Soạn bài Tổng kết phần văn học hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Tổng kết phần văn học Ngữ văn lớp 10 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Tổng kết phần văn học để chuẩn bị bài và soạn văn 10. Mời các bạn đón xem:

1 638 21/02/2022
Tải về


Soạn bài Tổng kết phần văn học - Ngữ văn 10

A. Soạn bài Tổng két phần văn học ngắn gọn:

Câu 1 (trang 146 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

Văn học Việt Nam gồm hai bộ phận lớn: văn học dân gian và văn học viết. Hai bộ phận văn học này đều mang những đặc điểm truyền thống của văn học Việt Nam: tinh thần yêu nước chống xâm lược, tinh thần nhân văn, đề cao đạo lí, nhân nghĩa. Tuy nhiên, văn học dân gian và văn học viết lại có những đặc trưng riêng.

Câu 2 (trang 146 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

Về bộ phận văn học dân gian, có trọng tâm kiến thức:

- Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.

- Hệ thống thể loại văn học dân gian Việt Nam.

- Những giá trị của văn học Việt Nam.

a.

- Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian là:

+ Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (tính truyền miệng).

+ Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể).

- Văn học dân gian bao gồm những thể loại: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.

- Những đặc trưng chủ yếu nhất của từng thể loại:

+ Thần thoại: tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hóa của con người thời cổ đại.

+ Sử thi: tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.

+ Truyền thuyết: Thường kể về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo.

+ Cổ tích: Thường có yếu tố hoang đường. Thể hiện ước mơ niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

+ Ngụ ngôn: Là truyện kể có ngụ ý (tức là truyện không chỉ có nghĩa đen mà còn có nghĩa bóng mới là mục đích)

+ Truyện cười: thường ngắn, nhưng dù ngắn truyện vẫn có kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ để có thể gây cười.

+ Tục ngữ: câu nói ngắn gọn, hàm súc, phần lớn có hình ảnh, vần, nhịp, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, thường được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của nhân dân.

+ Câu đố: bài văn vần hoặc câu nói thường có vần, mô tả vật đố bằng ẩn dụ hoặc những hình ảnh, hình tượng khác lạ để người nghe tìm lời giải, nhằm mục đích giải trí, rèn luyện tư duy và cung cấp những tri thức về đời sống.

+ Ca dao: tác phẩm thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.

+ Vè: tác phẩm tự sự dân gian bằng văn vần, có lối kể mộc mạc, phần lớn nói về các sự việc, sự kiện của làng, của nước mang tính thời sự.

+ Truyện thơ: tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và sự công bằng xã hội.

+ Chèo: tác phẩm kịch hát dân gian, kết hợp các yếu tố trữ tình và trào lộng để ca ngợi những tấm gương đạo đức và phê phán, đả kích cái xấu trong xã hội.

b. Chọn phân tích một số tác phẩm (hoặc đoạn trích tác phẩm văn học dân gian đã học để làm nổi bật đặc điểm nội dung và nghệ thuật của sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện thơ, truyện cười, ca dao, tục ngữ.

c. Kể lại một số truyện dân gian, đọc thuộc một số câu ca dao, tục ngữ mà anh chị thích:

- Kể lại Bánh chưng bánh giầy: Hùng Vương thứ sáu muốn truyền ngôi cho một trong số những người con trai nên đã đưa ra điều kiện: “Không nhất định phải là con trưởng, chỉ cần làm vừa ý vua trong lễ Tiên vương sẽ được truyền ngôi cho”. Các hoàng tử thi nhau chuẩn bị mọi của ngon vật lạ đem lên dâng vua, riêng Lang Liêu chỉ quen với việc “chăm lo đồng áng, trồng khoai trồng lúa” nên không biết phải chuẩn bị lễ vật gì. Một đêm nọ, Lang Liêu nằm mơ được thần báo mộng: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo”. Chàng bèn lấy thứ gạo nếp vốn quen thuộc, làm ra hai loại bánh hình vuông hình tròn để dâng lên vua cha. Bánh hình vuông tượng trưng cho Trời đặt tên là bánh chưng, còn bánh hình tròn tượng trưng cho Đất đặt tên là bánh giầy. Vua rất vừa ý và quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu. Ngày nay, bánh chưng bánh giầy là hai món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

- Một số câu ca dao, tục ngữ:

“Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”

*

“Anh em nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

Yêu nhau như thể tay chân,

Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy”

(Ca dao)

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

*

Uống nước nhớ nguồn

*

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ…

(Tục ngữ)

Câu 3 (trang 147 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

 Văn học viết Việt Nam gồm: văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại) và văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay (văn học hiện đại).

a. Những nội dung lớn của văn học Việt Nam trong quá trình phát triển: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo và cảm hứng thế sự.

b. Văn học viết Việt Nam phát triển trong sự ảnh hưởng qua lại với các yếu tố truyền thống dân tộc, tiếp biến văn học nước ngoài như thế nào? Nêu một số hiện tượng văn học tiêu biểu để chứng minh?

- Văn học viết được xây dựng trên nền tảng của văn học dân gian: Truyện Kiều được sáng tác theo thể thơ lục bát (thể thơ truyền thống của dân tộc), Truyền kì mạn lục mang nhiều yếu tố kì ảo của truyền thuyết...

- Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn học Trung Hoa: các tác phẩm thơ được sáng tác theo thể thơ Đường luật của Trung Quốc,

- Chuyển sang thời kỳ hiện đại văn học còn chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây: phong trào thơ Mới với sự xuất hiện của “cái tôi tuyệt đối”.

c. Sự khác nhau giữa văn học trung đại và văn học hiện đại:

- Về ngôn ngữ:

+ Văn học trung đại: sáng tác bằng chữ Hán, nhiều điển cố điển tích, theo lối ước lệ, tượng trưng, thường xuyên sử dụng lối văn biền ngẫu trong diễn đạt.

+ Văn học hiện đại: sáng tác bằng chữ quốc ngữ, lối diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh.

- Về hệ thống thể loại:

+ Văn học trung đại: thể loại trong văn học Hán như thơ Đường luật, tiểu thuyết chương hồi, cáo, hịch…; ngoài ra còn có một số thể thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn xen lục ngôn...

+ Văn học hiện đại: các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, ký, phóng sự, tuỳ bút ra đời và chiếm ưu thế…

Câu 4 (trang 147 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

a.

- Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX bao gồm những thành phần: văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm.

- Các giai đoạn phát triển:

+ Từ TK X đến hết TK XIV

+ Từ TK XV đến hết TK XVII

+ Từ TK XVIII đến nửa đầu TK XIX

+ Nửa cuối TK XIX

- Đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam:

+ Nội dung: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, cảm hứng thế sự.

+ Nghệ thuật: Tính quy phạm (và sự phá vỡ tính quy phạm); khuynh hướng trang nhã (và xu hướng bình dị); tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài.

b.

* Các thể loại văn học trung đại đã học: thơ (Đường luật, thơ Nôm), phú, cáo, chiếu, hịch, tựa, sử ký, truyền kỳ, truyện thơ.

* Đặc điểm của các thể loại:

- Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh. Chiếu có thể được viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi, được công bố trước nhân dân một cách trang trọng.

- Cáo là thể văn nghị luận cổ, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố kết quả của một sự nghiệp để mọi người cùng biết.

- Phú là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi, dùng để tả cảnh vật, phong tục, kể sự việc, bàn chuyện đời…

- Thơ Đường luật là loại thơ chữ Hán, có nguồn gốc (thịnh hành) từ thời nhà Đường.

- Ngâm khúc là loại thơ dài (gần giống trường ca ngày nay), có cốt truyện nhưng không thành truyện, nên không phải là truyện thơ, dùng để thể hiện một nỗi niềm tâm sự nào đấy của tác giả, thông qua một hình tượng văn học.

- Hát nói là một thể loại dùng trong sân khấu (như chèo), được diễn xuất bằng cách đọc (nói) có nhạc điệu, ngữ điệu nhưng không phải ngâm hay hát.

c. Những tác gia, tác phẩm văn học tiêu biểu:

STT

Tác giả

Tác phẩm

Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật

1

Phạm Ngũ Lão

Thuật hoài

Khát vọng lập công danh trả nợ.

2

Nguyễn Trãi

Cảnh ngày hè

Miêu tả bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè.

3

Nguyễn Trãi

Bình Ngô đại cáo

Tố cáo tội ác kẻ thù xâm lược, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

4

Trương Hán Siêu

Phú sông Bạch Đằng

Ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam.

5

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nhàn

Thể hiện thú nhàn, quan niệm sống của người ẩn sĩ.

6

Nguyễn Du

Độc Tiểu Thanh Kí

Nỗi đau trước số phận kẻ tài hoa bị vùi dập.

7

Nguyễn Du

Truyện Kiều

Bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo cũng như là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người.

8

Nguyễn Dữ

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Thể hiện niềm tin vào công lý, chính nghĩa.

9

Đặc Trần Côn

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Nỗi cô đơn, buồn khổ ở người chinh phụ khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

 

Câu 5 (trang 147, 148 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

a. Nội dung yêu nước:

- Ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, tự tôn dân tộc.

- Lòng căm thù giặc, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

- Niềm tự hào trước chiến công thời đại, trước truyền thông lịch sử.

- Ca ngợi và ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh vì đất nước.

- Tình yêu thiên nhiên, đất nước.

b. Nội dung chủ nghĩa nhân đạo:

- Lòng thương cảm đối với số phận con người.

- Lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo, chà đạp lên con người.

- Khẳng định, đề cao con người trên các mặt: phẩm chất, tài năng, khái vọng chân chính...

- Đề cao quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.

Câu 6 (trang 148, 149 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

a.

- Về đề tài:

+ Đăm Săn: Chiến tranh mở rộng bộ lạc, bộ tộc.

+ Ô-đi-xê: Ngày hội ngộ sau hai mươi năm xa cách do chiến tranh và lưu lac.

+ Ra-ma-ya-na: Danh dự và tình yêu.

- Về chủ đề

+ Đăm Săn: Ca ngợi người tù trưởng anh hùng.

+ Ô-đi-xê: Ca ngợi sự thông minh, lòng chung thuỷ.

+ Ra-ma-ya-na: Đề cao danh dự con người.

- Về đặc điểm hình tượng:

+ Đăm Săn: Người anh hùng có sức mạnh phi thường.

+ Ô-đi-xê: Nhân vật có mâu thuẫn nội tâm, nhưng nổi bật là lòng chung thuỷ và sự thông minh.

+ Ra-ma-ya-na: Nhân vật có vẻ đẹp rực rỡ vì lòng tự trọng.

- Vai trò của yếu tố kì ảo:

+ Đăm Săn: Có yếu tố thần linh (ông trời) phù trợ.

+ Ô-đi-xê: Có thần linh nhưng không xuất hiện trực tiếp.

+ Ra-ma-ya-na: Thần lửa phù trợ

b.

- Đặc sắc của thơ Đường:

+ Nội dung: hai đề tài chính là thiên nhiên và thế sự. Từ đó bộc lộ tư tưởng nhân đạo, sự ưu thời mẫn thế, tư tưởng trung quân ái quốc, cùng những tấm lòng vì nước vì dân, ...

+ Nghệ thuật: quy định nghiêm ngặt về niêm, luật; nghệ thuật đối đã được đẩy lên mức độ cao nhất; thi pháp thơ Đường cũng đạt đến trình độ phát triển rất cao.

- Đặc sắc của thơ hai-cư:

Hình thức:

+ Thơ hai-cư là một thể loại thơ độc đáo của Nhật Bản.

+ Thơ hai-cư có số từ vào loại ít nhất so với các thể thơ khác, chỉ có 17 âm tiết (hoặc hơn một chút), được ngắt ra làm 3 đoạn theo thứ tự thường là 5 - 7 - 5 âm tiết.

+ Mỗi bài thơ đều có một tứ thơ nhất định, thường chỉ ghi lại một phong cảnh với vài sự vật cụ thể, trong một thời điểm nhất định để từ đó khơi gợi cảm xúc, suy tư nào đó.

+ Về ngôn ngữ, thơ hai-cư không dùng nhiều tính từ và trạng từ để cụ thể hóa sự vật, chủ yếu chỉ sự dùng những nét chấm phá, gợi chứ không tả, chứa nhiều trí tưởng tượng cho người đọc.

Nội dung: 

+ Thấm đẫm tinh thần Thiền tông và tinh thần văn hóa phương Đông nói chung.

+ Hai-cư thường thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người và vạn vật nằm trong mối quan hệ khăng khít với một cái nhìn nhất thể hóa.

+ Thơ hai-cư có luật cơ bản là không đả động đến cảm xúc mà chủ yếu chỉ ghi lại sự việc xảy ra trước mắt.

c. Qua đoạn trích từ “Tam quốc diễn nghĩa”, nêu nhận xét về lối kể chuyện và khắc hoạ tính cách nhân vật của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc.

- Nghệ thuật kể chuyện: hấp dẫn, giàu kịch tính.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tam quốc diễn nghĩa cũng mang đậm tính cổ điển. Tính cách các nhân vật thường được đẩy tới những thái cực, với các mặt tương phản rõ rệt.

Câu 7 (trang 149 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Trả lời:

a. Những tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học:

- Văn bản văn học (truyện cổ tích, bài thơ, cuốn tiểu thuyết, thiên bút kí, vở kịch…) là những văn bản đi sâu phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.

- Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, có hình tượng, có tính thẩm mĩ cao.

- Văn bản văn học được xây dựng theo một phương thức riêng - nói cụ thể hơn là mỗi văn bản văn học đều thuộc một thể loại nhất định, và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó.

b. Những tầng cấu trúc của văn bản văn học:

- Tầng ngôn từ - từ ngữ âm đến ngữ nghĩa

- Tầng hình tượng

- Tầng hàm nghĩa

c. Những khái niệm thuộc về Các thao tác nghị luận:

- Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

Ví dụ: Đề tài của “Tắt đèn” là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam.

- Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

Ví dụ: Chủ đề của “Tắt đèn” là sự mâu thuẫn giữa nông dân và bọn cường hào quan lại trong nông thôn Việt Nam.

- Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc.

Ví dụ: Tư tưởng của “Tắt đèn” là lòng căm phẫn, sự tố cáo bọn hào lý quan lại ở nông thôn cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp.

- Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc.

Ví dụ: Cảm hứng trong “Tắt đèn” là lòng căm phẫn từ đó tố cáo bọn hài lý quan lại ở nông thôn cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp.

- Ngôn từ là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học. Các chi tiết, sự việc, hình tượng, nhân vật… và các thành tố khác được tạo nên nhờ lớp ngôn từ.

- Kết cấu là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa.

- Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức văn bản thích hợp với nội dung văn bản.

d. Nội dung và hình thức có quan hệ với nhau:

Nội dung và hình thức của một văn bản văn học là hai mặt không thể chia tách. Nội dung chỉ có thể tồn tại trong một hình thứ nhất định. Và bất kỳ hình thức nào cũng mang một nội dung…

Ví dụ: Ngôn từ (hình thức) góp phần xây dựng nên nội dung chính của tác phẩm văn học.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Tổng kết phần văn học :

1. Văn học dân gian và Văn học viết

Tiêu chí

Văn học dân gian

Văn học viết

 

Giống

- Đều là do con người hoạt động trí óc sáng tạo nên

- Lấy tư liệu từ cuộc sống, và mang những nội dung cụ thể nhất định

- Nội dung đều phản ánh thực trạng xã hội và mong ước của con người

- Thể loại có thể là văn xuôi hoặc thơ..

 

 

 

 

Khác

Tác giả

1 tập thể sáng tác, không có tác giả cụ thể

1 tác giả cụ thể tạo nên

Các thức lưu truyền

Truyền miệng

Dưới dạng văn bản

Tính dị bản

Có tính dị bản

Không có tính dị bản

Phong cách tác giả

mang phong cách đại chúng và mang nét đặc trưng vùng miền

mang phong cách đặc trưng, chủ quan của cá nhân tác giả

Tính bác học

Không

2. Văn học trung đại và văn học hiện đại

Tiêu chí

Văn học Trung đại

Văn học Hiện đại

Ngôn ngữ

Dùng chữ Hán: sử dụng điển cố, điển tích, từ ngữtheo nghĩa ước lệ, tượng trưng, lối văn biến ngẫu

Xoá bỏ lối viết, lối dùng từ câu nệ chữ nghĩa, không hoặc ít dẫn điển cố, điển tích, không lạm dụng từ Hán - Việt (dùng nhiều từ thuần Việt hơn), bỏ dần lỗi diễn đạt theo ngữ pháp Hán; lối viết ước lệ, tượng trưng, câu văn biến ngẫu, ...

Thể loại

- Lấy các thể loại trong văn học Hán làm cơ bản, thơ Đường luật, tiểu thuyết chương hồi, cáo, hịch,...

- Cũng có một số thể thơ đặc trưng của dân tộc như thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn xen lục ngôn,...

- Thơ tự do

- Tiểu thuyết hiện đại phương Tây

- Văn xuôi hiện đại: truyện ngắn, kí, phóng sự, tùy bút...

 

3. Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu

STT

 

Tên tác giả

 

Tên tác phẩm

Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật

Nội dung

Nghệ thuật

 

1

 

Phạm Ngũ Lão

 

Thuật Hoài

Khát vọng lập công vì nước, trả nợ nam nhi

- Xây dựng hình tượng nhân vật nam nhi trong không gian rộng lớn của vũ trụ

- Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng

2

Nguyễn Trãi

Cảnh ngày hè

Miêu tả cảnh ngày hè để ca ngợi cuộc sống thịnh trị, thái bình

- Hệ thống từ ngữ sinh động, giàu sức gợi

- Nhịp điệu, tiết tấu giàu sức gợi tả

3

 

Bình Ngô đại cáo

Thay mặt Lê Lợi tuyên bố đại thắng quân Minh, áng “thiên cổ hùng văn”

- Sử dụng lối văn biền ngẫu đặc trưng của văn học trung đại

- Ngôn ngữ giàu hình tượng

4

Trương Hán Siêu

Phú sông Bạc Đằng

Hoài niệm về lịch sử oanh liệt; tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc

- Thủ pháp liệt kê trùng điệp

- Hình ảnh chọn lọc

- Sử dụng điển tích, điển cố

5

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nhàn

Quan niệm sống nhàn ẩn dật giữ cốt cách thanh cao vượt lên trên danh lợi

- Hình ảnh đa nghĩa, giàu sức gợi

- Bút pháp đối lập

6

Nguyễn Du

Độc Tiểu Thanh kí

Nỗi đau trước số phận của con người tài ha nhưng bạc mệnh

Ngôn từ hàm súc; hình ảnh giàu sức gợi

7

Nguyễn Du

Truyện Kiều (trích)

Nỗi đau khi chứng kiến nhân phẩm của con người bị chà đạp, khinh rẻ

Thể thơ lục bát giàu sức gợi; ngôn ngữ biến đổi linh hoạt; miêu tả độc thoại nội tâm nhân vật...

8

Hoàng Đức Lương

Trích diễm thi tập tự

Nêu cao tư tưởng độc lập dân tộc về văn hóa, văn học

Lập luận chặt chẽ, lời lẽ thiết tha

9

Ngô Sĩ Liên

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

(Trích Đại sử Việt kí toàn thư)

Khắc họa đậm nét hình ảnh Trần Quốc Tuấn với nhân cách vĩ đại, bất tử trong lòng dân tộc

- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn

- Chi tiết chọn lọc đầy xúc động

10

Nguyễn Dữ

Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên

Đề cao tinh thần khảng khái, cương trực đấu tranh với cái ác của người trí thức nước Việt Ngô Tử Văn

Thể hiện niềm tin vào công lí, chính nghĩa

- Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn

- Xây dựng nhân vật sắc nét

- Tình tiết và diễn biến truyện giàu kịch tính

11

Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

(Trích Chinh phụ ngâm)

Những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phu khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi

- Ngôn ngữ giàu tính nhạc

- Sử dụng nhiều từ láy, hình ảnh thơ đặc sắc

 

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 10 hay, chi tiết khác:

Phú sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang phú)

Đại cáo bình Ngô – Phần một: Tác giả

Viết bài văn số 4: Văn thuyết minh

Đại cáo bình Ngô – Phần hai: Tác phẩm

Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh

  •  
1 638 21/02/2022
Tải về