TOP 12 mẫu Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (2024) SIÊU HAY

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính lớp 9 gồm 12 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 9 hay hơn.

1 2,495 01/01/2024


Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Đề bài: Viết kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính

TOP 12 mẫu Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 1)

Thông qua bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, tác giả Phạm Tiến Duật không chỉ đưa vào thơ văn cách mạng một hình tượng vô cùng mới mẻ, chưa từng xuất hiện trong thơ ca trước đó - những chiếc xe không kính. Đặc biệt hơn, thông qua hình ảnh những chiếc xe có dáng vẻ lạ lùng, có phần tàn tạ, khác biệt đó nhà thơ đã làm nổi bật lên hình ảnh của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn xưa, đó là những con người đi giữa mưa bom bão đạn nhưng luôn lạc quan, yêu đời mà mang một tình yêu, lí tưởng đấu tranh bất diệt vì sự nghiệp giải phóng miền Nam ruột thịt, thống nhất đất nước.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 2)

Viết về hình tượng người lính - một chủ đề vốn đã rất quen thuộc trong thơ ca cách mạng xưa, thế nhưng bằng những trải nghiệm của cuộc sống người lính, sự tinh tế trong cảm nhận và biểu đạt, nhà thơ chiến sĩ Phạm Tiến Duật đã mang đến cho thơ ca một hình tượng người lính hoàn toàn mới mẻ- đó là những người lính lái xe yêu đời, lạc quan trong mọi hoàn cảnh, chủ động tiếp nhận những cái khắc nghiệt, thử thách của cuộc sống chiến đấu để hướng đến con đường giải phóng miền Nam, đúng như câu thơ kết thúc mà Phạm Tiến Duật đã viết “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 3)

Hình tượng người lính lái xe trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mang những nét đẹp của thời đại, đó là vẻ đẹp về sức mạnh, lí tưởng, tâm hồn của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước xưa. Qua bài thơ, người đọc không chỉ thấy được bức tranh chiến đấu gian khổ, nhiều thiếu thốn, hiểm nguy mà còn thấy được nét kiên cường, chủ động, lạc quan của những người lính trong cuộc chiến gian khổ, nhiều hi sinh ấy. Hình ảnh những chiếc xe không kính và những người lính lái xe đã trở thành biểu tượng sáng ngời, bất diệt trong thơ ca cách mạng xưa, gợi nhắc cho chúng ta về một thời gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 4)

Từ một nhan đề độc đáo, ấn tượng ‘Bài thơ về tiểu đội xe không kính’, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khéo léo đưa người đọc hòa mình vào không khí chiến đấu của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn xưa. Trong không khí ấy, độc giả thấy được cái gian khó, hiểm nguy, thiếu thốn về mọi mặt của cuộc sống, chiến đấu, thế nhưng ấn tượng sâu sắc, sáng ngời nhất trong bài thơ không phải ở cái thiếu thốn về vật chất, hiểm nguy về tính mạng mà chính là vẻ đẹp kiên cường, lạc quan của người lính lái xe. Cùng với phương tiện là những chiếc xe không kính, người lính lái xe không chỉ mang theo quân lương, chi viện cho miền Nam mà còn chuyên chở tình yêu, lí tưởng và niềm tin của cả nước cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Như vậy có thể thấy bom đạn chiến tranh chỉ có thể làm cho những chiếc xe trở nên tàn tạ, có thể hủy diệt sự sống thể xác của con người mà không thể nào ngăn nổi tinh thần chiến đấu, niềm tin chiến thắng của con người Việt Nam.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 5)

Hôm nay đất nước đã hoà bình sau hơn 30 năm giải phóng Miền Nam. Con đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, đọc lại bài thơ này, chúng ta càng tự hào và khâm phục biết bao các chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn ngày trước cùng bộ đội Trường Sơn đã góp phần vào chiến thắng huy hoàng của dân tộc.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 6)

Với hình ảnh người chiến sĩ vận tải kiên cường, hùng dũng và đầy lạc quan, hóm hỉnh, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Và cái kết tinh đẹp nhất trong bài thơ ấy chính là tình đồng chí gắn bó và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 7)

Phạm Tiến Duật với lời thơ, chất thơ trẻ trung, ngang tàng, nghịch ngợm, có phần tếu táo đã làm cho bài thơ trở nên thật đặc biệt, rất có hồn. Ngôn từ giản dị, thơ mà có nhạc, trong nhạc có thơ, hình ảnh sáng tạo mà vẫn đầy chân thực... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên dấu ấn đặc trưng cho tác phẩm - in sâu trong tâm trí người đọc một thế hệ trẻ anh hùng. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ gian khổ, ác liệt.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 8)

TOP 12 mẫu Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Con đường chiến lược Trường Sơn là một chiến tích mang màu sắc huyền thoại của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã làm sống lại một thời gian khổ, oanh liệt của anh bộ đội Cụ Hồ. Chất anh hùng ca dào dạt bài thơ. Bài thơ cũng là một chứng tích tuyệt đẹp của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn anh hùng.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 9)

"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là bài thơ hay và độc đáo. Phát hiện được đề tài, nhà thơ đã khai thác mọi khía cạnh bất ngờ và thú vị. Giọng điệu thay đổi thích hợp, nhịp điệu luôn luôn biến hóa. Hình ảnh người chiến sĩ lái xe "Vì miền Nam phía trước" được khắc họa đậm nét, sinh động, nổi bật được cốt cách của những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 10)

Thực vậy bằng thể thơ tự do ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, giọng điệu pha chút ngang tàng, tinh nghịch, hình ảnh thơ chân thực, độc đáo " bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật" đã khắc họa thành công bức chân dung độc đáo về người chiến sĩ lái xe Trường Sơn với những nét đẹp về tâm hồn tình cảm, tinh thần của họ chính là tiêu biểu cho vẻ đẹp của những người lính anh bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng.

"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai"

Chúng ta mãi yêu mến, tự hào về họ - những con người đẹp nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 11)

Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một tác phẩm tự sự nhưng đậm chất trữ tình cách mạng. Nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh những chiến sĩ lái xe bằng tấm lòng cảm phục và mến thương sâu sắc. Họ là những con người tự nguyện dấn thân, vui trong gian khổ, chấp nhận hi sinh. Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên nhưng giàu sức gợi cảm, hình ảnh sáng tạo, độc đáo, nhịp thơ tự do, phóng khoáng… Tất cả những yếu tố đó làm nên cái hay, cái đẹp của bài thơ. Song điều quý giá nhất vẫn là cái tình, là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật để tìm tòi, phát hiện ra những hạt ngọc long lanh trong tâm hồn thế hệ trẻ anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (mẫu 12)

Chất giọng ấy bắt nguồn từ sức trẻ, từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam mà chính nhà thơ đã sống, đã trải nghiệm. Do đó không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho tác phẩm là Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Bài thơ, chất thơ toả ra từ thực tế cuộc chiến đấu, từ niềm vui cuộc sống của con người thời đại. Chất thơ ấy đi từ sự giản dị của ngôn từ, sự linh hoạt của nhạc điệu, sự sáng tạo bất ngờ của hình ảnh, chi tiết..., đã khắc hoạ đậm nét những vẻ đẹp phẩm giá con người, và cuối cùng cất bổng lên, hoà nhập với âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn của cả giai đoạn văn học Việt Nam trong ba thập kỉ chiến tranh chống xâm lược - từ năm 1945 đến năm 1975.

1 2,495 01/01/2024