lợi tức (lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, lãi suất bằng 0), mức độ đảm bảo thanh toán, hình thức và tính chất trái phiếu...

1. Phân loại theo chủ thể phát hành:

- Trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc các chương trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước. Trái phiếu Chính phủ thường có lãi suất thấp nhưng ít rủi ro nhất so với các loại chứng khoán khác.

- Trái phiếu chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phát hành với kỳ hạn từ một năm trở lên nhằm huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư của địa phương. Nguồn tiền hoàn trả trái phiếu thường là nguồn thu ngân sách địa phương.

- Trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp (trong đó bao gồm ngân hàng) phát hành để đáp ứng nhu cầu vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.

2. Phân loại theo tính chất trái phiếu:

- Trái phiếu có thể chuyển đổi (chỉ có ý nghĩa khi chủ thể phát hành là doanh nghiệp): là loại có thể chuyển thành cổ phiếu tại một thời điểm trong tương lai. Trái phiếu chuyển đổi thường có lãi suất thấp nhưng thu hút nhà đầu bởi tỷ lệ chuyển đổi hấp dẫn.

- Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Loại trái phiếu kèm theo phiếu cho phép trái chủ có quyền mua một lượng nhất định cổ phiếu của công ty.

- Trái phiếu có thể mua lại: Là trái phiếu cho phép người phát hành có quyền mua lại một hay toàn bộ trái phiếu khi đến hạn thanh toán.

3. Phân loại theo hình thức trái phiếu

- Trái phiếu ghi danh: Có ghi tên của người mua trong sổ sách của nhà phát hành theo đặc điểm của trái phiếu. Người giữ trái phiếu là người sở hữu trái phiếu.

- Trái phiếu vô danh: Không ghi tên của người mua trên trái phiếu và trên sổ phát hành. Trái chủ là người được hưởng lợi từ trái phiếu vô danh.

4. Phân loại theo lợi tức trái phiếu:

- Trái phiếu lãi suất cố định là loại trái phiếu đã xác định lợi tức (%) và các đợt trả lãi trong suốt kỳ hạn trái phiếu trên hợp đồng giao dịch trái phiếu.

- Trái phiếu lãi suất thả nổi là loại trái phiếu có một mức lợi tức xác định trước, cộng thêm một khoản lợi tức biến động theo lãi suất tham chiếu. Các doanh nghiệp trong nước thường chọn lãi suất tham chiếu là lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.

- Trái phiếu có lãi suất bằng không là loại trái phiếu mà trái chủ không nhận lợi tứ, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.

5. Phân loại theo phương thức đảm bảo:

Trái phiếu đảm bảo:

Trái phiếu đảm bảo là gì? Đây là loại trái phiếu đảm bảo bằng việc nhà phát hành dùng tài sản có giá trị (ví dụ: bất động sản) làm vật bảo đảm cho việc phát hành. Nếu nhà phát hành họ mất khả năng thanh toán, thì lúc này trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi số tiền mà bên phát hành còn nợ. Trái phiếu đảm bảo gồm 2 loại sau:

- Trái phiếu gồm tài sản cầm cố: Là trái phiếu bảo đảm khi người phát hành cầm cố tài sản có giá trị đảm bảo thanh toán cho trái chủ. Thông thường giá trị của tài sản cầm cố sẽ lớn hơn tổng mệnh giá của trái phiếu phát hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho trái chủ.

- Trái phiếu đảm bảo bằng chứng khoán ký quỹ: Là loại trái phiếu đảm bảo bằng việc nhà phát hành đem ký quỹ sổ chứng khoán chuyển nhượng, để đảm bảo cho tài sản mình sở hữu.

Trái phiếu không đảm bảo:

Là trái phiếu phát hành không có tài sản làm minh chứng đảm bảo uy tín cho người phát hành. Trái phiếu không có tài sản đảm bảo có tính chất ngược lại nên mức độ rủi ro cao hơn.

V. Lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu

Đầu tư vào trái phiếu mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có những rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư cần lưu ý.

1. Lợi ích của việc sở hữu trái phiếu

- Thu nhập cố định: Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu sẽ nhận được lãi suất hàng năm hoặc theo chu kỳ quy định. Điều này mang lại một nguồn thu nhập ổn định và đáng tin cậy cho nhà đầu tư.

- Bảo vệ vốn: Trái phiếu đảm bảo trả lại số tiền đầu tư ban đầu khi trái phiếu đáo hạn. Điều này giúp bảo vệ vốn của nhà đầu tư và giảm rủi ro trong quá trình đầu tư.

2. Rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu

Rủi ro lãi suất: Nếu lãi suất thị trường tăng lên, giá trị trái phiếu có thể giảm. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá trị đầu tư của nhà đầu tư trước khi trái phiếu đáo hạn.

Rủi ro tín dụng: Nếu công ty hoặc chính phủ phát hành trái phiếu gặp khó khăn tài chính, có thể xảy ra rủi ro không trả lãi hoặc không trả vốn đúng hẹn. Điều này có thể khiến nhà đầu tư mất tiền hoặc không nhận lãi suất như kỳ vọng.

VI. Cách mua và bán trái phiếu

Để mua và bán trái phiếu, nhà đầu tư có thể tuân theo các bước sau đây:

1. Mua trái phiếu

Mua trái phiếu thông qua ngân hàng: Nhà đầu tư có thể mua trái phiếu trực tiếp từ ngân hàng thông qua tài khoản giao dịch cá nhân hoặc tài khoản chứng khoán.

Mua trái phiếu thông qua công ty môi giới: Nhà đầu tư có thể mua trái phiếu thông qua các công ty môi giới chứng khoán. Các công ty này cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc mua bán trái phiếu.

2. Bán trái phiếu

- Bán trái phiếu thông qua ngân hàng: Nhà đầu tư có thể bán trái phiếu cho ngân hàng thông qua tài khoản giao dịch cá nhân hoặc tài khoản chứng khoán.

- Bán trái phiếu thông qua công ty môi giới: Nhà đầu tư có thể bán trái phiếu thông qua các công ty môi giới chứng khoán. Các công ty này sẽ giúp nhà đầu tư tìm kiếm người mua trái phiếu và thực hiện giao dịch.

VII. Phân biệt trái phiếu và cổ phiếu

Điểm giống nhau

- Đều là hình thức chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố.

- Là phương tiện huy động nguồn vốn với nhà phát hành.

- Là công cụ quản trị tài chính đối với các nhà đầu tư.

Bảng so sánh

Tiêu chí

Trái phiếu

Cổ phiếu

Khái niệm

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định.

 

Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Cổ phiếu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ ghi nhận quyền sở hữu đối với một phần vốn điều lệ công ty.

 

Chủ thể phát hành

Công ty cổ phần, Công ty TNHH

Công ty cổ phần

Quyền của chủ sở hữu

- Người sở hữu trái phiếu được trả lãi định kì, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

- Người sở hữu cổ phiếu được gọi là cổ đông của công ty cổ phần

 

- Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần trở thành cổ đông và tùy thuộc vào loại cổ phần họ nắm giữ, có những quyền khác nhau trong công ty.

- Được chia lợi nhuận (hay còn gọi là cổ tức), tuy nhiên lợi nhuận này không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

- Có quyền tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty (Trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không được dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết các vấn đề của công ty)

Người sở hữu trái phiếu là chủ nợ của công ty.

 

Thời gian sở hữu

Thời hạn được ghi cụ thể trong trái phiếu

Không có thời hạn cụ thể

Thứ tự ưu tiên thanh toán khi công ty giải thể, phá sản

Khi công ty phá sản, giải thể, trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu.

Khi công ty phá sản, giải thể, phần vốn góp của cổ đông được thanh toán sau cùng khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ khác.

VIII. Một số câu hỏi liên quan

1. Thu hồi vốn bằng cách bán trái phiếu có được không?

Ngày nay có một số trái phiếu được các công ty chứng khoán tư vấn phát hành. Và các loại trai phiếu này có thể giao dịch mua bán. Khi các nhà đầu tư muốn rút vốn, có thể bán lại cho công ty chứng khoán để rút vốn ra. Nhà đầu tư chỉ phải trả một khoản phí nhỏ cho việc này. Với việc có thể thu hồi vốn bất cứ lúc nào là một lợi thế lớn so với loại trái phiếu phải đợi ngày hết hạn. Thay vì gửi tiết kiệm 3 tháng nhà đầu tư có thể mua nắm giữ trái phiếu trong 3 tháng và có thể bán lại rút vốn, do đó mức độ an toàn của loại trái phiếu này cao hơn các loại trái phiếu thông thường.

2. Có nên đầu tư trái phiếu Doanh Nghiệp ở Việt Nam không?

So với gửi tiết kiệm thì trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao hơn, và vì doanh nghiệp phát hành sẽ đưa ra mức lãi suất cao hơn để bù đắp sự rủi ro này. Chính vì vậy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao hơn gửi ngân hàng. Đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, tình hình tài chính lành mạnh, thì trái phiếu của doanh nghiệp đó rất hấp dẫn vì nó cân bằng giữ độ an toàn và mức sinh lời tốt hơn gửi tiết kiệm, và vì vậy nó cũng chống lạm phát tốt hơn rất nhiều.

Chúng ta sẽ đánh giá năng lực thực tế về khả năng chống lạm phát của trái phiếu doanh nghiệp như thế nào bằng các số liệu sau.

Hiện nay lãi suất gửi tiết kiệm trung bình 7% sau khi điều chỉnh lạm phát trung bình 4% chúng ta có lãi suất thực 3%.

Với mức lãi suất doanh nghiệp 12%, sau đó điều chỉnh lạm phát 4% nhà đầu tư có lãi suất thực 8%. Đây là mức chênh lệch rất lớn về lãi suất.

3. Nên lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp nào?

Điều cốt lõi của mua trái phiếu doanh nghiệp đó là đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp chúng ta cho vay. Khi các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, và dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt thì việc thanh toán các khoản vay trái phiếu sẽ diễn ra đúng cam kết. Vấn đề chỉ phát sinh khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khó khăn. Ngoài ra doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu cao cũng làm tăng rủi ro cho người cho trái chủ.

Trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và đầu tư. Đầu tư vào trái phiếu mang lại nhiều lợi ích, bao gồm thu nhập cố định và bảo vệ vốn. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư cần lưu ý. Việc mua và bán trái phiếu có thể được thực hiện thông qua ngân hàng hoặc công ty môi giới chứng khoán.

1 275 07/08/2023