Soạn bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) trang 47 (Kết nối tri thức)

Với soạn bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 57496 lượt xem
Tải về


Soạn bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu)

Bài giảng Thu hứng (Cảm xúc mùa thu)

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 47 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Bạn đã được làm quen với một số bài thơ Đường luật trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở. Hãy chia sẻ ấn tượng của bạn về đặc điểm hình thức cũng như nội dung của những bài thơ thuộc thể loại này.

Trả lời:

- Ấn tượng về đặc điểm hình thức và nội dung của những bài thơ Đường luật đã học:

+ Về đặc điểm hình thức: những bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc thể thất ngôn bát cú Đường luật. Có quy luật vô cùng nghiêm khắc về luật, niêm và vần (theo bằng trắc) và có bố cục rõ ràng.

+ Về nội dung: có bốn phần là: Đề, Thực, Luận và Kết.

Câu 2 (trang 47 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Bạn đã bao giờ xa gia đình và thấy nhớ nhà? Nếu có thể, hãy chia sẻ trái nghiệm ấy của bạn.

Trả lời:

Năm lớp 9, tôi tham gia làm tình nguyện viên trong chuyến đi Mùa hè xanh của trường. Chuyến đi kéo dài 2 tuần, địa điểm dừng chân là Nghệ An – một nơi khá xa Hà Nội. Trong thời gian đó, tôi cảm thấy rất nhớ gia đình. Vì vậy, cuối ngày khi các công việc tình nguyện đã xong, tôi sẽ gọi điện về cho bố mẹ, kể về một ngày của mình. Điều đó cũng phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà của tôi.

* Đọc văn bản

1. Khung cảnh mùa thu được tái hiện trong bài thơ (màu sắc, không khí, trạng thái vận động của sự vật).

Khung cảnh mùa thu được tái hiện trong bài thơ:

- Qua màu sắc: màu trắng, xanh thẳm, màu bạc. Đây là những gam màu gợi cảm giác lạnh lẽo.

- Qua không khí: Không khí u ám, heo hút, ảm đạm và thê lương.

- Qua trạng thái vận động của sự vật: Sự vật được vận động theo trạng thái mạnh mẽ.

→ Mùa thu buồn và ảm đạm, được nhìn từ xa, rộng và bao quát, gợi nỗi sầu buồn, trầm uất.

2. Hãy nhận diện phép đối trong cả nguyên tác và bản dịch nghĩa trong các cặp câu thơ 3-4 và 5-6.

Phép đối trong cặp câu thơ 3-4: sóng – vọt lên tận trời (dưới thấp – cao), mây – sa sầm xuống mặt đất (cao – dưới thấp), qua đó không gian được mở rộng ra nhiều chiều:

- Chiều cao: sóng vọt lên lưng trời, mây sa sầm xuống mặt đất.

- Chiều sâu: sâu thẳm.

- Chiều xa: cửa ải.

→ Không gian mênh mông, mĩ lệ.

- Cặp câu thơ 5 – 6: Đối tùng cúc >< Cô chu; lưỡng khai >< nhất hệ ; tha nhật lệ >< cố viên tâm. Đối khóm cúc và con thuyền; “hai lần” với “lẻ loi”; “rơi nước mắt” và “nhớ về vườn cũ”

→ Đối cân chỉnh thể hiện tâm trạng của nhà thơ.

3. Âm thanh của tiếng dao thước may áo, tiếng chày đập vải gợi ra không khí gì?

- Âm thanh tiếng chày đập vải, tiếng dao thước khơi lên nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận của ông. Âm thanh ấy gợi không khí xót xa, gợi nỗi buồn, nỗi nhớ quê hương của tác giả.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Thu hứng

 Bài thơ là nỗi lòng riêng của Đỗ Phủ nhưng cũng chan chứa tâm sự yêu nước, thương đời. Bài thơ không chỉ thể hiện nỗi niềm, thân phận cá nhân của riêng nhà thơ. Bài thơ là tiếng lòng, là lời nói đầy tha thiết về nỗi buồn tủi của những con người xa quê, nhớ quê hương sâu sắc.

Soạn bài Thu hứng - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Mô tả một số đặc điểm cơ bản của thơ Đường luật (bố cục, cách gieo vần, luật bằng – trắc, phép đối) được thể hiện trong bài thơ Thu hứng.

Trả lời:

- Bố cục có thể chia thành 4 phần: đề - thực – luận – kết.

- Cách gieo vần: vần bằng ở câu 1-2-4-6-8: lâm - sâm – âm – tâm – châm.

- Luật bằng – trắc: tiếng thứ 2 thanh bằng thì tiếng thứ 4 thanh trắc, tiếng thứ 6 thanh bằng và dòng tiếp theo ngược lại:

Câu 1: T T B B T T B (v)

Câu 2: B B T T T B B (v)

Câu 3: B B T T B B T

Câu 4: T T B B T T B (v)

Câu 5: T T B B B T T

Câu 6: B B T T T B B (v)

Câu 7: B B T T B B T

Câu 8: T T B B T T B (v)

Ví dụ: Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

           T             B                  T

Câu 2 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Đối chiếu hai bản dịch thơ với nguyên văn (thông qua bản dịch nghĩa), từ đó, chỉ ra những chỗ hai bản dịch thơ có thể chưa diễn đạt hết sắc thái và ý nghĩa của nguyên văn.

Trả lời:

- So sánh bản dịch 1 với nguyên văn:

+ Câu thơ đầu, từ “điêu thương” là một tính từ đã được động từ hóa nhằm gợi hình ảnh bị tàn phá khắc nghiệt, sự điêu tàn của rừng phong. Nhưng trong bản dịch thơ thì hình ảnh này lại được thể hiện nhẹ nhàng hơn.

+ Câu 2: Từ “tiêu sâm” trong nguyên văn diễn tả sự tiêu điều, xơ xác, ảm đạm của khí thu, cảnh thu; cụm từ “khí thu lòa” trong bản dịch chỉ mang ý nghĩa nhạt nhòa, mờ ảo, chưa thể hiện hết ý nghĩa của từ này. Ngoài ra, bản dịch không dịch hai địa danh Vu sơn và Vu giáp.

+ Câu 3: từ “thẳm” làm cho âm hưởng thơ bị trầm xuống so với nguyên tác.

+ Câu 5: bản dịch bỏ mất chữ “lưỡng khai” chỉ số lần (2 lần), làm mất đi dụng ý mà nhà thơ muốn thể hiện trong nguyên tác.

+ Câu 6: bản dịch bỏ mất chữ “cô” chỉ sự lẻ loi, đơn độc, làm mất đi cảm xúc mà nhà thơ muốn truyền tải trong nguyên tác.

- So sánh bản dịch 2 với nguyên văn:

+ Câu thơ đầu của bản dịch 2 cũng giống bản dịch 1 đều chưa làm rõ ý sự tác động của sương giá, đã tàn phá dữ dội rừng phong và rừng cây phong là đối tượng chịu tác động.

+ Câu 2: Từ “tiêu sâm” trong nguyên văn diễn tả sự tiêu điều, tê tái, thảm đạm của khí thu, cảnh thu; cụm từ “khí thu dày” trong bản dịch chỉ đơn giản là miêu tả lại đặc điểm của không khí, không có sự cảm nhận của tâm trạng.

Câu 3 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Những hình ảnh và từ ngữ nào được dùng để gợi không khí cảnh thu trong bốn câu đầu của bài thơ? Khung cảnh mùa thu này có thể gợi cho bạn những ấn tượng gì?

Trả lời:

+ Những hình ảnh và từ ngữ được dùng để gợi không khí cảnh thu trong bốn câu đầu:

  - “Rừng phong lác đác, hạt móc sa”: gợi vẻ xơ xác, tiêu điều.

  - “Vu sơn, Vu giáp”: hẻm Vu hiểm trở, hùng vĩ dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt xuống lòng sông.

  - “Khí tiêu sâm”: hơi thu hiu hắt, ảm đạm.

- Hình ảnh đối lập: sóng vọt lên tận lưng trời - mây sa sầm xuống mặt đất: thể hiện sự chuyển động của sự vật từ trên cao xuống thấp.

→ Bức tranh thu rộng lớn nhưng xơ xác, tiêu điều.

+ Khung cảnh mùa thu gợi ấn tượng về một mùa thu xơ xác, ảm đạm thiên nhiên dữ dội cùng với tâm trạng buồn lo và sự bất an của nhà thơ trước hiện thực tiêu điều, âm u trước mắt.

Câu 4 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Qua các từ ngữ và hình ảnh ở hai câu thơ 5 – 6, người đọc có thể nhận biết được điều gì về nhân vật trữ tình?

Trả lời:

 Nhân vật trữ tình được thể hiện qua:

- Hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng:

+ Hoa cúc: hình ảnh ước lệ tượng trưng chỉ mùa thu.

+ Khóm cúc đã hai lần nở hoa: Có thể hiểu cách thứ nhất là khóm cúc nở ra làm rơi giọt nước mắt, cách thứ hai là khóm cúc nở ra giọt nước mắt.

+ “Cô phàm”: là phương tiện đưa tác giả trở về “cố viên”, đồng thời gợi thân phận lẻ loi, cô đơn, lênh đênh của tác giả.

- Cách sử dụng từ ngữ độc đáo, hàm súc, cô đọng:

+ “Lưỡng khai”: Nỗi buồn lưu cữu trải dài từ quá khứ đến hiện tại.

+ “Nhất hệ”: Dây buộc thuyền cũng là sợi dây ràng buộc mối tình nhà của tác giả.

+ “Cố viên tâm”: Một lòng hướng về quê cũ. Thân phận của kẻ tha hương đã khiến nỗi nhớ quê hương trong lòng nhà thơ lại dâng trào.

Câu 5 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Việc mô tả khung cảnh sinh hoạt của con người ở hai câu thơ kết có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình?

Trả lời:

- Hai câu thơ cuối với âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải bên sông trong bóng hoàng hôn đã đen đến cho bức tranh sinh hoạt nơi đây một chút niềm vui về sự sống. Tuy nhiên, niềm vui ấy không làm cho tâm hồn nhà thơ vui vẻ, mà trái lại, nó lại càng làm thi sĩ nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

→ Việc mô tả khung cảnh này có ý nghĩa rất lớn trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Câu 6 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Thu hứng được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt của cuộc đời Đỗ Phủ. Phải chăng tác phẩm chỉ thể hiện nỗi niềm thân phận cá nhân của nhà thơ?

Trả lời:

- Thu hứng được nhà thơ viết vào năm 766, khi ông đang đưa cả gia đình đi chạy loạn.

- Bài thơ không chỉ là tiếng lòng của riêng nhà thơ mà là tiếng lòng chung của tất cả những con người xa quê. Đó là nỗi nhớ thiết tha, tâm trạng buồn tủi, xót xa của họ khi phải tha hương.

Câu 7 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Có ý kiến cho rằng câu thơ nào trong bài thơ cũng thể hiện cảm xúc về mùa thu, nỗi niềm tâm sự của tác giả trong mùa thu. Bạn suy nghĩ gì về ý kiến này?

Trả lời:

- Trong bài thơ, 4 câu thơ đầu miêu tả khung cảnh mùa thu, 4 câu sau là những nỗi niềm tâm sự của nhà thơ.

- Vì vậy nên ý kiến trên là không chính xác.

* Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 49 SGK Ngữ văn 10 Tập 1): Những yếu tố làm nên đặc trưng và sức hấp dẫn của thơ Đường luật và thơ hai-cư có nhiều điểm gần gũi nhau. Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về những điểm tương đồng ấy.

Đoạn văn tham khảo

Điểm tương đồng của thơ hai – cư và thơ Đường luật chính là sự ngắn gọn, hàm súc của hai thể thơ này. Thơ hai-cư được mệnh danh là thể thơ ngắn nhất thế giới và cũng là thể thơ truyền thống trong văn chương Nhật Bản. Thơ Đường luật là thể thơ xuất phát từ Trung Quốc, thường có hai thể tiêu biểu là thơ thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú. Đặc biệt hơn, cả hai thể thơ đều thường viết về những cảm xúc của con người trước hình ảnh thiên nhiên. Thơ hai-cư với những dòng thơ ngắn gọn chỉ từ ba đến bảy chữ tả cảnh thiên nhiên trong sáng, nhẹ nhàng và từ cảnh thiên nhiên gợi lên những rung động, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nhà thơ Ba-sô, một thi sĩ nổi tiếng của văn học Nhật Bản đã viết ra bài thơ hai-cư miêu tả hình ảnh sợi dây gàu bên giếng hay hình ảnh con ốc sên trèo núi Fu - ji. Hình ảnh tuy giản dị nhưng lại gửi gắm trong đó tâm trạng nhà thơ. Ngoài ra còn đem đến cho người đọc nhiều triết lý về cuộc sống vô cùng sâu sắc. Còn thơ Đường luật cũng là thể thơ ngắn gọn với mỗi câu chỉ bảy chữ như bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ tả cảnh mà chan chứa nỗi niềm tâm sự. Từ cảnh thiên nhiên mùa thu cùng với cảnh sinh hoạt làng quê chuẩn bị đón đông đến, người đọc cũng cảm nhận được nỗi niềm thương nhớ quê hương và nỗi mong nhớ được về thăm quê của tác giả. Hai thể thơ tuy đến từ hai đất nước khác nhau những điểm tương đồng của chúng đều là tả cảnh thiên nhiên để gợi nên nhiều nỗi niềm.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 43

Soạn bài Chùm thơ hai-cư Nhật Bản

Soạn bài Mùa xuân chín

Soạn bài Bản hoà âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 58

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ

Soạn bài Củng cố và mở rộng trang 70

Soạn bài Thực hành đọc: Cánh đồng trang 71

1 57496 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: