Lý thuyết KHTN 8 Bài 2 (Cánh diều): Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học

Tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 8 Bài 2: Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học đầy đủ, chi tiết sách Cánh diều sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt KHTN 8.

1 3,900 26/09/2023


Lý thuyết KHTN 8 Bài 2: Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học

A. Kiến thức trọng tâm KHTN 8 Bài 2: Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học

I. Phản ứng hoá học là gì?

Phản ứng hoá học là quá trình biến đổi từ chất này thành chất khác.

Chất ban đầu bị biến đổi trong phản ứng được gọi là chất tham gia phản ứng, chất tạo thành sau phản ứng được gọi là chất sản phẩm.

Ví dụ:

Khi đun nóng hỗn hợp bột sắt (iron) và bột lưu huỳnh (sulfur) ta được hợp chất iron(II) sulfide (FeS).

+ Chất tham gia phản ứng là sắt và lưu huỳnh.

+ Chất sản phẩm là iron(II) sulfide.

II. Diễn biến của phản ứng hoá học

- Các biến đổi hoá học xảy ra khi có sự phá vỡ liên kết trong các chất tham gia phản ứng và sự hình thành các liên kết mới để tạo ra chất sản phẩm.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 2: Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học

Sơ đồ mô tả phản ứng đốt cháy khí methane trong không khí thu được carbon dioxide và nước

- Trong phản ứng hoá học, chỉ có liên kết giữa các nguyên tử thay đổi làm cho phân tử này biến đổi thành phân tử khác, kết quả là chất này biến đổi thành chất khác. Số nguyên tử của mỗi nguyên tố trước và sau phản ứng không thay đổi.

III. Dấu hiệu có phản ứng hoá học xảy ra

Để nhận biết có phản ứng hoá học xảy ra có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

- Có sự thay đổi màu sắc, mùi, … của các chất; tạo ra chất khí hoặc chất không tan (kết tủa); …

Ví dụ: Trong phản ứng của sắt tác dụng với hydrochloric acid, quan sát thấy có bọt khí bay lên.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 2: Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học

- Có sự toả nhiệt và phát sáng

Sự toả nhiệt và phát sáng cũng có thể là dấu hiệu của phản ứng hoá học xảy ra.

Ví dụ: Khi đốt nến, nến cháy có sự toả nhiệt và phát sáng.

Lý thuyết KHTN 8 Cánh diều Bài 2: Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học

IV. Phản ứng toả nhiệt, phản ứng thu nhiệt

1. Khái niệm

Phản ứng hoá học khi xảy ra luôn kèm theo sự toả ra hoặc thu vào năng lượng (thường dưới dạng nhiệt), năng lượng này được gọi là năng lượng của phản ứng hoá học.

+ Phản ứng toả ra năng lượng (dưới dạng nhiệt) được gọi là phản ứng toả nhiệt. Phản ứng toả nhiệt làm nóng môi trường xung quanh.

Ví dụ: Phản ứng đốt cháy than; phản ứng đốt cháy xăng, dầu trong các động cơ; …

+ Phản ứng thu vào năng lượng (dưới dạng nhiệt) được gọi là phản ứng thu nhiệt. Phản ứng thu nhiệt làm lạnh môi trường xung quanh.

Ví dụ: Phản ứng nung vôi (phân huỷ CaCO3 thành CaO và CO2).

2. Ứng dụng của phản ứng toả nhiệt

- Trong sản xuất và đời sống, các phản ứng toả nhiệt có ứng dụng chính là cung cấp năng lượng nhiệt (nhiệt năng) cho các ngành công nghiệp, làm cho các động cơ hay máy phát điện hoạt động.

- Nhiệt năng thu được khi đốt cháy các nhiên liệu như than, xăng, dầu, … có thể được dùng để đun nấu, sưởi ấm, thắp sáng, … Than được sử dụng chủ yếu làm nhiên liệu trong công nghiệp. Xăng, dầu được sử dụng chủ yếu trong vận hành các máy móc, phương tiện giao thông như: xe máy, ô tô, tàu thuỷ, …

B. Bài tập KHTN 8 Bài 2: Phản ứng hóa học và năng lượng của phản ứng hóa học

Câu 1: Hòa muối ăn vào nước là:

A. Phản ứng hóa học

B. Phản ứng tỏa nhiệt

C. Phản ứng thu nhiệt

D. Sự biến đổi vật lí

Đáp án đúng: D

Câu 2: Đốt cháy cây nến trong không khí là phản ứng hóa học vì

A. Có sự thay đổi hình

B. Có sự thay đổi màu sắc của chất

C. Có sự tỏa nhiệt và phát sáng

D. Tạo ra chất không tan

Đáp án đúng: C

Câu 3: Thí nghiệm nung gốm là:

A. Phản ứng thu nhiệt

B. Phản ứng tỏa nhiệt

C. Phản ứng phân hủy

D. Phản ứng thế

Đáp án đúng: A

Câu 4: Phản ứng thu nhiệt là

A. Phản ứng có nhiệt độ lớn hơn môi trường xung quanh

B. Phản ứng có nhiệt độ nhỏ hơn môi trường xung quanh

C. Phản ứng có nhiệt độ bằng môi trường xung quanh

D. Phản ứng không có sự thay đổi nhiệt độ

Đáp án đúng: B

Câu 5: Điền vào chỗ trống: "Trong phản ứng hóa học, chỉ có ... giữa các nguyên tử thay đổi làm cho phân tử này biến thành phân tử khác, kết quả chất này biến đổi thành chất khác"

A. phản ứng

B. liên kết

C. điều chế

D. đốt cháy

Đáp án đúng: B

Câu 6: Điền vào chỗ trống: "Các phản ứng hóa học khi xảy ra luôn kèm theo sự tỏa ra hoặc thu vào ...(thường dưới dạng ...), ... này được gọi là ... của phản ứng hóa học."

A. nhiệt, năng lượng, nhiệt, nhiệt

B. năng lượng, nhiệt, năng lượng, năng lượng

C. năng lượng, nhiệt, nhiệt, năng lượng

D. nhiệt, năng lượng, nhiệt, năng lượng

Đáp án đúng: B

Câu 7: Chất mới được tạo thành sau phản ứng hóa học là:

A. Chất rắn

B. Chất lỏng

C. Chất phản ứng

D. Chất sản phẩm

Đáp án đúng: D

Câu 8: Dấu hiệu có phản ứng hóa học xảy ra là:

A. Có sinh nhiệt

B. Xuất hiện kết tủa

C. Có sự thay đổi màu sắc, mùi,... của các chất

D. Xuất hiện chất mới

Đáp án đúng: D

Câu 9: Nước được tạo ra từ nguyên tử của các nguyên tốc hóa học nào?

A. Carbon và oxygen

B. Hydrogen và oxygen

C. Nitrogen và oxygen

D. Hydrogen và nitrogen

Đáp án đúng: B

Câu 10: Phản ứng hóa học là gì?

A. Quá trình biến đổi chất này thành chất khác

B. Quá trình biến đổi từ chất rắn thành chất lỏng

C. Quá trình biến đổi từ chất lỏng thành chất khí

D. Quá trình biến đổi từ chất rắn thành chất khí

Đáp án đúng: A

Xem thêm các bài lý thuyết KHTN 8 sách Cánh diều hay, chi tiết tại

Lý thuyết Bài 3: Định luật bảo toàn khối lượng. Phương trình hóa học

Lý thuyết Bài 4: Mol và tỉ khối của chất khí

Lý thuyết Bài 5: Tính theo phương trình hóa học

Lý thuyết Bài 6: Nồng độ dung dịch

Lý thuyết Bài 7: Tốc độ phản ứng và chất xúc tác

1 3,900 26/09/2023


Xem thêm các chương trình khác: