Lý thuyết Địa lí 12 Bài 25 (mới 2024 + Bài Tập): Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

Tóm tắt lý thuyết Địa lí 12 Bài 25: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Địa lí 12 Bài 25.

1 2,649 21/12/2023


Lý thuyết Địa lí 12 Bài 25: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

1. Các nhân tố tác động tới tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở nước ta

- Sự tác động tổng hợp của nhiều nhân tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, kĩ thuật, lịch sử,... lên các hoạt động nông nghiệp trên các vùng lãnh thổ khác nhau của nước ta là cơ sở cho tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.

- Sự phân hóa các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tạo ra cái nền của sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp. Trên nền chung ấy, các nhân tố kinh tế - xã hội, kĩ thuật, lịch sử,... có tác động khác nhau.

- Trong điều kiện của nền kinh tế tự cấp tự túc, sản xuất nhỏ thì sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp bị chi phối chủ yếu bởi các điều kiện tự nhiên. Khi nông nghiệp trở thành nền sản xuất hàng hóa, thì các nhân tố kinh tế - xã hội tác động rất mạnh, làm cho tổ chức lãnh thổ nông nghiệp chuyển biến.

2. Các vùng nông nghiệp ở nước ta

- Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp nước ta được xác định theo 7 vùng nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

- Các vùng nông nghiệp: Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Những thay đổi trong tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở nước ta

a) Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp của nước ta trong những năm qua thay đổi theo hai xu hướng chính

- Tăng cường chuyên môn hóa sản xuất. Phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu.

- Đẩy mạnh đa dạng hóa nông nghiệp, đa dạng hóa kinh tế nông thôn.

b) Kinh tế trang trại có bước phát triển mới, thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa

SỐ LƯỢNG VÀ CƠ CẤU TRANG TRẠI PHÂN THEO LOẠI HÌNH SẢN XUẤT CỦA NƯỚC TA QUA CÁC NĂM

- Kinh tế trang trại ở nước ta phát triển từ kinh tế hộ gia đình, nhưng từng bước đã đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hóa.

- Các loại hình trang trại: nuôi trồng thủy sản (tăng nhanh nhất); chăn nuôi; cây công nghiệp lâu năm, hàng năm (có xu hướng giảm tỉ trọng trong cơ cấu).

- Phân bố: phân bố không đều giữa các vùng, tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (có xu hướng tăng nhanh).

BIỂU ĐỒ SỐ LƯỢNG TRANG TRẠI PHÂN THEO NĂM THÀNH LẬP TRANG TRẠI VÀ PHÂN THEO VÙNG CỦA NƯỚC TA

Trắc nghiệm Địa lí 12 Bài 25: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

I. Nhận biết

Câu 1: Vùng nông nghiệp nào sau đây có trình độ thâm canh cây công nghiệp cao nhất?

A. Đồng bằng sông Hồng.

B. Bắc Trung Bộ.

C. Đông Nam Bộ.

D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đáp án: C

Giải thích: Đông Nam Bộ là vùng có trình độ thâm canh cây công nghiệp cao nhất.

Câu 2: Khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng đất của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là

A. bão, lũ.

B. thiếu nước vào mùa khô.

C. thời tiết không ổn định.

D. trượt lở đất.

Đáp án: B

Giải thích: Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng dễ bị hạn hán về mùa khô. Do mùa khô sâu sắc, tình trạng xâm nhập mặn gây trở ngại cho sử dụng đất, thiếu nước ngọt dẫn đến thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, thiếu nước để thau chua rửa mặn đất đai.

Câu 3: Hình thức sản xuất chủ yếu nào sau đây đưa nông nghiệp nước ta lên nền sản xuất hàng hóa?

A. Hợp tác xã.

B. Nông trường.

C. Hộ gia đình.

D. Trang trại.

Đáp án: D

Giải thích: Hiện nay, nông nghiệp nước ta đang phát triển chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp. Nhằm thúc đẩy sản xuất nông lâm và thủy sản theo hướng hàng hóa.

Câu 4: Đặc điểm nào sau đây không đúng với điều kiện sinh thái nông nghiệp ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ?

A. Thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.

B. Thường có nạn cát bay, gió Lào.

C. Đồng bằng hẹp, khá màu mỡ.

D. Dễ bị hạn hán vào mùa khô.

Đáp án: B

Giải thích: Dựa vào bảng 25.1 sgk trang 107-108 và Atlat Địa lí, đặc điểm sinh thái nông nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là Đồng bằng hẹp, đất khá màu mỡ, có nhiều vùng biển để nuôi trồng thuỷ sản, dễ bị hạn hán vào mùa khô.

Câu 5: Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về diện tích gieo trồng cây công nghiệp nào sau đây?

A. Cao su.

B. Cà phê.

C. Dừa.

D. Chè.

Đáp án: A

Giải thích: Cao su được trồng chủ yếu trên đất bazan và đất xám bạc màu trên phù sa cổ ở Đông Nam Bộ

Câu 6: Vùng nông nghiệp Đông Nam Bộ không có hướng chuyên môn hóa nào dưới đây?

A. Khai thác thủy sản.

B. Chăn nuôi bò sữa, gia cầm.

C. Nuôi trồng thủy sản.

D. Trồng cây công nghiệp hàng năm.

Đáp án: A

Giải thích: Đông Nam Bộ không có hướng chuyên môn hóa về khai thác thủy sản (dựa vào bảng 25.1 sgk trang 107-108 và Atlat Địa lí)

Câu 7: Duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng nổi bật nhất trong phát triển ngành/hoạt động kinh tế nào sau đây?

A. Kinh tế biển.

B. Sản xuất lương thực.

C. Thủy điện.

D. Khai thác và chế biến khoáng sản.

Đáp án: A

Giải thích: Duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng nổi bật nhất trong phát triển ngành kinh tế biển do có nhiều điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội thuận lợi cho việc phát triển.

Câu 8: Các cây trồng nào sau đây không phải chuyên môn hóa của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Trâu, bò lấy thịt và sữa, lợn .

B. Cây ăn quả, cây dược liệu.

C. Đậu tương, lạc, thuốc lá.

D. Cao su, cà phê, điều.

Đáp án: D

Giải thích: Cao su, cà phê, điều không phải chuyên môn hóa của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (dựa vào bảng 25.1 sgk trang 107-108 và Atlat Địa lí).

Câu 9: Đặc điểm nào sau đây không đúng với điều kiện sinh thái của vùng đồng bằng sông Hồng?

A. Rừng ngập mặn với diện tích lớn.

B. Có mùa đông lạnh.

C. Đồng bằng châu thổ có nhiều ô trũng.

D. Đất phù sa màu mỡ.

Đáp án: A

Giải thích: Rừng ngập mặn với diện tích lớn không đúng với điều kiện sinh thái của vùng đồng bằng sông Hồng (dựa vào bảng 25.1 sgk trang 107-108 và Atlat Địa lí)

Câu 10: Sản phẩm chuyên môn hóa của vùng Tây Nguyên chủ yêu là

A. Cây lương thực.

B. Cây công nghiệp ngắn ngày

C. Cây công nghiệp lâu năm.

D. Gia cầm.

Đáp án: C

Giải thích: Cây công nghiệp lâu năm như cà phê cao su, hồ tiêu là sản phẩm chuyên môn hóa của vùng Tây Nguyên.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Địa Lí lớp 12 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 26: Cơ cấu ngành nông nghiệp

Lý thuyết Bài 27: Vấn đề phát triển của một số ngành công nghiệp trọng điểm

Lý thuyết Bài 28: Vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp

Lý thuyết Bài 30: Vấn đề phát triển ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc

Lý thuyết Bài 31: Vấn đề phát triển thương mại, du lịch

1 2,649 21/12/2023