Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 21 (Cánh diều)

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 24906 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

1. Định hướng

a) Kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội đã được học ở Bài 1. Ở đây, tiếp tục rèn luyện viết bài nghị luận xã hội, nhưng bàn về một tư tưởng, đạo lí. Đọc văn bản sau đây và lí giải: Vì sao văn bản này được coi là bài nghị luận về một vấn đề xã hội?

* Tìm hiểu bài mẫu:

Câu hỏi (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

- Văn bản bàn về vấn đề gì?

- Xác định luận đề và luận điểm của văn bản

- Chỉ ra các lí lẽ và bằng chứng

- Nhận biết các thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh, …

- Nhận biết các tri thức về bối cảnh lịch sử, văn hóa, hiểu biết về Nguyễn Trãi được nêu trong bài.

Trả lời:

- Văn bản bàn về vấn đề:

 Nguyễn Trãi luôn coi mình là trí thức và đã có những đóng góp vẻ vang của người trí thức vào sự nghiệp của dân tộc anh hùng.

- Xác định luận đề và luận điểm của văn bản:

+ Ưu hoạn của Nguyễn Trãi là ưu hoạn của người gắn bó với nhân dân, là ưu hoạn của bản thân nhân dân, là ưu hoạn đã tạo nên chính sự nghiệp của người trí thức.

- Chỉ ra các lí lẽ và bằng chứng:

Lí lẽ:

+ Sao có thể gọi trí thức là những kẻ chỉ lo lắng cho bản thân và chỉ băn khoăn trước sự mất còn nhỏ nhặt của cuộc sống?

+ Sao có thể gọi trí thức là những kẻ không ra khỏi cái vỏ ốc của thân phận mình, không thấy được lẽ sống của nhân loại, không xác định được trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc và nhân dân?

Bằng chứng:

+ Khi Trần Hưng Đạo “ngày quên ăn, đêm quên ngủ, nước mắt đầm đìa, lòng đau như cắt” thì ưu hoạn của ông chính là ưu hoạn của người trí thức anh hùng trước sự tàn bạo của quân thù và nguy cơ diệt vong của cả dân tộc.

- Nhận biết các thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh, …:

+ Thao tác giải thích: Đau khổ của người trí thức chính là ….

+ Thao tác phân tích: Phân tích Nguyễn Trãi suốt đời suy tư trước nỗi đau khổ của nhân dân …

+ Thao tác bác bỏ: Khắc hẳn với những nhà nho đương thời mà một bộ phận đã theo giặc, một bộ phận khác đi với các vua Hậu Trần, Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi….

…..

- Nhận biết các tri thức về bối cảnh lịch sử, văn hóa, hiểu biết về Nguyễn Trãi được nêu trong bài.

+ Bối cảnh lịch sử, văn hóa: Lê Lợi – người anh hùng áo vải Lam Sơn không thuộc dòng họ vua chúa nhưng có khả năng tập hợp quảng đại nhân dân để giải phóng đất nước. Nguyễn Trãi đã đi theo Lê Lợi đánh giặc.

+ Hiểu biết về Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi tình nguyện suốt đời trung thành dưới cờ của Lê Lợi

b) Để viết được bài nghị luận về một vấn đề xã hội bàn về một tư tưởng, đạo lí, các em cần lưu ý:

- Lựa chọn một vấn đề tư tưởng, đạo lí nổi bật trong đời sống xã hội để làm đề tải cho bài nghị luận. Loại đề nghị luận này thường thông qua các câu danh ngôn, tục ngữ, ca dao hoặc lời phát biểu nổi tiếng của các nhân vật lịch sử... để yêu cầu người viết bàn luận, làm rõ.

- Nên tìm tòi các vấn đề tư tưởng, đạo lí có tính thời sự và liên quan đến thế hệ trẻ. Ví dụ như: lí tưởng sống của thanh niên xưa và nay, quan niệm về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của lớp trẻ thời kì hội nhập,...

- Tìm hiểu kĩ vấn đề được lựa chọn, xác định nội dung cần được trình bày.

- Tìm ý và lập dàn ý cho bài viết: xác định luận đề, các luận điểm, lựa chọn dẫn chứng. Bố cục bài viết theo ba phần các luận điểm, lí lẽ được triển khai phải gắn bó mật thiết và xuất phát từ luận đề đã nêu. Các dẫn chứng có thể lấy từ đời sống, trong lịch sử và trong tác phẩm văn học.

- Xác định rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề đã nêu. Vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm trong thực tế để bài viết trở nên sâu sắc và có ý nghĩa xã hội hơn.

2. Thực hành

Bài tập (trang 23 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Đề bài: Quan niệm của em về lòng yêu nước.

a) Chuẩn bị

- Xác định yêu cầu của đề Xem lại mục Định hướng ở trên.

- Tìm hiểu quan niệm và những biểu hiện cụ thể con người, sự việc, nhân vật, sự kiện,...) về lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong cuộc sống và trong lịch sử dụng nước, giữ nước từ xưa đến nay của dân tộc ta.

- Liên hệ với một số tác phẩm văn học đã học, đã đọc viết về lòng yêu nước (từ văn học dân gian đến văn học viết).

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết theo gợi dẫn:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Cánh diều (ảnh 1)

- Em quan niệm lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ cho lợi ích của tổ quốc.

- Các biểu hiện của lòng yêu nước:

Thời kỳ chiến tranh

+ Sẵn sàng dấn thân mình ra chiến trường để chiến đấu chống lại kẻ thù.

+ Không ngại khó khăn, gian khổ góp phần giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước.

+ Hậu phương thì tăng gia sản xuất, quyên góp lương thực lương thực, thực phẩm để chi viện cho tiền tuyến.

+ Sức mạnh của lòng yêu nước thời kỳ này vô cùng to lớn, có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước.

Thời kỳ hòa bình

+ Xây dựng đất nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

+ Mong muốn mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và sự phát triển bền vững đất nước.

+ Nỗ lực góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới như lời Bác Hồ dạy.

+ Hơn thế nữa, lòng yêu nước còn biểu hiện qua tình yêu gia đình, tình yêu giữa con người với con người.

Thi sĩ, nhạc sĩ thể hiện lòng yêu nước qua các tác phẩm thơ ca, nhạc họa ca ngợi những vị anh hùng dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước.

- Lòng yêu nước có giá trị và ý nghĩa to lớn. Lòng yêu nước truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá. Có biết bao thế hệ thanh thiếu niên đã cố gắng học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.

- Quan niệm yêu nước ngày nay mới so với truyền thống là:

+ Ngày xưa yêu nước là cùng nhau đoàn kết chống giặc

+ Ngày nay thời bình là cùng nhau đoàn kết, phấn đấu, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau

- Ví dụ về lòng yêu nước: tham gia các hoạt động từ thiện, xây dựng trường học, bệnh viện ở những vùng xa xôi, luôn luôn giữ được những phong tục tập quán tốt của tổ tiên giới thiệu với bạn bè quốc tế, cần cù lao động, phát minh ra các công cụ lao động máy cắt lúa, máy xấy lúa, các máy móc tự động khác,...giúp nâng cao nâng suất lao động và chất lượng sản phẩm nhằm phát triển đất nước, ...

- Lập dàn ý bằng cách lựa chọn và sắp xếp các ý theo ba phần lớn của bài văn.

c) Viết

Bài viết mẫu tham khảo:

Cuộc đời mỗi con người bao giờ cũng gắn liền với một quê hương, xứ sở, một đất nước. Có thể nào sống giữa xứ sở, quê hương đó mà không hề gắn bó, yêu thương? Ngày bé thơ, chúng ta còn ngây ngô chưa hiểu:

"Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?"

Nhưng khi đã lớn khôn, có lẽ ai cũng có thể cảm nhận một cách sâu sắc về tình yêu đất nước trong mình.

Đất Nước - hai tiếng ấy gợi nhắc chúng ta biết bao điều thiêng liêng, ấm áp. Tổ tiên, nguồn cội chúng ta ở đâu? Chúng ta sinh ra, lớn lên, già yếu và chết đi ở đâu? Nơi nào cho ta cuộc sống của chính bản thân mình?

Đó chính là Đất Nước. Yêu nước, yêu Tổ quốc là tình cảm quý báu luôn thường trực trong mỗi trái tim Việt Nam. Tự nó đã đan dệt thành lịch sử, và có thể nói, lịch sử dân tộc Việt cũng chính là lịch sử của lòng yêu nước. Tình yêu đất nước là tình cảm gắn bó sâu nặng giữa con người với quê hương, dân tộc. Nó không chỉ là sự cố kết giữa con người với nơi “chôn nhau cắt rốn", với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên mà nó còn là sự giao kết giữa tâm hồn mỗi người dân với linh hồn dân tộc.

Nếu đột nhiên có ai đó hỏi bạn có yêu nước không? Hãy tự tin trả lời bằng một câu khẳng định, bởi lẽ yêu nước không nhất thiết là cầm súng, gươm tranh đấu với kẻ thù. Thời bình người ta thể hiện lòng yêu nước khác với thời chiến.

Thời phong kiến yêu nước là phải gắn liền với “trung quân”, “tề gia trị quốc” thì ngày nay yêu nước lại gắn liền với yêu lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa. Tình yêu đất nước như một viên đá ngũ sắc, mỗi cạnh mỗi mặt của nó có một màn lung linh khác nhau. Mỗi thời đại sẽ làm cho viên đá đó mang những màu sắc khác biệt.

Khi bạn say mê trước một thắng cảnh của đất nước, khi bạn tích cực bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện đại hay khi bạn biết và trăn trở trước vấn đề biển Đông - một trong những vấn đề đang từng ngày, từng giờ nóng dần trên các diễn đàn, trang mạng hay báo chí và cầm bút để viết lên những dòng cảm xúc của mình để gửi đến Trường Sa thân yêu… thì chính lúc đó tình yêu đất nước trong bạn đang hiện rõ. Khi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, khi các nhà Thơ mới viết những câu thơ, bài thơ thật hay ngợi ca vẻ đẹp quê hương Việt Nam, đó cũng đúng là lúc cảm hứng nghệ thuật của các nghệ sĩ đang thăng hoa trong tình yêu đất nước. Không yêu, không gắn bó với mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, làm sao cụ Tam Nguyên có thế viết chùm thơ thu tuyệt bút, phác nên khung cảnh tuyệt đẹp của miền quê Việt Nam:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

(Thu điếu)

Nếu chỉ thuần túy là tài năng, liệu rằng nữ sĩ Anh Thơ có thể phát được bức họa thiên nhiên bằng ngôn từ đẹp thế này:

Ngoài bờ đê cỏ non tràn biếc cỏ

Bầy sáo đen sà xuống mổ vu vơ

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

(Chiều xuân)

Yêu thiên nhiên chính là biểu hiện của lòng yêu nước - một biểu hiện không cầu kì, ồn ào mà hết sức giản dị, tự nhiên.

Nhưng tình yêu đất nước không chỉ được đan dệt bằng tình yêu thiên nhiên. Yêu nước còn được biểu hiện bằng niềm tự hào dân tộc. Người Việt Nam có rất nhiều điều đáng tự hào về quê hương, đất nước mình. Chúng ta vẫn nhắc lại cho nhau nghe những chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều câu chuyện, nhiều áng văn thơ ngợi ca tinh thần đấu tranh ngoan cường của nhân dân, dân tộc. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều bảo tàng lưu giữ những kỷ vật khắc ghi chiến công của các anh hùng, nghĩa sĩ, chiến sĩ đã đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc... Niềm tự hào không chỉ in dấu trong các chiến công oanh liệt mà còn in đậm ở truyền thống văn hoá. Đọc Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, người đọc bắt gặp rất nhiều di tích văn hoá – lịch sử lâu đời của dân tộc: những ngôi chùa, mái đình, những làng nghề cổ truyền... Gắn với mỗi di tích ấy là bao truyền thuyết lịch sử, lễ hội đầu xuân, lời ca điệu hát truyền lại từ đời này sang đời khác... Mạch thơ tuôn trào không đứt cùng với niềm tự hào khốn tả:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Càng yêu mến, càng tự hào về quê hương giàu đẹp, trù phú bao nhiêu, người Việt Nam càng căm thù bè lũ cướp nước, bán nước bấy nhiêu. Đất nước bốn nghìn tuổi cũng là đất nước bốn nghìn năm kiên cường đấu tranh giữ nước:

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh.

(Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm)

Bốn nghìn năm đó biết bao người đã ngã xuống "Để Đất Nước này là đất Nước của nhân dân". Hi sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ từng gốc lúa, bờ tre cho Tổ quốc, ý chí chiến đấu đó đã đưa mỗi người con đất Việt đi tới chiến thắng trước mọi bè lũ xâm lăng hung hãn nhất.

Đất nước hoà bình, "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” viên ngũ sắc yêu nước lại mang sắc màu lung linh khác. Ý thức về vận mệnh dân tộc vẫn được giương cao nhưng mỗi người tự khắc nhận thức được vai trò của minh đối với sự nghiệp canh tân đất nước. Học sinh thi đua học tốt, giáo viên thi đua dạy tốt, nông dân thi đua canh tác vụ mùa bội thu, công nhân thi đua lao động sản xuất, các chiến sĩ nơi biên thùy vẫn chắc tay súng... Ai ai cũng cố gắng hết sức để góp phần nhỏ bé trong công cuộc dựng xây đất nước. Những huy chương từ các cuộc thi Olympic Vật lý, Toán học quốc tế, từ các đại hội thể thao khu vực, những thành tựu trên các mặt trận kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật… các năm gần đây chẳng phải được xây dựng nên từ lòng yêu nước, từ ý chí, tinh thần chiến đấu, lao động vì màu cờ sắc áo của dân tộc sao? Đất nước bốn nghìn năm tuổi nhưng ngày càng trẻ ra, ngày càng hiện đại, văn minh hơn. Đó là nhờ bao bàn tay yêu nước không ngừng chung sức đắp xây đất nước. Sự nỗ lực của mỗi cá nhân đã góp phần vinh danh cho dân tộc, góp phần đưa Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.

Như vậy, có thể hiểu một cách nôm na, yêu đất nước là yêu tất cả những gì đẹp đẽ thuộc về xứ sở quê hương, là không ngừng giữ gìn, xây đắp cho tổ quốc thêm giàu mạnh, là không ngừng chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác có nguy cơ xâm hại đến quốc; gia...

Tình yêu đất nước là tình yêu muôn màu. Nó thường trực trong mỗi con người và không nhất thiết phải được bộc lộ, biểu hiện như nhau. Tình yêu đất nước tiềm chứa trong nó sức mạnh cực kỳ to lớn. Nó là bệ đỡ tinh thần cho mỗi người trong cuộc sống này. Tại sao “đất nước” vẫn là chủ đề bất tận để các nhạc sĩ, hoạ sĩ, các nhà thơ, nhà văn mọi thời đại, mọi thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật? Tại sao kiều bào Việt Nam sóng ở nước ngoài luôn hướng về đất nước? Tại sao những người con xa Tổ quốc đó, lúc về già luôn ao ước được yên nghỉ tại quê hương bản quán? Chính tình yêu đất nước đã nuôi dưỡng tâm hồn họ, dẫn bước cho họ vững vàng trong hành trình sống.

Không chỉ nâng đỡ tinh thần con người, lòng yêu nước còn là đòn bẩy khiến mỗi chúng ta sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với quê hương, dân tộc và với chính bản thân mình. Thực ra, ở mỗi người, khát vọng vinh danh cho quê hương đất nước không khi nào tách rời khát vọng vinh danh cho chính bản thân cá nhân. Chúng ta say mê học tập, lao động vì chính mình nhưng những thành quả mà ta đạt được sẽ điểm tô cho non sông đất nước. Học thức, tài năng của những sứ thần như Mạc Đỉnh Chi chẳng phải đã khiến vua quan Trung Quốc phải kinh ngạc, nể phục đó sao? Mỗi tấm bia khắc tên tuổi các vị trạng nguyên trong Văn Miếu Quốc Tử Giám đâu chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài học của họ? Nguyên khí quốc gia là ở đó, Lòng yêu nước đã thôi thúc họ say mê học tập, thôi thúc họ làm rạng danh cho đất nước. Lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã khiến các nước đế quốc phải chùn nhụt bước chân xâm lược. Nó là yếu tố cốt lõi nhất mang lại sự trường tồn vĩnh cửu cho giang sơn, tổ quốc này. Sức mạnh của tình yêu đất nước là vô biên, tuyệt đích, là bất khả xâm phạm. Nhận thức được điều đó, chúng ta càng nên gìn giữ, vun đắp để tình yêu đất nước mãi cháy sáng trong ta, để sức mạnh này càng nhân lên gấp bội trong cộng đồng dân tộc.

Nhận thức được sức mạnh của tình yêu đất nước, mỗi chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định cho mình ý thức bồi dưỡng tình cảm đó. Với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, anh “tự nguyện” dâng hiến cuộc đời mình: "Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người tôi sẽ chết cho quê hương. Tất nhiên, chết cho quê hương là cách nói hình ảnh, thể hiện sự cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc. Thế hệ trẻ chúng ta có muôn vàn cách để chứng tỏ tình yêu quê hương, tổ quốc trong mình. Vũ khí trong tay chúng ta là sức mạnh tuổi trẻ, nhiệt huyết thanh xuân, là tri thức vững vàng, là nhân cách đạo đức trong sáng. Không có lý do gì để chúng ta không noi gương tinh thần yêu nước của cha anh. Không có lý do gì để chúng ta không hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ học tập của mình. Không có lý do gì để chúng ta không làm giàu cho quê hương, đất nước bằng sức lao động chân chính. Và càng không có lý do gì để chúng ta không thể đối diện chiến đấu với những tệ nạn đang nảy nở trong cuộc sống hôm nay.

Chắc chắn mỗi người dân Việt Nam ai cũng mang trong mình tình yêu đất nước. Nhưng làm thế nào để tình yêu đó ngày càng nồng nàn, tha thiết, ngày càng mãnh liệt hơn - đó là điều ai cũng cần tự giác nhận thức và tìm cho ra câu trả lời. "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" - lời ca ấy cũng chính là thông điệp nhắc nhở chúng ta nên quên đi “cái tôi” ích kỷ của mình để sum vầy cùng dựng xây đất nước.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

 Đọc lại bài, đoạn văn đã viết để xem xét theo hướng dẫn sau:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Cánh diều (ảnh 1)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 3

Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc

Đại cáo bình Ngô

Gương báu khuyên răn (bài 43)

Thực hành tiếng Việt trang 20

Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội

Tự đánh giá: Thư dụ Vương Thông lần nữa

Hướng dẫn tự học trang 32

1 24906 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: