Phần thứ hai Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003: Khởi tố, điều tra vụ án hình sự và quyết định việc truy tố
Số hiệu: | 19/2003/QH11 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Văn An |
Ngày ban hành: | 26/11/2003 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2004 |
Ngày công báo: | 06/01/2004 | Số công báo: | Từ số 5 đến số 6 |
Lĩnh vực: | Trách nhiệm hình sự, Thủ tục Tố tụng | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2018 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ QUYẾT ĐỊNH VIỆC TRUY TỐ
Điều 100. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú.
Điều 101. Tố giác và tin báo về tội phạm
Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.
Điều 102. Người phạm tội tự thú
Khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và những lời khai của người tự thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú có trách nhiệm báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.
Điều 103. Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.
Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.
4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Điều 104. Quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và Thủ trưởng các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 111 của Bộ luật này.
Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan quy định tại khoản này và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án.
Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.
2. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; quyết định khởi tố kèm theo tài liệu liên quan đến việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được gửi tới Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố; quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra; yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử được gửi cho Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc khởi tố.
Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại
1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Điều 106. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc còn có tội phạm khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.
2. Trong trường hợp Cơ quan điều tra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra phải gửi cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố.
Trong trường hợp Viện kiểm sát quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Điều 108. Quyết định không khởi tố vụ án hình sự
1. Khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm biết rõ lý do; nếu xét cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết.
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu liên quan phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án. Thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định tại Chương XXXV của Bộ luật này.
Điều 109. Quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc khởi tố vụ án hình sự
1. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố, việc khởi tố vụ án có căn cứ và hợp pháp.
2. Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố đó; nếu quyết định không khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan đó không có căn cứ, thì Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án.
3. Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án cấp trên.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐIỀU TRA
1. Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.
3. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.
4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực; Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
5. Tổ chức bộ máy, thẩm quyền cụ thể của các Cơ quan điều tra do ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Điều 111. Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
1. Khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển có thẩm quyền:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng, thì ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
2. Trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm, thì có quyền khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
3. Khi tiến hành hoạt động điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng đối với hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra của các cơ quan này.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Điều 112. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra
Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;
2. Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;
3. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên theo quy định của Bộ luật này; nếu hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự;
4. Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp không phê chuẩn thì trong quyết định không phê chuẩn phải nêu rõ lý do;
5. Huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;
6. Quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Điều 113. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra
Khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra;
2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng;
3. Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra;
4. Yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của Điều tra viên; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra;
5. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Điều 114. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát
Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát. Đối với những yêu cầu và quyết định quy định tại các điểm 4, 5 và 6 Điều 112 của Bộ luật này, nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị.
Điều 115. Trách nhiệm thực hiện quyết định và yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
Những quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự phải được cơ quan, tổ chức và công dân nghiêm chỉnh chấp hành.
Điều 116. Chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền
Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan điều tra phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án.
Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.
Khi cần thiết, Cơ quan điều tra có thể ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu cụ thể. Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác theo thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu.
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
3. Thẩm quyền gia hạn điều tra của Viện kiểm sát được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ hai. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương gia hạn điều tra lần thứ ba.
4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn điều tra thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết, nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá bốn tháng.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.
6. Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.
Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát được quy định như sau:
a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.
Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.
6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Điều 121. Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại
1. Trong trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 165 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.
Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;
b) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá ba tháng.
Thẩm quyền gia hạn điều tra đối với từng loại tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.
3. Trong trường hợp vụ án được trả lại để điều tra lại thì thời hạn điều tra và gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Điều 119 của Bộ luật này.
Thời hạn điều tra được tính từ khi Cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.
4. Khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này.
Trong trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, để điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại theo thủ tục chung quy định tại Điều 120 của Bộ luật này.
Điều 122. Giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng
Khi người tham gia tố tụng có yêu cầu về những vấn đề liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình, giải quyết yêu cầu của họ và báo cho họ biết kết quả. Trong trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời và nêu rõ lý do.
Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXV của Bộ luật này.
Điều 123. Sự tham dự của người chứng kiến
Người chứng kiến được mời tham dự hoạt động điều tra trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.
Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung và kết quả công việc mà Điều tra viên đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. ý kiến này được ghi vào biên bản.
Điều 124. Không được tiết lộ bí mật điều tra
Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải báo trước cho người tham gia tố tụng, người chứng kiến không được tiết lộ bí mật điều tra. Việc báo này phải được ghi vào biên bản.
Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng, người chứng kiến tiết lộ bí mật điều tra thì tùy trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự theo các điều 263, 264, 286, 287, 327 và 328 của Bộ luật hình sự.
1. Khi tiến hành điều tra phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
Điều tra viên lập biên bản phải đọc lại biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ biết quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Nhận xét đó được ghi vào biên bản. Người tham gia tố tụng và Điều tra viên cùng ký tên vào biên bản.
2. Trong trường hợp người tham gia tố tụng từ chối ký vào biên bản, thì việc đó phải được ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
3. Nếu người tham gia tố tụng vì nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do; Điều tra viên và người chứng kiến cùng xác nhận.
Người không biết chữ thì điểm chỉ vào biên bản.
KHỞI TỐ BỊ CAN VÀ HỎI CUNG BỊ CAN
1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
2. Quyết định khởi tố bị can ghi rõ: thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
3. Sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh chỉ bản của bị can và đưa vào hồ sơ vụ án.
4. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
5. Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
6. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
Điều 127. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can
1. Khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.
2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi các quyết định này và tài liệu có liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
3. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
Điều 128. Tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm
Khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức này phải trả lời bằng văn bản cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã kiến nghị biết.
1. Khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.
2. Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cho cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can.
Khi nhận giấy triệu tập, bị can phải ký nhận, có ghi rõ ngày, giờ nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can; nếu bị can không ký nhận thì phải lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập bị can; nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đã thành niên trong gia đình để ký xác nhận và chuyển cho bị can. Bị can đang bị tạm giam được triệu tập thông qua Ban giám thị trại tạm giam.
3. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải.
4. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.
Điều 130. Áp giải bị can tại ngoại
1. Quyết định áp giải bị can ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can; tội danh mà bị can đã bị khởi tố; thời gian, địa điểm bị can phải có mặt.
2. Người thi hành quyết định áp giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
3. Không được áp giải bị can vào ban đêm.
1. Việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.
Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản.
Nếu vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can tự viết lời khai của mình.
2. Không hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
3. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can. Việc hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.
4. Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 299 hoặc Điều 298 của Bộ luật hình sự.
Điều 132. Biên bản hỏi cung bị can
1. Biên bản hỏi cung bị can phải được lập theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.
Mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
2. Sau khi hỏi cung, Điều tra viên đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó.
Nếu việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và Điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận.
Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.
3. Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì Điều tra viên phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện hợp pháp cùng ký vào biên bản hỏi cung.
Trong trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.
4. Trong trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì phải thực hiện theo quy định của Điều này.
LẤY LỜI KHAI NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI BỊ HẠI, NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ, BỊ ĐƠN DÂN SỰ, NGƯỜI CÓ QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ ÁN. ĐỐI CHẤT VÀ NHẬN DẠNG
Điều 133. Triệu tập người làm chứng
1. Khi triệu tập người làm chứng, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập người làm chứng phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của người làm chứng, ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm có mặt; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.
2. Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc. Các cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ.
Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận.
3. Giấy triệu tập người làm chứng chưa đủ 16 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác của họ.
4. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập người làm chứng. Việc triệu tập người làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Điều 134. Dẫn giải người làm chứng
1. Trong trường hợp người làm chứng đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải.
2. Quyết định dẫn giải người làm chứng ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.
3. Người thi hành quyết định dẫn giải phải đọc, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng và lập biên bản về việc dẫn giải theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
4. Không được dẫn giải người làm chứng vào ban đêm.
Điều 135. Lấy lời khai người làm chứng
1. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó.
2. Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai.
3. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ. Việc này phải được ghi vào biên bản.
4. Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên cần xác minh mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên cần yêu cầu người làm chứng kể hoặc viết lại những gì mà họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi. Không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý.
5. Khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi phải mời cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự.
6. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều này.
Điều 136. Biên bản ghi lời khai của người làm chứng
Biên bản ghi lời khai của người làm chứng phải được lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này.
Điều 137. Triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án
Việc triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định tại các điều 133, 135 và 136 của Bộ luật này.
1. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất.
2. Nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước tiên Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải được ghi vào biên bản.
3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi đã nghe những lời khai trong đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
Điều tra viên cũng có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải được ghi vào biên bản.
Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai lần trước của họ.
4. Biên bản đối chất phải lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này.
5. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này.
1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể mời người hoặc đưa vật, ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can nhận dạng.
Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.
2. Số người, vật hoặc ảnh đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và về bề ngoài phải tương tự giống nhau. Đối với việc nhận dạng tử thi thì không áp dụng nguyên tắc này.
Trong trường hợp đặc biệt có thể cho xác nhận người qua tiếng nói.
3. Nếu người làm chứng hay người bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc giải thích đó phải được ghi vào biên bản.
4. Trong khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận người, vật hay ảnh đó.
Việc tiến hành nhận dạng phải có mặt người chứng kiến.
5. Biên bản nhận dạng phải được lập theo quy định tại các điều 95, 125 và 132 của Bộ luật này. Trong biên bản cần ghi rõ nhân thân của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; những đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng.
KHÁM XÉT, THU GIỮ, TẠM GIỮ, KÊ BIÊN TÀI SẢN
Điều 140. Căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
1. Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.
2. Khi cần phải thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.
Điều 141. Thẩm quyền ra lệnh khám xét
1. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
1. Khi bắt đầu khám người, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.
2. Khi khám người thì nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.
3. Có thể tiến hành khám người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người đồ vật, tài liệu cần thu giữ.
Điều 143. Khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm
1. Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định tại các điều 140, 141 và 142 của Bộ luật này.
2. Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.
3. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
4. Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.
5. Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.
Điều 144. Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện
Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản và sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.
Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.
Điều 145. Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét
Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.
Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.
1. Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
2. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.
Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 310 của Bộ luật hình sự.
3. Khi tiến hành kê biên tài sản, phải có mặt đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến. Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản phải lập theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này, đọc cho đương sự và những người có mặt nghe và cùng ký tên. Những khiếu nại của đương sự được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.
Biên bản kê biên được lập thành ba bản: một bản được giao ngay cho đương sự sau khi kê biên xong; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.
4. Khi xét thấy việc kê biên không còn cần thiết thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên.
Điều 147. Trách nhiệm bảo quản đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong
Đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong theo quy định tại các điều 75, 144 và 145 của Bộ luật này phải được bảo quản nguyên vẹn.
Người được giao bảo quản mà phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản được giao bảo quản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 310 của Bộ luật hình sự.
Điều 148. Biên bản khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
Khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.
Điều 149. Trách nhiệm của người ra lệnh và thi hành lệnh khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
Người ra lệnh, người thi hành lệnh khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG, KHÁM NGHIỆM TỬ THI, XEM XÉT DẤU VẾT TRÊN THÂN THỂ, THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA, GIÁM ĐỊNH
Điều 150. Khám nghiệm hiện trường
1. Điều tra viên tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.
2. Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
3. Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Việc khám nghiệm tử thi do Điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến.
Trong trường hợp cần phải khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và phải thông báo cho gia đình nạn nhân biết trước khi tiến hành. Việc khai quật tử thi phải có bác sỹ pháp y tham gia.
Khi cần thiết có thể triệu tập người giám định và phải có người chứng kiến.
Trong mọi trường hợp, việc khám nghiệm tử thi phải được thông báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.
Điều 152. Xem xét dấu vết trên thân thể
1. Điều tra viên tiến hành xem xét thân thể người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng để phát hiện trên người họ dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y.
2. Việc xem xét thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết thì có bác sĩ tham gia.
Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc sức khỏe của người bị xem xét thân thể.
Điều 153. Thực nghiệm điều tra
1. Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ.
2. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia.
Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra.
3. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.
Điều 154. Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra
Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này.
1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.
3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;
c) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;
d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.
Điều 156. Việc tiến hành giám định
1. Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định.
Điều tra viên, Kiểm sát viên có quyền tham dự giám định, nhưng phải báo trước cho người giám định biết.
2. Trong trường hợp việc giám định không thể tiến hành theo thời hạn mà cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu thì cơ quan giám định hoặc người giám định phải thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan đã trưng cầu giám định biết.
Điều 157. Nội dung kết luận giám định
1. Nội dung kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể.
2. Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu giám định có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Điều 158. Quyền của bị can và những người tham gia tố tụng đối với kết luận giám định
1. Sau khi đã tiến hành giám định, nếu bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định.
Bị can, những người tham gia tố tụng khác được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Những việc này được ghi vào biên bản.
2. Trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không chấp nhận yêu cầu của bị can, những người tham gia tố tụng khác thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết.
Điều 159. Giám định bổ sung hoặc giám định lại
1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó.
2. Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành.
3. Việc giám định bổ sung hoặc giám định lại được tiến hành theo thủ tục chung quy định tại các điều 155, 156, 157 và 158 của Bộ luật này.
TẠM ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA VÀ KẾT THÚC ĐIỀU TRA
Điều 160. Tạm đình chỉ điều tra
1. Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra. Trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra.
Trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Nếu không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.
2. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bị hại.
Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
Quyết định truy nã phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can; đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo, nếu có; tội phạm mà bị can đã bị khởi tố.
Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ người bị truy nã.
1. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải làm bản kết luận điều tra.
2. Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
3. Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.
4. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa.
1. Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì Cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lý do và căn cứ đề nghị truy tố.
2. Kèm theo bản kết luận điều tra có bản kê về thời hạn điều tra, biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng có ghi rõ thời gian tạm giữ, tạm giam, vật chứng, việc kiện dân sự, biện pháp để bảo đảm việc phạt tiền, bồi thường và tịch thu tài sản, nếu có.
1. Trong trường hợp đình chỉ điều tra, bản kết luận điều tra nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.
2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
3. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan.
Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này.
1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại điểm 5 và điểm 6 Điều 107 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra.
Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố
1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:
a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra một trong những quyết định nêu trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết; giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa theo quy định của pháp luật và đề xuất yêu cầu.
2. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trong trường hợp truy tố thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và bản cáo trạng đến Tòa án.
4. Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
1. Nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
2. Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.
Điều 168. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phát hiện thấy:
1. Còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;
2. Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác;
3. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Những vấn đề cần được điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.
Điều 169. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự.
2. Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:
a) Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y;
b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.
3. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
4. Trong trường hợp quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát cấp dưới không có căn cứ và trái pháp luật, thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền huỷ bỏ quyết định đó và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định truy tố.
INSTITUTION, INVESTIGATION OF CRIMINAL CASES AND DECISION ON PROSECUTION
Chapter VIII: INSTITUTION OF CRIMINAL CASES
Article 100.- Grounds for instituting criminal cases
Criminal cases shall be instituted only when criminal signs have been identified. The identification of criminal signs shall be based on the following grounds:
1. Denunciations of citizens;
2. Information reported by agencies or organizations;
3. Information reported on the mass media;
4. Criminal signs directly detected by investigating bodies, procuracies, courts, border guard, customs, ranger, coast guard forces and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities;
5. Confession by offenders.
Article 101.- Denunciations and information on offenses
Citizens may denounce offenses to investigating bodies, procuracies, courts or other bodies, organizations. If a denunciation is made orally, the receiving agency or organization must make a minutes thereof with the signature of the denouncer.
Agencies, organizations, when detecting or receiving denunciations of citizens, must promptly report such information in writing to the investigating bodies.
Article 102.- Confession by offenders
When offenders come to give confessions, the receiving agencies or organizations must make minutes thereof, clearly inscribing the full names, ages, occupations, residences and statements of the confessors. They shall have to immediately inform the investigating bodies or procuracies thereof.
Article 103.- Tasks of settling offence denunciations and information and proposals for institution of criminal cases
1. Investigating bodies and procuracies shall have the responsibility to receive all offense denunciations and information from individuals, agencies and organizations as well as criminal case institution proposals transferred by State agencies. Procuracies shall have the responsibility to immediately transfer offense denunciations and information and criminal case institution proposals enclosed with relevant documents they have received to competent investigating bodies.
2. Within twenty days after receiving offense denunciations, information, and/or criminal case institution proposals, the investigating bodies must, within the scope of their responsibilities, examine and verify the information sources and decide to institute or not to institute criminal cases.
In cases where the denounced events, offense information or criminal case institution proposals involve many complicated circumstances or where the examination and verification thereof must be conducted at many different places, the time limit for settling denunciations and information may be longer, but must not exceed two months.
3. The results of settlement of offense denunciations or information or criminal case institution proposals of State bodies must be sent to the procuracies of the same level and be notified to the reporting agencies, organizations or the offense denouncers.
The investigating bodies must apply necessary measures to protect the offense denouncers.
4. The procuracies shall have to supervise the settlement by the investigating bodies of offence denunciations and information or criminal case institution proposals.
Article 104.- Decisions to institute criminal cases
1, When determining that criminal signs have existed, the investigating bodies must issue decisions to institute criminal cases. The heads of border guard units, customs or ranger offices, the coast guard force and the heads of other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, shall issue decisions to institute criminal cases in the cases specified in Article 111 of this Code.
The procuracies shall issue decisions to institute criminal cases in cases where they cancel decisions not to institute criminal cases, which have been issued by the bodies stated in this Clause, and in cases where the trial panels request to institute the criminal cases.
The trial panels shall issue decisions to institute criminal cases or request the procuracies to institute criminal cases if they, in the course of trial at court sessions, detect new offenses or offenders required to be investigated.
2. Decisions to institute criminal cases must clearly state the time and grounds for institution, the applicable articles of the Penal Code, and the full names and positions of the decision issuers.
3. Within 24 hours after issuing decisions to institute criminal cases, the procuracies must send such decisions to the investigating bodies for investigation; institution decisions enclosed with documents related to the institution of criminal cases, which have been issued by the investigating bodies, border guard, customs and ranger, coast guard force, or other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, must be sent to the procuracies for procuration of the institution; institution decisions of the trial panels must be sent to the procuracies for consideration and decision on the investigation; institution requests of the trial panels shall be sent to the procuracies for consideration and decision on the institution.
Article 105.- Institution of criminal cases at victims’ requests
1. The cases involving the offenses prescribed in Clauses 1 of Articles 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 and 171 of the Penal Code shall only be instituted at the requests of victims or lawful representatives of victims who are minors or persons with physical or mental defects.
2. In cases where the criminal case institution requesters withdraws their requests before the opening of court sessions of first-instance trial, the cases must be ceased.
Where exist grounds to determine that the institution requesters have withdrawn their requests against their own will due to force or coercion, the investigating bodies, procuracies or courts may, though such institution requesters have withdrawn their requests, still continue conducting the procedure for the cases.
Victims who have withdrawn their criminal case institution requests shall have no right to file their requests again, except for cases where their withdrawal is due to force or coercion.
Article 106.- Change or supplementation of decisions to institute criminal cases
1. When they have grounds to determine that the instituted criminal cases are not true to the committed criminal acts or there remain other offences, the investigating bodies or procuracies shall issue decisions to change or supplement the decisions to institute the criminal cases.
2. In cases where the investigating bodies decide to change or supplement the decisions to institute criminal cases, within 24 hours after issuing such decisions, the investigating bodies must send them to the procuracies for supervision of such institution.
Where the procuracies decide to change or supplement the decisions to institute criminal cases, within 24 hours after issuing such decisions, the procuracies must send them to the investigating bodies for investigation.
Article 107.- Grounds for not instituting criminal cases
Criminal cases shall not be instituted when one of the following grounds exists:
1. There is no offence;
2. The committed acts do not constitute an offence;
3. The persons committing acts dangerous to the society have not yet reached the age to bear penal liability;
4. The persons committing criminal acts have got the legally valid judgments or decisions to cease their cases.
5. The statute of limitations for penal liability examination has expired;
6. The offenses have been granted general amnesty;
7. The persons committing acts dangerous to the society are deceased, except for cases where the reopening review of the cases is required for other persons.
Article 108.- Decisions not to institute criminal cases
1. When there exists one of the grounds prescribed in Article 107 of this Code, the persons with competence to institute criminal cases shall issue decisions not to institute criminal cases; if they have instituted criminal cases, they must issue decisions to cancel such institution decisions and notify the offense-denouncing or reporting agencies, organizations or individuals of the reasons therefor; if deeming it necessary to handle the cases by other measures, they shall send the files thereof to the concerned agencies or organizations for settlement.
Within 24 hours after their issuance, decisions not to institute criminal cases, decisions to cancel decisions to institute criminal cases and related documents must be sent to the procuracies of the same level.
2. The agencies, organizations or individuals that have denounced or reported on the offenses shall have the right to complain about the decisions not to institute criminal cases. The competence and procedures for settling such complaints shall comply with the provisions of Chapter XXXV: OF THIS CODE.
Article 109.- Powers and responsibilities of procuracies in instituting criminal cases
1. The procuracies shall exercise the right to prosecute and supervise the law observance in the institution of criminal cases, ensuring that criminal cases be instituted for all detected offenses and the institution of criminal cases be grounded and lawful.
2. In cases where the decisions to institute criminal cases, which are issued by investigating bodies, border guard, customs, ranger, the coast guard force, or other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, are ungrounded, the procuracies shall issue decisions to cancel such decisions; if the decisions not to institute criminal cases, which are issued by such agencies, are ungrounded, the procuracies shall cancel them and issue decisions to institute criminal cases.
3. Where the decisions to institute criminal cases, which are issued by the trial panels, are ungrounded, the procuracies shall file protests against them with the superior courts.
Chapter IX: GENERAL PROVISIONS ON INVESTIGATION
Article 110.- Investigating competence
1. Investigating bodies of the People’s Police shall investigate all kinds of offenses, excluding ones falling under the investigating competence of the investigating bodies in the People’s Army or the investigating body of the Supreme People’s Procuracy.
2. Investigating bodies of the People’s Army shall investigate offenses falling under the adjudicating competence of military courts.
3. The investigating body of the Supreme People’s Procuracy shall investigate some kinds of offenses of infringing upon judicial activities, which are committed by officials of judicial bodies.
4. Investigating bodies shall have competence to investigate criminal cases of offenses occurring in their respective geographical areas. Where the places where the offenses were committed are unknown, the investigation thereof shall fall under the competence of the investigating bodies of the places where the offenses were detected or where the accused reside or are arrested.
The district-level investigating bodies, regional military investigating bodies shall investigate criminal cases of offenses falling under the adjudicating competence of the district-level people’s courts or regional military courts; the provincial-level and military zone-level military investigating bodies shall investigate criminal cases of offenses falling under the adjudicating competence of the provincial-level people’s courts or military zone-level military courts or cases falling under the investigating competence of the subordinate investigating bodies, which they deem it necessary to directly investigate. The central investigating body shall investigate criminal cases of especially serious and complicated offenses falling under the investigating competence of the provincial-level investigating bodies or military zone-level military investigating bodies, which they deem it necessary to directly investigate such cases.
5. The apparatus organization and specific competence of investigating bodies shall be provided for by the National Assembly Standing Committee.
Article 111.- Investigating powers of the border guard, customs, ranger, the coast guard forces and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities
1. When detecting criminal acts for which penal liability must be examined in their respective management domains, the border guard, customs, ranger and the coast guard forces shall have the competence:
a/ For less serious offenses committed by offenders who are caught red-handed , evidences and the offenders’ personal details are clear, to issue decisions to institute criminal cases and initiate criminal proceedings against the accused, conduct investigation and transfer the case files to the competent procuracies within twenty days after the date of issuing the decisions to institute criminal cases;
b/ For serious offenses, very serious offenses or especially serious offenses or less serious but complicated offenses, to issue decisions to institute criminal cases, conduct initial investigating activities and transfer the case files to competent investigating bodies within seven days after issuing the decisions to institute criminal cases.
2. In the People’s Police and the People’s Army, apart from the investigating bodies prescribed in Article 110 of this Code, if other agencies assigned to conduct a number of investigating activities detect cases showing criminal signs while performing their tasks, they shall have the right to institute criminal cases, conduct initial investigating activities and transfer the case files to competent investigating bodies within seven days after issuing the decisions to institute criminal cases.
3. When conducting investigating activities, the border guard, customs, ranger, the coast guard force, and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, must, within the scope of their respective procedural competence, comply with the procedural principles, order and proceedings for investigating activities as prescribed by this Code. The procuracies shall have to supervise the law observance by these agencies in their investigating activities.
4. The specific tasks and powers of the border guard, customs, ranger, the coast guard force, and other agencies of the People’s Police or the People’s Army, which are assigned to conduct a number of investigating activities, in investigating activities shall be prescribed by the National Assembly Standing Committee.
Article 112.- Tasks and powers of procuracies in exercising the right to prosecute at the investigating stage
When exercising the right to prosecute at the investigating stage, the procuracies shall have the following tasks and powers:
1. To institute criminal cases, to initiate criminal proceedings against the accused; to request the investigating bodies to institute criminal cases or change the decisions to institute criminal cases or initiate criminal proceedings against the accused in accordance with this Code;
2. To set investigation requirements and request the investigating bodies to conduct investigation; when deeming it necessary, to directly conduct a number of investigating activities under the provisions of this Code;
3. To request the heads of investigating bodies to change investigators under the provisions of this Code; if the investigators’ acts show criminal signs, to institute criminal cases against such investigators;
4. To decide to apply, change or cancel arrest, custody, temporary detention and other deterrent measures; to decide to approve or disapprove the decisions of investigating bodies under the provisions of this Code. In case of disapproval, the disapproval decision must clearly state the reasons therefor;
5. To cancel ungrounded and illegal decisions of investigating bodies; to request the investigating bodies to pursue the accused;
6. To decide to prosecute the accused; to decide to cease or suspend criminal cases.
Article 113.- Tasks and powers of procuracies in supervising investigation
In performing the work of supervising the investigation, the procuracies shall have the following tasks and powers:
1. To supervise the institution of criminal cases, supervise investigating activities and the compilation of case files by investigating bodies;
2. To supervise the law observance by participants in the proceeding;
3. To settle disputes over the investigating competence;
4. To request the investigating bodies to remedy law violations in their investigating activities; to request investigating bodies to supply necessary documents on the law violations committed by investigators; to request the heads of investigating bodies to strictly handle the investigators who have committed law violations while conducting investigation;
5. To propose concerned agencies and organizations to apply measures to preclude offenses and law violations.
Article 114.- Responsibilities of investigating bodies in complying with requests and decisions of procuracies
Investigating bodies shall have to comply with the requests and decisions of procuracies. For requests and decisions prescribed at Points 4, 5 and 6, Article 112 of this Code, if disagreeing with them, the investigating bodies shall still have to execute them but have the right to make proposals to the immediate superior procuracies. Within twenty days after receiving the proposals of the investigating bodies, the immediate superior procuracies must consider and settle them and notify the settlement results to the proposing bodies.
Article 115.- Responsibilities to comply with decisions and requests of investigating bodies and procuracies
Decisions and requests of investigating bodies and procuracies at the stage of investigating criminal cases must be strictly complied with by agencies, organizations and citizens.
Article 116.- Transfer of cases for investigation according to competence
Where cases do not fall under their investigating competence, the investigating bodies shall propose the procuracies of the same level to issue decisions to transfer the cases to the competent investigating bodies for further investigation; within three days after receiving such proposals of the investigating bodies, the procuracies of the same level shall have to issue decisions to transfer the cases.
The transfer of cases outside the territories of provinces or centrally run cities or military zones shall be decided by the provincial-level procuracies or military zone-level military procuracies.
Article 117.- Joinder or separation of criminal cases for investigation
1. Investigating bodies may join in the same case for investigation several offenses committed by a person, several persons together committing an offense or offenders and other persons harboring or not denouncing the offenses as prescribed in Article 313 and Article 314 of the Penal Code.
2. Investigating bodies may only separate cases in case of extreme necessity when the investigation of all offenses cannot be completed early, provided that such separation would not affect the determination of the objective and comprehensive truths of the cases.
3. Decisions to join or separate criminal cases must be sent to the procuracies of the same level within 24 hours after their issuance.
Article 118.- Entrustment of investigation
In case of necessity, investigating bodies may entrust other investigating bodies to conduct a number of investigating activities. Investigation entrustment decisions must clearly state the specific requirements. The entrusted investigating bodies shall have to perform fully the entrusted work within the time limits set by the entrusting investigating bodies.
Article 119.- Investigation time limits
1. The time limits for investigating criminal cases shall not exceed two months for less serious offenses, not exceed three months for serious offenses, not exceed four months for very serious offenses and especially serious offenses, counting from the time of institution of criminal cases to the time of termination of investigation.
2. In case of necessity to prolong investigation due to the complexity of the cases, at least ten days before the expiry of the investigation time limit, the investigating bodies must request in writing the procuracies to extend the investigation time limit.
The extension of investigation time limits is prescribed as follows:
a/ For less serious offenses, the investigation time limit may be extended once for no more than two months;
b/ For serious offenses, the investigation time limit may be extended twice, for no more than three months for the first time and no more than two months for the second time;
c/ For very serious offenses, the investigation time limit may be extended twice, for no more than four months each;
d/ For especially serious offenses, the investigation time limit may be extended three times, for no more than four months each.
3. The competence of procuracies to extend investigation time limits is prescribed as follows:
a/ For less serious offenses, the district-level people’s procuracies or regional Military Procuracies shall extend investigation time limits. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies shall extend investigation time limits;
b/ For serious offenses, the district-level people’s procuracies or regional military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone level military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time;
c/ For very serious offenses, the district-level people’s procuracies or regional military procuracies shall extend investigation time limits for the first time; the provincial-level people’s procuracies or the military zone-level military procuracies shall extend investigation time limits for the second time. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time.
d/ For especially serious offenses, the provincial-level people’s procuracies or military zone level military procuracies shall extend investigation time limits for the first time and the second time; the Supreme People’s Procuracy or the central Military Procuracy shall extend investigation time limits for the third time
4. Where the cases are received for investigation at the central level, the extension of investigation time limits shall fall under the competence of the Supreme People’s Procuracy or the central Military Procuracy.
5. For especially serious offenses for which the extended investigation time limit has expired but, due to the very complicated nature of the cases, the investigation cannot be completed, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy may extend the investigation time limit once for no more than four months.
For the offenses of infringing upon national security, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy shall have the right to extend the investigation time limit once more for no more than four months.
6. Upon the expiry of the extended investigation time limit but it is impossible to prove the accused to have committed the offenses, the investigating bodies must issue decisions to cease the investigation.
Article 120.- Time limits of temporary detention for investigation
1. The time limit of temporary detention of the accused for investigation shall not exceed two months for less serious offenses, not exceed three months for serious offenses, not exceed four months for very serious offenses and especially serious offenses.
2. Where the cases involving many complicated circumstances and it is deemed that the investigation should take a longer time and there exists no ground to change or cancel the temporary detention measure, at least ten days before the temporary detention time limit expires, the investigating bodies must send written requests to the procuracies to extend the such temporary detention time limit.
The extension of temporary detention time limits is prescribed as follows:
a/ For less serious offenses, the temporary detention time limit may be extended once for no more than one month;
b/ For serious offenses, the temporary detention time limit may be extended twice, for no more than two months for the first time and no more than one month for the second time;
c/ For very serious offenses, the temporary detention time limit may be extended twice, for no more than three months for the first time and no more than two months for the second time;
d/ For especially serious offenses, the temporary detention time limit may be extended three times, for no more than four months each.
3. The competence of procuracies to extend temporary detention time limits is prescribed as follows:
a/ The district-level people’s procuracies or regional military procuracies shall have the right to extend temporary detention time limits for less serious offenses, extend temporary detention time limits for the first time for serious offenses and very serious offenses. Where the cases are received for investigation at the provincial or military-zone level, the provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies shall have the right to extend temporary detention time limits for less serious offenses, extend temporary detention time limits for the first time for serious offenses, very serious offenses and especially serious offenses.
b/ In cases where the first-time extended temporary detention time limits prescribed at Point a of this Clause have expired but the investigation cannot be completed and there emerges no ground to change or cancel the temporary detention measure, the district-level people’s procuracies or the regional military procuracies may extend the temporary detention time limits for the second time for serious offenses. The provincial-level people’s procuracies or military zone-level military procuracies may extend temporary detention time limits for the second time for serious offenses, very serious offenses or especially serious offenses.
4. Where the cases are received for investigation at the central level, the extension of temporary detention time limits shall fall under the competence of the Supreme People’s Procuracy or the Central Military Procuracy.
5. For especially serious offenses, in cases where the second-time extended temporary detention time limits prescribed at Point b, Clause 3 of this Article have expired and the cases involve many very complicated circumstances while there emerges no ground to change or cancel the temporary detention measure, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy may extend the temporary detention time limits for the third time.
In case of necessity for offenses of infringing upon national security, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy may extend the temporary detention time limits once more for no more than four months.
6. When keeping persons in temporary detention, if deeming it unnecessary to continue the temporary detention, the investigating bodies must propose in time the procuracies to cancel the temporary detention in order to release the detainees or shall, if deeming it necessary, apply other deterrent measures.
Upon the expiry of the temporary detention time limits, the temporary detention order issuers must release the detainees or shall, if deeming it necessary, apply other deterrent measures.
Article 121.- Time limits for investigation resumption, additional investigation and re-investigation
1. In case of investigation resumption prescribed in Article 165 of this Code, the time limit for further investigation shall not exceed two months for less serious offenses, serious offenses or very serious offenses, not exceed three months for especially serious offenses, counting from the time of issuance of the investigation resumption decisions to the time of termination of investigation.
Where it is necessary to extend investigation time limits due to the complicated nature of the cases, at least ten days before the investigation time limits expire, the investigating bodies must send written requests to the procuracies to extend the investigation time limits. The extension of investigation time limits is prescribed as follows:
a/ For serious offenses and very serious offenses, the investigation time limit may be extended once for no more than two months.
b/ For especially serious offenses, the investigation time limit may be extended once for no more than three months.
The competence to extend investigation time limits for each kind of offense shall comply with the provisions of Clause 3, Article 119 of this Code.
2. Where the cases are returned by the procuracies for additional investigation, the time limit for additional investigation shall not exceed two months; if the cases are returned by courts for additional investigation, the time limit for additional investigation shall not exceed one month. The procuracies or courts may only return the case files for additional investigation for no more than twice. The time limit for additional investigation shall be counted from the date the investigating bodies receive back the case files and investigation requests.
3. Where the cases are returned for re-investigation, the investigation time limit and the extension thereof shall comply with the general procedures prescribed in Article 119 of this Code.
The investigation time limit shall be counted from the time when the investigating bodies receive the files and re-investigation requests.
4. When resuming investigation, conducting additional investigation or re-investigation, the investigating bodies shall have the right to apply, change or cancel the deterrent measures under the provisions of this Code.
In cases where there exist grounds prescribed by this Code for temporary detention, the temporary detention time limit for investigation resumption or additional investigation must not exceed the time limit for investigation resumption or additional investigation prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article.
The temporary detention time limit and the extension thereof in the cases of re-investigation shall comply with general procedures prescribed in Article 120 of this Code.
Article 122.- Settlement of requests of participants in the procedure
When participants in the procedure make requests on matters related to the cases, the investigating bodies or procuracies shall, within the scope of their respective responsibilities, settle their requests and inform them of the settlement results. If rejecting such requests, the investigating bodies or procuracies must reply, clearly stating the reasons therefor.
If disagreeing with the settlement results of the investigating bodies or procuracies, participants in the procedure shall have the right to complain. Complaints and the settlement thereof shall comply with the provisions of Chapter XXXV of this Code.
Article 123.- Participation by witnesses
Witnesses shall be invited to participate in investigating activities in the cases prescribed by this Code.
Witnesses shall have the duty to confirm the contents and results of the work performed by investigators in their presence and may present their personal opinions. These opinions shall be recorded in the minutes.
Article 124.- Non-disclosure of investigation secrets
In case of necessity to keep investigation secrets, investigators and procurators must notify in advance the participants in the procedure and witnesses not disclose investigation secrets. Such notification must be recorded in the minutes.
Investigators, procurators, participants in the procedure or witnesses who disclose investigation secrets shall, on a case-by-case basis, bear penal liability under Articles 263, 264, 286, 287, 327 and 328 of the Penal Code.
Article 125.- Investigation minutes
1. In conducting investigation, the minutes thereof must be made according to Article 95 of this Code.
Investigators who have made the minutes must read them to the participants in the procedure, explain to them the right to supplement and give comments on the minutes. Such comments shall be recorded in the minutes. Participants in the procedure and investigators shall all sign the minutes.
2. Where the participants in the procedure refuse to sign the minutes, such refusal must be written in the minutes with reasons therefor clearly stated.
3. If the participants in the procedure, for their physical or mental defects or other reasons, cannot sign the minutes, such reasons must be clearly recorded in the minutes and confirmed jointly by investigators and witnesses.
Illiterate persons may put their fingerprints on the minutes.
Chapter X: INITIATION OF CRIMINAL PROCEEDINGS AGAINST THE ACCUSED AND INTERROGATION OF THE ACCUSED
Article 126.- Initiation of criminal proceedings against the accused
1. When having sufficient grounds to determine that persons have committed criminal acts, the investigating body shall issue decisions to initiate criminal proceedings against the accused.
2. A decision to initiate criminal proceedings against the accused shall contain the time and place of its issuance; full name and position of its issuer; full name, birth date, occupation and family conditions of the accused; which offense the accused is charged with, under which articles of the Penal Code; time and place of commission of the offense, and other circumstances of the offense.
If the accused is charged with many different offenses, the decision to initiate criminal proceedings against him/her must contain the title of each offense and the applicable articles of the Penal Code.
3. After initiating proceedings against the accused, investigating bodies must take photographs and compile personal records of the accused and put them in the case files.
4. Within 24 hours after issuing the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must send them to the procuracies of the same level for consideration and approval. Within three days after receiving such decisions, the procuracies must issue decisions to approve or cancel them and immediately send their decisions to the investigating bodies.
5. Where they detect that there are offenders against whom criminal proceedings have not yet been initiated, the procuracies shall request the investigating bodies to issue the decisions to initiate criminal proceedings against such offenders.
After receiving the files and investigation conclusions, if the procuracies detect other offenders in the cases against whom criminal proceedings have not yet been initiated, the procuracies shall issue decisions to initiate criminal proceedings against the accused. Within 24 hours after issuing such decisions, the procuracies must send them to the investigating bodies for investigation.
6. The investigating bodies must immediately hand their decisions or the procuracies’ decisions to initiate criminal proceedings against the accused or such to the accused and explain on their rights and obligations prescribed in Article 49 of this Code. After receiving the procuracies’ decisions to approve or cancel the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must immediately hand them to the persons against whom criminal proceedings are initiated. The handing and receipt of these decisions must be recorded in the minutes prescribed in Article 95 of this Code.
Article 127.- Change or supplementation of decisions to initiate criminal proceedings against the accused
1. While conducting investigation, if having grounds to determine that the criminal acts committed by the accused do not constitute the offenses for which criminal cases have been instituted against them or there remain other criminal acts, the investigating bodies or procuracies shall issue decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused.
2. Within 24 hours after issuing the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must send their decisions together with documents related to such change or supplementation to the procuracies of the same level for consideration and approval. Within three days after receiving the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the procuracies must decide to approve or cancel such decisions.
Within 24 hours after issuing the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the procuracies must send them to the investigating bodies for investigation.
3. The investigating bodies must immediately hand to the accused the decisions to change or supplement their decisions to initiate criminal proceedings against the accused or the procuracies’ decisions to change or supplement their decisions to initiate criminal proceedings against the accused and explain on their rights and obligations prescribed in Article 49 of this Code. After receiving the procuracies’ decisions to approve or cancel the decisions to change or supplement the decisions to initiate criminal proceedings against the accused, the investigating bodies must immediately hand them to the accused. The handing and receipt of the above-said decisions must be recorded in the minutes prescribed in Article 95 of this Code.
Article 128.- Suspension of the accused from their current positions
When deeming that the accused’s continued holding of their positions would cause difficulties to the investigation, the investigating bodies or procuracies shall have the right to propose the agencies or organizations with competence to manage the accused to suspend the accused from their positions. Within seven days after receiving such proposals, these agencies or organizations must reply in writing the proposing investigating bodies or procuracies.
Article 129.- Summoning of the accused
1. When summoning the accused, investigators must send summonses to them. Such summons must contain the full name and residence of the accused, date, hour, and place of his/her presence; the person he/she will meet, and his/her responsibility for non-appearance without plausible reasons.
2. The summonses to the accused shall be sent to the administrations of the communes, wards or townships where the accused reside or to the agencies or organizations where they work. The agencies or organizations receiving the summonses shall have to immediately deliver them to the accused.
Upon receiving the summonses, the accused must sign for certification of the receipt thereof, clearly writing the hour and date of receipt thereon. The deliverers of the summonses must deliver the portions of the summonses containing the signatures of the accused to the summoning bodies; if the accused refuse to sign, the minutes thereof must be made and sent to the summoning bodies; if the accused are absent, the summonses may be handed to an adult member of their families to sign for certification and hand the summonses to the accused. For the accused being in temporary detention, they shall be summoned through the superintending boards of the detention centers.
3. The accused must appear in response to the summonses. If they are absent without plausible reasons or show signs of escape, investigators may issue decisions to escort them.
4. In case of necessity, procurators may summon the accused. The summoning of the accused shall comply with the provisions of this Article.
Article 130.- Escort of the accused on bail
1. A decision to escort the accused shall contain the time and place of its issuance; full name and position of its issuer; full name, birth date and residence of the accused; the offense with which the accused has been charged; the time and the place for the accused to appear;
2. Executors of the escort decisions must read, explain the decisions, and make minutes of the escort as prescribed in Article 95 of this Code.
3. It is forbidden to escort the accused at night.
Article 131.- Interrogation of the accused
1. The interrogation of the accused must be conducted by investigators immediately after the decisions to initiate criminal proceedings against the accused are issued. The accused may be interrogated at the places of investigation or at their residences.
Before conducting the interrogation, investigators must read the decisions to initiate criminal proceedings against the accused and clearly explain to the accused about their rights and obligations prescribed in Article 49 of this Code. This must be recorded in the minutes.
If a case involves many accused, each of them shall be questioned separately and they shall not be allowed to contact one another. The accused may be allowed to write by themselves their statements.
2. It is forbidden to conduct interrogation at night, except for cases where interrogation cannot be delayed, provided that the reasons therefor must be clearly recorded in the minutes.
3. In case of necessity, procurators may interrogate the accused. The interrogation of the accused shall comply with the provisions of this Article.
4. Investigators or procurators who extort statements from the accused or apply corporal punishment to the accused must bear penal liability prescribed in Article 299 or Article 298 of the Penal Code.
Article 132.- Minutes of interrogation of the accused
1. The minutes of interrogation of the accused must be made according to Article 95 and Article 125 of this Code.
A minutes must be made for each time of interrogation. It must contain all statements of the accused, questions and answers. Investigators are strictly forbidden to add, cut or modify by themselves the statements of the accused.
2. After the interrogation, investigators shall read the minutes to the accused or let the accused read them. In case of supplementing or modifying the minutes, the accused and investigators both sign for certification. If the minutes consist of many pages, the accused shall sign every page. Where the accused write their statements by themselves, the investigators and the accused shall sign such written statements for certification.
Should the interrogation is audio-recorded, such records, at the end of the interrogation, must be played back for the accused and the investigators to listen to. The minutes must be recorded with the contents of the interrogation and be signed for certification by the accused and the investigators.
Where the interrogation of the accused is conducted with the aid of interpreters, the investigators must explain the interpreters’ rights and obligations, and also inform the accused of their right to request change of the interpreters. The interpreters and the accused shall both sign every page of the interrogation minutes.
3. When conducting interrogations in the presence of the defense counsels and/or lawful representatives of the accused, the investigators must explain to these persons their rights and obligations in the course of interrogation of the accused. The accused, the defense counsels and/or lawful representatives shall all sign the interrogation minutes.
Where the counsel defenses are allowed to question the accused, the minutes must contain fully the questions of the defense counsels and the answers of the accused.
4. In cases where procurators interrogate the accused, they must observe the provisions of this Article.
Chapter XI: TAKING STATEMENTS OF WITNESSES, VICTIMS, CIVIL PLAINTIFFS, CIVIL DEFENDANTS, PERSONS WITH INTERESTS AND OBLIGATIONS RELATED TO THE CASES, CONFRONTATION AND IDENTIFICATION
Article 133.- Summoning of witnesses
1. To summon witnesses, investigators must send to them summonses. Such a summons must contain the full name and residence of the witness, the date, hour and place for his/her appearance; the person whom he/she will meet and his/her responsibility for non-appearance without plausible reasons.
2. Summonses shall be handed directly to the witnesses or through the administrations of the communes, wards or townships where they reside or the agencies or organizations where they work. These agencies or organizations shall have to create conditions for the witnesses to perform their obligations.
Under all circumstances, signatures shall be required for the handing and receipt of summonses.
3. Summonses of witnesses aged under full 16 years shall be handed to their parents or other lawful representatives.
4. In case of necessity, procurators may summon witnesses. The summoning of witnesses shall comply with the provisions of this Article.
Article 134.- Escort of witnesses
1. Where witnesses have been summoned by investigating bodies, procuracies or courts but they deliberately refuse to appear without plausible reasons and their absence causes obstruction to the investigation, prosecution or adjudication, the bodies which have summoned them may issue decisions to escort them.
2. Decisions to escort witnesses must contain the time and place of their issuance; full names and positions of their issuers; full names, birth dates and residential places of the witnesses; the time and places for their appearance.
3. The executors of escort decisions must read the decisions to the witnesses, explain their rights and obligations, and make the minutes of the escort as prescribed in Article 95 of this Code.
4. It is forbidden to escort witnesses at night.
Article 135.- Taking statements of witnesses
1. Statements of witnesses shall be taken at the places of investigation or at their residences or working places.
2. If a case involves many witnesses, the statements of each witness must be taken separately and the witnesses shall not be let contact one another in the course of taking statements.
3. Before taking statements from witnesses, investigators must explain to them their rights and obligations. This must be recorded in the minutes.
4. Before inquiring into the contents of the cases, investigators should verify the relationships between the witnesses and the accused, victims and other details related to the witnesses’ personal identity. Before asking questions, investigators should request witnesses to relate or write what they know about the cases. Raising questions of suggestive nature shall not be allowed.
5. When taking statements of witnesses aged under 16 years, their parents, other lawful representatives or their teachers must be invited to attend.
6. In case of necessity, procurators may take statements of witnesses. The taking of statements of witnesses shall comply with the provisions of this Article.
Article 136.- Minutes of witnesses’ statements
Minutes of witnesses’ statements must be made according to Articles 95, 125 and 132 of this Code.
Article 137.- Summoning, and taking statements of, victims, civil plaintiffs, civil defendants, persons with interests and obligations related to the cases
The summoning, and taking statements of, victims, civil plaintiffs, civil defendants and persons with interests and obligations related to the cases shall comply with the provisions of Articles 133, 135 and 136 of this Code.
1. Where exist contradictions in the statements of two or more persons, investigators shall conduct confrontation.
2. If witnesses or victims participate in the confrontation, investigators must, first of all, explain to them their responsibility for refusing or shirking to give statements or deliberately giving false statements. This must be recorded in the minutes.
3. To begin the confrontation, investigators shall ask about the relationships between persons participating in the confrontation, then about circumstances required to be clarified. After hearing statements in the confrontation, investigators may further put questions to each person.
Investigators may also let persons participating in the confrontation ask one another and their questions and answers must be recorded in the minutes.
Only after persons participating in the confrontation give their statements shall their previous statements be repeated.
4. Confrontation minutes must be made according to the provisions of Articles 95, 125 and 132 of this Code.
5. In case of necessity, procurators may conduct confrontation. Such confrontation shall comply with the provisions of this Article.
1. When necessary, investigators may invite persons or give objects or photos to witnesses, victims or the accused for identification.
Investigators must ask in advance the identifying persons about details, traces and characteristics owing to which they may make identification.
2. The number of persons, things or photos presented for identification must be at least three and their appearances must be similar. For identification of corpses, this principle shall not be applied.
In special cases, identification of persons may be made through their voices.
3. If witnesses or victims act as identifying persons, before conducting the identification, investors must explain to them their responsibility for refusing or shirking to give statements or deliberately giving false statements. Such explanation must be recorded in the minutes.
4. In the course of identification, investigators must not put questions of suggestive nature. After the identifying persons have identified a person, an object or a photo among those presented for identification, investigators shall request them to explain which traces or characteristics they have relied on for identifying such person, object or photo.
Identification must be conducted in the presence of witnesses.
5. Identification minutes must be made according to Articles 95, 125 ad 132 of this Code. Such a minutes should contain the personal details of identifying persons and persons shown for identification; characteristics of objects or photos presented for identification; statements and presentations given by identifying persons.
Chapter XII: SEARCH, FORFEITURE, SEIZURE, DISTRAINMENT OF PROPERTY
Article 140.- Grounds for body search, search of residences, working places, premises, objects, correspondence, telegraphs, postal parcels and matters
1. Body search, search of residences, working places and premises shall be conducted only when there are grounds to judge that on the bodies, in the residences, working places and/or premises of persons there are instruments and means of offense commission, objects and property acquired from offense commission or other objects and documents related to the cases.
Search of residences, working places or premises shall also be conducted in case of necessity to detect wanted persons.
2. In case of necessity to collect documents and objects related to the cases, correspondence, telegraphs, postal parcels and matters may be searched.
Article 141.- Competence to issue search warrants
1. The persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code shall have the right to issue search warrants in all cases. Search warrants of the persons defined at Point d, Clause 1, Article 80 of this Code must be approved by the procuracies of the same level before they are executed.
2. In case of urgency, the persons defined in Clause 2, Article 81 of this Code shall have the right to issue search warrants. Within 24 hours after the completion of the search, the search warrant issuers must notify in writing the procuracies of the same level thereof.
1. To start a body search, the search warrant must be read and handed to the to be-searched person for reading; the to be-searched person and other persons present shall be informed of their rights and obligations.
The persons conducting the search must request the to be-searched persons to give out objects and documents related to the cases; if the to be-searched persons disobey, they shall be searched.
2. The search of a person must be conducted by a person of the same sex and to the witness of a person also of the same sex.
3. Body search may be conducted without a search warrant in case of arrest or when there are grounds to confirm that the person present at the searched place hides on his/her body objects and documents required to be seized.
Article 143.- Search of residences, working places, premises
1. Search of residences, working places or premises shall be conducted in accordance with the provisions of Articles 140, 141 and 142 of this Code.
2. Search of residences or premises must be conducted in the presence of the owners or their families’ adult members, the representatives of the commune, ward or township administrations and neighbors as witnesses; in cases where the involved persons and their families’ members are deliberately absent, have escaped or have been away for a long time while the search cannot be delayed, the search must be witnessed by the local administrations’ representatives and two neighbors.
3. Search of residences must not be conducted at night, except where it cannot be delayed, provided that the reasons therefor must be clearly stated in the minutes.
4. Search of working places must be conducted in the presence of such persons, except where it cannot be delayed, provided that the reason therefor must be clearly stated in the minutes.
Search of working places of persons must be witnessed by the representatives of the agencies or organizations where such persons work.
5. When the search of residences, working places or premises is taking place, the persons present must neither leave the searched places without permission nor contact, discuss with one another or with other persons until the search completes.
Article 144.- Forfeiture of correspondence, telegraphs, postal parcels and matters at post offices
In case of necessity to forfeit correspondence, telegraphs, postal parcels and matters at post offices, the investigating bodies shall issue forfeiture warrants. These warrants must be approved by the procuracies of the same level before they are executed, except for cases where the execution thereof cannot be delayed, provided that the reasons therefor must be clearly stated in the minutes and the forfeiture, once completed, be immediately notified to the procuracies of the same level.
Before effecting the forfeiture, the executors of forfeiture warrants must notify such to the persons in charge of the post offices concerned. The persons in charge of the post offices concerned must assist the executors of seizure warrants in fulfilling their tasks.
The forfeiture of correspondence, telegraphs, postal parcels and matters must be witnessed by the representatives of the post offices, who shall sign for certification the minutes thereof.
The forfeiture warrant-issuing bodies must notify the persons having the to be forfeited correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters of the forfeiture warrants. If such notification will impede the investigation, immediately after such impediment no longer exists, the forfeiture warrant-issuing bodies must make such notification.
Article 145.- Seizure of objects and documents during a search
While conducting search, investigators may seize objects which are exhibits as well as documents directly related to the cases. For objects falling into the categories banned from storage or circulation, they must be forfeited and immediately delivered to competent management bodies. In case of necessity to seal objects up, such sealing must be conducted in the presence of the owners of such objects or their families’ representatives, the administration’s representatives as well as witnesses.
The seizure of objects and documents during a search must be recorded in a minutes. Seizure minutes must be made in four copies, one of which to be handed to the owner of the objects and/or documents, one to be put in the case files; one to be sent to the procuracy of the same level, and one to the agency managing the seized objects and/or documents.
Article 146.- Distrainment of property
1. Distrainment of property shall only apply to the accused or defendants charged with offenses which, as prescribed by the Penal Code, may be subject to property confiscation or fine penalty as well as to persons liable to pay damage compensation according to law provisions.
The competent persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code shall have the right to issue property distrainment warrants. Distrainment warrants of persons defined at Point d, Clause 1, Article 80 of this Code must be immediately notified to the procuracies of the same level before they are executed.
2. Distrainment shall be made only of a portion of property corresponding to the amount likely to be confiscated, to the pecuniary fine or the damage compensation.
Distrained property shall be assigned to their owners or their relatives for preservation. If the persons assigned to preserve such property commit acts of consuming, transferring, fraudulently swapping, concealing or destroying the distrained property, they shall bear penal liability under the provisions of Article 310 of the Penal Code.
3. Property distrainment must be witnessed by the involved persons or their families’ adult members, representatives of the commune, ward or township administrations and neighbors. The distraining persons must make the minutes, clearly stating the name and condition of each distrained property item. Such minutes must be made according to Articles 95 and 125 of this Code, read to the involved persons and other present persons, and signed by these persons. Any complaints of the involved persons shall be recorded in the minutes, with the signatures for certification of such persons and the distraining persons.
A distrainment minutes shall be made in three copies, one to be handed to the involved person immediately after the distrainment is completed, one to be sent to the procuracy of the same level, and one to be put in the case file.
4. When deeming that distrainment is no longer necessary, the competent persons defined in Clause 1, Article 80 of this Code must issue in time decisions to cancel distrainment warrants.
Article 147.- Responsibility to preserve objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters which are forfeited, seized or sealed up
Objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters which are forfeited, seized or sealed up under the provisions of Articles 75, 144 and 145 of this Code must be preserved intact.
If persons assigned to preserve property break up seals, consume, transfer, fraudulently swap or destroy such property, they shall bear penal liability under Article 310 of the Penal Code.
Article 148.- Minutes of search, forfeiture, seizure of objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and matters
The search, forfeiture or seizure of objects, documents, telegraphs, postal parcels and/or matters must be recorded in the minutes prescribed in Articles 95 and 125 of this Code.
Article 149.- Responsibilities of issuers and executors of warrants to search, distrain property, forfeit or seize objects, documents, correspon-dence, telegraphs, postal parcels and matters
Persons who have illegally issued and persons who have illegally executed warrants to search or distrain property, forfeiture or seize objects, documents, correspondence, telegraphs, postal parcels and/or matters shall, depending on the seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability.
Chapter XIII: SCENE EXAMINATION, AUTOPSY, EXAMINATION OF TRACES ON HUMAN BODIES, INVESTIGATION EXPERIMENTS, EXPERTISE
Article 150.- Scene examination
1. Investigators shall examine scenes where offenses have been committed or detected in order to find out traces of offense, exhibits and to clarify circumstances significant to the cases.
2. Scene examination may be conducted prior to the institution of criminal cases. Under all circumstances, before conducting the examination, investigators must notify the procuracies of the same level thereof. Procurators must come to supervise the scene examination. In the course of examination, there must be witnesses; the accused, victims and/or witnesses may be allowed to attend, and specialists may be invited to participate in, the examination.
3. While conducting scene examination, investigators shall take photos, draw plans describing the scenes, take measurements, make mock-ups, collect and examine on spot traces of offense, objects, documents related to the cases; and clearly write the examination results in the scene examination minutes.
Where the collected objects and documents cannot be scrutinized immediately, they must be preserved, kept intact or sealed up and taken to the investigation places.
Autopsy shall be conducted by investigators with the participation of forensic doctors and in the presence of eyewitnesses.
In case of necessity to exhume corpses, decisions of investigating bodies shall be required and the deceased persons’ families must be notified thereof before the exhumation starts. The corpse exhumation must be participated by forensic doctors.
When necessary, experts may be summoned to and there must be witnesses at the exhumation.
Under all circumstances, autopsy must be notified in advance to the procuracies of the same level. Procurators must come to supervise the autopsy.
Article 152.- Examination of traces on human bodies
1. Investigators shall examine the bodies of the persons arrested or taken into custody, the accused, victims and witnesses in order to detect thereon traces of offense or other traces of significance to the cases. In case of necessity, the investigating bodies shall request forensic examination.
2. Examination of the body of a person must be conducted by a person of the same sex and witnessed by a person also of the same sex. In case of necessity, medical doctors may participate in body examination.
It is forbidden to infringe upon the honor, dignity or the health of the examined persons.
Article 153.- Investigation experiments
1. In order to check and verify documents and circumstances of significance to the cases, the investigating bodies shall have the right to conduct investigation experiments by reproducing the scenes, replaying acts, circumstances or all other details of certain facts, and conduct necessary experiments. They may, when deeming it necessary, take measurements, photographs, video and draw plans.
2. Investigation experiments must be conducted in the presence of witnesses. In case of necessity, the persons in custody, the accused, victims and/or witnesses may participate therein.
It is forbidden to infringe upon the honor and dignity or cause harm to the health of persons participating in investigation experiments.
3. In case of necessity, the procuracies may conduct investigation experiments. Investigation experiments shall be conducted in accordance with the provisions of this Article.
Article 154.- Minutes of scene examination, autopsy, examination of traces on human bodies and investigation experiments
Scene examination, autopsy, examination of traces on human bodies and investigation experiments must be recorded in the minutes as prescribed in Article 95 and Article 125 of this Code.
Article 155.- Solicitation of expertise
1. When arise matters which need to be determined under Clause 3 of this Article or when deeming it necessary, the procedure-conducting bodies shall issue decisions to solicit expertise.
2. Decisions to solicit expertise must clearly state the matters required to be examined, full names of experts requested to examine or names of the expertising agencies as well as the rights and obligations of experts as prescribed in Article 60 of this Code.
3. Expertise is compulsory when it is necessary to determine:
a/ Causes of human death, injury nature, degree of harm to the health or working capability;
b/ The psychiatric state of the accused or defendants in cases where there is suspicion about their penal liability capacity;
c/ The psychiatric state of witnesses or victims in cases where there is suspicion about their perception capacity and truthful statements on circumstances of the cases;
d/ The ages of the accused or defendants or victims if such is significant to the cases and there are no documents proving their ages or there is suspicion about the authenticity of such documents;
e/ Noxious substances, narcotics, radioactive substances, counterfeit currencies.
Article 156.- Conducting expertise
1. Expertise may be conducted at the expertising agencies or at the places of investigation of the cases immediately after the issuance of decisions to solicit expertise.
Investigators and procurators shall have the right to participate in the expertise provided that they must notify in advance the experts thereof.
2. In cases where the expertise cannot be conducted within the time limit requested by the expertise-soliciting agencies, the expertising agencies or experts must immediately notify such in writing and clearly state the reasons therefor to the expertise-soliciting agencies.
Article 157.- Contents of expertise conclusions
1. Expertise conclusions must clearly state the time and place of the conducted expertise; full names, educational levels and professional qualifications of experts; participants in the expertise; traces, objects, documents and all other things already examined, applied methods and answers with specific grounds to the raised matters.
2. In order to clarify or supplement expertise conclusions, the expertise-soliciting agencies may put additional questions to the experts about necessary circumstances and may decide on additional expertise or re-expertise.
Article 158.- Rights of the accused and participants in the procedure with regard to expertise conclusions
1. After the expertise completes, the agencies which have solicited the expertise must notify the contents of the expertise conclusions to the accused and other participants in the procedure if the latter so request.
The accused, other participants in the procedure may express their opinions on the expertise conclusions and requests for additional expertise or re-expertise. These opinions and requests shall be recorded in the minutes.
2. Where the investigating bodies or procuracies reject the requests of the accused or other participants in the procedure, they must clearly state the reasons therefor and inform such persons thereof.
Article 159.- Additional expertise or re-expertise
1. Additional expertise shall be conducted in cases where the contents of the expertise remain unclear, incomplete or when arise new matters related to the cases’ circumstances already concluded earlier.
2. Re-expertise shall be conducted where there is suspicion about the expertise results or there are contradictions in the expertise conclusions on the same expertised matter. The re-expertise must be conducted by other experts.
3. Additional expertise or re-expertise shall be conducted according to general procedures prescribed in Articles 155, 156, 157 and 158 of this Code.
Chapter XIV: SUSPENSION OF INVESTIGATION AND TERMINATION OF INVESTIGATION
Article 160.- Suspension of investigation
1. When the accused suffer from mental diseases or other dangerous ailments with certification by the forensic examination councils, the investigation may be suspended ahead of the investigation time limit. In cases where the accused are not yet identified or their whereabouts are unknown, the investigation shall be suspended only upon the expiry of the investigation time limit.
Where expertise has been solicited but the expertise results are not yet available upon the expiry of the investigation time limit, the investigation shall be suspended while the expertise shall still continue till its results are obtained.
Where a case involves many accused while the reason for suspension of investigation does not relate to all of the accused, the investigation may be suspended for each of them.
If the accused’s whereabouts are unknown, the investigating bodies must issue pursuit warrants before suspending the investigation.
2. Investigating bodies which have issued decisions to suspend the investigation must send such decisions to the procuracies of the same level, the accused and victims.
Article 161.- Pursuit of the accused
When the accused abscond or their whereabouts are unknown, investigating bodies shall issue warrants to pursue them.
A pursuit warrant must clearly state the date, hour and place of its issuance; full name and position of its issuer; full name, age and residence of the accused, characteristics for identification of the accused, affixed with the accused’s photo, if any; and the offense with which the accused has been charged.
Pursuit warrants shall be announced on the mass media for everyone to detect, arrest and detain the wanted persons.
Article 162.- Termination of investigation
1. Upon the termination of investigation, the investigating bodies must make investigation conclusion reports
2. The investigation shall be terminated when the investigating bodies issue investigation conclusion reports proposing the prosecution or investigation conclusion reports and decisions to cease the investigation.
3. An investigation conclusion report must clearly state the date, full name, position and signature of the conclusion maker.
4. Within two days after issuing the investigation conclusion reports, the investigating bodies must send the investigation conclusion reports proposing the prosecution or the investigation conclusion reports enclosed with the decisions to cease the investigation together with the case files to the procuracies of the same level; send the investigation conclusion reports proposing the prosecution or decisions to cease the investigation to the accused and defense counsels.
Article 163.- Proposals for prosecution
1. When having sufficient evidences to determine the offenses and the accused, the investigating bodies shall make investigation conclusion reports proposing the prosecution. An investigation conclusion report shall describe the development of the criminal act, evidences proving the offense, proposals on solving the case, including reasons and grounds for the prosecution proposal.
2. An investigation conclusion report shall be enclosed with the statement on the investigation periods, deterrent measures already applied, clearly stating the duration of custody or temporary detention, exhibits, civil suits, measures to secure the payment of fines, compensations and confiscation of assets, if any.
Article 164.- Investigation cessation
1. In case of investigation cessation, the investigation conclusion reports shall clearly describe the investigation process, reasons and grounds for investigation cessation.
2. The investigating bodies shall issue investigation cessation decisions in the following cases:
a/ There exists one of the grounds prescribed in Clause 2 of Article 105, and Article 107 of this Code or in Article 19, Article 25 and Clause 2 of Article 69 of the Penal Code.
b/ The investigation time limits have expired but it cannot be proved that the accused have committed the offense.
3. An investigation cessation decision shall contain the date and place of its issuance, reasons and grounds for investigation cessation, the cancellation of the deterrent measure, the return of seized objects, documents, if any, and other related matters.
If a case involves many accused while the grounds for investigation cessation are not related to all of them, the investigation may be ceased for each of them.
4. If deeming that the investigation cessation decisions of the investigating bodies are grounded, within fifteen days after receiving such decisions, the procuracies must return the case files to the investigating bodies for settlement according to the latter’s competence; if deeming that such investigation cessation decisions are ungrounded, the procuracies shall cancel them and request the investigating bodies to resume investigation; if deeming that there are sufficient grounds for prosecution, the procuracies shall cancel such decisions and issue prosecution decisions. The time limit for issuing prosecution decisions shall comply with the provisions of Article 166 of this Code.
Article 165.- Investigation resumption
1. Where there exist grounds to cancel the decisions to cease or suspend the investigation, the investigating bodies shall issue decisions to resume investigation if the statute of limitations for penal liability examination has not yet expired. Within two days after issuing the decisions to resume investigation, the investigating bodies must send them to the procuracies of the same level.
2. If the investigation is ceased under Points 5 and 6, Article 107 of this Code but the accused disagree and request re-investigation, the investigating bodies or procuracies of the same level shall issue decisions to resume the investigation.
Chapter XV: PROSECUTION DECISION
Article 166.- Time limit for prosecution decision
1. Within twenty days for less serious offenses and serious offenses, within thirty days for very serious offenses and especially serious offenses, after receiving the case files and investigation conclusion reports, the procuracies must issue one of the following decisions:
a/ To prosecute the accused before court by an indictment.
b/ To return the file for additional investigation;
c/ To cease or suspend the case.
In case of necessity, the procuracy chairmen may extend the time limits but for no more than ten days for less serious offenses and serious offenses, no more than fifteen days for very serious offenses, and no more than thirty days for especially serious offenses.
Within three days after issuing one of the above-said decisions, the procuracies must notify the accused and defense counsels thereof; and hand the indictments, decisions to cease the cases or decisions to suspend the cases to the accused. Defense counsels may read the indictments, take notes and copy documents in the case files related to the defense under the provisions of law and put forward requests.
2. After receiving the case files, the procuracies shall be entitled to decide to apply, change or cancel deterrent measures or to request the investigating bodies to pursue the accused. The temporary detention duration must not exceed the time limit prescribed in Clause 1 of this Article.
3. In case of prosecution, within three days after issuing the prosecution decisions in the form of indictment, the procuracies must send the files and indictments to the courts.
4. For cases not falling under their prosecuting competence, the procuracies shall immediately issue decisions to transfer them to the competent procuracies.
1. An indictment must contain the date, hour and place of occurrence of the offense; trick, purpose and motive of the commission of the offense; its consequences and other important circumstances; evidences for determining the criminality of the accused, circumstances aggravating and extenuating the penal liability, personal details of the accused, and all other circumstances of significance to the case.
The indictment’s conclusion section shall clearly state the title of the offense committed and applicable articles and clauses of the Penal Code.
2. An indictment must contain the date of its making, full name, position and signature of its maker.
Article 168.- Return of files for additional investigation
The procuracies shall decide to return the files to the investigating bodies for additional investigation if they, through studying the case files, find out that:
1. Important evidences of the cases are insufficient, which the procuracies cannot supplement by themselves;
2. There are grounds to initiate criminal proceedings against the accused for other offenses or there are other accomplices;
3. There are serious violations of the criminal procedure.
The matters required to be additionally investigated must be clearly stated in the decisions requesting the additional investigation.
Article 169.- Cessation or suspension of cases
1. The procuracies shall issue decisions to cease the cases when there exists one of the grounds prescribed in Clause 2 of Article 105 and Article 107 of this Code or in Article 19, Article 25, and Clause 2 of Article 69 of the Penal Code.
2. The procuracies shall issue decisions to suspend the cases in the following cases:
a/ When the accused suffer from mental diseases or other dangerous ailments, which has been certified by the forensic examination councils;
b/ When the accused escape and their whereabouts are unknown; in this case, they must request the investigating bodies to pursue the accused.
3. If a case involves many accused while the grounds to cease or suspend the case are not related to all of them, the procuracies may cease or suspend the case for each of them.
4. In cases where the subordinate procuracies have issued ungrounded and illegal decisions to cease the cases, the chairmen of the superior procuracies shall have the right to cancel such decisions and request the subordinate procuracies to issue prosecution decisions.