Thủ tục đăng ký tạm trú tại Hà Nội năm 2023 [MỚI NHẤT]

Bạn đang ở Hà Nội, bạn cần tìm hiểu về thủ tục đăng ký tạm trú theo Luật Cư trú mới nhất. Năm 2023 luật cư trú đã có một số thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện tại. Vậy thủ tục đăng ký tạm trú ở Hà Nội được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé.

1 246 04/08/2023


Thủ tục đăng ký tạm trú tại Hà Nội năm 2023 [MỚI NHẤT]

1. Khái niệm đăng ký tạm trú

– Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ. Việc đăng ký tạm trú là yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với công dân, khi họ thay đổi nơi cư trú của mình (Từ địa chỉ thường trú tới nơi sinh sống khác). Đăng ký tạm trú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cá nhân công dân và Nhà nước.

Thủ tục đăng ký tạm trú tại Hà Nội năm 2023 [MỚI NHẤT] (ảnh 1)

+ Với người dân: Việc đăng ký tạm trú giúp người dân được Nhà nước công nhận việc di dời khỏi nơi thường trú đến địa phương khác. Khi đăng ký tạm trú, người dân sẽ được hưởng các chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ trong những trường hợp đặc biệt. Hơn nữa, trong nhiều lĩnh vực, để có thể tiến hành các thủ tục hành chính một cách trơn tru và khách quan, công dân phải đăng ký tạm trú tại địa phương mà mình sinh sống: Xin hưởng chế độ thai sản, rút bảo hiểm xã hội một lần,…Có thể hiểu, đăng ký tạm trú là việc Nhà nước công nhận địa điểm cư trú hợp pháp của người dân, người dân sẽ được pháp luật bảo hộ, Nhà nước bảo vệ tại nơi mà mình tạm trú.

+ Với Nhà nước: Đăng ký tạm trú giúp Nhà nước quản lý người dân một cách rõ ràng. Bởi chỉ khi đăng ký tạm trú, Nhà nước mới công nhận chỗ ở hợp pháp của người dân và đưa ra những biện pháp hỗ trợ pháp lý kịp thời theo quy định của pháp luật (Chính quyền địa phương chỉ có thể nắm bắt được dân số khi người dân đăng ký tạm trú tại địa phương của họ). . Về nguyên tắc, Nhà nước quản lý đời sống người dân. Vì vậy, chỉ khi nắm bắt được chỗ ở của họ, Nhà nước mới đảm bảo đời sống an sinh xã hội an toàn cho họ, đồng thời góp phần đảm bảo trật tự dân số, an sinh xã hội.

2. Đăng ký tạm trú online

– Hiện nay, việc đăng ký tạm trú online đã được Nhà nước công nhận và cho áp dụng. Điều này giúp cho công tác đăng ký tạm trú được nhanh gọn và dễ dàng hơn. Trước kia, khi muốn đăng ký tạm trú, người dân sẽ phải ra Ủy ban nhân dân xã/ phường nơi mà mình cư trú để đăng ký tạm trú. Hơn nữa, trước khi làm thủ tục đăng ký tạm trú, người dân phải xin tạm vắng tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Điều này gây ra sự phức tạp trong thủ tục đăng ký tạm trú. Chính vì phức tạp, nên có rất nhiều trường hợp công dân đi ra khỏi nơi thường trú mà không đăng ký tạm trú. Điều này gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý hành chính tại địa phương; dẫn đến sự bất ổn xã hội, khi mà các tệ nạn ngày một gia tăng.

Ví dụ: Nguyễn Văn A thường trú tại Hải Dương. Tháng 7 năm 2021, A ra thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Tuy nhiên, tại đây, A không đăng ký tạm trú. Tháng 12 năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, không có việc làm, nên A đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản của người dân. Buổi tối, nhân lúc gia đình anh Nguyễn Văn M (cùng xóm trọ) ngủ say, A đã lẻn vào, trộm 1 laptop, 3 điện thoại. Sáng hôm sau, thấy mất đồ, anh M đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Trích xuất camera các hộ xung quanh, phát hiện ra anh A. Tuy nhiên, do A không đăng ký tạm trú nên chính quyền địa phương không nắm bắt được thông tin của A, điều này gây khó khăn trong quá trình điều tra. 

– Đăng ký tạm trú online giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại, giúp cơ quan Nhà nước rút ngắn được các thủ tục thực tế rườm rà. Đăng ký tạm trú online với thủ tục, thao tác đơn giản, dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả người dân cùng tiến hành đăng ký. Điều này giúp quá trình quản lý nhân cư của Nhà nước diễn ra quy củ, rõ ràng hơn. 

– Đăng ký tạm trú online là việc công dân cập nhập thông tin của mình nên cổng thông tin điện tử quốc gia. Tại đây, cơ quan Nhà nước thẩm quyền sẽ nắm bắt được địa chỉ cư trú của công dân, phục vụ cho công tác quản lý dân cư.

3. Thủ tục đăng ký tạm trú online tại Hà Nội

– Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hàng năm, số lượng sinh viên, người lao động đổ về đây để học tập và lao động rất lớn. Việc đăng ký tạm trú với thủ tục rườm rà khiến việc quản lý hành chính trở nên quá tải. Cùng với đó, rất dễ bỏ sót công dân khi họ không chịu đăng ký tạm trú. Vậy nên, việc đăng ký tạm trú online tại Hà Nội giúp chính quyền thủ đô quản lý sát xao được dân cư tại đây. từ đó, đưa ra những biện pháp hỗ trợ người dân kịp thời trong những trường hợp cần thiết. 

– Thủ tục đăng ký tạm trú online tại Hà Nội cụ thể như sau: 

Bước 1:  Công dân đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú tại địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/.

Tại đây, cá nhân chọn Tạm trú để tiến hành thực hiện thủ tục.

Hệ thống yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia để tiếp tục.

Nếu chưa có tài khoản, công dân chọn Đăng ký phía dưới để tạo tài khoản

(Người dân cũng có thể truy cập từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đăng nhập và chọn Nộp trực tuyến để chuyển sang Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú).

Bước 2: Khai báo đầy đủ thông tin trên trang Khai báo tạm trú

Lưu ý: Các thông tin có dấu (*) là thông tin bắt buộc phải nhập

– Tỉnh/thành phố; Quận/huyện; Phường/xã: Khai báo nơi công dân dự định đăng ký tạm trú. Khi chọn đầy đủ 03 mục này, mục Cơ quan thực hiện sẽ được điền tự động (công dân không được lựa chọn);

– Mục Thủ tục: Chọn thủ tục hành chính bạn yêu cầu thực hiện. Nếu đăng ký tạm trú, chọn mục Đăng ký tạm trú. Nếu đăng ký lập hộ mới thì tích chọn mục này; nếu đăng ký tạm trú vào hộ khác thì không chọn.

Sau đó, chọn trường hợp của bạn như: Nhân khẩu từ ngoài tỉnh đến; Nhân khẩu từ ngoài xã trong huyện đến; Hộ từ ngoài tỉnh đến…

– Mục Tạm trú từ ngày và Tạm trú đến ngày: Điền thời gian dự định đăng ký tạm trú;

– Mục Người khai báo là người thay đổi: Nếu tích chọn mục này, những thông tin của tài khoản sẽ tự động nhập vào thông tin người thay đổi. Nếu chưa có thông tin, hệ thống không cho phép chọn và sẽ thông báo: đề nghị công dân đến cơ quan đăng ký quản lý cư trú để thực hiện cập nhật bổ sung thông tin.

– Họ tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Số Định danh cá nhân (CCCD)/CMND; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại: Khai báo thông tin của người đăng ký tạm trú.

– Họ tên chủ hộ; Quan hệ với chủ hộ; Số ĐDCN (CCCD) /CMND chủ hộ: Tên, thông tin người đứng tên chủ hộ trên đăng ký tạm trú; mối quan hệ người đăng ký với chủ hộ;

– Nội dung đề nghị: Hệ thống sẽ nhảy tự động từ lựa chọn ở mục Thủ tục  Trường hợp phía trên. Tuy nhiên, mục này, người yêu cầu có thể thay đổi được.

– Mục Nơi đề nghị đăng ký tạm trú: Người đề nghị điền địa chỉ đăng ký tạm trú. Thông tỉnh/thành phố; Quận/huyện; Phường/xã được nhập tự động dựa vào thông tin đã khai báo phía trên.

– Mục Hồ sơ đính kèm: Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Bạn có loại giấy tờ bản gốc hay bản sao hay bản chứng thực thì lựa chọn và tải lên bằng cách ấn nút Chọn tệp.

 Nếu cần tải lên giấy tờ khác chọn mục Thêm mới. Chẳng hạn, nếu đăng ký theo danh sách cần tải lên văn bản đề nghị đăng ký tạm trú trong đó ghi rõ thông tin về chỗ ở hợp pháp kèm danh sách người tạm trú. Danh sách bao gồm những thông tin cơ bản của từng người: họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số định danh cá nhân và thời hạn tạm trú.

– Thông tin nhận kết quả giải quyết: Chọn 01 trong 03 hình thức: Trực tiếp, qua email, qua Cổng thông tin (Chọn mục này như nào ảnh hưởng đến việc tra cứu kết quả; Nên chọn qua Cổng thông tin hoặc email để tránh mất thời gian đi lại).

Cuối cùng, tích chọn Tôi xin chịu trách nhiệm về lời khai trên và ấn Lưu và gửi hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả giải quyết

Sau khi gửi hồ sơ đi, người dân cần đợi thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ có trách nhiệm giải quyết trong 03 ngày làm việc.

Nếu được yêu cầu đến trực tiếp để xuất trình các giấy tờ bản chính, người dân cần chấp hành để được đăng ký tạm trú.

4. Điều kiện đăng ký tạm trú

Điều 27 Luật cư trú năm 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú:

Điều 27. Điều kiện đăng ký tạm trú

1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.

Cụ thể điều 23 quy định: 

Điều 23. Địa điểm không được đăng ký thường trú mới

1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú

Điều 28 Luật cư trú 2020 quy định:

Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú

1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.

Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Lệ phí đăng ký tạm trú

Khoản 2 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC:

...2. Đối với các khoản lệ phí

a) Lệ phí đăng ký cư trú là khoản thu đối với người đăng ký cư trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

- Lệ phí đăng ký cư trú đối với việc đăng ký và quản lý cư trú gồm: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu; sổ tạm trú cho hộ gia đình, cho cá nhân; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; gia hạn tạm trú.

- Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quy định mức thu lệ phí phù hợp, đảm bảo nguyên tắc sau: Mức thu lệ phí đối với việc đăng ký cư trú tại các quận của thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc phường nội thành của thành phố cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.

 

1 246 04/08/2023