Lý thuyết Địa lí 12 Bài 24 (mới 2024 + Bài Tập): Vấn đề phát triển ngành thuỷ sản và lâm nghiệp

Tóm tắt lý thuyết Địa lí 12 Bài 24: Vấn đề phát triển ngành thuỷ sản và lâm nghiệp ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Địa lí 12 Bài 24.

1 6,343 21/12/2023


Lý thuyết Địa lí 12 Bài 24: Vấn đề phát triển ngành thuỷ sản và lâm nghiệp

Bài giảng Địa lí 12 Bài 24: Vấn đề phát triển ngành thuỷ sản và lâm nghiệp

1. Ngành thủy sản

a) Những điều kiện thuận lợi và khó khăn để phát triển ngành thuỷ sản

* Thuận lợi

- Bờ biển dài 3260 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn.

- Nguồn lợi hải sản khá phong phú: tổng trữ lượng khoảng 3,9-4,0 triệu tấn, có hơn 2000 loài cá, 1647 loài giáp xác,…

- Có 4 ngư trường trọng điểm: Cà Mau - Kiên Giang; Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu; Hải Phòng - Quảng Ninh; quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.

- Dọc bờ biển có bãi triều, đầm phá, cánh rừng ngập mặn thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nước lợ.

- Ở một số hải đảo có các rạn đá, là nơi tập trung nhiều thủy sản có giá trị kinh tế,...

- Ven bờ có nhiều đảo và vụng, vịnh, các bãi cá đẻ.

- Có nhiều sông suối, kênh rạch, ao hồ, ở vùng đồng bằng có các ô trũng có thể nuôi thả cá, tôm nước ngọt.

- Nhân dân có kinh nghiệm và truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.

- Các phương tiện tàu thuyền, ngư cụ được trang bị ngày càng tốt.

- Các dịch vụ thủy sản và chế biến thuỷ sản được mở rộng.

- Thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng.

- Sự đổi mới chính sách của Nhà nước về phát triển ngành thuỷ sản.

* Khó khăn

- Nhiều thiên tai tự nhiên: bão, áp thấp nhiệt đới,…

- Tàu thuyền, các phương tiện đánh bắt nói chung còn chậm được đổi mới.

- Hệ thống các cảng cá còn chưa đáp ứng yêu cầu.

- Công nghiệp chế biến còn nhiều hạn chế.

- Ở một số vùng ven biển, môi trường bị suy thoái và nguồn lợi thủy sản cũng bị đe dọa suy giảm.

b) Sự phát triển và phân bố ngành thuỷ sản

SẢN LƯỢNG VÀ CƠ CẤU GIÁ TRỊ SẢN XUẤT THUỶ SẢN CỦA NƯỚC TA QUA CÁC NĂM

* Tình hình chung

- Sản lượng thủy sản năm 2019 hơn 8,3 triệu tấn, lớn hơn sản lượng thịt cộng lại từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Nuôi trồng thủy sản chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu sản xuất và giá trị sản lượng thủy sản.

* Khai thác thuỷ sản

- Sản lượng khai thác hải sản năm 2019 đạt 3.777,7 nghìn tấn.

- Tất cả các tỉnh giáp biển đều đẩy mạnh đánh bắt hải sản, nhưng nghề cá có vai trò lớn hơn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

- Các tỉnh dẫn đầu về sản lượng đánh bắt là Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận và Cà Mau.

* Nuôi trồng thủy sản

BẢNG SỐ LIỆU VỀ SẢN LƯỢNG TÔM NUÔI, CÁ NUÔI PHÂN THEO VÙNG CỦA NƯỚC TA QUA CÁC NĂM (Đơn vị: Nghìn tấn)

- Nuôi tôm

+ Nghề nuôi tôm nước lợ và tôm càng xanh phát triển mạnh.

+ Kĩ thuật nuôi tôm đi từ quảng canh sang quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh công nghiệp.

+ Phân bố: Đồng bằng sông Cửu Long. Nghề nuôi tôm cũng đang phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh duyên hải.

+ Tính đến năm 2019, sản lượng tôm nuôi là 899,8 nghìn tấn.

- Nuôi cá nước ngọt

+ Phân bố: Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, nổi bật là tỉnh An Giang.

+ Tính đến năm 2019, sản lượng cá nuôi đã lên tới 3.137,2 triệu tấn.

Nuôi tôm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

2. Ngành lâm nghiệp

a) Ngành lâm nghiệp ở nước ta có vai trò về mặt kinh tế và sinh thái

Lâm nghiệp có vị trí đặc biệt trong cơ cấu kinh tế của hầu hết các vùng lãnh thổ do nước ta 3/4 diện tích là đồi núi, lại có vùng rừng ngập mặn ven biển.

Việt Nam tăng cường trồng và phát triển rừng

b) Sự phát triển và phân bố ngành lâm nghiệp

Các hoạt động lâm nghiệp bao gồm: lâm sinh (trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng) và khai thác, chế biến gỗ, lâm sản.

* Trồng rừng

- Cả nước có khoảng 2,5 triệu ha rừng trồng tập trung, trong đó chủ yếu là rừng làm nguyên liệu giấy, rừng gỗ trụ mỏ, thông nhựa,... rừng phòng hộ.

- Hàng năm, cả nước trồng trên dưới 200 nghìn ha rừng tập trung.

* Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản

- Khai thác: khoảng 2,5 triệu m3 gỗ, khoảng 120 triệu cây tre luồng và gần 100 triệu cây nứa.

- Các sản phẩm gỗ: gỗ tròn, gỗ xẻ, ván sàn, đồ gỗ, gỗ lạng và gỗ dán.

- Công nghiệp bột giấy và giấy được phát triển. Lớn nhất là nhà máy giấy Bãi Bằng (tỉnh Phú Thọ), Liên hiệp giấy Tân Mai (Đồng Nai).

- Rừng còn được khai thác để cung cấp nguồn gỗ củi và than củi.

Liên hiệp giấy Tân Mai, Đồng Nai

Trắc nghiệm Địa lí 12 Bài 24: Vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp

I. Nhận biết

Câu 1: Vùng nào sau đây có nghề nuôi tôm phát triển nhất nước ta?

A. Duyên hải Nam Trung Bộ.

B. Đồng bằng sông Hồng.

C. Đồng bằng sông Cửu Long.

D. Bắc Trung Bộ.

Đáp án: C

Giải thích: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm lớn nhất nước ta.

Câu 2: Nghề nuôi cá ba sa trong lồng bè phát triển mạnh trên các sông nào của nước ta?

A. Sông Hồng, sông Thái Bình.

B. Sông Mã, sông Cả.

C. Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.

D. Sông Tiền, sông Hậu.

Đáp án: D

Giải thích: Cá ba sa trong lồng bè phát triển mạnh trên các sông Tiền, sông Hậu với sản lượng cá nuôi là 179.000 tấn (năm 2005).

Câu 3: Nhận xét nào sau đây không đúng với hoạt động khai thác thủy sản ở nước ta?

A. Khai thác thủy sản nội địa chiếm tỉ trọng nhỏ.

B. Sản lượng khai thác luôn cao hơn nuôi trồng.

C. Sản lượng khai thác cá biển chiếm tỉ trọng lớn.

D. Khai thác xa bờ đang được đẩy mạnh.

Đáp án: B

Giải thích:

- A Đúng: Khai thác thủy sản nội địa chiếm tỉ trọng nhỏ.

- B Sai: Sản lượng nuôi trồng luôn cao hơn khai thác (bảng 24.1 trang 102 - Địa 12).
- C Đúng: Sản lượng khai thác cá biển chiếm tỉ trọng lớn.

- D Đúng: Khai thác xa bờ đang được đẩy mạnh.

Câu 4: Điều kiện nào không phải là yếu tố thuận lợi để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở nước ta?

A. Vùng biển rộng, giàu tài nguyên khoáng sản.

B. Có nhiều ngư trường.

C. Có nhiều bão, áp thấp và các đợt không khí lạnh.

D. Nhiều vũng, vịnh, đầm phá ven bờ.

Đáp án: C

Giải thích:

- A Đúng: Vùng biển rộng, giàu tài nguyên khoáng sản.

- B Đúng: Có nhiều ngư.

- C Sai: Đây là khó khăn trong việc phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở nước ta.

- D Đúng: Nhiều vũng, vịnh, đầm phá ven bờ.

Câu 5: Vùng nào sau đây có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất nước ta?

A. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

B. Vùng Đông Nam Bộ.

C. Vùng đồng bằng sông Hồng.

D. Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đáp án: D

Giải thích: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất cả nước.

Câu 6: Khó khăn lớn nhất về tự nhiên với phát triển ngành thủy sản nước ta là

A. bão.

B. lũ lụt.

C. hạn hán.

D. sạt lở bờ biển.

Đáp án: A

Giải thích: Hàng năm, có tới 9 – 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông và khoảng 30 -35 đợt gió mùa Đông Bắc gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, hạn chế số ngày ra khơi.

Câu 7: Vùng nào sau đây có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để nuôi trồng thuỷ sản?

A. Đồng bằng sông Cửu Long.

B. Bắc Trung Bộ.

C. Duyên hải Nam Trung Bộ.

D. Trung du miền núi Bắc Bộ.

Đáp án: A

Giải thích: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất cả nước chủ yếu là do có nhiều bãi triều, diện tích mặt nước lớn.

Câu 8: Thế mạnh vượt trội để phát triển mạnh ngành thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long so với các vùng khác là

A. khai thác thủy sản.

B. chế biến thủy sản.

C. nuôi trồng thủy sản.

D. bảo quản thủy sản.

Đáp án: C

Giải thích: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất cả nước.

Câu 9: Nghề nuôi tôm được phát triển mạnh nhất ở vùng nào sau đây?

A. Đồng bằng sông Cửu Long.

B. Duyên hải Nam Trung Bộ.

C. Bắc Trung Bộ.

D. Đồng bằng sông Hồng.

Đáp án: A

Giải thích: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất cả nước chủ yếu là do có nhiều bãi triều, diện tích mặt nước lớn.

Câu 10: Nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh nhất ở các vùng nào sau đây?

A. Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

B. Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

C. Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ.

D. Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Đáp án: A

Giải thích: Vùng có nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh nhất nước ta là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Địa Lí lớp 12 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 25: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

Lý thuyết Bài 26: Cơ cấu ngành nông nghiệp

Lý thuyết Bài 27: Vấn đề phát triển của một số ngành công nghiệp trọng điểm

Lý thuyết Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp

Lý thuyết Bài 30: Vấn đề phát triển ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc

1 6,343 21/12/2023