Tổng hợp thông tin về dịch vụ xuất khẩu hàng hóa, mức thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu cập nhật mới nhất 2023

Hiện nay, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương nhằm phát triển tối đa tiềm lực kinh tế, tăng nguồn thu ngoại tệ và thể hiện sức hút thương hiệu, thì xuất khẩu hàng hóa dịch vụ được xem là một trong những thước đo quan trọng, góp phần khẳng định vị trí kinh tế của nước ta trên trường quốc tế. Cùng tìm hiểu kĩ hơn xuất khẩu hàng hóa là gì? Những mặt hàng nào không được xuất khẩu và mức thuế áp với từng loại hình xuất khẩu.

1 267 11/08/2023


Tổng hợp thông tin về dịch vụ xuất khẩu hàng hóa, mức thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu cập nhật mới nhất 2023

I. Dịch vụ xuất khẩu hàng hóa là gì?

1. Khái niệm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP thì xuất khẩu hàng hóa dịch vụ được hiểu như sau:

“Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.”

Cụ thể:

Dịch vụ xuất khẩu hàng hóa bao gồm các hình thức cung ứng dịch vụ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng dịch vụ ở ngoài Việt Nam; cung ứng dịch vụ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân ở trong các khu phi thuế quan và tiêu dùng trong các khu phi thuế quan đó.

Cá nhân là người nước ngoài và không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cư trú ngoài lãnh thổ Việt Nam trong thời gian diễn ra hoạt động cung ứng dịch vụ.

(Nguồn: Điểm b Khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTCNghị định 209/2013/NĐ-CP)

2. Các hình thức xuất khẩu

2.1 Xuất khẩu trực tiếp

Xuất khẩu trực tiếp là hình thức mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà bên mua và bên bán trực tiếp thỏa thuận, trao đổi, thương lượng về quyền lợi của mỗi bên phù hợp với pháp luật của các quốc gia các bên cùng tham gia ký kết hợp đồng. Xuất khẩu trực tiếp được tiến hành khá đơn giản. Hoạt động xuất khẩu trực tiếp là hình thức xuất khẩu độc lập của một doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường trong và ngoài nước, tính toán đầy đủ các chi phí đảm bảo kinh doanh có lãi, đúng phương hướng, chính sách luật pháp của Nhà nước cũng như quốc tế.Trong hoạt động xuất khẩu tự doanh, doanh nghiệp hoàn toàn nắm quyền chủ động và phải tự tiến hành các nghiệp vụ của hoạt động xuất khẩu từ nghiên cứu thị trường, lựa chọn bạn hàng, lựa chọn phương thức giao dịch, đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp phải tự bỏ vốn để chi trả các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh và được hưởng toàn bộ phần lãi thu được cũng như phải tự chịu trách nhiệm nếu hoạt động đó thua lỗ.Khi xuất khẩu tự doanh thì doanh nghiệp được trích kim ngạch xuất khẩu, khi tiêu thụ hàng xuất khẩu doanh nghiệp phải chịu thuế doanh thu, thuế lợi tức. Thông thường, doanh nghiệp chỉ cần lập một hợp đồng xuất khẩu với nước ngoài.

2.2 Xuất khẩu ủy thác

Hoạt động xuất khẩu uỷ thác là hoạt động xuất khẩu hình thành giữa một doanh nghiệp hoạt động trong nước có ngành hàng kinh doanh một số mặt hàng xuất khẩu nhưng không đủ điều kiện về khả năng tài chính, về đối tác kinh doanh... nên đã uỷ thác cho doanh nghiệp có chức năng trực tiếp giao dịch ngoại thương tiến hành xuất khẩu hàng hoá theo yêu cầu của mình. Bên nhận uỷ thác phải tiến hành đàm phán với nước ngoài để làm thủ tục xuất khẩu theo yêu cầu của bên uỷ thác và được hưởng một khoản hoa hồng gọi là phí uỷ thác. Quan hệ giữa doanh nghiệp uỷ thác và doanh nghiệp nhận uỷ thác được quy định đầy đủ trong hợp đồng uỷ thác.

Xuất khẩu uỷ thác có đặc điểm: trong hoạt động xuất khẩu này, doanh nghiệp xuất khẩu (nhận uỷ thác) không phải bỏ vốn, không phải xin hạn ngạch (nếu có), không phải nghiên cứu thị trường tiêu thụ vì không phải tiêu thụ hàng của họ mà chỉ đứng ra đại diện cho bên uỷ thác để giao dịch với bạn hàng nước ngoài, ký hợp đồng và làm thủ tục xuất khẩu hàng cũng như thay mặt cho bên uỷ thác khiếu nại đòi bồi thường với nước ngoài khi có tổn thất.

Khi nhận uỷ thác, các doanh nghiệp xuất khẩu này (nhận uỷ thác) phải lập hai hợp đồng: Một hợp đồng mua bán hàng hoá với nước ngoài. Một hợp đồng nhận uỷ thác với bên uỷ thác.

2.3. Xuất khẩu tại chỗ

Hình thức xuất khẩu tại chỗ thì hàng hóa xuất khẩu sẽ bao gồm những mặt hàng sau:

a) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;

b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Như vậy hàng hóa được xuất khẩu tại chỗ sẽ không được vận chuyển vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam, mà khách hàng nước ngoài vẫn mua và sử dụng được hàng hóa của mình,

2.4 Tạm nhập tái xuất

Tạm nhập tái xuất là hình thức mà thương nhân Việt Nam nhập khẩu tạm thời hàng hóa vào Việt Nam, nhưng sau đó lại xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam sang một nước khác. Hình thức này là tiến hành nhập khẩu hàng hóa nhưng không để tiêu thụ trong nước mà để xuất khẩu sang một nước thứ ba nhằm thu lợi nhuận. Giao dịch này bao gồm cả nhập khẩu và xuất khẩu với mục đích thu lại lượng ngoại tệ lớn hơn số vốn ban đầu đã bỏ ra. Khi tiến hành tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp cần tiến hành đồng thời hai hợp đồng riêng biệt, gồm: hợp đồng mua hàng ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng ký với thương nhân nước nhập khẩu.

Lưu ý : có trường hợp gần giống như tạm nhập tái xuất, nhưng hàng hóa được chuyển thẳng từ nước bán hàng sang nước mua hàng, mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Đó gọi là hình thức chuyển khẩu.

II. Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu và danh mục phải xin giấy phép xuất nhập khẩu

1. Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu

Căn cứ vào Phụ lục I (Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ) thì hàng hóa cấm xuất khẩu bao gồm những hàng hóa sau:

(Danh mục này áp dụng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ)

DANH MỤC HÀNG HÓA CẤM XUẤT KHẨU

STT

Mô tả hàng hóa

Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý

1

Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

Bộ Quốc phòng

2

Các sản phẩm mật mã sử dụng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước.

Bộ Quốc phòng

3

a) Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

b) Các loại sản phẩm văn hóa thuộc diện cấm phổ biến, lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến, lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy tại Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

4

a) Các loại xuất bản phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

b) Tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật Bưu chính.

Bộ Thông tin và Truyền thông

5

Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

6

a) Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc; mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP xuất khẩu vì mục đích thương mại.

b) Mẫu vật và sản phẩm chế tác của loài: tê giác trắng (Ceratotherium simum), tê giác đen (Diceros bicomis), voi Châu Phi (Loxodonta africana).

c) Các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm I.

d) Các loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu.

đ) Giống vật nuôi và giống cây trồng thuộc Danh mục giống vật nuôi quý hiếm và giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 và Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

7

a) Hóa chất Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

b) Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật hóa chất.

Bộ Công Thương

2. Danh mục hàng hóa cần xin giấy phép xuất khẩu

Thuốc tân dược

Các loại thuốc tân dược với số lượng ít, gửi cho người nhận là cá nhân cần có đầy đủ các giấy tờ về đơn thuốc cũng như công văn cam kết.

Bạn có thể tham khảo thêm quy định về mặt hàng này ở Thông tư 39/2013/TT-BYT về xuất nhập khẩu thuốc dưới hình thức phi mậu dịch

Các loại hạt giống

Để xuất khẩu được mặt hàng này, doanh nghiệp cần có giấy phép kiểm dịch thực vật do Chi cục kiểm dịch thực vật, Cục bảo vệ thực vật cấp.

Thông tin chi tiết, bạn vui lòng xem thêm tại Danh mục thực vật phải kiểm dịch theo Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT

Mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

Mẫu khoáng sản

Loại hàng hóa này cần có Giấy phép khai thác, xuất khẩu và Công văn xin xuất hàng gửi cục Hải quan.

Tìm hiểu chi tiết danh mục các mẫu khoáng sản phải xin giấy phép ở Thông tư 41/2012/TT-BCT về xuất khẩu khoáng sản

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ

Đây là một loại trong danh sách hàng hóa phải có giấy phép khi xuất khẩu và giấy chứng nhận hun trùng như: bàn ghế gỗ, vật dụng bằng gỗ, đặc biệt là các loại gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.

Tham khảo chi tiết các mặt hàng phải có giấy phép xuất khẩu tại Thông tư 88/2011/TT-BNNPTNT

Giấy chứng nhận hun trùng

Động thực vật

Để có thể đưa động vật hay thực vật ra nước ngoài bằng cách xuất khẩu, bạn cần có giấy phép kiểm tra của Cục kiểm dịch thực vật, Cục thú y. Giấy phép của Cites nếu cần

Chi tiết về các loại động thực vật phải xin giấy phép tại Thông tư 40/2013/TT-BNNPTNT

Mỹ phẩm

Đây là mặt hàng yêu cầu làm công bố mỹ phẩm và giấy phép xuất khẩu được quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT

Chất lỏng, cát, bột than,…

Đối với mặt hàng như chất lỏng, cát, bột than,… bạn cần phải có công văn gửi hãng hàng không theo Quy định về an toàn bay của Hàng không.

Sách báo, ổ đĩa cứng

Thuộc loại văn hóa phẩm, sách báo hay ổ đĩa cứng khi xuất khẩu cần được sự kiểm tra nghiêm ngặt của sở thông tin và truyền thông, sở văn hóa thể thao và du lịch.

Trừ các loại sách báo được xuất bản, phát hành chính thức hoặc lưu hành trong nước có dán nhãn kiểm soát của Cục điện ảnh  và các cơ quan quản lý văn hóa, văn hóa phẩm khác đều phải xin giấy phép:

– Sách, báo, lịch, bản đồ; các loại văn bản thuộc mọi lĩnh vực, được đánh máy, chép tay hoặc được sao chép bằng mọi hình thức.

– Các loại bản vẽ kỹ thuật, bản vẽ các đồ án thiết kế công trình.

– Các tác phẩm tranh thông thường hoặc tranh nghệ thuật. Thuộc các thể loại: đồ họa, khắc kẽm, khắc gỗ, sơn khắc. điêu khắc, khảm trai,….

– Đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thờ cúng,…thuộc các thể loại và chất liệu.

Kiểm tra của Sở Thông tin truyền thông, Sở Văn hóa thể thao du lịch theo quy định tại Nghị định 32/2012/NĐ-CP.

III. Cơ hội và thách thức đối với dịch vụ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay

Theo số liệu từ tổng cục thống kê, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kinh ngạch xuất khẩu dịch vụ của nước ta đạt 2,66 tỷ USD, giảm 59,6% so với cùng kỳ 2020.

Trong quý III/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam đạt 872 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng theo đó, trong quý II/2021 và quý I/2021 tỷ lệ này lần lượt giảm 16,9% và 80,6% so với cùng kỳ 2020.

Đặc biệt 2 ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là du lịch và vận tải. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ chỉ đạt 107 triệu USD, giảm đến 96,6% so với cùng kỳ 2020; dịch vụ vận tải chỉ đạt 266 triệu USD, giảm tới 72,1% so với cùng kỳ 2020.

Trong khi đó, tình hình nhập khẩu dịch vụ lại có sự gia tăng đáng kể. Có thể thấy, diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động khá lớn đến hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa dịch vụ của nước ta. Trong 9 tháng đầu năm 2021, cán cân xuất khẩu mặt hàng dịch vụ của Việt Nam là nhập siêu.

1. Những mặt hàng được ưu tiên xuất khẩu tại nước ta hiện nay

Hiện tại, các mặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam đã gần như đạt ngưỡng về lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp càng cần chiến lược mới nâng cao chất lượng hàng hóa và lựa chọn các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng được nhà nước ưu tiên xuất khẩu để tham gia vào quy trình xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây đã gia tăng hơn so với chỉ tiêu đề ra. Đồng nghĩa với đó, cơ chế mặt hàng xuất khẩu có những chuyển biến khác biệt theo đúng hướng của Chính phủ. Các mặt hàng chủ lực được coi là đối tượng ưu tiên xuất khẩu phải kể đến mặt hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị và đồng thời phát triển thêm nhóm công nghệ như thiết bị điện tử, máy vi tính.

Tham gia vào thị trường xuất nhập khẩu, các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng luôn được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn và tập trung đầu tư để mang lại lợi nhuận cho công ty. Đi kèm với những khởi sắc chung của ngành xuất nhập khẩu là những khó khăn mà các doanh nghiệp cần vượt qua. Trong bối cảnh mà nước ta đã mở cửa với những hàng hóa của các nước ASEAN thì thị phần trong nước không còn của riêng các doanh nghiệp nội địa nữa. Dù thị trường trong hay ngoài nước, các mặt hàng của doanh nghiệp Việt vẫn có sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp Việt thời gian tới sẽ cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để mở rộng và tìm kiếm thị trường mới đồng thời tìm ra sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng xuất khẩu.

2. Các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng nhất hiện nay

Các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng trong năm 2018 vẫn là điện thoại di động, linh kiện và lĩnh vực dệt may. Trong những quý đầu năm 2018, 8 nhóm hàng này đang đạt kim ngạch xuất khẩu lên tới trên 1 tỷ USD.

- Điện thoại và linh kiện điện tử: Kim ngạch xuất khẩu này gần như đứng đầu trong các nhóm hàng và tăng 56.6 % so với cùng kỳ năm ngoái.

- Hàng dệt may: Nhóm hàng dệt may xuất khẩu này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.

- Máy vi tính và linh kiện: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính và linh kiện tăng 22,7 % so với cùng kỳ năm ngoái.

- Giày dép: Xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.

- Phương tiện vận tải, phụ tùng: Xuất khẩu nhóm hàng này tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Gỗ và những sản phẩm từ gỗ

- Hàng thủy sản: Xuất khẩu sang EU đạt giá trị khoảng 186 triệu USD trong 2 tháng đầu năm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng tăng đáng kể.

- Máy ảnh, linh kiện và máy quay phim. Kim ngạch xuất khẩu này đạt 769 triệu USD trong hai tháng đầu năm.

- Sắt thép các loại: Kim ngạch xuất khẩu tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia, Indonesia.

IV. Vai trò của xuất khẩu đối với nền kinh tế

Đóng vai trò là một phần quan trọng quyết định đến sự phát triển của một quốc gia, rộng hơn là mang tính toàn cầu, hoạt động xuất khẩu nhằm mở rộng thị trường, mang lại nguồn ngoại tệ và thúc đẩy hoạt động nhập khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng.

- Mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp: giúp doanh tăng doanh số bán hàng, đa dạng hóa thị trường đầu ra để tạo nguồn thu ổn định không chỉ bó hẹp trong nước mà còn mở rộng phạm vi ra thế giới. Thông qua phương thức này cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu rộng rãi trên thị trường quốc tế. Càng nhiều doanh nghiệp có tên tuổi sẽ dần khẳng định được vị thế của quốc gia đó.

Một ví dụ minh chứng cho điều này là nhắc đến Apple người ta nghĩ đến Mỹ, Samsung và Hyundai là Hàn Quốc.

- Mang đến nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước: nhà nước ta luôn khuyến khích doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vì đây là cơ sở để tăng tích lũy ngoại tệ, cân bằng cán cân thanh toán từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển.

- Tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho công nhân. Trước hết, sản xuất hàng xuất khẩu thu hút hàng triệu lao động, tạo ra thu nhập chính đáng và nâng cvao đời sống cho họ.

- Mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta với các nước trên thế giới.

V. Các loại hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% thuế Giá trị gia tăng (GTGT)

1. Hàng hóa xuất khẩu

Hàng hóa xuất khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% bao gồm:

  Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả uỷ thác xuất khẩu;

– Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;

– Hàng hoá bán mà điểm giao, nhận hàng hoá ở ngoài Việt Nam;

– Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;

– Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:

+ Hàng hoá gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hoá với nước ngoài.

+ Hàng hoá xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.

+  Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.

2. Dịch vụ xuất khẩu

Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

VI. Điều kiện áp dụng thuế suất 0% thuế GTGT với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định về điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu như sau:

“a) Đối với hàng hoá xuất khẩu:

– Có hợp đồng bán, gia công hàng hoá xuất khẩu; hợp đồng uỷ thác xuất khẩu;

– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.”

Điều 16, khoản 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định thêm về điều kiện khấu trừ thuế đầu vào có thêm điều kiện:

“4. Hóa đơn GTGT bán hàng hóa, dịch vụ hoặc hoá đơn xuất khẩu hoặc hoá đơn đối với tiền gia công của hàng hoá gia công.” (Tại Thông tư 119/2014/TT-BTC được bổ sung sửa đổi là “Hóa đơn thương mại”

Theo quy định trên, hàng hóa xuất khẩu để được áp dụng thuế suất 0% thuế GTGT cần phải có đầy đủ các chứng từ sau:

- Hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu

- Chứng từ thanh toán tiền hàng qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật

- Có tờ khai hải quan theo quy định

- Có hóa đơn thương mại

2. Đối với dịch vụ xuất khẩu

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu như sau:

“– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;

– Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;”

Điều 16, khoản 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định thêm về điều kiện khấu trừ thuế đầu vào có thêm điều kiện

“4. Hóa đơn GTGT bán hàng hóa, dịch vụ hoặc hoá đơn xuất khẩu hoặc hoá đơn đối với tiền gia công của hàng hoá gia công.”(Tại Thông tư 119/2014/TT-BTC được bổ sung sửa đổi là “Hóa đơn thương mại”

Theo quy định trên, dịch vụ xuất khẩu  để được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% cần phải có đầy đủ các chứng từ sau:

- Hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở khu phi thuế quan.

- Chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật.

- Có hóa đơn thương mại.

VII. Các trường hợp không được áp dụng mức thuế suất 0%

Theo Khoản 3, Điều 9, Thông tư 219/2013/TT-BTC, được sửa đổi tại Thông tư 130/2016/TT-BTC, các trường hợp không được áp dụng mức thuế suất 0% thuế GTGT gồm:

- Tái bảo hiểm ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài, chuyển nhượng vốn, cấp tín dụng, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài, dịch vụ tài chính phái sinh.

- Dịch vụ bưu chính viễn thông chiều đi ra nước ngoài.

- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản hướng dẫn tại Khoản 23. Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

- Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng cũng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

- Hàng hóa, dịch vụ bán hoặc cung cấp cho cá nhân thuộc khu vực phi thuế quan nhưng không đăng ký kinh doanh.

- Xăng, dầu bán cho cơ sở kinh doanh trong khu vực phi thuế quan mua tại nội địa.

- Ô tô bán cho đối tượng trong khu vực phi thuế quan.

- Dịch vụ được cung cấp bởi cơ sở kinh doanh cho tổ chức, cá nhân khu vực phi thuế quan như: cho thuê nhà, hội trường, khách sạn, văn phòng,...

- Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí,...

- Dịch vụ thanh toán qua mạng.

- Dịch vụ cung cấp đi liền với các hoạt động bán và phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.

Trên đây là phân tích quy định pháp luật của chúng tôi về các hình thức xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Hy vọng sẽ giúp ích được cho quý bạn đọc.

1 267 11/08/2023