Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp) hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp) Ngữ văn lớp 7 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp) để chuẩn bị bài và soạn văn 7. Mời các bạn đón xem:

1 593 15/02/2022
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp) - Ngữ văn 7

A. Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp) ngắn gọn:

* Đề văn tham khảo:

Đề 1: Ít lâu nay, một số bạn trong lớp em có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn để thuyết phục bạn: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích!

Đề 2: Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Đề 3: Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Em hãy viết một bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.

Đề 4: Hãy chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống.

Đề 5: Hãy trình bày nổi bật lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ.

* Dàn ý và bài mẫu tham khảo

*Đề 1:

* Dàn ý:

1. Mở bài:

- Dẫn dắt để giới thiệu được tình hình của lớp (có nhiều bạn lơ là học tập)

- Đưa ra chân lí: Nêu khi trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

2. Thân bài:

- Kể lại tình hình của lớp thời gian qua (tưởng tượng về chuyện có nhiều bạn lơ là học tập, say mê vào các trò chơi như: điện tử, cờ bạc, chat…)

- Chứng minh cho các bạn thấy: Nếu không chịu khó học tập từ khi còn trẻ, thì sẽ có nhiều cái hại:

+ Sẽ không có thời gian để bổ sung kiến thức

+ Không có kiến thức để làm việc sau này

+ Bị tụt hậu so với sự phát triển của xã hội nói chung

3. Kết bài:

- Khẳng định lại chân lí vừa nêu. Động viên các bạn tập trung việc học.

* Bài mẫu

Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, muốn xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh thì cần có một đội ngũ nhân lực thực sự mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển được. Để có được điều đó mỗi học sinh chúng ta ngay từ bây giờ phải có thái độ học tập thật nghiêm túc, chăm chỉ chịu khó học tập để xây dựng cho mình vốn kiến thức và kinh nghiệm sống để sau này trở thành những con người có ích cho xã hội.

Học ở đây là con đường tiếp thu, lĩnh hội tri thức. Đây là quá trình lâu dài giúp mỗi con người có thể chiếm lĩnh được tri thức vô tận của thế giới. Học cho bản thân và học cho sự phát triển của xã hội. Học tập từ xưa đến nay luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển con người. Nó là chìa khóa vạn năng, là cánh cửa rộng mở cho tương lai, giúp con người làm giàu cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Học không chỉ có vai trò quan trọng với bản thân mỗi con người, mà còn có vai trò nhất định đối với xã hội. Học tập chính là động lực để xã hội lớn mạnh, ngày càng phát triển, tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là con đường nhanh nhất đưa nước ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã khẳng định.

Walt Disney, ông trùm của hãng hoạt hình Walt Disney, là người sáng lập nên hãng phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới đã khơi nguồn cảm hứng cho hàng triệu triệu người trên thế giới. Gặp phải nhiều thất bại trong cuộc sống, tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả và vấp phải khá nhiều những thất bại trong cuộc sống. Tuy vậy, ông vẫn học tập không ngừng và vươn lên để đạt được thành công vang dội như hiện tại. Abraham Lincoln là tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Ông chính là tấm gương sáng của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ. Dù xuất thân trong gia đình nghèo khó, thiếu thốn nhưng ông luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng. Ông gặp phải nhiều thất bại nhưng sau đó, ông đều coi đó là động lực để tiếp tục con đường học tập, trải nghiệm để gặt hái thêm nhiều thành công khác. Hay như Thomas Edison được biết đến là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, làm thay đổi cuộc sống của cả nhân loại. Thời gian khi còn đi học, các thầy cô đều cho rằng ông "quá ngu ngốc để không thể học bất cứ thứ gì". Vậy nhưng chính Edison đã cố gắng để chứng minh cho họ biết họ đã sai. Ông làm thí nghiệm đến 10.000 lần, và đều thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn điện, mang đến cuộc cải cách cho lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, từ xa xưa, tinh thần hiếu học của cha ông ta đã được minh chứng rất rõ qua các tấm gương sáng về học tập. Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát đều là những con người hiếu học. Tấm gương tiêu biểu nhất có thể kể đến là chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người dành trọn cả đời để học tập và rèn luyện, phấn đấu không ngừng…

Con đường học tập có rất nhiều những hình thức khác nhau. Bạn có thể học ở trường phổ thông, học nghề, học để nâng cao chuyên môn… Bạn có thể học ở nhà trường, học trên sách vở, báo đài, học ngoài thực tế hay học ở bạn bè… Học không chỉ là điều kiện cần và đủ để được bằng cấp, để có việc làm mà học để không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình về mọi mặt, từ kiến thức, kĩ năng đến thái độ. Hãy đưa ra một giả thuyết, nếu bạn không học, bạn không thể sửa một chiếc quạt khi hỏng, bạn cũng không thể lắp một chiếc xe đạp đầy đủ phụ tùng. Chính vì thế, học để đem lại kiến thức lý thuyết cho bản thân cũng như đem lại những kĩ năng để vận dụng thực hành cho cuộc sống.

Vậy nên nếu chúng ta không chăm chỉ học tập ngay từ bây giờ thì rất có thể sau này dễ bị nghèo nàn, lạc hậu, cá nhân bất tài vô dụng, không biết lý lẽ, phân biệt đúng sai, dễ bị cám dỗ… Học sinh chúng ta hôm nay ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy nỗ lực phấn đấu trong học tập, quyết tâm học thật giỏi và rèn luyện tính cần cù, chăm chỉ trong việc học để sau này chúng ta sẽ thành công trong công việc sau này, có một cuộc sống ổn định.

* Đề 2:

* Dàn ý:

1. Mở Bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

- Sự sống con người gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên.

- Thiên nhiên, môi trường và con người gắn bó lẫn nhau (tích cực và tiêu cực)

2. Thân Bài

- Nêu vắn tắt khái niệm về môi trường

- Chứng minh việc phá rừng là tổ hại rất lớn đối với đời sống của con người (mất nguồn lâm sản quý, mất cân bằng sinh thái, gây lũ lụt...)

- Chứng minh việc ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng ko nhỏ tới con người và xã hội (không có nước sạch, không có không khí trong lành, thực vật héo khô...)

- Liên hệ tới việc bảo vệ rừng, môi trường ở địa phương

- Trách nhiệm và bổn phận của con người trước nguy cơ môi trường, thiên nhiên bị xâm hại

3. Kết Bài

- Khẳng định lại việc phá rừng là tổn hại rất lớn

- Khuyến khích, vận động mọi người bảo vệ rừng, môi trường chính là bảo vệ bản thân mình.

* Bài mẫu:

Rừng được ví như lá phổi xanh của con người. Chính vì vậy, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Rừng là nơi cây xanh phát triển. Như ta đã biết, cây xanh khi quang hợp sẽ tiếp nhận khí các-bo-níc và thải ra khí ô-xi – rất cần thiết cho quá trình hô hấp của con người nói riêng và nhiều loài động vật trên thế giới nói chung. Nhờ cây xanh mà bầu không khí trở nên trong lành, giảm thiểu những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, … góp phần phòng chống thiên tai, bão lũ vốn gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Không những thế, rừng còn được trồng vì mục đích phát triển kinh tế. Rừng là nguồn cung cấp gỗ cho các nhà máy sản xuất đồ nội thất, làm giấy,… Rừng cũng là nơi cư trú của nhiều loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng: hổ, khỉ, hươu, … Nhờ có rừng, hệ sinh thái được cân bằng.

Tuy nhiên, dù vai trò quan trọng của rừng nhưng nạn khai thác rừng vẫn diễn ra từng ngày. Chỉ vì cái lợi trước mắt, họ bỏ qua những lợi ích lâu dài mà rừng đem lại. Rừng đầu nguồn bị chặt phá làm cho lũ lụt xảy ra triền miên, làm xói mòn đất đai, nhiều người mất của cải và thậm chí là thiệt mạng. Nhiều cây quý hiếm trong rừng bị chặt phá khiến cho nhiều loài động vật bị mất đi nơi trú ngụ của mình. Nạn đốt rừng làm nương rẫy cũng làm cho diện tích rừng suy giảm nghiêm trọng.

Để bảo vệ rừng, chúng ta cần có những hành động thiết thực ngay từ bây giờ. Cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng. Những vùng thường hay xảy ra thiên tai, bão lũ cần trồng rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tích cực trồng cây phủ xanh đồi trọc. Đối với nạn phá rừng, Nhà nước cần có những chính sách chặt chẽ cũng như biện pháp xử lí nghiêm minh nhằm răn đe mọi người. Bảo vệ rừng không phải là vấn đề của riêng ai. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức bảo vệ rừng!

* Đề 3:

* Dàn ý:

I. Mở bài: giới thiệu câu tục ngữ “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

II. Thân bài

1. Giải thích câu tục ngữ “ Gần mực thì đen, gần dèn thì sáng”

a. Nghĩa đen

- Mực: là một loại mực mà người xưa thường dùng để viết, để sử dụng được mực này phải rất khó khăn. Mực này màu đen và dễ bị dính bẩn, nên thường dùng rất khó khăn.

- Đèn: là một vật dụng được thắp sáng trong gia đình, đây là một dụng cụ rất hữu ích.

b. Nghĩa bóng

- Mực: lấy hình ảnh của mực đen, thể hiện cho những điều xấu xa, tiêu cực và sai trái trong cuộc sống.

- Đèn: đèn là hình ảnh sáng thể hiện cho sự trong sáng, tượng trưng cho những điều tốt lành, tích cực

2. Bình luận câu tục ngữ : Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

- Hoàn cảnh sống quyết định mỗi con người, hoàn cảnh tốt thì cn người tốt, yêu thương chan hòa

- Hoàn cảnh khó khăn thì gây nên những con người xấu xa

- Khi chơi với bạn tốt thì sẽ tốt

- Khi chơi với bạn xấu thì sẽ xấu

- Câu tục ngữ là một lời dạy hết sức ý nghĩa và đúng đắn

- Nên học tập và làm theo câu tục ngữ

3. Ý nghĩa của câu tục ngữ “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

- Đối với gia đình

+ Gia đình hạnh phúc ấm no thì con gái ngoan hiền, lễ phép và học giỏi

+ Gia đình bất hòa thì con cái sẽ vô lễ, hư hỏng

- Đối với xã hội

+ Khi tiếp xúc và giao du với bạn xấu sẽ học những thói hư tật xấu và trở nên hư hỏng

+ Khi chơi với bạn tốt thì sẽ trở thành một người con tốt, một học sinh con ngoan trò giỏi

4. Nhận định ý kiến phản bác là hoàn toàn sai: những phán xét ngược lại hay nghi ngờ chỉ là chưa nhìn nhận thật thấu đáo

III. Kết bài:

- Kết luận về tính đúng đắn của câu tục ngữ: gần “ đèn” dù ít dù nhiều ta vẫn nhận được ánh sáng của nó

- Để trở thành một con người tốt và ý nghĩa, chúng ta nên học tập theo câu tục ngữ.

* Bài mẫu:

Trong cuộc sống này để hình thành nên nhân cách con người ngoài yếu tố nền tảng giáo dục thì môi trường sống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chẳng vì thế mà dân gian ta xưa kia đã lưu truyền câu nói “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”. Thế nhưng dù ở trong bất cứ một hoàn cảnh nào thì yếu tố bản lĩnh con người quan trọng hơn hết thảy. Nó có thể vượt qua mọi hoàn cảnh và thử thách. Chính vì thế bên cạnh những ý kiến đồng tình với câu ca dao kia cũng có những bạn cho rằng “Gần mực chưa chắc đã đen gần đèn chưa chắc đã rạng”.

Gần mực thì đen gần đèn thì rạng câu nói này đã được các cụ tổng kết từ xa xưa và tất nhiên nó cũng mang hai lớp nghĩa khác nhau. Về nghĩa đen thì như bạn cũng đã biết rồi đấy, xa xưa khi khoa học chưa phát triển con người phải sử dụng chủ yếu là một loại mực tàu để viết chữ. Mài mực từ khổi than đen sau đó cho vào nước và dùng viết chữ và tất nhiên khi đã dùng mực thì không tránh khỏi việc mực dây ra tay và làm bẩn. Gần đèn thì bao giờ bạn cũng nhận được nguồn sáng tốt nhất và sáng sủa nhất, đây là một quy luật tất yếu rồi.

Song bên cạnh nghĩa đen đó thì câu nói còn mang một hàm ý ẩn dụ bên trong đó là lời khuyên nhủ con người chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên tránh xa nhưng cái xấu vì nó rất dễ lây lan và hãy học tập, noi theo cái tốt để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Điều này không sai thậm chí có thể nói là một chân lí. Theo nhiều nhà khoa học thì bản thân mỗi con người chúng ta từ trong bản năng có phản ứng dây chuyền. Tức là bạn rất dễ bị tác động bởi những thứ xung quanh kể cả tốt hay xấu. Song cái xấu thì bao giờ cũng nhanh và nguy hiểm hơn rất nhiều. Để học một thói quen tốt bạn có thể mất một tháng, một năm thậm chí là một đời người thế nhưng cái xấu thì nhanh lắm chỉ một giây phút thôi là bạn đã sa chân vào nó rồi. Bạn có biết vì sao một con người như Chí Phèo lại trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại không? Khi mà ngày xưa hắn là một mẫu người lí tưởng khiến bao nhiêu người mơ ước? Một anh canh điền lực lưỡng, thật thà thế nhưng sau khi vào tù thực dân môi trường đã nhào nặn hắn trở thành một kẻ “chó cùng bứt rậu” tha hóa, biến chất một cách không ngờ. Hay cả thầy Mạnh Tử một trong những bậc đại hiền của Trung Quốc. Ngay từ bé ông đã được mẹ cho sống gần trường học để học phép tắc, và cần mẫn. Nhưng nếu thay vì chuyển đến trường học mẹ ông để ông ở gần nghĩa địa hay chợ búa thì không biết cuộc đời ông sau này sẽ thế nào? Thế mới thấy môi trường sống ảnh hưởng vô cùng lớn đến nhân cách sống cũng như tính cách của con người.

Hàng ngày bạn vẫn còn nghe bố mẹ nhắc nhở chọn bạn mà chơi. Bởi vì sợ bạn sẽ nhanh chóng học tập những cái xấu từ những đứa bạn hư. Điều đó cũng đúng. Bởi lẽ xấu thì nhanh chứ học được điều tốt không phải chuyện dễ dàng gì.

Tuy nhiên nói đi phải nói lại, bên cạnh những con người đang bị tác động và nhào nặn bởi hoàn cảnh cũng còn rất nhiều những tấm gương sáng để cho chúng ta học tập. Quay trở lại với câu tục ngữ trên bạn có bao giờ chắc chắn người ngồi gần đèn luôn luôn rạng không? Có bao giờ nghĩ đến trường hợp có người ngồi khuất ánh đèn hay không?

Chưa kể trên thực tế cũng có rất nhiều con người sống vượt lên hoàn cảnh và trở thành những tấm gương sáng cho bao người học tập. Ai cũng biết môi trường sống quan trọng thế nhưng điều quan trọng nhất đó chính là phẩm chất và bản lĩnh con người. Nếu họ biết nhận thức cái gì tốt cái gì xấu, biết vươn lên hoàn cảnh thì dù khó khăn đến đâu cũng không thể khiến họ lùi bước và thui chột được. Một minh chứng vô cùng điển hình đó là hình ảnh những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ kiên cường chống trong kháng chiến. Những con người đã chấp nhận hi sinh trà trộn vào lực lượng địch để làm Việt gian. Chúng ta đặt câu hỏi vì sao sống trong một môi trường như vậy mà họ vẫn vẹn nguyên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, vẫn kiên trung sắt son với lời thề Tổ Quốc? Rồi hiện nay có những đứa trẻ mặc dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó mà vẫn quyết tâm học tập để thành người có ích cho xã hội? Đó có phải do hoàn cảnh hay không? Hay chính hoàn cảnh đã thúc đẩy họ đến với thành công một cách nhanh chóng hơn?

Dù có trong bất kì hoàn cảnh môi trường nào thì điều quan trọng nhất đối với một con người không phải đến từ môi trường. Nó chỉ là một yếu tố tác động trong rất nhiều những yếu tố khác. Điều quan trọng nhất đó chính là bản lĩnh con người. Chỉ cần bạn là người có ý chí, có bản lĩnh vững vàng thì không bao giờ bạn đánh mất mình dù có ở bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào.

* Đề 4:

* Dàn ý:

1. Mở bài:

- Trong những năm gần đây, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.

- Vấn đề bảo vệ môi trường đang được cả nhân loại quan tâm.

2. Thân bài:

- Nạn phá rừng, đốt rừng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: núi bị sạt lở kéo theo đất đá, lũ bùn, lũ quét, lũ lụt… tàn phá nhà cửa, hoa màu, cướp đi mạng sống của con người và phá vỡ cân bằng sinh thái.

- Nạn đánh bắt trên sông, trên biển bằng những phương tiện nguy hiểm (thuốc nổ, điện, lưới quét…) làm cho nguồn thuỷ hải sản ngày càng cạn kiệt.

- Nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhà máy, xí nghiệp thải ra các khí độc hại làm ô nhiễm bầu khí quyển,...

3. Kết bài:

- Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường...

- Kêu gọi tuyên truyền, vận động mọi người hãy tích cực đóng góp vào việc giữ gìn ngôi nhà chung của thế giới.

* Bài mẫu

Từ xa xưa ông cha ta sống và tồn tại cho đến ngày nay đều có sự ảnh hưởng trực tiếp của môi trường sống. Nó không chỉ cung cấp cho con người ô xi để thở, nguyên liệu để phát triển sản xuất mà thậm chí còn có vị trí vô cùng quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên chính sự vô tình của con người đang dần dần làm mất đi sự cân bằng môi trường sống và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai sau này.

Môi trường sống được định nghĩa bao gồm tất cả những không gian sống xung quanh con người như là: Động vật, cây cối, không khí, đất, nước…. Nó bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người và cần phải khẳng định một điều bảo vệ nó chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Trước hết chúng ta hãy nói đến môi trường tự nhiên vây quanh chúng ta. Nó chính là bầu không khí mát lành để ta hít thở hàng ngày. Thế nhưng bầu không khí đó đang dần dần bị những khí độc do nhà máy, xí nghiệp, xe cộ làm ô nhiễm. Nó khiến cho con người chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều loại bệnh về hô hấp về da. Bạn có biết vì sao lại thế không? Khi mà những khí độc hại ngày càng nhiều nó khiến cho tầng ô zôn bị thủng dẫn đến không thể ngăn các tia tử ngoại từ Mặt trời do đó bệnh về ung thư da ngày càng nhiều. Chưa kể nó còn khiến cho nhiệt độ trái đất tăng cao, băng tan lũ lụt sóng thần ngày càng nhiều.

Không chỉ là bầu không khí mà ngay cả rừng nguồn cung cấp oxi cho con người cũng đang ngày càng suy giảm về số lượng. Xưa kia chúng ta luôn tự hào để nói với con cháu rằng nước ta có “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”. Thế nhưng, bên cạnh sự suy yếu về môi trường sống là sự mất đi của những cánh rừng. Bao gồm cả rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ. Rừng mất đi đồng nghĩa với việc không còn nơi chắn bão, chắn lũ và gây hiện tượng sạt lở đất, xói mòn và hoang mạc hóa. Bên cạnh đó, rừng còn là nơi cư trú của các loài động thực vật quý hiếm. Khi rừng bị phá thì động vật đương nhiên cũng mất nơi trú ẩn rồi tuyệt chủng. Đây chính là nguồn cung cấp nguyên nhiên, dược liệu cho các ngành công nghiệp chế biến của con người.

Cùng với sự suy yếu của môi trường không khí và cây xanh thì một nhân tố nữa cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng đó chính tài nguyên nước. Nước được ví như mạch máu trong cơ thể không có nước đồng nghĩa với việc tất cả mọi sự sống trên trái đất đều suy kiệt. Cơ thể con người chiếm tới 70% là nước, cũng giống như bề mặt trái đất chiếm ¾ là nước. Thế nhưng hãy nhìn xem biển ngập rác thải, ao hồ sông suối trở thành những nơi chứa chất thải công nghiệp nó khiến cho sinh vật sống dưới nước chết hàng loạt, và nguy hiểm hơn nó lại chính là nguồn cung cấp nước cho con người. Biết bao nhiêu bệnh tật vì thế cũng xuất hiện như ung thư, viêm phổi,…. Hãy nhìn cả một vùng biển miền Trung ngập xác cá bởi chất thải từ Fomosa, Hồ Gươm vốn sạch đẹp bộ mặt của thủ đô giờ đây cũng tràn ngập rác thải và nguồn thải. Nó không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố mà còn gây tác động xấu đến sức khỏe con người.

Trong những năm qua trước những biến đổi không ngừng của khí hậu trái đất, sự đau thương mà mẹ thiên nhiên đã gây ra cho con người rất nhiều các tổ chức, các quốc gia đã đứng lên để kêu gọi con người bảo vệ môi trường sống. Ở Việt Nam trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương biện pháp để khắc phục tình hình ô nhiễm bằng việc tích cực trồng cây gây rừng, kiểm soát chặt chẽ sả thải của các doanh nghiệp….. Với mong muốn bảo vệ môi trường ngày càng xanh tươi.

Môi trường sống vô cùng quan trọng trong cuộc sống cũng như sản xuất của con người. Nếu không có chúng thì đồng nghĩa với việc không có sự sống. Chính vì thế chúng ta ngay từ lúc này hãy chung tay thực hiện những điều nhỏ nhất để bảo vệ chính sự sống và tương lai của thế hệ sau này.

* Đề 5:

* Dàn ý:

I. Mở bài

- Giới thiệu về lối sống giản dị, thanh bạch của Bác mặc dù Bác trên cương vị tối cao của đất nước.

II. Thân bài

- Chứng minh Bác giản dị qua các phương diện:

1. Bác giản dị trong cách ăn

- Bữa ăn chỉ có vài ba món rau, dưa, khi ăn Bác không để rơi một hạt cơm nào.

- Dịp lễ tết, có món gì lạ, ngon Bác đều mời anh chị phục vụ ăn cùng.

- Thức ăn còn lại Bác sắp xếp tươm tất, Bác không muốn để người khác ăn phần thừa của mình.

2. Bác Hồ giản dị trong cách mặc

- Bộ quần áo cũ sờn vai, đôi dép lốp đã mòn.

- Được tặng nhiều quần áo mới nhưng Bác đem tặng lại những chiến sĩ, đồng bào thiếu thốn.

3. Giản dị trong cách ở

- Ở nhà sàn, căn phòng bày trí đơn giản nhưng gọn gàng ngăn nắp “Nhà lá đơn sơ một góc vườn/Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn”.

- Những ngày ở Việt Bắc Bác sống trong hang đá, cuộc sống cháo bẹ, rau măng nhưng vẫn lạc quan.

- Khi đất nước thống nhất Người được đó về dinh chủ tịch nhưng Người vẫn muốn sống ở ngôi nhà sàn đơn sơ.

- Bác giản dị, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Bác tự trồng rau, nuôi cá, nếu có chi tiêu gì Bác cũng trích từ lương của mình.

4. Bác còn thể hiện sự giản dị trong lời nói và bài viết

- Khi sáng tác văn, thơ Bác đặt ra câu hỏi viết cho ai và viết như thế nào. Bác sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày rất gần gũi với người dân.

- Lúc người đọc “Tuyên Ngôn Độc Lập”, Người đã dừng lại và hỏi một câu rất thân tình “Tôi nói mọi người có nghe rõ không”...

III. Kết bài

- Khẳng định lại lối sống giản dị, thanh bạch của Bác.

- Rút ra bài học về tính giản dị cho học sinh và mọi người

* Bài mẫu:

Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu về lối sống giản dị, thanh bạch. Điều đó được thể hiện cụ thể trong cách sống, cách làm việc và đối xử với môi người của Bác. Trong cuộc sống hàng ngày, từ nơi ở, trang phục đến bữa ăn của Bác đều rất đơn giản.

 Bữa ăn của Bác chỉ có vài món đơn giản như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa. Hiếm có bữa ăn của một nguyên thủ quốc gia nào lại đơn giản như vậy. Khi ăn cơm Bác không để rơi một hạt cơm nào. Lúc ăn xong lúc nào bát cũng sạch và thức ăn thừa còn được sắp xếp tươm tất. Nơi ở của Bác chỉ là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao. Cái nhà sàn nhỏ đó của Người “luôn luôn lộng gió và ánh sáng”. Thế mới thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc. Cái “dinh thự” của một vị chủ tịch nước không khác là bao so với những ngôi nhà của nhân dân. Trang phục Bác mặc cũng không ngoại lệ - bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ…

Trong công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Xung quanh Bác cũng rất ít người giúp việc. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự làm. Còn quan hệ với mọi người, Bác luôn quan tâm và yêu quý như người thân trong gia đình. Có thể kể đến những việc đi thăm nhà tập thể công nhân, viết thư cho một đồng chí hay nói chuyện với các cháu miền Nam hoặc đi thăm và tặng quà cho các cụ già mỗi khi Tết đến…

Giản dị trong đời sống, nên Hồ Chí Minh cũng giản dị trong lời nói và bài viết. Cách nói, cách viết của người đều dễ hiểu với mục đích cho quần chúng hiểu được, nhớ được và làm được. Những chân lí: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”... đều đã đi vào đời sống của người dân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận xét: “Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật”. Quả là như vậy, cách sống giản dị của Hồ Chủ tịch không phải là lối sống khắc khổ. Cách sống đó là một sự chủ động lựa chọn lối sống ấy như là một cách để “tu dưỡng tâm hồn”. Như vậy, lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật thanh cao, đẹp đẽ. Đó là cách sống đáng để thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 – Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp):

* Chú ý:

1. Tìm hiểu kĩ để bài để xác định chính xác luận điểm cần phải chứng minh,

2. Từ luận điểm chính, hãy xây dựng một hệ thống luận điểm phụ hợp lí, rõ ràng, mạch lạc và đủ để làm sáng tỏ luận điểm chính. Tìm được một hệ thống dẫn chứng tiêu biểu, đầy đủ, được sắp xếp hợp lí, có khả năng làm sáng rõ cho từng luận điểm.

3. Chữ viết phải đúng chính tả và dễ đọc. Lời văn cần rõ ý, đúng ngữ pháp, có sức thuyết phục đối với người đọc.

4. Luôn luôn tự kiểm tra xem viết như thế thì luận điểm đã trở nên rõ ràng và có sức thuyết phục hay chưa.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 7 hay, chi tiết khác:

Ý nghĩa văn chương

Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (Tiếp theo)

Luyện tập viết đoạn văn chứng minh

Ôn tập văn nghị luận

Dùng cụm chủ - vị để mở rộng câu

1 593 15/02/2022
Tải về