Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em trang 77 (Kết nối tri thức)

Hướng dẫn soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em trang 77 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em trang 77 để chuẩn bị bài và soạn văn 6. Mời các bạn đón xem:

1 3829 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em trang 77 Kết nối tri thức

Bài giảng Soạn văn lớp 6 Tập 1 Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em trang 77

A. Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em ngắn gọn

Phân tích bài viết tham khảo:

- Người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng "tôi").

- Giới thiệu câu chuyện: Tôi có nhiều trải nghiệm vui... bao giờ quên.

- Sử dụng các chi tiết miêu tả cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện: Chuyện xảy ra vào cuối tháng 9... công sức của mình.

- Tập trung vào sự việc đã xảy ra: Không kịp suy nghĩ... làm gì cả!".

- Sắp xếp các chi tiết hợp lí theo trật tự thời gian, nguyên nhân - kết quả: Khi cô chủ nhiệm... lên nhìn bạn.

- Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể: Về nhà, tôi càng nghĩ... chuyện với tôi nữa!

- Chỉ ra sự quan trọng của trải nghiệm với người viết: May mắn là... cho tớ nhé!

Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a) Lựa chọn đề tài: Tham khảo một vài ý tưởng ở bài Tôi và các bạn. Ngoài ra, để tìm được đề tài, em có thể liệt kê những sự việc quan trọng đã xảy ra với mình theo trình tự thời gian (bắt đầu vào Tiểu học, chia tay mái trường Tiểu học, gia đình chuyển nhà, khi mới vào trường THCS, làm quen với bạn mới,...).

b) Tìm ý:

Có thể tìm ý bằng các cách sau:

- Tự đặt một số câu hỏi và trả lời: Chuyện gì? Khi nào? Ở đâu? Ai? Vì sao? Thế nào?

- Hình dung, tưởng tượng: Nhắm mắt lại và hình dung về câu chuyện trong trí nhớ cuae em.  Hãy viết nhanh những gì xuất hiện trong tâm trí em, dù thoáng qua, bằng một vài cụm từ hoặc câu ngắn.

- Sử dụng kỉ vật: Tìm lại những kỉ vật (nếu có) liên quan đến câu chuyện em định kể (một bức tranh, món quà, bài hát, dòng nhật kí,... có thể gợi lại cho em những điều đã xảy ra).

- Phỏng vấn: Nếu có thể, hãy tới gặp những người có liên quan đến câu chuyện của em, phỏng vấn và ghi chép lại.

- Kể trải nghiệm của em cho các bạn trong nhóm nghe. Các bạn sẽ hỏi em về những chi tiết quan trọng của câu chuyện. Hãy ghi lại để bổ sung cho câu chuyện của mình.

c) Lập dàn ý: Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.

- Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.

+ Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan.

+ Kể lại các sự việc trong câu chuyện theo trình tự hợp lí (thời gian, không gian, nguyên nhân - kết quả, mức độ quan trọng của sự việc,...).

Sự việc 1.

Sự việc 2.

Sự việc 3.

...

- Kết bài: Nêu cảm xúc của người viết và rút ra ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với bản thân.

2. Viết bài

Bám sát dàn ý khi viết bài: Xem lại những lưu ý khi viết bài ở bài Tôi và các bạn. Ngoài ra, em cần lưu ý thêm:

- Sử dụng các chi tiết miêu tả thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện.

- Rút ra kết luận thuyết phục về ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với bản thân.

Bài viết tham khảo

Đã lâu tôi chưa được về thăm quê. Bố đi công tác ở đảo xa. Ông bà nội đã mất.

Gần Tết mà bố tôi vẫn chưa về. Sáng 27 tháng Chạp, mẹ nói với hai con "Chiều nay ba mẹ con mình về quê, đi thăm mộ ông bà..." Bé Lan reo lên còn tôi thì nao nao, buồn vui khôn tả xiết. Tôi nhẩm tính: "Ông mất đã hơn tám năm, bà thì đã đi xa gần sáu năm..." Hình ảnh ông nội mái tóc bạc phơ, chòm râu dài, gương mặt hồng hào phúc hậu ngồi uống trà với khách; hình ảnh bà nội ôm hai cháu vào lòng, kể cho các cháu nghe bao chuyện cổ tích....tôi như thấy hiển hiện trước mắt mình. Nước mắt tôi ứa ra.

Đoạn đường dài hơn 30 cây số, xe máy mẹ đi chỉ hơn một tiếng đồng hồ là về tới quê. Làng Văn Xá quê nội trải rộng một màu xanh lúa chiêm xuân. Cò trắng ở đâu bay về sao nhiều thế? Cây đa cổ thụ xanh um, ngôi đình cổ mái ngói rêu phong, dòng sông Tam Thê lặng lờ trôi, trâu bò hiền lành gặm cỏ trên đê....Cảnh vật thân quen, đáng yêu lạ. Tôi càng ngắm nhìn càng bâng khuâng.

Ngôi nhà ngói năm gian của ông bà nội thương yêu vẫn còn đó. Tôi cảm thấy vắng vẻ. Chú, thím Lợi và ba em Nhân, Hòa, Thái vui vẻ, tíu tít đón ba mẹ con tôi. Nhân đã học lớp bốn. Hòa đã học lớp ba. Thái học lớp một. Cả ba đều học giỏi, rất vui mừng khi nhận quà và tiền mừng tuổi của bác Nga. Chỉ có một cái cặp sách, hai em đều nhường lại cho Nhân. Nghe bác nói: "Bác sẽ gửi túi xách về cho hai cháu để đi học....". Hai em Hòa và Thái reo lên!.

Sau bữa cơm ở nhà chú thím, ba em nhỏ đưa hai chị ra thăm vườn. Qua cây cau, cây cam, cây bưởi, tôi đứng lặng. Qua bờ ao, luống rau, tôi đi chậm lại. Tôi tưởng như ông bà đang nói khi nghe gió lao xao, thì thầm: "Cây cỏ cũng có tình, có nghĩa đấy cháu ạ!"...

Đêm đó, nằm ngủ trên giường bà, tôi thao thức mãi. Tám, chín năm về trước, bà vẫn ôm ấp và ru tôi ngủ trên chiếc giường này....

Sáng hôm sau, ba mẹ con tôi theo chú thím và đợi ba em đi ra nghĩa trang thăm mộ ông bà. Mộ ông bà đã được xây vuông vắn, nhưng trên đỉnh mộ vẫn mọc nhiều cỏ xanh. Bố mẹ tôi và chú Lợi đã làm đúng lời căn dặn của ông bà trước lúc ông bà về lão: " Xây đắp mộ ông bà cần giản dị, đừng có phô trương. Phải lo cho các cháu học giỏi và hiếu thảo. Được như vậy là ông bà ở thế giới bên kia sung sướng lắm rồi.!"

Khiêm tốn, giản dị, chất phác là nếp sống của ông bà nội. Cha mẹ tôi vẫn nhắc nhở chị em tôi thế.

Mẹ và chú Lợi bày hương hoa lên mộ ông bà, thắp hương và khấn vái. Mẹ khóc và chị em tôi cũng khóc. Cả ba đứa em cũng khóc theo.

Nắng lên. Cảnh nghĩa trang trong làn khói hương u huyền càng trở nên vắng lặng. Tôi man mác buồn khi cắm nén hương lên mộ ông bà. "Bà ơi, ông ơi! Bố cháu đi công tác xa chưa về kịp. Ba mẹ con cháu về thăm ông bà, cháu chỉ mong ông bà vui..." – Tôi thầm khấn. Nước mắt cứ chảy dài trên má...

Tết năm nay sắp đến. Bóng chiều xuống trầm trầm. Nhìn bàn thờ ông bà, tôi lại nhớ về lần về thăm quê thời còn học lớp Bảy.

3. Chỉnh sửa bài viết

- Rà soát, tự chỉnh sửa bài viết của em theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầu

Gợi ý chỉnh sửa

Giới thiệu được trải nghiệm.

Nếu chưa giới thiệu được trải nghiệm, hãy viết một hoặc một vài câu giới thiệu câu chuyện em định kể.

Sử dụng nhất quán từ ngữ xưng hô.

Khoanh tròn những từ ngữ chỉ người kể chuyện trong bài viết. Nếu chưa nhất quán, cần sửa lại.

Tập trung vào sự việc đã xảy ra.

Bổ sung các thông tin cần thiết để người đọc hiểu được câu chuyện (nếu thấy thiếu): lược bớt các chi tiết thừa, dài dòng, không tập trung vào câu chuyện.

Sắp xếp các sự việc, chi tiết theo trình tự hợp lí.

Đánh số vào các sự việc. Nếu trình bày các sự việc, chi tiết chưa hợp lí, hãy sắp xếp lại. Có thể bổ sung từ ngữ để liên kết các sự việc, chi tiết.

Có các chi tiết miêu tả cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện.

Bổ sung các chi tiết về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện (nếu thấy thiếu).

Thể hiện được cảm xúc trước sự việc được kể.

Gạch dưới những từ ngữ thể hiện cảm xúc trước sự việc. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung.

Lí giải được ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm.

Đánh dấu những câu văn lí giải ý nghĩa: tầm quan trọng của trải nghiệm. Nếu chưa thuyết phục, hãy điều chỉnh.

Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.

Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,...). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

- Em có thể chỉnh sửa bài viết bằng cách nhờ bạn đọc, góp ý cho bài viết của mình bằng một số câu hỏi, chẳng hạn:

+ Phần nào của bài viết bạn thấy còn chưa rõ?

+ Cần bổ sung nội dung gì cho bài viết?

+ Nên lược bỏ câu hay đoạn nào trong bài viết?

+ Bài viết có mắc lỗi chính tả và diễn đạt không?

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em

Yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm:

- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.

- Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.

- Tập trung vào sự việc đã xảy ra.

- Sắp xếp các sự việc, chi tiết theo trình tự hợp lí.

- Sử dụng các chi tiết miêu tả cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện.

- Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể; rút ra được ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với người viết.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay, ngắn gọn khác:

Kể về một trải nghiệm của em

Củng cố và mở rộng trang 83

Thực hành đọc: Lắc-ki thực sự may mắn

Tri thức Ngữ văn

Chùm ca dao về quê hương đất nước

1 3829 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: