Chứng khoán phái sinh là gì? Có nên đầu tư chính khoán phái sinh không?

Một trong những hình thức đầu tư được nhiều người lựa chọn đó là đầu tư chứng khoán phái sinh. Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng tương lai, trong đó giá trị sẽ phù thuộc vào chứng khoán cơ sở. Nhà đầu tư có thể kiếm lời dù thị trường đi lên hay xuống. Cùng tìm hiểu xem chứng khoán phái sinh là gì? Có nên đầu tư chứng khoán phái sinh không? Một số lưu ý khi tham gia đầu tư.

1 283 15/08/2023


Chứng khoán phái sinh là gì? Có nên đầu tư chính khoán phái sinh không?

I. Chứng khoán phái sinh là gì?

1. Khái niệm chứng khoán phái sinh ở Việt Nam

Tại khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa:

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Trong đó, tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh (theo khoản 10 Điều 4 Luật Chứng khoán).

Hiểu một cách đơn giản, chứng khoán phái sinh là một hợp đồng tài chính quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Trong đó, giá giao dịch sẽ được xác định ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên thời điểm thực hiện sẽ ở một ngày cụ thể trong tương lai.

Chứng khoán phái sinh có một số đặc điểm nổi bật như:

- Mỗi chứng khoán phái sinh được thành lập trên tối thiểu một tài sản cơ sở và có giá trị gắn liền với giá trị của phần tài sản đó.

- Chứng khoán phái sinh không xác nhận quyền sở hữu với tài sản cơ sở mà chỉ là sự cam kết về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong tương lai giữa hai bên tham gia vào hợp đồng.

- Chứng khoán phái sinh là công cụ gắn liền cùng đòn bẩy tài chính. Do đó, chứng khoán phái sinh mang tính chất chủ yếu là đầu tư vào sự biến động giá trị của tài sản chứ không phải là sự đầu tư vào một loại tài sản thực tế.

2. Khái niệm chứng khoán phái sinh quốc tế

Chứng khoán phái sinh quốc tế được gọi là chứng khoán thị trường CFD (Contract For Difference) là loại chứng khoán phái sinh hoạt động trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia loại chứng khoán này áp dụng theo pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia sở tại giữa hai bên tham gia hợp đồng.

Đây là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc thanh toán tiền, chuyển nhượng tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, vàng, dầu mỏ. … Ở một mức giá cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc một ngày cụ thể trong tương lai.

Nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận dựa vào biến động giá cả của các loại sản. Trong đó, biên độ chênh lệch giá của các sản phẩm phụ thuộc vào “sức mua” và “sức bán” của chúng trên thị trường.

3. Ví dụ về chứng khoán phái sinh

Ví dụ về chứng khoán phái sinh chiều tăng giá:

A thỏa thuận mua gạo của B với điều kiện:

Mua 10 tấn gạo với giá 25.000 vnđ/kg. Tổng số tiền phải trả là 250 triệu đồng

Kỳ hạn hợp đồng là 02 tháng.

A đặt cọc trước 30 triệu, sau 02 tháng khi đến ngày giao dịch A phải trả nốt 220 triệu đồng tiền mua 10 tấn gạo. Đến ngày thỏa thuận thì giá Gạo tăng lên 30.000 đồng/kg (Giá 10 tấn gạo là 300 triệu vnđ).

Tuy nhiên, A chỉ phải trả cho B với mức giá là 25.000 đồng/kg như đã ký kết, tức tổng 10 tấn là 250 triệu đồng. Như vậy A đã kiếm được 50 triệu đồng từ việc mua hợp đồng tương lai với tài sản là Gạo.

Ví dụ về chứng khoán pháp sinh chiều giảm giá

Giá gạo hiện tại là 25.000 đồng/kg, A dự đoán 02 tháng sau giá gạo sẽ giảm xuống 20.000 đồng/kg.

A đi vay 10 tấn gạo với giá 25.000 đồng/kg (vay mượn qua hợp đồng chứ không phải vay tài sản thực)

Sau đó A thỏa thuận bán cho B 10 tấn gạo với giá 25.000 đồng/kg và thu được 250 triệu đồng từ việc bán Gạo.

Sau 02 tháng giá gạo giảm xuống 20.000 đồng/kg như dự đoán. A thu mua lại 10 tấn gạo để trả lại cho sàn giao dịch vì trước đã vay 10 tấn gạo.

Như vậy A đã có lãi 50 triệu từ việc phân tích đúng giá gạo giảm.

4. Phân biệt chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở

Chứng khoán cơ sở là chứng khoán được sử dụng làm tài sản cơ sở của chứng quyền. Trong đó, khoản 6 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định:

Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Có thể phân biệt chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở qua các đặc điểm sau:

Đặc điểm

Chứng khoán cơ sở

Chứng khoán phái sinh

Thị trường giao dịch

Thị trường giao ngay

Thị trường Phái sinh, giao tương lai

Khối lượng phát hành/ niêm yết

Có giới hạn(phụ thuộc vào tổ chức phát hành)

Không giới hạn

Bán khống chứng khoán

Bị cấm hoặc bị hạn chế tại một số thị trường

Tham gia vị thế bán mà không cần có tài sản cơ sở

Số tiền cần để giao dịch

Bằng tổng giá trị chứng khoán muốn mua. Đảm bảo có đủ tiền để mua tổng số chứng khoán cần mua

Một phần giá trị chứng khoán phái sinh. Người mua/ bán sử dụng ký quỹ, đặt cọc một phần giá trị tài sản nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trong tương lai

Thời điểm thanh toán/chuyển giao chứng khoán

Ngay sau khi giao dịch

Một thời điểm nhất định trong tương lai

Ngày giao dịch đầu tiên

Ngày đầu tiên chứng khoán cơ sở được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

- Ngày đầu tiên mã hợp đồng tương lai được niêm yết;

- Mã hợp đồng tương lai được tự động niêm yết sau khi một mã cũ đáo hạn

Số mã giao dịch

Mỗi mã giao dịch tương ứng với một loại cổ phiếu/ trái phiếu/ chứng chỉ quỹ niêm yết

Mỗi hợp đồng có nhiều mã giao dịch, mỗi mã giao dịch tương ứng với một tháng đáo hạn

Ngày giao dịch cuối cùng

Ngày trước khi chứng khoán cơ sở hủy niêm yết(tự nguyện hoặc bắt buộc)

- Ngày cuối cùng mã hợp đồng tương lai có giá trị và được niêm yết

- Sau ngày giao dịch cuối cùng của mã hợp đồng tương lai cũ, mã hợp đồng tương lai cũ được tự động hủy niêm yết và thay thế bằng mã hợp đồng tương lai có thời điểm đáo hạn mới.

Chu kỳ thanh toán

T+n: sau khi mua chứng khoán, nhà đầu tư chỉ có thể bán chứng khoán đó sau n ngày giao dịch

Lãi/lỗ được xác định hằng ngày. Để tiếp tục nắm giữ vị thế, bắt buộc phải đạt mức ký quỹ duy trì.

Hình thức thanh toán

Chuyển giao vật chất: bên bán có nghĩa vụ giao chứng khoán để chuyển cho bên mua

- Ít chuyển giao vật chất, nếu có thì chỉ diễn ra vào thời điểm thanh toán cuối cùng.

- Đa phần thanh toán bằng tiền: chuyển giao giá trị chênh lệch.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. Phân loại chứng khoán phái sinh

Căn cứ Điều 4 Luật Chứng khoán, chứng khoán phái sinh bao gồm các loại sau:

1. Hợp đồng quyền chọn (options contract)

Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch:

- Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

- Thanh toán chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

2. Hợp đồng tương lai (future contract)

Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch dưới đây:

- Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày cụ thể trong tương lai;

- Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

3. Hợp đồng kỳ hạn (forward contract)

Hợp đồng kỳ hạn là loại chứng khoán phái sinh giao dịch theo thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

Tại Việt Nam, từ tháng 8/2017 chứng khoán phái sinh chính thức được cho phép hoạt động và đưa vào giao dịch với hình thức hợp đồng tương lai. 2 sản phẩm hợp đồng tương lai phổ biến nhất hiện nay là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ.

III. Điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh

Theo quy định của pháp luật, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ muốn kinh doanh chứng khoán phái sinh phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép bằng việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh. Công ty chứng khoán các hoạt động chứng khoán phái sinh gồm: môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh. Trong khi đó công ty quản lý quỹ chỉ được phép thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh.

Những điều kiện cụ thể mà các công ty cần thỏa mãn để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh:

1. Đối với công ty chứng khoán:

- Được cấp phép hoạt động tất cả các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.

- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn như sau:

+ Có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh.

+ Có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh.

+ Có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 250 tỷ đồng trở lên với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh.

+ Có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên với cả ba hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.

- Đáp ứng được các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro cho hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật.

- Đáp ứng điều kiện về nhân sự gồm có Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ. Đồng thời phải có ít nhất 05 nhân viên cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh dự kiến đăng ký có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

- Trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định, trong vòng 12 tháng liên tục gần nhất, tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu phải đạt 220%.

- Trong 2 năm gần nhất, kết quả hoạt động kinh doanh không lỗ.

- Ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận toàn phần đối với báo cáo tài chính của năm gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét đối với trường hợp đề nghị cấp giấy chứng nhận sau ngày 30 tháng 6.

- Không đang trong quá trình tổ chức lại, giải thể, phá sản; không đang trong giai đoạn đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối với công ty quản lý quỹ:

- Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ 25 tỷ đồng trở lên.

- Đáp ứng điều kiện về nhân sự gồm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (hoặc Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ, ít nhất 05 nhân viên cho hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

- Đồng thời đáp ứng các quy định tại mục e, f, g, h như công ty chứng khoán.

Để được kinh doanh chứng khoán phái sinh các công ty chứng khoán phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

IV. Có nên chơi chứng khoán phái sinh không?

Chứng khoán phái sinh là thị trường đầu tư tiềm năng đáng để quan tâm nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Để quyết định có tham gia đầu tư hay không thì cần biết về những ưu, nhược điểm sau của chứng khoán phái sinh.

1. Ưu điểm

Ưu điểm của chứng khoán phái sinh:

- Giao dịch đa dạng: Chứng khoán phái sinh cung cấp đa dạng các sản phẩm đầu tư, cho phép nhà đầu tư lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu đầu tư của họ. Điều này tăng cơ hội đầu tư và giảm rủi ro đầu tư cho nhà đầu tư.

- Khả năng đổi thành tiền mặt dễ dàng: Chứng khoán phái sinh được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn, do đó có tính quy đổi thành tiền mặt cao hơn so với nhiều loại tài sản khác, giúp nhà đầu tư có thể mua bán dễ dàng và nhanh chóng.

- Cơ hội đầu tư mang tính đột phá: Chứng khoán phái sinh mang lại cho nhà đầu tư cơ hội đầu tư với các tài sản cơ bản như hàng hóa, ngoại tệ, chứng chỉ quỹ và các chỉ số chứng khoán, giúp tăng cường tính đa dạng của danh mục đầu tư.

- Kiếm lời từ xu hướng thị trường: Chứng khoán phái sinh giúp nhà đầu tư có cơ hội kiếm lời từ cả xu hướng tăng và giảm của thị trường, cho phép nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư linh hoạt hơn.

- Giúp bảo vệ các tài sản đầu tư khác: Chứng khoán phái sinh cho phép nhà đầu tư sử dụng các công cụ tài chính để bảo vệ các tài sản đầu tư khác khỏi các rủi ro thị trường, cho phép họ giảm thiểu rủi ro trong danh mục đầu tư của mình.

 2. Nhược điểm

Một số nhược điểm của chứng khoán phái sinh bao gồm:

- Rủi ro đầu tư cao: Đầu tư chứng khoán phái sinh có mức độ rủi ro cao hơn so với đầu tư vào các loại tài sản khác. Nhà đầu tư cần phải đánh giá kỹ càng các rủi ro này trước khi quyết định đầu tư vào chứng khoán phái sinh.

- Tác động của các yếu tố bên ngoài: Giá trị của chứng khoán phái sinh có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như tình hình kinh tế, chính trị và thị trường. Nhà đầu tư cần theo dõi các yếu tố này để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

- Chi phí giao dịch cao: Chi phí giao dịch chứng khoán phái sinh thường cao hơn so với giao dịch các loại tài sản khác. Nhà đầu tư cần phải tính toán kỹ chi phí này để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

- Khả năng thua lỗ lớn: Chứng khoán phái sinh có tính chất đòn bẩy cao, do đó nếu nhà đầu tư không đánh giá rủi ro kỹ càng thì có thể mất tiền nhanh chóng

Tóm lại, chứng khoán phái sinh có nhiều ưu điểm và nhược điểm và yêu cầu nhà đầu tư có đủ kiến thức và kinh nghiệm để đầu tư thành công và giảm thiểu rủi ro đầu tư.

V. Lưu ý khi đầu tư chứng khoán phái sinh

- Tìm hiểu kỹ về sản phẩm: Nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm và cơ chế hoạt động của chứng khoán phái sinh trên thị trường. Việc hiểu rõ sản phẩm sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn và giảm thiểu rủi ro.

- Cân nhắc rủi ro: Chứng khoán phái sinh có tính chất rủi ro cao, do đó nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.Để đầu tư chứng khoán phái sinh thành công, nhà đầu tư cần phải có kiến thức và kinh nghiệm về thị trường chứng khoán và phái sinh. Điều này có thể là một trở ngại cho nhà đầu tư mới. Nếu nhà đầu tư không có đủ kiến thức và kinh nghiệm, hoặc không có kế hoạch đầu tư rõ ràng, họ nên tránh đầu tư vào chứng khoán phái sinh.

- Chọn đơn vị môi giới uy tín: Nhà đầu tư cần chọn đơn vị môi giới uy tín và có kinh nghiệm trong việc giao dịch chứng khoán phái sinh. Việc chọn đúng đơn vị môi giới sẽ giúp nhà đầu tư tránh được các rủi ro về pháp lý và đảm bảo quyền lợi của mình.

- Quản lý rủi ro: Đầu tư chứng khoán phái sinh có tính chất rủi ro cao, do đó nhà đầu tư cần quản lý rủi ro một cách cẩn thận. Nên đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên kế hoạch đầu tư rõ ràng và theo dõi thị trường một cách thường xuyên để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

- Theo dõi tin tức và thông tin thị trường: Nhà đầu tư cần theo dõi tin tức và thông tin thị trường một cách thường xuyên để cập nhật về tình hình thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả của tài sản cơ bản.

- Nên đầu tư có chọn lọc: Đầu tư chứng khoán phái sinh có tính chất rủi ro cao, do đó nhà đầu tư không nên đầu tư quá nhiều tiền vào một sản phẩm. Nên đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với khả năng tài chính và kế hoạch đầu tư của mình.

Như vậy, đầu tư chứng khoán phái sinh đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức về sản phẩm, thị trường và kỹ năng đầu tư, cũng như có kế hoạch đầu tư rõ ràng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

VI. Danh sách các công ty chứng khoán phái sinh

Hiện nay, các công ty chứng khoán sau đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán, bao gồm:

- Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC)

- CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI (SSI)

- CTCP Chứng khoán VPS (VPS)

- CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

- CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT)

- CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

- CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS)

- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)

- CTCP Chứng khoán MB (MBS)

- Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)

- CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities)

- Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS)

- CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

- CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

- CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

- CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

- Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)

Muốn tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư phải đến các công ty chứng khoán trong danh sách trên để thực hiện mở tài khoản chứng khoán phái sinh mới có thể tham gia giao dịch.

Trên đây là toàn bộ thông tin về chứng khoán phái sinh mà Vietjack.me đã tổng hợp được. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích cho các bạn và giúp các bạn đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho mình.

 

1 283 15/08/2023