TOP 5 mẫu Cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con (2024) SIÊU HAY

Cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 9 hay hơn.

1 1,802 26/12/2023
Tải về


Cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con

Bài giảng Ngữ văn 9 Nói với con

Dàn ý Cảm nhận khổ 2 bài thơ "Nói với con"

a) Mở bài

Giới thiệu tác giả Y Phương: Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày với các tác phẩm thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

Giới thiệu bài thơ Nói với con: Nói với con là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc.

Dẫn dắt vấn đề, trích dẫn khổ thơ thứ 2 bài Nói với con: Khổ thơ thứ 2 thể hiện lòng tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con hãy kế tục xứng đáng truyền thống ấy.

b) Thân bài: Cảm nhận khổ thơ thứ 2 bài Nói với con

* Luận điểm 1: Những phẩm chất cao quý của "người đồng mình"

- "Người đồng mình" : người vùng mình, người miền quê mình -> cách nói mang tính địa phương của người Tày gợi sự thân thương, gần gũi.

=> Nghĩa rộng hơn là những người sống cùng trên một đất nước, một dân tộc.

- "thương" kết hợp với từ chỉ mức độ "lắm" -> thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia.

"Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn"

- "Cao", "xa" : khoảng cách của đất trời -> những khó khăn, thách thức mà con người phải trải qua trong cuộc đời.

-> Hai câu thơ đăng đối ngắn gọn đúc kết một thái độ, một cách ứng xử cao quí: người biết sống là người biết vượt qua nỗi buồn, gian nan, thử thách... hơn nữa còn phải luôn nuôi chí lớn, nỗ lực phấn đấu đi lên. Có như vậy mới thành công trên con đường đời, gặt hái được nhiều hoa thơm, trái ngọt.

- “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” : ẩn dụ cho những gian lao, vất vả

- "Sống", "không chê" : ý chí và quyết tâm vượt qua thách thức, khó khăn của "đá gập ghềnh", "thung nghèo đói".

-> Cho dù cuộc sống gian nan, vất vả, người đồng mình vẫn chịu đựng và suốt đời gắn bó thủy chung, không chê bai, không một lời than thở

=> Khẳng định và ngợi ca đức tính cao đẹp của “người đồng mình”: sống sâu sắc, ý chí mạnh mẽ, có một trái tim ấm áp và nghị lực phi thường.

- Biện pháp so sánh "Sống như sông như suối" -> sống lạc quan, mạnh mẽ như thiên nhiên (sông, suối) chấp nhận những thác ghềnh để rút ra những bài học quí báu.

“Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

-> Niềm tin vào ngày mai tươi sáng, cực nhọc, đói nghèo rồi sẽ tan biến.

"Người đồng mình thô sơ da thịt"

- "thô sơ da thịt" : giản dị, chất phác, thật thà -> Ca ngợi bản chất mộc mạc, giản dị, chân thật của người đồng mình sớm khuya vất vả.

“Chẳng mấy ai nhỏ bé” -> ngợi ca ý chí, cốt cách không hề "nhỏ bé" của người đồng mình.

"Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương"

- "đục đá kê cao quê hương": truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi

-> Ẩn dụ cho tinh thần đề cao, tự hào về quê hương, tự tay xây dựng nên truyền thống quê hương đẹp giàu.

- "quê hương thì làm phong tục" : phong tục tập quán là điểm tựa tinh thần nâng đỡ và tạo động lực cho con người.

=> Đây chính là mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng : Mỗi người, mỗi cuộc đời chính là một “mùa xuân nho nhỏ” tạo nên mùa xuân cộng đồng và cộng đồng sẽ là cái nôi nâng đỡ cho mùa xuân tâm hồn mỗi người.

* Luận điểm 2: Lời dặn dò, nhắn nhủ trìu mến, mộc mạc với biết bao niềm tin hi vọng của người cha.

"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con."

- “Tuy thô sơ da thịt”, “không bao giờ nhỏ bé” một lần nữa lặp lại để khẳng định và khắc sâu hơn những phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”

- "Lên đường" -> Người con đã khôn lớn, đến lúc tạm biệt gia đình, quê hương để bước vào một trang mới của cuộc đời

- "Nghe con" -> hai tiếng ẩn chứa bao nỗi niềm và lắng đọng, kết tinh mọi cảm xúc, tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con.

-> Qua việc ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, người cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông, biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình.

=> Lời dặn của cha thật mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao rằng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương, đất nước.

* Đặc sắc nghệ thuật

Thể thơ tự do phù hợp với lối nói, tư duy khoáng đạt của người miền núi

Giọng điệu thơ linh hoạt lúc thiết tha, trìu mến khi trang nghiêm

Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát, mộc mạc, giàu chất thơ

Biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ...

c) Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung của đoạn thơ thứ 2 bài Nói với con

Nêu cảm nhận của em về khổ thơ.

Bài giảng Ngữ văn 9 Nói với con

Đề bài: Cảm nhận khổ 2 bài thơ "Nói với con"

Bài thơ Nói với con (Y Phương) – Tiếng lòng của những yêu thương bao la -  Trường Tiểu học Thủ Lệ

Cảm nhận khổ 2 bài thơ “Nói với con” (mẫu 1)

Ai đã đọc qua bài thơ “Nói với con” của Y Phương hẳn sẽ xuất hiện không ít cảm xúc, nỗi xúc động về tình cảm gia đình cũng như tình quê hương thắm thiết. Nổi bật trên nền cảnh núi rừng Tây Bắc là vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cần cù nhẫn nại, gắn kết muôn đời với quê hương, với cội rễ sinh thành khiến ta thêm trân trọng và mến yêu được thể hiện rõ nét qua đoạn 2 bài thơ.

Ở đoạn 2 bài thơ “Nói với con”, Nhà thơ Y Phương đã dùng những lời thơ mộc mạc, chân thành để khắc họa hình ảnh “người đồng mình” trong mối liên hệ giữa con người và nguồn cội sinh thành. Tuy cuộc sống khó khăn, gian khổ, nhưng lúc nào họ cũng ngời sáng ý chí vươn lên:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.

Từ “thương lắm” xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, tri ân những con người đã bao đời làm nên bản sắc của cuộc sống “người đồng mình”. Giữ đại ngàn bao la, “người đồng mình” muôn đời vẫn không thôi ước vọng vươn cao, vươn xa. Cách dùng đảo ngữ tinh tế khiến cho lời thơ thanh thoát lạ thường. Dù biết là khó khăn, nhưng ước mơ không bao giờ vơi cạn. Đó chính là nguồn cội sức mạnh giúp họ sinh tồn và vươn tới cuộc sống tươi đẹp. Y Phương thấu hiểu, trân trọng và lấy điều đó làm bài học dạy con. Một lần nữa, vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” hiện lên thật cao đẹp:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.

Biện pháp điệp cấu trúc “sống – không chê” và nghệ thuật so sánh vẽ ra hình ảnh cuộc sống của người đồng mình đầy khó nhọc nhưng hào hùng, mạnh mẽ. Cuộc sống có thể gian khổ nhưng tâm hồn lúc nào cũng thanh cao, lạc quan, yêu đời. Họ biết chấp nhận và trân trọng cuộc sống vốn có; biết cải tạo nó theo chiều hướng tốt đẹp và gìn giữ cho muôn đời sau. Càng khó khăn, gian khổ, họ càng biết nương tựa vò nhau, dựng xây một lối sống bao dung, hài hòa với thiên nhiên:

“Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.

Với giọng điệu dịu dàng, yêu thương và trìu mến, cùng cách diễn tả mộc mạc, chất phác đúng chuẩn chất giọng dân tộc Tày – quê hương tác giả, ở vùng Cao Bằng cùng với lối ví von, so sánh thường thấy trong trong các bài thơ dịu nhẹ, Y Phương đã chỉ ra được nét đặc sắc qua lời tâm tình của người cha đối với con. Con thường được lớn lên trong sự chở che, nuôi dưỡng của cha mẹ. Với cách tư duy riêng, tác giả đã nói lên sự vất vả ở các vùng quê miền núi khó khăn, “gập ghềnh”, “nghèo đói”. Đó cũng là niềm tự hào, lời ca ngợi vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” mà nhà thơ đã dành tặng cho quê hương, dân tộc mình.

Tính cách người miền núi lại vô tư, không toan tính hay ích kỉ, keo kiệt, giữ của cho riêng mình cho riêng mình. Họ có gì họ cho nấy. Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi lên vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình: đó là sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Tuy gian nan và cực nhọc, họ vẫn ngập tràn khí phách, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh bạt ngàn của sông núi. Tuy mộc mạc và giản dị nhưng lại giàu có về ý chí, tâm hồn. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối không bao giờ cạn, niềm tin yêu cuộc sống, con người.

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

Một lần nữa, “người đồng mình” được lặp lại với biết bao trìu mến. Người đồng mình “tuy thô sơ da thịt” nhưng “chẳng mấy ai nhỏ bé”. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, “người đồng mình” cũng luôn đề cao danh dự, nhân phẩm và biết gìn giữ, bảo vệ lấy như chính sinh mệnh của mình. Họ không vì đời sống vật chất mà đánh đổi lương tâm, phản bội núi rừng, phản bội quê hương. Từng hoạt động sống khắc ghi vào đá núi, khắc ghi vào sông suối, khắc ghi vào trí nhớ mỗi con người và biến thành phong tục, cách sống, cách ứng xử của cả cộng đồng:

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.

Niềm tự hào về sức mạnh sinh tồn và vẻ đẹp văn hóa “người đồng mình” khiến cho lời thơ càng thêm tha thiết. Tuy đó chưa hẳn là những giá trị lớn lao khi so sánh với những giá trị tương đồng nhưng sẽ là lớn nhất, quý nhất đối với “người đồng mình”. Họ tự hào và kiêu hãnh khi đã dựng nên quê hương trên núi đá, sinh tồn ngay giữa vùng đất dữ dội và chinh phục thế giới xung quanh bằng chính sức mạnh của văn hóa cộng đồng. Họ hiểu rõ, nếu không gìn giữ và phát huy sức mạnh ấy, một ngày nào đó, quê hương của họ sẽ sớm tàn lụi, mọi công sức của cha ông đều tiêu tan trước sức mạnh của tự nhiên vĩ đại. Họ cũng hiểu rõ, ở ngoài kia luôn có những điều tốt đẹp hơn nhưng họ mong muốn mọi thế hệ mai sau không vì sự hẹp hòi, ích kỉ của bản thân mà thay đổi mình:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.

Cách diễn đạt của tác giả kèm với biện pháp nghệ thuật đã góp phần khiến bài văn trở nên sinh động và giàu tính nhạc hơn. Việc điệp cấu trúc đã tạo nên nét riêng cho bài thơ giúp độc giả có những ấn tượng sâu sắc hơn mà ít bài thơ khác có thể đi sâu vào lòng người đến vậy. Y Phương dùng cả hai biện pháp trên chủ yếu để nhấn mạnh, nhắc nhở, “khắc cốt ghi tâm” người con rằng tuy có vất vả, gian lao thế nào thì cũng không chê bai, trách móc mà hãy hòa mình vào nó. Có gì ăn nấy, sống thanh thản thoải mái, không chạy đua với cuộc sống thành thị, đua đòi. Nhà thơ đã một phần thay lời cha dặn con phải chịu khó, chung thủy với đất rừng, quê hương, tổ tiên mà mỗi ai cũng cần phải giữ lấy nhưng ít ai làm được.

Lời thơ tha thiết, thủ thỉ, tâm tình, dặn dò. Lời cha gửi gắm đến con về bổn phận phải biết tự hào, yêu thương, tôn trọng và gìn giữ truyền thống quê hương cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người. Qua vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cùng tình cảm thiết tha của nhà thơ Y Phương, đoạn thơ 2 bài thơ “Nói với con” đã giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một người miền núi. Đồng thời gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, quê hương mà bấy lâu nay ta đã chôn vùi.

Cảm nhận khổ 2 bài thơ “Nói với con” (mẫu 2)

Từ xưa đến nay, tình cảm gia đình vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng và cao cả biết bao. Nó như dòng sữa ấm áp nuôi nấng ta khôn lớn trưởng thành. Nếu như Chế Lan Viên đã mượn những khúc hát ru thắm đượm tình người để thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng cao quý trong bài thơ “Con cò” thì Y Phương - một nhà thơ dân tộc miền núi, lại tha thiết “Nói với con” về tình cảm cha con thắm thiết, hay rộng hơn cả đó chính là tình cảm đối với quê hương dân tộc, với bản làng. Đặc biệt được thể hiện tiêu biểu qua đoạn thơ thứ hai:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được nghe con
Nghe con.''

Cảm nhận được tình nghĩa sâu nặng của gia đình và quê hương là chiếc nôi, là cội nguồn sinh trưởng của mỗi con người, người cha “nói với con” về những đức tính cao đẹp của người đồng mình, cha mong con hãy luôn biết tự hào vè bản làng quê hương, về những người dân tộc Tày trọng tình, trọng nghĩa. “Người đồng mình” (người quê mình) giàu tình cảm, nhẫn nhục chịu đựng những khó khăn gian khổ nhưng tâm hồn luôn phóng khoáng ấp ủ ước mơ.

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”

Lời của người cha “nói với con” là lời trao gửi tâm tình bằng tất cả tấm lòng và tình cảm của người cha. Giọng thơ nhẹ nhàng tha thiết, cách gọi thân mật “người đồng mình” thể hiện sự gắn bó thiêng liêng giữa mỗi con người với quê hương. Lời thơ gợi cảm, tự nhiên “thương lắm con ơi”, người cha ca ngợi và mong con biết trân trọng, giữ gìn những đức tính tốt đẹp, những phẩm chất cao quý của dân tộc mình. Kết cấu câu thơ sóng đôi, cân đối, cách nói giản dị, mộc mạc “cao đo nỗi buồn”, là nỗi buồn của người dân tộc quanh năm giữa mây ngàn đá núi thường xuyên phải rời xa bản làng, bước chân của họ ngày càng trải dài trên đỉnh non cao. Qua đó ta thấy rằng người đồng mình sống vất vả, nghèo đói, cực nhọc, lam lũ. Họ nhẫn nhục chịu đựng nỗi buồn dai dẳng của mảnh đất quê hương. “Xa nuôi chí lớn”, người cha muốn nói với con dân tộc mình ai cũng có một ý chí, nghị lực ai cũng muốn bay cao bay xa trong tương lai. Lời thơ ngắn gọn, khẳng định niềm tự hào về phẩm chất, truyền thống của dân tộc. Với niềm tự hào về ý chí, nghị lực và truyền thống tốt đẹp của "người đồng mình”, cha mong con luôn sống nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”

Điệp từ “sống” và điệp ngữ “không chê” thể hiện sự gắn bó nghĩa tình, chung thuỷ, sẵn sàng chấp nhận sẻ chia. Không gian gợi tả trên đá, trong thung nói lên những khó khăn vất vả của quê hương. Từ láy gợi hình “gập ghềnh” gợi nên cuộc sống bấp bênh không ổn định. Từ đó người cha mong con sống nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương dẫu quê hương còn nhiều khó khăn vất vả. Đồng thời người cha khuyên con phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống:

“Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

Hình ảnh so sánh cụ thể “sống như sông như suối”. Người cha khuyên con hãy sống cuộc đời rộng lớn, tự do, khoáng đạt, không thụ động chấp nhận thực tại mà luôn hướng tới tương lai không bao giờ cam chịu cuộc sống nhỏ bé tầm thường. Cách nói ẩn dụ “lên thác xuống ghềnh” kết hợp lời nói mộc mạc thường ngày “không lo cực nhọc”, cha khuyên con hãy sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách của cuộc đời, không được chùn bước, nản chí. Bởi cuộc đời không bao giờ yên ả như một mặt nước hồ thu nên con hãy ngẩng cao đầu dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách của cuộc đời. “Người đồng mình không chỉ giàu ý chí nghị lực mà còn giàu về đời sống tinh thần, tâm hồn phóng khoáng để xây dựng nên quê hương với những phẩm chất tốt đẹp:

"Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục."

Âm điệu thơ nhẹ nhàng, tha thiết như một lời tâm tình. Hai câu thơ đối nhau:

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

Hình ảnh cụ thể “thô sơ da thịt” cho ta thấy sự giản dị, mộc mạc của người đồng mình. Giọng thơ khẳng định “chẳng mấy ai nhỏ bé” thể hiện niềm tự hào về lẽ sống cao đẹp và tâm hồn phong phú của dân tộc. “Người đồng mình” không ai chịu tự bó mình trong cuộc đời nhỏ nhoi, tầm thường mà ngược lại ai cũng có ước mơ, hoài bão sống cuộc đời rộng lớn, ai cũng có khát vọng vươn lên. Cơ sở của sự khẳng định trên chính là truyền thống tốt đẹp của “người đồng mình”:

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Cách nói bằng hình ảnh mộc mạc, cụ thể “tự đục đá” mà ý thơ sâu sắc, người dân tộc bao đời nay chắt chiu, gầy dựng từng mầm sống nhỏ nhoi quê nghèo nhưng tình người lại giàu có vô cùng. “Người đồng mình” cần cù, chịu thương chịu khó luôn sống gắn bó với quê hương, luôn có ý thức đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ngày càng phát triển. “Còn quê hương thì làm phong tục” đã khẳng định rằng quê hương càng phát triển thì đem đến cho con người sự thay đổi lớn lao về đời sống vật chất và tinh thần. Với lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, người cha còn gửi đến con những lời nhắn nhủ tâm tình:

"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con."

Nhịp thơ chậm rãi tha thiết, điệp ngữ “thô sơ da thịt” được lặp lại một lần nữa nhưng khẳng định thêm về phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”. Lời thơ chắc gọn như một mệnh lệnh “lên đường” vừa thể hiện mong ước tha thiết của người cha đối với con: khi bắt đầu bước vào hành trình của cuộc đời mình con hãy sống đúng với phẩm chất của “người đồng mình”. Bởi vì “người đồng mình” có thể cực khổ, lam lũ nhưng luôn mạnh mẽ với chí lớn. Có thể “thô sơ”, mộc mạc với áo chàm nhưng không nhỏ bé về khí phách cho nên con không bao giờ được bằng lòng với cuộc sống bó hẹp, tầm thường phải biết trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống của quê hương, ngẩng cao đầu vượt qua chông gai, thử thách để tự tin khi bước vào đời. Kết thúc bài thơ chỉ có hai tiếng “nghe con”. Câu thơ chắc gọn như một mệnh lệnh: đừng chối bỏ cội nguồn dân tộc, hãy khắc sâu tình cảm quê hương vào trong trái tim mình, luôn tôn trọng và phát triển truyền thống dân tộc. Đó là tấm lòng của cha dành cho con hay nói đúng hơn là quê hương của mỗi chúng ta.

Tóm lại, âm điệu thơ tha thiết, ngôn ngữ thơ mộc mạc, hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa khái quát, đậm chất trữ tình. Đoạn thơ thể hiện niềm tin tưởng, hy vọng của người cha đối với bước đường tương lai của con. Đồng thời giúp ta cảm nhận được điều tốt đẹp, được tình cảm gắn bó thuỷ chung của dân tộc miền núi. Từ đó gợi trong mỗi chúng ta tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương xứ sở và ý chí vươn lên để tiến bộ, sống làm chủ cuộc đời, làm chủ bản thân.

Dàn ý Cảm nhận khổ 1 bài thơ Nói với con (2 mẫu) - Văn 9

Cảm nhận khổ 2 bài thơ “Nói với con” (mẫu 3)

“Nói với con” là bài thơ tiêu biểu nhất của Y Phương. Qua khổ thơ 2, mượn lời nhắc nhở con về cội nguồn sinh thành, người cha khéo léo ca ngợi những vẻ đẹp trong phẩm chất cao quý của “người đồng mình”, ngợi ca bản sắc văn hóa của quê hương xứ sở. Những phẩm chất ấy không có gì lớn lao nhưng hết sức đáng tự hào và gìn giữ, là hành trang mà con cần phải mang theo khi bước vào cuộc đời lớn.

Phẩm chất cao quý của “người đồng mình” cứ hiện dần qua lời tâm tình của người cha. Đó là một cuộc sống tràn đầy niềm vui và lòng lạc quan:

“Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.

Cách đảo ngữ đầy thú vị khiến cho ý thơ cao vời, thanh thoát. Người miền núi lấy núi, lấy suối, lấy sông làm đơn vị đo. Tập quán ấy đi vào lời thơ Y phương trở nên hết sức ấn tượng. Người đồng mình cũng lắm suy tư (nỗi buồn). Người đồng mình tuy nghèo khó nhưng lúc nào cũng biết “nuôi chí lớn”. Họ mạnh mẽ, kiêu hãnh sinh tồn giữa đại tự nhiên đầy khắc nghiệt và bí ẩn. Chưa bao giờ họ bị khuất phục. Đó chính là phẩm chất đáng tự hào mà Y Phương muốn nói đến.

Đó còn là tấm lòng thuỷ chung của “người đồng mình” với nơi chôn rau cắt rốn:

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”

Bằng những điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kết hợp với kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy cuộc sống hôm nay còn vất vả, khó nhọc, “lên thác xuống ghềnh” nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, khoáng đạt “như sông như suối”, bền bỉ, gắn bó và tha thiết với quê hương. Từ đó người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thuỷ với quê hương. Biết chấp nhận và vượt qua những khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình.

“Người đồng mình” mộc mạc, dung di, giàu ý chí và niềm tin. Họ tuy “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn và ý chí. Họ biết lo toan và mong ước. Họ biết tự lực, tự cường xây dựng quê hương, duy trì truyền thống với những tập quán tốt đẹp của “người đồng mình”:

“Người đồng mình đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Câu thơ có 2 lớp nghĩa. Về nghĩa tả thực: Đục đá kê cao quê hương là hành động có thật thường thấy ở miền núi. “Quê hương” vốn là khái niệm trừu tượng, chỉ nơi chốn sinh thành của một người nào đó. Họ thường xây dựng nhà cửa trên những miền đất cao đầy sỏi đá để có cơ ngơi vững chắc, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt. Từ ngàn năm xưa họ sống với đá, sống trên đá. Đá núi trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của họ, biểu trưng cho ý chí kiên cường, rắn rỏi, không bao giờ bị khuất phục.

Nghĩa ẩn dụ: Nói đục đá kê cao quê hương. Hình ảnh thơ khái quát về tinh thần tự tôn, ý thức bảo tồn cội nguồn. Tình yêu và niềm tự hào của con và tất cả “người đồng mình” cũng vững bền như đá núi vậy. Đó là một niềm tin vĩnh cửu, không gì thay đổi được. người cha muốn ca nằm lòng điều đó dẫu cuộc sống sau này có thay đổi như thế nào.

Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ, dặn dò và hi vọng của người cha mong muốn con mình phải tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Hãy lấy những tình cảm đó làm hành trang để vững bước trên đường đời rộng lớn”

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.

Hình ảnh người đồng mình “thô sơ da thịt” lặp lại hai lần như muốn con ghi nhớ sâu sắc về hình ảnh con người và quê hương mình. “Người đồng mình” tuy mộc mạc, chân chất nhưng có lẽ sống cao đẹp. Trên đường đời con phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng với “người đồng mình” đã từng sống, từng yêu như thế. Con là đại diện của người đồng mình, con mang theo những phẩm chất của người đồng mình thế nên “bao giờ nhỏ bé được”, dù con đường phía trước còn đầy chông gai. Con hãy tự tin bước đi, bởi sau lưng con có gia đình, có quê hương, bởi trong tim con sẵn ẩn chứa những phẩm tốt đẹp và quý báu của “người đồng mình” rồi.

Hai tiếng “nghe con” chứa đựng tấm lòng yêu thương và niềm tin sâu nặng cha đặt nơi con. Hai tiếng ấy khép lại bài thơ để lại một dư âm nhẹ nhàng mà âm vang xao xuyến.

Với thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên, cách nói giàu hình ảnh vừa mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ, cụ thể mà giàu sức khái quát, bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ, những phẩm chất cao quý của “người đồng mình”, của quê hương nguồn cội. Khổ thơ 2 của bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Cảm nhận khổ 2 bài thơ “Nói với con” (mẫu 4)

Lòng yêu thương con cái, ước mong thế hệ mai sau nối tiếp xứng đáng, phát huy truyền thống của tổ tiên, dân tộc vốn là một tình cảm cao đẹp của người Việt Nam suốt bao đời nay. Bài thơ “Nói với con” của Y Phương một nhà thơ dân tộc Tày, cũng nằm trong nguồn cảm hứng nhân văn phổ biến ấy.

Đó là một bài thơ mà tác giả mượn lời một người cha chân tình, dặn dò con về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, về những đặc điểm tính cách cao đẹp của quê hương, dân tộc với ước muốn đứa con hãy ghi nhớ, phát huy. Điều ấy đã thể hiện qua cách nói mộc mạc, giàu hình ảnh của người dân miền núi, đem đến cho bài thơ giọng điệu thiết tha, trìu mến, tin cậy:

“Người đồng mình nghe con”

Đoạn thơ được nối tiếp theo sau đoạn cảnh người cha khơi gợi cội nguồn sinh dưỡng giúp đứa con khôn lớn, trưởng thành. Bằng đoạn thơ trên, người cha đã ngợi ca những đức tính cao đẹp của con người quê hương nằm khơi gợi cho con lòng từ hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con hãy tiếp tục xứng đáng với truyền thống ấy.

Bắt đầu đoạn thơ bằng cụm từ “người đồng mình” với ý nghĩa là người vùng mình, người miền mình, cách nói giản dị của miền núi và được lặp đi lặp lại ba lần trong đoạn trích, Y Phương đã gửi vào đó niềm tự hào của mình về những đức tính cao đẹp của người dân miền núi bằng tấm lòng yêu mến vô hạn.

Nếu trên kia “yêu lắm con ơi” là yêu cuộc sống vui tươi bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây niềm ước vọng càng thêm tha thiết: “thương lắm con ơi”. Tình cảm được nâng lên nhiều lần bởi sau từ “thương” đó là những những nỗi vất vả, gian khó của con người quê hương. Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.

Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:

“Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.

Ta dễ dàng nhận ra tính tả thực và phép ẩn dụ tượng trưng đã được nhà thơ vận dụng ở đây. Với phép tả thực, Y phương đã vẽ ra cảnh người dân miền núi mà ở đây dân tộc Tày có cội nguồn sinh dưỡng là những vùng núi cao ngút ngàn, rất hoang vắng và rất buồn bởi cuộc sống nghèo khó, nhọc nhằn. Tuy buồn, tuy khó khăn gian khổ nhưng họ vẫn bám đất, bám bán làng, vẫn thủy chung cùng quê hương. Và càng ở cao, càng gian khổ mới thấy được tấm lòng quyết tâm gìn giữ cội nguồn sinh dưỡng của người dân miền núi.

Tư duy của người miền núi mộc mạc chân tình hiện lên trong cách so sánh độc đáo. Họ lấy hình sông, lấy dáng dáng để biểu thị vẻ đẹp của tinh thần và lối sống. Cách sắp xếp tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến, nâng cao mức độ cho thấy khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ, càng quyết tâm chinh phục, vượt qua.

Có thể nói, cuộc sống của người đồng mình còn nhiều nỗi buồn, còn nhiều bộn bề thiếu thốn song họ sẽ vượt qua tất cả, bởi họ có ý chí và nghị lực, họ luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc và không ngừng mơ ước đến tương lai nơi mà chí lớn sẽ vươn tới.

Chính từ niềm mơ ước ấy, người cha đã nhẹ nhàng nhắc nhở đứa con hãy khắc ghi, rèn luyện, phát huy:

“Dẫu làm sao thì cha cũng muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh không lo cực nhọc”

Đoạn thơ với những hình ảnh cụ thể như núi rừng quê hương được Y Phương nhắc lại theo phép liệt kê: “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói”, “như sông”, “như suối”, “lên thác xuống ghềnh”…”kết hợp với các điệp ngữ: “sống…không chê…”, nhà thơ đã gợi lại cuộc sống vất vả, gian nan đầy thử thách đối với người dân Tày giữa hoang sơ đại ngàn.

Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình. Gian khó là thế, họ vẫn tràn đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối, con sống trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.

Cách gợi của nhà thơ được đặt trong giọng điệu mạnh mẽ, chắc nịch, đầy quyết tâm và niềm tin tưởng. Một lần nữa y Phương trong vai người cha đã nhắc con nhớ rằng người đồng mình, người trong cùng bản làng của mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn.

Thông qua đó, nhà thơ với vai trò người cha mong muốn đứa con phải biết tự hào về truyền thống quê hương, phải luôn tự tin, vững bước trên đường đời:

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”.

Phẩm chất của người của con người quê hương còn được người cha ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong, nhưng rất đúng với người miền núi. Tuy “người đồng mình” không mấy đẹp đẽ ở hình thức nhưng luôn ẩn chứa một sức mạnh tinh thần lớn lao, không bao giờ nhỏ bé, không bao giờ thôi ước vọng vươn cao.

Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng chứa bao tâm tình. Sự tương phản này đã tôn lên tầm vóc của người đồng mình. Họ mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí, về mong ước xây dựng quê hương.

Lời cha giản dị, ân cần trang nghiêm, chắc nịch đã giúp đứa con nhận ra rằng chính nhờ những “người đồng mình” như thế, những con người có ước mơ xây dựng quê hương với những truyền thống, phong tục tốt đẹp:

“Người đồng mình tự đụng đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.

Câu thơ đã khái quát về tinh thần tự tôn dân tộc, về ý thức bảo vệ nguồn cội, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của người đồng mình. “Đục đá” là công việc vô cùng nặng nhọc, đòi hỏi phải bền bỉ, nhẫn nại. “Đục đá” vào ý thơ dã trở thành hình ảnh sinh động, gợi cảm. Bởi qua ý thơ, hình ảnh ấy giúp ta hình dung hiện thực người dân lao động miền núi bằng khát vọng và ý chí “đục đá kê cao quê hương” đã tôn tạo vẻ đẹp văn hóa của dân chọi với bao thiên tai, bão lũ, bao bọn giặc hung tàn để gìn giữ, bảo vệ quê hương của cả dân tộc.

Đó là hình ảnh Sơn Tinh (thời Hùng Vương thứ 18) bốc từng quả cũng chính là hình ảnh anh hùng Núp và dân tộc Ba Na anh em đã quyết tâm không khuất phục giặc Pháp bảo vệ cho vùng đất Chư-lây thân yêu, làm nên chiến tích lịch sử. Cách mạng hào hùng cho quê hương, đất nước. Hình dung ra điều ấy, ta mới thấy chi tiết “đục đá kê cao quê hương” là một hình ảnh ấn tượng, chứa chan niềm tự hào cao độ của nhà thơ đối với dân tộc thân yêu.

Lòng mong muốn ấy còn được thể hiện trong giọng thơ thiết tha, trìu mến bởi ngữ điệu cảm thán: “con ơi”; “đâu con”; ở những lời tâm tình dặn dò:“nghe con” nhưng lại chắc nịch niềm tin của nối nói của người dân miền núi, vừa giàu hình ảnh vừa tự nhiên, xúc động lòng người. từ đó, ta cảm nhận điều lớn lao nhất là người cha muốn truyền lại cho đứa con là lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ với quê hương cao đẹp và niềm tin con bước vào đời:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.

Hành trang của người con mang theo khi “lên đường” không có gì khác ngoài niềm tự hào về quê hương, nguồn cội cùng với ý chí, quyết tâm và hi vọng lớn lao về một ngày mai tươi sáng. Người con lên đường khắc sâu lời cha dặn và không ngừng nhắc nhở mình thực hiện điều tâm nguyện ấy. Lời dặn của cha thật mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao của cha, hi vọng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời,tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương.

Bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi cảm, lối nói miền núi mộc mạc, cách ví von sinh động, giọng điệu thiết tha trìu mến, nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm đầy khát vọng làm người, đoạn thơ ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, phải giữ đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình.

Y Phương đã rất tinh tế khi lựa chọn hình ảnh và giọng điệu khi biểu đạt. Hình như ông đã không hề “mĩ lệ hóa” hay tô vẽ gì thêm cho hình ảnh thơ. Cứ thế, rất tự nhiên, hình ảnh núi non và “người đồng mình” đi vào thơ ông một cách chân thực, hồn nhiên mà sâu sắc đến kì lạ.

Nói với con - Y Phương

Cảm nhận khổ 2 bài thơ “Nói với con” (mẫu 5)

Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày. Quê anh ở Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng. Từ người lính thời chống Mĩ, anh trở thành nhà thơ.

Thơ của Y Phương mang một vẻ đẹp riêng, "thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi".

Nói với con của Y Phương là một bài thơ hay, một bông hoa nghệ thuật đầy sắc hương của núi rừng biên giới phía Bắc. Đây là phần thứ hai của bài thơ:

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Ở phần đầu, Y Phương đã viết: "Người đồng mình yêu lắm con ơi", thì ở phần hai, mở đầu đoạn thơ ông lại nhân giọng. Lời cha nói với con nghe thật ngọt ngào thiết tha: "Người đồng mình thương lắm con ơi". "Người đồng mình" là đồng bào quê hương mình, là bà con dân tộc Tày, dân tộc Nùng, nơi "nước non Cao Bằng", nơi "gạo trắng nước trong". Phải yêu, phải thương "người đồng mình" rất đẹp, rất đáng tự hào. Không bao giờ lùi bước trước mọi thử thách khó khăn. Tâm càng sáng, chí càng cao càng bền, tầm nhìn càng xa càng rộng:

Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn

Cha nói với con, dạy bảo con về đạo lí làm người. Trong bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào "cha vẫn muốn", cha vẫn mong con biết ngẩng cao đầu và sống đẹp. Quê hương sau những năm dài chiến tranh còn nhiều khó khăn chưa đẹp, chưa giàu. Đường đến các bản còn ''gập ghềnh", còn nhà sàn vách nứa, thung còn "nghèo đói" thiếu thốn khó khăn. Con nhớ là "không chê không chê...":

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói.
Con phải biết sống mạnh mẽ, kiên cường "như sông như suối". Con phải giàu chí khí và có bản lĩnh, dù phải "lên thác xuống ghềnh" vẫn "không lo cực nhọc".

Các điệp ngữ: "không chê... không chê", "sống trên... sống trong... sống như..." đã làm cho vần thơ phong phú âm điệu nhạc điệu, lời cha dặn con vô cùng thiết tha. Cách ví von, cách vận dụng thành ngữ làm cho lời cha dặn vừa cụ thể mộc mạc, vừa hàm nghĩa, sâu lắng, ân tình:

Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.

Các từ ngữ, hình ảnh: "thô sơ da thịt", "nhỏ bé", "tự đục đá kê cao quê hương" đã thể hiện bản chất, bản lĩnh sống của đồng bào mình, bà con quê hương mình. Ba tiếng "người đồng mình" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã hiểu lộ niềm yêu mến tự hào quê hương không thể kể xiết. "Người đồng mình" sống giản dị mộc mạc "thô sơ da thịt", chịu khó chịu khổ, kiên nhẫn trong lao động làm ăn. Chẳng bao giờ "nhỏ bé", chẳng bao giờ sống tầm thường trong cuộc đời và trước thiên hạ. Cha nói với con là nói về đạo lí làm người, cha nhắc con phải biết sống đẹp, sống mạnh mẽ, sống có nhân cách. Con phải biết nêu cao lòng tự hào, biết giữ lấy và phát huy truyền thống cao đẹp của "người đồng mình", của quê hương mình:

Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.

Con chuẩn bị lên đường, như cánh chim bay tới chân trời xa (đi học, đi bộ đội, đi làm ăn?). Cha dặn con, cha khích lệ con, "tuy thô sơ du thịt", nhưng không thể, không được sống tầm thường, sông "nhỏ bé" trước thiên hạ. Bài học làm người mà cha dạy con tuy ngắn gọn mà thấm thía và lay động biết bao:

Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Y Phương đã có một cách nói cụ thể, nói bằng hình ảnh mang phong cách dân tộc mình, "người đồng mình". Lời thơ bình dị, tình cảm chân thành, giọng thơ tha thiết. Cha nói với con, cha dạy con bài học làm người, biết giữ gìn phẩm giá và đạo lí: yêu mến tự hào quê hương, sống có chí khí, sống đẹp như "người đồng mình" đã bao đời nay.

Nói với con là một bài thơ hay thể hiện tình thương con, niềm tin của người cha đối với đứa con yêu quý. Kết thúc bài thơ là tiếng cha khích lệ con lên đường.

Đọc thơ của Y Phương, chúng ta bồi hồi nhớ lại lời ru của mẹ hiền thời thơ ấu:

Con ơi muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

1 1,802 26/12/2023
Tải về