Lý thuyết Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học (mới 2024 + Bài Tập) - Hóa học 9

Tóm tắt lý thuyết Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Hóa 9 Bài 31.

1 9,159 21/12/2023
Tải về


Lý thuyết Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Bài giảng Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

I. Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn

- Năm 1869, nhà bác học người Nga là Đ. I. Men – đê – lê – ép đã sắp xếp khoảng 60 nguyên tố trong bảng tuần hoàn theo chiều tăng của nguyên tử khối.

- Ngày nay, bảng tuần hoàn có hơn 100 nguyên tố. Các nguyên tố trong bảng tuần hoàn được sắp xếp theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân nguyên tử.

II. Cấu tạo bảng tuần hoàn

1. Ô nguyên tố

- Ô nguyên tố cho biết: Số hiệu nguyên tử, kí hiệu hóa học, tên nguyên tố, nguyên tử khối của nguyên tố đó.

Lý thuyết Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học | Hóa học lớp 9 (ảnh 1)

Hình 1: Ô nguyên tố magie

- Số hiệu nguyên tử có số trị bằng số đơn vị điện tích hạt nhân và bằng số electron trong nguyên tử. Số hiệu nguyên tử trùng với số thứ tự ô trong bảng tuần hoàn.

Ví dụ:

Số hiệu nguyên tử của Si là 14 cho biết: silic ở ô thứ 14 trong bảng tuần hoàn, điện tích hạt nhân nguyên tử silic là 14+ (hay số đơn vị điện tích hạt nhân là 14), có 14 electron trong nguyên tử silic.

2. Chu kì

- Chu kỳ là dãy các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron và được xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần.

- Số thứ tự chu kì bằng số lớp electron.

- Bảng tuần hoàn gồm có 7 chu kỳ: chu kỳ 1, 2, 3 là các chu kỳ nhỏ. Chu kỳ 4, 5, 6, 7 là các chu kỳ lớn.

Ví dụ

+) Chu kì 2: Gồm 8 nguyên tố từ Li đến Ne, có 2 lớp electron trong nguyên tử. Điện tích hạt nhân tăng dần từ Li là 3+,… đến Ne là 10+.

+) Mô phỏng cấu tạo nguyên tử O ở chu kỳ 2, có 2 lớp electron.

Lý thuyết Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học | Hóa học lớp 9 (ảnh 1)

3. Nhóm

- Nhóm gồm các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có số electron lớp ngoài cùng bằng nhau, do đó có tính chất tương tự nhau được xếp thành một cột theo chiều tăng của điện tích hạt nhân nguyên tử.

- Số thứ tự của các nhóm A bằng số electron ở lớp ngoài cùng của nguyên tử trong nhóm đó.

Ví dụ:

+) Nhóm IA: Gồm các nguyên tố kim loại hoạt động mạnh. Nguyên tử của chúng đều có 1 electron ở lớp ngoài cùng. Điện tích hạt nhân tăng từ Li (3+), … đến Fr (87+).

+) Mô phỏng cấu tạo nguyên tử Kali ở nhóm IA, có 1 electron ở lớp ngoài cùng:

Lý thuyết Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học | Hóa học lớp 9 (ảnh 1)

III. Sự biển đổi tính chất của các nguyên tố trong bảng tuần hoàn

1. Trong một chu kì

Trong một chu kỳ, khi đi từ đầu đến cuối chu kỳ theo chiều tăng của điện tích hạt nhân:

- Số e lớp ngoài cùng của nguyên tử tăng dần từ 1 đến 8 electron.

- Tính kim loại của các nguyên tố giảm dần, đồng thời tính phi kim của các nguyên tố tăng dần.

Ví dụ:

Chu kì 2 gồm 8 nguyên tố:

+ Số e lớp ngoài cùng của nguyên tử các nguyên tố trong chu kỳ 2 tăng dần từ 1 đến 8

+ Đẩu chu kỳ 2 là một kim loại mạnh (Li), cuối chu kỳ là một phi kim mạnh (F), kết thúc chu kỳ là một khí hiếm (Ne).

Lý thuyết Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học | Hóa học lớp 9 (ảnh 1)

2. Trong một nhóm

Trong một nhóm, khi đi từ trên xuống dưới theo chiều tăng của điện tích hạt nhân. - Số lớp electron của nguyên tử tăng dần.

- Tính kim loại của các nguyên tố tăng dần, đồng thời tính phi kim của các nguyên tố giảm dần.

Ví dụ:

Nhóm IA gồm 6 nguyên tố từ Li đến Fr

+) Số lớp electron tăng dần từ 2 đến 7. Số electron lớp ngoài cùng của nguyên tử đều bằng 1.

+) Tính kim loại của các nguyên tố tăng dần. Đầu nhóm IA, Li là kim loại hoạt động hóa học mạnh cuối nhóm là kim loại Fr hoạt động hóa học rất mạnh

IV. Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

1. Biết vị trí của nguyên tố ta có thể suy đoán cấu tạo nguyên tử và tính chất của nguyên tố

Ví dụ:

Biết: Nguyên tố A có số hiệu nguyên tử là 17, chu kì 3, nhóm VIIA.

Xác định được:

+) Nguyên tố A có số hiệu nguyên tử là 17, suy ra điện tích hạt nhân của nguyên tử A là 17+, nguyên tử A có 17 electron.

+) A ở chu kì 3, suy ra nguyên tử A có 3 lớp electron. Vì ở gần cuối chu kì 3 nên A là một phi kim mạnh, tính phi kim của A mạnh hơn của nguyên tố trước nó trong cùng chu kì (là S có số hiệu là 16).

+) A ở nhóm VIIA nên lớp ngoài cùng có 7 electron, tính phi kim của A yếu hơn của nguyên tố phía trên nó trong cùng nhóm (là F có số hiệu nguyên tử là 9) nhưng mạnh hơn nguyên tố đứng dưới nó trong cùng nhóm (là Br có số hiệu nguyên tử là 35).

2. Biết cấu tạo nguyên tử của nguyên tố có thể suy đoán vị trí và tính chất nguyên tố đó

Ví dụ:

Biết: Nguyên tố X có điện tích hạt nhân là 11+, nguyên tử X có 3 lớp electron, lớp ngoài cùng có 1 electron.

Xác định được:

+ Nguyên tử X có điện tích hạt nhân là 11+ suy ra X ở ô 11

+ Nguyên tử X có 3 lớp electron nên X ở chu kỳ 3

+ Nguyên tử X có 1e ở lớp ngoài cùng nên X ở nhóm IA.

- Nguyên tố X là kim loại vì ở đầu chu kì

Tổng kết: Biết vị trí của nguyên tố trong bảng tuần hoàn ta có thể suy đoán cấu tạo nguyên tử và ngược lại.

Lý thuyết Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học | Hóa học lớp 9 (ảnh 1)

Trắc nghiệm Hóa học 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Câu 1: Đại lượng nào sau đây biến thiên tuần hoàn trong một chu kỳ?

A. Số lớp electron và số electron ở lớp ngoài cùng của nguyên tử

B. Nguyên tử khối

C. Điện tích hạt nhân và số electron của nguyên tử

D. Số electron ở lớp ngoài cùng của nguyên tử

Câu 2: Trong một chu kì tuần hoàn, khi đi từ trái qua phải thì

A. Độ âm điện giảm dần

B. Ái lực điện tử giảm dần

C. Năng lượng ion giảm dần

D. Bán kính nguyên tử giảm dần

Câu 3: X có nguyên tử khối là 27, vậy X là

A. Mg

B. Fe

C. Al

D. Zn

Câu 4: Số thứ tự ô nguyên tố trong bảng hệ thống tuần hoàn bằng

A. Số electron hóa trị

B. Số nơtron

C. Số khối

D. Số hiệu nguyên tử

Câu 5: Số hiệu nguyên tử của nguyên tố trong bảng tuần hoàn bằng

A. Số đơn vị điện tích hạt nhân

B. Số thứ tự của nguyên tố đó

C. Số electron trong nguyên tử

D. Cả A, B, C đều đúng

Câu 6: Số thứ tự nhóm trong bảng hệ thống tuần hoàn cho biết

A. Số lớp electron

B. Số hiệu nguyên tử

C. Số thứ tự của nguyên tố

D. Số electron lớp ngoài cùng

Câu 7: Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học được sắp xếp theo nguyên tắc

A. Tính phi kim tăng dần

B. Tính kim loại tăng dần

C. Chiều điện tích hạt nhân tăng dần

D. Chiều nguyên tử khối tăng dần

Câu 8: Nguyên tố X có điện tích hạt nhân là 11+, nguyên tử X có 3 lớp electron, lớp ngoài cùng có 1 electron, ta xác định được

A. Nguyên tử X có điện tích hạt nhân là 11+ suy ra X ở ô 11

B. Nguyên tử X có 3 lớp electron nên X ở chu kỳ 3

C. Nguyên tử X có 1e ở lớp ngoài cùng nên X ở nhóm IA

D. Cả A, B, C đều đúng

Câu 9: Nguyên tố Y có số hiệu nguyên tử là 17, chu kì 3, nhóm VIIA, xác định được

A. Điện tích hạt nhân của nguyên tử Y là 17+, nguyên tử A có 17 electron

B. Nguyên tử Y có 3 lớp electron

C. Lớp ngoài cùng có 7 electron

D. Cả A, B, C đều đúng

Câu 10: A có nguyên tử khối là 56, vậy A là

A. Zn

B. Fe

C. Mg

D. Ca

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Hóa lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 32: Luyện tập chương 3: phi kim – Sơ lược về bảng tuần hoàn

Lý thuyết Bài 34: Khái niệm về hợp chất hữu cơ và hóa học hữu cơ

Lý thuyết Bài 35: Cấu tạo phân tử hợp chất hữu cơ

Lý thuyết Bài 36: Metan

Lý thuyết Bài 37: Etilen

1 9,159 21/12/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: