Soạn bài Tản Viên từ Phán sự lục trang 15 (Kết nối tri thức)

Với soạn bài Tản Viên từ Phán sự lục Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 27209 lượt xem
Tải về


Soạn bài Tản Viên từ Phán sự lục

Bài giảng Tản Viên từ Phán sự lục 

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 15 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Bạn có thích đọc những truyện kể chứa đựng các yếu tố kì ảo không? Vì sao?

Trả lời:

- Tôi thích, vì những yếu tố tưởng tượng, kì ảo góp phần giúp câu chuyện kể hấp dẫn, sinh động. Ngoài ra, qua những yếu tố kì ảo, người đọc sẽ phần nào hiểu được suy nghĩ cũng như văn hóa, quan niệm hay cách suy nghĩ của người xưa.

Câu 2 (trang 15 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi chúng ta phải chứng kiến hoặc trải qua những sự việc ngang trái, bất công. Lúc đó, bạn cảm thấy như thế nào và mong muốn điều gì?

Trả lời:

- Khi đối diện với những sự việc ngang trái bất công, tôi chọn cách bình tĩnh và đứng lên đòi lại công bằng cho chính mình hoặc cho những người xung quanh.

* Đọc văn bản

1. Chú ý lời giới thiệu về nhân vật Tử Văn.   

- Lời giới thiệu về nhân vật Tử Văn: 

+ Tên: Soạn

+ Quê quán: người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang.

+ Tính cách: khảng khái, nóng nảy.

2. Tử Văn có những suy nghĩ, cảm xúc gì khi nghe câu chuyện của Thổ Công?

- Suy nghĩ, cảm xúc của Tử Văn khi nghe câu chuyện của Thổ Công:

+ Ban đầu, Tử Văn kinh ngạc vì người ban đầu mình nói chuyện không phải là thổ công.

+ Sau khi nghe câu chuyện của Thổ Công, Tử Văn vô cùng tức giận trước việc “hung yêu tác quái” của tên hung thần và quyết định hành động đốt đền trừ hại cho dân. 

+ Thể hiện qua các chi tiết: “Tử Văn kinh ngạc: “Sao mà nhiều thần quá vậy?”

3. Dự đoán kết quả cuộc đấu tranh của Tử Văn dưới cõi âm.   

- Cuộc đấu tranh của Tử Văn dưới cõi âm là cuộc đấu tranh cho chính nghĩa. Dự đoán cuộc đấu tranh ấy sẽ là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, tuy nhiên chiến thắng sẽ thuộc về chính nghĩa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

4. Sự việc nào có tác dụng xoay chuyển tình thế của cuộc xử án?

- Sự việc có tác dụng xoay chuyển tình thế của cuộc xử án là tình huống Tử Văn được thổ công dặn dò trước khi xuống Minh ty:“Hễ ở Minh ty có tra hỏi, thầy cứ khai ra những lời nói của tôi. Nếu hắn chối, thầy kêu xin tư giấy đến đên Tản Viên, tôi sẽ khai rõ thì nó phải đớ miệng”

5. Diễn biến và kết quả cuộc đấu tranh của Tử Văn có giống như suy đoán của bạn không?   

- Diễn biến và kết quả cuộc đấu tranh của Tử Văn giống như suy đoán của tôi.

- Kết quả của cuộc đấu tranh ở Minh ty của Ngô Tử Văn:

+ Bằng chính nghĩa và sự dũng cảm, cương trực đấu tranh cho chính nghĩa, cuối cùng Ngô Tử Văn đã chiến thắng.

+ Giải trừ được tai họa, đem lại an lành cho dân.

+ Diệt trừ tận gốc thế lực xâm lược tàn ác, làm sáng tỏ nỗi oan khuất và phục hồi danh vị cho Thổ thần nước Việt.

+ Tử Văn được tiến cử vào chức phán sự đền Tản Viên, đảm đương nhiệm vụ giữ gìn công lí.

6. Vì sao Tử Văn đồng ý nhận chức Phán sự đền tản Viên?    

Trả lời:

- Vì sự tin tưởng, biết ơn và tiến cử của Thổ Công, Ngô Tử Văn đã vui vẻ đồng ý nhận chức phán sự đền Tản Viên.

7. Ai là người đưa ra lời bình? Nội dung chính của lời bình là gì?     

-Lời bình cuối truyện là lời bình của chính tác giả. Lời bình ở cuối truyện hàm chứa ý nghĩa sâu xa về khí tiết của kẻ sĩ chân chính. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Hãy đấu tranh đến cùng chống lại cái xấu, cái ác. Chỉ có đấu tranh dũng cảm mới đem lại phần thắng cho chính nghĩa.

* Sau khi đọc 

Nội dung chính: Tản Viên từ Phán sự lục

 Văn bản Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn- một người trí thức nước Việt; đồng thời thể hiện niềm tin công lý, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà.

Soạn bài Tản Viên từ Phán sự lục | Hay nhất Soạn văn 10 Kết nối tri thức

Câu 1 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Xác định người kể chuyện trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên. Những lời kể nào giúp bạn có được sự hình dung ban đầu về tính cách của nhân vật Tử Văn?

Trả lời:

- Truyện được kể theo ngôi thứ ba, người kể chuyện là chính tác giả.

- Ngô Tử Văn được giới thiệu trực tiếp là một người “khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”.

Câu 2 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Nêu các sự kiện chính của câu chuyện. Các sự kiện đó được trình bày theo trình tự nào?

Trả lời:

- Các sự kiện chính của truyện:

+ Tử Văn châm lửa đốt đền của tên tướng giặc.

+ Tử Văn “thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét”, trong cơn mê man thấy tên hung thần đến trách mắng, đe dọa.

+ Thổ thần đến báo cho Tử Văn biết sự việc đã trở nên nghiêm trọng và bảo cho Tử Văn cách chuẩn bị đối phó.

+ Tử Văn bệnh nặng thêm, rồi bị quỷ sử bắt xuống Minh ty và khép vào tội chết. Tử Văn vẫn rất cứng cỏi, không bị khuất phục bởi những lời buộc tội oan.

+ Tử Văn được giải oan, giữ chức phán sử đền Tản Viên.

- Truyện được kể theo trình tự thời gian.

Câu 3 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Tóm tắt diễn biến câu chuyện xử án. Chỉ ra các yếu tố góp phần làm nên chiến thắng của Tử Văn trong phiên toà. Theo bạn, yếu tố nào đóng vai trò quyết định trong chiến thắng đó?

Trả lời:

- Tóm tắt diễn biến câu chuyện xử án tại Minh ty:

+ Tử Văn bị quỷ sứ bắt xuống Minh ty.

+ Tên tướng giặc vu khống, bịa đặt nhằm đẩy Tử Văn vào đường cùng.

+ Tử Văn vẫn rất cương quyết, cứng cỏi, không chịu nhún nhường.

+ Diêm Vương sai người đến đền Tản Viên để lấy chứng thực như đúng lời Tử Văn nói.

+ Tử Văn được trả lại công bằng, người đội mũ trụ bị bỏ vào ngục Cửu U.

- Có ba yếu tố làm nên chiến thắng của Tử Văn:

+ Yếu tố 1: Sự kiên định, cương trực, tin vào chính nghĩa của Ngô Tử Văn.

+ Yếu tố 2: Sự giúp đỡ của Thổ thần.

+ Yếu tố 3: Sự quyết định đúng đắn của Diêm Vương.

→ Yếu tố quyết định là yếu tố thứ nhất vì xuất phát từ chính bản thân Ngô Tử Văn

Câu 4 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Nhân vật Tử Văn được khắc hoạ chủ yếu qua những chi tiết nào? Chọn phân tích một số chi tiết tiêu biểu, từ đó, nhận xét khái quát về tính cách nhân vật này.

Trả lời:

Những chi tiết khắc họa nhân vật Ngô Tử Văn:

- Ngô Tử Văn được giới thiệu là một người “khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”.

- Tính cách của Tử Văn được thể hiện qua các chi tiết:

+ Sự tức giận trước việc “hưng yêu tác quái” của tên hung thần và hành động đốt đền trừ hại cho dân.

+ Thái độ điềm nhiên không khiếp sợ trước những lời đe dọa của tên hung thần.

+ Sự gan dạ trước bọn quỷ Dạ Xoa nanh ác và quang cảnh đáng sợ nơi cõi âm.

+ Thái độ cứng cỏi, bất khuất trước Diêm Vương đầy quyền lực.

→ Ngô Tử Văn tính tình nóng nảy nhưng là người ngay thẳng, cương trực, đại diện cho chính nghĩa.

Câu 5 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Sáng tạo chi tiết người đi đường gặp Tử Văn ngồi trên “xe quan Phán sự” và việc người đời sau truyền nhau về “nhà quan Phán sự”, tác giả muốn nhấn mạnh điều gì?

Trả lời:

- Chức phán sự đền Tản Viên dành cho Tử Văn có ý nghĩa làm tấm gương cho đời sau, khích lệ mọi người dũng cảm đấu tranh cho cái ác, bảo vệ công lí.

- Cuộc gặp gỡ của quan phán sự với người quen cũ thể hiện niềm tin tưởng của nhân dân vào vị quan tốt. Đồng thời, qua chi tiết này tác giả cũng muốn gửi gắm rằng: Những người chính trực sẽ luôn được kính trọng, lưu danh muôn đời.

Câu 6 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Thế giới thần linh, ma quỷ trong truyện là sản phẩm hư cấu nghệ thuật của Nguyễn Dữ. Khám phá thế giới đó, bạn hiểu thêm được điều gì về chủ đề của tác phẩm?

Trả lời:

 - Truyện phơi bày hiện thực đầy rẫy những bất công không chỉ trên cõi trần mà còn xuất hiện ngang nhiên ở cõi âm: kẻ ác được sung sướng, người lương thiện chịu oan ức; thánh thần ở cõi âm cũng tham quan.

→ Những hiện tượng tiêu cực ở cõi âm chính là hình chiếu cho những bất công trong xã hội đương thời.

Câu 7 (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Nêu quan niệm về kẻ sĩ được thể hiện trong lời bình cuối truyện. Bạn có đồng tình với quan niệm đó không? Vì sao?

Trả lời:

- Tôi đồng tình với quan niệm đó.

- Lời bình ở cuối truyện muốn nhấn mạnh đến lòng dũng cảm và bản lĩnh của con người. Qua lời bình có thể thấy lời nhắn nhủ của tác giả: Hãy đấu tranh đến cùng chống cái xấu, cái ác. Chỉ có đấu tranh dũng cảm mới đem lại phần thắng cho chính nghĩa.

* Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 20 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của câu chuyện trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên.

Đoạn văn tham khảo

Chi tiết nghệ thuật không kém phần quan trọng làm nên sức hấp dẫn của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là những chi tiết hoang đường kì ảo được đan xen trong truyện bao gồm sự thông linh giữa ba cõi trần – tiên - ma, gây hứng thú sâu sắc cho người đọc. Các chi tiết hoang đường như cảnh rùng rợn ở cõi âm, sự xuất hiện của các nhân vật dưới điện Diêm Vương tăng thêm phần kịch tính, mở ra một không gian truyện mới lạ, hấp dẫn. Việc xây dựng các nhân vật kỳ ảo như hồn ma tên tướng giặc họ Thôi, Diêm Vương, Thổ công là ý tưởng của tác giả về sự liên kết chặt chẽ giữa các thế giới thực và ảo, mỗi nhân vật là đại diện cho một thế lực trong xã hội, không chỉ đúng với cõi trần gian và giữa ba cõi tiên, âm, dương cũng đều đúng. Khi mà tên tướng giặc họ Thôi là đại diện cho cái ác, dối trá, lúc sống thì làm quân xâm lược, khi chết lại làm yêu quái, tham lam, đút lót hối lộ, phá hoại sự yên bình của cả ba giới. Thổ thần là tiên, đại diện cho bên thiện, nhưng bị cái ác chèn ép, phải cần có sự hỗ trợ của Tử Văn để lấy lại công bằng cho mình. Còn Diêm Vương là đại diện cho người phán xử, quyền lực, có năng lực phân xét đúng sai, trả lại công bằng cho cho người lương thiện, và trừng phạt kẻ ác. Sự xuất hiện của các nhân vật có mang yếu tố hoang đường kì ảo không chỉ đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm mà còn có ý nghĩa giáo dục con người rằng dù sống hay chết thì thế giới vẫn luôn có trật tự, thiện luôn thắng ác, con người dù ở cõi nào cũng phải hành xử đúng mực, chết không phải là đã kết thúc. Từ đó ta thấy được rằng tư tưởng răn đe và giáo dục mà Nguyễn Dữ muốn truyền tải cũng trở nên sâu sắc, ấn tượng hơn.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 9

Soạn bài Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới

Soạn bài Chữ người tử tù

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 28

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện

Soạn bài Củng cố và mở rộng trang 37

Soạn bài Thực hành đọc: Tê-dê trang 38

1 27209 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: