Mẫu đơn xin vào Đảng và thủ tục, hồ sơ xin vào Đảng chuẩn quy định năm 2024

Vietjack.me giới thiệu mẫu Mẫu đơn xin kết nạp Đảng (Đơn xin vào Đảng) áp dụng cho các Bạn đang chuẩn bị được kết nạp vào Đảng cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuẩn quy định năm 2024 và hồ sơ, thủ tục xin kết nạp Đảng.

1 414 lượt xem


Mẫu đơn xin vào Đảng và thủ tục, hồ sơ xin vào Đảng chuẩn quy định năm 2024

I. Điều kiện kết nạp Đảng

Để được kết nạp vào Đảng, người Đảng viên dự bị phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam như sau:

“Điều 1.

1. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.

2. Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện : thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.

Điều 2. Đảng viên có nhiệm vụ:

1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.

2. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

4. Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.”

Theo đó, có thể hiểu để trở thành một đảng viên bạn phải:

- Là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên

- Có trình độ học vấn từ tốt nghiệp THCS trở lên;

- Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng;

- Được hai Đảng viên chính thức giới thiệu. Được nhân dân tín nhiệm

- Dự bị Đảng viên trong vòng 12 tháng trước khi được kết nạp chính thức…

Như vậy, theo các quy định trên, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện trên thì sẽ được xem xét kết nạp Đảng.

II. Hướng dẫn viết đơn xin vào Đảng chuẩn quy định mới nhất 2024

1. Hướng dẫn viết đơn xin vào Đảng

Cũng giống với các văn bản thông thường, đơn xin kết nạp vào Đảng cũng được trình bày thành 3 phần cơ bàn

Phần mở đầu: Ở đây người viết cần trình bày theo đúng cỡ chữ và hình thức theo mẫu văn bản hướng dẫn

- Lưu ý đơn xin vào Đảng thì không có phần Quốc hiệu và tiêu ngữ, thay vào đó là “Đảng Cộng Sản Việt Nam”

- Phần kính gửi ghi tên cả Đảng ủy và chi bộ nơi nộp đơn xin kết nạp Đảng. Trong đó có thể hiểu Đảng ủy chính là nơi giới thiệu để cá nhân có cơ hội được kết nạp vào Đảng.

- Sau khi được kết nạp, Đảng viên sẽ trực tiếp sinh hoạt tại một trong những chi bộ thuộc Đảng ủy đó

Phần nội dung: Đây được coi là phần quan trọng nhất của tờ đơn, thông qua đây mà chi bộ sẽ có đánh giá ban đầu về những điều kiện xét duyệt Đảng viên đồng thời thể hiện được sự mong muốn, quyết tâm của người làm đơn khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng

Trong đơn xin kết nạp Đảng thì nội dung được chia ra thành 4 phần nhỏ, gồm:

- Giới thiệu bản thân: Đây là phần sẽ đánh giá về các điều kiện cơ bản của một Đảng viên. Do vậy ở đây cá nhân phải ghi đầy đủ và chính xác các thông tin gồm:

+ Họ và tên

+ Ngày tháng năm sinh

+ Nơi sinh, quê quán

+ Trình độ học vấn

+ Nghề nghiệp, đơn vị công tác

+ Chức vụ chính quyền, đoàn thể

- Kết quả nhận thức của bản thân sau quá trình nghiên cứu về Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Đây là phần mà cá thân sẽ thể hiện sự hiểu biết của mình về Đảng

+ Nội dung phần này trả lời cho các câu hỏi: Đảng Cộng sản Việt Nam là gì? Mục đích hoạt động của Đảng? Nền tảng hoạt động của Đảng? Nguyên tắc hoạt động và tổ chức

+ Nêu Đảng thể hiện vai trò như thế nào trong đời sống nhân dân hiện nay

Phần kết: Là lời hứa của cá nhân khi được kết nạp vào Đảng:

+ Cá nhân cần viết những lời hứa để thể hiện được sự quyết tâm và trung thành của bản thân như: “Tuyệt đối trung thành với Đảng”, “Không ngừng rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn”

+ Đặc biệt là thể hiện được sự tự nguyện: Tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ của Đảng; tự nguyện viết đơn xin gia nhập Đảng; tự nguyện trung thành với lý tưởng và mục tiêu cách mạng của Đảng

- Cuối đơn, cá nhân viết đơn phải ghi rõ ngày tháng làm đơn, ký tên và ghi rõ họ tên

2. Mẫu đơn xin vào Đảng

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

ĐƠN XIN VÀO ĐẢNG

             Kính gửi: Chi uỷ:…….

                             Đảng uỷ:……

Tôi là:……. sinh ngày……..tháng………năm……

Nơi sinh:…..

Quê quán:……

Dân tộc:…..Tôn giáo…….

Trình độ học vấn:…..

Nơi ở hiện nay:…..

Nghề nghiệp…….

Đơn vị công tác:……

Chức vụ chính quyền, đoàn thể:……

Vào Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày……..tháng…….năm……tại….

Được chi bộ xét là cảm tình Đảng ngày……tháng……năm……..tại chi bộ…….

Qua nghiên cứu Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; được sự giáo dục, bồi dưỡng của chi bộ và của Đoàn (nếu có) tôi đã nhận thức được:

 – Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của Giai cấp Công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của Giai cấp Công nhân, nhân dân lao động và của cả Dân tộc Việt Nam.

– Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

– Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng là Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

– Đảng là tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng.

– Vai trò, trách nhiệm của Đảng là cầm quyền trong hệ thống chính trị và trong mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

– Đảng kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân toàn thế giới.

– Đảng cộng sản Việt Nam được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Tự ý thức là một cán bộ công chức luôn luôn phấn đấu, rèn luyện xây dựng cho bản thân một động cơ đúng đắn, một mục đích là góp công sức vào mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đề ra. Bên cạnh đó, thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân thực dụng, gương mẫu trong mọi công việc.

Với nguyện vọng là được trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam để góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước, xây dựng sự nghiệp cách mạng trong thời kì mới. Trong quá trình công tác, bản thân tôi luôn tu dưỡng, rèn luyện, phẩm chất đạo đức, giữ gìn lối sống trong sáng, lành mạnh, tác phong đúng mực, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành mọi nghị quyết của Đảng, đường lối chính sách của Nhà nước.

*Nếu được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi xin hứa:

1. Tuyệt đối trung thành với đường lối lãnh đạo của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Luôn có tinh thần Quốc tế Vô sản trong sáng, cao quý, Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.

3. Luôn học tập để nâng cao trình độ, luôn dựa vào quần chúng, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn.

4. Luôn luôn đấu tranh, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, bè phái và những kẻ cơ hội mượn danh Đảng để làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong lòng quần chúng.

Tôi nguyện trung thành với lý tưởng và mục tiêu cách mạng của Đảng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

                     ……., ngày…….tháng…….năm 20……..

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(Ký và ghi rõ họ và  tên)

3. Lưu ý khi viết mẫu đơn xin kết nạp Đảng:

Đặc điểm của mẫu Đơn xin vào Đảng:

– Mẫu đơn thể hiện mong muốn vào Đảng

– Nội dung ngắn gọn súc tích

– Chủ yếu là các thông tin cá nhân

– Thể hiện nguyện vọng nghiêm túc của bạn

– Đơn xin vào Đảng sẽ vinh dự dành cho những ai sắp được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam sau một quá trình rèn luyện và phấn đấu. Viết đơn xin vào đảng là bạn sẽ thể hiện và trình bày nguyện vọng thiết tha được vào Đảng, đồng thời tự ý thức và hứa hẹn sẽ luôn trau dồi nhân cách cho bản thân, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Mẫu đơn xin vào Đảng thường được đi kèm với các mẫu giấy tờ khác như: bản khai lý lịch cá nhân có sự thẩm tra kỹ, mẫu giấy giới thiệu người vào Đảng, ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể đối với người xin vào Đảng…

  Mẫu đơn xin vào đảng viết tay hay đánh máy đều có giá trị như nhau, tuy nhiên tùy theo yêu cầu của từng chi bộ đảng mà người xin kết nạp đảng có thể chuẩn bị mẫu đơn xin vào đảng viết tay hoặc đánh máy để tiết kiệm thời gian.

– Khi viết đơn xin vào Đảng, người khai cần trình bày đầy đủ các thông tin về lý lịch trích ngang của bản thân, còn những thông tin chi tiết sẽ được theo dõi trong sơ yếu lý lịch của mỗi người. Lưu ý là viết đơn cần rất cẩn thận, không nên tẩy xóa, gạch, viết 2 màu mực, viết hoa tùy ý… vì mỗi nét bút của bạn đều thể hiện con người bạn và để người khác tôn trọng, nhìn nhận bạn là con người như thế nào. Cũng như nhiều loại đơn từ khác, đơn xin vào Đảng có thể viết tay hoặc đánh máy nhưng phải có quy chuẩn riêng của từng cách soạn đơn.

– Đơn xin vào Đảng có một phần nội dung quan trọng là phần trình bày hiểu biết về Đảng, bao gồm khái niệm và định nghĩa tổng qua về Đảng Cộng sản Việt Nam, mục đích hoạt động của Đảng, nền tảng tư tưởng của Đảng, nguyên tắc tổ chức Đảng, vai trò, trách nhiệm của Đảng, nhiệm vụ của Đảng trong xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, các đối tượng kết nạp Đảng phải tự ý thức về việc rèn luyện bản thân, trình bày nguyện vọng của mình khi được vào đội ngũ của Đảng. Cuối cùng là lời hứa, lời tuyên thệ sẽ thực hiện những gì khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

– Bạn tham khảo bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của Đảng viên cũng là một tài liệu được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những đối tượng là đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ đảng khác nhau, nội dung của bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của Đảng viên nhấn mạnh đến những nghĩa vụ mà các Đảng viên cần phấn đấu thực hiện để trở thành công dân gương mẫu.

III. Thủ tục kết nạp Đảng

1. Hồ sơ xét kết nạp Đảng

Tại Hướng dẫn 09-HD/BTCTW năm 2017 có quy định cụ thể về hồ sơ của đảng viên gồm:

- Giấy chứng nhận đã hoàn thành xong lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng

- Đơn xin vào Đảng

- Lý lịch của người xin vào Đảng đã thông qua phần thẩm tra

- Giấy giới thiệu của Đảng yêu được phân công giúp đỡ

- Đơn nhận xét của đoàn thể nơi cá nhân trực tiếp sinh hoạt

- Nhận xét của đoàn thể và nơi cư trú

- Giấy chứng nhận cảm tình Đảng

- Biên bản họp chi bộ xét kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và Nghị quyết

- Nghị quyết xét đề nghị kết nạp đảng viên của Đảng bộ và Chi bộ

2. Quy trình kết nạp đảng

Để trở thành một nội dung chính thức, Đảng viên phải trải qua quy trình sau:

Bước 1: Học lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng

Bước 2: Họp và giới thiệu vào Đảng

Bước 3: Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét kết nạp Đảng

Bước 4: Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

Người muốn vào Đảng lý lịch của mình gồm bản thân và người thân của người muốn vào Đảng (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) và sau đó sẽ được thẩm tra lý lịch Đảng theo bản tự khai

Bước 5: Xét kết nạp

Sau khi được thẩm tra lý lịch, chi bộ sẽ tiến hành họp để ra đề nghị kết nạp Đảng viên.

Bước 6: Tổ chức lễ kết nạp

Trong thời hạn 30 ngày làm việc.

Bước 7: Đảng viên trải qua thời gian dự bị

Thời gian làm Đảng viên dự bị là 12 tháng tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.

Bước 8: Chuyển Đảng chính thức

Kể từ ngày Đảng viên hết 12 tháng dự bị, trong thời hạn 30 ngày làm việc, chi bộ phải xét và đề nghị công nhận chính thức cho Đảng viên. Nếu không đủ điều kiện thì đề nghị cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định xóa tên.

3. Quy trình thẩm tra về lý lịch của người xin vào Đảng

Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:

- Người vào Đảng.

- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

Nội dung thẩm tra, xác minh

- Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

- Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phương pháp thẩm tra, xác minh

- Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: Cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh.

- Nếu vợ (chồng) người vào Đảng đang là đảng viên hoặc có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: Cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng).

- Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; Khi cấp ủy cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.

- Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn...) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi ủy báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp ủy cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.

- Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.

- Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp ủy cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.

- Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì: Cấp ủy nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp ủy hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng ủy Bộ Ngoại giao) để lấy xác nhận; trường hợp chưa rõ về chính trị thì đến cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi tổ chức đó để thẩm tra.

- Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì: Đại diện cấp ủy cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này.

Trách nhiệm của các cấp ủy và đảng viên

- Trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng:

+ Kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào Đảng (chi ủy chưa nhận xét và cấp ủy cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch).

+ Gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra.

Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp ủy những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.

+ Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào Đảng.

- Trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch:

+ Chỉ đạo chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi ủy) và cơ quan trực thuộc có liên quan xác nhận vào lý lịch người xin vào Đảng.

+ Cấp ủy cơ sở nơi đến thẩm tra:

Thẩm định, ghi nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp ủy nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch;

Tập thể cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy thống nhất nội dung ghi vào mục “Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng...” ở phần cuối bản “Lý lịch của người xin vào Đảng”.

Người thay mặt cấp ủy xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ, đóng dấu vào lý lịch và gửi cho cấp ủy cơ sở có yêu cầu; nếu gửi theo đường công văn thì không để chậm quá 30 ngày làm việc (ở trong nước), 90 ngày làm việc (ở ngoài nước) kể từ khi nhận được công văn đề nghị thẩm tra lý lịch.

+ Tập thể lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi được yêu cầu thẩm tra lý lịch thống nhất về nội dung trước khi xác nhận vào lý lịch của người xin vào Đảng.

V. Các trường hợp không được kết nạp đảng

Không phải trường hợp nào cũng được xem xét kết nạp Đảng, nếu cá nhân đó vi phạm một trong các quy định về lý lịch của người vào Đảng thì không được kết nạp Đảng.

Tại mục 3, điểm 3.2, Hướng dẫn số 04 của Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề lý lịch của người vào Đảng nêu rõ:

+ Đối với bản thân người vào Đảng, cần làm rõ vấn đề lịch sử chính trị, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

+ Đối với cha mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ, vợ hoặc chồng cần làm rõ vấn đề lịch sử chính trị, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở quê quán, nơi làm việc, nơi cư trú do cấp ủy cơ sở xác nhận.

Theo Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, tại khoản 2 Điều 2 (về quan hệ gia định) đã quy định, người vào Đảng có người thân vi phạm một trong các điều sau đây thì không được kết nạp:

“Có cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng:

2.1. Đã làm tình báo, gián điệp, chỉ điểm, mật báo viên, cộng tác viên hoặc làm việc cho cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát đặc biệt của địch.

2.2. Tham gia bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của địch có tội ác với cách mạng, với nhân dân; giữ chức vụ ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thư ký hoặc tương đương của các đảng phái, tổ chức chính trị phản động, đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội do địch lập ra từ cấp xã và tương đương trở lên.”

Trên đây, Vietjack.me đã gửi tới các bạn Mẫu đơn xin vào Đảng chuẩn năm 2024 cùng hướng dẫn cách viết chi tiết để các bạn hoàn thiện thủ tục xin vào Đảng của mình.

1 414 lượt xem