Soạn bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn Ngữ văn lớp 10 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn để chuẩn bị bài và soạn văn 10. Mời các bạn đón xem:

1 690 lượt xem
Tải về


Soạn bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - Ngữ văn 10

A. Soạn bài “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” ngắn gọn:

Phần đọc - hiểu văn bản

Câu 1 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

Qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước an dân, ta rút ra được những điều sau:

- Nên tùy thời thế mà có sách lược phù hợp, xem xét quyền biến vận dụng linh hoạt binh pháp chống giặc chứ không có khuôn mẫu nhất định.

- Điều cốt yếu để thắng giặc là đoàn kết toàn dân, vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức trên dưới một lòng.

- Vì vậy, phải khoan thư sức dân cụ thể là giảm thuế khóa, bớt hình phạt, không phiền nhiễu dân, chăm lo để dân có được đời sống sung túc lấy đó để làm kế sâu rễ bền gốc.

Câu 2 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

- Đối với lời cha dặn lúc sắp mất:“Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.Thật ra, Trần Quốc Tuấn đã có suy nghĩ và hành động riêng của mình. Ông ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải. Tuy vậy, ông vẫn hỏi để thử lòng hai người gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu và hai người con là Hưng Vũ Vương và Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng.

- Trước ý kiến của Yết Kiêu và Dã Tượng, Trần Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.

- Trước lời nói của Hưng Vũ Vương, ông ngầm cho là phải.

- Sau cùng, trước lời nói của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng ông rút gươm kể tội, định giết Quốc Tảng và sau này không muốn Quốc Tảng nhìn mặt ông lần cuối.

àTừ đó cho thấy Trần Quốc Tuấn đã đặt “trung” lên trên “hiếu”, nợ nước trên tình nhà. Ông một lòng trung nghĩa với vua với nước, chẳng chút tự tư tự lợi. Vị tướng có tài năng mưu lược này còn là một người có tình cảm chân thành, nồng nhiệt, thẳng thắn và đặc biệt là rất nghiêm trong giáo dục con cái.

Câu 3 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời: 

- Qua đoạn trích có thể thấy nổi bật lên những đặc điểm về nhân cách của Trần Quốc Tuấn.

+ Là một vị tướng anh hùng đầy “tài mưu lược”, “đời Trùng Hưng lập nên công nghiệp hiếm có”, “tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên”. Qua lời trình bày về kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn với vua cho thấy tầm nhìn sáng suốt, xa rộng của một vị tướng tài ba.

+ Trần Quốc Tuấn còn là người có đức độ lớn lao được triều đình rất mực trọng đãi, ông vẫn một lòng khiêm tốn kính cẩn giữ tiết làm tôi. Ông đề cao việc khoan thư sức dân vì thấu hiểu dân chính là gốc của nước. Đối với tướng sĩ dưới quyền, ông rất tận tình, dạy bảo, khích lệ, tiến cử nhân tài. Ông cũng cẩn trọng phòng xa trong việc hậu sự. Ngoài ra, trong tín ngưỡng của dân gian, sau khi mất, ông vẫn còn linh hiển phò trợ dân chông lại dịch bệnh, nạn tai.

- Tác giả xây dựng nhân vật này trong nhiều mối quan hệ và đặt trong những tình huống có thử thách, nhờ đó đã làm nổi bật lên những phẩm chất cao quý về nhiều mặt. Các mối quan hệ đó là:

+ Quan hệ đối với nước: sẵn sàng vì nước quên thân

+ Quan hệ đối với vua: tận tâm, tận tụy.

+ Quan hệ đối với dân: lo lắng, phò trợ

+ Quan hệ đối với tướng sĩ thuộc hạ: tận tâm dạy bảo, tiến cử nhân tài.

+ Quan hệ đối với con cái: nghiêm khắc.

+ Quan hệ đối với bản thân: khiêm tốn, giữ đạo trung nghĩa một lòng.

- Các tình huống có thử thách đó là: tình huống mâu thuẫn giữa trung và hiếu, tình huống giặc mạnh kéo sang, nhà vua thử lòng.

Câu 4 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

Nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích:

- Lời kể theo lối đảo ngược thời gian

- Cách kể chuyện ngắn gọn, cô đọng, tự nhiên và hấp dẫn, giải quyết được các vấn đề lịch sử.

- Song song với kể, tác giả còn xen vào những nhận xét khéo léo để định hướng cho người đọc

Nghệ thuật kể chuyện điêu luyện, mang đến hiệu quả cao. Đồng thời giúp người đọc tiếp nhận một cách hứng thú những gì mà nhà viết sử muốn truyền tải.

Câu 5 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

Đáp án B và C

Phần luyện tập

Câu 1 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là người anh hùng dân tộc mang vẻ đẹp nhân cách, tài lược vĩ đạị, bất tử. Sinh thời, vua đã nhiều lần hỏi ông về kế sách giữ nước, ông sáng suốt đưa ra kế sách của mình, thà chết chứ không đầu hàng kẻ thù. Khi Thánh Tông vờ bảo ông: "Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi", ông không chần chừ đáp ngay: "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng". Ông là người hiến kế cho vua, trực tiếp cầm quân hai lần đánh bại giặc Nguyên. Trần Quốc Tuấn là người chính trực, công tư phân minh, ông vì nghĩa lớn, vì lợi ích quốc gia mà bỏ qua lợi ích gia tộc, lợi ích cá nhân. Ông còn thẳng thừng rút kiếm kề lên cổ người con trai thứ vì ý nghĩ nghịch loạn, bất hiếu, đồng thời hết mực cảm phục tấm lòng của hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu khi đem lời cha là An Sinh Vương dặn đi hỏi ý kiến họ. Vì cảm phục tài năng đức độ của bề tôi, nhà vua phong ông là Thượng quốc công, cho ông quyền phong tước cho kẻ khác nhưng ông luôn kính cẩn giữ tiết làm tôi, không một lần lạm dụng quyền hành ấy. Quốc Tuấn cũng đã từng soạn nhiều cuốn sách quý giá để dạy đạo trung, khích lệ các binh tướng. Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.

Câu 2 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

Học sinh sưu tầm những tài liệu về Trần Quốc Tuấn.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn”

I. Tác giả

a. Cuộc đời

- Ngô Sĩ Liên (? - ?)

- Quê quán: làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay là thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

- Ông là người đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và có công lớn trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư – bộ quốc sử chính thống cũ nhất của Việt Nam mà còn được lưu truyền tới ngày nay.

Soạn bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hay, ngắn gọn (ảnh 1)

b. Sự nghiệp văn học

- Tác phẩm tiêu biểu:

Đóng góp to lớn mà Ngô Sĩ Liên còn để lại cho đời sau chính là bộ Đại Việt sử ký toàn thư mà ông đã biên soạn theo lệnh nhà vua, được hoàn tất biên soạn vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479) đời Lê Thánh Tông. Bộ sử gồm 15 quyển, chia thành hai phần:

+ Phần một (ngoại kỷ), gồm 5 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời Bắc thuộc (năm 938).

+ Phần hai (bản kỷ) gồm 10 quyển, chép từ thời Ngô Quyền dựng nước (năm 938) đến khi vua Lê Lợi lên ngôi (Lê Thái Tổ) vào năm 1428.

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ: trích “Đại Việt sử kí toàn thư” là bộ chính sử lớn của Việt Nam thời trung đại do Ngô Sĩ Liên biên soạn, hoàn tất năm 1479, gồm 15 quyển, ghi chép lịch sử từ thời Hồng Bàng cho đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428)

2. Thể loại:

3. Bố cục:

-Phần 1 (từ đầu đến “thượng sách giữ nước vậy”): Lời khuyên vua Trần về kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn.

-Phần 2 (tiếp đó đến “Quốc Tảng vào viếng”): Trần Quốc Tuấn với lời trăng trối của cha, trong câu chuyện với gia nô và hai con trai.

-Phần 3 (còn lại): Những công tích lớn Trần Quốc Tuấn.

4. Tóm tắt

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sinh thời nhiều lần đưa ra kế sách đánh giặc, giữ nước giúp vua. Là một vị tướng lĩnh tài ba, là anh hùng dân tộc với nhiều phẩm chất đẹp đẽ. Trần Quốc Tuấn đã trực tiếp cầm quân hai lần đánh bại giặc Nguyên. Trần Quốc Tuấn là người chính trực, công tư phân minh, ông vì nghĩa lớn, vì lợi ích quốc gia mà bỏ qua lợi ích gia tộc, lợi ích cá nhân. Vì cảm phục tài năng đức độ của bề tôi, nhà vua phong ông là Thượng quốc công, cho ông quyền phong tước cho kẻ khác nhưng ông luôn kính cẩn giữ tiết làm tôi, không một lần lạm dụng quyền hành ấy. Quốc Tuấn cũng đã từng soạn nhiều cuốn sách quý giá để dạy đạo trung, khích lệ các binh tướng. Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Đoạn trích kể về những câu chuyện xảy ra trong cuộc đời nhân vật này.

Soạn bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hay, ngắn gọn (ảnh 1)

5. Giá trị nội dung:

Qua đoạn trích giúp chúng ta thêm cảm phục và tự hào về tài năng, đức độ của người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, đồng thời hiểu được những bài học đạo lí quý báu mà ông để lại cho đời sau

6. Giá trị nghệ thuật:

-Khắc hoạ chân dung nhân vật

-Cách kể chuyện linh hoạt, chi tiết chọn lọc.

Bài giảng Ngữ văn 10 Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 10 hay, chi tiết khác:

Thái sư Trần Thủ Độ

Phương pháp thuyết minh

Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh

  •  
1 690 lượt xem
Tải về