Soạn bài Viết bài văn số 4: Văn thuyết minh hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài văn số 4: Văn thuyết minh Ngữ văn lớp 10 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài văn số 4: Văn thuyết minh để chuẩn bị bài và soạn văn 10. Mời các bạn đón xem:

1 628 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài văn số 4: Văn thuyết minh - Ngữ văn 10

A. Soạn bài Viết bài văn số 4: Văn thuyết minh ngắn gọn:

Đề 1: Viết một bài văn thuyết minh về vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch, ... ) trong việc bảo vệ môi trường.

I. Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu về đối tượng thuyết minh: Vai trò của cây cối.

- Thể hiện thái độ, đánh giá của bản thân: Đây là đối tượng, hiện tượng tích cực cần khẳng định, ngợi ca.

2. Thân bài

* Những hiểu biết về cây cối.

- Cây cối là thể thực vật có thể tự sinh ra hoặc do con người tạo ra.

- Cây cối hiểu theo nghĩa rộng đó là thiên nhiên bao gồm rừng, bầu trời, sông nước, cỏ cây, chim muông.

- Cây cối theo nghĩa hẹp là cây xanh, rừng

- Nguyên lí sống của cây cối là ban ngày nhả ra khí oxi, thu lại khí cung cấp sự sống

- Hệ thống tán lá, tán cây có vai trò như một lá phổi xanh, lá chắn bảo vệ môi trường.

* Vai trò của cây cối trong việc bảo vệ môi trường

a. Đối với môi trường tự nhiên

- Bảo vệ nguồn nước ngầm: Tán lá làm cản trở những chất độc hại từ mưa ngấm trực tiếp vào mạch nước ngầm dưới lòng đất

- Bảo vệ đất: chống xói mòn, rửa trôi đất nhờ hệ thống tán là cản mưa trực tiếp rơi xuống đất

- Điều hòa không khí:

+ Giảm lượng khí thải thông qua hệ thống lọc khí từ lá cây, làm giảm hiệu ứng nhà kính.

+ Con đường trồng cây xanh sẽ làm dịu giao thông những ngày oi bức, giảm thiểu những khí độc phát tán ra môi trường bởi những phương tiện giao thông.

- Giúp tránh được những nguy cơ thiên tai, biến đổi khí hậu của môi trường

b. Đối với môi trường sống.

- Cây cối có thể cung cấp khí oxi mà chúng ta thở hằng ngày.

- Làm giảm căng thẳng cho cuộc sống hằng ngày, chăm sóc đời sống tinh thần cho con người.

- Tạo nên không gian thư thái, trong lành, bảo vệ sức khỏe con người.

* Cách ứng xử của con người đối với cây cối.

- Có những người biết nhận thức đúng đắn vai trò của cây cối, biết yêu quý và trân trọng những giá trị của cây cối, thường xuyên trồng cây gây rừng, phủ xanh môi trường sống, đem lại không khí trong lành cho môi trường

- Có những người chưa nhận thức được vai trò đúng đắn của cây cối, vì lợi ích kinh tế, tàn phá cây xanh, khai thác rừng quá mức,...

* Biện pháp

- Nhà nước có những biện pháp nghiêm minh xử lý những hành động phá hoại cây cối.

- Tích cực trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

- Tuyên truyền, giáo dục mọi người trong việc nhận thức vai trò và bảo vệ cây cối.

- Lên án, ngăn chặn những hành động phá hoại cây cối

- Liên hệ bản thân, rút ra bài học

- Học sinh trong nhà trường phải biết nhận thức đúng đắn vai trò của cây xanh, biết yêu quý, chăm sóc bảo vệ nó.

- Liên hệ văn học: Những bài học về trồng cây, những câu nói của Bác Hồ nhằm tuyên truyền vai trò của cây cối như “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.

3. Kết bài

- Khái quát lại đối tượng thuyết minh.

- Đưa ra lời khuyên, lời kêu gọi cho mọi người

II. Bài tham khảo

Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sự sống của con người. Vốn được ví như những lá phổi xanh của Trái đất, giúp điều hòa và cung cấp dưỡng khí cho sự sống của muôn loài. Thế nhưng con người đã và đang làm gì với cây xanh?

Quần thể cây xanh rộng lớn nhất phải kể đến rừng, nơi đây có độ đa dạng sinh học cực lớn, với hàng ngàn các loại cây cùng chung sống, tạo nên thảm thực vật dày, độc đáo, tương trợ bảo vệ lẫn nhau. Vậy rừng có vai trò gì trong việc bảo vệ môi trường?

Trước hết, phải kể đến tác động làm sạch khí quyển, điều hòa không khí trên trái đất. Chúng ta đã biết cây xanh có hai quá trình hô hấp và quang hợp, tuy nhiên quá trình quang hợp đóng vai trò lớn nhất trong việc bảo vệ khí quyển. Quá trình này diễn ra bằng cách cây xanh sẽ lấy vào khí CO2 và trả lại không khí oxy, góp phần làm giàu oxy trong không khí. Chúng ta có thể cảm nhận điều này bằng trải nghiệm của bản thân, giữa trưa hè nắng nóng, ngột ngạt chúng ta chỉ cần bước vào một bóng râm có nhiều cây xanh, lập tức chúng ta cảm thấy dễ thở và thoải mái hơn rất nhiều. Không tin các bạn cứ thử xem.

Tiếp theo đó là khả năng lọc sạch bụi bẩn trong không khí, khả năng này tuy chỉ là tương đối nhưng nó vẫn đem lại những hiệu quả nhất định. Đặc biệt là những loại cây có tán lá dày rộng, bề mặt lá thô nhám thì khả năng lọc bụi trong không khí càng tốt. Cơ chế chính là khi gió thổi mang theo bụi trong không khí đi qua những tán cây, thì lá sẽ giữ lại phần lớn bụi bẩn trên bề mặt, khi mưa xuống lớp bụi bẩn này sẽ được gột rửa sạch và trôi xuống đất, tạo thành vòng tuần hoàn tự nhiên. Xung quanh các nhà máy xí nghiệp, và trên các con con đường người ta thường trồng nhiều cây cũng một phần vì lý do này.

Một tác dụng không thể thiếu khi nói về cây xanh trong bảo vệ môi trường đó là khả năng chống xói mòn và sạt lở đất, ở các vùng núi, đồi có độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt. Nếu không có cây xanh đất sẽ liên tục bị xói mòn, tạo thành các khe rãnh lớn, đất màu trôi đi hết để trơ trọi lại lớp đất đá cứng nhắc, không thể canh tác được. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến quá trình canh tác nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Ngoài ra gió và bão cũng là một tác nhân lớn gây mất cân bằng thảm thực vật, những cơn gió mùa mang theo sức nóng, cát, bụi làm vùi lấp đồng ruộng, cây trồng, ô nhiễm không khí, giảm khả năng thụ phấn của hoa màu. Bão tràn đến nếu không có gì che chắn thì nhà cửa, cây trồng vật nuôi cũng sẽ đều bị cuốn phăng. Tuy nhiên nếu chúng ta trồng cây xanh thành rừng, hoặc bãi lớn thì sẽ giảm bớt được đáng kể những tác động kể trên.

Cây xanh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải tạo đất, làm tơi xốp, giữ độ ẩm vừa đủ cho bề mặt, giữ nước cùng các chất dinh dưỡng khác trong mặt đất, khi lá rụng xuống phân hủy thành phân hữu cơ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng khá lớn. Ngoài ra cây xanh cũng cung cấp cho con người thức ăn, cùng nguồn chất xơ vô cùng phong phú đa dạng, không những thế còn cung cấp một lượng lớn vật liệu như gỗ, tre, nứa cho ngành công nghiệp xây dựng, nội thất và sản xuất giấy viết cho chúng ta sử dụng.

Như đã đề cập ở phần đầu, quần thể cây xanh rộng lớn nhất phải kể đến rừng, nơi đây có độ đa dạng sinh học bậc nhất, có các loài cây xanh từ thân gỗ đến thân cỏ, thân leo, tuổi thọ phụ thuộc vào từng loài, chúng cũng được phân tầng theo chiều cao và các đặc tính ưa bóng hay ưa ánh sáng, cùng với các đặc điểm của họ thực vật khác. Sự đa dạng, rậm rạp ấy đã tạo nên một môi trường cư trú vô cùng lý tưởng cho các loài động vật hoang dã như hươu, nai, vượn, sóc, hổ cùng muôn vàn các loài chim và côn trùng khác. Điều này tạo nên sự cân bằng sinh thái, đảm bảo độ đa dạng sinh học của Trái Đất, giúp bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nếu con người biết khai thác một cách hợp lý và hiệu quả thì đây quả thực là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta, bởi từ đây ta có thể khai thác được các vị thuốc quý, các loại gỗ quý như lim, trầm hương, sến, táu, với một giới hạn cho phép. Ngoài rừng tự nhiên thì con người còn trồng các loại rừng nhân tạo như rừng tre, rừng nứa, rừng keo, hoặc rừng ngập mặn, để phù hợp với mục đích sử dụng và bảo vệ cuộc sống khỏi tác động nguy hại từ thiên nhiên.

Ngày nay rừng còn là một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng, thích hợp với các du khách yêu thiên nhiên, ưa thích khám phá. Bởi rừng mang một vẻ đẹp tự nhiên, trong lành, khoáng đạt, đến nơi đây ta như được trở về thời cổ xưa, hoang sơ, bí ẩn, khi chưa có nhà máy xí nghiệp, khói bụi thành phố, được tận hưởng cái không khí ngọt lành, mát mẻ, thật tuyệt vời. Trong khu dân cư, thành phố cây xanh còn tạo cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ, làm bóng mát cho đường phố, trường học, nhà ở, giảm bớt nóng bức, ô nhiễm cùng tiếng ồn.

Với những vai trò to lớn như vậy, nhưng ngày nay ý thức giữ gìn và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng của con người càng ngày càng kém. Họ không hề tưởng tượng được những hậu quả đằng sau việc chặt phá cây xanh to lớn đến mức nào, mà chỉ biết ham cái lợi trước mắt. Thỉnh thoảng thời sự lại đưa tin, khu rừng này bị lâm tặc chặt phá, khai thác gỗ trộm, khu rừng kia bị dân đốt để làm nương rẫy, và rừng ngày càng trở nên cạn kiệt, diện tích đất trống đồi trọc tăng chóng mặt, việc trồng cây gây rừng không thể bù đắp kịp cho sự phá hoại một cách vô trách nhiệm của những con người không có ý thức.

Hậu quả là những trận lũ quét, sạt lở đất đá nghiêm trọng tại những vùng núi, bao nhiêu nhà cửa, tài sản thậm chí là tính mạng con người bị thiệt hại. Có những nơi vì không khí quá nóng bức dẫn tới việc cháy rừng, động vật không có chỗ cư ngụ, loài thì tuyệt chủng, loài thì hấp hối, con người thấy vậy lại ra sức săn bắn, vây bắt, dẫn tới việc mất cân bằng hệ sinh thái nghiêm trọng. Tác hại của việc phá rừng quả thực rất lớn mang tính chất dây chuyền, hệ quả chồng hệ quả.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn nạn chặt phá rừng bừa bãi, Đảng và nhà nước ta đã có những chính sách phù hợp để bảo vệ rừng, tiêu biểu như khoán cho dân trồng rừng, tích cực phủ xanh đất trống đồi trọc, nhà nước hỗ trợ vốn cùng giống cây. Hoặc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của rừng cùng các tác hại của việc phá rừng, khuyến khích việc trồng cây xanh, phủ xanh thành phố.

Đối với mỗi học sinh, chúng ta cần tích cực tham gia tuyên truyền và khuyến khích việc trồng cây gây rừng, cảnh báo với người thân và mọi người xung quanh về tác hại của việc phá hại cây xanh. Đồng thời phải học tập thật tốt, sử dụng tiết kiệm giấy, nước, không xả rác bừa bãi, bảo vệ và chăm sóc các loại cây xanh xung quanh mình, đó cũng chính là góp một phần lớn vào công cuộc bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp cho chính cuộc sống của chúng ta.

Đề 2: Viết một bài thuyết minh về tác hại của ma tuý (hoặc của rượu, thuốc lá, ...) đối với đời sống của con người.

I. Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tác hại của rượu.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Thực trạng

Rượu vô cùng phổ biến ở nước ta, việc uống rượu trở thành 1 “văn hóa” không thể thiếu. Người già uống rượu, người trưởng thành uống rượu, đến cả người trẻ cũng uống rượu.

Mỗi năm nước ta tiêu thụ một lượng lớn rượu bao gồm cả rượu nhập khẩu và rượu sản xuất.

Nhiều năm liền, Việt Nam nằm trong top các nước tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới.

Chính vì sự tiêu thụ rượu khủng dẫn đến nhiều loại rượu giả làm từ cồn xuất hiện gây tổn hại sức khỏe khủng khiếp cho con người.

Hằng năm, tỉ lệ người tử vong do lái xe mà sử dụng rượu bia vô cùng nhiều. Bên cạnh đó, rượu cũng là nguyên nhân gây ra những cuộc cãi vã.

b. Nguyên nhân

Do người dân nhận thức chưa cao, coi uống rượu là một nét văn hóa, không chỉ những dịp lễ tết mà còn trong các cuộc gặp gỡ, cuộc họp cũng lấy li rượu làm “lí do”.

Có nhiều nơi ở vùng cao, người ta uống rượu hàng ngày, trong những bữa ăn và cảm thấy khó chịu, bứt rứt trong người nếu không có rượu.

Do tính hiếu thắng, muốn thể hiện bản thân mình của một số bộ phận người dân, muốn chứng tỏ bản thân mình hơn người bằng cách uống rượu.

Do nhà nước chưa có những biện pháp mạnh tay để xử lí những trường hợp uống rượu say gây ra hậu quả.

c. Hậu quả

Hằng năm, có nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng do rượu gây ra.

Việc uống rượu dẫn đến nhiều cuộc xô xát, cãi vã thậm chí là bạo lực vẫn đang xảy ra.

Bên cạnh đó, việc uống rượu còn gây tốn kém, mỗi loại rượu có một mức giá khác nhau từ vài chục nghìn, vài trăm nghìn đến vài triệu, thậm chí là trăm triệu đồng.

d. Biện pháp khắc phục

Trước hết, mỗi cá nhân cần biết tự điều khiển, kiềm chế bản thân để không uống quá nhiều rượu và tập thói quen “cai rượu”.

Người lớn cần có biện pháp dạy dỗ lớp trẻ về tác hại của rượu và khuyên nhủ con em mình tránh xa rượu bia.

Nhà nước cần có biện pháp cứng rắn để xử lí các trường hợp uống rượu say gây rối trật tự hoặc gây ra những hậu quả khác.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: tác hại của rượu đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

II. Bài tham khảo

Cuộc sống từng ngày từng ngày được nâng cao, chất lượng cuộc sống của con người theo đó cũng càng được cải thiện. Tuy nhiên, bên trong vẻ tốt đẹp hào nhoáng vẫn tồn tại những tệ nạn cắm rễ và theo xã hội đi lên. Người ta hay nhắc đến ma túy và thuốc lá, nhưng rượu cũng là một tệ nạn đã bám rễ từ lâu, gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với cuộc sống của con người.

Rượu là những chất kích thích được làm từ ngũ cốc như gạo, ngô,… hay hoa quả, lên men và chưng cất. Rượu chứa nhiều cồn nên khi uống vào làm tăng khả năng hưng phấn trong một thời gian nhất định, nếu dùng nhiều quá sẽ dẫn đến tình trạng say xỉn, nôn mửa. Cùng với bia, rượu hiện nay là một trong những thức uống phổ biến trên thế giới. Người ta dùng nhiều trong các dịp vui như cưới hỏi, lễ chúc mừng, gặp mặt, giao lưu, thậm chí ngay cả khi buồn bã cũng dùng rượu để giải khuây. Rượu còn trở thành những món quà mà người ta trao cho nhau mỗi dịp chúc mừng. Dùng ở mức vừa phải, hợp lý, cân bằng với thể trạng của mình thì rượu có những tác dụng rất tốt như lưu thông máu, tiêu hóa tốt tuy nhiên bản thân là một chất kích thích và cường độ lạm dụng của con người nên nó ngược lại mang đến nhiều tác hại hơn là tác dụng.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rượu là thứ độc hại lớn nhất đối với sức khỏe con người. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các cơ quan trên cơ thể của chúng ta. Cơ quan đầu tiên và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hệ thần kinh. Rượu làm giãn mạch máu não, tăng khối lượng não sinh ra nói nhiều, sau đó làm tăng độ ức chế gây mất thăng bằng nên dễ gây ra tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông. Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, say rượu chiếm một số lượng rất lớn. Thậm chí, rượu làm cho ức chế lan rộng  làm giảm nhịp tim, nhịp thở, hạ thân nhiệt, thiếu oxy… Nghiêm trọng có thể xảy ra tình trạng đột tử do tai biến hoặc đứt mạch máu não.

Cơ quan thứ hai bị ảnh hưởng là hệ hô hấp. Rượu sẽ làm viêm dây thanh quản, khiến giọng khàn đục, tác động trực tiếp đến phổi, gây viêm phổi. Cơ quan thứ ba là hệ tiêu hóa. Nếu uống quá nhiều rượu sẽ làm giảm việc tiết dịch vị ở dạ dày gây kích thích ăn ngon, lâu dần sẽ mất và gây ra cảm giác chán ăn, mệt mỏi, nặng có thể bị viêm dạ dày. Thứ tư là tim mạch. Trong điều kiện sống như nhau, nhưng người thường xuyên uống rượu có khả năng bị cao huyết áp cao hơn gấp 3 – 4 lần người bình thường. Ngoài ra, rượu thấm vào máu sẽ làm nở hồng cầu dẫn đến việc máu chậm lưu thông, nặng có thể bị nhồi máu cơ tim, thậm chí gây ra hiện tượng đột tử đối với người mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp. Và thứ năm, tác động nghiêm trọng nhất của rượu đó là tới gan. Gan là cơ quan đào thải chất độc trong cơ thể. Có đến 90% lượng rượu hấp thu vào máu được chuyển hóa ở gan. Người uống rượu thường xuyên sẽ tàn phá các tế bào gan, gây ra hiện tượng xơ gan, viêm gan, suy gan và nặng hơn là dẫn tới ung thư gan.

Đó là những tác hại trực tiếp tới sức khỏe chúng ta nếu sử dụng rượu. Hàng năm, những con số thống kê về những người chết vì rượu vẫn được đưa ra. Đằng sau đó không chỉ là bằng chứng cho tác hại của nó mà còn có nỗi đau của những người có người thân bị tác động, mất mạng vì loại chất kích thích này, là lời cảnh báo cho những người xung quanh.

Rượu giống như thứ mầm mống ăn sâu trong lòng xã hội, nó xuất hiện từ thời cổ đại cho đến hiện đại. Những năm Pháp tiến hành khai hóa văn minh, âm mưu đầu độc nhân dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện, rượu đã gây ra bao thảm kịch cho con người. Ngày nay, cuộc sống hiện đại, tiệc tùng, quán xá, nhậu nhẹt,… vẫn diễn ra hằng ngày với lượng lớn rượu được tiêu thụ. Rượu tàn phá sức khỏe, làm suy thoái giống nòi nhưng xét ở góc nhìn khác, nó còn nguy hiểm hơn thế. Rượu góp phần hủy hoại dần dần nếp sống, nhân cách con người. Mải ăn uống, nhậu nhẹt dẫn đến lười lao động. Rồi những vụ tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, những vụ ẩu đả, xô xát,… luôn có những nguyên nhân đến từ say xỉn. Nghiện ma túy, nghiện thuốc lá nguy hiểm, nghiện rượu cũng như vậy. Nó khiến bao người tan cửa nát nhà, người nghiện rượu không kiềm chế được hành động và cảm xúc, có rất nhiều người đã bỏ mạng dưới lưỡi dao của kẻ nghiện rượu.

Nhìn nhận tích cực hơn, uống rượu không xấu, rượu sẽ không tàn phá chúng ta nếu chúng te hiểu và biết được điểm dừng đúng đắn, sử dụng nó hợp lí. Đừng để mình trở thành nô lệ bị nó cầm tù, và cũng nên biết khuyên nhủ những người khác. Cả xã hội phải cùng thay đổi mới đẩy lùi được những tác hại đáng sợ của rượu. Hãy cùng nhau kiến tạo một cuộc sống lành mạnh cả thể xác lẫn tinh thần.

Đề 3: Viết một bài văn thuyết minh về một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn.

I. Dàn ý

1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về kinh nghiệm học văn hoặc làm văn.

2. Thân bài:

2.1. Quan niệm học văn.

– Họ cho rằng học văn dễ buồn ngủ không gây được hứng thú

– Người học thường thiên về năng khiếu nên những bạn không có năng khiếu sẽ không thể học và làm bài thi tốt đối với môn này.

=> Những quan niệm này là hoàn toàn sai lệch với khunh hướng đúng đắn của nó.

2.2. Những lợi ích của việc học văn.

– Học văn không nhất thiết là chỉ áp dụng và các kì thi quan trọng, mà nó còn chứng minh sự hiểu biết vốn từ của con người.

– Môn Ngữ văn không chỉ là môn “bồi dưỡng tâm hồn” mà quan trọng hơn là môn “công cụ” để học sinh có thể vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học ứng dụng vào trong cuộc sống và công việc.

2.3. Kinh nghiệm học văn.

– Cần xác định được mục tiêu mà mình học và tìm hiểu về môn văn.

– Nắm vững kiến thức trọng tâm và bạn cần khai thác kĩ kiến thức trong sách giáo khoa.

– Nắm vững được từng thời kì văn học, tác giả, phóng cách nghệ thuật và nội dung thơ. Tự bản thân hệ thống được kiến thức đã học và lập được sơ đồ tư duy cho môn học văn

– Cần rèn luyện được kĩ năng viết bài cho các dạng bài.

– Bạn tìm hiểu thật kĩ các kiểu văn nghị luận, bố cục, dàn ý bài văn nghị luận, các thao tác nghị luận, lập luận…

3. Kết bài:

– Mỗi người cần trang bị cho mình một kinh nghiệm quý báu khi học văn để có thể dễ dàng học tốt được.

II. Bài tham khảo

Văn chương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người từ xưa đến nay. Từ khi lọt lòng, ta đã nghe bà, nghe mẹ ầu ơ những câu ca dao, những câu chuyện cổ tích thần kì. Lớn hơn thì chúng ta đắm chìm trong những vần thơ, lời văn của những thi sĩ nổi danh Việt Nam cũng như thế giới. Bước ra ngoài cuộc sống, ta chạm ngõ tới văn chương trong giao tiếp, tức là lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đi đâu, văn chương cũng luôn gắn bó mật thiết với đời sống con người. Ấy vậy, mà ngày nay có không ít bạn trẻ đang tỏ ra thờ ơ, chán nản và dần từ bỏ môn ngữ văn. Vì vậy, mình muốn chia sẻ chút kinh nghiệm học văn mà mình đúc rút được.

Trước tiên, chúng ta cần nâng cao ý thức tự học. Đây là yếu tố tiên quyết cần thiết đối với môn ngữ văn nói riêng và tất cả các bộ môn học khác nói chung. Vậy tự học môn văn là tự học những gì? Trước hết, chúng ta cần tự học thông qua các nguồn kiến thức phong phú, tổng hợp khác nhau như sách giáo khoa, mạng xã hội,… Bạn cần khai thác kĩ trong sách giáo khoa. Bao giờ trong sách giáo khoa cũng có hai phần bạn nên chú ý, đó là mục Kết quả cần đạt và Ghi nhớ. Ở đây bạn sẽ xác định được kiến thức trọng tâm bạn cần học là gì. Về văn xuôi, chúng ta nhất định phải nắm đc diễn biến câu chuyện, cách kể và giọng điệu của nhà văn, nhân vật trung tâm và những chi tiết, sự kiện xoay quanh nhân vật trung tâm đó.Về thơ, cần phải nắm được cảm hứng chủ đạo của thơ, kết cấu cảm hứng của bài thơ, đoạn thơ, những chi tiết, hình ảnh mà nhà thơ sử dụng để bộc lộ cảm xúc. Về kịch, phải nắm được những mâu thuẫn, xung đột, các lời thoại quan trong... Từ các chi tiết nghệ thuật ấy, tìm ra tư tưởng và tình cảm mà nhà văn gửi gắm cũng như tài năng nghệ thuật của nhà văn.

Dựa vào đó bạn sẽ xây dựng kiến thức trọng tâm của bài học, kết hợp với phần giảng và cho ghi của thầy cô ở trên lớp để hoàn thiện. Khi đã xác định đầy đủ kiến thức cơ bản, sử dụng các câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa để tìm hiểu kiến thức, bạn tiến hành tìm hiểu các tài liệu bên ngoài. Sách tham khảo, internet là lựa chọn tiếp theo của bạn. Hiện nay có một thực trạng là có quá nhiều sách tham khảo, quá nhiều trang điện tử về môn văn, mà rất khó kiểm soát được. Để mua được những cuốn sách tốt, chúng ta nên nhờ thầy cô có uy tín giới thiệu. Khi đọc tài liệu tham khảo, chúng ta không nên "bê" nguyên một bài viết của người khác vào làm bài của mình. Những người cầm bút nên nhớ không bao giờ được Đạo Văn. Đọc sách tham khảo không phải chỉ để chép mà còn để xem cách thức làm bài, triển khai vấn đề ...

Thứ hai là chúng ta cần tự học trong kĩ năng viết bạn, có nghĩa là cần tích cực, chăm chỉ rèn luyện khả năng viết cho trôi chảy, màu sắc hơn. Nhiều người luôn cho rằng, việc viết văn là năng khiếu. Điều này đúng một phần, nhưng việc chăm chỉ luyện viết cũng góp phần nâng cao khả năng viết lách rất nhiều cho người học. Trước tiên là phải nắm được dạng đề, bởi một dạng đề có cách triển khai khác nhau. Hiện nay đa số các bạn sẽ học và thi ở dạng văn nghị luận, nên sẽ chú tâm vào dạng văn này. Bạn tìm hiểu thật kĩ các kiểu văn nghị luận, bố cục, dàn ý bài văn nghị luận, các thao tác nghị luận, lập luận… Sau đó, bạn tìm cách đọc những bài văn mẫu. Việc đọc văn mẫu giúp ích cho bạn rất nhiều trong cách triển khai, tổ chức bố cục, diễn đạt, hành văn trong bài viết. Tiếp tục là bạn phải tự mình tập viết những đoạn văn ngắn, những bài văn nhỏ. Khi mới tập không được viết cái gì quá lớn, quà dài sẽ dễ gây tâm lý chán nản. Khi tập bạn nên bắt đầu bằng những cái dễ, sau đó mới đến những cái khó. Chỉ cần dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để luyện tập, có lẽ không phải là điều quá khó với bất cứ ai. Vì vậy, đừng ngại ngần mà hãy bắt tay vào thực hiện luôn.

Ngoài ra, còn một yếu tố cũng quan trọng không kém việc tự học đó là cần chọn giáo viên sao cho phù hợp với bản thân người học. Nếu được thầy cô giỏi, tâm huyết giảng dạy và hướng dẫn, chúng ta sẽ vẫn thấy văn học hấp dẫn và thú vị hơn, hiểu vấn đề sâu sắc hơn.

Học văn không quá khó,nó hoàn toàn dựa vào sự chăm chỉ, nỗ lực và hứng thú của bạn với bộ môn này. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, khả năng hay ngại ngần một điều gì, hãy bắt tay vào học văn một các hiệu quả ngay lúc này để cải thiện khả năng học tập và giao tiếp của bản thân.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh

- Tìm hiểu kĩ đề bài để xác định rõ các yêu cầu về mục đích thuyết minh, nội dung thuyết minh.

- Cố gắng vận dụng những tri thức tích luỹ được qua việc học hỏi, tìm hiểu thực tế đời sống để tìm được:

+ Nội dung thuyết minh chuẩn xác, khoa học, khách quan và phong phú.

+ Cách thức thuyết minh thích hợp, giúp người đọc có những hiểu biết đúng đắn và cần thiết về sự vật (hiện tượng) được thuyết minh.

- Xây dựng bố cục sao cho nội dung thuyết minh được trình bày rõ ràng, khúc chiết.

- Chú ý để không mắc lỗi về diễn đạt, chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Lời văn cần rõ ý, trong sáng, mạch lạc, để người đọc tiếp thu được dễ dàng.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 10 hay, chi tiết khác:

Đại cáo bình Ngô – Phần hai: Tác phẩm

Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh

Tựa “Trích diễm thi tập”

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Trích “Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ hai)

Khái quát lịch sử tiếng Việt

  •  
1 628 lượt xem
Tải về